Chuyên đề

Hà Nội bây giờ - Bút ký của nhà văn Anh Đức

Anh Đức
Tư liệu
07:54 | 10/01/2025
Baovannghe.vn - Tình yêu Hà Nội của tôi tăng lên gấp trăm lần, một ngàn lần vì trận thắng vĩ đại và ngoạn mục ấy trên trời Hà Nội, trên trời của kinh kỳ ngàn năm văn vật. Thế là cái ý nghĩ mình có thể sẽ xa Hà Nội mãi mãi trong buổi sớm đi Nam đầu năm 1962 nọ hóa ra không phải vậy...
aa
Hà Nội bây giờ - Bút ký của nhà văn Anh Đức
Nhà văn Anh Đức

Cách đây ít lâu, tôi có viết bài ký nhan đề Hà Nội một thuở. Ấy là bài viết về Hà Nội thời đã qua, thời tôi sống ở đó những năm 50, 60 với những kỷ niệm và hồi tưởng tuổi trẻ. Ở Thủ đô nằm bên bờ sông Hồng nầy, tôi có được một quãng đời tám năm hòa mình vào các ngõ phố leng keng tiếng chuông của con tàu điện màu đỏ, hòa mình vào bầu không khí văn học có lúc êm ả như buổi sớm thu sang, mà có cũng có lúc sôi lên như một trưa hè oi ả. Rồi vào một ngày đầu năm 1962, tôi đã giã biệt Hà Nội để lên đường trở lại quê hương. Lần ấy, khi chiếc xe com-măng-ca của Ban Thống nhất đưa tôi cùng nhà văn Nguyễn Văn Bổng vào Vinh, trong buổi sớm mờ sương, anh lái xe lặng lẽ cho xe từ từ chạy một vòng quanh Hồ Gươm để chúng tôi chào Hà Nội lần cuối. Thật tình giữa buổi sớm tinh mơ đó, tôi đã nghĩ rằng có khi mình chẳng còn có dịp trở lại Hà Nội nữa. Khi tôi đem ý nghĩ nầy thốt ra với anh Bổng thì anh im lặng. Có lẽ anh cũng nghĩ như tôi. Điều nầy chẳng phải là sự bi quan chi hết, nhưng vì trước mặt chúng tôi một thực tế hầu như đã được dựng lên sừng sững. Cuộc cách mạng ở miền Nam tuy đã bùng dậy mãnh liệt, nhưng tiền đồ cuộc cách mạng đó chắc chắn sẽ còn gặp biết bao trở lực, biết bao chông gai, ác liệt, vì lẽ đơn giản là đứng kề bên bọn tay sai bán nước là Hoa Kỳ. Thực chất cuộc đọ sức sẽ diễn ra giữa một bên là quân dân cả nước ta với siêu cường quốc ấy.

Suốt mười ba năm trở lại quê hương Nam Bộ, điều lạ lùng là khi nào tôi cũng nhớ về Hà Nội. Thủ đô không phải là một kinh thành nguy nga tráng lệ, thậm chí còn nghèo khổ và đạm bạc, bởi vừa mới dứt một cuộc chiến nầy đã phải gánh trên lưng một cuộc chiến khác mà tầm cỡ, quy mô ngó thấy trước là ở lớn lao hơn, nặng nề hơn và dữ dội hơn… Nhưng nỗi nhớ về Hà Nội của tôi lại nằm chính trong sự đạm bạc đó, sự gánh đồng đó, sự thắt lưng buộc bụng đó. Ở miền Nam, mỗi khi dõi về Hà Nội, tôi có tâm trạng khi thì vui mừng, khi lại lo âu. Hồi cuộc chiến mở rộng ra cả nước, tôi lo lắng Thủ đô có thể bị tàn phá, nhưng lại vui mừng xúc động trước tinh thần cảm tử của quân dân Hà Nội - Nói theo kiểu Nam Bộ là trận nầy Hà Nội chơi xả láng rồi. Đọc bài viết của một phóng viên nước ngoài, tôi thấy anh ta mô tả: "Ở Hà Nội, mạng lưới phòng không mạnh nhứt thế giới, các nòng súng cao xạ bố trí dày đặc đến mức người ta tưởng chừng có thể đi được qua các phố trên những nòng súng ấy..." Cái đận chúng tôi lo lắng cho Hà Nội nhiều nhất là lúc cuộc hội đàm ở Paris bị bế tắc, đồng chí Lê Đức Thọ trở về, tiếp theo là trận tập kích chiến lược ồ ạt, hung hãn của B.52 đánh vào Hà Nội suốt mười hai ngày đêm liền. Khi ấy, ở miền Nam vắng hẳn B.52. Tại căn cứ chiến khu Đông Nam Bộ, hầu như không còn nghe hơi B.52 nữa, nhưng chúng tôi lại hết sức sốt ruột, nhìn thấy hàng bầy B.52 từ hướng sân bay Utpao, Utaship kéo ra Hà Nội. Ở rừng, tôi đã từng ngó thấy bom miểng, bom đìa do B.52 thả xuống, vặt trụi từng cánh rừng, nay nó ném xuống Hà Nội thì còn gì phố phường. Tôi nghĩ cầm chắc là tổn thất ở Thủ đô sẽ vô cùng to lớn, không chừng trở thành bình địa cũng nên.

