Diễn đàn lý luận

Nhà văn Trần Công Tấn với những tác phẩm " Dòng chảy cuộc đời"

Hà Thanh Vân
Chân dung văn học
09:39 | 16/09/2024
Baovanghe.vn - Nhà văn Trần Công Tấn là người con của mảnh đất miền Trung, từng đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với tư cách là nhân chứng lịch sử tham gia trực tiếp và cũng là người cầm bút ghi chép lại những sự kiện, dấu ấn, cảm xúc của hai cuộc kháng chiến. Tuy nhiên, ông được biết đến với tư cách là nhà văn viết nhiều nhất về tình hữu nghị Việt – Lào.
aa

Những tác phẩm văn chương của ông cho dù câu chữ mộc mạc, đơn giản, nhưng đã làm trọn nhiệm vụ của một nhà văn dùng ngòi bút tôn vinh những giá trị cao đẹp, lý tưởng mà ông theo đuổi với thủ pháp dòng chảy cuộc đời. Nhà văn vừa qua đời, để lại một gia tài văn chương ý nghĩa.

Nhà văn Trần Công Tấn với những tác phẩm
Nhà văn Trần Công Tấn (trái) và cựu chiến binh Nguyễn Trung Sơn

1. Con người gắn cuộc đời mình với mảnh đất miền Trung

Nhà văn Trần Công Tấn, sinh ngày 19.5.1933 tại thành phố Huế. Quê gốc của ông tại làng Thượng Trạch, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Trần Công Tấn tham gia kháng chiến chống Pháp từ rất sớm. Từ khi 11 tuổi, Trần Công Tấn đã làm liên lạc cho cách mạng. Năm 1945, ở tuổi 12 ông chính thức gia nhập Quân giải phóng chiến đấu chống Pháp ở Mặt trận Huế và Bình Trị Thiên với vị trí giao liên. Cuộc đời Trần Công Tấn từ đó gắn với những tháng ngày chiến đấu qua các vị trí như lính trinh sát, lính tình báo, chỉ huy chiến đấu và được cử gia nhập tình nguyện quân Việt Nam sang chiến đấu ở Lào. Từ đó, mối lương duyên của ông đối với đất nước này bắt đầu.

Sau năm 1954, Trần Công Tấn về lại Quảng Bình, làm công tác tuyên huấn, phụ trách điện ảnh và chiếu bóng. Cùng với các nhà văn Lê Khai, Dương Tử Giang, Văn Nhĩ, Cẩm Lai, ông là một trong năm người sáng lập ra Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Bình năm 1961 và liên tục là Ủy viên thường vụ Hội từ khi thành lập đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông hoạt động tại địa bàn Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, gắn bó với mảnh đất chiến tranh đạn bom ác liệt này, lăn lộn thực tế tại các đơn vị vũ trang. Sau năm 1975, ông chuyển sang công tác tại Tổng cục Cao su Việt Nam, rồi làm việc tại báo Đại Đoàn kết và nghỉ hưu, sinh sống tại TPHCM. Ông vừa qua đời tại TPHCM ngày 7.9.2024.

Nhà văn Trần Công Tấn cầm bút viết văn cũng từ rất sớm. Hiện thực chiến tranh là nguyên nhân thôi thúc ông viết nên những truyện ngắn, bút ký và tiểu thuyết với chủ đề về những bi hùng của cuộc chiến. Những bút danh của ông là: Tân Sắc, Trần Triệu Phong, Somboun Vatthanna. Năm 1969, ông trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong quãng đời hoạt động văn chương của mình, Trần Công Tấn đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn học như: Giải thưởng của Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng), giải của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Giải thưởng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng của Tổng cục Lâm nghiệp kết hợp với Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2007, ông là một trong năm nhà văn Việt Nam đoạt giải thưởng Văn học Mekong lần thứ nhất.

