CÔ HÁI MƠ
|
NGUYỄN BÍNH
Thơ thẩn đường chiều một khách thơ
Say nhìn xa rặng núi xanh lơ
Khí trời lặng lẽ và trong trẻo
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ
Hỡi cô con gái hái mơ già
Cô chửa về ư? Đường thì xa
Mà ánh chiều hôm dần một tắt (*)
Hay cô ở lại về cùng ta?
Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương
Cô hái mơ ơi! (**)
Chẳng trả lời nhau lấy một lời
Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi...
1937
(Rút trong Tuyển thơ Nguyễn Bính - Nxb Văn học - 1986)
LỜI BÌNH
Đã có nhiều bài viết về Nguyễn Bính, từ nghiên cứu về sự nghiệp thơ với những thành tựu cũng như những đặc điểm của thơ Nguyễn Bính đến những bài bình thơ về thơ Nguyễn Bính. Trong không khí khi mùa xuân của đất trời, của đất nước, tôi xin bình về bài thơ Cô hái mơ của Nguyễn Bính.
Cô hái mơ, như có nhà nghiên cứu phát hiện ra: đây là bài thơ mà thi sĩ sử dụng bút danh Nguyễn Bính lần đầu tiên (tên đây đủ của ông là Nguyễn Trọng Bính).
Là một nhà thơ xuất hiện trong phong trào thơ mới, nhưng khác với một số nhà thơ khác chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây; thơ Nguyễn Bính có giọng điệu riêng mang phong vị đậm đà điệu thơ dân tộc. Bài thơ Cô hái mơ Nguyễn Bính làm theo thể thơ 7 chữ cách tân (nghĩa là không theo thể thơ Đường luật: thất ngôn tứ nguyệt hay thất ngôn bát cú). Chính vì thế nó đã hòa vào dòng thơ mới nhưng lại rất gần với cách cảm và nghĩ truyền thống của thơ Đường luật ở cách gieo vần (Gieo vần chân ở các từ cuối câu 1, 2, 4...).
Có nhiều cách tiếp cận bài thơ này. Nhà thơ Vũ Quần Phương trong một bài bình về bài thơ Cô hái mơ đã bình theo từng khổ thơ. Còn tôi, xin được đi theo chiều kích của tâm hồn nhà thơ, đi theo sự phát triển từ cái nhìn cảnh vật để gửi gắm tình cảm của mình mà nhà thơ Nguyễn Bính thể hiện trong bài thơ Cô hái mơ.
Có hai nhân vật trữ tình trong bài thơ: Tác giả và Cô hái mơ
Tác giả đã cảm xúc về thời gian và cảnh vật trước khi cô gái ấy xuất hiện.
Thơ thẩn đường chiều một khách thơ
Say nhìn xa rặng núi xanh lơ
Khí trời lặng lẽ và trong trẻo
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ
Là một cảnh thật mơ mộng thanh bình, đẹp đẽ. Đó là sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên. Còn gì mơ mộng hơn khi một khách thơ đang thơ thẩn đường chiều giữa không gian khí trời lặng lẽ và trong trẻo khi nhìn xa về rặng núi xanh lơ. Chàng thi sĩ ấy đang say trước cảnh trí thiên nhiên thì phát hiện thấy: Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ.
Thơ diễn tả cảnh vật như thế làm sao mà chả làm xúc động người đọc. Thơ Nguyễn Bính thường có câu chuyện; như thế là vừa tả vừa kể. Tả đã hay lại kể càng khéo. Nó cuốn hút người đọc bởi cảnh vật và câu chuyện.
Cảnh ấy thật thi vị và thơ mộng đã được diễn tả khéo léo để bật lên cái tình của thi sĩ Nguyễn Bính: Mà ánh chiều hôm dần một tắt Đối thoại nội tâm của thi sĩ chứa chất nỗi niềm thương cảm:
|
Hỡi cô con gái hái mơ già
Cô chửa về ư? Đường thì xa
Mà ánh chiều hôm dần một tắt
Hay cô ở lại về cùng ta?