Vào ngày thứ năm của cuộc tập kích, Washington có điện sang hỏi ta có chịu nối lại đàm phán với điều kiện của họ không. Và đồng chí cười, tiếng cười sảng khoái như ngày nào: Chúng ta không trả lời. Hà Nội làm thinh.

Sự làm thinh của Hà Nội là tiếng nói của thép nói lên một điều: Hà Nội không nao núng, chẳng những không nao núng mà đến ngày thứ năm đó Hà Nội đã biết mình thắng.

Nhưng điều tôi lo lắng đã không xảy đến. Về sau, khi cuộc chống Mỹ sắp kết thúc, tôi được trở ra Hà Nội, vui mừng thấy Hà Nội hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Hà Nội chỉ bị thương, bị trầy trụa sơ sơ. Trừ khu Khâm Thiên, An Dương bị tàn phá nặng thì Hà Nội của tôi vẫn còn đó. Vẫn còn đó Hồ Gươm với Tháp Rùa trầm mặc trong sương sớm. Vẫn còn đó Tây Hồ với con đường Cổ Ngư dẫn lên Yên Phụ và cái lối nhỏ đưa tôi đến chùa Trấn Quốc gặp vị sư chủ trì mà trên mười năm trước tôi đã từng gặp. Vị sư có già hơn, trông khắc khổ hơn nhưng vẫn thanh thản ngồi yên vị thiền định giữa tiếng chuông chiều thong thả buông xuống. Bấy giờ tôi cảm thấy Hà Nội tưởng như được một phép lạ che chở. Thoạt tiên tôi không hiểu tại sao không lực Hoa Kỳ đánh phá dữ dội như vậy trong suốt mười hai ngày đêm mà Thủ đô chỉ bị xây xát nhẹ. Sau rồi tôi hiểu ra vì lẽ đơn giản là sức chống cự của Thủ đô quá mạnh, còn trên cả uy lực B.52, cho nên chỉ có trên mười ngày đã phá hỏng cả một cuộc tập kích chiến lược mà đối phương cầm chắc là sẽ bảo đảm đạt hiệu quả đưa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ từ Hà Nội trở lại phố Kléber để ký vô cái văn bản hiệp định trong đó bao gồm các điều kiện có lời cho chúng. Về sau nầy, trong một lần gặp đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí cho chúng tôi biết: Vào ngày thứ năm của cuộc tập kích, Washington có điện sang hỏi ta có chịu nối lại đàm phán với điều kiện của họ không. Và đồng chí cười, tiếng cười sảng khoái như ngày nào: Chúng ta không trả lời. Hà Nội làm thinh.

Sự làm thinh của Hà Nội là tiếng nói của thép nói lên một điều: Hà Nội không nao núng, chẳng những không nao núng mà đến ngày thứ năm đó Hà Nội đã biết mình thắng. Chính Washington bối rối nên mới điện sang, lại còn giả bộ như mình ở thế thượng phong, chứ kỳ thực họ đã núng, bởi kho B.52 bị bao bộn. Tới ngày thứ mười hai thì đành phải giơ tay, vì nếu chơi tới sẽ dẫn đến chỗ chẳng còn một chiếc B.52 nào mà cái Thủ đô bé nhỏ có tên là Hà Nội nầy vẫn cứ còn trơ trơ ra đó.