2. Một biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Lào

Nhà văn Trần Công Tấn là nhân vật có nhiều nét riêng đặc biệt. Ông là cựu chiến sĩ quân tình nguyện Việt - Lào từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ và có mặt ở TPHCM từ những ngày đầu thống nhất đất nước. Sau đó ông lại có mặt ở chiến trường Campuchia chứng kiến đất nước này sau thảm họa diệt chủng cùng với quân tình nguyện Việt Nam đánh đuổi Khmer Đỏ.

Trần Công Tấn được Hoàng thân Souphanouvong (Xuphanuvông), cố Chủ tịch Lào nhận làm con trai nuôi trong gia đình với vị trí anh cả và đặt tên là Somboun (Xômbun) Xuphanuvông, theo họ của Hoàng thân, khi chỉ mới 13 tuổi. Câu chuyện nhận con nuôi có phần ly kỳ. Khi ấy Trần Công Tấn còn là một cậu bé giao liên và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, vào năm 1946, trong một trận đánh ở Mặt trận Thakhek (Thà Khẹt) miền Trung Lào, chính Trần Công Tấn đã vượt qua nhiều nguy hiểm để mang bức mật lệnh giải vây đến tận tay Hoàng thân Souphanouvong. Cảm động trước tinh thần dũng cảm của cậu bé giao liên Trần Công Tấn, Hoàng thân đã nhận cậu bé làm con trai nuôi.

Mối quan hệ ấy được nhà văn trân trọng và gìn giữ suốt đời. Hiện nay tại tư gia của ông ở TPHCM, vẫn thường xuyên tổ chức họp mặt nhân kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Hoàng thân Souphanouvong và có các quan chức của Tổng Lãnh sự quán Lào tại TPHCM tham dự. Tại tư gia của nhà văn Trần Công Tấn, ông dành riêng một không gian gọi là Không gian Hữu nghị Việt – Lào để trưng bày những hình ảnh, kỷ vật về đất nước Lào và cố Chủ tịch Souphanouvong và có một gian nhà được ông xây dựng theo kiểu kiến trúc Lào ngoài vườn. Những dấu ấn của đất nước Lào còn được thể hiện ở hai chú voi bằng đá trắng đặt tại bậc thềm, là bàn thờ ngoài trời theo hoa văn Lào và ở cả quốc kỳ hai nước Lào và Việt Nam được trang trọng vẽ trên cửa chính ngôi nhà. Trong nhà trưng bày nhiều kỷ vật của đất nước Lào. Khi tôi hỏi kỷ niệm nào khiến nhà văn cảm động nhất về Hoàng thân Souphanouvong, nhà văn Trần Công Tấn cười bảo có quá nhiều kỷ niệm, song với ông, “Chủ tịch Souphanouvong là người oai nghiêm mà bình dị. Hiểu biết rộng mà khiêm tốn. Mục đích cả đời là vì nước, vì dân”. Để minh chứng, Trần Công Tấn kể tiếp: Có một lần đại sứ Việt Nam đến thăm Hoàng thân Souphanouvong tại nhà riêng, lúc đó có mặt nhà văn, khi được giới thiệu ông là con nuôi của Hoàng thân, vị đại sứ trầm trồ: “Chà, anh là người vinh dự nhất!”. Hoàng thân Souphanouvong đã vui vẻ tiếp lời: “Tôi mới là người vinh dự vì được là người nhà của nhà văn. Chủ tịch nước thôi chức thì thành dân thường, ai còn nhớ, còn biết. Còn nhà văn thì được cả thế giới nhớ và biết”.

