Diễn đàn lý luận

Giai điệu tình ca đất nước

Chân dung văn học 09:01 | 09/01/2022
Với bản nhạc Hà Nội, niềm tin và hy vọng, Phan Nhân được coi là nhạc sĩ kháng chiến viết ca khúc về Hà Nội hay nhất và nhiều bản tình ca đất nước để đời trong một thời nhân dân thủ đô anh hùng đánh Mỹ
aa

Trong văn học nghệ thuật nước nhà, bằng tất cả khối óc và trái tim mình, không ít văn nghệ sĩ đã để lại những tác phẩm ca ngợi thủ đô. Vũ Hoàng Chương (Nhớ về Hà Nội vàng son, Nhớ Thăng Long - thơ), Thạch Lam (Hà Nội 36 phố phường - ký), Diễm Thi (Với Hà Nội, mùa xuân - tùy bút), Vũ Bằng (Miếng ngon Hà Nội - bút ký), Nguyễn Tuân (Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi - bút ký), Nguyễn Thanh (Nhớ về thủ đô rồng bay - tản văn), Nguyễn Đình Thi (Người Hà Nội - nhạc), Phú Quang (Em ơi Hà Nội phố - nhạc), Hồ Hoàng (Hà Nội trong trái tim tôi - nhạc), … và điển hình là nhạc sỹ Phan Nhân.

Với bản nhạc Hà Nội, niềm tin và hy vọng, Phan Nhân được coi là nhạc sĩ kháng chiến viết ca khúc về Hà Nội hay nhất và nhiều bản tình ca đất nước để đời trong một thời nhân dân thủ đô anh hùng đánh Mỹ.

Vợ chồng nhạc sĩ Phan Nhân, NSUT Phi Điểu

Phan Nhân (1930- 2015) là bút danh của nhạc sĩ tên thật có 4 chữ Liêu Nguyễn Phan Nhân (ba chữ đầu là ba họ) gốc người An Giang, vùng đất địa linh văn kiệt ở phương Nam. Sinh ra tại Long Xuyên, một thành phố đẹp giữa bốn bề sông nước nơi gần biên giới Tây Nam tổ quốc, lúc nhỏ, Phan Nhân là một cậu bé thông minh có năng khiếu về nghệ thuậtt văn chương. Mới 12 tuổi, Phan Nhân đã làm được thơ Đường với niêm luật và vần điệu hết sức nghiêm ngặt. Khi xa nhà đến Cân Thơ trọ học bậc Trung học, những lúc xa gia đình, Phan Nhân cùng bạn bè thường nghêu ngao hát vài câu hò Nam bộ cho vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Cách mạng tháng Tám thành công chỉ hơn một năm, thực dân Pháp phản bội hiệp ước Fontainebleau (1946), quay lại mưu toan đánh chiếm Nam bộ. Với tinh thần yêu nước như bao thanh niên khác, Phan Nhân hăng hái tham gia bộ đội. Ít lâu sau, ông chuyển sang hoạt động âm nhạc, bắt đầu sáng tác ca khúc phục vụ cuộc đấu tranh của dân tộc bằng số vốn âm nhạc mà ông học được ở trung học. Trong những buổi gặp gỡ giao lưu giữa các đơn vị với nhân dân, anh lính trẻ Phan Nhân tham gia góp vui bằng những bài hát do chính mình sáng tác và được mọi người nhiệt tình cổ vũ. Những lời động viên tán thưởng của anh em và quần chúng làm nên sức mạnh cho ông tiếp tục sáng tác thêm những ca khúc trữ tình mang chủ đề tình quân dân gắn bó keo sơn như cá với nước và tình yêu đất nước nồng nàn của đồng bào trong sự nghiệp đấu tranh đuổi giặc giữ nước. Một trong những bài hát ở buổi đầu là ca khúc Tiếng tơ lòng (1953) được sáng tác trong một đêm trăng thanh bên bờ suối trên đỉnh Thiên Cấm Sơn khi tác giả cùng dơn vị đóng quân ở Long - Châu - Hà Thất Sơn cùng với nhân dân phối hợp đánh các đồn bót của địch. Bước chân lãng tử của chàng võ trang nhạc sĩ Phan Nhân trong đoàn quân cách mạng đã dệt qua hết các chặng đường kháng chiến từ Kiên Giang qua Bạc Liêu đến tận miền đất Mũi. Đến đâu, tiếng đàn giọng hát của Phan Nhân cũng làm ấm lòng nhân dân và chiến sĩ trong sự nghiệp đấu tranh cho đại nghĩa.

