Diễn đàn lý luận

Như những ngọn gió sang thu

Nguyễn Quang Thiều
Chân dung văn học
18:00 | 04/09/2024
Baovannghe.vn - Khi Trần Hòa Bình còn sống, tôi không hiểu ông nhiều lắm vì chúng tôi quá ít gặp nhau. Hơn nữa, tôi cũng không đọc được nhiều thơ ông.
aa

Tôi muốn mở đầu bài viết nhỏ về ông bằng một câu thơ nào đó. Nhưng tôi thực sự không biết bắt đầu bằng câu thơ nào. Có thể là câu: Trái tim rung giấc mơ yêu lục lạc/ Hết một bến bờ lại thấy bến bờ sau. Và có thể là câu: Có một người đi một người nhớ ven trời. Cũng có thể là câu: Ta nhớ người dưng, người dưng như cánh hạc/ Chỉ còn dấu chân lắc thắc một bên trời. Hay là bắt đầu với khổ thơ: Khe khẽ mà thương khe khẽ nhớ/ Chim ri bờ cỏ với hoa vàng/ Khe khẽ mà nghe khe khẽ thở/ Người rất buồn và hoa rất thương. Nhưng ý nghĩ lấy khổ thơ đó mở đầu như một lời dẫn, như mở một con đường đi vào thế giới thơ ông vừa hiện ra thì những câu thơ khác lại chen vào: Tôi có phải cánh buồm mê mải đó/ Sóng sông gần vọng sóng sông xa..

Cuối cùng, tôi đã không có được một quyết định. Tôi có lẽ không có khả năng của một nhà phê bình để rành mạch hành trình thơ của ông. Nhưng cũng không phải thế. Sau những lần gấp tập thơ của ông lại, tôi đã nhận ra một cách chính xác sự thật mà tôi đã trải qua và lại đang trải qua lúc này. Sự thật đó là: tôi rơi vào trạng thái nói trên không phải là lúng túng, không phải là đắn đo... mà là tôi giống một người đứng trong một khu vườn rộng lớn ngập tràn những tán lá. Và những câu thơ của ông là những ngọn gió của một ngày sang thu lớp lớp thổi qua. Tiếng gió khua vang những vòm lá nhưng lại đầy mơ hồ cứ từng đợt, từng đợt... trùm phủ lên tôi rồi lan tận cuối trời.

Xin bạn hãy lắng nghe một lần thôi những câu thơ tôi trích dẫn ở trên và rất nhiều những câu thơ khác, lắng nghe thật yên tĩnh và bạn sẽ thấy trong tâm hồn mình những vòm lá của khu vườn mùa thu xào xạc vang bất tận. Có thể bạn đọc đọc hết tập thơ của ông để hiểu những gì đang vang lên trong tâm hồn ông và cũng có thể chỉ đọc một câu thơ hoặc một khổ thơ cũng đủ để nhìn thấy địa chỉ nơi tâm hồn ông trú ngụ, nhìn thấy con đường ông đã đi trong những cơn mơ. Và tôi chính là người muốn chìm vào chỉ trong một câu thơ để thấy được ông. Những câu thơ như vậy xuất hiện từ bài thơ đầu tiên và nối nhau cho đến bài thơ cuối cùng trong tập sách. Và lúc này đây, tôi đang viết về thơ của ông không phải cách viết của một nhà phê bình hay của một nhà nghiên cứu mà là tôi đang hồi tưởng về ông. Hồi tưởng về những ngày ông còn sống. Mà cụ thể hơn là về một buổi trưa của một ngày sang thu ông đến thăm tôi ở thị xã Hà Đông. Cho đến bây giờ và có lẽ mãi mãi về sau, tôi đinh ninh rằng: trong những năm tháng ông còn sống, chúng tôi chỉ gặp nhau đúng một lần và chỉ một lần. Bởi lần ấy, tôi nhìn thấy ông và hình ảnh của ông lần đó lấn át tất cả những lần khác.

Như những ngọn gió sang thu

Nhà thơ Trần Hòa Bình (1956 - 2008)

Ngày ấy, thị xã Hà Đông còn quá nhỏ bé và yên tĩnh. Con đường chạy vào nhà tôi vắng lặng và rợp bóng những cây nhãn cổ thụ thẫm tối khi sang thu. Từ ô cửa sổ căn phòng ngôi nhà nhỏ bé của mình, tôi nhìn thấy ông từ xa. Một thoáng cô đơn lướt dọc con đường ấy, một thoáng mênh mang xa lắc, một sự câm lặng của cái đầu cúi xuống, một khoảnh khắc buồn bã trong bước đi. Chỉ một thoáng rồi tan biến. Nhưng tôi chẳng có lý do nào lúc đó để nghĩ rằng ông là một kẻ mang theo cuộc đời mình những thoáng như vậy. Vì những ngày đó, tên tuổi ông đang được nhiều bạn đọc hâm mộ với sự xuất hiện của Năm chiếc lá và những hoạt động nghệ thuật khác. Nhưng bây giờ, khi đọc tập thơ này, tôi mới nhận ra rằng: cái bóng ông đi dọc con đường nhỏ dưới bóng lá thẫm tối buổi trưa mùa thu xa xôi ấy cũng giống con đường ông đi trong toàn bộ tập thơ. Bởi buổi trưa đó, ông mang đến ngôi nhà nhỏ bé của tôi một câu chuyện buồn.

