Diễn đàn lý luận

Thu Bồn - một tình yêu quá cỡ

Nguyễn Hữu Thỉnh
Chân dung văn học
10:00 | 18/09/2024
Baovanghe.vn - Thu Bồn nói cái to tát, sần sùi cũng làm ta tin yêu và cảm động, nói cái mảnh mai, riêng tư cũng làm ta cảm động, tin yêu. Và vì cái niềm tin ấy, thơ anh đã thành thứ của riêng
aa

Thế hệ các nhà văn chống Mỹ chọn Trường Sơn viết tiểu sử của mình. Trong trùng điệp, có một người đi đầu. Anh cao lớn, phong trần, dáng đi hơi chúi về phía trước. Do sức nặng của chiếc ba lô, và cũng còn do sức nặng của cuộc chiến. Đó là Thu Bồn. Người mà năm mười hai tuổi, đã được trao bó đuốc soi cho đồng chí đảng viên duy nhất của thôn là anh Ba Châu đi bỏ xác những bà con bị giết sau trận càn của lính Pháp. Người đã được chú bé làng Đêpapolếch đứng soi đuốc suốt đêm cho anh viết trường ca Bài ca chim Chơ rao, Thỉnh thoảng anh lại bị giật mình vì tiếng nứa nổ trên tay chú bé. Người đã gùi đứa con đầu lòng, cháu Hà Thảo Nguyên bị nhiễm đi-ô-xin nặng, vượt Trường Sơn ba tháng ra Bắc bằng một chiếc ba lô đã được khoét thủng hai bên sườn để đứa trẻ có thể thò chân ra ngoài. Người kết thúc bài thơ viết tại chỗ trong tiếng vỗ tay sấm rền của cử tọa thủ đô Luanda trước sự chứng kiến của Tổng thống Netti, nhà lãnh đạo vĩ đại và nhà thơ lớn của nhân dân Ăng-gô-la: Thu Bồn. Anh trở lại chiến trường sớm nhất, thử thách và vinh quang sớm nhất. Anh sống, khổ đau và hạnh phúc, đánh giặc và yêu đương đều quá cỡ. Một cá thể tràn trẻ sinh lực. Một bản năng tươi tốt và bền vững cho đến trang viết cuối cùng. Một người mà nắng gió và sóng dữ của đất Quảng cùng với bao nhiêu hiểm nghèo của đời lính đã đúc thành một khối thép sống, đủ sức làm thành những cơn bão trên trang viết, lại là người vô cùng cả tin và yếu đuối.

Thu Bồn - một tình yêu quá cỡ
Nhà văn Thu Bồn (1935-2003 )

Còn nhớ, vào một ngày cuối những năm 60 của thế kỷ trước, được về thăm nhà mấy ngày, tôi tranh thủ về Hà Nội thăm một người anh kết nghĩa làm ở báo Người Giáo Viên Nhân Dân - Anh Phạm Phát. Trong câu chuyện, anh hỏi tới:

- Em đã đọc Tre xanh của Thu Bồn chưa?

- Dạ, thư viện Trung đoàn của em chưa có.

- Trước khi vào chiến trường em có tìm đọc. Có thể học ở đó rất nhiều. Vào trong ấy, gặp Thu Bốn cho anh gửi lời thăm. Anh và Thu Bồn cùng quê Quảng Nam và cùng học với nhau ở Đại học Sư Phạm.

Vào thời chiến, đơn vị sơ tán, lại là một đơn vị dự bị chiến lược của bộ, nơi đóng quân thường xa khuất, nên việc tìm đọc một cuốn sách là rất khó khăn. Nhưng khó khăn hơn là làm sao gặp được Thu Bồn giữa mênh mông chiến trường? Khi tôi vào tới Tây Nguyên và Mặt trận B5, thì Thu Bồn đã được chuyển ra Bắc điều trị. Phải mười năm sau, nguyện vọng ấy mới được thực hiện.

