Sự kiện & Bình luận

Gió mới thổi mát triển đồi. Bút kí của Đàm Ngọc Xuyến

Đàm Ngọc Xuyến
Bút ký phóng sự
18:30 | 11/07/2024
Về Tam Nông kỳ này, chúng tôi được huyện giới thiệu cho một điển hình làm ăn giỏi, đó là chàng thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp Nguyễn Minh Đăng.
aa
Gió mới thổi mát triển đồi.  Bút kí của Đàm Ngọc Xuyến
Một góc Tam Nông, Phú Thọ

Mà cũng chẳng riêng tôi nghĩ thế. Các nhà văn hóa học chẳng đã từng tự hào mà thổi ra lời đấy thôi, rằng: Giữa bao thăng trầm bão táp lịch sử, dân tộc Việt Nam này vẫn còn là mình, chính là nhờ có hệ thống văn hóa làng xã khép kín, gìn giữ được hệ giá trị trường tồn, bất biến.

Vậy nên khi được tận mắt nhìn thấy những thay đổi, biến cải rõ ràng tại một vùng quê heo hút trung du, tôi mới chợt giật mình mà thầm nhủ với lòng rằng, đúng là không bao giờ được phép yên chí ngủ ngon trên những định kiến cũ. Cuộc đời này vẫn còn nhiều những phép lạ bí ẩn kỳ diệu lắm. Tất cả chỉ từ sức mạnh, từ năng lực đời sống của những con người bình thường, mà nhà lãnh đạo, người quản lý có biết cách khơi dòng ra hay không mà thôi.

Đó là cảm nhận sau chuyến đi về Tam Nông, một huyện có thể nói là thuần nông của tỉnh Phú Thọ, từ bao đời nay chỉ quen với cây lúa, củ sắn, con lợn đàn gà... Vâng, nơi đây, thậm chí đến một nghề thủ công như đan lát thì cũng chỉ loanh quanh cái rổ cái rá phục vụ nhu cầu hàng ngày theo kiểu tự cung tự cấp, chẳng mấy ai nghĩ đến việc làm ra thật nhiều để đem bán lấy tiền theo kiểu hàng hóa thị trường.

Vậy thì giờ đây người nông dân có thể làm được gì? Nhịp sống của họ sẽ thay đổi thế nào? Và ai là người khơi mạch dẫn nguồn cho những chuyển động ý nghĩa ấy?

TỪ CHUYỆN CON CÁ GIÒN KỲ DIỆU

Về Tam Nông kỳ này, chúng tôi được huyện giới thiệu cho một điển hình làm ăn giỏi, đó là chàng thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp Nguyễn Minh Đăng.

Chàng trai hai mươi sáu tuổi này trông bề ngoài dường như vẫn chưa hết vẻ thư sinh, thậm chí còn có phần e dè, nhút nhát.

Vốn là sinh viên khoa Công nghệ thông tin của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đăng đã sớm được tiếp xúc với biển kiến thức vô tận trên mạng Internet. Và rồi cái tố chất của một thanh niên hay lam hay làm trong một gia đình gia giáo đã thôi thúc anh không thể ngồi yên. Ngay từ khi đang còn ngồi trên ghế giảng đường, trong anh đã cháy bỏng một khát vọng khởi nghiệp, chứ không bằng lòng với sự an nhàn nơi công sở bàn giấy mà nhiều bạn bè đồng trang lứa đang hướng tới. Việc đầu tiên Đăng nghĩ đến là phải cải thiện điều kiện đi lại của cư dân đôi bờ dòng sông Bứa quê hương. Bến đò Quang Húc quê anh từ bao đời nay vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất, bởi mỗi khi mưa lũ xảy ra, dòng sông đục ngầu nước chảy cuồn cuộn lại cắt đứt những chuyến đò, khiến bà con trong xã chịu cảnh cách trở đò ngang, giao thông gián đọan.

