Ngày cũ - truyện ngắn của Phạm Thị Huệ |
Dòng họ Lê nghèo nhất làng. Hết đời này sang đời khác con cái ở đợ, bố mẹ làm mướn. Dấu tích của sự nghèo khó đến nay vẫn chưa xóa hết, những mái nhà lợp rơm mục nát, những vỉ kèo bằng gỗ bị mọt ăn ruỗng kêu cót két suốt ngày. Con đường làng vẫn ngoằn ngoèo hun hút, mùa mưa phải xắn quần đến đầu gối. Cả làng được một nhà tầng, lèo tèo ba cái nhà mái bằng, còn lại là nhà lá. Làng nghèo và buồn, ngôi nhà ba tầng giữa làng xung quanh tường bao được quét ve xanh. Con vẹt biết nói treo ở cửa phòng khách leo lẻo - "Đói quá, rét quá, bánh mì...".
Chủ nhân của ngôi nhà ấy ông ngoại tôi, suốt ngày chỉ quanh ra quẩn vào tỉa tót mấy cây hoa, xem ti vi, có con vẹt biết nói cũng vui cửa vui nhà. Cổng nhà ông tôi đóng kín suốt ngày nên con vẹt quên hẳn từ "Có khách, có khách". Giống vẹt khôn thật lâu ngày không rèn giũa cũng quên hết, chiều quá thành láu cá mồm lúc nào cũng rên rỉ vòi vĩnh ăn. Ông tôi bực mình ra quát:
- Có im mồm đi không!
Nó nhai lại:
- Có im mồm đi không!
Năm 22 tuổi ông tôi lấy vợ. Một cô gái ít hơn ông tôi hai tuổi, phiêu bạt từ nơi khác đến ở cho nhà chùa quê tôi.
Sống với nhau hai mươi năm tròn bà ngoại tôi sinh nở cả thảy tám lần toàn là gái. Sống ba mốt năm, bác cả là bác Sông, bác thứ hai là bác Nước, mẹ tôi là Quê. Sông Nước, Quê luôn gợi nhớ cho bà về quê hương. Một làng nhỏ. Một mảnh đất cằn, một đường làng nhầy nhụa khi mùa mưa, một căn nhà lá lụp xụp nằm dưới chân núi cuối làng, về một người mẹ tảo tần phải chết vì đói. Sâu xa hơn là day dứt xót xa vốn tiềm ẩn trong bà là hình ảnh người chồng cũ sức khỏe như vâm mà lười làm hay ăn. Đôi vai nhỏ bé của bà có chia ra đi làm thuê, thì bao nhiêu giọt mồ hôi có đổ ra cũng không đủ thấm xuống đất bao la rộng lớn. Không có miếng ăn bà bị đánh thừa sống thiếu chết nằm ốm rên hừ hừ ở góc nhà, bà không được thìa cháo cho vào bụng. Mặc đánh, mặc chửi, mặc đói bà vẫn tha thiết ở lại ngôi làng ấy.
Người bà nóng hầm hập, cơn đói khát giằng xé bà vẫn nghe lơ mơ tiếng của người chồng:
- Có dậy làm không? Ông vứt mẹ xuống ao cho cá đớp bây giờ.
Bà thấy người nhẹ bấc như bay trên không trung, tiếng vứt ùm xuống dòng sông, nước xối vào người lạnh buốt và như tỉnh cơn mê, bà xoải tay chới với, tiếng đạp nước oàm oạp. Bà vẫy vùng trong lòng nước. Bà sinh ra đã gắn với nước, nước nuôi sống bà, những phút sắp chết nước lại tiếp thêm cho bà một thứ sức mạnh thần kì bà đã bơi được vào đến bờ.
