Diễn đàn lý luận

Hành trình lặng lẽ và tận hiến của một nhà folklore học

Chân dung văn học
08:48 | 09/01/2024
Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên là cặp bài trùng nổi tiếng về folklore (văn hóa dân gian) nước ta của thế hệ ngay sau năm 1954. Giáo sư Đinh Gia Khánh đã mãi ra đi từ 10 năm trước. Phó Giáo sư Chu Xuân Diên vừa sinh nhật tròn tuổi cửu tuần. Không chỉ góp phần đặt nền móng, định hướng, giải quyết những vấn đề về văn học dân gian, văn hóa dân gian và văn hóa mà Chu Xuân Diên còn có công dịch thuật, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên trưởng thành từ Bắc chí Nam
aa

Đinh Gia Khánh và Chu Xuân Diên là cặp bài trùng nổi tiếng về folklore (văn hóa dân gian) nước ta của thế hệ ngay sau năm 1954. Giáo sư Đinh Gia Khánh đã mãi ra đi từ 10 năm trước. Phó Giáo sư Chu Xuân Diên vừa sinh nhật tròn tuổi cửu tuần. Không chỉ góp phần đặt nền móng, định hướng, giải quyết những vấn đề về văn học dân gian, văn hóa dân gian và văn hóa mà Chu Xuân Diên còn có công dịch thuật, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên trưởng thành từ Bắc chí Nam.

Nếu như Giáo sư Đinh Gia Khánh là người năng động, quyết đoán và nổi bật thì Phó Giáo sư Chu Xuân Diên là người nhẹ nhàng, cẩn trọng và lặng lẽ. Cả hai đều tận hiến đời mình cho folklore học. Những đồng nghiệp và học trò gần gũi với hai ông có cách nhìn nhận như vậy. Chu Xuân Diên nhỏ hơn Đinh Gia Khánh mười tuổi, ông sinh năm 1934 tại tỉnh Bắc Ninh, tốt nghiệp ngành Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa đầu tiên (1956-1959) và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy văn học dân gian. Năm 1984, ông được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư, sau đó là Nhà giáo ưu tú. Đến năm 1986, PGS Chu Xuân Diên chuyển vào Nam giảng dạy tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu năm 2000, chuyển sang làm Chủ nhiệm Khoa Văn hóa học Trường ĐH Văn Hiến.

PGS Chu Xuân Diên

Nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên đã xuất bản hơn 20 công trình, tiêu biểu như: Giáo trình văn học dân gian (biên soạn chung, 2 tập - 1972, 1973); Tục ngữ Việt Nam (biên soạn chung- 1975); Sáng tác thơ ca dân gian Nga (dịch chung, 2 tập - 1983); Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam (biên soạn chung - 1987); Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học (1989); Văn hóa dân gian (folklore) và phương pháp nghiên cứu liên ngành (1995); Cơ sở văn hóa Việt Nam (2002); Tuyển tập V.IA. Propp (dịch chung, 2003-2005); Mấy vấn đề về văn hóa và văn học dân gian Việt Nam (2004); Nghiên cứu văn hóa dân gian: Phương pháp, lịch sử, thể loại (2008);…

Qua các công trình có thể thấy Chu Xuân Diên đóng góp quan trọng về nghiên cứu, lý luận và dịch thuật về văn học dân gian, văn hóa dân gian và văn hóa nói chung. Các công trình của ông chẳng những đặt nền móng, mà còn có giá trị bền vững và truyền tải đến các thế hệ học trò tiếp tục liên tài nghiên cứu. Chẳng hạn, Chu Xuân Diên là người đầu tiên đã chỉ ra mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết, khi ông cho rằng thời kỳ nhà văn tiếp thu, tích lũy tri thức từ văn học dân gian là giai đoạn chuẩn bị cho nhà văn cảm nhận, sử dụng các chất liệu sáng tác dân gian tinh hoa để sáng tạo văn học.

Chu Xuân Diên còn là người đưa ra khái niệm “văn học dân gian hiện đại”, đề xuất nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học dân gian hiện đại với văn học quần chúng và văn học thành văn. Ông còn nêu định nghĩa và khẳng định tầm quan trọng nghiên cứu thi pháp, đặc trưng của văn học dân gian,… Đồng thời, Chu Xuân Diên còn có những đóng góp quan trọng về nghiên cứu văn hóa dân gian và văn hóa cũng như dịch thuật giới thiệu thành công văn hóa dân gian Nga, dù ông chưa một lần được đặt chân đến Nga và chủ yếu tự học tiếng Nga.

