Sáng tác

Giọt đờn long lanh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Kim Nghỉ

Nguyễn Kim Nghỉ
Truyện
08:59 | 25/12/2024
Baovannghe.vn - Từ bữa đó, tự nhiên nhớ lời ông, Loan bỏ nhậu cái một. Nghệ sĩ như mày quý nhứt là cái giọng, được tổ thương ban cho giọng ca mà không biết giữ
aa

“Mai, chiều gì có quởn… xuống dưới đây, tao có chuyện nhờ!”

Chỉ vì một câu gọn lỏn trong điện thoại với cái giọng nghiêm túc, không giống thường ngày, nên không đợi đến mai, chiều đó, Loan vọt xe xuống với ông già Chín Thương luôn. Mặc dù anh chưa mấy gì quởn. Tại Loan biết, nếu không có chuyện quan trọng, thì bảo đảm khi vừa bắt máy, đầu dây bên kia như thường lệ sẽ vang lên câu bóng gió giận hờn nào đó của ông Chín. Tối, anh còn có buổi tập với anh em trong đoàn. Vì vậy mà Loan phải năn nỉ dữ lắm chú Chinh trưởng đoàn mới chịu cho vắng. Mấy nay cả nhà hát, từ đoàn cải lương, đoàn văn nghệ Khmer đến đoàn đờn ca tài tử, đang gấp rút chuẩn bị chương trình nghệ thuật kỉ niệm lễ giỗ tổ sân khấu.

Giọt đờn long lanh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Kim Nghỉ
Minh họa Ngô Xuân Khôi

Lẽ ra như dự tính thì ít bữa nữa tới giỗ tổ, Loan mới xuống đón ông Chín lên luôn. Nghe mấy cô chú lớn tuổi trong ban nhạc tài tử của nhà hát kể, mấy chục năm rồi ngày quan trọng này đâu có khi nào vắng mặt thầy đờn Chín Thương đâu. Còn nhớ giỗ tổ năm ngoái, lúc trời sụp bóng tối mù rồi, mưa gió giật phằng phằng, lễ gần cử hành mà nhìn hoài không thấy ông Chín. Sốt ruột, bấm số gọi thì điện thoại rung hết hồi chuông này tới hồi chuông nọ. Vậy rồi đang lúc đứng trên sân khấu hành lễ, Loan ngó thấy cái dáng nhỏ khô gầy của ông lấp ló sau mấy hàng khán giả. Lúc lễ xong, đi xuống dáo dác ngó xung quanh thì ông lại đi đâu mất tiêu. Lát sau nghe chú Chinh nói lại: “Chú Chín về rồi. Mưa gió quá bỏ thím ở nhà một mình chú hổng an tâm. À, chú có gởi con gà luộc cúng tổ. Nhờ khấn vái tổ nghiệp dùm, là cầu cho sân khấu xứ mình còn hoài, còn mãi.”

Mà không riêng gì tới ngày giỗ tổ. Hễ có dịp ghé nhà hát, việc đầu tiên ông Chín làm là lại bàn thờ tổ đốt nhang và chỉ cầu mong một điều duy nhất như trên. Những lần có chương trình đờn ca tài tử trên tỉnh có mời ông dự, xong Loan đưa về, ngồi sau xe mà ông cứ hồ hởi. “Nhà hát xây mới đẹp quá xá he mậy! Ai nghĩ ra hình ba cái nón lá chụm lại tàn tài thiệt chớ. Nghệ thuật phải một bụng. Cái này phải nói là nể.” “Ê liên hoan đợt này tao thấy dân trẻ trẻ nhiều. Nhóc Gia Hoài mới lớp hai mà ca ngon lành. Mừng à nghen!”… Vậy đó, suốt đoạn đường hơn năm chục cây số.