Ôi sao mà khéo thế thi sĩ Nguyễn Bính ơi! Một lời mời rất ý nhị thân thương giầu lòng trắc ẩn. Để tăng thêm phần trọng lượng cho lời mời là những lời giới thiệu về ngôi nhà của mình; đó là lời giới thiệu tinh tế, ý nhị.
Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương
Cảnh mơ mộng ấy cho ta thấy đây là cảnh ở Hương sơn. Cảnh ấy có thực sự đúng là cảnh nhà của thi sĩ hay không thì chỉ có Nguyễn Bính biết. Nhưng cái hay ở đây là làm cho mọi người cảm nhận được vẻ đẹp thơ mộng giống như ở nơi tiên cảnh vậy. Ở đây có rừng cây, có suối, có hoa có động Hương Sơn. Nguyễn Bính đã vẽ lên được cảnh thơ mộng của một vùng sơn thủy hữu tình. Tác giả bộc lộ tâm hồn nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên trước cảnh trí thơ mộng và nhuốm màu liêu trai.
Tôi nghĩ đây là lời mời nhưng đó là lời mời trong tâm tưởng, bởi cô gái có bên thi sĩ đâu? Sự hấp dẫn của bài thơ chính là ở chỗ đó. Người đọc khi đọc bài thơ từ đầu đến đây đều hiểu câu chuyện mà Nguyễn Bính đã kể bằng thơ. Đây chính là một trong những đặc điểm của thơ ông. Thơ Nguyễn Bính thường lồng tâm tình mình vào từng câu chuyện. Bài Cô hái mơ nằm trong chuỗi những bài thơ kể chuyện của Nguyễn Bính
Thơ có chuyện kể nhưng lại rất trữ tình tạo ra sức hấp dẫn, nó là sự giao thoa giữa tự sự và trữ tình. Tuy nhiên, vì là thơ nên chuyện kể chỉ là cái cớ để bọc lộ tâm tình của tác giả Nguyễn Bính.
Ở bài thơ Cô hái mơ chất trữ tình sâu lắng được dồn lại ở khổ thơ cuối:
Cô hái mơ ơi!
Chả trả lời nhau lấy một lời
Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi...
Nếu theo đặc điểm về cảnh và chuyện ở bài thơ thì đây là một lời trách cứ phi lý. Phí lý về lô gic của câu chuyện; nhưng hợp lý trong diễn biến tâm lý. Làm sao mà cô hái mơ trả lời được bởi cô đâu có đối thoại với thi sĩ. Nguyễn Bính đang độc thoại nội tâm. Đúng như nhà thơ Vũ Quần Phương đã bình: Nỗi hắt hiu của những chiếc lá lìa cành.... ngỡ như ảo ảnh của một giấc mơ. Một nỗi buồn lặng thầm, bàng hoàng sau giọng thơ rất êm:
Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng
Rừng mơ hịu hắt lá mơ rơi....
Bài thơ vừa có vẻ đẹp thanh bình vừa có tâm trạng mộng mơ qua những câu thơ vừa tự sự vừa trữ tình, thể hiện một tâm hồn thi sĩ yêu đời và lãng mạn.
Cái hay của bài thơ là cùng với lời kể chuyện, cảnh vật hiện lên thật thơ mộng; đặc biệt là tâm trạng của thi sĩ - tác giả - nhân vật chính của bài thơ được diễn tả đầy nội tâm: Từ cái say cảnh vật thiên nhiên, khi phát hiện cô hái mơ, thi sĩ đã bày tỏ lời thương cảm để mong và mời cô gái ấy về nhà mình; vì đối thoại một mình nên đã buông câu trách cứ, dỗi hờn. Tâm trạng ấy nhuốm mầu mộng tưởng của một khách thơ đa tình. Nguyễn Bính thi sĩ là thế!Trong không khí của mùa xuân, lòng chàng thi sĩ đa tình đã rung động chỉ vì bóng dáng của cô hái mơ. Sự rung động của thi sĩ đã làm cảm động biết bao người khi đọc bài thơ Cô hái mơ.
Trần Bá Giao | Báo Văn nghệ
...............
(*) Có bản ghi là: Mà cái thoi ngày như sắp tắt
(**) Có bản ghi là: Cô hái mơ ơi ! Cô gái ơi !
-----------
Bài viết cùng chuyên mục"