Mê tục ngữ và say cổ tích từ thầy Chu Xuân Diên

Người nhỏ thó. Bước đi nhẹ nhàng thanh thoát. Gương mặt thanh tú đôn hậu. Mắt sáng. Vầng tráng cao. Dáng tiên ông đạo cốt. Đó là hình ảnh thầy Cao Xuân Diên ở trong tôi từ thuở sinh viên. Sau bao năm giờ gặp lại mừng thầy thượng thọ 90 tuổi, hình ảnh ấy vẫn còn đậm nét như từ… cổ tích ở trong tôi. Dù thời gian bào mòn sức lực thầy yếu đi nhiều nhưng vẫn còn đó sự tinh anh của một bậc giáo sư đạo cao đức trọng, một chuyên gia folklore học hàng đầu, một trí thức uyên bác làm việc không biết mệt mỏi và tận hiến.

Từ khi còn là cậu học trò ở quê nhà Phú Yên, tôi đã mê đắm cuốn Tục ngữ Việt Nam do Chu Xuân Diên biên soạn chung với Lương Văn Đang và Phương Tri. Điều gây cho tôi thích thú là phần tác giả Chu Xuân Diên nghiên cứu, phân tích, giải thích nội dung và sự mâu thuẫn của nhiều câu tục ngữ, sự phân biệt giữa tục ngữ và thành ngữ với những luận điểm khác nhau của các nhà khoa học. Cuốn sách mở ra trong tôi một chân trời mới từ những điều gần gũi mà mẹ tôi hay đúc kết thành một câu tục ngữ hay thành ngữ sau những câu chuyện đời thường.

Về sau tôi mới biết công trình Tục ngữ Việt Nam là một trong những dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu văn học dân gian của PGS Chu Xuân Diên. Trong bài Nghiên cứu “Tục ngữ Việt Nam” của Chu Xuân Diên có đóng góp quan trọng đối với khoa nghiên cứu văn học, GS-TS Trần Nho Thìn ở Đại học Quốc gia Hà Nội đã viết: “Nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên là một chuyên gia lớn về văn học dân gian và văn hóa Việt Nam, với nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu đã được nhiều bài viết giới thiệu công phu. Tôi chọn viết về điều có ảnh hưởng mạnh đến chuyên môn của mình từ công trình Tục ngữ Việt Nam mà cụ thể là phần nghiên cứu do Chu Xuân Diên viết”. Và sau khi trình bày, lý giải nhiều nội dung từ những nghiên cứu của Chu Xuân Diên về tục ngữ nước ta, GS-TS Trần Nho Thìn kết luận: “Việc sớm được tiếp xúc với những vấn đề thú vị, sâu sắc của Chu Xuân Diên về tính mâu thuẫn của tục ngữ đã khích lệ tôi triển khai những nghiên cứu của mình theo hướng giải cấu trúc trong nghiên cứu văn học trung đại dưới góc nhìn văn hóa”.

Năm 1987, tôi vào học năm thứ nhất Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là năm tác phẩm Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam do Chu Xuân Diên chủ biên xuất bản. Lần đầu tiên sinh viên chúng tôi được đọc truyện cổ tích từ di sản tổ tiên một cách có hệ thống. Đọc say mê. Đọc có khi quên giờ lên lớp. Thú vị hơn, hai năm sau, chúng tôi lại được đọc công trình nghiên cứu Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học của Chu Xuân Diên, do chính Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 1989. Cuốn sách mở rộng tầm nhìn, mang lại nhiều kiến thức mới mẻ về truyện cổ tích thế giới bằng những góc nhìn khác nhau của các nhà khoa học và từ sự phân tích sắc sảo, cách hành văn lôi cuốn của thầy Chu Xuân Diên.

“Trong gia tài truyện cổ tích của mỗi dân tộc, có phần sáng tạo riêng của dân tộc đó, có những cốt truyện riêng của dân tộc đó. Nhưng trong gia tài truyện cổ tích của mỗi dân tộc còn có những cốt truyện có tính chất quốc tế, nghĩa là những cốt truyện mà một số dân tộc khác, thậm chí hầu hết các dân tộc trên thế giới cũng đều có”. Nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên đã viết như vậy và ông minh chứng bằng những truyện cổ tích quen thuộc với người Việt Nam.