Năm 1954, sau khi được chính thức chuyển về công tác ở đoàn Văn công Nam bộ, Phan Nhân tập kết ra Bắc, tiếp tục công tác ở đài Tiếng nói Việt Nam với vai trò Biên tập vên kiêm Phóng viên. Những chuyến đi đó đây trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa như tiếp thêm sức sống cho nghệ sĩ vì ông được gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân, tiếp thu phong cách của các thể điệu dân ca các dân tộc. Do vậy, dù là một thanh niên Nam bộ, Phan Nhân vẫn thể hiện trong tác phẩm mình những làn điệu mang màu sắc dân ca Bắc bộ từ từ hát chèo cho tới hát quan họ Bắc Ninh. Bài hát Em ở nơi đâu thể hiện tình cảm cao quý chân thật của những anh bộ đội lái xe với những cô gái thanh niên xung phong dũng cảm đi mở đường. Trong chiến tranh khốc liệt giữa ta và địch ngày ấy, xe chạy ban đêm hạn chế mở đèn, các anh không biết mặt được người con gái đã giúp mình mà “Chỉ nghe có tiếng hát mà đem lòng yêu thương”. Để rồi các anh đi tìm mà không biết em ở nơi đâu?. Trong ca khúc Nhớ về Bắc Pó, của nhạc sĩ Phan Nhân, âm hưởng của dân ca Tày, Nùng vùng Việt Bắc cũng thể hiện khá rõ ràng.

Công tác ở Hà Nội, Phan Nhân thiết tha yêu miền Bắc như quê hương của mình nên nhạc sĩ đã thai nghén trong trái tim một bài hát ân tình viết về thủ đô yêu thương. Thời gian sau khi nhạc sĩ Phan Nhân đi tu nghiệp âm nhạc ở Hungari về (1970), cũng là thời điểm nhân dân Hà Nội chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống Mỹ trong một tình huống cực kỳ gay go căng thẳng. Nhạc sĩ được phân công ở lại để nhận nhiệm vụ đảm bảo cho chương trình âm nhạc trên làn sóng đài phát thanh được bình thường. Tình yêu Hà Nội đã khiến nhạc sĩ ngày đêm đau đáu với nỗi lo về cảnh thủ đô chống trả với bom đạn Mỹ, từ đó ấp ủ một bản tình ca về thủ đô yêu thương. Và chính cái tình yêu da diết nồng nàn ấy đã rạo rực không ngừng thôi thúc nhạc sĩ Phan Nhân trong khoảnh khắc xuất thần đã viết nên ca khúc Hà Nội, niềm tin và hy vọng, một bản nhạc đã làm rung động con tim của biết bao thế hệ không chỉ riêng cho người Hà Nội…

Anh em trong cơ quan còn nhớ lại, trận “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm Hà Nội gan góc anh hùng chống trả với bom đạn hiện đại có sức tàn phá khủng khiếp của Mỹ ấy; khi hầu hết mọi người trong Đài Tiếng nói Việt Nam đều xuống hầm núp trú ẩn, thì riêng Phan Nhân lại chạy lên sân thượng để được nhận rõ những điều tai nghe mắt thấy bấy giờ. Đó là khung cảnh Hà Nội đang bình yên, mặt nước Hồ Gươm còn lung linh yên ả mà bỗng nhiên B52 ùng ùng bay đến, điên cuồng đánh phá thủ đô bằng đạn bom vô cùng khốc liệt. Người nhạc sĩ chợt nghĩ đến cơn hấp hối giãy giụa của kẻ bại trận và nuôi một niềm tin và hy vọng vào ngày chiến thắng bằng khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam... Cảm xúc rạo rực nồng nàn ấy được Phan Nhân đưa vào bài hát Hà Nội, niềm tin và hy vọng. Khi vừa công bố, bài hát được sự thính giả hưởng ứng ngay. Mọi người khi nghe bài hát dều xúc động bởi những giai điệu, ca từ của nhạc phẩm đã vẽ lại một Hà Nội anh dũng, hào hùng chống trả quyết liệt trước giặc Mỹ với một niềm tin tất thắng của dân tộc. Từ niềm tin sắt son mãnh liệt đó, quân dân thủ đô thực sự đã Dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền. Bài hát đã đạt giải A trong một cuộc thi sáng tác ca khúc về Hà Nội và trở thành nhạc phẩm viết về Hà Nội hay nhất trong thời chống Mỹ…

Một ca khúc khác, bản Tình ca đất nước cũng là một bản nhạc rất hay của Phan Nhân, chứa đầy những giai điệu núi sông. Ca từ Tình ca đất nước là một bài thơ hoàn chỉnh, gồm nhiều khổ, mỗi khổ có 5 dòng. Khổ một: Rằng đã về ta, cỏ cây sông núi ruộng đồng/ Cửu Long sông Hồng thỏa bao chờ mong… Khổ hai: Rằng đã hồi sinh tình yêu non nước hòa bình/ Việt Nam tưng bừng khúc ca bình minh… Khổ ba: Rằng Bác còn đây. Tình thương sông nước tràn đầy/ Lòng ta ơn Người có bao giờ phai. Chữ rằng ở đầu ở các khổ viết năm 1976 là lời tự sự về đất nước từ nay liền một dải. Nghe hát đến đâu, thính giả cảm thấy “mềm cả lòng” đến đấy. Và cũng chính điều này đã giúp cho Tình ca đất nước trở thành một trong những bản tình ca hay nhất bên cạnh Giai điệu tổ quốc (Trần Tiến), Đât nước (Phạm Minh Tuấn), Đất nước (Phạm Duy), Đất nước tình yêu (Lê Giang), Đất nước lời ru (Văn Thành Nho), Đất quê ta mênh mông (Hoàng Hiệp phổ thơ Dương Hương Ly)…

