Sự kiện & Bình luận

Hình tượng rắn trong tâm thức người Việt

Đỗ Ngọc Dũng
Đời sống
09:00 | 27/01/2025
Baovannghe.vn - Trong vòng quay mười hai con giáp, rắn là con giáp thứ 6 và có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Dù là loài vật hoang dã trong tự nhiên, nhưng rắn không tách khỏi đời sống con người, trong sinh hoạt văn hóa dân gian từ ngàn xưa. Bởi chúng có nhiều đặc điểm "tương đồng" với tính cách, hành động của con người.
aa

Người có tính cách ngay thẳng thường được ví với Thẳng như rắn bò; ngược lại những kẻ trâng tráo, mắt liếc ngang, nhìn dọc thì được xem là Thao láo như mắt rắn ráo; hoặc những người hay gân cổ hùng hổ cãi cọ: Bạnh cổ như hổ mang chúa; kẻ hay bịa đặt, ba hoa, thổi phồng, vẽ chuyện: Vẽ rắn thêm chân; nơi nhiều nguy hiểm: Hang hùm miệng rắn. Còn đối với những kẻ phản bội mượn tay người khác hại gia đình, Tổ quốc: Cõng rắn cắn gà nhà... Trong lao động sản xuất xưa, cũng có nhiều hình ảnh đề cập đến rắn qua các câu đồng dao, ca dao: Bao giờ cho đến tháng ba/ Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng; Rồng rắn lên mây/ có cây núc nác/ có nhà hiển vinh; Cây xương rồng, trồng đất rắn, long vẫn hoàn long/ Quả dưa chuột, truột một gang, thử ăn thì thử, v.v... Hoặc: Cần chi cá lóc, cá trê/ Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều. Bên cạnh đó, rắn còn được dùng để chỉ sự may rủi: Đi mà gặp rắn thì may/ Về nhà gặp rắn thì hay bị đòn...

Hình tượng rắn trong tâm thức người Việt
Tranh của họa sĩ Lê Trí Dũng

Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn với điều kiện sông nước, đầm lầy, đời sống của cư dân nông nghiệp lúa nước người Việt cổ phải phụ thuộc vào nguồn nước. Trong tâm thức dân gian của họ, hình dạng và đặc điểm di chuyển của loài rắn là cơ sở để người xưa hình dung và đồng nhất rắn với những con sông - nguồn nước. Nhìn con sông, con ngòi từ trên cao xuống thì rất giống với hình ảnh con rắn đang bò...

Từ xa xưa, nhân dân ta đã biết bắt rắn để ngâm rượu làm thuốc bổ, lại chữa được các bệnh phong tê thấp, đau khớp xương. Nọc rắn còn luôn là một loại dược liệu quý chữa viêm khớp, viêm dây thần kinh, giảm đau... Vì vậy, ở nước ta có rất nhiều trại nuôi rắn, quy mô lớn với vài trăm loại rắn độc, tiêu biểu như trại rắn Đồng Tâm ở Tiền Giang, làng nghề nuôi rắn xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, các trại rắn Đồng Nai, Bến Tre...

Trong sinh hoạt cộng đồng, con người cũng thường mượn hình ảnh rắn để nói đến những sự việc, hoàn cảnh cụ thể:

Vẽ rồng, vẽ rắn: Chỉ kẻ vô tích sự, chẳng làm nên trò trống gì mà còn bày vẽ lãng phí, tốn công sức, tiền của, lại còn phản tác dụng

Như rắn mất đầu: Ám chỉ người lãnh đạo, người chỉ huy không còn thì bộ phận bên dưới không làm được gì nữa.

Miệng hùm rắn độc: Chỉ nơi hiểm nguy độc địa, ai đến đó sẽ bị phân thây, tan xương nát thịt, không thể sống sót trở về được.

Hùm tha rắn cắn: Không gặp tai ương này thì gặp hoạn nạn khác.

Khẩu Phật tâm xà: Kẻ đạo đức giả, miệng nói thương người, lòng dạ ác hiểm, hãm hại kẻ khác; và ngược lại: Khẩu xà tâm Phật.

Đánh rắn đánh dập đầu: Dùng đòn quyết định đối với kẻ hung ác để triệt cái ác tận gốc vĩnh viễn khiến chúng không có cơ hội báo thù...

Hình tượng rắn trên thế giới

Tại châu Âu, ở Hy Lạp, thần Apollo lần đầu tiên được thờ ở Delphi dưới biểu tượng rắn. Trong tôn giáo của người Hy Lạp, rắn luôn được xem là một biểu tượng thiêng liêng. Rắn không chỉ tượng trưng cho sự khôn ngoan mà còn là biểu hiện về khả năng sinh sản trong tín ngưỡng phồn thực.

