Ngày xuân, thiên hạ rủ nhau tới nhà bạn bè gầy cuộc vui, hoặc tới những nơi đông người tụ hội, còn anh lại lên vùng cao ngắm nhìn các loài kỳ hoa dị thảo với người bạn thân là dân sở tại. Anh không ngờ ở mạn đông Trường Sơn lại có cánh rừng pơmu bạt ngàn, nhiều cây cao to đến độ năm người vòng tay ôm không xuể. Tán lá đan che kín mít trên ngọn, vì thế các loài cây khác cần ánh nắng soi rọi không sinh sôi nảy nở, mặt đất khá thoáng đãng. Sang xuân, hoa nghệ rừng mọc rải rác khắp nơi. Loài hoa này từ lớp lá mục trồi lên khoe sắc hồng xen lẫn trắng ngà quanh búp hoa trông giống hệt chiếc chổi lông gà nhỏ xinh phủi bụi bàn viết ở nhà. Khiết mỉm cười với ý nghĩ ấy.
Chẳng mấy chốc Arất Vân và Khiết đã đến nơi cần đến. “Cũng đã trưa rồi, chúng ta lót dạ và thư giãn ở đây. Xế chiều, chúng ta quay lại theo lối tắt chỉ mất độ một tiếng đồng hồ, không hơn!”. Arất Vân đề nghị. Khiết nhất trí. Hai ngưởi cởi giày tất, xắn quần, lội xuống suối mát lạnh. Cảnh quan đẹp như mơ. Ở cạnh thác nước trắng xóa có mấy cây đỗ quyên cổ thụ trổ hoa đỏ rực trong nắng xuân. Dây leo từ cành nhánh đỗ quyên thòng xuống, khoe những chùm hoa vàng ngà, tỏa hương thơm dịu nhẹ. Những phiến đá khá bằng phẳng nhô lên khỏi mặt nước, đàn bướm đủ sắc màu rực rỡ vỗ cánh bay lượn rập rờn. Dưới tầng đáy đầy cát sỏi, những con cua đá cỡ hai ngón tay màu nâu sậm thập thò nơi hờm đá, những con cá nhỏ bằng đầu ngón tay út, có hình dáng y chang cá đuối, thỉnh thoảng lại quẫy đuôi uốn mình dời đi chỗ khác, nằm im. Khiết quan chiêm một cách si mê. Vục hai tay xuống suối, Khiết khoát nước lên rửa mặt. Nước trong vắt, mát lạnh, khiến anh cảm thấy sảng khoái vô cùng.
Rời suối lên bờ, Khiết thấy Arất Vân đã mắc sẵn hai chiếc võng nylon ở hai nhánh cây to chìa ra mặt nước. Móc từ túi cóc ba lô mấy phong lương khô, Arất Vân cười nói: “Anh em mình dùng bữa trưa đạm bạc, gọn nhẹ nhưng mà ngon”. Khiết cũng cười bảo: “Đến với rừng pơmu cổ thụ, ngắm nhìn hoa lá cỏ cây, lắng nghe chim hót véo von, no con mắt rồi!”. Hai người nằm trên hai cánh võng đong đưa, vừa nhấm nháp lương khô, vừa trò chuyện với nhau. Arất Vân là nhân viên Khu Du lịch sinh thái Đại Ngàn, hiểu rõ từng cánh rừng, từng con suối, từng cây pơmu cổ thụ. Khiết quen thân với Arất Vân hoàn toàn do tình cờ. Khiết vẫn còn nhớ, hồi đó anh theo anh bạn là nghệ sĩ nhiếp ảnh lên miền biên ải săn mây trên Đỉnh Gió. Gặp gỡ Arất Vân, hai người hợp cạ nhau, lưu số điện thoại của nhau. Mỗi lần Arất Vân xuống phố, không quên a lô cho anh. Và ngược lại. Cuối tháng chạp năm ngoái, Arất Vân bảo anh, sang xuân lên vùng cao đi dạo trong rừng pơmu, thú vị lắm! Anh nhận lời. Và rồi bây giờ anh có mặt ở nơi này. “Hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, rừng già ở mạn đông Trường Sơn đã bị lâm tặc chặt phá sạch. Riêng vùng biên này, rừng nguyên sinh vẫn còn nguyên vẹn, kể cũng lạ!”. Khiết nói. “Nó tồn tại là nhờ ông B’ríu Quan dám một mình chống lại cả nhóm lợi ích có thế lực khủng chống lưng”. Arất Vân cho hay.