Anh thao thức tìm kiếm tài liệu, lặn lội lên tận Bắc Giang tìm hiểu học hỏi, báo cáo ý định với gia đình, xin phép chính quyền địa phương, rồi thuyết phục mọi người trong nhà cùng góp vốn làm một cây cầu phao qua sông. Lúc đầu al cũng bảo anh chàng này liều lĩnh, bao nhiêu nơi được nhà nước đầu tư hẳn hoi mà còn chưa dám, đằng này một mình bắc cả cây cầu dài hơn trăm mét, tại cái nơi con nước, dòng chảy rất thất thường. Nhưng rồi với quyết tâm và tinh thần vượt khó không ngừng, Nguyễn Minh Đăng đã thành công trong dự án đầu đời, đem lại cho xóm làng một món quà thật nhiều ý nghĩa. Cầu bắc xong, nhìn những dòng người ngày đêm băng qua, gương mặt ai nấy bừng lên nét vui mừng phấn khởi, trong lòng chàng “Tổng công trình sư trẻ” như cũng dâng trào niềm hạnh phúc vô bờ. Lúc đầu anh dự tính thu tiền phí qua cầu đồng loạt, xe máy 20 nghìn, xe đạp 10 nghìn, người đi bộ 5 nghìn đồng/lượt, tính ra thì cũng chỉ bằng tiền đò khi trước. Nhưng rồi nghe lời khuyên của gia đình, anh quyết định giảm đi một nửa, và các cháu học sinh thì hoàn toàn miễn phí. Nghĩa là kéo dài thời gian thu hồi vốn lên gấp đôi, từ mười năm thành 20 năm. Nhưng ai cũng vui và biết ơn anh, để từ đó anh làm gì mọi người lại sẵn lòng ủng hộ.

Rồi Nguyễn Minh Đăng tiếp tục tìm hiểu mô hình doanh nghiệp nhỏ, sản xuất, kinh doanh trên chính lĩnh vực nông nghiệp vốn ngàn đời nay ông cha ta vẫn làm, nhưng chưa bao giờ giàu có sung túc. Công ty Cổ phần Minh Anh Phú Thọ ra đời năm 2012 do anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đã trở thành hiện thân của lối sống dám nghĩ dám làm của một thế hệ trẻ tài cao chí lớn.

Đầu tiên là xưởng sản xuất gạch xi măng phục vụ công cuộc kiến thiết hạ tầng trong vùng. Rồi đột phá lắp đặt cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết cho các cơ quan, công sở, trường học... Công việc mở ra, chàng trai trẻ bận bịu nhiều hơn, nhiều lúc quên cả việc đi chơi với người yêu. Nhưng những thành quả cứ dần đến đã giúp anh cùng các cộng sự ngày thêm tin tưởng vào tương lai phía trước.

Cuối năm đó, Nguyễn Minh Đăng mạnh dạn tìm đến các chuyên gia nông nghiệp, mua giống cỏ mật về trồng trên đất bờ sông làm thức ăn chăn nuôi. Những trại nuôi bò sữa, lợn rừng, ngan, ngỗng, gà, vịt... lần lượt ra đời, thu hút hàng chục lao động địa phương là những bà con bè bạn chí tình, mỗi năm xuất hàng chục tấn sản phẩm chất lượng cao cho thị trường ngày một khó tính.

Không thỏa mãn dừng lại, ông chủ năng động ấy bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá lồng trên dòng sông quê hương. Mạnh dạn vay vốn của quỹ phát triển nông nghiệp, nông thôn, ngay năm đầu anh đã làm được 30 lồng cá tiêu chuẩn, mỗi năm xuất bán cả trăm tấn cá đủ loại, từ cá chép, cá trắm, cá ngạnh sông, đến cá diêu hồng, rồi cá lăng, cá quả... Chỉ một năm sau, phát huy thắng lợi, anh mở rộng sản xuất ra quy mô 60 lồng, mỗi lồng thu hoạch 3 tấn cá/năm. Những tưởng tất cả đều đang xuôi chèo mát mái thì đùng một cái, tháng 9 năm 2014, cơn lũ lịch sử đã phá hỏng gần như toàn bộ dàn lồng của anh, cả trăm tấn cá ra sông ra biển hết, khiến anh và gia đình ngơ ngẩn mất một thời gian dài.

Vẫn biết sản xuất nông nghiệp thì tất sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thiên nhiên, may rủi, nhưng cú sốc lớn quá, người do dự sẽ tìm thấy lý cớ để chùn bước, dừng lại.

Thật may là với Đăng lại khác. Anh tìm được sự an ủi động viên từ chính quyền, đoàn thể địa phương, từ những người thân, công sự đắc lực, đặc biệt từ người bạn đời mới cưới nhau được mấy tháng,

Nhờ các chuyên gia từ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là giáo sư Nguyễn Lân Hùng, những chàng trai cô gái miền trung du Đất Tổ đã hiểu cách để đề phòng, và rồi họ lại dám xốc lại đội ngũ, không chán nản bỏ cuộc. Qua năm 2015 thì toàn bộ câu chuyện đã khác, những mẻ cá mới lấp lóa mặt sông cứ lần lượt xuất bán, đem lại cho Đăng trung bình nửa tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, trong danh mục sản phẩm của Công ty Minh Anh có những mũi nhọn vô cùng độc đáo, đó là những chú cá trắm, cá chép giòn, với kỹ thuật chăm nuôi hoàn toàn tự nhiên, khiến ai đã một lần thưởng thức thì đều sẵn lòng khẳng định: Không thể tuyệt vời hơn. Những khúc cá tươi roi rói, dù nấu lẩu, chiên, rán, hay om, kho... đều giữ nguyên đặc tính thịt chắc, ngọt, thơm, không hề ngấy, và đặc biệt: giòn sần sật như miếng bong bóng. Không chỉ bán tươi, hiện công ty đã có thiết bị sấy bảo quản sau thu hoạch, sản phẩm là những túi cá héo 20% độ ẩm, hút chân không, kiểu như cá thu một nắng ở các vùng biển.

Khi đến thăm Trại cá Minh Anh, chúng tôi được tận mắt chứng kiến quy mô và quy trình sản xuất tự nhiên mà vẫn rất hiện đại, chứng kiến cả những sa sẩy thắt ruột kiểu như những chú cá lăng to bằng bắp chân người lớn và đập vào chuồng mà tự chết, phải với lên nấu thức ăn cho đàn lợn rừng, Ông chủ trẻ Nguyễn Minh Đăng đã quá quen với thuận lợi, khó khăn, mặt không biến sắc, vẫn điềm tĩnh vừa hướng dẫn khách thăm quan, vừa điều tiết nhịp điệu công việc, còn dặn các bác nhà văn đừng nói quá thành tích của cháu.

ĐẾN CHUYỆN DỒN ĐỒNG ĐỔI THỬA TẮP LỰ

Tam Nông là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam tỉnh Phú Thọ, diện tích tự nhiên 15.596,92 ha, dân số trên 84.000 người; 20 đơn vị hành chính trực thuộc huyện, bao gồm 19 xã và 1 thị trấn, với 172 khu dân cư. Toàn huyện hiện có 20 dân tộc (Kinh, Tày, Thái, Mường, Hoa, Nùng H.Mông, Dao, Sán Chung, Co Ho, Thổ, Tà Ôn, La Chí, Lô Lô...). Đảng bộ huyện có 42 cơ sở đảng với 5.867 đảng viên (tính đến tháng 12/2013).

Từ bao đời nay, nguồn sống duy nhất của người dân trên toàn lãnh thổ Việt Nam nói chung, lẫn huyện Tam Nông nói riêng, vẫn từ những thửa ruộng, luống cày trên đồng dưới bãi quanh làng. Đã có thời chúng ta phần vì muốn làm ăn lớn một cách nóng vội, phần vì muốn phủ định quan hệ tư hữu "lạc hậu", đã tập trung hết mọi tư liệu sản xuất (mà quan trọng nhất trong nông nghiệp là đất đai) vào mô hình tập thể, điển hình là các hợp tác xã. Thế rồi kể từ Khóan 10, ruộng đất lại được chia về cho các hộ gia đình, để người dân tự quyết việc gieo trồng canh tác. Việc này có tác dụng rõ ràng, ai cũng biết, nhưng lại vướng nhược điểm cố hữu là ruộng đất manh mún, khó đầu tư khoa học kỹ thuật và các phương thức sản xuất hiện đại vào sản xuất.

Từ năm 2010, chủ trương xây dựng Nông thôn mới của Đảng và Nhà nước đã về với các địa phương, mà một trong những biện pháp cũng như chỉ tiêu quan trọng nhất là phải quy hoạch lại ruộng đất, dồn điền đổi thửa để hình thành các vùng chuyên canh, thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ai cũng có thể mường tượng được ra những lợi ích của chủ trương rất căn bản này, nhưng phải làm thế nào để đảm bảo công bằng, tránh những xáo trộn, xích mích không cần thiết giữa các chủ thể nông dân từ bao đời nặng tập quán manh mún, thì không phải nơi nào cũng biết cách giải quyết.

Thì đây, một điển hình làm tốt tại huyện Tam Nông chính là xã Hương Nộn bên trục đường 32. Với hơn 800 hecta đất canh tác tự nhiên ở ba vùng rất khác nhau là gò đồi, trũng thấp, và đồng màu, Lãnh đạo xã đã thực hiện một chủ trương vô cùng linh hoạt là dựa vào các dòng họ, vốn là những cộng đồng nhỏ gắn kết với nhau bằng tình máu mủ, rất thuận lợi cho việc dàn xếp những hơn thiệt hàng ngày.

Kết quả thật đáng mừng, chỉ sau hai năm triển khai vừa khảo sát, tính toán quy hoạch, đến xác định chính sách hỗ trợ, phân bổ hệ số chuyển đổi... Ủy ban xã đã có được sự đồng thuận của các dòng họ, các hộ gia đình, giảm được chỉ số đầu thừa trên mỗi gia đình từ 6,4 xuống còn 3,47 và hiện sẽ còn tiếp tục giảm xuống nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thành lập các khu chuyên canh trồng hoa nhài, hoa ngọc lan, vùng trồng rau an toàn cho thu nhập cao gấp 4 lần so với trồng lúa.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đến nay, xã Hương Nộn đã hoàn thành 16/19 tiêu chỉ xây dựng Nông thôn mới. Người dân trong xã thực sự trở thành chủ thể của quá trình thực hiện mục tiêu Quốc gia quan trọng này. Tập trung giữ vững các tiêu chí đạt được, xã Hương Nộn tiếp tục phát huy dân chủ trong lãnh đạo, điều hành và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đưa xã Hương Nộn trở thành xã Nông thôn mới vào năm 2016.

RỒI CHUYỆN NÔNG DÂN CHƠI CHUYỂN HƠI, BÓNG CỬA

Ai đến xã Thượng Nông những ngày này cũng đều phải trầm trồ với khung cảnh thoáng đãng, quy củ, nền nếp của một vùng nông thôn nằm giữa sông Thao và sông Đà. Sở hữu một vị trí đắc địa ngay bên kia cầu Trung Hà, nghĩa là chỉ mấy bước chân đã sang đến địa phận Hà Nội, địa phương này chẳng những rất biết tận dụng những lợi thế của một vùng ven đô để làm kinh tế hàng hóa, mà họ còn chủ động tiếp thu những nét văn hóa, văn minh mới mà từ hàng nghìn đời nay tưởng như chỉ có thể đọc trong sách báo, xem trên phim ảnh đẩu đâu.

