Văn hóa nghệ thuật

Trò chơi của sự đọc nhìn từ ký hiệu con số trong tiểu thuyết Palomar

Nguyễn Quang Khải
Sách
09:34 | 03/07/2024
Italo Calvino (1923 - 1985) là một nhà báo, nhà văn viết truyện ngắn và tiểu thuyết lớn nhất nước Ý trong thế kỉ XX.
aa

Italo Calvino (1923 - 1985) là một nhà báo, nhà văn viết truyện ngắn và tiểu thuyết lớn nhất nước Ý trong thế kỉ XX. Các tác phẩm của ông thường đậm chất ngụ ngôn, giàu trí tưởng tượng. Với cách trần thuật độc đáo, các tác phẩm của ông luôn mở ra nhiều cách đánh giá mới mẻ về “sự viết” và “sự đọc”. Mặc dù được dịch ra tiếng Việt nhiều (8 tác phẩm) nhưng các nghiên cứu về ông chưa thực sự phong phú. Ngoài một số cuốn có vài công trình bước đầu được nghiên cứu như Nếu một đêm đông có người lữ khách, Lâu đài của những số phận giao thoa… thì Palomar - tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác của Italo Calvino chưa nhận được nhiều mối quan tâm. Trong khi đó, nếu nhắc đến Italo Calvino như một nhà “thiết kế” các kiểu trần thuật độc đáo, khác lạ thì Palomar chính mà một trong những minh chứng quan trọng khẳng định phong cách kể chuyện kỳ lạ thú vị đặc trưng.

Trò chơi của sự đọc nhìn từ ký hiệu con số trong tiểu thuyết Palomar
Tiểu thuyết Palomar của Italo Calvino (1923 - 1985)

Trong tiểu thuyết Palomar, người đọc không thể không chú ý đến sự xuất hiện của các con số như một bộ mã quan trọng gắn với cấu trúc tiểu thuyết. Các con số này không chỉ đơn thuần là các số học trong thứ tự các tiêu đề mà chúng còn mang ý nghĩa tượng trưng và cấu trúc cho suy nghĩ phức tạp của nhân vật Palomar về thế giới xung quanh, cũng như kiến tạo mối kết nối giữa các mảnh rời rạc của các phần truyện khác nhau. Các con số xuất hiện trong mục lục kèm ghi chú của tác giả như một hướng dẫn đọc cho những ai muốn đi sâu dưới bề mặt văn bản. Vì thế phần “giống như là” mục lục thực chất cũng là một bộ phận không thể tách rời với toàn bộ cấu trúc văn bản. Về mặt hình thức, nó khiến cho cuốn sách dao động giữa lằn ranh thể loại: non fiction hoặc fiction. Về mặt kết cấu, nó vừa là một khối 3 mặt gắn bó chặt chẽ, đồng thời như một “siêu văn bản” chồng xếp đa tầng các lớp truyện, gợi mở các thế giới khác nhau và các cách tiếp cận khác nhau.

Cấu trúc trung tâm của tiểu thuyết Palomar được chia thành 3 phần lớn, trong 3 phần có 3 mục, trong 3 mục lại có 3 tiểu mục. Cấu trúc của tác phẩm giống như một hình khối 3 mặt 3 x 3 x 3, gắn kết 27 mảnh truyện độc lập, không có mạch truyện diễn tiến thống nhất hoặc được triển khai xung quanh một hay một vài xung đột nhất định. Calvino sử dụng các con số để xây dựng cấu trúc các chương và phân chia các phần trong tiểu thuyết. Mỗi con số xuất hiện đều có một ý nghĩa nhất định, từ việc định hình cấu trúc tổng thể đến việc gợi mở các mối liên hệ giữa các yếu tố trong câu chuyện. Nghe có vẻ hơi phức tạp nhưng khi đơn giản hóa hơn mô hình trò chơi các con số mà Italo Calvino xây dựng, có thể tưởng tượng như sau: Khởi đầu tác phẩm, Palomar đã quan sát một ngọn sóng, sự vật này thuộc về thiên nhiên, câu chuyện nhấn mạnh những trải nghiệm mô tả bằng hình ảnh. Nó nằm trong phần đầu tiên của phần 1, và là tiểu mục đầu tiên trong mục đó, nên được đánh số là (1.1.1.). Trong khi đó, câu chuyện thứ hai về Bộ ngực trần, cũng là sự mô tả nhưng trong đó lại chứa đựng yếu tố về nhân chủng học và văn hóa, vì thế nó được đánh số là (1.1.2.). Ở tiểu mục (1.2.3.) Bãi cỏ vô tận có các yếu tố của cả ba chủ đề. Sang đến phần thứ hai của tác phẩm là Palomar trong thành phố, nhìn chung toàn bộ phần này sẽ chứa đựng những yếu tố về nhân học và văn hóa nên tất cả tiểu mục sẽ được đánh số bắt đầu từ số 2. Câu chuyện Từ trên sân thượng là một văn bản vừa bao hàm sự quan sát, miêu tả và những vấn đề xa xôi hơn nữa như “sự um tùm trên sân thượng đáp ứng với mộng ước của mỗi thành viên trong gia đình” hay như vấn đề trồng trọt của nhà nông vì thế câu chuyện được đánh số (2.1.1.) Bảo tàng pho mát là câu chuyện về Palomar đang đứng trong một cửa tiệm pho mát, cửa tiệm đã trình hiện trước mắt Palomar nhiều loại pho mát thơm ngon và từ đó anh đã suy nghĩ đến những vấn đề sâu xa hơn. Câu chuyện về Palomar đang ở trong một cửa hàng pho mát đặc sản ở Paris là câu chuyện thứ hai trong phân khu thứ hai của phần 2, nên chúng được đánh số (2.2.2.), và tất nhiên còn có những câu chuyện khác mang dấu ấn như (2.1.3) hay (2.3.1)… Đi hết những câu chuyện đánh số 2 là câu chuyện được đánh số 3. Con số 3 thuộc về những kinh nghiệm nặng tính tư biện. Vườn cát là câu chuyện đầu tiên của mục này, nó cũng bao gồm sự quan sát miêu tả thiên nhiên trong Long An Tự ở Kyoto. Tại đây, Palomar cố gắng hòa mình vào tinh thần thiền định trong khu vườn, anh ta đã cố gắng tưởng tượng và hòa mình vào không gian này nhưng dường như điều này không thể và mục này được đánh số (3.1.1.). Hay như Học sự đã chết, bao trùm lên câu chuyện là những vấn đề về mối quan hệ giữa thế giới và bản thân, một câu chuyện viết về sự suy niệm xuyên suốt, được đánh dấu là (3.3.3.). Vì vậy, có ba loại trải nghiệm với những tỷ lệ khác nhau, hiện diện trong mọi phần của cuốn sách. Tất nhiên, các con số Italo Calvino sử dụng trong tác phẩm này vô cùng chính xác nhưng cũng thú vị không kém. Có thể thấy, khi từng lớp ngữ nghĩa được bóc tách, người đọc sẽ giải mã được thế giới trò chơi mà Italo Calvino xây dựng.