Với tôi, hình như lúc nào cũng vậy, những câu thơ của ông thật giản dị, tinh khôi, đầy run rẩy, mơ hồ, buồn bã, tràn ngập những giấc mơ xa xôi và đôi lúc phù du ở thế gian này. Lúc nào ông cũng mơ về những bến bờ vô định nào đấy trong cõi trần thế. Hết một bến bờ lại thấy bến bờ sau... Câu thơ như một tiếng thì thầm khôn nguôi của ông trong bóng tối u huyền nằm giữa đời sống trần tục và những giấc mơ. Câu thơ giản dị ấy đã gọi tên bản chất của đời sống, của bản chất thi ca hay chính là bản chất những vẻ đẹp. Tất cả những vẻ đẹp ấy không bao giờ ngừng lại mà mở ra, mở ra những bến bờ bất tận. Chính điều ấy đã làm nhà thơ chỉ có thể ngừng viết khi trút hơi thở cuối cùng trên chiếc giường thế gian của mình. Nếu coi bài thơ đầu tiên trong tập thơ này là bước đi đầu tiên của thi sĩ Trần Hòa Bình trên con đường của số phận và bài thơ cuối cùng trong tập này là bước chân cuối cùng của ông thì tôi không còn cách nói nào khác là phải nói: Nỗi cô đơn thi sĩ và những giấc mơ không bao giờ dứt về một bến bờ đã theo ông từ bước chân đầu tiên đến bước chân cuối cùng. Ông đã đi tìm một bến bờ. Nhưng khi chạm một bến bờ ông lại thấy một bến bờ khác hiện ra và gọi tên ông. Chính điều ấy, nó làm cho con người mà đặc biệt là các nghệ sĩ không bao giờ ngưng sáng tạo, ngưng sự tìm kiếm, ngưng khát vọng về một đời sống đích thực hơn đời sống họ đang sống. Chỉ những câu thơ và chỉ những câu thơ mới cho chúng ta hiểu được cái sâu thẳm trong con người của một thi sĩ.

Khi Trần Hòa Bình còn sống, tôi không hiểu ông nhiều lắm vì chúng tôi quá ít gặp nhau. Hơn nữa, tôi cũng không đọc được nhiều thơ ông. Chỉ khi con gái ông đưa cho tôi bản thảo tập thơ này, tôi mới bắt đầu đọc một cách đầy đủ và có hệ thống thơ ông. Và tất cả những bài thơ trong tập thơ này đã dựng lên chân dung ông. Dựng lên một Trần Hòa Bình trong một ánh sáng khác và cả một bóng tối khác của chính đời sống mà ông đã sống như một con người của xã hội. Tập thơ đã dựng lên một khu vườn rộng lớn không một hàng rào phân cách. Và như những ngọn gió sang thu, ông đi qua khu vườn đời sống ấy và làm những tán lá vang lên mơ hồ và thổn thức. Tôi đã luôn cảnh giác và cố gắng chống lại một sự áp đặt nào đó tinh quái nếu có lần vào trong cảm xúc của tôi khi viết về thơ ông. Nhưng chân dung của ông mà tôi nhìn thấy qua toàn bộ tập thơ nó quá mạnh mẽ đã làm cho tôi hoàn toàn tin đó là chân dung chính xác nhất về ông. Tôi không rõ rành cái chân dung đời sống thường nhật của ông. Nhưng tôi không đi tìm cái chân dung ấy. Tôi đi tìm ông trong thế giới thơ của ông - một thế giới mà chúng ta ngày ngày mang cơn mơ và cả những cơn mơ đau đớn về nó. Đó là chân dung mong manh nhưng ngập tràn một giấc mơ mãnh liệt của ông. Và tôi vẫn gọi đó là những ngọn gió sang thu làm xao động và khua vang những lá, làm thức dậy hương thơm của những hoa, làm đằm ngọt những quả và làm thổn thức những lý trí. Tôi viết những dòng này bởi chính tôi là nhân chứng của những cảm xúc đó ngay trong chính lúc này.