Bà cứ dọc con đường đê mà chạy, chân bà giẫm phải đá, phải sỏi, phải những mảnh vỡ vụn đôi chân bà tứa máu, máu thấm cả xuống mặt đất, đôi bắp chân không còn cảm giác cũng là lúc bà lịm đi. Khi tỉnh dậy bà thấy mình còn sống, được một người trong dòng họ Lê cứu sống. Bà ở đó làm thuê 2 năm sau thì về làm vợ ông tôi.
Bà tôi kể lại: Bốn bác cùng một dì chết đi ai cũng được sống làm kiếp người nhiều nhất là 4 tuổi, ít nhất là 3 ngày, bà lại rơm rớm nước mắt đưa bàn tay gầy guộc lên thấm những giọt nước mắt.
"Dì Hương sau mẹ tôi chết mà phải chịu đói khát."
Ngày ngày bà lên chợ Gạo làm thuê từ sáng đến tối mới về. Con đường lên chợ Gạo ngót chục cây số đi bộ. Bác Nước ở nhà trông dì Hương mải chơi để dì Hương ngã xuống ao chết đuối. Thấy em ngã xuống ao sợ quá bác Nước chui tọt vào đống rạ trốn biệt chiều bà mang cơm về gọi con khản cổ mà không thấy con đâu, ra cầu ao rửa chân thấy xác con để nổi lên. Sau lần ấy bà tôi không sinh nở thêm lần nào nữa.
Ông tôi được người họ hàng mai mối lấy vợ hai, một người đàn bà kém ông tôi đến hai chục tuổi, nhan sắc nổi tiếng một vùng có một đời chồng chết năm bốn nhăm. Bà trẻ có những ngón tay thon dài, có đôi môi đỏ như son, có giọng hát cô đầu ngọt ngào như một chất men rượu. Ông tôi cứ uống từng tí một càng uống càng say nồng. Hai người đàn bà và một người đàn ông không thể sống chung dưới một mái nhà. Mâu thuẫn bắt đầu nổ tung như trái bom, hạnh phúc không thể sẻ chia, ai cũng muốn giằng lấy, chiếm lấy hạnh phúc về phía mình. Ông tôi vốn hiền như một cục đất suốt ngày chỉ biết đi làm lúc ấy cũng ghê gớm lắm. Đôi vai vững chắc vòm ngực vạm vỡ một thời làm điểm tựa cho bà ngoại tôi. Nay đôi vai cùng vòm ngực lại trở thành thứ vũ khí dễ dàng túm lấy đôi vai bé nhỏ của bà đẩy ra ngoài đường. Bà ra khỏi nhà khi đó là 44 tuổi.
Bác Sông lấy chồng ra ở riêng. Bác Nước tôi lúc ấy 13 tuổi chưa ai dòm ngó mẹ tôi 9 tuổi ông giữ lại cơm nước chăn trâu cắt cỏ. Sự xắp đặt vô tình đó chia ba chị em thành 2 ngả.
Bà ngoại tôi dẫn bác Nước về quê cũ. Con sông nước vẫn chảy lững lờ vào một buổi chiều nắng đỏ ối bà bứt mình bơi khỏi con sông, nước đã cho bà sức mạnh. Người chồng cũ của bà đã có vợ và cùng một bầy con nhỏ đang quây quần bên rổ khoai lang. Bà lặng lẽ gạt nước mắt dẫn bác Nước quay đi. Bà trở về sống với vợ chồng bác Sông ở làng trên.