Từ khu tập thể nhà hát chỗ Loan ở xuống nhà ông, chỉ đâu chục cây đường quốc lộ nhộn nhịp chợ búa, xe cộ. Tới chợ Thuận Bình quẹo trái, qua cầu là lọt vô vùng nông thôn được ôm ấp bởi mênh mông là ruộng lúa. Nhớ lần đầu về thăm nhà ông già, chục năm trước lộ làng chưa thông thống được như bây giờ. Đường đai mùa mưa chỉ có ngay chính giữa lộ là màu xam xám. Còn lại, hai bên sát mé bị cây lá che mát âm ẩm nên rong đóng trơn bóng. Cho nên người ta cứ hè nhau ngay lằn giữa mà chạy. Loan cũng như người ta. Tới khúc cua bị nhánh cây che tầm nhìn, ầm một cái, hai chiếc xe văng ra hai hướng, bốn người bị quăng bốn chỗ. Ngóc đầu lên, đang lúc chưa định hình mình còn sống hay chết thì Loan đã thấy ông già Chín ngồi gượng dậy. Bàn tay máu chảy ròng ròng tháo cây đờn kìm đeo phía sau lưng, lật đật mở ra coi nó có bị trầy xước, đứt dây, móp méo gì hôn.

Từ bữa đó, tự nhiên nhớ lại lời ông, Loan bỏ nhậu cái một. “Nghệ sĩ như mày quý nhứt là cái giọng, được tổ thương ban cho giọng ca mà không biết giữ. Rượu chè cho cố xác vô rồi mơi mốt không còn khán giả thì đừng hối hận.” Cái tánh của ông, hễ cái nào nói mặn nói lạt được là ông nói. Hiếm khi nghe ông khuyên ai bằng giọng ngọt ngào. Lại còn cái tật dễ bị giận là hay chê. Cái gì mà bụng ông thấy hay thì miệng sẽ nói “cũng được”. Cái nào thấy được được, ông sẽ kêu “không có chó bắt mèo ăn cứt”. Tranh luận với Loan, bất cứ về đề tài gì, ông phải luôn là người thắng. Dù có khi sau đó ít bữa, ông lỏn lẻn làm theo cái điều mà mình từng phủ nhận, rồi cười xòa “Suy nghĩ tới lui, thấy mày nói cũng có lí.” Có lần ông nói với Loan: “Tao nể ông già mày thiệt, cái vụ cãi song lang hay song loan rồi tức quá đặt tên cho mày là Song Loan luôn.”

Nhiều người nghe danh ông tìm tới nhà học đờn, cũng không ít người tự ái bỏ ngang. Số người quyết tâm đeo thì cũng đến mấy chục, đa phần đều thành nghệ nhân đờn có tiếng. Mấy lần ngồi lai rai với ông, Loan cũng nửa đùa nửa thật “Ai đứt sợi dây giận như con mới theo sư phụ được.” “Vậy tụi bây phải cảm ơn tao. Chớ mà động chút là giận thì còn lâu mới theo được cái nghề làm dâu trăm họ này.” Đợi tới lúc ông ngà ngà, Loan làm liều: “Con nói này sư phụ đừng giận nghe.” “Thì mày nói đi! Tao có rượt thì mày chạy. Dò cẳng mày dài thòn, tao rượt cũng có kịp đâu.” “Sư phụ nhiều khi bảo thủ quá. Bỏ cái tánh này, sư phụ thêm một thương nữa, là được Mười Thương rồi.” Ông “xời” một tiếng kèm cái liếc ngang: “Thôi, vậy được rồi. Hoàn hảo quá chết sớm. Còn nhiều chuyện chưa làm xong nên mới ráng khó ưa đó chớ. Xóm này mấy người sống dai toàn khó ưa cỡ tao trở lên.” “Nhìn mặt là biết mày không tin tao chớ gì. Chớ tao hỏi mày, mày đi mua trái cây đi, có phải toàn lựa trái ngon, trái thúi bỏ lại hôn? Ông Diêm Vương cũng vậy thôi, ổng thấy thằng nào bảnh là ổng hốt trước.” Nói xong, ông đánh cái trót cạn ly rượu, trong khi Loan phì cười trước cái lí lẽ ngộ đời của ông già ngồi đối diện.