Hà Nội bây giờ - Bút ký của nhà văn Anh Đức
Bản thảo viết tay "Hà Nội bây giờ" của nhà văn Anh Đức

Tình yêu Hà Nội của tôi tăng lên gấp trăm lần, một ngàn lần vì trận thắng vĩ đại và ngoạn mục ấy trên trời Hà Nội, trên trời của kinh kỳ ngàn năm văn vật. Thế là cái ý nghĩ mình có thể sẽ xa Hà Nội mãi mãi trong buổi sớm đi Nam đầu năm 1962 nọ hóa ra không phải vậy. Từ sau ngày giải phóng và thống nhất đất nước cho tới nay, tôi đã trở ra Hà Nội không biết bao nhiêu lần. Trong khoảng thời gian chính xác là trên hăm hai năm, có lẽ tôi ra Hà Nội không dưới năm mươi lần. Và tôi đã có biết bao tâm trạng vui, buồn, lo âu, phấn khởi đan xen về Hà Nội, một thời hòa bình. Vui vẻ và phấn khởi thì phải rồi, vậy sao lại còn lo âu và buồn trước Thủ đô đã có được hòa bình hơn hai thập niên? Thế mà lại có đấy. Buồn nhất là khoảng mười năm sau ngày giải phóng miền Nam, tôi ra Hà Nội thấy cái gì cũng cũ, cũng nguyên xi như trước. Trước thì chẳng sao, ấy là lúc chiến tranh có còn làm mình cảm động. Nhưng mười năm không thay đổi, không vận động, không nhúc nhích được gì thì buồn. Những năm đó cả nước đều lâm vào khó khăn, khủng hoảng. Ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng thế, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi còn lúc lắc, còn cựa quậy. Đi trên đường phố Hà Nội đâu đâu cũng thấy cái nghèo lộ ra, nơi mỗi khuôn mặt, nơi mỗi tấm áo. Những chuyến xe điện vẫn leng keng điệu nhạc buồn đã kéo dài ngót một thế kỷ ở bên bờ Hồ Gươm, các hố trú ẩn cá nhân đã được lắp lại từ lâu, những cốc kem vẫn phải mua bằng phiếu. Các cụ già ngồi im lặng trên băng đá, chẳng buồn động đậy, đưa mắt ưu tư nhìn mặt hồ tù đọng, lềnh bềnh những rác. Tôi đặt chân đến cơ quan, ngước mắt nhìn mái ngói Hội Nhà văn mọc đầy rêu bởi bao năm không hề được tu bổ, lợp lại. Bộ xa-lông ngày xưa vẫn còn đó, đã gãy chân và rách.

Tôi không nhớ thật rõ, nhưng đâu chừng cỡ mười năm hoặc hơn thế. Sự trì trệ của đất nước nói chung và Hà Nội nói riêng vậy là hơi bị lâu. Có thể bảo đấy là do chiến tranh không? Theo thôi thì "có và không". Thế rồi sự trì trệ, sự ngưng đọng bắt đầu được chấm dứt bằng một Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 6 - Nghị quyết về công cuộc đổi mới. Trong khi một niềm hy vọng vừa mở ra thì trớ trêu thay nó có thể tiêu tan bởi một biến động lớn mang tầm ý nghĩa lịch sử toàn cầu: Sự sụp đổ của Đông Âu và Liên Xô cũ có nguy cơ làm trượt đổ tất cả theo dạng con bài domino. Nhưng may mắn thay mà cũng tài tình linh hoạt thay, công cuộc đổi mới của chúng ta không phải là cuộc "perestroika". Cơn địa chấn chính trị từ Liên Xô cũ có lan truyền đến Việt Nam nhưng chỉ lan nhẹ, chỉ vừa đủ làm biến hình biến dạng chút ít diện mạo, chút ít bộ dạng, chút ít tờ báo vội vàng chạy tít "perestroika" cùng "Glasnost", rồi tất cả vội vàng dừng lại. Giờ đây, có thể người ta đã quên đi, những nếp nhăn ấy trên vầng trán của lịch sử thì vẫn còn đây...