Từ ngày ông ngoại tôi lấy bà trẻ, bà sinh nở hai lần một gái một trai. Dì Ngân và cậu Bảo. Mãi năm 50 tuổi ông tôi mới sinh cậu Bảo nên cậu được nâng niu chiều chuộng như cậu ấm con nhà giàu. Lẽ thường cứ được nâng niu chiều chuộng thì lại hay ốm yếu ngẳng nghiu, cậu Bảo cũng vậy, lúc nào cũng mềm oặt như sợi bún, lại bị hen thành thử tháng thứ 9 cậu mới biết bò, 12 tháng mới biết đi. Người làng vẫn bảo ông tôi tốt phước mới sinh được cậu con trai nối dõi tông đường cũng là niềm tự hào của dòng họ. Bà trẻ chăm đi đến đền nọ chùa kia cúng bái xin phù hộ. Ngày cậu Bảo đầy năm bà trẻ mời ông thầy tướng số đến làm lễ cho cậu Bảo. Ông thầy tướng hái một cành bưởi ở ngoài vườn đập phần phật vào bờ tường lá rụng tung tóe xuống sân rồi quả quyết:
- Thằng bé sau này sẽ được làm quan cả họ được nhờ. Nhưng ở cái nhà này có người con gái trẻ cao số âm dương rất kỵ nhau, nên làm cho cậu Bảo ốm dặt dẹo như vậy.
- Thầy cho bài thuốc chữa? - Bà trẻ hỏi.
- Chỉ có một cách duy nhất người con gái ấy phải ra khỏi nhà hoặc chết thì nhà này mới khá được.
Mẹ tôi người cao số, mới 17 tuổi lặng lẽ rời khỏi làng rồi trở thành cô công nhân vùng mỏ.
Ký ức ăn sâu mãi trong mẹ tôi là hình ảnh bà ngoại nhỏ thỏ với đôi bàn tay gầy guộc làm việc nhanh thoăn thoắt. Bác Nước lam lũ, bà trẻ có giọng nói ngọt ngào nhưng sâu cay. Cậu Bảo nhỏ xíu nhăn nheo, ngón tay lúc nào cũng đút miệng, nước dãi chảy đẫm áo, chiếc vòng bạc đeo nặng trĩu cổ. Con đường làng in hằn những vết chân trâu, dấu chân trần của tuổi thơ in đậm từng góc lúa. Tất cả chỉ đọng lại trong tiềm thức nhạt nhòa của mẹ tôi.
Đúng như lời ông tướng số nói mẹ tôi đi khỏi làng được hơn 10 năm thì ông tôi cất được nhà ngói ba gian, gà vịt đầy chuồng. Phải nói cậu Bảo tôi thành đạt nhất trong dòng họ, ông thầy tướng số ngày xưa được bà trẻ tín nhiệm lắm. Cứ ngỡ rằng sự thành đạt của cậu Bảo là do công của ông thầy tướng. Cậu Bảo tuy ốm yếu nhỏ bé nhưng được cái thông minh hiếu học, nghe đâu mãi năm 11 tuổi cậu vẫn được ông tôi cõng đi học, học xong cấp III trường huyện cậu Bảo được cử sang Liên Xô học bảy năm, về nước cậu được giữ lại ở thành phố làm trưởng phòng kế hoạch, do có năng lực được đề đạt phó giám đốc rối giám đốc công ty. Tính cậu Bảo ít nói thỉnh thoảng mới thủng thẳng vài câu đại loại.
"Làng mình lười học quá, suốt đời theo đít trâu, là phải.”
Tính cậu như vậy, không vui không buồn, không chán trường không bộc lộ tính cách. Cậu lại chúa ghét những kẻ miệng cứ xon xót bụng lại rỗng tuếch, mới gặp nhau mỗi vài lần mà cứ tồng tộc kể lể hết chuyện nhà ra chuyện chợ. Gì thì gì sống cứ phải nghệ thuật một tí, biết giữ mồm giữ miệng người đời lại hay có thói thích khám phá những điều tưởng chừng như bí mật nhưng lại đơn giản chờ chờ ra trước mất mà không ai biết, cậu Bảo tâm đắc nhất câu châm ngôn "Học nói 3 năm học im lặng 60 năm" là phương pháp sống.