Với Phan Nhân, ngoài những bản nhạc nổi tiếng được coi là tình ca đất nước, nhạc sĩ còn có những bài hát dành cho các em thiếu nhi rất được yêu thích, như: Chú ếch con, Hàng cây ơn Bác, Vườn cây của Ba (phổ thơ Nguyễn Duy)…

Người bạn đời của Phan Nhân là NSƯT Phi Điểu, một giọng nữ Nam bộ mà thính giả thường được nghe thấy trong mục Đọc truyện đêm khuya của đài Tiếng nói Việt Nam và đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Bà là người phụ nữ biết cảm thông, hy sinh để tạo điều kiện thuận lợi cho Phan Nhân sáng tác, giúp ông trở thành một nghệ sĩ thành công và hạnh phúc. Với nhạc sĩ Phan Nhân, NSƯT Phi Điểu còn là người đồng chí, đồng tác giả trong nhiều ca khúc mà không cần đứng tên.

Như vậy, bên cạnh Lưu Hữu Phước, Trần Kiết Tường, Xuân Hồng, Hoàng Hiệp,… Phan Nhân là người nhạc sĩ Nam bộ nổi tiếng ở những bản tình ca đất nước trong kháng chiến, mà đỉnh cao là nhạc phẩm Hà Nội, niềm tin và hy vọng. Nhà thơ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha có cho biết, trong một lần đi Mỹ, ông đã phát hiện ra ca khúc Hà Nội, niềm tin và hy vọng chính là nhạc phẩm Việt Nam duy nhất được đưa vào giảng dạy tại trường âm nhạc Mecca (Houston, bang Texas). Thật thú vị khi được biết một tính cách đặc biệt của người Mỹ: cho phi cơ mang bom đạn dội xuống thành phố bình yên của người ta. Thế rồi trí thức - học sinh được tìm hiểu về một mô hình nghệ thuật liên quan đến hành động đó, lại hát “Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau… Dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền...”.

Ngày nay, khi nói đến nhạc sĩ Phan Nhân, người ta hay nhắc đến lời tâm sự đằm thắm ân tình của nhạc sĩ với bằng hữu như một lời tình tự với nhân dân: “Đừng chết trước lúc lìa đời”. Câu nói của nghệ sĩ mà thâm thuý như một lời dặn dò của bậc “Vạn thế sư biểu” cho thế hệ mai sau.

Tác phẩm (1953-1978) của nhạc sĩ Phan Nhân gồm khoảng 25 ca khúc. Tiêu biểu là: Hà Nội, niềm tin và hy vọng, Tình ca đất nước, Nhớ về Bắc Pó, Xa Hà Nội, Cây đàn gui-ta của Victor Hara, Tiếng hát gửi dòng sông quê hương, Chú ếch con… và tập Tuyển chọn ca khúc Phan Nhân do NXB Âm nhạc và hội Nhạc sĩ Việt Nam (1995) và Album Nềm tin và hy vọng (1995)

Nhạc sĩ Phan Nhân được tặng thưởng: Giải thưởng nhà nước về Văn học-nghệ thuật (2001). Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng ba; Huy chương Thành đồng Tổ quớc, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc...

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2022


Mẹ gieo - Thơ Lê Gia Hoài

Mẹ gieo - Thơ Lê Gia Hoài

Baovannghe.vn- Mẹ gieo lên cánh đồng/ Những toan lo vất vả
Từ ngày em tới - Thơ Khuê Việt Trường

Từ ngày em tới - Thơ Khuê Việt Trường

Baovannghe.vn- Ta vốn vậy, vốn quên điều cần nhớ/ Những sớm mai chạm phố với mặt trờ
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 29/2025

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 29/2025

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 29 ra ngày 19/7/2025 có các nội dung sau đây:
Điểm thi TN PTTH không "gây sốc" nhưng buộc các trường nhìn nhận lại cách dạy và học

Điểm thi TN PTTH không "gây sốc" nhưng buộc các trường nhìn nhận lại cách dạy và học

Baovannghe.vn - Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, thành công của kỳ thi 2025 đến từ việc mạnh dạn đổi mới theo hướng đánh giá năng lực thay vì kiểm tra kiến thức thuần túy. Việc học sinh được chọn môn thi theo sở trường đã tạo cơ hội để các em phát huy năng lực cá nhân.
Triển lãm "Nối" - Sự giao thoa giữa di sản và nghệ thuật đương đại

Triển lãm "Nối" - Sự giao thoa giữa di sản và nghệ thuật đương đại

Baovannghe.vn - Chiều 14/7, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm Nối với sự hiện diện của đông đảo họa sĩ, khách mời và công chúng yêu mến nghệ thuật, đánh dấu chặng mở đầu cho hành trình nghệ thuật kéo dài hơn hai tuần giữa lòng di sản.