Văn hóa nghệ thuật

Gặp một nhành lau trắng mờ mây qua "Vực trắng" của Lữ Mai

Đỗ Anh Vũ
Sách
17:10 | 18/07/2024
"Vực trắng" tập thơ mới nhất của Lữ Mai gồm 54 bài thơ, chia làm 6 phần: Từ núi, Đi lạc, Nói bằng gai sắc, Trở về chạng vạng, Gửi Huế và Cánh tàn bừng giấc
aa

Vực trắng là tập thơ mới nhất của Lữ Mai gồm 54 bài thơ, được chia làm 6 phần: Từ núi (14 bài), Đi lạc (9 bài), Nói bằng gai sắc (6 bài), Trở về chạng vạng (6 bài), Gửi Huế (10 bài) và Cánh tàn bừng giấc (9 bài).

Một nhành lau trắng mờ mây.
Vực trắng là tập thơ mới nhất của Lữ Mai

1. Cảm giác đầu tiên của tôi khi bước vào những bài thơ của Lữ Mai trong tập này là một nỗi mơ hồ bảng lảng, không thể cắt nghĩa, rất khó nắm bắt. Thơ Mai có vẻ đẹp lãng mạn cổ điển nhưng cũng đầy trăn trở, u uẩn của một tâm hồn đa cảm. Con người vô cùng kín đáo khi gửi những nỗi niềm của mình vào thiên nhiên, những tâm sự ấy chẳng thể nào nói hết thành lời: Mỏm núi tím kia nhô ra một cái cây/ buồn mà không sao chết nổi (Trà sớm), Cây nói bằng im lặng/ người nói bằng niềm riêng/ lau tím phất cờ/ vực trắng (Vực trắng). Phần thứ nhất của tập thơ tràn ngập không gian núi rừng, từ thiên nhiên cho đến con người. Cái bầu không khí này, nỗi quyến luyến này sẽ còn in dấu trong nhiều bài thơ khác nữa ở các phần sau của tập thơ. Ta có thể bắt gặp vô số hình ảnh như: núi, đồi, suối, đèo, thung, thác, mèo rừng, sơn cước, lau… cho đến sơn nữ, khăn piêu, thổ cẩm, kèn môi… Nhiều địa danh núi rừng góp mặt trong các bài thơ như: Nguyên Bình, Phia Oắc, Bảo Yên, Khuổi My. Con người miền núi cũng hiện lên với những nét chấm phá mà sống động: Cô gái Dao Tiền ít nói/ thả nụ cười sau nhịp bước rung reng (Hò hẹn), Nàng ngồi thêu trong chiều/ chim rừng vang vang khăn piêu (Vài khúc cho Biêng), Không họa nổi bức tranh tĩnh vật/ sơn nữ cười/ giọt mật/ ban mai (Bức tranh vẽ dở). Hầu như trong bài thơ nào của Lữ Mai cũng hiện lên những câu thơ tài hoa, những câu thơ găm vào trí nhớ người đọc như là nhãn cú của bài: Ai nằm cạnh bầy trăng say ngủ (Nguyên Bình), Tiếng bản làng sũng ướt (Ngỏ cùng sông), Mỗi trái hồng ngâm làm một mặt trời/ mùa thu vừa rơi vừa ngủ (Từ núi), Gió trinh nguyên bịn rịn nhận ra mình (Gió đèo), Trà đượm hương trí nhớ vừa thức dậy/ ai thả vào đáy chén chòm mây (Hò hẹn), Rượu ngấm thủng mấy tầng đất ải/ mặt lá say đỏ dại sang chiều (Đùa với hàng hoa nhỏ).

2. Sang phần hai, phần ba và phần bốn của tập thơ, đề tài và các vùng không gian được mở rộng hơn. Tạm khép lại không gian rừng, Lữ Mai đưa người đọc về những không gian phố, có thể là Hà Nội, có thể là Sài Gòn: Ta chỉ có bấy nhiêu vòm trời/ bốn hàng cây cổng thành dựng sẵn/ hết con đường này là mưa bay/ tiệc thu sớm bày toàn những gió (Phố mình), Uống rượu và say cùng bạn cũ/ bạn với con đường không phản bội ta/ Sài Gòn mấy mùa vội vã/ từng chuyến bay như bắt vạ khung trời (Sài Gòn). Và Lữ Mai vẫn bật được ra những câu thơ hư ảo: Bạn ôm đàn đón ta rồi tiễn/ cả mùa đông thay gió liệng trên đầu (Sài Gòn). Bàn chân nữ sĩ đi qua những con phố như Phùng Hưng (bài Phác thảo phố), chợ Hòe Nhai (bài Chợ Hòe Nhai), cầu Long Biên (bài Đêm Long Biên). Những nơi đã từng qua như làm chứng cho bao tâm sự của con người, trong đó buồn nhiều hơn vui: Thương cây cầu nhòa manh áo ướt/ chật sương đêm sông Hồng đã hóa điên/ ta vơ vất mùa thu trầm đục/ phía sâu xa cay mắt một mái nhà/… Long Biên ở đâu khi ta khóc/ khi cây cầu sắp gãy làm đôi (Đêm Long Biên). Đã có những ám ảnh về cái chết trong thơ Mai: Từng mảng khăn xô/ ghép nên mặt ta/ rất rõ (Đi lạc), Chính ta luôn hoang mang/ những dáng người như chiếc chum chôn đứng (Mộng du), Đàn bướm ma họa hoằn cũng lên nương dệt vải/ thấy động về canh những cỗ quan tài (Chân đồi).

Có một điều khá thú vị, hầu hết khi xưng ở ngôi thứ nhất, thơ Lữ Mai đều dùng chữ “ta” mà không dùng “tôi” hay “em” như nhiều nhà thơ nữ khác: Hoa mắt nai nở vào ngơ ngác/ bỗng dưng ta láng máng hoen mờ (Nhà bạn), Sao đoàn tàu không tỉnh giấc/ tiếng còi quên mất phố ta (Phác thảo phố), Ta chọn cách soi mình hoang dại (Chuyến khởi hành tưởng tượng), Ta dốc cạn nửa hồn Phia Oắc (Nguyên Bình), Ngỏ cùng ta bằng trái tim còn đập (Ngỏ cùng sông), Ta hóa nhành lau trắng mờ mây (Từ núi), Nhịp chèo khỏa buốt lòng ta (Bậc thềm Đá Bia)… Lý giải điều này, tôi cho rằng chữ “ta” hàm chứa một khát khao giao cảm, muốn được chia sẻ và thấu hiểu, mong đợi những sự đồng điệu với mình. Chữ “ta” ấy mang rất nhiều cô đơn nhưng vẫn neo giữ một niềm tin nào đó: Bạn đợi ta từ lâu lắm/ Nhiêu Lộc quán quen xưa vắng men huyền (Sài Gòn), Rượu từ núi chảy ra/ hơi men không giúp ta quên lãng (Bậc thềm Đá Bia).

3. Phần thứ năm của Vực trắng gồm 10 bài thơ viết về Huế, một vùng đất thâm trầm, cổ kính, mộng mơ, chứa đựng bao thăng trầm lịch sử. Chỉ bằng vài nét phác, hồn cốt của xứ Huế đã hiện lên đầy đủ trong bài Ngỏ cùng chỉ với 13 dòng thơ. Không buồn không vui, mênh mang u tịch, thấm đẫm hoài niệm: Vó cất lên muôn tiếng rì rầm/ xứ này sông không ngủ/ dự cảm mơ màng dang dở/ chất toàn mộng mị gửi rêu xanh/ lửa tự thiêu bóng mình/ có gì ngoài thinh lặng/ tiếng dế bên bờ Vỹ Dạ/ tiễn hồn bia đá qua sông/ rêu nhường người một bước thong dong/ nỗi u trầm cung cấm/ soi bóng nhau úa tàn chầm chậm/ hình nhân loang ráng trời/ đêm ấy đôi hài rêu bật khóc. Con người dường như đã nhập được nỗi u hoài của mình vào cả không gian lẫn thời gian của kinh thành Huế.