Chả gì thì chuyện vợ con là quan trọng mà cậu cứ im lặng như thóc đổ bồ. Chẳng phải tỏ tình hay tán tỉnh, cứ ỡm ờ như thế gái theo rều rễu. Chẳng biết họ yêu cái thân hình mảnh dẻ của cậu Bảo hay cái bộ óc hơn người và cái hầu bao rủng rỉnh. Cậu Bảo cứ từ từ hưởng thụ tình yêu mãi chưa chấm cô nào làm vợ. Tết năm ấy bà trẻ gọi cậu về ấn xuống cái ghế mây chỉnh đốn cho cậu về chuyện vợ con. Cậu ngồi im như hóa đá chẳng nói chẳng rằng. Tính cậu thế. Bà trẻ rót thêm chén chè đạc ghé sát vào tai cậu thì thào:
- Mẹ nhấm cho một đám được lắm. Mày có biết cô Hải con thầy Côn tướng số không? Con bé xinh đáo để lại khéo mồm khéo miệng. Chỉ cần nó ở nhà đẻ con hẹn chiều nay bố con ông ấy sang nhà mình ăn hóa vàng. Đừng có đi đâu đấy.
Cậu Bảo lí nhí:
- Thế cũng được.
Bà ngoại tôi ốm nặng gầy rộc rạc hai mắt trũng sâu thâm quầng dáng người nhỏ thó chỉ còn da bọc xương. Đôi môi run run lắc nào cũng chực nói câu gì xong lại thôi. Mấy mươi năm qua ông ngoại tôi bà trẻ cùng cậu Bảo mới đặt chân đến nhà bác Sông muốn đưa ngoại tôi về trên nhà chăm sóc. Tim bà đập mạnh hơn, đôi mắt đờ dẫn không nhìn thấy gì, bà rướn cao cổ sức mạnh dồn vào đôi mắt, bà nhỏm dậy để nhìn cho rõ. Nhưng mắt bà không nhìn thấy gì, bà lại nằm xuống ngay bà chỉ nghe thấy hơi thở quen thuộc, mùi mồ hôi đã có lúc tưởng chừng bà quên đi, không bao giờ cảm giác đánh thức được thính giác của bà. Có thể khi sắp giã từ cái gì người ta luôn tha thiết với những cái đó. Cái thứ tình cảm thiêng liêng bà sắp giã từ nó lại trở về trỗi dậy trong bà, nhưng cái ảo giác về hạnh phúc chỉ tồn tại trong tích tắc rồi lại tan rữa ra như bọt xà phòng loãng vào không khí. Ai cũng hiểu đôi môi bà bao lần mấp máy định nói gặp mặt ông.
Bác Sông bác Nước kiên quyết không cho bà đi đâu cả. Bắt đầu có tiếng cãi nhau nho nhỏ. Bà cựa mình rồi lại nằm im có vẻ suy nghĩ lắm. Cuối cùng bà cũng cất lên lời.
- Hãy để tôi đến đó.
Bà nằm thiêm thiếp quay lưng vào trong tường. Lần đầu tiên con cái đông đủ quây quần trong một mái nhà. Máy lạnh chạy ro ro các loại cây cảnh treo kín cửa. Bà không cảm nhận được cái gì. Tiếng bà trẻ gọi mợ Hải vào xem bà cần gì, mợ Hải chạy đến bên:
- Bà có ăn gì không?
- Không.
Mợ Hải quay ra ngoài của bà lại rên hừ hừ.
- Ăn... đói. Nấu cho tôi bát canh bầu với hến.
Mợ Hải cằn nhằn.
- Mùa này lấy đâu ra bầu với hến. Bà có ăn gan trời chúng con cũng cố mà mua chứ mùa này móc đâu ra cái giống trái mùa.
Ý nguyện cuối cùng của bà tôi được ăn bát canh bầu với hến được thực hiện. Đến bây giờ tôi cũng không giải thích nổi vì sao ông tôi lại kiếm ra bầu trái mùa để nấu canh cho bà tôi ăn. Tôi có hỏi ông tôi cũng chỉ im lặng không nói gì. Hình như ông tôi ngại trả lời những câu hỏi "Tại sao".
P.T.H
------------
Bài viết cùng chuyên mục: