Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhà văn Hữu Mai là phóng viên chiến trường của Báo Quân Tiên Phong, đồng thời là cán bộ của Phòng Chính trị Đại đoàn 308 - đơn vị chủ lực chiến đấu tại Điện Biên Phủ. Đây là cơ hội để nhà văn tham gia chiến trận, sống và chiến đấu cùng chiến sĩ trên từng tấc đất chiến hào, từng trận địa. Ông cũng là người được chứng kiến giờ phút lịch sử khi quân đội Việt Nam phất cao lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” trên nóc hầm De Castries.
Thực tế lịch sử hào hùng này đã giúp Hữu Mai viết nên tiểu thuyết lừng danh Cao điểm cuối cùng (Nxb Văn học, 1960) - tác phẩm phản ánh cuộc chiến đấu oanh liệt của quân đội ta tiêu diệt Đồi A1 và giành chiến thắng tại Điện Biên Phủ. Cùng với bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu, chùm bài hát Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Giải phóng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Cao điểm cuối cùng được xem là những tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc nhất về Điện Biên Phủ, những đỉnh cao văn học nghệ thuật về chiến thắng Điện Biên Phủ.
Nhà văn Hồ Phương |
Nhà văn Hữu Mai tâm sự về tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng của mình: “Miền Bắc được giải phóng, tôi có điều kiện viết cuốn sách mình đã chuẩn bị. Lúc này, đã trở thành người viết chuyên nghiệp, tôi bắt đầu quan tâm đến việc tìm hình thức cho tác phẩm đầu tiên về chiến tranh. Tôi muốn tránh con đường người khác đã đi, nhất là những nhà văn đã đạt được đỉnh cao. Tôi nghĩ lối thoát là bám sát sự thật, một sự thật rất phong phú mà cuộc chiến đấu đã mang lại, như tôi đã biết, vượt lên mọi sự tưởng tượng. Tôi gặp lại những đồng đội cũ, cán bộ, chiến sĩ 308, và dành nhiều thời gian trở lại chiến trường Điện Biên Phủ, gặp những cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 316, những người đã sống chết với các điểm cao A1, C1 tại phía đông, sau khi cuộc chiến kết thúc đã ở lại Điện Biên Phủ xây dựng nông trường. Tôi thu thập những chất liệu từ thực tế, nhào nặn lại, tạo nên một câu chuyện, tìm một bố cục, một cách diễn đạt phù hợp nhằm diễn đạt được tối đa chủ đề mình đã xác định. Sự thật lịch sử được tôn trọng nghiêm ngặt đến từng chi tiết. Tôi không chỉ tìm nguyên mẫu cho các nhân vật trong cuộc sống mà còn tôn trọng cả không gian, thời gian trận đánh. Cũng cần nói, trận đánh đã được viết lại đúng như nó đã diễn ra, nhiều người có thể nhận nhân vật A, nhân vật B trong truyện, chính là hình ảnh của mình, nhưng chúng vẫn phần nào mang tính chất những nhân vật tiểu thuyết cổ điển, vì chúng đã được ‘tái tạo’. Tôi buộc phải làm việc này để tước bỏ những gì rườm rà, những yếu tố ngẫu nhiên đầy rẫy trong cuộc sống, để thực hiện ý định của mình là đem lại cho người đọc những gì tinh chất nhất, theo tôi cũng là ‘thật hơn’. Có những trường hợp, tuy không muốn, nhưng tôi vẫn phải tạo cho nhân vật một số phận rất khác với số phận thực của họ trong cuộc đời, trong khi vẫn giữ đúng tính cách của nó. Năm 1961, Cao điểm cuối cùng ra mắt bạn đọc với danh nghĩa là một tiểu thuyết. Nếu tôi nhớ không lầm, thì trước Cao điểm cuối cùng, văn học của ta chỉ mới viết về những cán bộ quân đội ở cấp đại đội, tiểu đoàn, cao nhất là trung đoàn. Trong Cao điểm cuối cùng có mặt từ người chiến sĩ đến đồng chí Tổng Tư lệnh với tư cách là những nhân vật văn học. Cuốn sách đã đề cập đến những ác liệt và mất mát trong chiến tranh trước đó văn học vẫn né tránh. Và đặc biệt lần đầu đề cập tới những mặt tiêu cực trong chiến tranh, một cán bộ tiểu đoàn trong giờ phút khó khăn nhất của cuộc chiến đấu trên đồi A1 đã bỏ chạy. Nó đã được những bạn đọc thời đó, nhất là những bạn đọc trong quân đội, đón chào vì tính chân thực, và chất anh hùng ca của tác phẩm. Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ, nhận xét: ‘Cuốn sách đã rung động tôi vì nó phản ánh được khá trung thực cuộc chiến đấu và những con người đã viết nên những trang sử chói lọi của dân tộc. Tính chân thực đặc biệt của bối cảnh lịch sử, sự việc diễn biến và các nhân vật được xây dựng nên trong cuốn tiểu thuyết đã làm cho nó trở nên hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, đồng thời tạo ra cho Cao điểm cuối cùng trong một chừng mực nào đó giá trị một sử liệu.’ Tôi biết ít nhất có vài nhà sử học nước ngoài đã viện dẫn những chi tiết trong Cao điểm cuối cùng để minh họa cho những công trình nghiên cứu về Điện Biên Phủ. Nhà sử học người Pháp Georges Boudarel trong cuốn Giáp đã lấy trọn một chương trong Cao điểm cuối cùng để giới thiệu với bạn đọc hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch. Ông còn trích cả một câu trong Cao điểm cuối cùng để chú thích cho một bức ảnh Đại tướng. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn là những trích dẫn Cao điểm cuối cùng của nhà sử học Mỹ Bernard Fall, được phương Tây đánh giá là một ký giả ‘chỉ có sự thật’, trong cuốn ký sự lịch sử rất nổi tiếng của mình: Cuộc bao vây Điện Biên Phủ (The siege of Dien Bien Phu).”