Công cuộc đổi mới trên mười năm nay đã làm thay đổi bộ mặt đất nước, thay đổi bộ mặt Hà Nội. Những năm gần đây, mỗi lần ra Hà Nội, dù chỉ cách nhau vài tháng, tôi đều thấy Hà Nội thay đổi, khởi sắc. Sự nghèo cực giảm dần, sự sung túc khá giả có thể hiện ra rõ rệt trên từng khuôn mặt, trên từng tấm áo, trên từng bữa ăn. Dân Hà Nội giờ đây sắm tủ lạnh, sắm ti vi dễ dàng còn hơn khi xưa mua một chiếc xe đạp. Chiếc áo bông xanh kiểu Trung Quốc không còn thấy. Chiếc chăn bông có lẽ vẫn còn, nhưng đã thưa đi nhiều, vì chăn lông chăn dạ nội ngoại vừa nhẹ vừa ấm chỉ có vài trăm ngàn một chiếc, bày bán đầy nơi các phố. Dân Hà Nội bây giờ chơi comple cà vạt đủ kiểu. Kẻ ít tiền một chút thì trong mùa đông khoác một chiếc áo "cô-tét" hàng thùng tuy hơi cũ nhưng mác chánh gốc Ê-cốt, Đan Mạch coi cũng bảnh chán. Mới ngày hôm qua hôm kia, cái gì cũng khó kiếm, khó mua, cái gì mua cũng phải tem phiếu hoặc đứng ngó chứ chẳng mua được vì đó là hàng trưng bày. Giờ đây mọi sự đã lùi vào quá vãng. Hàng hóa chẳng thiếu một thứ nào. Ở Thành phố Hồ Chí Minh có gì là ở Hà Nội có đủ, chậm chí còn có hơn và giá rẻ hơn. Ví dụ mặt hàng Nga, hay Tàu. Các cửa hàng quốc doanh vẫn còn nhưng đã thay đổi cung cách. Các siêu thị mọc lên như nấm đặc biệt là các shop nhỏ.

Tôi trở về ngôi nhà ở phố Cổ Tân nơi xưa kia tôi từng ở. Ngôi nhà đã xây dựng lại, khác hẳn, khiến tôi không nhận ra. Và đối diện phía bên kia là Nhà Hát Lớn vừa được tu bổ tôn tạo, đẹp đẽ nguy nga, sáng rực trong đêm. Một công trình đồ sộ, cao ngất là tòa cao ốc ở góc phố Quán Sứ và Hàng Bông - Thợ Nhuộm mọc lên, xóa đi nhà giam Hỏa Lò cũ, làm cho quãng phố nầy trở nên khang trang sáng sủa hẳn ra. Tôi tha thẩn vào ga Hàng Cỏ cảnh tượng nhếc nhác, nhốn nháo xưa kia nay không còn nữa. Các phòng đợi có ghế ngồi trật tự, sạch sẽ và không khí mắt rượi vì có máy lạnh tổng hợp. Khách quốc tế đi tàu xuyên Việt khá nhiều, họ được các nhân viên nhà ga chỉ dẫn tận tình.

Mỗi lần ra Hà Nội có việc trúng vào mùa thu thì tôi tự coi mình có may mắn, thế nào tôi cũng phải có một chiều lên mạn Hồ Tây để tận hưởng một chiều thu, vì theo tôi ở khắp Hà Nội không có nơi nào đọng lại hơi thu rõ như ở đây, với làn gió heo may đùa lăn những chiếc lá, với làn nước hồ nhấp nhô muôn ngàn con sóng nhỏ mải miết chạy về phía vườn biếc Nghi Tàm.