Chẳng hạn, truyện Tấm Cám của nước ta lại vốn phổ biến trên toàn thế giới mà nhiều nước gọi bằng cái tên Cô Tro Bếp hoặc Cô Lọ Lem, với hơn 500 dị bản. Và chỉ riêng ở Việt Nam, ngoài truyện Tấm Cám của người Việt còn có khá nhiều cốt truyện tương tự của các dân tộc thiểu số anh em: Mông, Chàm, Tày, Nùng, Thái, Hơ Rê, Sơ Rê, … Hay truyện Nói dối như Cuội mà theo thống kê của hai nhà bác học là Johannes Bolte người Đức và Georg Polivka người Czech từ năm 1915 thì hơn 50 nước khắp các châu lục có cốt truyện tương tự. Còn ở nước ta, ngoài truyện Nói dối như Cuội của người Việt còn có cốt truyện tương tự của các tộc người Mường, Tày, Gia Rai, Hơ Rê, Sê Đăng, Khmer,… Truyện cổ tích thâm nhập sâu rộng vào đời sống và có mặt hầu khắp trên thế giới, và ở mức độ nào đó nó trở thành biểu tượng của sự thống nhất giữa các dân tộc trên Trái đất!

Hình ảnh người thầy mang dáng “tiên ông đạo cốt”

Không chỉ có uy tín, tầm ảnh hưởng trong nghiên cứu khoa học, PGS-NGƯT Chu Xuân Diên còn là nhân cách lớn mang lại nguồn cảm hứng cho đồng nghiệp và học trò. Nhà giáo Nguyễn Khuê nguyên giảng sư Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn và Trưởng bộ môn Hán Nôm Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh, sát cánh cùng PGS Chu Xuân Diên gầy dựng Khoa Văn hóa học Trường Đại học Văn Hiến từ ngày đầu còn nhiều khó khăn, tâm sự: “Tôi với anh Chu Xuân Diên cùng đi với nhau một chặng đường, tuy không dài, nhưng cũng đủ để lại cho nhau những ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp. Mỗi lần nghĩ đến anh Diên là tôi nghĩ đến một người bạn hiền hòa rất đáng quý trọng, và một nhà giáo, hay đúng hơn, một bậc thầy với ý nghĩa cao quý của chữ “thầy”, đã có công xây đắp Bộ môn Văn hóa dân gian Khoa Văn học trường ta và đặt nền móng cho Khoa Văn hóa học của Trường Đại học Văn Hiến”.

Theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Khoa Văn học Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức trang trọng và xúc động lễ mừng thượng thọ 90 tuổi thầy Chu Xuân Diên nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đến chúc mừng thầy, chúng tôi cũng vui mừng xúc động gặp những thầy cô hiếm hoi của “thế hệ vàng” còn sót lại của ngành Ngữ văn.

Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, lần lượt có những giảng viên đại học từ ngoài Bắc vào Nam giảng dạy tại các trường đại học. Riêng với Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (nay là Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh) xuất hiện nhiều tên tuổi: Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Nguyễn Lộc, Mai Cao Chương, Chu Xuân Diên, Lương Duy Thứ, Trần Chút, Nguyễn Khắc Thi, Nguyễn Đức Dân, Đinh Lê Thư, Nguyễn Thị Hoa,… cùng với những giảng viên thỉnh giảng: Lê Trí Viễn, Nguyễn Văn Hạnh, Cao Xuân Hạo, Trần Thanh Đạm, Trần Đình Đề, Trần Đình Hượu, Phạm Thị Hảo,… Các thầy cô từ miền Bắc vào nhanh chóng hòa nhập với đời sống giáo dục, học thuật miền Nam. Họ hợp cùng với các thầy cô lưu dụng từ Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn trước năm 1975 như: Nguyễn Văn Trung, Bửu Cầm, Nguyễn Tri Tài, Huỳnh Minh Đức, Nguyễn Khuê, Lê Văn Chưởng,… và đội ngũ giảng viên trẻ như Huỳnh Như Phương, Nguyễn Văn Huệ, Lê Tiến Dũng, Trần Ngọc Hồng, Võ Văn Nhơn, Huỳnh Chương Hưng, Phan Xuân Viện, Bùi Văn Tiếng, Nguyễn Hà, Lê Khắc Cường, Nguyễn Văn Tuấn, Đoàn Ánh Loan,... chẳng những đào tạo nên nhiều thế hệ học trò hữu ích cho xã hội, mà các công trình nghiên cứu của các thầy cô còn đặt nền móng quan trọng cho các ngành khoa học nhân văn.

GS-TS Nguyễn Xuân Kính từ Hà Nội, từng là Viện trưởng Viện Văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, trong bài viết Nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên từ năm 2010, đã cho biết: “Chu Xuân Diên là người mê nhạc cổ điển, có nguyện vọng được nghiên cứu và giảng dạy văn học nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học, ông lại được phân công giảng dạy văn học dân gian”, và ông cũng nhìn nhận về bậc thầy của mình: “Điều dễ nhận thấy là, trong hơn bốn chục năm qua, cùng với bước đi của ngành, ông luôn luôn là một trong số ít người đứng ở vị trí đề xuất hoặc góp phần giải quyết những vấn đề lí luận về văn học dân gian nói riêng, về văn hoá dân gian nói chung. Ông thuyết phục mọi người bằng vốn tri thức phong phú, bằng sự cập nhật những thông tin mới”.

Thân gần với thầy Chu Xuân Diên giai đoạn sau, nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Ngọc Quang nguyên Trưởng khoa Ngữ văn và Báo chí Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh cho rằng trong sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy đại học và sau đại học của thầy Chu Xuân Diên đã truyền lửa cho hàng ngàn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, mà không ít người đã thành giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Và cũng theo ông Nguyễn Ngọc Quang: “Các công trình của PGS Chu Xuân Diên, như những ai có dịp học hoặc đọc đều nhận thấy có ý nghĩa khoa học, đánh dấu những giai đoạn trong khoa nghiên cứu văn hóa dân gian và văn học dân gian ở nước ta cũng như của chính sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông. Với những đóng góp trong khoa học và giáo dục đại học gần nửa thế kỷ qua, PGS Chu Xuân Diên thực sự là một trong những chuyên gia thuộc những thế hệ đầu trong lĩnh vực văn hóa, văn hóa dân gian của nền khoa học nước nhà”.

TS La Mai Thi Gia là Trưởng bộ môn Văn hóa dân gian, Khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh là người gần gũi nhất với thầy Chu Xuân Diên hiện nay. Thời gian qua La Mai Thi Gia ngược xuôi lo tổ chức bài vở in ấn cuốn sách Nhà giáo – Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Chu Xuân Diên, viết lời bình dựng phim để kịp mừng thượng thọ 90 tuổi của PGS Chu Xuân Diên. Theo như thổ lộ của Tiến sĩ La Mai Thi Gia: “Ba năm gần đây thầy không đi đâu xa được nữa, chỉ có chúng tôi cùng rủ nhau đến thăm thầy… Nhìn thầy tôi rộn rã nói cười giữa những người học trò, đồng nghiệp cũng đã gần 70 tuổi của mình mà tự nhiên nghe lòng cảm động. Tôi thấy mình hạnh phúc khi được chứng kiến những yêu thương quay quần của thầy cô tôi với vị ân sư của tất cả chúng tôi, và mong ước được nhìn thấy những niềm vui ấm áp giản dị này thêm nhiều lần nữa”.

Phan Hoàng

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2025


Ngày cũ. Truyện ngắn của Phạm Thị Huệ

Ngày cũ. Truyện ngắn của Phạm Thị Huệ

Baovannghe.vn - Dòng họ Lê nghèo nhất làng. Hết đời này sang đời khác con cái ở đợ, bố mẹ làm mướn. Dấu tích của sự nghèo khó đến nay vẫn chưa xóa hết
Bài thơ "Cô hái mơ " của Nguyễn Bính

Bài thơ "Cô hái mơ " của Nguyễn Bính

Baovannghe.vn - Đã có nhiều bài viết về Nguyễn Bính; từ nghiên cứu về sự nghiệp thơ với những thành tựu cũng như những đặc điểm của thơ Nguyễn Bính
Nhớ một chuyến đi với nhà văn “Ăn mày dĩ vãng”

Nhớ một chuyến đi với nhà văn “Ăn mày dĩ vãng”

Baovannghe.vn - Cứ mỗi lần đến ngày lễ 30-4, tôi lại nhớ đến chuyến đi với nhiều nhà văn , nhà thơ vào dâng hương ở nghĩa trang Trường Sơn
Việt Nam sẽ có những thông điệp lớn, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Việt Nam sẽ có những thông điệp lớn, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Baovannghe.vn - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phóng vấn về Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai
Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 2025, 4 ngày

Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 2025, 4 ngày

Baovannghe.vn - Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội góp ý về phương án nghỉ Tết Ất Tỵ, nghỉ lễ Quốc khánh và một số ngày nghỉ lễ, Tết khác trong năm 2025