Bằng lối viết phân mảnh, Italo Calvino đã tạo ra một mê cung những con số, đưa ra hàng loạt “con mắt” mới về sự tri nhận, về cảm xúc… giúp người đọc nhận thức lại “mình là ai?”, “thế giới xung quanh mình ra sao?” và “vạn vật tồn tại như thế nào?”… Người đọc sẽ trả lời được những câu hỏi đó khi tìm được cho mình chiếc chìa khóa giải mã những quy tắc, nguyên lý mà nhà văn cài cắm vào tác phẩm.

Trong tiểu thuyết này, tác giả dẫn dắt người đọc theo chân một người đàn ông quyết tâm rời bỏ thế giới của ngôn ngữ để chiêm nghiệm thế giới xung quanh qua góc nhìn của riêng mình. Anh ta cố gắng giải mã từng ngọn sóng biển, từng cọng cỏ, đàn chim sáo đá trên bầu trời Roma, thậm chí cả một quầy bán pho mát ở Paris. Cả một thế giới gần gũi mà vô cùng độc đáo, thể hiện sự sáng tạo của một bậc thầy tự sự, vừa cách tân lối viết vừa thách thức ngay chính sự cách tân lối viết đó.

Nhân vật Palomar được nhà văn đặt tên theo Đài thiên văn Palomar ở California, từng là nơi có kính viễn vọng quang học lớn nhất thế giới. Khác với bộ máy to lớn này, nhân vật Palomar là một con người nhỏ bé, hơi cận thị, đãng trí, sống nội tâm. Những thứ xuất hiện để anh ta quan sát không phải là các hành tinh và thiên hà mà là những con sóng, rùa, pho mát, dép lê, bộ ngực của một người phụ nữ đang phơi nắng trên bãi biển. Và tất nhiên, chính anh ta, chỉ mang lại mối quan hệ thăm dò với thế giới xung quanh nó. Sự mong manh của Palomar dường như được phản ánh qua cấu trúc mỏng manh và tách rời của cuốn tiểu thuyết qua 27 tiểu mục.

Vị trí của người quan sát ảnh hưởng đến sự thay đổi trong đối tượng quan sát. Palomar tìm kiếm một mối quan hệ với thế giới dựa trên bản thân của mình: thậm chí sự ngắm nhìn của anh ta về những ngôi sao cũng dựa trên ý thức về bản thân, ý thức nhỏ bé của thế giới của mình. Sự đảo ngược như vậy sẽ là trò chơi cuối cùng. Một sự sắp xếp lại hiện thực để thu hút những tưởng tượng vu vơ. Kiểm tra bãi cỏ mọc đầy cỏ dại của mình trong tiểu mục Bãi cỏ vô cùng, Palomar tự hỏi liệu thứ anh nhìn thấy là “bãi cỏ” hay một tập hợp các phần tử rời rạc, ngọn cỏ này cạnh ngọn cỏ khác. Tính không ổn định của sóng, không thể xác định được ranh giới, sự sinh sôi hỗn loạn của một đám cỏ, sự chuyển động trong một đàn chim có vẻ như chỉ có một mục đích hoàn hảo. Mặc dù bị cám dỗ, Palomar từ chối theo đuổi những hàm ý lố bịch của một ý tưởng như vậy, mặc dù các nhân vật trước đó trong các sáng tác khác của Italo Calvino đã sẵn sàng hơn để chơi trò chơi mà ông thiết lập.