Và đấy là câu chuyện Khiết được người bạn đồng hành kể lại.
Tái lập huyện vùng biên, vấn đề nan giải đối với chính quyền địa phương là mở đường lên các xã vùng cao. Nội lực là con số không. Còn nguồn ngân sách trên cấp hằng năm như muối bỏ bể. Kinh tế - xã hội chậm phát triển bởi giao thông không thuận lợi, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 85%. Đúng lúc đó, cấp trên giới thiệu Lugaza Group - Tập đoàn Kinh doanh tổng hợp, giúp đỡ địa phương mở đường từ Đỉnh Gió thẳng lên biên giới. Cũng như mọi người, ông B’ríu Quan - đứng đầu huyện vùng biên, hồ hởi phấn khởi với “hành động đẹp” của Lugaza Group. Khi sườn núi cheo leo đèo dốc được cày ủi san bằng thành con đường đất phẳng phiu, Trần Lê - Tổng Giám đốc Lugaza Group, lên tận nơi kiểm tra thực địa. Trò chuyện với B’ríu Quan, Trần Lê cho rằng, huyện vùng biên hội đủ ba yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Không những thế, ông ta còn nói về tiềm năng thế mạnh của địa phương và vẽ ra viễn cảnh huy hoàng trong tương lai không xa. Nào là xây dựng cửa khẩu Kô Mốk sẽ thay đổi diện mạo vùng biên, bởi hàng hóa từ Thái Lan qua nước bạn Lào, sang cửa khẩu Kô Mốk rồi đến cảng biển Nam Vân và tỏa đi khắp các nơi. Nào là con đường lên biên giới được nâng cấp, mở rộng và thâm nhập nhựa sẽ tạo điều kiện cho huyện vùng biên phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nào là…
Trần Lê vẽ ra viễn cảnh huy hoàng và có nhã ý giúp đỡ địa phương biến ước mơ trở thành hiện thực, khiến B’ríu Quan đâm ra hoài nghi. Là đơn vị kinh doanh, lấy lợi nhuận làm trọng, tại sao Lugaza Group lại giúp đỡ địa phương một cách vô tư như vậy? Trần Lê là doanh nhân đâu phải nhà từ thiện? B’ríu Quan không có ý kiến gì nhưng ông luôn cảnh giác với những dự án do Trần Lê tưởng tượng ra. Con đường đất thẳng lên biên giới làm xong và nghiệm thu, khánh thành. Nhân sự kiện đó, Trần Lê mời cán bộ trưởng phó các đầu ngành của huyện và cán bộ thôn xã có con đường chạy qua đi tham quan du lịch miễn phí một tuần ở những danh lam thắng cảnh nổi tiếng cả nước. Khi đi chơi về, mỗi người được tặng một chiếc phong bì dày dặn, một bộ đồ vest đắt tiền, lấy số đo cắt may vừa vặn. B’ríu Quan càng thêm nghi ngờ về “lòng tốt” của ông chủ Lugaza Group. Ở đời không ai cho không biếu không ai thứ gì. B’ríu Quan nghĩ mãi nhưng chẳng thể nào đoán biết được ông chủ Lugaza Group cần gì, muốn gì ở huyện vùng biên? Nơi đây chỉ có núi non trùng điệp, cuộc sống người dân còn khó khăn thiếu thốn trăm bề. B’ríu Quan băn khoăn lo lắng khi cán bộ từ xã đến huyện đều ủng hộ ông chủ Lugaza Group một cách tuyệt đối với sự cả tin của họ.
Cấp trên bóng gió “bật đèn xanh” cho huyện vùng biên “hợp tác làm ăn” với Lugaza Group.