Tất cả các chỉ tiêu hạ tầng Nông thôn mới đều được lãnh đạo và người dân Thượng Nông chủ động thực hiện một cách tự giác, quy hoạch từng được các thế hệ tiền nhiệm chú ý, giờ càng được nắn nót, chỉnh trang hoàn thiện. Đường làng ngõ xóm mở rộng, điện, đường, trường, trạm ngày mỗi khang trang. Chỉ riêng có chỉ tiêu quy hoạch chợ tập trung thì xã đã báo cáo với cấp trên, xin được vận dụng linh hoạt trong hoàn cảnh thực tế, cốt lấy hiệu quả và giảm bớt chi tiêu công, mà người dân vẫn thuận tiện trong giao thương và tiêu thụ nông sản thực phẩm sản xuất được.

Còn hơn thế nữa, điểm đặc biệt nhất của địa phương này là các định chế và quy ước văn hóa đời sống mới được phổ cập và phát huy đến tận từng cộng đồng dân cư, từng gia đình, cá thể. Tất cả các cụm dân cư đều có nhà văn hóa, sân chơi chung cho mọi lứa tuổi. Chiều chiều, các cháu thiếu nhi được chơi các môn thể thao như bóng đá, đá cầu, kéo co, bập bênh... Các bác trung niên chơi bóng chuyền hơi, đạp xe đạp, đi bộ... Các cụ già háo hức với môn thể thao mới du nhập là bóng cửa. Nhìn hình ảnh sân chơi chung đông vui tấp nập, không ai nghĩ tất cả đều là sản phẩm của chương trình Nông thôn mới được phát động cách đây không lâu. Thế mới biết, chủ trương chính sách nào minh bạch, dễ hiểu, hướng đến quyền lợi và đời sống người dân thì sẽ dễ dàng đến được với bà con. Địa phương nào biết quan tâm sâu sát, thực hiện tốt công tác quy hoạch, vận động quần chúng, thì phong trào phát triển sẽ có chiều sâu và đạt được nhiều thành tựu tích cực.

TẤT CẢ ĐỀU TỪ VĂN HÓA

Thực tế mấy ngày lăn lộn ở Tam Nông cho tôi một thắc mắc: Không hiểu vì sao vùng quê khá khuất nẻo này lại hăng hái với chính sách Nông thôn mới đến vậy? Chẳng lẽ bao nhiêu chương trình kinh tế, thương mại, thu hút vốn đầu tư khác, những thứ có thể nhanh chóng làm tăng được GDP, tăng vị thế địa phương, làm nổi đình nổi đám các cấp chính quyền và các đoàn thể địa phương, lại không đủ hấp dẫn và vắt kiệt sức toàn bộ guồng máy cùng mọi người dân đang náo nức làm giàu hay sao?

Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi buộc phải tìm hiểu thêm một nét thâm trầm tưởng như rất ít liên quan, đó là căn gốc tinh thần của đất và người nơi đây. Thì hóa ra, Tam Nông có những di sản văn hóa, lịch sử khá thú vị mà rất ít người tỏ tường.

Cụ thể, dễ thấy nhất, là khu di tích tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với cây thị xanh tươi bình dị. Trong thời gian nửa tháng ở và làm việc tại Xóm Đồi xã Cổ Tiết, từ sáng ngày 4/3 đến chiều tối ngày 18/3/1947, Người đã theo dõi tin tức chiến sự, báo chí, gặp và làm việc với các đồng chí trong Bộ Chính trị, Hội đồng Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh. Người từng trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc từ những việc nhỏ như giúp dân sơ tán, đến những việc lớn như chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn diện, lâu dài, hoạch định chiến lược, sách lược đối với Chính phủ và nhân dân Pháp. Trong thời gian ở Cổ Tiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng bí danh là “Xuân” trong các giấy tờ giao dịch. Vì để đảm bảo tuyệt đối bí mật, Bác chỉ làm việc tại nhà, không có các cuộc tiếp xúc rộng rãi, khi cần đi đầu Người đều cải trang kỹ càng. Tại nơi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo và công bố nhiều văn kiện, sắc lệnh, thư điện, tài liệu.... Cũng tại đây, Bác Hồ đã đặt tên cho các chiến sỹ trong đội tuyên truyền vũ trang cùng đi với Người, là “Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi”.

