Chuyên đề

Gai sen

Văn học địa phương
10:27 | 19/11/2019
Cứ tầm tháng 5, đến hẹn lại lên, hoa sen trên đầm làng Yên lại nở rộ. Đứng trên đê sông Hồng nhìn xuống làng, dải đất trông tựa hình một cô gái đang ngả đầu về đầm, hai tay ôm bọc lấy làng, trên vai quàng chiếc khăn lụa. Một ngọn gió thoảng qua, chiếc khăn dập dờn bay, lộng lẫy trong sắc nắng đầu hè khoe những mảng mầu tươi xanh, trắng, hồng rực rỡ.
aa

Cứ tầm tháng 5, đến hẹn lại lên, hoa sen trên đầm làng Yên lại nở rộ. Đứng trên đê sông Hồng nhìn xuống làng, dải đất trông tựa hình một cô gái đang ngả đầu về đầm, hai tay ôm bọc lấy làng, trên vai quàng chiếc khăn lụa. Một ngọn gió thoảng qua, chiếc khăn dập dờn bay, lộng lẫy trong sắc nắng đầu hè khoe những mảng mầu tươi xanh, trắng, hồng rực rỡ.

Làng Yên cũng là nơi nổi tiếng trong vùng vì có nhiều con gái đẹp. Gái làng Yên, da phớt hồng mịn mong manh như cánh trong cùng của loài sen trắng, môi thắm hồng như sắc màu sen đỏ. Chiều hạ, sau những ngày mệt nhoài làm lụng trên các cánh đồng, các nàng đến tắm ở góc đầm kín đáo. Đầm nước mát ôm lấy những đường cong tuyệt mĩ và làn da nõn ngần tựa ngó sen. Các cụ bảo: “Gái làng Yên, tắm ao sen, ngấm hương sen, ăn nước nguồn từ đầm sen trong vắt, ngọt mát nên da dẻ, vóc dáng đẹp tươi như thế!”.

Nổi bật trong đám gái làng có một cô gái cũng tên Sen. Cô Sen đẹp người, đẹp nết, hay lam hay làm, việc đồng áng cứ tay năm tay mười, nên đám già cả trong làng ai có con trai lớn cũng để mắt, thèm muốn Sen về làm dâu. Mẹ đặt tên Sen cho cô vì mẹ đã đẻ rơi cô trên chiếc mủng trong một sớm đi hái sen về ướp trà. Đứa bé vừa sinh da đỏ au chỉ sau hai, ba tuần là chuyển sắc trắng hồng, môi thắm, cái miệng chúm chím khóc vang cả một góc đầm. Sen lớn lên, như thứ ánh sáng tỏa trong đầm làng Yên. Đi tới đâu cô cũng nổi bật. Mười tám tuổi, Sen đẹp đến nao lòng để những kẻ khó tính nhất trong làng cũng không thể đi mà không ngoái đầu nhìn lại.

Vào một ngày, tiếng súng đang ùng oàng ở phía xa xa, thỉnh thoảng, mặt đầm khẽ rung lên như sắp rạn vỡ bởi tiếng bom đạn đang tiến về gần làng. Đêm hè trăng sáng, hợp tác xã cho xã viên hái sen. Nam nữ từng cặp chèo hái giữa đầm ngát hương thơm. Những giọt nước còn đọng trên lá sen được nhận ánh sáng trăng, trông lấp lánh như những viên ngọc.

Họ học cùng lớp, lại cùng tổ sản xuất. Sáng đi học, chiều lại ra đồng sau tiếng kẻng làm bằng vỏ quả đạn pháo của ông đội trưởng. Sen ngồi đầu chiếc mủng nan làm nhiệm vụ hái sen. Chàng trai cao lớn, săn chắc đứng sau dùng sào đẩy chiếc mủng lách sâu vào giữa đầm. Một lát, con mủng đã đầy những bông sen còn đang chúm chím, nhưng chàng trai vẫn lái mủng sâu vào đầm.

- Anh sẽ chỉ cho em một cách kiếm cá! Anh nói. Hai hàm răng trắng đều lấp lánh dưới ánh trăng.

Khi tìm được chỗ đánh dấu nơi đặt chiếc rọ tre bẫy cá, chàng trai chuyển ngồi đầu mũi, đỗ mủng cúi xuống, tẽ những bụi cỏ nác mọc chen trong sen rồi nhấc cao những chiếc rọ nặng chịch. Tiếng lóc xóc của những con cá rô béo nẫn trong rỏ đầy quyến rũ. Chàng trai giơ chiếc rọ tre lên đưa về phía cô gái như thể khoe thành tích “sát cá” của mình. Cô gái ngắm chàng trai, trong cô bỗng bừng lên một tình cảm kỳ lạ, cô vừa cười vừa nhấm nhẳng: Sát cá thì được chứ sát gì thì chết...!