Phần thứ sáu của Vực trắng gồm 9 bài thơ có nhiều cảm xúc ấm áp, tươi tắn, tin yêu: Ngói đỏ sóc nâu chuyền cành bụi mịn/ lim dim thể tất hẹn hò/ đào thắm hồng phai mấy bận/ như môi người ngạt bởi tình yêu (Phố nhà binh). Lữ Mai viết về sự trở về ngôi nhà của mẹ thật dịu dàng, bình an: Thược dược bừng con ngõ đất ngày xưa/ sương sớm giữ vệt mưa mùa hạ/ tiếng gà cũng nở ra những vì sao lạ/ chân tạc vào tận sâu hôm qua/… lá vằng thơm hăng hắc/ hoa vằng trắng mền mệt/ con êm đềm chõng tre (Nhà mẹ). Vẻ đẹp của hoa sen hiện lên rạng ngời, tinh khiết: Mơ ban mai trong trẻo/ mở nhụy vàng láng máng kim sa/ sóng đã tỏa vào hoa/ cánh tàn nghìn năm bừng giấc (Sen nở). Nếu như ở những phần trước, Lữ Mai từng có những bài thơ viết về những con người cụ thể (Vài khúc cho Biêng, Trúc Phùng), thì ở phần cuối này, Mai có một bài thơ mang tên Bài thơ này cho Nhung với nhiều ân tình sâu nặng: Không gì buồn hơn hoa trắng trong mưa/ phố thành quầng mắt thâm khát ngủ/ rót bao nhiêu mơ mộng thì đầy?/ không cần/ chỉ một ánh nhìn ngây ngây/ khuấy vào là dậy sóng/ áo em như loài hoa trắng/ ướt dần và tan/ cả da thịt, mùi hương cũng vậy.

4. Thơ Mai, dù khi vui nhất vẫn đọng lại chút gì u uẩn mơ hồ tựa như làn sương bao phủ. Bài thơ cuối tập có tên là Bình minh với 6 dòng thơ. 5 dòng đầu đầy tươi vui nhưng đến dòng cuối cùng lại như hờn tủi: Chuông reo chuông reo/ sương vừa hé mắt/ ngàn hoa son sắt lưng trời/ hỡi mùa mải miết lên xanh biếc/ thanh khiết đành buông/ mây trách tôi. Đặt tên cho bài viết của mình là Một nhành lau trắng mờ mây, lấy từ một ý thơ của Mai trong bài Từ núi, tôi muốn diễn tả những mơ hồ khó nắm bắt ấy. Câu thơ như sương khói, không còn phân biệt được đâu là lau đâu là mây. Những bài thơ của Lữ Mai như giấc mơ trôi lang thang, câu chữ ngắn dài không phân định, liên tưởng đột ngột, đứt đoạn tạo ra những liên kết thi ảnh khác thường. Thơ Mai vì thế mang đến cho người đọc những ấn tượng mạnh về cảm xúc chứ không thiên về những thông điệp tư tưởng. Từ bài Mộng du (trong phần Đi lạc) cho đến bài (trong phần Cánh tàn bừng giấc), con đường đi vào thế giới thơ Lữ Mai mở ra điệp trùng, liên miên, bất tận: Mưa im lìm/ chiều nghiêng mắt bạc/ bóng chim vụt tắt mong chờ/ mấy ai nghi ngờ/ đốt tay ngu ngơ khó tả/ nhẫn phai màu đá vọng phu/ úa vào dâu bể/ sương quên lối về/ trú nhờ tiếng trẻ/ đường tơ khe khẽ/ thít chặt giấc mơ/ mặt trời/ ngộp thở (Mơ).

Văn nghệ số 28-2024

Tên bài viết do Vannghe đặt

Ra mắt bộ sách "Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân" bằng 5 ngôn ngữ Cuốn sách tâm huyết của Tổng Bí Thư về xây dựng phát triển văn hóa Trò chơi của sự đọc nhìn từ ký hiệu con số trong tiểu thuyết Palomar Lê Xuân và những " Hạt vàng" văn chương Bộ sách đọc hiểu về tác phẩm hội họa và công trình kiến trúc
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.