Ngọn gió sang thu Trần Hòa Bình giờ đã lan tận cuối trời. Ông đã xa xôi như một cơn gió thổi qua khu vườn và như một đám mây về cuối biển. Và tất cả những nơi và những gì ông đã đi qua đều vọng lại như tiếng lá xào xạc và thoảng lại như hương thơm hoa trái. Đó là một thị trấn nhỏ, một bản miền núi, một dòng sông, một hoàng hôn, một chiếc khăn tím bay trong chiều đông, một quả ổi chín đắm hương, những quả duối vàng lóng lánh như những viên ngọc nằm trong nước, những đám mây trôi qua bầu trời, những bông dã quỳ hoang dại, những trái bàng rụng mùa thu, những đồi cọ trung du xa lắc, những bông hoa lau bạc trắng, một đầm sen đang hạ ngào ngạt dâng hương cùng những gương mặt người mờ tỏ và những giọng nói không bao giờ tan biến... Ông đã đi qua những nơi ấy, nhìn thấy những điều ấy... và ông đã dừng lại thổn thức, da diết, buồn bã và cả đau đớn một lúc nào đó. Ông không phải là nhà thơ của những tư tưởng triết học, tôn giáo hay của một hệ thống ngôn ngữ cách tân. Ông thực sự là nhà thơ của những vẻ đẹp giản dị tràn ngập thế gian này nhưng rung động không nguôi và với một tình yêu mê đắm. Và tôi thấy, nhà thơ Trần Hòa Bình vừa như một cậu bé chạy đến kiệt sức trong cuộc kiếm tìm trên thế gian này bởi mọi thứ cậu bé ấy nhìn thấy đều lung linh và làm cậu không cưỡng nổi sự quyến rũ của nó, vừa là một ông già đã đủ tất cả để nhận ra vẻ đẹp của đời sống và nâng niu những vẻ đẹp ấy như những báu vật vô giá.

Nhà thơ Trần Hòa Bình • Sinh năm 1956 • Mất năm 2008

• Quê quán: Quảng Oai, Sơn Tây, Hà Tây, nay là Ba Vì, Hà Nội

• Đời hoạt động: Năm 1979, sau khi tốt nghiệp đại học Sư phạm Hà Nội I, làm giảng viên khoa ngữ văn trường Đại học Sư Phạm Hà Nội II. Sau đó về công tác tại khoa báo chí, trường Đại học Báo Chí và Tuyên Truyền Hà Nội. Trần Hòa Bình làm thơ, vẽ tranh, viết báo. Ông còn được biết đến như chuyên gia tâm lý trên các mục “Gỡ rối tơ lòng” báo Tiền Phong, “Giải đáp tâm tư” trên tạp chí Gia Đình.

Nguyễn Quang Thiều | Báo Văn nghệ

"Đồng dao cho người lớn" - Thơ Nguyễn Trọng Tạo Bài thơ "Làm dâu" của Trần Mạnh Hảo - Lời bình Đặng Toán Văn học Phú Yên nửa sau thế kỷ XX: Những gương mặt tiêu biểu Xóm Hà Tiên: Đông Hồ - Mộng Tuyết Trong căn phòng ẩm mốc của thời gian
Bão - Thơ Tế Hanh

Bão - Thơ Tế Hanh

Baovannghe.vn- Cơn bão nghiêng đêm/ Cây gãy cành bay lá/ Ta nắm tay em qua đường cho khỏi ngã.
Dấu vết của lời ca. Truyện ngắn của Lê Thị Kim Sơn

Dấu vết của lời ca. Truyện ngắn của Lê Thị Kim Sơn

Baovannghe.vn- Người đàn bà nào lại không biết yêu, cô mỉm cười, những con chim ngu ngốc không tranh đấu ngoài bầu trời gió sẽ lăn ra chết, số mệnh chỉ có vậy. Người đàn bà đó cũng vậy, lăn ra chết mà hằn học không nguôi, nhưng người đàn bà đó mới đáng thương làm sao, mới xao động làm sao.
Svetlana Alexievich: Hãy đứng về phía điều thiện

Svetlana Alexievich: Hãy đứng về phía điều thiện

Baovannghe.vn - Svetlana Alexievich sách của bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và dựng thành khoảng 20 bộ phim.
Nhiều “cây viết” ghi dấu trong bộ sách giáo khoa

Nhiều “cây viết” ghi dấu trong bộ sách giáo khoa

Baovannghe.vn - Trong xu thế đưa sáng tác của các tác giả đương đại vào sách giáo khoa, một số “cây viết” ở thành phố đóng góp nhiều tác phẩm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Cứu dân là ưu tiên cao nhất”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Cứu dân là ưu tiên cao nhất”

Baovannghe.vn - Ngày 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến công tác kiểm tra phòng, chống lụt bão tại tỉnh Tuyên Quang