Câu nói ấy làm chàng trai dừng tay nhìn Sen. Trăng cao, sáng vô cùng và khuôn mặt Sen rạng ngời trong ánh trăng. Anh bất giác tưởng người con gái trước mặt vụt sáng như một thiên thần, và điều gì đó như một sức hút kỳ diệu đang chỉ cách anh một vòng tay.

Sương từ đâu bắt đầu loang ra, mặt nước đầm khi ẩn khi hiện, con mủng cũng khi ẩn khi hiện như trồi ra trong mây sương. Làn gió lao xao bỗng nổi lên làm Sen hơi lạnh. Cô cất tiếng: Thôi ta về đi anh, sen đầy rồi. Về muộn bà con lại cười cho chết! Chàng trai tiến tới sát cô, anh không ngần ngại cởi chiếc áo ngoài, khoác lên vai cô gái. Sen quay người nhìn anh. Cái mùi mồ hôi đàn ông toát ra từ thân thể cường tráng đang đứng trước mặt như phả vào cô. Sen chợt run rẩy, tự nhiên cô áp mặt vào bộ ngực chàng trai.

Chàng trai kéo sát Sen vào mình. Như có một luồng điện chạy nhanh trong từng tế bào của anh, anh đưa những ngón tay vén những sợi tóc rối bời trên trán cô rồi thầm thì: Trời ơi, em đẹp quá!

Một đám mây như chiếc khăn sậm màu vắt ngang qua vầng trăng làm không gian mờ đi trong giây lát. Họ run rẩy trao nhau nụ hôn đầu tiên, dài tưởng như bất tận. Khi vầng trăng chui ra khỏi đám mây, cô gái ngả đầu xuống đùi chàng rồi để mặc cho người yêu rụt rè mở từng khuy cúc áo...

truyen du thi: gai sen hinh anh 1

Lần đầu được thấy “tòa thiên nhiên” bằng da bằng thịt nên chàng trai run bắn. Anh rơi vào một trạng thái không biết là thực hay mơ. Dưới ánh trăng, những đường cong mềm mại, nõn nà hiện ra hư ảo. “Bức tranh” cô gái giữa đầm sen tinh khiết đến nỗi, chàng trai ngập ngừng, không dám dùng bàn tay chai sần vì lam lũ của mình để chạm vào. Anh cúi xuống, dùng làn môi mơn man, rồi hít hà từng chút một giống như mỗi khi ngửi đóa sen vậy. Hương thơm làm anh ngây ngất.

Ngày hôm sau, cả làng Yên rộ lên, khi một đứa trẻ rao tin, chúng nhìn thấy cô Sen và anh Mịch yêu nhau. Chuyện ấy nhiều người làng đều mừng và cho là đôi trai gái xứng đôi. Thậm chí có người nói oang oang giữa sân hợp tác rằng, còn chần chừ gì nữa, thằng Mịch cưới ngay đi cho làng ăn cỗ! “Cưới vợ phải cưới liền tay”, có cụ già còn đến rỉ tai mẹ Mịch.

Nhưng có một người trong làng không mừng. Thậm chí khi biết tin, hắn nắm bàn tay chặt lại, đấm mấy cái vào bức tường gạch kho thóc của hợp tác đến mức bật máu rồi khóc hu hu. Mãi sau này, Sen mới vỡ lẽ: Từ lâu, cô đã bị rơi vào tầm ngắm của thằng Xô - con ông chủ tịch xã. Thằng Xô đẹp mã lại con nhà cán bộ nhưng “thành tích” ăn chơi của nó nức tiếng khắp làng Yên. Nó đã để ý đến Sen từ lâu nhưng thấy Sen chẳng mặn mà gì nên càng bám Sen như đỉa làm cô rất khó chịu. Biết việc Sen đã yêu Mịch, hắn càng tức tối hơn. Sao Sen không màng tới hắn mà lại chọn Mịch, một chàng trai học rất giỏi nhưng có vẻ cù lần.

Đúng khi ấy, cuộc chiến khốc liệt lan ra toàn miền Bắc nên đám trai làng đua nhau lên đường nhập ngũ. Vừa tốt nghiệp cấp ba, sức khỏe toàn A1, nên Mịch đã trúng tuyển đợt lấy quân đầu tiên trong năm. Sự việc ầm ĩ ở đầm sen cùng với việc Mịch sắp lên đường đã thúc đẩy hai họ tiến hành cưới hỏi ngay cho đôi trẻ.

Chỉ 10 ngày sau cưới, Mịch có lệnh nhập ngũ. Cũng thật may, trong những ngày mặn nồng vừa đếm đủ trên đầu các ngón tay, anh đã để lại cho Sen một giọt máu.

Sinh con xong, Sen càng đẹp. Cái đẹp mặn mà đằm thắm của người đàn bà được khai thông khí huyết. Đôi gò nụ giờ đã nở to sau những tháng ngày cho con bú, nhưng nó vẫn cao gọn và săn chắc. Mỗi lần thay áo, sự cọ xát của vải áo vào hai núm nhũ làm Sen rạo rực và nhớ chồng vô cùng. Anh đi biền biệt đã 5 năm rồi chẳng có tin tức gì. Bù lại, mẹ con cô được bà mẹ chồng yêu thương hết mực. Chả ai biết tên thật của bà, người làng Yên gọi bà theo tên chồng. Ông Thoan, chồng bà là liệt sĩ chống Pháp khi bà mới 25 tuổi. Góa chồng ở cái tuổi mà bao nhiêu vẻ đẹp của người đàn bà lồ lộ hết ra ngoài, nhưng vẫn giữ được mình trước những cặp mắt hau háu của các gã trai làng, không phải là chuyện dễ dàng. Tất cả nỗi nhớ thương cùng tình yêu duy nhất dành cho anh vệ quốc quân, bà Thoan dồn hết cho đứa con trai một và bây giờ là con dâu và cháu nội.

* * *

Sáng ra, bà Thoan nhìn trời rồi bảo Sen:

- Nay sẽ nắng ròng, con ra đầm lấy ít nhị sen về ướp trà nhé!

Một mình chống sào, đẩy chiếc mủng ra giữa đầm, Sen ngất ngây bởi mùi thơm quen thuộc đang ngào ngạt lan tỏa. Tâm trí cô tất tưởi quay về cái đêm sáng trăng huyền ảo năm ấy. Nhớ đám mây tinh nghịch đã che mờ vầng trăng để rồi có một nụ hôn run rẩy. Một cành sen đổ ngang đã vướng phải tay Sen. Những chiếc gai nhỏ tua tủa, sắc như kim cứa vào bắp tay nõn nà như ngó sen, làm cô tứa máu. Nhớ ngày còn bé, mỗi khi chuẩn bị ra đầm, Sen lại được mẹ dặn dò: Phải cẩn thận, đừng để gai sen cứa đấy!

Thế mà hôm nay, cô đã bất cẩn để bắp tay đỏ lững lên rồi hôm sau thì mưng mủ. Đêm thao thức không ngủ được vì đau, cô miên man suy nghĩ. Không biết bao lần đã ra đầm sen nhưng không lần nào bị gai cứa. Vậy mà... có điềm gì chăng?

* * *

Thằng Xô - con ông chủ tịch xã được hoãn nghĩa vụ quân sự do bị pháo cắt đứt một ngón tay. Ấy là nghe ông bố nói vậy chứ dân làng Yên thì xì xầm: Nó sợ đi nghĩa vụ quân sự nên đã tự thương như thế!

Kể từ khi bị Mịch “nẫng” mất Sen, đến giờ thằng Xô vẫn cay cú lắm, mặc dù hắn cũng đã lấy vợ, nhưng vẫn tìm đủ mọi cách để chiếm đoạt Sen… Buổi tối, hôm bà Thoan sang quê ngoại ăn giỗ rồi ngủ lại, hai mẹ con vừa cơm nước xong thì Sen nghe tiếng thằng Xô đon đả ngoài sân:

- Tôi vừa mượn được quyển truyện này nghe nói hay lắm, đưa Sen đọc trước cho đỡ buồn.

Chẳng chờ xem Sen có đồng ý mượn hay không, hắn để sách lại bên cái chõng tre ở hiên nhà rồi lủi rất nhanh.

Khi con đã ngủ, chẳng còn việc gì làm, Sen tò mò cầm cuốn sách ra đọc. Một cuốn tiểu thuyết ngôn tình, trong đó mô tả chàng trai yêu một cô gái ở thành Ba Lê diễm lệ với tỉ mỉ nhiều pha tình cảm nóng bỏng. Lúc đầu, Sen rất tức giận vì nghĩ, sao thằng Xô lại dám cho cô đọc cái thứ “văn hóa đồi trụy” đang bị cấm rất gắt gao đó? Cô đặt cuốn sách vào chỗ cũ, muốn từ bỏ nó, nhưng cứ nằm xuống bên đứa con đã ngủ say, thì các hình ảnh ở cuốn sách lại hiện ra. Đêm khuya, chỉ có tiếng giun dế rên rỉ. Như có một ma lực nào đó, cuốn sách kéo cô về phía nó.

Càng đọc, Sen càng cảm thấy như mình bị lên cơn sốt. Lúc thì run lên cầm cập, lúc thì bủn rủn cả chân tay. Cô nhớ chồng da diết. Nhớ bờ môi tham lam của anh. Nhớ bàn tay chai sần nhưng rất đỗi dịu dàng khi anh từng chút, từng chút khám phá cơ thể cô.

Đúng lúc ấy, thằng Xô ở đâu xuất hiện gọi cửa, nói là mượn sách của người ta, giờ họ đến đòi. Nhìn gương mặt đờ đẫn của Sen, hắn ta hiểu tất cả. Hắn nắm đôi vai cô, nở một nụ cười... Sen muốn vùng vẫy mà không sao thoát khỏi nó, và thực tình cũng không thoát khỏi cơn khát thèm của chính mình. Cô thở dài, bất lực, buông xuôi, để mặc cho bàn tay nham nhở kia sục sạo. Sau cái đêm khủng khiếp ấy, Sen tự căm giận mình. Cứ nhớ tới cái thân hình của nó đè nặng thúc mạnh vào háng cô, vừa làm cô thỏa mãn, vừa làm cô sợ hãi, là cô lại run lên lẩy bẩy như phát sốt. Cô căm thù chính cô, căm thù nó. Sau đó, cô khóc dấm dứt nhiều lần và khi nhìn vào đôi mắt trong veo của con, Sen càng đau đớn. Có lần cô thốt lên trong đêm khi đứa bé đang ngủ: Mẹ có lỗi, mẹ xin lỗi con!

Cũng từ đó, đêm đêm cô lại một mình xách đèn bão, vác cái mai ra góc vườn xắn đất đào ao, trút tất cả sự nhớ thương chồng, nỗi ân hận vào những nhát mai nặng nhọc. Càng đào, vết thương trong lòng càng rỉ máu, ngoác rộng và hoắm sâu hơn như chính cái ao vậy.

Hôm ấy, thằng Xô lấy cớ đến nhà bà Thoan mượn cái cuốc, nhìn ra cái ao đào dở, nó nhăn nhở: Có thuê thì đây đến làm cho?

Đang cho con ăn bên thềm, Sen đỏ bừng mặt và tức giận đuổi thẳng cổ! Cô rít qua kẽ răng: Tôi cấm đấy! Anh có cút ngay đi không!

Dù Sen đã cố gắng nói rất nhỏ, nhưng bà Thoan đang nằm trên chiếc võng cuối thềm vẫn nghe rõ mồn một. Bà nén một tiếng thở dài.

* * *

Chiều tháng 7 đã muộn, khi thằng cháu nội 6 tuổi đang choãi chân chèo để đưa võng cho bà, trong khi mẹ nó lúi húi nấu cơm dưới bếp thì một người mặc quân phục có một bên tay áo thõng xuống xuất hiện:

- Cụ ơi cho cháu hỏi...

Đang lơ mơ, bà Thoan vội ngồi dậy dụi mắt:

- Anh hỏi gì cơ ạ?

- Dạ! Cụ cho con hỏi nhà bà Thoan!

Bà Thoan thấy lạ, cái nhà anh này sao vừa hỏi lại cứ vừa tủm tỉm cười.

- Tôi là bà Thoan đây!

Nghe có người hỏi thăm, Sen vội vàng bước ra. Bỗng “choang”! Chiếc bát tô định lấy múc canh đang cầm trên tay, rơi vỡ tan tành dưới nền gạch. Cô đã nhận ra Mịch.

Thấy thế, Mịch không dám đùa nữa mà vội chạy đến với mẹ rồi ra kéo vợ lại, một tay ôm gọn cả mẹ, con và vợ vào lòng, trong tiếng nức nở đầy nước mắt của hai người đàn bà.

Mừng vì con trai đã được phục viên dù chỉ còn một cánh tay, đêm bà Thoan không ngủ được nên sáng dậy rất sớm. Ra cầu ao định cho cá ăn thì nghe tiếng khỏa nước xen lẫn tiếng khóc thút thít cố nén. Biết tâm sự của con dâu, bà Thoan lại gần bảo: Cái gì đã qua thì hãy cho nó qua đi! Đừng có “xới xáo” lên làm gì!

Sen hiểu mẹ chồng định nói gì. Cô đâu biết rằng, sau cái đêm trót dại với thằng Xô, những dằn vặt của Sen không qua được mắt mẹ chồng, cả lời cô thủ thỉ với con cũng không lọt qua được đôi tai rất thính của người già. Cô lờ mờ hiểu rằng bà đã biết chuyện. Hôm nay, lời nói của bà đã xác nhận những phỏng đoán đó. Cô loạng choạng chạy lên bờ, ôm chặt lấy mẹ khóc nức nở. Bà vỗ nhè nhẹ vào vai cô:

- Nín đi con! Thằng Mịch nó dậy bây giờ! Mọi chuyện rồi sẽ qua thôi! Con ra đầm sen làng mà tắm đi, để đêm nay là đêm thật vui của hai đứa. Mẹ mong các con thật hạnh phúc! Đàn bà đều như cây sen cả thôi. Con nhìn mà xem, củ sen vùi trong bùn, năm tháng trồi ra mầm, phải vươn qua bùn nước, thân cây nào chả đầy gai để cuối cùng trên chót vót ngọn, nở ra một loài hoa mà ai ai cũng thấy không có vẻ đẹp trên đầm nào hơn nó, không có loài hương nào trong đầm thanh khiết, trinh bạch hơn nó, để hoa đó muôn người cùng quý, để đóa nó lấy nơi thanh bạch cho cả Phật ngồi. Đời mẹ cũng như thế, và người ta phải vượt qua cả giai đoạn đầy gai để có một đóa sen...

Sen òa khóc. Bà Thoan đứng dậy, thoa bàn tay già nhăn nheo làm khô đi những giọt nước mắt của cô con dâu. Bà đẩy con dâu về phía đầm sen: Ra đấy tắm gội cho thật trong sạch đi con!

Sen như tỉnh cơn mơ, cô bước đi vài bước rồi ngoái lại thầm cảm ơn mẹ chồng. Sen thầm biết ơn bà và lao vội ra đầm, đúng vào cái khoảnh nước mà lần đầu tiên cô và Mịch yêu nhau. Nước mắt của cô thánh thót chảy hòa vào nước đầm. Quanh cô, sen tháng 7 cũng đang mùa rộ, hương sen khắp mặt đầm như đang tắm rửa tâm hồn cô, làm cho cô thấy nhẹ nhàng, bình tĩnh lại. Đúng khi ấy thì trên bờ có tiếng gọi tên cô.

Sen quay lại, giữa lúc Mịch lao xuống mặt đầm để lại một vệt nước trắng xóa. Sen dang tay ra ôm lấy chồng khi anh lặn rồi nhoi lên bên cô. Họ yêu nhau như ngày nào. Nhưng hôm nay thì Sen chủ động ôm lấy chồng, người cô yêu thương chỉ còn có một tay bám vào vợ. Cô hôn tới tấp lên mặt Mịch, mặc cho nước mắt mình cũng chan chứa trên khuôn mặt xanh xao của anh, để cho anh đã lâu rồi không có cảm giác, hương nào từ cái miệng tươi ròn của Sen, hương nào của đầm sen từ bao nhiêu là bao nhiêu các đóa hoa đang rộ đỏ.

* * *

Làng Yên bây giờ vẫn đẹp dù vùng đất ấy trải qua biết bao thăng trầm. Vẫn giống như một cô gái quàng chiếc khăn hoa lộng lẫy bởi đầm sen bao bọc gần kín xung quanh làng. Đầm sen là nơi chứng kiến bao vui buồn của những con người nơi đây. Đến mùa đông lạnh giá, sen khô quắt, rục xuống nước, ủ quện với bùn để cho mùa hè năm sau, những ngó sen trắng ngần lại nhoi lên thành lá, thành hoa ngát thơm. Dưới những tán lá, nụ hoa, có cả những chiếc gai sắc nhọn như mũi kim.

Tối nay trăng sáng, vợ chồng anh thương binh lại rủ nhau ra đầm sen đặt bẫy cá rô. Một tay chống sào đẩy cái mủng đi qua mấy cành sen già đổ nghiêng ngả, Mịch bảo: Em cẩn thận đừng để gai sen cứa nhé!

Sen thầm nhủ trong lòng: Vâng! Nhất định em không để gai sen cứa nữa! Trong cô cứ vang lên lời bà Thoan, đàn bà chúng ta phải biết “mọc” qua giai đoạn thân đầy gai để sinh ra những loài hoa thanh khiết.


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...