Cuối năm 1976, tôi được Tổng cục Chính trị gọi về chuẩn bị một danh sách các cây bút của quân đội sẽ được cử đi học trường Viết văn Nguyễn Du khóa I. Tôi được cho ở nhờ tạp chí Văn Nghệ Quân Đội - số 4 Lý Nam Đế. Ban ngày làm việc ở hội trường, tối lên ngủ nhờ trong phòng làm việc của anh Hồ Phương. Đối với các cây bút quân binh chủng chúng tôi hồi ấy, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội là một cung đình. Cấp bậc thì thấp, văn chương chưa đâu vào đâu, tôi rất biết phận mình. Một tối mùa đông, trăng sáng và rất lạnh, tôi trằn trọc không ngủ được. Bỗng nghe vẳng tiếng nhạc đâu đó vọng lên. Tôi vùng dậy khoác chăn xuống ngồi bên ngoài hành lang, trước cửa phòng Thu Bồn, thu lu nghe nhạc quên cả rét. Tới một lúc, Thu Bồn có việc gì mở cửa ra ngoài. Nhìn thấy tôi cuộn tròn một đống, anh quát:

- Ai, ai đấy? Ngồi đây làm gì?

- Dạ, dạ, em là Thỉnh đây, mới ở xe tăng lên. Em nghe ké anh một chút.

- Ủa, Thỉnh hả, sao ngồi đây? Dô, dô đi.

Phòng anh ấm quá. Ngăn nắp và đẹp theo kiểu lính. Một dàn TexAKay xịn. Một chai rượu Tây. Một đĩa thịt lợn quay cánh gián, một đĩa muối tiêu. Trên cả tuyệt vời. Phải nói là vương giả mới đúng. Tôi ngồi dè đặt uống, dè dặt ăn, dè dặt nói. Còn Thu Bồn thì nâng chén rượu, đi lại, đung đưa, đung đưa.

Sáu năm sau bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn ấy, tôi được về làm việc tại tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Cùng ở cơ quan nhưng anh Thu Bồn ở tổ sáng tác nên đi miết. Lúc thì Tây Nguyên. Lúc thì chiến trường Campuchia. Lúc thì biên giới phía Bắc. Rồi sau đó anh xin vào biệt phái ở phía Nam. Năm 1985 anh bị rắc rối vì vấn đề sinh hoạt Đảng. Có một áp lực rất mạnh đòi phải xem xét vấn đề Đảng tịch của anh. Trong chi ủy, tôi không đồng ý với những kết luận vội vàng về anh, một người mà tôi rất kính phục. Một người mới mười hai tuổi đầu mà được đồng chí đảng viên duy nhất trong thôn trao cho lá cờ Đảng, và anh đã gìn giữ nó trong suốt những năm ngang dọc chiến trường, đến một trận đánh trên đồi E-ty chặn đường tiếp tế của địch từ Buôn Ma Thuột chạy về, anh trao nó cho một đồng đội tên Đoàn giơ cao lên để nghi binh địch, tạo điều kiện cho anh chỉ huy tiểu đội đánh quặp sườn, giữ được trận địa cho đến ngày Hiệp định Genève được ký kết. Con người ấy không thể nào xa Đảng được.

Tôi xin được vào thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu sự việc. Thu Bồn lúc đó đang ở tại số 8 Đặng Thái Thân. Anh đãi tôi một bữa bia hơi đổ đầy một thùng lớn. Bia uống bằng bát, hệt một bữa tiệc của những tráng sĩ ngày xưa trước khi ra trận. Đến dự còn có Nguyễn Duy, Sơn Nam, Nguyễn Tiến Toàn, Hùng Kính và một số người khác. Chính hôm ấy, tôi được nghe lần đầu:

Lòng anh cơn nước đang ròng

Biển đau rút ruột cua còng chỏng chơ

Lấy khăn mà gói bơ vơ

Tay cầm nước mắt bao giờ sang sông.

Phải đợi lúc Thu Bồn ngà ngà, rồi nghe anh đọc thơ mới sướng. Có cái gì xa xót, hoang dại và đắng cay. Giọng anh, thơ anh đẩy tâm trạng lui về cõi mù khơi, thiên cổ, biến mọi người xung quanh thành những chiếc thuyền lênh đênh trên dòng vô định. Tôi mừng. Và thực sự xúc động. Thơ anh đã có một bước chuyển lớn. Dòng Thu Bồn qua bao thác ghềnh, xô bồ, dào dạt đã tới chỗ xoáy vực tâm tư. Người đọc còn chờ đợi gì hơn những nỗi niềm được nhà thơ hé mở:

Khêu lên em ngọn lửa bừng

Lửa như muốn khóc ngập ngừng tro than

Tôi thường nói vui với Thu Bồn, anh là thi sĩ của lao lực, lao tâm và lao tình. Lao tâm xin nói ở đoạn dưới. Giờ xin nói lao lực và lao tình.

Lao tình:

Bao năm gối núi đầu hóa đá

Tiếng hát từng rung Ngũ Giác Đài

Bao phen xa xứ người thương nhớ

Trăng sáng mà em áo vẫn cài

Nó là khổ thứ 5 trong bài Hành Phương Nam gồm mười khổ. Một bài thơ hay, rất Thu Bồn. Tại sao rất Thu Bồn? Ba câu trên hoành tráng quá, khí phách, trượng phu, lẫm liệt quá. Lúc đầu, đọc tới câu thứ ba, tôi chờ đợi cứ tưởng tác giả sẽ đẩy tiếp cái lẫm liệt, trượng phu, khí phách ấy lên nữa, ai dè, anh đột ngột hạ một câu trữ tình ngoại để làm đảo phách cả đoạn thơ, khiến cho khổ thơ vừa có cái hào khí vừa có cái đắm say, vừa sảng khoái vừa ám ảnh. Đây là một sự kết hợp của tráng ca va tình ca. Đáng yêu sao hình ảnh người yêu thường trực trong anh ở mọi phương trời.

Lao lực:

Tôi không hiểu vì sao anh lại rời căn nhà mất bao công phu chăm chút ở Đặng Thái Thân thành phố Hồ Chí Minh để lên lập trại ở đất Lồ Ô. Đó là một mảnh đất toàn đá, cái khúc xương mà các nhà kinh doanh địa ốc nghiệp dư và chuyên nghiệp đã nhằn ra.

Trước sự ái ngại của tôi, Thu Bồn nói:

- Lên đây cho đỡ nhớ chiến trường.

Tôi cự lại:

- Nhưng đây có phải là cái hòn non bộ đâu?

Anh cười lớn, ra vẻ "hãy đợi đấy”. Mấy lần sau tôi lên, một quang cảnh khác hẳn. Thu Bồn với đôi tay và đôi vai của mình đã biến một khu sỏi đá thành một địa chỉ du lịch sinh thái. Anh dẫn tôi đi xem cơ ngơi của anh, và dừng lại rất lâu ở bức tường đá. Tôi chỉ còn biết chắp tay bái phục: Anh là bà Nữ Oa vá trời thật rồi.

Bây giờ là chuyện lao tâm.

Đêm đã khuya, đợi cho khách về hết, Thu Bồn bảo tôi vào phòng làm việc. Anh chỉ cho tôi một đống bản thảo ngổn ngang. Cái đã đánh máy xong, cái đang sửa mo-rát. Cái đang “cày” dở. Tất cả đều nặng trịch. Và tự nó cất lên tiếng nói. Tôi đã báo cáo lại cái tiếng nói này, tiếng nói của những đứa con tinh thần dứt ruột của anh với những người có thẩm quyền. Không phải đợi lâu, bản báo cáo của tôi đã được chứng thực. Năm 1986, sáu tác phẩm tầm cỡ của Thu Bồn được xuất bản, những tác phẩm quan trọng nhất trong văn nghiệp của anh.

Đó là:

- Đỉnh núi (tiểu thuyết)

- Mắt bồ câu và rừng phi tiễn (tiểu thuyết)

- Vùng pháo sáng (tiểu thuyết)

- Cửa ngõ miền Tây (tiểu thuyết)

- Em bé vào hang cọp (tiểu thuyết, 2 tập)

- Dưới tro (tập truyện ngắn)

Một năm xuất bản sáu tiểu thuyết và tập truyện, sức làm việc phi thường của Thu Bồn cho đến nay chưa ngắn. Tất cả đến mấy nghìn trang. Đó là một kỷ lục về sức làm việc phi thường của Thu Bồn cho đến nay chưa ai có thể vượt qua. Trước đó, anh cũng đã lập một kỷ lục về thơ. Từ 1975 đến 1985, mười năm anh cho xuất bản sáu trường ca:

- Quê hương mặt trời vàng (1975)

- Bazan khát (1976)

- Campuchia hy vọng (1978)

- Oran 76 ngọn (1979)

- Người vắt sữa bầu trời (1985)

- Thông điệp mùa xuân (1985)

Thu Bồn - một tình yêu quá cỡ

Vợ chồng nhà văn Thu Bồn (trái) cùng nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và nhà văn Ngô Thảo

Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Trong những năm chiến tranh, các nhà văn ở Trung Trung bộ nêu một phương châm sống rất quyết liệt: “sống rồi mới viết”. Thu Bồn nghiêm túc đi đầu thực hiện phương châm này. Năm 1965 Mỹ đổ quân ào ạt vào miền Nam. Thu Bồn xin đi một chuyến chín tháng đến khắp các chiến trường ác liệt của Tây Nguyên. Ngày 5 tháng 6 cùng năm, anh tham dự trận đánh trên đèo Thanh Bình. Diễn biến trận đánh đến lúc căng thẳng nhất, anh rời sở chỉ huy, lao xuống cùng đơn vị chặn đầu đoàn cơ giới địch, mặc kệ hai mươi chín chiếc trực thăng đang quần đảo trên đầu. Các chiến sĩ của ta cướp được một khẩu súng máy trên chiếc xe của địch, nhưng loay hoay mãi không biết tháo và bắn như thế nào. Thu Bồn nhảy phắt lên xe, thao tác rất nhanh, dùng ngay khẩu Bơrôninh Canađa bắn xối vào những chiếc trực thăng, buộc chúng phải tăng độ cao bay dạt ra vòng ngoài. Hãng máu, anh hạ nòng súng, xả đạn vào đội hình bộ binh đang bò lên chiếm điểm cao trước mặt. Trong các nhà văn mặc áo lính, Thu Bồn là người duy nhất sử dụng thành thạo tất cả các loại súng bộ binh của ta và của địch.

Nhưng “sống rồi mới viết” đối với Thu Bồn không có nghĩa là để lịch sử giải xong một bài toán khó rồi nhà văn mới “nhớ lại và suy nghĩ”. Anh có thể viết ngay tại chỗ trong lúc sự kiện đang diễn ra nóng bỏng. Tết Mậu Thân 1968, anh theo một cánh quân đánh vào Đà Nẵng. Sau khi nghe tin người yêu của một chiến sĩ Điện Ngọc bị địch bắn chết, anh viết ngay bài thơ Đà Nẵng gọi ta và sau một tiếng, bài thơ đã đến tay các chiến sĩ đang tiến vào thành phố. Một người từng “nhem nhuốc trong tro than làm rẫy, nhày nhụa trong những trận bom vùi chí tử, lam lũ qua những trận đói, nhưng lòng vui phơi phới” như Thu Bồn, người ấy hoàn toàn có đủ tư cách cất lên tiếng nói hệ trọng nhất của hàng triệu con người đang sống chết cho tự do. Đã bao nhiêu lần, thơ của Thu Bồn qua Đài Tiếng nói Việt Nam tạo nên những vùng sóng, những đồng vọng sâu xa từ mọi miền Tổ quốc.

Tôi cúi xuống hôn mảnh đất quê hương

Như hôn người yêu bao ngày xa cách

Tôi không khóc nhưng vẫn trào nước mắt

Con đã về đây với Mẹ - Mẹ quê hương

Trong những ngày Bác mất, có biết bao nhà thơ khóc Người. Nhưng hay nhất, cảm động nhất vẫn là Tố Hữu, Việt Phương, Thu Bồn, Trần Đăng Khoa, Hải Như, Viễn Phương của Việt Nam và Phlêch Pita Rôđighét của Cu Ba. Trong bài Gửi lòng con đến cùng Cha, vị thế tâm trạng, trải nghiệm của tác giả hòa quyện với máu và nước mắt của đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Bài thơ khiến ta thương nhớ Bác bao nhiêu lại càng thương nhớ miền Nam bấy nhiêu vì:

Bạn từ bãi biển Hy rôn

Bạn còn đến kịp để hôn Bác Hồ

Mà con trông đợi Bác vô

Ngắm phương Bắc nhớ thủ đô quặn lòng.

Thu Bồn hấp dẫn chúng ta về nhiều lẽ, nhưng quan trọng nhất là sự trung thực. Anh đã tiếp nhận và chuyển bão táp của cuộc sống đến chúng ta bằng một tài năng và nhân cách được tôi luyện qua lửa bỏng và nước lạnh. Và mọi thủ pháp của anh, dù bay bổng, phóng túng tài nghệ đến đâu người ta vẫn nhận ra cái cốt lõi của chân tâm. Và hình như chỉ Thu Bồn mới đủ tài làm cho người ta tin rằng, những hình tượng hoàn toàn mang tính phóng dụ của anh, không chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, mà nó có gốc gác trong cuộc đời và số phận của anh.

Độc huyền tráng sĩ xưa ca cẩm

ta ôm xích đạo gẩy vòng cung

môi hôn ngọn gió thơm hoa trái

núi cũng chiều ta đứng trập trùng

Bơi qua biển lửa ta về lại

gọi Thái Bình Dương đến đạo đàn

những cung xưa cũ lời em hát

còn cháy lòng ta lửa thử vàng

Thu Bồn nói cái to tát, sần sùi cũng làm ta tin yêu và cảm động, nói cái mảnh mai, riêng tư cũng làm ta cảm động, tin yêu. Và vì cái niềm tin ấy, thơ anh đã thành thứ của riêng của tất cả chúng ta. Và giống như với các tài năng lớn, lẽ ra chúng ta phải gửi những lời ru đến nấm mộ của người đã khuất, thì ngược lại, chính cố nhân đã gửi lại lời ru an ủi chúng ta:

Đừng hát nữa thu vàng em hãy ngủ

để anh nghe lá rụng cọ tim mình

xào xạc đấy nhưng trời yên tĩnh lạ

tay mơ hồ đang chạm những lời ru

Nhà văn Thu Bồn

• Tên khai sinh: Hà Đức Trọng • Ngày sinh: 01-12-1935 • Ngày mất: 17-6-2003

• Quê quán: Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam

• Đời hoạt động: Tham gia Thiếu sinh quân từ năm 12 tuổi; tham gia chiến đấu suốt cả hai cuộc kháng chiến trên nhiều mặt trận Miền Trung - Tây Nguyên, biên giới Tây Nam; biên tập viên tạp chí Văn Nghệ Quân Giải Phóng Trung Trung bộ, biên tập viên và cán bộ sáng tác của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội.

• Các tác phẩm chính: Bài ca chim Chợ rao (1962, trường ca); Tre xanh (1969, thơ); Mặt đất không quên (1970, thơ); Quê hương mặt trời vàng (1975, trường ca); Bazan khát (1976, trường ca); Campuchia hy vọng (1978, trường ca); Oran 76 ngọn (1979, trường ca); Người vắt sữa bầu trời (1985, trường ca); Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên (1992, thơ); Ôi nhớ mưa nguồn (1999, thơ); Chớp trắng (1970, tiểu thuyết); Hòn đảo chân ren (1972, tiểu thuyết); Dòng sông tuổi thơ (1973, tiểu thuyết); Dưới đám mây màu cánh vạc (1975, tiểu thuyết 2 tập); Em bé trong rừng thốt nốt (1979, truyện); Đỉnh núi (1980, tiểu thuyết); Mắt bồ câu và rừng phi tiễn (1986, tiểu thuyết); Vùng pháo sáng (1986, tiểu thuyết); Cửa ngõ miền Tây (1986, tiểu thuyết); Em bé vào hang cọp (1986, tiểu thuyết 2 tập); Dưới tro (1986, truyện ngắn).

Các giải thưởng: giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu, 1965; giải thưởng thơ báo Hà Nội Mới, 1969; giải thưởng văn học quốc tế Hội Nhà văn Á-Phi, 1973; giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I, 2001.

Hữu Thỉnh | Báo Văn nghệ

-----------

Bài viết cùng chuyên mục

Người thơ ấy đã nhặt từng con chữ Xóm Hà Tiên: Đông Hồ - Mộng Tuyết Trong căn phòng ẩm mốc của thời gian Gương mặt mấy nhà Văn - Nghệ Văn học Phú Yên nửa sau thế kỷ XX: Những gương mặt tiêu biểu
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.