Sáng tác

Khói làng. Truyện ngắn của Hoàng Ngọc Điệp

Hoàng Ngọc Điệp
Truyện
00:00 | 20/09/2024
Baovannghe.vn- Về tới đầu làng. Tôi ngơ ngác như lạc vào vùng đất lạ. Nhà cửa san sát, tườ bao khiến không gian bị chia cắt thành những ô vuông.
aa
Làng hơn trăm nóc nhà. Con sông chảy qua làng hẹp và hơi dốc, xuôi xuống một cái chợ chồm hổm chỉ họp tầm nửa buổi sáng. Ấy là làng tôi.

Anh em tôi sinh ra từ làng, lớn lên nơi phố thị, nghỉ hè lại về làng với ông bà nội. Sau này tôi phiêu dạt vào tận Đông Nam bộ, tóc pha sương bỗng khao khát được về nhìn lại nơi chôn nhau cắt rốn. Vừa hay đám giỗ mẹ, mấy anh em bàn chuyện về quê, tôi ok ngay.

Khói làng. Truyện ngắn của Hoàng Ngọc Điệp
Minh hoạ Đào Quốc Huy

Chuyến “hồi hương” của bốn anh em ấn định bằng hai xe máy. Ngồi sau xe anh cả tôi khoan khoái hít thở không khí hiu hiu, lành lạnh của tiết xuân. Trên cánh đồng lúa đương thì con gái sương giăng lãng đãng. Gió xuân se se da thịt. Mười ba cây số về làng ngày trước hễ mưa là bùn lầy đến mắt cá chân, trơn trượt, nhão nhoét. Con đường hành xác ấy bây giờ đã tráng nhựa. Vài đoạn được trồng cỏ đậu lấm tấm hoa vàng.

Về tới đầu làng. Tôi ngơ ngác như lạc vào vùng đất lạ. Nhà cửa san sát, tường bao khiến không gian bị chia cắt thành những ô vuông. Ao chuôm, tre pheo mất sạch, sót lại vài vũng nước tù có mầu xanh lục, đầy bọ gậy và muỗi đói. Này là nơi ngôi chùa từng bị phá, trơ lại pho tượng ông Thiện và ông Ác. Này là chỗ dựng cái bảng tin, chữ nguệch ngoạc thông báo tình hình cấy hái, phân gio, lợn gà của các hộ, đây là bụi tre gai, nơi trú ngụ của lũ cò lửa. Vườn nhà ông bà tôi hai cái ao bèo tây xập xòe hoa tím. Lối vào nhà có cây rơm chon von, trên đỉnh cọc tre úp cái nồi đất vỡ. Hàng rào cúc tần vấn vít dây tơ hồng. Tất cả đều không còn. Như thể chúng chưa bao giờ tồn tại. Sự biến mất của làng quê trong ký ức với những hình ảnh thân thương khiến lòng tôi chênh chao. Thi thoảng vài chiếc xe máy vù qua…

Xe chạy vào sân. Mùi khói quen thuộc bỗng xộc vào mũi tôi. Một con chó xồ ra sủa, mình gầy trơ xương, dãy vú lép thõng thượt. Cô tôi nghe tiếng râm ran thì chui từ căn bếp mái tranh ra. Bụi phủ đầy trên tấm khăn vuông đen sụp xuống sát mí mắt, giọng cô mừng mừng tủi tủi. Quý hóa quá. Lâu lắm mới thấy các cháu về chơi, lại đủ cả bốn đứa… Tôi nhìn cô, cảm động. Thời trẻ cô cao lớn, khỏe mạnh, hai hàm răng đen nhức, gánh hai sọt phân chuồng đầy ú, bước chân thình thịch chắc như giã giò. Thời gian đã biến cô thành bà lão từ lúc nào.

- Cô nấu tí cám cho con lợn còi. Làng bây giờ mỗi cô với nhà Khuyến nuôi lợn ỉ. Cô tôi giải thích khi anh cả hỏi sao cô vào bếp sớm vậy.

