Chuyên đề

Heinrich Mann: Nhà văn bị ruồng bỏ trên tổ quốc mình

Câu chuyện văn hoá
07:40 | 29/05/2021
Heinrich Mann sinh ngày 27 tháng 3 năm 1871 tại thành phố Lübeck trong một gia đình giàu có. Bố ông là chính trị gia kiêm thương nhân. Heinrich Mann là con trai trưởng trong gia đình, sau ông còn có hai em trai và hai em gái. Mẹ ông rất yêu nghệ thuật và có tài năng âm nhạc xuất sắc. Bố mẹ tạo mọi điều kiện để nuôi dạy con cái phát triển hài hòa. Các con của gia đình Mann đều thích sân khấu, văn học, nghệ thuật, sống với nhau hòa thuận và vui vẻ
aa

Văn học Đức có đóng góp to lớn vào kho tàng văn học thế giới với những tên tuổi lẫy lừng như Remarque, Goethe, Hesse, Hoffmann, Mann (Heinrich và Thomas)… Nhưng không phải tất cả họ đều được biết đến trên tổ quốc mình, ví dụ, Heinrich Mann. Khi đảng Quốc xã lên cầm quyền, ông bị tước quốc tịch và buộc phải rời bỏ tổ quốc. Tuy nhiên, các tác phẩm của Heinrich Mann cho đến nay vẫn được đón đọc khắp nơi trên thế giới. Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của nhà văn (1871-2021), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu vài nét về cuộc đời và văn nghiệp của ông.

Nhà văn Đức Heinrich Mann (1871-1950)

Heinrich Mann sinh ngày 27 tháng 3 năm 1871 tại thành phố Lübeck trong một gia đình giàu có. Bố ông là chính trị gia kiêm thương nhân. Heinrich Mann là con trai trưởng trong gia đình, sau ông còn có hai em trai và hai em gái. Mẹ ông rất yêu nghệ thuật và có tài năng âm nhạc xuất sắc. Bố mẹ tạo mọi điều kiện để nuôi dạy con cái phát triển hài hòa. Các con của gia đình Mann đều thích sân khấu, văn học, nghệ thuật, sống với nhau hòa thuận và vui vẻ.

Năm lên 10 tuổi, Heinrich vào học trường trung học của thành phố. Ông học giỏi, nhưng không mấy chăm chỉ. Sau khi tốt nghiệp trung học, Heinrich Mann đến thành phố Dresden. Có một thời gian ông làm nhân viên bán sách, nhưng không thực sự hứng thú với công việc này. Một năm sau, ông bỏ hiệu sách và đến học tại Đại học Berlin. Đồng thời, Heinrich Mann cộng tác với một trong những nhà xuất bản. Học được một thời gian, ông bỏ trường đại học. Về sau, ông không tốt nghiệp đại học. Cuộc sống trở thành trường đại học của ông.

Dòng họ Mann chiếm một vị trí quan trọng trong nền văn học thế giới. Chúng ta biết một số nhà văn mang họ Mann có quan hệ huyết thống. Thomas Mann là em trai của Heinrich Mann, sinh sau anh cả 4 năm. Hồi nhỏ, họ rất thân nhau. Nhưng quan hệ anh em không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Heinrich kịch liệt phản đối chiến tranh và bạo lực, còn Thomas thì ủng hộ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Có một thời gian dài, họ không liên lạc với nhau. Tuy nhiên, hai anh em vẫn quý mến nhau và luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Phong cách sáng tác của họ rất khác nhau. Dù sao, cả hai đều là những nhà văn tài năng. Thomas Mann được coi là người đại diện nổi tiếng và danh giá nhất của gia đình này. Ông thậm chí đã từng đoạt giải Nobel văn học. Sinh thời, các tác phẩm của ông được coi là kinh điển không những của văn học Đức mà còn của văn học thế giới. Sau này, ông viết về gia đình mình trong bộ tiểu thuyết Gia đình Buddenbrooks. Tuy ít nổi tiếng hơn em trai, nhưng tác phẩm của Heinrich Mann cũng được đánh giá cao.

Heinrich Mann mê văn học trong những năm học trung học, cụ thể là thể loại châm biếm chính trị, vốn có truyền thống lâu đời trong văn học Đức, nhưng vào cuối thế kỷ XIX đã không còn phát triển nữa.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Henrich Mann Trong một gia đình, được xuất bản năm 1893. Tuy nhiên, tên tuổi của Heinrich Mann với tư cách là một nhà văn, được độc giả biết đến sau khi ông trình làng tiểu thuyết Miền đất hứa (1900). Trong Miền đất hứa, Henrich Mann chịu ảnh hưởng của Balzac, và đặc biệt là tiểu thuyết Ông bạn đẹp của Maupassant. Cuốn sách kể về một thanh niên tên là Andreas Zumsee từ tỉnh lẻ lên thủ đô với hoài bão làm nên sự nghiệp. Anh chàng tỉnh lẻ hôm qua đã trở thành nhà viết kịch nổi tiếng ở Berlin, nhưng không phải nhờ tài năng của mình, mà nhờ quan hệ với vợ của trùm ngân hàng Turkheimer. Nhan đề cuốn tiểu thuyết mang tính chất mỉa mai, bởi nhân vật chính của nó khao khát vươn lên trong thế giới của giai cấp tư sản Đức, nơi con người gắn bó với nhau không những bằng quyền lợi vật chất mà còn bằng niềm tin rằng mọi thứ trên đời đều có thể mua bán. Hiện thân của tất cả những tội lỗi và khuyết tật đạo đức trong tiểu thuyết là ông trùm ngân hàng khét tiếng Turkheimer.

Andreas Zumsee, “ông bạn đẹp” người Đức này, mở ra cả một ga-lơ-ry chân dung những “thần dân trung thành” trong tác phẩm của Heinrich Mann, dần dần sẽ được bổ sung bằng những hình tượng mới, trong đó nổi bật nhất là hình tượng Diederich Gesling trong cuốn tiểu thuyết Thần dân trung thành.

Gần như đồng thời (1903) Heinrich Mann công bố các tác phẩm mới – bộ ba tiểu thuyết Các nữ thần (Diana, Minerva, Venus) và tiểu thuyết Đuổi theo tình yêu. Các nữ thần là kết quả của sự quan tâm thời đại Phục hưng của Heinrich Mann, một nỗ lực chuyển tải những lý tưởng của nó sang điều kiện đương đại. Câu chuyện của tiểu thuyết diễn ra ở Naples trong bối cảnh thiên nhiên kỳ ảo. Nữ nhân vật chính, Violanta Assy, được trời phú cho những phẩm chất của “con người thời đại Phục hưng”, đã cố gắng vô vọng để khẳng định mình như một con người và một nghệ sĩ. Cuộc đời của bà dường như trải qua ba giai đoạn phát triển - đam mê chính trị (Diana), nghệ thuật (Minerva) và tình yêu (Venus). Tuy nhiên, trong thế giới mua bán, không có chỗ cho nghệ thuật lẫn tình yêu đích thực. Xét về mặt nghệ thuật, tiểu thuyết Đuổi theo tình yêu không mấy thành công. Trái với bộ ba Các nữ thần, tác phẩm dày 600 trang này mô tả hiện thực nước Đức đầu thế kỷ XX.

Những tác phẩm đầu tiên của Heinrich Mann chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa hiện đại, yếu tố hiện thực được phản ánh rõ rệt trong tiểu thuyết Thầy Unrat, hay Kết cục của một bạo chúa (1905). Tác phẩm kể về một giáo viên trung học tỉnh lẻ có biệt danh Unrat, một kẻ bạo chúa thèm khát quyền lực, hay trả thù, chuyên hành hạ học sinh. Tiểu thuyết Thầy Unrat, hay Kết cục của một bạo chúa là một bước tiến mới trong sáng tác của Heinrich Mann, còn hình tượng thầy Unrat thấm đẫm nội dung lịch sử và xã hội to lớn, đã trở thành phổ quát.

Năm 1914, một tháng trước khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, Heirich Mann đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết Thần dân trung thành, một trong những tác phẩm quan trọng nhất của ông. Lần đầu tiên, nó được xuất bản ở Nga vào năm 1915. Độc giả Đức được đọc cuốn sách chỉ 3 năm sau, vào năm 1918. Cuốn tiểu thuyết đã mang lại danh tiếng quốc tế cho nhà văn.

Heinrich Mann cho rằng một trong những đặc điểm chính trong cuộc sống của những người cùng thời với ông. là nỗi sợ hãi. Tiểu thuyết Thần dân trung thành là câu chuyện về cuộc sống riêng tư và số phận của một con người cụ thể mang những nét đặc trưng của số phận một dân tộc. Tiểu thuyết Thần dân trung thành cùng với hai cuốn Những người nghèo và Thủ lĩnh tạo thành bộ ba tiểu thuyết Đế chế. Tác phẩm này dường như tổng kết cuộc sống của những tầng lớp khác nhau trong xã hội Đức trước chiến tranh. Cuốn sách đã bán hết sạch trong hai tuần đầu tiên với số lượng phát hành gần 100.000 bản. Nó đã mang lại cho tác giả một niềm vinh dự lớn, mặc dù thực tế là nhà văn đã giễu cợt xã hội Đức và lý giải việc hệ thống chính trị của đất nước đã dẫn đến chiến tranh như thế nào. Trong cuốn tiểu thuyết này, Heinrich Mann dự báo về chủ nghĩa phát xít. Gần 20 năm trước khi chủ nghĩa phát xít lên cầm quyền, nhà văn đã phơi bày một cách rõ nét nhất bản chất phi đạo đức của nó.

Giai đoạn mới trong tiểu sử của Heinrich Mann bắt đầu vào năm 1933, sau khi đảng Quốc xã và A.Hitler lên cầm quyền. Nhà văn không chấp nhận chế độ này, và tên ông nằm trong danh sách những người đầu tiên bị tước quốc tịch Đức. Vì vậy vào năm 1933, Heinrich Mann buộc phải di cư, đầu tiên là sang Praha, sau đó sang Nice và Paris.Tại Paris, Heinrich Mann giữ chức chủ tịch Ủy ban Mặt trận bình dân Đức được thành lập ở Pháp (từ năm 1936).

Đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Heinrich Mann được coi là bộ đôi tiểu thuyết về vua Henri IV – Tuổi trẻ của Henri IV (1935) và Tuổi trưởng thành của Henri IV (1938). Bối cảnh lịch sử của bộ tiểu thuyết là thời kỳ Phục hưng của Pháp. Nhân vật chính là Henri IV, “nhà nhân văn trên lưng ngựa, với thanh kiếm trong tay,” một đại diện của tiến bộ lịch sử. Cuốn tiểu thuyết có nhiều điểm tương đồng với thời kỳ đương đại.

Tuổi trẻ của Henri IV được coi là một trong những tiểu thuyết tâm lý - lịch sử xuất sắc nhất của thể loại này. Tác phẩm mô tả bức tranh thế kỷ XVI đầy biến động. Trước mắt độc giả hiện ra “con đường đi lên” của ông vua huyền thoại, một trong những nhân vật quan trọng nhất của lịch sử nước Pháp.

Tiểu thuyết Tuổi trưởng thành của Henri IV viết về một trong những thời đại thú vị nhất của lịch sử thế giới - thế kỷ XVI, khi châu Âu nhanh chóng chuyển từ ánh sáng và tự do của thời Phục hưng sang thời đại của bão táp chiến tranh, tình báo chính trị và trò chơi ngoại giao tinh vi. Henri IV, một chính trị gia kiểu mới, nhiều lần buộc phải hành động trái với lương tâm, bất chấp mọi nguy hiểm đối với bản thân và những người thân yêu của mình, cuối cùng, vẫn còn lại trong lịch sử như một vị vua được nhân dân vô cùng yêu mến, một nhà cải cách và một con người hết sức cô đơn, không tìm thấy hạnh phúc và sự bình yên trong cuộc đời.