Mỗi lần ra Hà Nội có việc trúng vào mùa thu thì tôi tự coi mình có may mắn, thế nào tôi cũng phải có một chiều lên mạn Hồ Tây để tận hưởng một chiều thu, vì theo tôi ở khắp Hà Nội không có nơi nào đọng lại hơi thu rõ như ở đây, với làn gió heo may đùa lăn những chiếc lá, với làn nước hồ nhấp nhô muôn ngàn con sóng nhỏ mải miết chạy về phía vườn biếc Nghi Tàm. Cảnh quan ở hồ có bị xâm phạm, nhưng những ngôi nhà mới xây cũng làm cho Hồ Tây đẹp lên một phần và con đường Cổ Ngư xưa mà hồi trước cụ Song An đưa cuộc tình Tố Tâm của mình đi ngang qua đó, nay càng thêm ấn tượng hơn với những cặp tình mới. Họ dắt tay nhau đi trong chiều thu, trong tiếng hát Mỹ Linh từ đâu đó vọng lại. Và tôi nhận thấy các thiếu nữ Hà Nội ngày càng đẹp hơn, vóc dáng thể hình cao ráo hơn. Đây là một thế hệ con gái được sinh ra trong những ngày hòa bình. Họ không hề biết tới lửa đạn của chiến tranh. Câu chuyện mười hai ngày đêm của trận Điện Biên Phủ trên không là câu chuyện của ông bà cha mẹ mà giờ đây họ chỉ được nghe kể lại. Tình yêu của họ hôm nay không có mùi thuốc súng mà có nhiều mùi nước hoa, với bao áo quần đẹp mới, bao sản phẩm thời trang mới. Mong rằng họ được hưởng nhiều hơn thế, nhưng cũng mong sao họ chớ quá vô tư mà quên là cách đấy không lâu mẹ họ, cô dì họ suốt năm chỉ có chiếc áo cánh và chiếc quần ngắn cũn do thiếu vải... Chúng ta đã đi qua một chặng đường quá đỗi gian truân khổ ải, để giờ đây các em bé sinh ra đã khác trước, với trọng lượng ngày một nặng hơn, lớn lên tươi tốt khỏe mạnh hơn. Để có được những đổi thay nầy, Hà Nội đã trải qua những ngày bão lửa, những năm tháng nhọc nhằn, kể cả sự trì trệ do thói quen bao cấp, mà giờ đây nhiều khi tôi nghĩ không thể đòi hỏi thoát ra gấp hơn như trước kia tôi đã nghĩ. Nhưng giờ đây Hà Nội cũng như cả nước vẫn còn phải đi qua những chặng đường gian khổ. Trên con đường đổi mới, sáng đẹp dần ra, vẫn lấp ló nhiều thử thách, nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Chúng ta đang phải đối phó với nhiều hiểm họa ma túy, hiểm họa AIDS, hiểm họa làm thất thoát đồng vốn đi vay, hiểm họa độ phân cách giàu nghèo ngày một dãn xa, trong xã hội bọn làm giàu lên bằng mọi mưu mô bất chính trở thành một tầng lớp mà trên đường phố ta dễ dàng nhận ngay ra họ bởi bộ dạng, bởi cung cách họ vung vẩy đồng tiền.

Hà Nội bây giờ - Bút ký của nhà văn Anh Đức
Tranh màu nước "Mùa qua phố" của họa sĩ Nguyễn Phương

Trong chuyến ra Hà Nội gần đây nhất, một hôm đang tản bộ quanh Hồ Gươm, bên những ông bà già ngồi trên băng đá nay đã có ánh mắt nhìn thanh thản hơn, tôi bỗng nghe tiếng reo hò dậy lên một góc hồ: "Rùa nổi, rùa nổi". Vì quãng cách hơi xa, nên khi tôi chạy tới nơi thì chỉ vừa kịp thấy cái chóp mai rùa rất lớn từ từ ngụp xuống. Nhưng dù sao thì tôi cũng đã nhìn thấy rùa nổi trên cái hồ huyền thoại nầy. Đây không phải là lần thứ nhất, bốn mươi năm trước tôi đã gặp rùa nổi một lần. Bà con Hà Nội bảo, rùa nổi là điều may mắn. Tôi cũng tin như thế, và nghĩ: Thì hiện giờ Hà Nội đang ở trong vận may rồi còn gì.

Bảo tàng Văn học Việt Nam
Dư Hoa: Trường thiên của khổ và sống

Dư Hoa: Trường thiên của khổ và sống

Baovannghe.vn - Những tiểu thuyết của Dư Hoa không cho ai đơn độc khổ, họ phải khổ thành di truyền, khổ thành thế hệ, khổ thành đường dây.
Bản tin Văn nghệ ngày 10/1/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 10/1/2025

Baovannghe.vn - Chương trình Xuân Quê hương năm 2025, với chủ đề " Việt Nam – Vươn lên trong kỷ nguyên mới" sẽ được diễn ra từ ngày 18/01 đến ngày 20/01/2025.
Hội Nhà văn Việt Nam: Trao Giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2024

Hội Nhà văn Việt Nam: Trao Giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2024

Baovannghe.vn - Giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2024 đã được trao cho Nhà văn Đỗ Thị Tấc – Lai Châu và nhà văn Phương Huyền – Thành phố Hồ Chí Minh.
Loanh quanh - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Loanh quanh - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Baovannghe.vn- Mặt ghềnh khát giọt mưa khô/ Chìm trong tuổi cũ cá rô lên đồng
Mađagui. Truyện ngắn dự thi của Hà Đình Cẩn

Mađagui. Truyện ngắn dự thi của Hà Đình Cẩn

Baovannghe.vn - Tôi nói, anh sẽ về. Anh lúc nào cũng nhớ đến Mađagui, vì Mađagui có một người con gái như Nụ. Nụ không nói mà nhẹ áp má lên vai tôi ngủ tiếp