Úp mở hoài, cuối cùng rồi Trần Lê cũng lật bài ngửa với B’ríu Quan. Ông ta bảo rằng, con đường thẳng lên biên giới đã làm xong nhưng đó là con đường đất nhỏ hẹp, dễ bị sạt lở xói trôi vào mùa mưa lũ. Cửa khẩu Kô Mốk mới chỉ là ý tưởng bột phát, chưa hình thành trên giấy tờ hồ sơ thủ tục. Cửa khẩu Kô Mốk ra đời, con đường đất mới được cấp trên đầu tư kinh phí xây dựng. Đợi đến bao giờ? Năm năm? Mười năm? Mười lăm năm? Hay lâu hơn nữa... Lugaza Group sẽ giúp địa phương làm con đường ấy to rộng gấp bốn lần so với hiện tại và trải nhựa phẳng phiu theo tiêu chuẩn quy định. Tất nhiên, trước khi thi công, huyện vùng biên cho Lugaza Group mượn đường vận chuyển gỗ pơmu từ bên kia biên giới về. Cũng không nhiều, trên dưới vài ba nghìn xe siêu trường siêu trọng. Có xe tải trọng lớn qua lại, mặt đường được nén chặt, sau này làm đường nhựa sẽ đảm bảo chất lượng tốt hơn. “Huyện giúp Lugaza Group. Rồi Lugaza Group giúp huyện. Đôi bên cùng có lợi”. Trần Lê cười nói với người đứng đầu huyện vùng biên. Thấy B’ríu Quan chẳng mặn mà, Trần Lê lại nháy mắt bảo: “Cái gật đầu của ông cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi. Vì thế, chúng tôi sẽ hậu tạ ông xứng đáng. Tất cả vì cái chung, ông thấy thế nào?”.
Rượu vào lời ra. B’ríu Quan nửa đùa nửa thật bảo với Trần Lê: “Kế hoạch do ông vạch ra, hay đấy! Nhưng mà này, mượn đường vận chuyển gỗ từ bên kia biên giới về rồi ông nuốt lời không giữ lấy lời thì sao?”. Trần Lê tái mặt. Rất nhanh, ông ta trấn tĩnh lại, cười nói: “Nếu vậy, huyện vùng biên khởi kiện Lugaza Group, lo gì!”. B’ríu Quan cũng cười bảo: “Người Kinh có câu ca: “Con kiến mà leo cành đa/ Leo phải cành cụt, leo ra leo vào/ Con kiến mà leo cành đào, leo phải cành cụt, leo vào leo ra…”. Tóm lại là, con kiến mà kiện củ khoai, chắc chắn sẽ nắm phần… thua!”. Trần Lê không ngờ B’ríu Quan lại đi guốc trong bụng mình, biết rõ trò ngọt nhạt lừa đảo của Lugaza Group. Ông ta cười lớn, hỏi lại: “Ông nghĩ vậy à?”. B’ríu Quan không trả lời, móc máy Trần Lê: “Ông đã từng qua đấy chưa? Ý tôi là bên kia biên giới ấy…”. Trần Lê phẩy tay: “Rồi! Rất nhiều lần. Đại ngàn bên ấy toàn rừng nguyên sinh. Nào sến, lim, chò chỉ. Nào kiền kiền, pơmu… Phía bạn đang khai thác xuất bán với giá cả phải chăng”. B’ríu Quan không nhịn được cười, bảo: “Tôi là dân sở tại, qua lại bên ấy từ khi còn ở truồng. Bên ấy là thảo nguyên rộng mênh mông, làm gì có rừng già với các loại gỗ quý. Nói thật nhé, ông cho đội quân lâm tặc khai thác gỗ pơmu ở huyện vùng biên chuyển sang bên ấy, sau đấy cho xe chở về một cách đàng hoàng, đúng không?”. B’ríu Quan lật tẩy khiến Trần Lê cứng họng. Ông ta nhếch môi nói: “Tại sao rượu mừng ông không uống lại thích uống rượu phạt?”.
Arất Vân ngừng lời, với tay lấy chai nước suối ở túi cóc ba lô uống một ngụm nhỏ.