Chúng tôi theo chân cô vào phòng khách. Căn nhà mái bằng hoành tráng được xây nối với nhà cũ thành hình chữ L, bàn, ghế salon bóng mầu vẹcni, trong góc nhà xếp bộ loa thùng, ămply, micro không dây, dàn karaoke, chứng tỏ chủ nhân sống rất “hợp thời”. Ngôi nhà xưa đứng bên cạnh “người anh em” đời mới toát lên vẻ rụt rè trầm mặc, như thể nó áy náy vì sự quê mùa cục mịch của mình. Một cái gì đó vừa quặn lên trong lòng tôi. Ngôi nhà lợp ngói ta cũ kỹ này với anh em tôi xiết bao thân thuộc. Ngày xưa, nhà hướng ra sông. Bây giờ nó quay ngang. Nhưng vẫn xương cốt ngôi nhà cũ. Bằng liệt sĩ ghi tên chú Thành đã nhòa gần hết nét chữ, treo cao tít trên tường.

- Vợ chồng Tuyển đi đâu cô? Anh cả hỏi. Anh cũng đã làm ông ngoại, tóc nhuộm lem nhem, chỗ đen, chỗ đỏ quạch.

- Bên làng Nhạ sắp nhận làng nông thôn mới, xây lại cổng cho đẹp. Thằng Tuyển chở đồ nghề sang phục vụ lễ động thổ. Con Thảo về bên ngoại. Dào ôi. Vợ chồng nó từ bữa thằng Lĩnh về cứ lủng cà lủng củng, cãi nhau suốt. Thật chả ra làm sao.

Cô tôi lấy từ giành tích chiếc ấm men da lươn, nước vối nóng hổi được rót ra chiếc bát đàn có mầu xanh ngọc, tỏa khói thơm dìu dịu.

Tuyển là con trai duy nhất của cô chú tôi. Ngày bé cậu nhác học, chỉ thích lăn lê tát xúc ì õm dưới đầm, chiều nào cô tôi cũng tớn tác đi tìm con. Có hôm Tuyển bị lũ bạn tinh quái giấu mất áo quần, đành cởi truồng tơ hơ chạy về. Nhiều năm rồi tôi không gặp Tuyển, chỉ biết vợ chồng cậu làm ăn khá nhờ có hai dàn âm thanh cho thuê dịch vụ hiếu hỷ, tiệc tùng.

Để hai ông anh ngồi trò chuyện với cô, tôi và Hiền rủ nhau ra sông. Đường xuống bến ngày xưa phải men qua vườn dâu, những cành dâu cổ thụ xòa ra lối đi. Bây giờ vườn gần như hoang phế, vài luống xà lách, su hào còi cọc chen với cỏ dại. Chuồng lợn bỏ không nằm trong góc vườn, dưới gốc mấy cây xoan chi chít hoa, cái mầu trăng trắng tim tím của hoa xoan cùng hương thơm hăng hắc của nó làm tôi bâng khuâng.

- Bờ sông sạt lở khiếp thật. Hiền nói như tiếc rẻ, mắt hướng sang bờ bên kia. Tôi bồi hồi nhìn dòng sông mùa nước cạn tụt sâu xuống, bờ bên kia sạt từng khúc, những bụi mái gai tua tủa sà xuống sát mép nước. Bao nhiêu năm, nước sông vẫn đục lờ, những đám bọt vàng khè nổi lềnh bềnh. Tuổi thơ tôi từng ngụp lặn, mấy lần suýt chết đuối, uống no nước ở dòng sông này.

Chúng tôi trở vào, đi tham quan hai gian bếp. Căn bếp của vợ chồng Tuyển có bếp ga, bồn rửa i nốc sáng choang. Căn bếp của cô tôi ấm cúng dù hơi lụp xụp, nồi niêu dính muội đen sì. Mùi khói từ đám trấu um và rơm khô xao xác gợi lên hồi ức xa xăm. Bây giờ có lẽ cả làng chỉ còn cô tôi nấu bằng rơm rạ.