Nghĩ lại, trừ lần đầu gặp ông là Loan tức cành hông ra, những còn lại hầu như lần nào gặp cũng có chuyện này chuyện kia mắc cười. Thậm chí khi chưa gặp, đang lúc ngồi trên chiếc xe cà tàng xuống nhà ông, hễ ngẫm nghĩ là Loan cũng cười thầm trong bụng. Nhớ lại cái hồi lễ hội đờn ca tài tử lần đầu được tổ chức ở quê mình, lúc mới biết ông Chín, Loan cứ tưởng hai người, một già một trẻ cách nhau hơn bốn con giáp, rồi sẽ nghịch nhau cả trăm cây số. Bữa đó là buổi ráp đội hình tập dượt để trình diễn đêm khai mạc. Loan hồi này hai mươi ba tuổi, mới đầu quân cho nhà hát được mấy tháng sau khi tốt nghiệp chuyên ngành diễn viên cải lương. Dân được đào tạo bài bản, thêm nữa, bốn năm là sinh viên, anh đi diễn không biết bao nhiêu show. Cái tên Song Loan tính ra cũng gọi là có chút tiếng tăm. Vậy mà bữa đó, hát bản vọng cổ nhịp 8 Văng vẳng tiếng chuông chùa, Loan bị thầy đờn là ông Chín la um beng. “Chèn ơi, kiếm người khác thay dùm cái đi. Ca đâm bang vậy ai mà đờn theo cho được. Đâu phải biết hát cải lương là ca tài tử được đâu. Tập kiểu này tới mùa mít còn chưa rồi, chớ ở đó mà khai mạc khai méo gì.” Ai mà có dè, sau đợt kình nhau muốn té khói - người đờn không chịu đờn cho người hát, người hát cũng không muốn hát theo kiểu của người đờn - không lâu, bây giờ đâu chừng hai, ba tháng không gặp là mạnh người nào người nấy rủ réo nhau ỏm tỏi. Cậu trai thành phố thì chọc ghẹo: “Mấy nay lên bệnh viện lãnh thuốc sao hông ghé con vậy sư phụ? Bộ đệ tử này cũ quá nên sư phụ chán rồi hả?” Ông già quê thì hay làm bộ trách móc: “Cấp này nghe nói lên kép chánh rồi he. Chắc bận bịu lắm he! Coi hông rảnh thì nói để tao gởi keo rượu nhãn cho Cẩm Hồng lên trển trả. Chớ người hùn nhãn trốn biệt thì người ra rượu có thèm cũng đâu dám uống mình ên.” Lần nào nghe giọng điệu kiểu vậy phát ra từ chiếc điện thoại đang bật loa ngoài, vợ Loan ở kế bên cũng bật cười: “Giọng của ông chú Chín giống hịt như hồi mới yêu nhau em hay giả đò hờn mát anh vậy đó.”

Vậy rồi một hai bữa, coi ngơi ngơi công chuyện ở nhà hát là Loan tọt xuống ông. Có khi sáng đi chiều về, cũng có khi ngủ lại một đêm trong cái chòi vó nhỏ xíu cách nhà ông một đỗi. Cẩm Hồng - người mà ông Chín hay hăm sẽ giao nhiệm vụ vác keo rượu nhãn trả cho Loan - là cháu gọi ông là ông ngoại, hay nói với Loan: “Đại ca hông biết đâu, đó không phải cái chòi, mà là cung điện của ông ngoại muội đó.” Con bé từ lần đóng vai Bích Tuyền trong vở Đêm lạnh chùa hoang với Loan - vai Cao Nguyên Bình, thì kêu anh bằng đại ca luôn. Học hết cấp ba là Cẩm Hồng đã nằng nặc đòi theo đoàn cải lương dù mẹ nó khuyên hết mức. “Mẹ kêu muội học đại học đi, ngành nào cũng được. Học xong rồi về mẹ nói ông ngoại gởi vô đoàn. Muội cũng tính vậy, mà năm đó thấy thông báo đoàn đăng tuyển diễn viên trên tivi, muội lén mẹ đi thi, ai ngờ đậu luôn. Khỏi mất công nhờ ngoại. Mà có nhờ chắc gì ngoại chịu gởi.” Hồng còn ít tuổi, nhưng hiểu nhiều về cuộc sống, về thế thái nhân tình. Ông Chín cũng hay tự hào về đứa cháu gái này. Nhưng đúng như lời Hồng nói, kêu ông dùng quan hệ gởi cháu mình vô đoàn cải lương thì nhất định ông không làm. Có xa xôi gì đâu, mới năm ngoài, chú Chinh rủ rỉ: “Cơ quan được duyệt hai suất hỗ trợ học cao đẳng ngành diễn viên sân khấu. Con tính kêu Cẩm Hồng…” Mới nói tới đó, ông già Chín đã gạt ngang: “Mày làm vậy không được đâu. Còn mấy đứa vô trước, con Hậu, con Hiền, thằng Tâm, thằng Vĩnh… người ta cống hiến bao lâu nay. Con Hồng mới chân ướt chân ráo. Mày cho kiểu đó, chắc tao chui xuống lỗ nẻ, từ rày khỏi dám gặp ai.” Sau một hồi giải thích, là sẽ cho anh chị em có nguyện vọng thì nộp hồ sơ, trường người ta tổ chức xét học bạ, rồi thi năng khiếu đàng hoàng, ai đậu mới được tỉnh lo cho chi phí học thì ông mới chịu. Hay như đợt Cẩm Hồng về khoe nó được phân vai Bích Tuyền, ông cũng gọi cho Loan dò xét. Ý là ông sợ cháu mình được ưu ái vì tình riêng giữa ông và chú Chinh. Sẵn Loan kể để ông an tâm và cũng để ông mừng về chuyện nhà hát đã vận động được nguồn xã hội hóa, cố gắng để sân khấu sáng đèn mỗi thứ bảy hàng tuần phục vụ bà con miễn phí. Đoàn nghệ thuật Khmer thì sẽ lưu diễn các vở dù kê ở những ngôi chùa vùng nông thôn. Đoàn đờn ca tài tử thì trình diễn ở phố đi bộ, chợ đêm, quảng trường. Riêng đoàn cải lương thì sẽ dựng lại vở Đêm lạnh chùa hoang nức tiếng một thời của soạn giả Yên Lang, đặng mơi biểu diễn cho công chúng xem tại nhà hát. Ai muốn đóng vai gì cũng phải thử vai hẳn hoi, ban giám đốc thấy hợp mới phân.

Và cũng nhờ lần đó, sau hơn một tháng tập tuồng, Loan mới hiểu hơn về ông già Chín qua những câu chuyện mà Cẩm Hồng kể trong lúc giải lao. Trước đó, những lần thầy trò gặp nhau phần lớn nói nhiều về chuyện màn nhung, ánh đèn sân khấu, về kỉ niệm một thời ông tham gia đoàn văn công đi khắp các tỉnh Tây Nam Bộ. Chuyện riêng gia đình mình, ông Chín ít khi kể. À, có một chuyện ông nhắc mấy lần. Loan không biết là do ông quên, hay dù có nhớ đã kể rồi mà vì tận trong tim mình cần người lắng nghe thêm lần nữa nên ông cứ nhắc. Đó là mùa mưa năm sáu mươi tư, trong lần đoàn văn công của ông vô ấp chiến lược tuyên truyền thì bị địch phục kích. Cha vợ của ông, nghệ nhân Tư Khôi, cũng là người thầy dạy ông những ngón đờn điêu luyện từ đờn tranh, đờn kìm, độc huyền đến ghita…, đã lấy thân chắn ngang đường đạn của giặc đang hướng về thằng con rể mình, trên tay còn ôm cây đờn kìm. Có lần Loan hỏi: “Sao đi văn công chủ yếu hát nhạc cách mạng mà ông cụ lại đem theo đờn kìm?” “Để đỡ nhớ quê. Hai tía con tao chỉ xin đem theo chớ không chơi.” Ông già Chín bùi ngùi. “À, cây đờn kìm của ông cụ Tư là cây đờn chí cốt này của sư phụ đó phải hôn?” Loan chắc nịch chỉ vào cây đờn đang trong tay ông Chín. Ông không trả lời, chỉ lắc nhẹ mái đầu tóc bạc. Loan tò mò: “Vậy giờ nó ở đâu? Sư phụ sưu tầm đờn mấy chục năm nay mà vẫn chưa gặp hả?” Đáp lại Loan không có giọng nói hay cái lắc đầu nào mà là một khúc Giang Nam da diết.

Loan đem chuyện cây đờn hỏi Cẩm Hồng, con bé tình thiệt: “Muội chưa thấy cây đờn của cố. Nhưng ông ngoại dặn muội, sau này khi ông bà ngoại trăm tuổi già, em với mẹ gìn giữ cây đờn cẩn thận. Ông ngoại nói bà ngoại cất trong tủ thờ, khóa lại mấy chục năm nay rồi.” Loan thấy lạ “Sao bà ngoại không đưa nó cho ông ngoại?” “Muội kể thì huynh hứa là đừng thuật lại với ông ngoại nghen!” Con bé cẩn thận dặn dò. “Không hứa, mà thề luôn!” Loan nói như đinh đóng vô cột. “Tại bà ngoại giận ông ngoại dữ lắm. Mấy chục năm rồi bà đâu có nói chuyện với ông đâu…” Tối đó về, Loan trằn trọc nguyên đêm. Cứ nhắm mắt là thấy cái dáng khom khom, khô quéo quắt của ông Chín. Hèn gì trước giờ, trừ những lúc chương trình biểu diễn bắt buộc, còn lại Loan chưa từng nghe ông đờn mấy bài như Lưu Thùy, Xuân Tình, Tây Thi. Ngược lại, cứ trỗi lên mấy khúc Tứ Đại Oán, Giang Nam, Phụng Cầu Hoàng. Hèn gì, những lần xuống nhà, bà Chín dẫu niềm nở đón anh, dẫu chuẩn bị cơm nước mồi màng thức nhắm, quần áo đồ dùng của ông bà giặt sạch dọn dẹp ngăn nắp, chỉ duy nhất một điều là bà không hé môi nói chuyện với ông một lời nào. “Mẹ muội kể sau giải phóng, ông ngoại hay ôm cây đờn kìm của ông cố đi đờn ca cho đám tiệc. Hết đám này tới đám kia, xóm này qua xóm nọ, thậm chí tới miệt Thứ, U Minh, Cù Lao Dung luôn, ông ngoại đi miết có khi nửa tháng mới về. Hồi có bầu cậu Út tháng cuối, bà ngoại dặn ông ngoại đờn cho đám gần nhà thôi. Ông ngoại ỷ y, tính chắc cả nửa tháng bà ngoại mới sanh nên đi đờn mị dưới Lung Củi. Ở nhà bà ngoại đau bụng, một mình loay hoay mượn được xóm giềng chở ra trạm xá thì cậu Út bị ngộp rồi mất luôn. Từ đó bà ngoại thề không bao giờ nói chuyện với ông ngoại dù chỉ một lời. Bà biểu lời nói của mình đâu có giá trị gì với ông đâu mà nói. Bà cũng đem cất cây đờn của cố, không cho ông ngoại đụng vô dù chỉ một lần.”

Từ khi nghe được một đoạn buồn thương tê tái của đời ông, Loan tự trả lời những điều thắc mắc bấy lâu trong lòng. Hiểu tiếng thở dài não nuột rồi cái im bặt đột ngột của ông khi kể chuyện: “Một thời tao đờn bả hát đó chớ. Lúc chưa theo đoàn văn công, tao, bả rồi ông già vợ đi ghe củi mà dưới ghe lúc nào cũng có cây đờn kìm. Sáng trăng, có khi ghe này ghe kia chụm mũi lại với nhau, có khi thì lên chòi hàng đáy đờn ca quên luôn đốn củi. Hồi mới tiếp thu cũng vậy, bả hát…” Rồi Loan cũng hiểu vì sao mấy đời trưởng đoàn rồi giám đốc nhà hát mời mọc, năn nỉ cỡ nào ông Chín cũng không vô biên chế. Chỉ sự kiện đờn ca tài tử gì quan trọng lắm ông mới tham gia, sáng đi chiều về, có diễn tối thì diễn xong cũng lật đật về, không bao giờ bỏ bà Chín ở nhà một mình. Những đêm ngủ lại cùng với ông ngoài chòi rớ trước nhà, trước lúc ngủ, Loan thấy ông đi vô nhà mở cửa sổ, cửa chòi thì có nhưng không bao giờ đóng. Gió lùa mặc gió, mưa tạt mặc mưa. Để ông luôn lóng tai nghe được thanh âm từ phía trong nhà.

Chắc rằng đêm nay cũng vậy.

Loan nhìn thấy loáng thoáng căn chòi của ông Chín hiện ra là phía sau lưng trăng cũng vừa lên. Anh đậu xe cặp vách căn chòi chừng sáu mét vuông, cột kèo bằng cây, vách nóc bằng lá. Ông Chín đang kéo vó lên, mấy con cá chạch, tôm, ghẹ lung tung trên lưới rớ được ông xúc đổ vô giỏ tre.

- Đang lúc quởn hay sao mà gọi cái xuống liền vậy?

- Dạ, sư phụ.

- Bữa nay không có lai rai, tao có nhiều chuyện nhờ mày lắm, nói cả đêm còn chưa hết. - Ông nói khi đang thả cái giỏ xuống sông rọng tôm cá.

Khom người bước vô căn chòi, à mà không, là cung điện của ông, Loan cảm thấy chật chội hơn đợt trước mình xuống. Mà không chật mới là lạ, bởi mỗi ngày ông nạm lên thêm bốn bức vách tùm lum thứ. Mấy cây đờn, tiêu, sáo… máng có hàng có ngũ. Giỏ xách đủ chất liệu, túi nilong đủ màu đựng sách đờn ca tài tử, trong đó có cuốn vàng khè sứt bìa được ông nẹp lại bằng chiếc đũa chẻ đôi, cũng được treo tòn ten. Rồi mấy bài viết về đờn ca tài tử trên các trang báo, đặc biệt là trên tạp chí văn nghệ của tỉnh từ thời nảo thời nao bất kể về mảng nào, nghiên cứu lí luận, những suy tư trăn trở, lời mới hai mươi bản tổ được anh em, con cháu trong tỉnh sáng tác... được ông cắt ra đóng thành cuốn album. Hồi trước có lần ông nói như phân trần: “Người ta in ấn đâu đó đẹp quá chừng, đè ra cắt cũng kỳ. Mà để nguyên thì mấy trăm cuốn chỗ đâu mà chứa. Thành thử làm vầy, để lúc cần vạch ra tìm cho dễ.”

Ngồi trên chiếc giường ọp ẹp, Loan thấy có sẵn bốn cuốn album. Ông Chín múc nước trong lu để bên vách chòi rửa tay, rồi bước vô sau.

- Bữa nay tao chia của cho mày nhiều lắm.

- Sư phụ không nói để con chạy xe bán tải xuống hốt ề này đem lại bảo tàng tỉnh, mấy chú bên đó chắc mừng lắm.

Nghe câu cà rỡn của Loan, mặt ông Chín tỏ vẻ tâm đắc, kiểu “Té ra thằng này nó hiểu mình quá đó chớ.” Rồi ông ngồi xuống, lấy cuốn album dày cộm lên, lật chỗ này chỗ kia chỉ. “Này là hết thảy bài báo tao sưu tầm. Nhiều bài hay lắm, đọc tới đâu mát ruột tới đó. Có nhiều bài bản mình đờn mấy chục năm mà hổng hiểu nguồn gốc ra sao, mà mấy ông nghiên cứu tìm tòi hay thiệt. Nhưng có bài cũng tầm phào. Một số nhà báo bây giờ không rành, tìm hiểu chưa tới mà cứ viết nhăng viết cuội. Còn không phân biệt được đâu là cải lương, đâu là đờn ca tài tử. Người ta đọc rồi ngộ nhận tùm lum. Hệ lụy lắm.”

Nhìn theo tay ông, Loan thấy mấy bài báo có chi tiết sai được ông rạch chân mực đỏ, trang đó có bấm tờ giấy đính chính lại cho đúng. “Còn mấy chỗ thì dùng từ sai nữa. Nè ‘Việc đãi ngộ sẽ là động lực cho các nghệ nhân…’ Đãi ngộ thì tốt, hoan nghênh, là tạo điều kiện để nghệ nhân gắn bó với đờn ca tài tử hơn. Nhưng đãi ngộ không phải là động lực. Động lực của tụi tao là có khán giả ngồi nghe. Nhà nước làm sao để người dân người ta quan tâm, thích thú đờn ca tài tử như cái thời của tao, ngồi đờn hát đám, hát đình mà bà con vây nghẹt. Có khi chủ nhà dọn mâm cơm phải đi hâm đồ mấy lần, tụi tao mới buông được cây đờn, lùa thí mấy hột cơm vô bụng rồi đờn tiếp. À, nhờ mày chuyển cái này cho ai bên báo đài gì đó, nhờ họ phổ biến…” Cuốn tiếp theo là hướng dẫn cách đờn hai mươi bản tổ. “Viết cái này người ta viết nhiều rồi. Tao còn thấy có video hướng dẫn trên mạng, bữa Cẩm Hồng mở cho tao coi. Mà thôi, mỗi người một cách, có khi cách tao chỉ có người thấy dễ tiếp thu hơn thì sao.” Một cuốn nữa là ông ghi chép về tất cả các ban nhạc, câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử, cuộc đời hoạt động của các nghệ nhân trong tỉnh mấy mươi năm qua mà ông chịu khó đi tìm hiểu bấy lâu. “Hai cuốn này, mày ở trển coi đem lại hội văn nghệ dùm tao. Nhờ người ta, nếu được thì in. Bữa nghe thằng Bằng phòng văn hóa huyện nói hội mới in cho nó một cuốn tuyển tập vọng cổ.” Cuốn cuối cùng, ông mô tả các loại nhạc cụ ông thu thập được. Nó ghi theo số, mỗi cây đờn, sáo, tiêu, song loan, đều được ông đánh số tương ứng. “Chỗ này, mày như ý mày hồi nãy, mày giao lại cho bảo tàng dùm tao. Có mấy số tao gạch bỏ, là mấy nhạc cụ liên quan tới phong trào đờn ca tài tử của huyện. Hôm bữa tao đưa thằng Bằng rồi. Nó xin đem về trưng bày ở phòng truyền thống. Thôi mày ráng chịu cực với tao đi, coi như duyên cũng được, nghiệp cũng được. Tính giao cho con Hồng, mà nó đi học trên Sài Gòn rồi. Không biết chừng nào về.”

Cầm hết thảy, sờ và nhìn hết thảy, mấy cuốn album ông già Chín đưa, mấy cây đờn, bàn tay gân guốc chai sần, mái tóc bạc lơ phơ, hố mắt sâu hun hút… Loan muốn khóc quá. Mà khóc thì thể nào cũng bị ông rầy, nên anh lại nói giọng chọc ghẹo ông.

- Bộ mấy rày nhậu hết vô sao mà dặn dò đủ thứ vậy sư phụ?

- Tao vẫn còn khó ưa mà. Chắc chưa sao. - Ông cười. Có điều sao mấy rày tao hay mơ thấy ông già vợ của tao quá. Ổng rủ tao đi củi. Hai tía con chống chèo miết trên dòng sông nhóc nhách trăng. Mà ngộ này nè, tới bìa rừng thấy lá cây hình đờn kìm hết. Mỗi đợt gió thổi qua, cành lá rung rinh âm thanh vọng vang…

Loan giật mình, hôm kia, Cẩm Hồng có gọi cho anh, nói ít bữa nữa mẹ nó sẽ lên nhà hát, sẽ đưa cho anh một vật, là cây đờn kìm của ông cố nó, nhờ anh đem đi sửa dùm. Giọng con bé xúc động qua điện thoại: “Thì ra hồi đó lúc ông ngoại về sau khi cậu Út mất, bà ngoại giựt cây đờn rồi cắt đứt dây luôn. Bà ngoại nói với mẹ hổng hiểu sao mấy đêm liền thấy ông cố về, nhìn bà ngoại buồn buồn, rồi đi lại mở tủ thờ, lấy cây đờn đi thẳng ra chòi vó của ông ngoại. Bà ngoại giật mình thức dậy thì nghe điệu Xuân Tình từ phía chòi của ông ngoại vẳng vô…” Tự dưng Loan nghĩ, có khi nào giỗ tổ sân khấu năm nay, sau khi hành lễ xong, đôi vợ chồng già sẽ ngồi bên nhau, ông đờn, bà hát. Hai người nhìn nhau, thấy trong mắt nhau những giọt đờn long lanh…

Trao Giải Ảnh báo chí "Khoảnh khắc vàng" lần thứ VII năm 2024

Trao Giải Ảnh báo chí "Khoảnh khắc vàng" lần thứ VII năm 2024

Baovannghe.vn - Ngày 25/12, tại Trụ sở Trung tâm Thông tấn Quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức trao Giải Ảnh báo chí "Khoảnh khắc vàng" lần thứ VII năm 2024
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 52/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 52/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 52/2024 ra ngày 28/12/2024 với các nội dung sau:
Bản tin Văn nghệ ngày 25/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 25/12/2024

Baovannghe.vn - Chương trình đầu tiên trong chuỗi hòa nhạc dự kiến tổ chức thường niên vào dịp Tết Dương lịch do NSND Bùi Công Duy và nghệ sỹ quốc tế biểu diễn.
Mùa đông của mẹ - Thơ Thái Anh

Mùa đông của mẹ - Thơ Thái Anh

Baovannghe.vn- Mẹ cò/ cóng róng nương mưa
Năm tháng vội vã tìm bóng hình cha

Năm tháng vội vã tìm bóng hình cha

Baovannghe.vn - Tôi đã đi tìm và đã thấy bóng hình cha thật rõ nét, thật thân thuộc qua những con chữ, những tác phẩm, những câu chuyện của cha và về cha