Nhiều năm trở lại đây, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4) đương nhiên được xem là một sự kiện (event) lớn của giới xuất bản và của sự phát động phong trào đọc sách trong xã hội.
Sự kiện được tổ chức ở cấp trung ương và hầu như tỉnh, thành phố nào cũng có sự hưởng ứng, ở những mức độ khác nhau. Thế nhưng, cũng từ nhiều năm nay, lượng tiêu thụ (đọc sách) ở Việt Nam vẫn mãi chỉ loanh quanh ở mức chưa đến mỗi người/1 cuốn/năm(!)
Tại sao lại như thế? Ngày Sách..., như đã nói, là một sự kiện. Các cuộc ra mắt sách cũng là sự kiện. Vậy, có trục trặc gì ở các “event” to nhỏ này?
Nhà văn Nguyễn Hoài Nam |
Trước hết, phải thừa nhận một thực tế rằng trong đa số trường hợp, người tổ chức ra mắt giới thiệu sách thường chính là người bỏ tiền để in cuốn sách. Đó là nhà xuất bản, công ty sách tư nhân, hoặc là chính tác giả. Họ có thể trực tiếp đứng ra tổ chức hoặc thông qua một công ty truyền thông nào đó, dù thế nào thì tính mục đích cũng thể hiện khá rõ: cuốn sách cần được quảng bá, thông tin về nó cần được người đọc biết đến nhiều nhất và cần tạo được sức kích thích với người đọc mạnh nhất có thể.
Cũng là điều dễ hiểu khi hiện nay, như chúng ta đều biết, xuất bản là một ngành kinh doanh, sách - kể cả sách văn học - được coi là một sản phẩm hàng hóa, mà đã là hàng hóa thì nó phải được đưa ra thị trường, phải được tiêu thụ, phải đem lại lợi nhuận cho người sản xuất... Tuy nhiên, theo một cách nói đã quá quen thuộc, sách là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt, thứ hàng hóa làm phong phú đời sống tinh thần của con người và đôi khi có thể có sức mạnh khiến một cuộc đời người biến đổi đến bất ngờ. Bởi thế, thiết nghĩ, những cuộc ra mắt sách không nên chỉ mang nội dung của hoạt động tiếp thị (quảng cáo) sản phẩm thông thường, mà nó cần thiết phải trở thành một sinh hoạt văn chương, nơi tác giả và độc giả có dịp đối thoại trực tiếp, nơi những quan điểm khác nhau được va chạm, cọ xát; nơi có thể làm bật nảy những ý tưởng mới mẻ và mang tinh thần khai phóng.
Để đạt được mục đích như trên, điều kiện tiên quyết là cuốn sách phải… được đọc, càng nhiều người đọc càng tốt, trước khi diễn ra “event”. Nhưng éo le thay, phần lớn những người làm sách thường không đủ kiên nhẫn để cho cuốn sách có thời gian sống một khoảng đời sống của nó trong người đọc. Sách “xuất xưởng” không bao lâu thì đã tổ chức ra mắt, giới thiệu. “Event” diễn ra, người tham dự hầu hết chưa kịp đọc sách nên không thể có ý kiến gì cả, vì thế, chỉ còn là dịp để tác giả kể lể, trải lòng... và là dịp để một số ít người có điều kiện đọc tác phẩm từ khi nó còn ở dạng bản thảo tung ra những lời khen ngợi, đôi khi quá mức đến quá lố.
Không có đối thoại thực sự, những cuộc ra mắt giới thiệu sách như trên trở nên nhàm chán. Cho nên, khi nhiều điều tiếng cho rằng cuộc nọ cuộc kia chỉ là những cuộc… tâng bốc, thì không phải là không có lý. Nhưng không chỉ có thế. Một số cuộc ra mắt giới thiệu sách, trên thực tế là đã nhiều phen tạo nên hiệu ứng “gây nhiễu” trong đời sống văn chương. Cứ tin vào những gì “người ta” nói như rồng như phượng về cuốn sách trong “event” - sau đó được các phóng viên nhanh nhảu viết lại trên báo giấy, báo mạng... khiến độc giả sốt sắng tìm mua, đọc... và rồi… thất vọng.
Đó là chuyện ở nước ta, còn “event” sách ở “Tây” thì sao? Nhà văn Hồ Anh Thái là người liên tục được đi nước ngoài, liên tục tham gia các hội thảo văn chương, các hội chợ sách quốc tế... và có mối quan hệ rất rộng với nhiều nhà văn thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Những chuyện về sách “ở Tây” đều đã được ông viết lại khá kỹ trong tập sách Họ đã trở thành nhân vật của tôi (Nxb Trẻ, 2012). Không thấy Hồ Anh Thái nói tới trường hợp một cuốn sách cụ thể nào đó được người ta tổ chức ra mắt giới thiệu khi nó vừa xuất bản. Có lẽ đây là việc không cần thiết, khi giới xuất bản phương Tây là những bậc thầy thực sự về cái gọi là “quan hệ công chúng”. Thông tin về tác phẩm được họ cập nhật thường xuyên, ngay từ khi tác giả khởi thảo, đến lúc sách xuất bản thì người đọc chỉ còn việc… đi mua, nếu thấy được thuyết phục. Với những nhà văn ăn khách, bản thân việc tác phẩm mới của họ được xuất bản đã là cả một sự kiện. Người ta sẵn sàng xếp hàng rồng rắn chờ đợi cả đêm chỉ để được sở hữu những ấn bản đầu tiên từ nhà in chuyển đến. Hồ Anh Thái nói nhiều đến “event” sách trong khuôn khổ các hội thảo văn chương, và đặc biệt, các hội chợ sách quốc tế. Người đọc có lẽ sẽ rất thú vị khi, nhân viết về nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, Hồ Anh Thái đã “tạt ngang” để kể một chi tiết trong hội chợ sách quốc tế 2007 ở thành phố cảng Gothenburg, Thụy Điển: “Trong quầy sách của một nhà xuất bản gieo trồng, người ta để bên cạnh sách hướng dẫn trồng cây những giỏ táo giỏ cam trồng theo phương pháp thân thiện môi trường. Khách vào hội chợ được nhặt táo ăn miễn phí” (Thế giới hoàng tử bé, sđd, tr.219). Thực sự là một cách làm “event” rất giàu tính sáng tạo. Đó là sách về trồng trọt, còn sách văn chương thì sao? Thì đây, cũng tại hội chợ sách quốc tế Gothenburg có quy mô lớn nhất Bắc Âu, Hồ Anh Thái cho biết về một hoạt động đặc trưng của hội chợ, đó là các cuộc đọc sách. Đã là hội chợ sách quốc tế thì phải có các cuộc đọc sách của những nhà văn nước ngoài được mời tham dự. Năm ấy, cuộc đọc sách của bốn nhà văn Việt Nam (Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Phan Thị Vàng Anh) được xếp trùng giờ với cuộc đọc sách của Imre Kertesz. Lẽ ra, nó đã có thể bị nhà văn người Hung “vét” hết khách nếu không có một nhân tố: người đọc/ diễn giả - nhà văn Sara Lidman, một tên tuổi được kính trọng bậc nhất trên văn đàn Thụy Điển (Đọc sách cùng Sara Lidman, sđd, tr.236-237). Tất nhiên không phải nhờ thế mà người đọc Thụy Điển có một sự hiểu biết cụ thể về văn chương Việt Nam đương đại. Nhưng ít nhất, nhờ thế mà những viên gạch đầu tiên của sự thông hiểu văn chương đã được đặt xuống. Công ấy, trước hết thuộc về những người tổ chức hội chợ sách, là sáng kiến của những người làm “event”. Rõ ràng, họ biết cách để hội chợ sách không chỉ là một hoạt động kinh doanh của ngành xuất bản; mà hơn thế, phải là một hoạt động văn hóa, nơi sách vở chữ nghĩa được tôn vinh đến hết mức. Và nữa, đã là hội chợ sách thì phải có việc bán sách với giá ưu đãi. Nhưng khác với các hội chợ sách ở ta, dường như mở ra chỉ để bán sách “tồn kho” với những cái giá đã được giảm xuống tới mức tối đa; thì ở các hội chợ sách quốc tế do “Tây” tổ chức, người ta chỉ có thể được mua sách với giá ưu đãi khi đã phải móc hầu bao cho vé vào cửa. Cách làm “event” sách như thế, cách người ta đến với sách nô nức, hân hoan và đầy sự trân trọng như thế, nếu chỉ căn cứ vào các hội chợ sách như chúng đã thực sự diễn ra ở Việt Nam, quả thực là một điều không tưởng! Chỉ một việc là nếu phải bỏ tiền mua vé vào cửa, chắc rằng các hội chợ sách được tổ chức ở ta sẽ rơi vào không khí chùa Bà Đanh ngay từ ngày khai mạc. Và thật chạnh lòng khi nghĩ rằng, trên một phương diện nào đó, trình độ văn minh của một xã hội được phản ánh trực tiếp ở cách người ta ứng xử với sách.
Nhà văn Nguyễn Hoài Nam
Nguồn Văn nghệ số 16/2024