- Sao cô không ăn chung với vợ chồng Tuyển? Cô già rồi. Nấu nướng làm gì cho kích rích. Mà thằng Lĩnh đi đâu cô? Tôi trở lên nhà, hỏi cô tôi. Co một chân trên ghế sa lon, tay không ngừng ngoáy trầu, mặt cô buồn buồn:

- Cô ăn riêng. Cho tự do. Mỗi bữa chỉ nhúm gạo. Rau thì bòn trong vườn. Thằng Lĩnh hôm trước vay của cô chục triệu, để xin việc làm. Xin mấy lần rồi. Tiền hết, việc chẳng thấy đâu. Lần này cô không đưa. Nó làm mình làm mẩy rồi bỏ lên tỉnh, chả biết bữa nào về.

Cô tôi bỏ miếng trầu vào miệng, trệu trạo nhai. Cô đã tháo khăn trùm, để lộ mái tóc vấn qua quýt bạc gần hết. Cả đời cô vất vả vì chồng con mà chưa bao giờ thật sự được hưởng hạnh phúc gia đình. Chú Kiệm ngày còn sống tuy là cán bộ nhà nước nhưng đầu óc hẹp hòi gia trưởng, làm cô tôi điêu đứng vì sinh ra “bốn con vịt giời” trước khi có thằng Tuyển. Thằng Lĩnh, con đầu của Tuyển, là đứa phá gia chi tử. Nó đi xuất khẩu lao động ở Syria, nửa chừng phải về vì tình hình chính trị bên đó bất ổn. Về quê không việc làm, bạn bè làm ăn xa, thằng Lĩnh sinh buồn chán, bỏ ra thành phố, nướng sạch tiền vào bia bọt, cá độ và cà phê đèn mờ. Cô tôi đang lo phát sốt vì thằng cháu đích tôn.

Tôi lặng thầm nhìn gương mặt rộng, góc cạnh với đôi gò má cao của cô tôi, có chút gì đó lam lũ và cam chịu. Cô tôi luôn tự nhận mình dốt nát, cả đời chả mấy khi ra khỏi làng. Nhưng thời bao cấp, nhờ sự tần tảo, tháo vát của cô mà nhà cửa, ruộng vườn của ông bà tôi lúc nào cũng khang trang, trù phú nhất làng.

- Vợ chồng Tuyển làm ăn được, sao thằng Lĩnh phải đi đâu cô? anh cả hỏi.

- Nó thích bay nhảy, không muốn ở làng. Bố mẹ nó cũng chả bảo được. Thôi thì đời cua cua máy, đời cáy cáy đào.

Tôi hỏi thăm chú Thoan, người có bộ ria vểnh ngược và giọng nói sang sảng nên bị làng mang ra làm “ông kẹ” dọa lũ trẻ hay khóc đêm. Cô tôi im lặng hồi lâu như để cân nhắc xem có nên nói không? Rồi cô thở dài, nét mặt hiện lên vẻ u ám. Nhà ông bà Thoan vất lắm. Mấy đứa con đều nghèo mà chả đứa nào ở gần. Con Thục lấy chồng mãi tận Yên Bái, một dạo bốc lên như lúa lốp, mua ô tô, xây nhà lầu cho bố mẹ. Cả làng lác mắt. Tưởng làm ăn giỏi giang. Hóa ra vợ chồng nó buôn bán hàng cấm, phải đi tù. Giờ ông bà Thoan nuôi hai đứa cháu ngoại. Có tí lương thương binh mà mấy miệng ăn.

- Làng mình vườn tược lam nham. Phí đất quá. Anh ba vừa nói, vừa chăm chú nhìn ảnh cưới Lành, con gái út của Tuyển. Con bé theo chồng ra tận thị trấn Bút, ít khi về thăm quê. Ảnh thằng Linh đứng chống nạnh, quần jean thủng gối, miệng cười toe toét, chắc nó chụp lúc đi xuất khẩu lao động.

- Dào ôi. Trồng được tí rau thì sâu ăn sạch. Cả làng bỏ vườn đi làm cửu vạn, thợ hồ, xuất khẩu lao động, nhà thì vợ ra tỉnh làm osin, chồng ở nhà nuôi lợn gà. Vậy mà khối hộ xây được nhà hai, ba tầng. Thanh niên đứa vào Nam, đứa ra Móng Cái, Cẩm Phả. Đẻ con thì gửi về quê. Thành ra nhiều nhà ông bà già phải chăm cháu nội, cháu ngoại.

- Người làng ai còn, ai mất cháu không biết. Vì cháu xa quê lâu quá rồi. Cháu chỉ nhớ nhất chị Thắm, anh Liềm. Mấy chục năm, chẳng biết bây giờ họ ra sao? Tôi nói và nhìn cô dò hỏi.

Cô tôi kể ra một loạt những cái tên nửa quen nửa lạ, kèm “lý lịch trích ngang” từng người. Bỗng cô giật mình:

- Thôi chết. Già lú lẫn. Các cháu về thì qua thăm nhà Liềm một tí. Nhà ấy cứ tưởng sướng, hóa ra lại khổ. Hai thằng con đi xuất khẩu lao động bên Nhật. Không biết sao, thằng anh tự tử chết. Thằng em hỏa táng rồi mang cốt anh về. Mấy bữa nay vợ chồng nhà Liềm như người mất hồn. Cám cảnh lắm.

Cô tôi dừng lời, lấy tay vuốt quết trầu hai bên khóe miệng. Ánh mắt cô buồn bã âm u như có lớp sương mờ bao phủ. Mỗi nhà mỗi cảnh cháu ạ. Con Thắm có thằng chồng nhác làm siêng ăn mà còn nát rượu. Cứ rượu vào là nó lôi vợ ra nhiếc tội chửa hoang, buồn tay thì nó đánh. Làng cũng nhắc nhở, nhưng nó bỏ ngoài tai. Được ba đứa con thì thằng con trai chết vì sập hầm vàng. Hai đứa con gái lấy chồng chỉ có con Tâm là khá. Năm ngoái thằng chồng con Thắm say khướt, ngã xuống ao, chết vẫn ôm chai rượu…

Câu nói hàm ý phê phán của cô làm tôi bàng hoàng.

Hồi nhỏ, mỗi lần về quê, tôi bám chị Thắm như sam. Những buổi thả trâu ngoài bãi tha ma, chị luôn cho tôi đi theo. Người chị thấp nhỏ, hàm răng hơi hô, tóc tai lơ xơ mà còn nhiều chấy, lúc nào tay cũng gãi trên đầu sồn sột. Chị rãi tóc ra, bảo tôi bắt chấy cho chị, nhưng tôi vụng về nên thi thoảng mới túm được một con. Một hôm chẳng biết ai xui dại, chị dùng thuốc sâu bỏ lên đầu để trừ chấy, trứng chấy nổ không còn một vảy nhưng chị bị ngộ độc, suýt chết. Chị Thắm xấu người nhưng thảo tính, hay mang ra đồng cho tôi quả ổi, quả na, có lần là củ khoai lang nướng, tôi ăn ngon lành, muội than dính đầy mặt. Chị dạy tôi cách trèo lên lưng trâu, trầy trật mãi tôi mới leo lên được và ngồi khật khưỡng trên lưng con trâu cộ sứt mũi của chị. Đặc biệt, chị Thắm có giọng hát chèo ngọt lịm, trong như nước giếng khơi, hai mắt đong đưa làm khối trai làng mê mẩn. Nhưng họ chỉ mê giọng hát chứ không mê người…

Nếu chị trắng đẹp như em, thể nào chị cũng đi văn công. Chị Thắm vuốt má tôi nói và thở dài. Mắt chị rực lên nỗi khát khao cháy bỏng nhưng liền đó lại trở nên u hoài và buồn mênh mông. Cũng bởi kém sắc nên giấc mơ vào đoàn nghệ thuật chèo của chị Thắm không bao giờ thành.

Năm đó có người làng làm trên tỉnh về chơi, dẫn theo một người đàn ông. Anh ta xởi lởi, hay chuyện, chưa nói đã hưng hức cười. Anh ta nghe chị Thắm hát, mắt sáng lên, đầu gật lia lịa như con bổ củi. Chị Thắm hát xong, anh ta bắt tay chị, khen nức nở. Nếu giọng hát của em mà được thu âm thì ăn đứt khối nghệ sĩ nổi tiếng. Tôi làm ở đài phát thanh. Nếu Thắm đồng ý, tôi sẽ giới thiệu Thắm với Trưởng đài. Nói rồi anh ta ghi cho chị Thắm địa chỉ, bảo cứ đến tìm anh ta, sẽ được như ý.

Chị Thắm đã lần theo địa chỉ người đàn ông đưa, đi liền mấy ngày. Hôm chị về, mặt mũi thất thần. Ai hỏi chỉ trả lời gióng một. Rồi chị qua nhà ông bà tôi, ngồi lặng thinh nơi bậu cửa. Thấy lạ, bà tôi gặng hỏi, chị khóc nhưng vẫn không chịu hé miệng. Ngồi một lúc rồi chị đứng dậy cắp cái mê nón, lủi thủi đi về…

Ngôi làng bình lặng được một phen sôi ùng ục như nồi bánh chưng hôm chị Thắm nhảy sông. Người lôi được chị lên bờ là anh Liềm. Người ta xúm đen xúm đỏ xem sơ cứu nạn nhân. Cái áo cánh gắn cũn cỡn ướt nhẹp, dán vào cơ thể mỏng manh, chỗ ngực chỉ hơi nhu nhú của chị Thắm. Anh Liềm lấy tay vén nhẹ những sợi tóc mai dính bết vào khuôn mặt bợt bạt của chị. Chẳng ai ngờ trong bụng chị Thắm đang có một sinh linh…

Sau vụ đó, chị Thắm bỏ ý định tự tử có lẽ vì bản năng làm mẹ trỗi dậy, chị chịu lấy người đàn ông mắt lác xệch lác xẹo, người lúc nào cũng hầm hập hơi men. Cô tôi bảo chị lấy chồng cho có, chứ vận may nào đến với người như chị.

Từng ấy năm phiêu dạt, tôi đã quên bẵng người chị của tuổi thơ, quên cả những buổi chăn trâu đầy ắp kỷ niệm. Giờ nghe tin chị Thắm, lòng tôi xa xót.

Chị Thắm đã vậy. Còn anh Liềm? Trong óc tôi hiện lên gương mặt hiền lành chất phác của người trai làng…

Anh Liềm hàm răng đều tắp trắng như ngà, da nâu bóng láng, ngực nở, bụng thon, ai cũng khen đẹp trai. Nổi tiếng sát cá, chiều nào ở ngoài đồng về anh cũng đeo sề sệ chiếc giỏ bên hông, quần cụt để lộ hai bắp chân trần chắc khỏe. Những ngày kiếm được mớ cá ngon, anh hay mang sang biếu ông bà tôi. Anh Liềm dạy tôi chơi cờ lá, nặn đất sét và nhiều trò ngịch của trẻ nhà quê. Đi dậm về, anh dành cho tôi những con muỗm, nướng lên thơm phức, ăn vừa bùi, vừa ngậy. Bà tôi kể, có lần anh đi cắt cỏ trâu ở cánh đồng làng, hồi đó cỏ còn tươi tốt, trâu bò ăn không xuể, chiều muộn bác Hợi không thấy con về, sốt ruột đi tìm. Từ xa bác đã thấy anh Liềm kĩu kịt gánh cỏ về, nhưng cỏ chỉ có một bên sọt, còn sọt bên kia thù lù… một con trăn nằm cuộn khoanh. Bác thất kinh hồn vía, còn anh Liềm thì cười hì hì, như thể với anh, việc bắt con trăn cũng dễ như đi đánh dậm vậy. Chuyện bắt trăn của anh Liềm mãi sau này làng tôi còn nhắc.

Khi đã trở thành thiếu nữ, có lần tôi về làng và gặp lại anh Liềm. Tôi bối rối thấy anh mặc quân phục, quân hàm đỏ chói trên ve áo. Thì ra anh đã đi bộ đội, vừa về phép. Tâm hồn non trẻ của tôi xao xuyến trước chàng trai tuổi đôi mươi rắn rỏi, gương mặt vuông vức và đôi mắt sáng long lanh. Ngồi nghe anh Liềm kể chuyện quân ngũ, tôi vẩn vơ nghĩ một ngày nào đó biết đâu tôi sẽ là… bạn gái của anh. Nghĩ vậy nhưng tôi chỉ dám nhìn trộm anh, tim đập thình thịch…

Sau này tôi nghe tin anh Liềm phục viên về làng lấy vợ. Rồi cũng như chị Thắm, anh nhòa dần trong ký ức tôi…

Trong lúc đợi bữa trưa, tôi và anh ba qua nhà anh Liềm. Ngôi nhà có sân gạch tường hoa, trong sân đậu chiếc xe bán tải. Mùi khói nhang u uẩn bay ra. Ngoài hàng hiên, một cậu trai trắng trẻo ngồi một mình, mặt buồn xo, chắc là con út anh Liềm. Nghe tôi tự giới thiệu, anh ngẩn ra, vẻ ngỡ ngàng thoáng hiện trên gương mặt dãi dầu. Chị Liềm đầu bù tóc rối, da mặt sậm như mầu đất, cặp mắt sưng phồng vì khóc. Nhìn dáng điệu bơ phờ và ánh mắt tuyệt vọng của hai vợ chồng, tôi có cảm giác mất mát tột đỉnh đã lấy đi một phần sức sống của họ. Chị Liềm ngồi cắm mặt một lúc rồi trở vào buồng, từ trong đó vọng ra tiếng khóc rấm rứt.

Chúng tôi thắp hương và đứng lặng trước tấm ảnh chàng trai trán cao, nụ cười bẽn lẽn như con gái. Thật không thể tin cậu có thể tự mình chấm dứt cuộc đời. Không biết thông điệp mà cậu gửi lại cõi thế là gì, chẳng lẽ lại là sự cô đơn? Có biết bao người trẻ chật vật không tìm được chỗ đứng trong thời đại mà sự ganh đua đã trở nên khốc liệt như một chứng bệnh. Tôi tin chắc chỉ trầm cảm mới giết được một chàng trai phơi phới tuổi xuân như cậu.

Nhà tôi đã mất con, còn bị thiên hạ chửi ham tiền. Thì mình cũng nghĩ, đi vài năm cho có tí vốn. Ở nhà tôi chở hàng thuê, mẹ nó chợ búa, cấy hái cũng kiếm được. Nhưng vất lắm. Nó sang bên ấy chẳng hé miệng kêu ca nên mình đâu biết nó khổ. Thằng em bảo, anh nó bị áp lực. Công ty ít người Việt. Ông chủ lại khó tính, hay chửi công nhân, mắc lỗi là ông ta trừ lương. Tôi bảo con thôi cố năm nữa rồi về. Nhưng chưa kịp hết hợp đồng thì nó… Anh Liềm ngưng bặt. Mũi anh mọng lên, môi run run, hơi thở khò khè như có cái gì đó mắc trong cổ họng. Vợ chồng anh Liềm không biết đến căn bệnh của thời công nghệ cao, vì vậy cái chết của đứa con mãi là điều bí ẩn dày vò họ. Nghe tôi giải thích về bệnh trầm cảm, về hội chứng tự tử, anh Liềm ngồi cúi đầu, thi thoảng anh ngẩng lên, cặp mắt hõm sâu vào hốc mắt có một vẻ gì đó hoang dại, đờ đẫn như đang mê sảng. Nhìn anh, tôi thấy người gai gai. Một ý nghĩ phẫn uất và chua xót xoắn vặn trí óc tôi. Giá như thằng con anh Liềm không phải đi xuất khẩu lao động. Giá như ông chủ của nó đừng quá khắt khe. Giá như tôi có thể gánh bớt được nỗi thống khổ của họ… Cảm xúc tràn ngập trái tim khiến tôi thấy cay mắt …