Tò mò, Khiết hỏi người bạn đồng hành: “Sau đấy, ông chủ Lugaza Group lặng lẽ rút lui vì lộ tẩy?”. Arất Vân nói: “Không đâu! Sau đấy là cuộc chạm trán giữa B’ríu Quan với thế lực khủng của “Nhất quan đầu tỉnh”. Quyết liệt. Dai dẳng. Giằng co hơn một năm trời mới ngả ngũ. “Anh có vẻ thích thú với chuyện giữ rừng pơmu của B’ríu Quan?”. Arất Vân hỏi. “Ừ, nó ly kỳ hấp dẫn quá!”. Khiết nói. Đổi tư thế nằm trên võng cho đỡ mỏi lưng, Arất Vân tiếp tục câu chuyện đang còn dở dang. Bữa rượu giữa B’ríu Quan với Trần Lê tối hôm ấy chẳng mấy vui vẻ thoải mái. Vài ngày sau, “Nhất quan đầu tỉnh” trực tiếp gọi điện thoại cho B’ríu Quan, mời người đứng đầu huyện vùng biên lên tỉnh làm việc. B’ríu Quan không chút lo lắng, bởi ông đã đoán biết được hậu quả “rượu phạt” sẽ như thế nào! Với ông, bất quá là “hết quan hoàn dân”, điều đó cũng tốt thôi, đâu có gì phải lo sợ? Cuộc gặp gỡ giữa “Nhất quan đầu tỉnh” với B’ríu Quan không căng thẳng như ông nghĩ. “Nhất quan đầu tỉnh” tỏ ra rất thân tình cởi mở. Ông ta bảo rằng, đổi một vài khoảnh rừng pơmu lấy cơ sở hạ tầng cho huyện vùng biên là chủ trương của tỉnh. Tuy không danh chính ngôn thuận nhưng chủ trương đó là vì huyện vùng biên, vì bà con dân tộc thiểu số ở địa phương. “Nhất quan đầu tỉnh” đề nghị B’ríu Quan suy nghĩ lại, bao giờ thông tỏ, báo cho ông ta hay biết…
Tranh minh họa. Nguồn pinterest.com |
Âm thầm và ráo riết, đám tay chân của “Nhất quan đầu tỉnh” là cán bộ lãnh đạo ban này sở nọ lên huyện vùng biên tung tin thất thiệt nhằm hạ bệ B’ríu Quan. Bọn họ vừa “đánh” một người, vừa “xoa” nhiều người. Rất tiếc, “Nhất quan đầu tỉnh” đã chậm chân một bước. Khi biết rõ âm mưu thủ đoạn của Trần Lê, B’ríu Quan đã họp bàn với các cơ quan ban ngành của huyện để tìm cách giữ rừng thiêng Taza Liêng. B’ríu Quan không những là người đứng đầu huyện vùng biên, mà còn là “già làng của các già làng”, có uy tín đến độ “nhất hô bá ứng”. Những viễn cảnh huy hoàng do Trần Lê vẽ ra, đám tay chân của “Nhất quan đầu tỉnh” thêm mắm dặm muối, tô đi đồ lại, chỉ nhận được những nụ cười nhếch môi đầy mai mỉa. Mở cửa khẩu Kô Mốk ư? Để làm gì? Cửa khẩu Lệ Thanh, cửa khẩu Bờ Y, cửa khẩu Đắk Tà Ốck… có lợi thế hơn nhiều nhưng quanh năm vẫn đìu hiu, yên ắng, vắng lặng. Mở đường to lên biên giới à? Để làm chi? Giao lưu trao đổi hàng hóa hả? Dân bản hầu hết đều nghèo khó, nào có gì để trao đổi bán mua! “Chiến dịch ngầm” nhằm hạ bệ B’ríu Quan và lừa gạt cán bộ, nhân dân ở huyện vùng biên của đám tay chân “Nhất quan đầu tỉnh” không đem lại kết quả như mong đợi. “Nhất quan đầu tỉnh” nổi giận, chửi mắng lũ thủ túc là những tên ăn hại. Ông ta gọi điện thoại nhắc nhở B’ríu Quan. Người đứng đầu huyện vùng biên nói: “Tôi nghĩ kỹ rồi, vẫn không thông nổi, anh ơi!”.
Cấp dưới bất tuân thượng lệnh khiến “Nhất quan đầu tỉnh” nổi đóa.