Những tiểu mục này đã biến từng mảnh đời của Palomar thành trạng thái mở rộng của sự hiện hữu. Nhịp điệu của sóng, đàn sáo, những đường gân xanh trong pho mát… mang một vẻ đẹp và một điều bí ẩn mà Palomar chiêm ngưỡng với tất cả sự tập trung đến mức anh biến chúng thành những vũ trụ nhỏ có ý nghĩa. Điều trớ trêu là trong khi chúng ta có thể nhìn thấy khả năng vô hạn trong tầm nhìn của Palomar thì bản thân anh ta lại không thể. Cách duy nhất để hòa hợp với thế giới có lẽ là hoàn toàn vắng mặt khỏi nó. Trong tiểu mục cuối cùng, Học sự đã chết, Palomar cố gắng tưởng tượng điều mơ hồ nhất: thế giới sau khi anh ta qua đời. Anh ta quyết định rằng sẽ bắt đầu mô tả từng khoảnh khắc của cuộc đời mình, và cho đến khi mô tả xong tất cả, anh ta sẽ không còn nghĩ đến việc chết nữa. Vào lúc đó anh ta chết. Đó là một cái kết cực kì hài hước mà lại vô cùng ảm đạm. Tuy nhiên, ngay cả ở đây người ta cũng tìm thấy một tia hi vọng. Nếu mỗi khoảnh khắc trong số 27 tiểu mục là một khoảnh khắc trong cuộc đời anh ta, khi được mô tả, kéo dài mãi mãi, thì vào thời điểm Palomar chết, anh ta đang sống. Và nếu anh ấy sống mãi mãi, chúng ta không bao giờ cần phải hòa nhập với một thế giới không có anh ấy trong đó.

Như vậy, có thể thấy các phần trong cuốn sách Palomar sẽ chuyển từ những hình ảnh mô tả thuần túy và trực quan các sự vật hiện tượng thiên nhiên sang suy ngẫm đầy đủ về mối quan hệ giữa thế giới với con người. Mỗi một câu chuyện hiện lên thông qua sự di chuyển xen kẽ giữa thế giới bên ngoài và bên trong. Trong sự di chuyển đó có sự xuất hiện của con người, cụ thể ở đây là nhân vật chính Palomar. Tên của nhân vật chính chắc chắn chẳng phải là điều ngẫu nhiên khi nó có tên trùng với đài quan sát thiên văn lớn ám chỉ đến sự lựa chọn quan sát được thực hiện, Palomar mang đến sự quan sát, sự suy ngẫm muôn hình vạn trạng của thế giới. Cũng vì thế mà cuốn tiểu thuyết không chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn đơn thuần mà nó còn là trò chơi trong sự ngụ ngôn về tình trạng hậu hiện đại.

NGUYỄN QUANG KHẢI

Mưa trong mắt mẹ - Thơ Trần Đức Tín

Mưa trong mắt mẹ - Thơ Trần Đức Tín

Baovannghe.vn- Phố phường mưa lạnh mềm áo bụi/ bao mùa rồi chúng con vẫn ra đi
Quán trọ chân đồi - Truyện ngắn của Phạm Xuân Hùng

Quán trọ chân đồi - Truyện ngắn của Phạm Xuân Hùng

Baovannghe.vn - Quán trọ nằm dưới chân một ngọn đồi, đồi thấp toàn cỏ tranh liền kề với những dãy núi liên hoàn của dãy Giăng Màn... Đường đến quán trọ phải qua con sông có tên rất hay, sông Tùy Duyên. Chắc Ngộ cũng tùy duyên mà bỏ quê quán lên đây mở quán trọ.
Tin đồn. Truyện ngắn của Erskine Preston Caldwell

Tin đồn. Truyện ngắn của Erskine Preston Caldwell

Baovannghe.vn- Mùa thu năm đó, lần đầu tiên sau hai, ba thập niên, không có ai phàn nàn về vị thủ quỹ hay tiền bạc của thị trấn. Sam Billings được biết đến như là người trung thực và cũng vì là một doanh nhân thành đạt nên mọi người đều biết rằng ông ấy sẽ giữ cho sổ sách được minh bạch, rõ ràng.
Phát triển Văn học: Cần những cú huých về thể chế

Phát triển Văn học: Cần những cú huých về thể chế

Baovannghe.vn - Bộ VHTT&DL đã có Quyết định 3561/QĐ-BVHTT&DL về việc Ban hành Kế hoạch xây dựng Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học. Đây được xem là cú huých về thể chế để Văn học Phát triển.
Như gió, như cỏ - Thơ Phạm Công Trứ

Như gió, như cỏ - Thơ Phạm Công Trứ

Baovannghe.vn- Cỏ khắp chốn,/ Gió khắp nơi/ Chẳng ai biết ngày ra đời của gió