Nhà văn Hữu Mai |
Cùng ở Sư đoàn 308 tham gia chiến dịch Điện Biên, và sau này cùng công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội với nhà văn Hữu Mai, là nhà văn quân đội Hồ Phương. Hồ Phương là nhà văn trưởng thành từ “Chiến sĩ Quyết tử” của Thủ đô sáu mươi ngày đêm khói lửa. Ông trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn suốt những năm chống Pháp trong Đại đoàn quân chủ lực đầu tiên của quân đội là Đại đoàn 308, đi từ người lính lên Chính trị viên đại đội. Ông có mặt trong nhiều chiến dịch lịch sử quan trọng thời đánh Pháp như chiến dịch Biên giới (1950) lúc 20 tuổi và chiến dịch Điện Biên Phủ (1953-1954) khi tuổi 23. Từ chất liệu hiện thực ở Điện Biên Phủ mà Hồ Phương đã viết nên được các tác phẩm Vài mẩu chuyện về Điện Biên Phủ (truyện, 1956) và Lá cờ chuẩn đỏ thắm (truyện, 1957) sau này, là tiểu thuyết Cánh đồng phía Tây với một độ lùi thời gian để phản ánh về chiến dịch Điện Biên Phủ với sự tham gia của toàn quân và dân ta một cách bao quát hơn, tầm vóc hơn, và cũng chân thực hơn. Đây chính là tác phẩm đã giúp nhà văn Hồ Phương đoạt Giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 1994, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.
Trong ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ, Lá cờ chuẩn đỏ thắm của nhà văn Hồ Phương luôn có một vị trí đặc biệt. Sách ra mắt các độc giả năm 1957, rất sớm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, gợi lại cho bạn đọc một trang sử oanh liệt của dân tộc mà mỗi chiến sĩ, mỗi người dân Việt Nam đều góp phần viết nên trang sử ấy. Tập truyện đầy lôi cuốn như những thước phim quý về những tấm gương chiến đấu hy sinh của những chiến sĩ Điện Biên Phủ - những người bộ đội Cụ Hồ áo trấn thủ trong giá rét căm căm của chiến trường Điện Biên. Ngay sau khi sách ra đời, đáp ứng tình cảm của đông đảo công chúng, Xưởng phim truyện Việt Nam đã xây dựng thành bộ phim truyện Lá cờ chuẩn rất hấp dẫn người xem...
Cả hai nhà văn Hữu Mai và Hồ Phương đều vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Những tác phẩm về Điện Biên Phủ của họ đều sống mãi với thời gian, và được nhiều bạn đọc trên thế giới biết đến như những tác phẩm văn học xuất sắc của nền văn học khói lửa của Việt Nam. Có một chút “tơ duyên” bên lề về hai nhà văn quân đội viết rất xuất sắc về Điện Biên này là họ đều có con em theo con đường văn chương báo chí, gắn bó với báo Đảng: em ruột nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương là nhà văn, nhà báo Trung Đông, từng là Ủy viên Bộ Biên tập, Trưởng ban Văn hóa văn nghệ Báo Nhân dân, và con trai nhà văn Hữu Mai là nhà thơ, nhà báo Hữu Việt hiện nay là Trưởng ban Văn hóa văn nghệ Báo Nhân dân...
Trương Nguyên Việt
Nguồn Văn nghệ số 17+18/2024