Là người quyền uy bao trùm thiên hạ, muốn là được, “Nhất quan đầu tỉnh” quyết không để xảy ra tiền lệ xấu. Ông lệnh cho các cơ quan liên quan của tỉnh tổ chức ngay một cuộc họp tại huyện vùng biên. Đích thân ông ta lên trên ấy chủ trì cuộc họp, đánh đòn phủ đầu, đấy là chủ trương của tỉnh vì sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện vùng biên. B’ríu Quan ngang nhiên chống đối chủ trương của tỉnh, cần phải xem xét lại tư cách đảng viên, tư cách của người đứng đầu. “Nhất quan đầu tỉnh” có khuôn mặt lưỡi cày, cặp lưỡng quyền nhô cao, cái miệng rộng phô hàm răng vẩu ám khói thuốc lá vàng khè. (Những kẻ “điếc không sợ súng”, đặt cho ông ta biệt danh “Sếp Hăng Rô”, nói lái có nghĩa là “Sếp Hô Răng”). Vẻ mặt đằng đằng sát khí của “Nhất quan đầu tỉnh” làm cuộc họp căng thẳng, chẳng ai dám phát biểu ý kiến. “Nhất quan đầu tỉnh” chỉ định B’ríu Quan giải trình. Ông đứng lên nói: “Tôi là đối tượng được đưa ra phê phán hôm nay, chưa có ai bày tỏ quan điểm của mình, tôi chưa biết đúng sai thế nào nên chưa thể nói được”. “Nhất quan đầu tỉnh” đảo mắt nhìn quanh rồi dừng lại ở Alăng Tăng, hất hàm mời phát biểu ý kiến. Chẳng chút nể nang thượng cấp, Alăng Tăng phang thẳng: “Đó là chủ trương của tỉnh? Vậy nó thể hiện ở chỉ thị nào? Văn bản nào? Nói khơi khơi giữa trời quê hương, biết lấy gì làm bằng chứng được đây? Phải chăng, có gì đấy khuất tất, không minh bạch?”.
Cách nói năng thẳng như ruột ngựa, ngang như cua bò của Alăng Tăng đã xua tan bầu không khí nặng nề của cuộc họp. “Nhất quan đầu tỉnh” lúng túng, chưa biết lèo lái thế nào để cuộc họp diễn ra đúng theo kịch bản mà ông ta đã dày công chuẩn bị sẵn. Chẳng cần chỉ định, nhiều, rất nhiều cánh tay giơ lên. Ý kiến phát biểu của P’loon Ton và Bh’nướch Non khiến “Nhất quan đầu tỉnh” toát mồ hôi hột. P’loon Ton bảo rằng, chủ trương miệng của tỉnh không thể tin được. Còn Bh’nướch Non dẫn chứng, khi xây dựng các hồ đập thủy điện ở các huyện vùng cao lân cận, tỉnh cũng vẽ ra tương lai xán lạn với người dân. Kết cuộc là cuộc sống của bà con còn khổ cực hơn xưa gấp bội. Không có đất sản xuất. Không có nơi làm nhà. Khu tái định cư ư? Bên phải xói trôi. Bên trái sạt lở. Không một ai dám đến ở. Bây giờ tỉnh chủ trương đổi vài ba khoảnh rừng pơmu lấy cơ sở hạ tầng. Nếu tỉnh quyết thì phải có văn bản hẳn hoi. Huyện sẽ mang văn bản đó đi hỏi cấp trên nữa xem thế nào. Nếu đúng, cấp trên và cấp trên nữa phải viết bản giao kèo với huyện, với dân… “Nhất quan đầu tỉnh” tối tăm mặt mày, khuôn mặt đanh lại như mặt tượng gỗ nhà mồ. Ông ta không ngờ cán bộ huyện vùng biên lại “cứng đầu”, phản đối quyết liệt và dồn ông ta vào thế bí. Mềm nắn, rắn buông. Dĩ hòa vi quý là thượng sách. Chọn cách xuống nước, ông ta khéo léo kết thúc cuộc họp với kết luận còn bỏ ngỏ.
- Kể từ đó, Trần Lê lặng lẽ bỏ số dze? - Khiết hỏi.
- Vâng! - Arất Vân nói - Và “Sếp Hăng Rô” cũng lơ luôn chủ trương của tỉnh…
Bất thình lình có tiếng sấm rền từ đâu đó vọng lại. Bầu trời đầy nắng chợt âm u. Arất Vân bảo: “Kiểu này chắc mưa, chúng ta rời khỏi đây thôi!”. Hai người vội mang tất, xỏ chân vào giày và cuốn võng nhét vào ba lô. Trên đường trở về khu nhà sàn ở thung lũng giữa rừng pơmu, Khiết nghĩ ngợi lan man. Cây pơmu thuộc họ thông, còn có tên gọi khác là đinh hương, tô hạp hương. Gỗ pơmu nhẹ và bền, không cong vênh, màu vàng sáng, vân gỗ đẹp, có mùi thơm dịu nhẹ. Đặc biệt, gỗ pơmu có dầu nên mối mọt không ăn, dầm mưa dãi nắng vẫn không bị mục ải. Những năm trước đây, bà con các dân tộc thiểu số ở vùng rừng núi phía Bắc và Tây Nguyên chặt gỗ pơmu, cưa xẻ lợp mái nhà và che phên vách. Do có những ưu điểm vượt trội so với các loài gỗ quý hiếm khác, dù có giá cực đắt, gỗ pơmu vẫn luôn được các đại gia, các nhà giàu ưa chuộng, sẵn sàng vung tiền tỷ ra mua… Trần Lê - Tổng Giám đốc Lugaza Group, tung chiêu lừa gạt huyện vùng biên, mượn tay lâm tặc khai khác gỗ pơmu ở Taza Liêng để hốt bạc. Âm mưu và thủ đoạn của ông ta đã bị B’ríu Quan vạch trần và ngăn chặn. Không chịu từ bỏ “miếng ngon béo bở”, ông ta cậy nhờ “Nhất quan đầu tỉnh” dùng quyền uy của mình trấn áp B’ríu Quan bằng cách “chụp mũ” chống đối chủ trương của tỉnh. Nếu là người khác, ắt phải phải buông xuôi. Nhưng B’ríu Quan dựa vào cán bộ đảng viên ở huyện vùng biên, đứng lên bảo vệ rừng thiêng Taza Liêng. Và ông đã thắng.
Arất Vân thấy Khiết đi phía sau im lặng nên chủ động trò chuyện cho vui. Arất Vân cho hay, “Sếp Hăng Rô” cay cú với B’ríu Quan nhưng không làm gì được. Bởi chẳng bao lâu sau ông ta đã phải về vườn vì bị cấp trên kỷ luật “cách hết các chức vụ”. Giữ được rừng thiêng Taza Liêng, cuộc sống người dân huyện vùng biên, theo thời gian, cũng dần ổn định. Họ khai hoang các hố hóc, làm ruộng cấy lúa nước, năm hai vụ đủ ăn, không còn lo thiếu đói. Họ lấy giống chè dây, ba kích tím từ rừng đem về trồng theo hướng sản xuất kinh doanh. Và rượu ba kích tím là đặc sản của huyện vùng biên được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Đặc biệt, rừng thiêng Taza Liêng với những cây pơmu nghìn năm tuổi, cao to cả chục người vòng tay ôm không xuể, gốc rễ có hình dáng rồng cuốn, hổ ngồi, voi nằm… đẹp tuyệt! Huyện thành lập Khu Du lịch sinh thái Đại Ngàn, làm những ngôi nhà sàn ở thung lũng giữa rừng pơmu, hằng năm thu hút cả vạn người khắp các nơi trong và ngoài nước tới tham quan, khám phá vẻ kỳ bí của rừng thiêng. Nhờ thế, cuộc sống của bà con các dân tộc cũng khấm khá dần lên. “Bên kia rừng pơmu là rừng đỗ quyên cổ thụ. Mùa xuân này, hoa đỗ quyên phô sắc đỏ, ngó đẹp mê hồn. Ngày mai, em sẽ dẫn anh đến đó…”. Arất Vân nói.
“Ôi, thế thì thích thật!”. Khiết reo lên. Rồi Khiết hỏi người bạn đồng hành: “Ông B’ríu Quan vẫn còn là người đứng đầu ở huyện vùng biên?”. Arất Vân bảo: “Ông ấy đã nghỉ hưu rồi. Bây giờ rảnh rỗi, ông ấy dồn tâm sức cho công việc mà ông ấy đam mê yêu thích: Sưu tầm chuyện cổ tích và nghiên cứu văn hóa của dân tộc mình ở mạn đông Trường Sơn. Anh muốn gặp ông ấy hả? Khó lắm! Bởi quanh năm suốt tháng ông ấy ở các bản làng…”. Khiết im lặng, khẽ nén tiếng thở dài tiếc nuối vì không gặp gỡ được người có công lớn trong việc bảo vệ rừng thiêng Taza Liêng…
Nguồn Văn nghệ số 47/2023