Rồi đền thờ vua Lý Nam Đế (tên thật là Lý Bôn, hay Lý Bí), hoàng đế đầu tiên của nhà nước Vạn Xuân (tức Nam Việt, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Việt Nam sau này) là nơi an nghỉ cuối cùng của đức vua tại căn cứ động Khuất Lão thuộc gò Cổ Bồng, khu 2 xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ ngày nay. Dân cư quanh vùng chỉ cho chúng tôi một khu vực công xưởng đồ sộ xế mẻ hữu tầm nhìn đền thờ, bảo đó là công ty sản xuất nhiên liệu cồn sinh học E-tha-nôn. Rồi họ thì thầm vẻ bí mật: “Nhưng hoàn thành đã mấy năm nay mà vẫn đắp chiếu. Nghe nói không chạy được, cứ đóng điện là không cháy cũng khét. Rồi họ còn kể tiếp những huyền thoại hãi hùng nữa, nào cậu máy xúc san nấm mộ vô danh bỗng nhiên ngã nhào xuống đất, may chỉ gẫy mấy cái răng. Nào thằng cháu cưng ở quê của ông Đội trưởng giải phóng mặt bằng chẳng may chết đuối. Rồi bức tượng bó gọn khu đền chẳng ai động đến cũng tự đổ vụn, cây hoa đại mạn xế khu Di tích bung ngọn hình chạc ba... Bí thư huyện ủy Bùi Đình Thi hôm ấy dẫn các nhà văn đi thăm quan cũng không dám can ngăn các cụ kể lể, chỉ đứng cười. Nhưng ai cũng hiểu, các Thánh ngày xưa vẫn quanh quẩn đâu đây, sẵn sàng phù hộ cho đám cháu con có chí tiến thủ, nhưng cũng ra tay trừng trị những kẻ xốc nổi, tham ác.

Chúng tôi còn được dẫn đi thăm Cột cờ Hưng Hóa, được xây từ năm 1842 thời Thiệu Trị, là một trong bốn kỳ đài của cả nước (cùng với Phú Xuân, Hà Nội, Sơn Tây). Được biết cột cờ có 3 tầng. Đế lớn hình vuông mỗi cạnh 17.52m, cao 2,4m, đế nhỏ rộng 11,4m cao 3,1m, thân cột cờ hình bát giác cao 18,34m bên trong có 55 bậc. Tổng chiều cao tính từ mặt đất lên là 23,84m.

Đi đến đâu, Bí thư Bùi Bình Thi cũng chỉ nhấn mạnh duy nhất một điều: Huyện sẽ gắng tôn tạo, tu bổ, vận dụng mọi cách để đưa các công trình văn hóa này vào khai thác, trước hết để cán bộ và nhân dân địa phương hiểu rõ truyền thống lịch sử phong phú của ông cha, sau nữa là đồng bào cả nước biết thêm về một vùng quê, ủng hộ huyện nhà trên đường phát triển.

Thì đã rõ, một khi những chủ nhân ông của vùng đất này tỏ tường và trân trọng quá khứ như thế, nhất định chương trình kế hoạch công việc của họ cũng thấm đượm những gia trị tinh thần, chứ không đơn thuần chạy theo những thành tích sốt sột. Và đó mới là những giá trị bền vững, vừa là động lực vừa là đích đến dài lâu vậy.

Văn nghệ, số 4,23/1/2016

--------------

Có thể bạn quan tâm:

Hát Xoan Phú Thọ và Bài Chòi lọt top đề cử 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2017 Đại diện lãnh đạo hai xã Gia Điền và Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ thăm và làm việc với Báo Văn nghệ Nhà văn Ðinh Công Diệp và “Rừng có tiếng người”
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...