Heinrich Mann còn là một nhà chính luận tài năng, những quan điểm phản chiến, phản phát xít và sau này là quan điểm về chủ nghĩa xã hội của ông được trình bày trong nhiều bài báo, về sau được in thành các tuyển tập như: Thù hận (1933), Ngày sẽ đến (1936), Dũng khí (1939).

Năm 1940, Heinrich Mann chuyển đến Los Angeles. Ở đây, ông gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn, cảm thấy mình bị tách khỏi cuộc sống xã hội của nước Đức. Sách của ông hầu như không bán được. Sự tuyệt vọng và cái chết bi thảm của Nelly, vợ ông, suýt làm ông gục ngã. Ngay lập tức, nhà văn nhận được sự giúp đỡ của em trai Thomas, mặc dù nhiều năm nay hai anh em không quan hệ với nhau do bất đồng chính kiến.

Sau chiến tranh, Heinrich Mann được trao tặng giải thưởng Nhà nước của CHDC Đức, được bầu làm chủ tịch đầu tiên của Viện Hàn lâm nghệ thuật Đức vừa thành lập ở Berlin. Nhà văn định trở về nước, nhưng cái chết đã ngăn cản ông. Heinrich Mann qua đời ngày 12 tháng 3 năm 1950, tại bệnh viện thành phố Santa Monica (California, Mỹ).

Trần Hậu Tổng hợp

Nguồn Văn nghệ số 22/2021


Gia tài cuối đời của lão Chù. Truyện ngắn dự thi Phùng Phương Quý

Gia tài cuối đời của lão Chù. Truyện ngắn dự thi Phùng Phương Quý

Baovannghe.vn - Lão Chù đột ngột qua đời, sau bốn ngày kêu mệt và bỏ ăn. Chân núi Nóng, nơi có căn nhà nhỏ của lão mấy hôm dịu mát hẳn, gió xào xạc trong những ngọn bạch đàn
Văn Đắc – Người lấy thơ làm của trong nhà

Văn Đắc – Người lấy thơ làm của trong nhà

Baovannghe.vn - Thơ Văn Đắc khi chạm đến nỗi đau thường thiên về chia sẻ ngẫm ngợi còn sự buồn nơi ông lại nhẹ nhàng thanh sáng. Cũng có khi ta thấy ông bươn bả trong tâm tưởng, trong cảm xúc; ví như khi vào độ tuổi xưa nay hiếm
Đi chùa - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Đi chùa - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Baovannghe.vn- Thắp nhang khấn Phật trên chùa/ mà tai nghe rõ nắng mưa bên đời
Thời tiết ngày 5/12: Bắc Bộ nhiều mây, đêm và sáng trời lạnh

Thời tiết ngày 5/12: Bắc Bộ nhiều mây, đêm và sáng trời lạnh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 5/12: Bắc Bộ nhiều mây, sáng sớm có sương mù nhẹ. Đêm và sáng trời lạnh.
Lúc sống nguyện như tia lửa cháy rực rỡ, lúc chết nguyện như bông tuyết nhẹ nhàng rơi

Lúc sống nguyện như tia lửa cháy rực rỡ, lúc chết nguyện như bông tuyết nhẹ nhàng rơi

Ngày 4 tháng 12 năm 2024, nữ văn sĩ, biên kịch, nhạc sĩ, và nhà sản xuất phim nổi tiếng Quỳnh Dao được phát hiện đã qua đời tại nhà riêng ở Đạm Thủy, Đài Bắc - Đài Loan, hưởng thọ 86 tuổi. Giờ đây, khi huyền thoại khép lại, nhìn lại cuộc đời bà, quả đúng như lời bà từng nói: "Lúc sống, nguyện như tia lửa, cháy rực cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Lúc chết, nguyện như bông tuyết, nhẹ nhàng rơi xuống, hòa vào cát bụi." Dưới đây xin giới thiệu trích đoạn từ cuốn sách "Câu Chuyện Của Tôi" của nữ sĩ Quỳnh Dao.