Do mối quan hệ gắn bó với đất nước Lào cùng với những trải nghiệm kháng chiến được Trần Công Tấn viết lại, ông được xem là một trong những nhà văn hiếm hoi có nhiều tác phẩm sáng tác về tình hữu nghị Việt – Lào qua hai cuộc kháng chiến. Riêng về Hoàng thân Souphanouvong, người cha nuôi của mình, Trần Công Tấn đã có ba tác phẩm khắc họa chân dung “Ông Hoàng đỏ”, biệt danh mà phương Tây đặt cho Hoàng thân. Đó là các tác phẩm “Hoàng thân Xuphanuvông với đất nước Triệu Voi”, “Ông Hoàng đỏ - người hùng của nước Lào”, “Hoàng thân Xuphanuvông và những dòng sông huyền thoại”. Ba tác phẩm này không chỉ khắc họa đầy đủ chân dung Hoàng thân Souphanouvông từ khi còn là một cậu bé trong hoàng tộc Lào cho đến khi thành Chủ tịch nước, mà còn cho thấy cuộc đời của một lãnh tụ, từ khi là một trí thức trẻ, thành kỹ sư xây dựng nhiều công trình cầu đường, đập nước, tháp nước trên đất nước Việt Nam, kết hôn với một người con gái Việt Nam, đến khi tham gia kháng chiến, vào tù, chiến đấu, vượt ngục, sát cánh cùng bạn bè, đồng chí Việt Nam, cho đến ngày giải phóng và xây dựng đất nước Lào mới.

Năm 2012 Trần Công Tấn được chính phủ Lào trao tặng Huân chương Lao động sáng tạo hạng nhì vì những đóng góp cho đất nước Lào. Tại buổi lễ, tiến sĩ Sivana Souphanouvông, con trai cố chủ tịch Lào Souphanouvông đã phát biểu: “Tôi đến dự lễ này với tư cách là đại diện cho gia đình Souphanouvông có người anh cả được Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương Lao động sáng tạo. Đây thật là một vinh dự bất ngờ đến với tôi. Anh tôi được tặng thưởng Huân chương lao động cao quý, đó là một niềm vinh dự cho gia đình chúng tôi.” [6].

3. Trần Công Tấn với những đóng góp cho văn học miền Trung

3.1. Ký ức chiến tranh trên mảnh đất miền Trung qua những trang viết

Trần Công Tấn là người con sinh ra, lớn lên và hoạt động chủ yếu suốt trên mảnh đất miền Trung trong thời kỳ cầm bút. Cuộc đời của ông cũng tương tự như nhiều cuộc đời của các nhà văn xuất thân quân đội. Đầu tiên là tham gia quân đội, từ hiện thực của cuộc chiến mà cảm xúc thành những sáng tác văn chương và viết văn là để phục vụ cho lý tưởng mà ông theo đuổi suốt đời. Vì thế, văn chương của ông không mang màu sắc nghệ thuật, không cầu kỳ cao xa, mà ngồn ngộn hiện thực cuộc sống và cuộc chiến, với một giọng văn dung dị, mộc mạc.

Nếu văn chương có nhiều dòng chảy riêng biệt, mỗi nhà văn tự đặt cho mình những nhiệm vụ khác nhau khi sáng tác, thì Trần Công Tấn tự đặt ra cho mình một nhiệm vụ đơn giản là ghi chép lại những gì ông chứng kiến trong cuộc sống kháng chiến. Chính vì thế các tác phẩm của ông rất nhất quán trên phương diện nội dung. Ngay từ nhan đề của các tác phẩm đã thấy rõ điều đó. Đó là những tác phẩm như “Con ngựa của tôi”, “Thần voi và voi thần”, “Cô pháo thủ”, “Đường ra biển rộng”, “Tiếng nói dưới dòng sông”, “Dòng suối mát”, “Chỗ gặp nhau”, “Suối trong rừng”, “Chớp biển”, “Những bông cỏ mặt trời”, “Đa Ra nơi đâu”, “Mối tình tan vỡ”, “Hoa lục bình trôi”, “Thương thương”, “Hoàng thân Xuphanuvông với đất nước Triệu Voi”, “Dấu tích nơi cửa sóng”, “Giữ đỉnh Xạng Khăm”, “Ba đời chồng”, “Ông Hoàng đỏ - người hùng của nước Lào”, “Hà Văn Lâu – người đi từ bến làng Sình”, “Cọp dữ Bàu Hàm sa lầy”, “Nguyễn Chí Thanh – Sáng trong như ngọc một con người”, “Ở đâu tình yêu của tôi”, “Hoàng thân Xuphanuvông và những dòng sông huyền thoại”, “Dòng sông Son vẫn xanh”… Những tác phẩm thể hiện chân thực hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong đó khắc họa lại sinh động những cuộc chiến khốc liệt nhưng trên một cái nền của mối quan hệ quân dân gắn bó keo sơn.