Lửng chiều. Nắng hửng lên. Chúng tôi chuẩn bị trở lại thành phố thì Tuyển chạy honda về, theo sau là một phụ nữ. Cả hai không đội mũ bảo hiểm. Cái đầu có mớ tóc rậm bù sù, khuôn miệng rộng nguếch của Tuyển giống chú Kiệm lạ lùng. Người phụ nữ tắt máy xuống xe, tay xách cái làn nhựa đỏ.

- Gớm. Các bác về mà không thèm nói với thằng em một tiếng - Tuyển vui mừng trách.

Người phụ nữ chào hỏi với vẻ tự nhiên. Cô ta để cái làn nhựa đỏ lên bậc tam cấp, trong đó là những trái dưa chuột tươi, nấm rơm và cà chua bi.

- Bà ơi. Cháu mang rau sạch cho bà đây. Vườn nhà bà không có những thứ này.

- Con Tâm, con gái cả nhà Thắm. Chỉ trồng rau thôi mà nhà nó giầu đấy. Cô tôi giới thiệu người phụ nữ, nét mặt cô đã tươi tỉnh.

- Dạ, cháu cũng phải làm nhiều thứ khác nữa chứ bà.

- Vợ chồng nó tham việc, buông cái nọ, bắt cái kia. Không giầu mới là lạ.

Tâm ngồi xuống bên cô tôi, lấy tay bóp đầu gối cô, cử chỉ thuần thục như hàng ngày vẫn làm. Gương mặt Tâm phảng phất đường nét của chị Thắm nhưng lanh lợi và có duyên. Tuyển cúi xuống gầm ghế salon, lôi ra chiếc điếu cày, ý tứ mang ra bậc thềm nhồi thuốc, rít sòng sọc, nhả khói một cách say sưa rồi trở vào. Hai anh tôi thấy vậy cũng bắt chước, mỗi người làm một mồi, khói thuốc lào lơ lửng bay lên.

-Anh chị có thời gian thì đi tham quan vườn nhà con Tâm này. Nó trúng số độc đắc, vớ được thằng chồng có máu liều. Đang làm trong Nam mà đùng phát, về quê vay vốn ngân hàng, mua đất trồng rau thủy canh. Nhà vườn của chúng nó hiện đại phết, lên báo tỉnh rồi đấy.

Câu nói của Tuyển khiến tôi chợt nhớ những vùng đất đai màu mỡ trải rộng của miền Đông Nam bộ. Nhiều lần đi tham quan “nông thôn mới”, tận mắt nhìn những nông trại công nghệ cao chuyên cung ứng nông sản xuất khẩu, tôi buồn rầu nghĩ quê tôi khó mà thoát nghèo. Làng không ruộng màu, không nghề phụ, nhõn mỗi năm hai vụ lúa chiêm khê mùa thối. Mẹ tôi về làm dâu mang theo nghề tằm tang nhưng từ khi mẹ ra thành phố thì nghề nuôi tằm dệt lụa cũng không còn. Người làng ăn cơm thiên hạ mòn bát đũa nhưng chẳng ai mang được về quê nghề gì mới. Bao năm qua, thiên hạ đổi đời ầm ầm, duy làng tôi vẫn giật gấu vá vai. Tôi đâu ngờ quê mình cũng có những người như vợ chồng Tâm.

- Cũng mới sơ sơ thôi các bác ạ. Đầu tư rau sạch tốn kém lắm nên nhà cháu phải làm dần - Tâm vui vẻ nói.

Tôi nhìn cô, không sao hình dung được chị Thắm bất hạnh lại có cô con gái làm chủ một cơ sở trồng rau sạch có hàng chục nhân công. Người ta vẫn bảo, con hoang là con khôn, thật đúng…

Câu chuyện trở nên rôm rả vì xoay sang những kế sách làm giầu. Tâm mang chiếc làn nhựa xuống bếp, đổ mấy thứ rau vào rổ cho cô tôi. Khi cô trở lên, tôi gửi biếu chị Thắm ít tiền, nói mãi Tâm mới chịu nhận.

Tâm về rồi, Tuyển bảo chúng tôi ở lại, cậu qua bên ngoại đón vợ về, làm bữa. Nhưng anh em tôi từ chối. Tuyển vỗ bép một cái vào trán, mắt sáng rỡ.

- Đúng rồi. Làng mình thể nào cũng nhận danh hiệu nông thôn mới. Hôm ấy mời các bác về, ta làm con ỉn. Đánh chén một bữa.

Chúng tôi cùng cười. Cô tôi cũng cười, hàm răng đen nhức khi xưa giờ còn vài chiếc xệu xọ. Nhìn cô, tôi hơi xốn xang. Có biết bao vui, buồn, được, mất hàng ngày diễn ra nơi cái làng nhỏ bé ven sông của tôi. Có thể chẳng bao lâu nữa cô tôi sẽ mang theo cái bếp rơm và mùi khói cay về với tiên tổ… Ý nghĩ bất chợt khiến tôi bàng hoàng, chợt nhận ra mình sắp mất đi sợi dây thân thương nối liền tôi với quá khứ. Liền đó, một ý nghĩ khác xẹt qua đầu tôi như ánh chớp. Phải. Dù cho vật đổi sao dời, ngay cả khi cô tôi không còn và tôi không trở về làng thì trong tim tôi cũng vẫn nguyên vẹn một tình yêu thắm thiết mà đượm buồn với quê nhà…

*

Xe qua cổng làng, tôi còn ngoái nhìn lại. Nhà cửa, vườn tược đã lùi về phía sau. Làn khói bếp mỏng manh vờn trên mái rạ chỉ còn là một vệt xanh mờ. Khói từ căn bếp của cô tôi…

Hoàng Ngọc Điệp | Báo Văn nghệ

-----------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Socrate. Truyện ngắn của Ngô Tự Lập Kí ức Ngoi. Truyện ngắn dự thi của Hà Phạm Phú Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa
Nhớ một chuyến đi với nhà văn “Ăn mày dĩ vãng”

Nhớ một chuyến đi với nhà văn “Ăn mày dĩ vãng”

Baovannghe.vn - Cứ mỗi lần đến ngày lễ 30-4, tôi lại nhớ đến chuyến đi với nhiều nhà văn , nhà thơ vào dâng hương ở nghĩa trang Trường Sơn
Việt Nam sẽ có những thông điệp lớn, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Việt Nam sẽ có những thông điệp lớn, ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương

Baovannghe.vn - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phóng vấn về Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai
Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 2025, 4 ngày

Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 2025, 4 ngày

Baovannghe.vn - Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội góp ý về phương án nghỉ Tết Ất Tỵ, nghỉ lễ Quốc khánh và một số ngày nghỉ lễ, Tết khác trong năm 2025
Thổ cẩm về xuôi - Thơ Thèn Hương

Thổ cẩm về xuôi - Thơ Thèn Hương

Baovannghe.vn- Hôm nay thổ cẩm về xuôi/ mang hoa văn của núi đồi về theo/ này là suối nhỏ trong veo/ này là nắng quái chân đèo hoàng hôn
Trinh nguyên. Truyện ngắn của Hàn Nguyệt

Trinh nguyên. Truyện ngắn của Hàn Nguyệt

TáBaovannghe.vn - Chị xắn quần. Chị xắn quần khéo như người cuốn bánh. Chân chị vẫn còn trắng lắm, trắng đến xót xa. Chị đặt chân phải xuống ruộng, lớp bùn nâu thẫm phủ lên kẽ chân.