Chiến tranh thì khốc liệt, mất mát đau thương đến từ cả hai phía, và nhà văn Trần Công Tấn thể hiện cái nhìn đa chiều, nhân văn. Chiến tranh không chỉ có vinh quang và thắng lợi, chiến tranh là đau khổ, mất mát, bi thương. Số phận người lính thủy quân lục chiến điên vì mất con trong tác phẩm “Dấu tích nơi cửa sóng” là một minh chứng.

“Chị kéo ghế ngồi cạnh bàn tôi, đưa tay phụ lại tiền. Miệng kể. Hắn một phố với tui. Học luật dở dang được vài năm, thi rớt, ở nhà trốn lính. Được cái giỏi tiếng Mỹ. Vô sở Mỹ bên Phú Bài làm nghề vác két, nạy hòm vẫn không thoát lính. Nghèo, không có tiền đút lót, rứa là đang làm lính hầu cho các ông to, bị bắt ra trận. Trốn mấy chuyến đều bị bắt lại, cuối cùng về đóng đồn Mang Cá.

Người điên đột ngột quay lại, đi thẳng tới bàn tôi ngồi, đứng xớ rớ đó lắng nghe chuyện kể về mình như chuyện của ai ai. Chị chủ quán hỏi:

- Mi nhớ tau không, Bạc?

Anh ta cười, giơ hai tay đón quả chuối chủ quán cho, ăn vội vàng rồi vái chị lia lịa:

- Lạy ông. Cơ chi con chó nớ đừng đi… Lạy ông. Chỉ tại con chó…

- Thôi về nhà đi! - Chị chủ quán khoát tay, giọng bùi ngùi - lại điên rồi. Đi đi. Tội nghiệp. Con hắn không chết mất xác dưới Cửa Thuận chắc hắn không điên.” [1].

Viết về chiến tranh song Trần Công Tấn không tập trung miêu tả những trận đánh, những cảnh chiến trường. Nhà văn hướng ngòi bút của mình đến với số phận những con người trong cuộc chiến bằng lối kể chậm rãi, trầm buồn, với giọng điệu ngôn ngữ đậm chất phương ngữ miền Trung. Do vậy, những tác phẩm của ông tuy có lối viết mộc mạc, giản dị, lối kể tuyến tính một chiều, nhưng dễ đi vào lòng người đọc nhờ sự chân chất, chân thực và nhân văn.

Trần Công Tấn cũng viết về những chân dung lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà ngoại giao Hà Văn Lâu. Nhà báo lão thành Phan Quang nhận xét về tác phẩm “Nguyễn Chí Thanh – Sáng trong như ngọc một con người”: “Cuốn truyện ký mà tác giả viết ra trong thời gian ngắn kỷ lục sau mấy chục năm đằng đẵng nhớ thương nhân vật, thật sự là một tác phẩm lay động lòng người đọc, trước hết ở tính chân phương của nó. Nhân vật trong truyện không thể ai khác là chàng trai Nguyễn Vịnh làng Kẻ Lừ, là anh Thao dân giã của bạn bè, là người cha, người chồng mặn nồng tình cảm, là hạ sĩ Trường Sơn bình luận viên chiến cuộc hồi miền Nam đánh Mỹ, là ông tướng của các hợp tác xã nông nghiệp cuốn hút ngọn gió Đại Phong, là đại tướng Nguyễn Chí Thanh của Quân đội nhân dân Việt Nam… không thể ai khác. Chân phương và truyền cảm là vì vậy”. [2].

3.2. Trần Công Tấn – “nhà văn Lào gốc Việt”.

Trần Công Tấn là người trải lòng mình và đời mình trên những trang văn. Ông có đến hơn 10 tác phẩm viết về đất nước Lào và Campuchia, phản ánh lại những chặng đường chiến đấu của ông. Những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là viết về người cha nuôi, hoàng thân Souphanouvông, ông hoàng đỏ của đất nước Lào. Do vậy, từng có nhiều người lầm tưởng ông là nhà văn Lào gốc Việt. Trần Công Tấn có ba tác phẩm viết riêng về hoàng thân Souphanouvông, và hình ảnh vị hoàng thân đáng kính, Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào còn được nhắc đến ở nhiều tác phẩm khác của ông. Trần Công Tấn khắc họa cuộc đời và hình ảnh của hoàng thân Souphanouvông ở nhiều phương diện, từ khi còn trẻ cho đến khi trưởng thành, đấu tranh vì lý tưởng cho một đất nước Lào độc lập, tự do, cuộc sống cá nhân riêng tư và mối quan hệ đặc biệt thắm tình hữu nghị với con người và đất nước Việt Nam. Những di sản, công trình thủy lợi của hoàng thân Souphanouvông để lại trên đất nước Việt cũng được nhà văn Trần Công Tấn dành riêng cho một tác phẩm là “Hoàng thân Xuphanuvông và những dòng sông huyền thoại”. Trần Công Tấn là người ghi lại cuộc đời vị lãnh tụ của đất nước Lào bằng ngôn ngữ văn chương. “Theo hồi ký của nhà văn Xu-van Thon có mặt trong ngày Hoàng thân Xu-pha-nu-vông vượt Trường Sơn trở về, các tầng lớp nhân dân Xê Pôn già trẻ, trai gái đều phấn khởi tự hào. Ai nấy đều mặc những bộ áo quần đẹp nhất, hái những bông hoa đẹp và thơm nhất xâu thành từng vòng, chuỗi chuẩn bị để khoác vào cổ chúc phúc Hoàng thân. Rồi họ kéo đến tụ tập tại sân trường tiểu học giữa thị trấn Xê Pôn đón tiếp chào mừng Người. Hoàng thân đã đưa ra bức ảnh chụp với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội cho mọi người cùng xem. Đây cũng là lần đầu tiên người dân Xê Pôn được thấy ảnh Bác Hồ.

Ngay ngày hôm sau, nhân dân Xê Pôn tổ chức cuộc mít tinh lớn hoan nghênh Hoàng thân trở về. Sau lễ chào cờ, Hoàng thân lên phát biểu. Người nói:

- Đất Lào phải do người Lào làm chủ. Vì vậy, chúng ta phải đoàn kết với nhau chung sức, chung lòng đấu tranh để cứu lấy Tổ quốc yêu dấu của chúng ta. Lào và Việt Nam cùng chung một nguyện vọng duy nhất là có nền độc lập dân tộc và quyền dân chủ thực sự; cùng chung một kẻ thù là thực dân Pháp đang muốn trở lại thống trị hai nước chúng ta. Do đó nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam anh em phải đoàn kết nhau lại tiếp tục chiến đấu.

Nền độc lập của Lào muôn năm!

Tình đoàn kết Lào - Việt Nam muôn năm!

Hòa bình thế giới muôn năm!

Hoàng thân vừa dứt lời, tức thì tiếng hoan hô, tiếng hát hòa cùng tiếng chiêng, tiếng trống vang lên rung trời chuyển đất, âm vang khắp rừng núi, sông suối Xê Pôn…” [3].

Không chỉ viết về riêng hoàng thân Souphanouvông, người cha nuôi kính yêu, nhà văn Trần Công Tấn còn viết về những con người bình dị trên đất nước Lào, đã cùng nhau đóng góp cho cuộc kháng chiến Lào – Việt, cùng nhau vun đắp cho tình hữu nghị Lào – Việt. Chính vì thế, nhận xét về người anh nuôi thân thiết, tiến sĩ Sivana Souphanouvông cho biết: “Anh nói quỹ thời gian của anh đã gần hết. Nhưng anh vẫn hứa hẹn những ngày tháng còn lại cuối đời anh sẽ cố gắng viết tiếp về mối tình đoàn kết đặc biệt “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững” giữa nhân dân hai nước Việt - Lào.” [6].

Nhà văn Trần Công Tấn với những tác phẩm
Một số tác phẩm của nhà văn Trân Công Tấn

3.3. Văn hóa miền Trung qua những trang viết của Trần Công Tấn

Cho dù nhiều năm nay sống tại TPHCM, nhà văn Trần Công Tấn vẫn dành nhiều trang viết về mảnh đất miền Trung. Không chỉ viết về con người, sự kiện, những ký ức chiến tranh, nhà văn còn dành nhiều trang để nói về miền Trung từ phong cảnh thiên nhiên đến di tích lịch sử, từ không gian của vùng đất đến thời gian trong tâm tưởng.

Tác phẩm “Nguyễn Chí Thanh - Sáng trong như ngọc một con người” đưa người đọc về miền ký ức của đất Huế những năm đầu thế kỷ XX, khi mà đời sống của người dân còn cơ cực. “Ở Niêm Phò thuở ấy còn gọi là làng Kẻ Lừ, nông dân mà có học, biết chữ nho và viết được chữ quốc ngữ như ông Nguyễn Kháng, thì không ra làm quan làng lý trưởng, chánh tổng, chỉ là dân cày chay thôi, cũng được quý trọng. Ông Kháng không mê chức tước, tính nết vốn ngay thẳng, to tiếng bênh vực người nghèo khổ trong làng, quan xã vừa nể sợ, lại vừa ưu ái. Hương lý ở Niêm Phò sợ ông, nể ông là do tính cương trực đàng hoàng của ông, lại thêm ông là người có chữ, có nghĩa, làng phải giao cái chức hương bộ cho ông. Hương bộ là cái danh xưng mà chẳng có chức tước gì dính dáng đến triều đình như các bậc cửu phẩm, bát phẩm. Người có chữ ở các làng thời ấy vẫn thường được chánh tổng, lý trưởng cậy nhờ viết đơn, viết bẩm, thưa trình lên với tri huyện, thì được gọi là Biện. Như ông Biện Cương, Biện Tháo. Còn được giao giữ sổ bộ, trước bạ, điền thổ của làng thì gọi là Bộ.” [2]. Rồi từ những vất vả, cơ cực ấy, những tính cách được hình thành, những lý tưởng được soi sáng và có những con người đã dấn thân đi làm cách mạng. Trần Công Tấn gần như là người chép sử của mảnh đất miền Trung qua những ngày tháng gian nan, những sự kiện hào hùng nhất của lịch sử.

Cũng có khi giọng văn Trần Công Tấn lắng đọng lại, nhất là khi viết về những biểu tượng văn hóa linh thiêng của mảnh đất miền Trung. “Tiếng chuông Thiên Mụ nghe vào đêm như cây cỏ, đất đai, sông nước đều có tâm hồn. Như một lời tâm sự, an ủi, khuyên nhủ, thức tỉnh thiện tâm của con người. Tôi đi gần khắp đất nước và hơn chục nước bạn, chưa ở đâu có được tiếng chuông huyền bí như thế. Nhà thơ Thanh Tịnh có lần giải thích cho tôi sở dĩ chuông chùa Thiên Mụ vang xa là do chùa ở trên một ngọn đồi cao, cạnh kề sông Hương chỗ sâu nhất. Tiếng chuông dội xuống dòng sông nên vang xa. Lại nữa, chuông đúc bằng đồng có lẫn vàng và bạc. Tiếng đồng thì vang xa, tiếng vàng bạc thì chặn lại nên đã tạo ra âm thanh ngân nga đặc biệt như vậy. Rồi nhà thơ kể: Truyền thuyết cho rằng ngày xưa, chúa Nguyễn đi tìm nơi đóng đô, gặp một bà cụ già chỉ cho chỗ đất tốt. Lập kinh đô xong, chúa bèn đi tìm bà cụ để cảm ơn nhưng chẳng thấy đâu. Nghĩ chính đó là người của Trời sai xuống giúp mình, chúa liền lập chùa thờ bà và đặt tên chùa là Thiên Mụ. Người ta nỗ lực quyên góp để đúc chuông, từ vua chúa và thường dân, hễ ai có nồi chậu, thau đồng, khánh vàng, vòng bạc đều bỏ vào chảo phước sương. Một lão hành khất có chiếc cúc áo duy nhất bằng đồng cũng rứt ra cúng chùa, góp phần đúc chuông. Nhưng khi chọn nhặt những dị vật không phải ba thứ đồng, vàng, bạc, thì người thợ đúc liền vứt bỏ chiếc cúc bé xíu. Chuông đúc rồi, đánh thử rất hay và ngân vang nhưng trên mặt chuông lại khuyết một lỗ bằng hạt ngô. Thợ đúc liền miết lại lỗ khuyết mặt chuông cho bằng phẳng. Nhưng khi đánh thử lại thì chuông câm bặt. Đem móc bỏ chỗ miết ấy để lòi ra cái lỗ khuyết mà đánh thì chuông lại kêu vang. Thế mới biết chuông chùa Thiên Mụ có hồn ngay từ khi mới đúc. Cái lỗ khuyết phơi ra trên mặt chuông đã góp một triết lý cho đời rằng: "Đừng coi thường sự đóng góp nhỏ nhoi của một người hành khất!"...” [4].

4. Dòng chảy cuộc đời trong tác phẩm của nhà văn Trần Công Tấn

Thi pháp dòng chảy cuộc đời là một cách nhìn tác phẩm văn học từ góc nhìn xã hội học, được lập thuyết ở nước Pháp với những tên tuổi như Jean Paul Sartre, Philippe Lejeune, George Gusdorf, Robbe-Grillet... Đây là một cách diễn đạt thể loại hay là một loại hình diễn ngôn, trong đó tác giả kể lại cuộc đời mình hay một giai đoạn cuộc đời mình hoặc cuộc đời ai đó cho một hay nhiều người khác với hình thức nói hoặc viết. Cũng có thể gọi đây là “văn học tự thuật”. Thế mạnh của nhà văn Trần Công Tấn là truyện và ký. Đó là phong cách viết hợp với kinh nghiệm sống và cuộc đời của chính ông. Hình ảnh của nhà văn và các nhân vật trong tác phẩm thể hiện ở chính những điều nhà văn viết và kể ra. Nhưng dòng chảy cuộc đời không chỉ đơn thuần là cuộc sống cá nhân, mà là cuộc sống được nhìn nhận có sự kết nối về không gian và thời gian với hành trình của những cá nhân khác, cùng với cộng đồng. Đó là sự kết hợp giữa cái chung và cái riêng, giữa cá nhân và tập thể. Từ đó dòng chảy cuộc đời trong văn chương trở thành phương tiện để nhận biết tiến trình lịch sử của mỗi cá nhân, cộng đồng, những căn tính văn hóa, tâm lí và xã hội.

Chọn cho bản thân một lối viết kể và tả, cũng biết rất rõ những giới hạn văn chương của bản thân, nhà văn Trần Công Tấn không có nhiều tham vọng với văn chương. Với những nhà văn bạn bè, Trần Công Tấn luôn không giấu điều ấy. Nhà văn Nguyễn Đức Thiện nhận xét: “Trần Công Tấn viết năm 1948, đến nay anh đã có hơn 60 năm cầm bút viết văn. 60 năm ấy, anh đã làm được ông việc của nhà văn: ghi chép những gì mình nghe, mình thấy và mình chiêm nghiệm. Những tác phẩm của anh chính là cuộc đời anh qua từng thời kỳ cách mạng của đất nước Việt Nam này.

Nên anh viết cái gì cũng dày dặn và nhanh chóng cũng là điều dễ hiểu. Vì anh viết với tâm thế là người trong cuộc. Người ghi chép lại những gì mình thấy, mình nghe và mình trực tiếp làm.” [5].

Như vậy, nhìn từ một khía cạnh nào đó, những trang văn của nhà văn Trần Công Tấn cũng chính là dòng chảy cuộc đời, kể lại lịch sử của một thời ở mảnh đất miền Trung, với không gian và thời gian, với sự kết nối giữa cá nhân và cộng đồng. Dòng văn học tự thuật xưa nay ít được để ý và nhìn nhận, song nếu chắt lọc từ những con chữ, người đọc có thể hiểu thêm được những cội rễ sâu xa, những yếu tố tâm lý, và hành trình cuộc đời của những con người cụ thể. Trần Công Tấn, do vậy, theo một ý nghĩa nhất định, là nhà văn đã kiên trì làm công việc miêu tả dòng chảy cuộc đời.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Công Tấn (2001), Dấu tích nơi cửa sóng, NXB Văn học, Hà Nội.
  2. Trần Công Tấn (2009), Nguyễn Chí Thanh - sáng trong như ngọc một con người, NXB Văn học, Hà Nội.
  3. Trần Công Tấn (2009), “Chung một chiến hào (Phần 1)”, báo Quân đội nhân dân thứ Bảy, ngày 11/7/2009.
  4. Trần Công Tấn (2009), “Tiếng chuông Thiên Mụ”,
  5. Nguyễn Đức Thiện (2009), Lan man cùng nhà văn Trần Công Tấn,
  6. Xivana Xuphanuvong, “Nhà văn Lào gốc Việt”, Báo Sài Gòn Giải phóng ngày 6/1/2013

-------------------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Tay phàm có được vẽ hình thiêng? Nhà văn Ngọc Trai người con xứ Huế Chùm tiểu luận của Costica Bradatan: Tái sinh trong ngôn ngữ thứ hai Nhớ về cơn gió lạ cao nguyên Pavel Basinsky: Sau Tolstoy rất khó viết về người khác
Socrate. Truyện ngắn của Ngô Tự Lập

Socrate. Truyện ngắn của Ngô Tự Lập

Baovannghe.vn - Cái tên Socrate ấy, tên du thủ du thực chuyên lừa đảo núp trong cái áo thụng và những lời lẽ ba hoa về đạo đức, kẻ ngông cuồng nhất trong những kẻ ngông cuồng
Áp thấp nhiệt đới hướng vào miền Trung, Bắc và Trung Trung Bộ mưa rất to

Áp thấp nhiệt đới hướng vào miền Trung, Bắc và Trung Trung Bộ mưa rất to

Baovannghe.vn- Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ chiều ngày 18/9 đến ngày 20/9, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to cục bộ có nơi trên 500mm
Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị TƯ 10 khoá XIII

Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị TƯ 10 khoá XIII

Baovannghe.vn - Trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị lần 10 BCH Trung ương Đảng khóa XIII

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì Hội nghị lần 10 BCH Trung ương Đảng khóa XIII

Baovannghe.vn - Hội nghị Trung ương lần này diễn ra sớm hơn, ngắn hơn dự kiến và sẽ làm việc cả ngoài giờ hành chính; thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược và một số việc cụ thể.
Bản tin Văn Nghệ: Hội tụ và tỏa sáng những tài năng âm nhạc, nghệ thuật

Bản tin Văn Nghệ: Hội tụ và tỏa sáng những tài năng âm nhạc, nghệ thuật

Baovannghe.vn - Ban nhạc The Bootleg Beatles sẽ tổ chức 3 đêm diễn tại Việt Nam trong chuỗi chương trình kỷ niệm 44 năm lưu diễn tri ân người hâm mộ.