Tại châu Úc, người thổ dân tôn sùng và thờ rắn khổng lồ - rắn cầu vồng. Quan niệm hình tượng cầu vồng với rắn xuất phát từ quan niệm liên quan đến nước và đời sống nông nghiệp. Vùng Bắc Australia, hình tượng rắn ngũ sắc lại được gắn với các nghi lễ trưởng thành. Ở đó, người ta tái hiện hình ảnh chị em Vauvaluk (tổ tiên của bộ tộc Dua), với một người bị rắn ngũ sắc nuốt, sau đó rắn khạc ra đứa trẻ - tượng trưng cho cái chết tạm thời của người lên bậc trưởng thành.

Tại châu Phi, hình tượng rắn được thờ phụng ở rất nhiều quốc gia, dưới nhiều hình thức biểu hiện khác nhau. Người ta cho rằng, uy lực tối cao của trời là rắn Điămbô. Người ta tin rắn là con vật lâu đời nhất, là tổ tiên sáng tạo. Họ thờ rắn như thờ vị thần tối cao của dân tộc.

Hình tượng rắn trong tâm thức người Việt
Tranh của họa sĩ Lê Trí Dũng

Tại châu Á, ở Iran, người ta đã tìm thấy dấu vết của của tín ngưỡng thờ rắn thiêng qua các hình vẽ, vòng tròn được chạm khắc trên vách các hang động. Người Ba Tư cổ thờ rắn rất thành tâm ở các đền, nơi diễn ra các lễ hiến tế và lễ hội bằng sự kính trọng đối với những vị thần vĩ đại nhất của họ. Trong thần thoại của họ, sự đấu tranh giữa hai vị thần thiện - ác, Ormuzd và Ahriman, được hình dung là hai con rắn đang tranh giành quả trứng vũ trụ.

Ở Campuchia, rắn thần Naga là biểu tượng rất phổ biến trong văn hóa của quốc gia này, tượng trưng cho sự bảo vệ và mang lại sự ổn định cho vương quốc. Biểu tượng này khiến mọi người nhớ đến truyền thuyết nổi tiếng về tình yêu của Hoàng tử Preah Thong và công chúa rắn Neang Neak, được coi là tổ tiên của dân tộc này. Vì vậy, chúng ta thường bắt gặp biểu tượng rắn ở khắp các đình, chùa, di tích ở quốc gia chùa tháp này. Đặc biệt ở hai kỳ quan Angkor Wat và Angkor Thom... Cả Lào và Thái Lan cũng thờ rắn thần Naga.

Đối với người Hindustan, rắn như một biểu tượng của thần thánh, đi sâu vào tôn giáo của người Bà La Môn với lễ hội của rắn. Trong lễ hội, người ta chia phần gạo của mình cho các con rắn, với hy vọng điều này sẽ giảm bớt những rủi ro và mang lại những điều tốt đẹp.

Với Trung Quốc, ngày 12/4 Âm lịch hằng năm là ngày sinh của Xà vương, người dân đi cúng tế tấp nập, nhộn nhịp. Dân gian thường cúng thần rắn bằng ếch nhái.

Hình tượng rắn trong tín ngưỡng người Việt

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, rắn là một trong những hình tượng phổ biến nhất của người Việt. Quan niệm dân gian của người Việt, rắn là con vật hiểm ác, gian xảo. Nhắc tới rắn, bao giờ người ta cũng kèm theo những điều xấu; ví dụ Miệng hùm nọc rắn, Khẩu Phật tâm xà... Chính vì những đặc tính đó mà con người thần thánh hóa loài rắn, thờ cúng rắn để cầu thân, mong rắn không làm hại mình. Có thể thấy tục thờ rắn ở các đền dọc theo sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống... và qua các di tích, lễ hội. Dọc sông Như Nguyệt có đến 316 ngôi đền thờ một cặp rắn. Không chỉ có vậy, tục thờ rắn còn có ở miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Đặc biệt trong tín ngưỡng Khmer ở Nam Bộ, huyền thoại rắn thần Naga chiếm một vai trò rất quan trọng. Tục thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thủy mang hai ý nghĩa: thủy thần và vật tổ.

Đền thờ rắn được đặt tại xã Cẩm Lương, huyện Cảm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cạnh suối cá thần. Theo người dân trong vùng, rắn chính là vị thần bảo hộ cho loài cá sống trong suối cá thần này. Tại xã Thủy Phù, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế có lập bài vị thờ hai vị thần rắn là ông Dài, ông Cụt. Theo truyền thuyết, đây là hai con rắn một dài, một cụt, vốn là con của thần gió từng hiện linh giúp dân làng đem lại mưa thuận, gió hòa nên được dân làng tôn là Thủy thần.

Hình tượng rắn trong tâm thức người Việt
Cặp rắn xanh - trắng trong các đền thờ rắn ở đồng bằng Bắc Bộ

Quan sát hình dạng và đặc điểm di chuyển của rắn là cơ sở để người xưa hình dung và đồng nhất rắn với những con sông, nguồn nước. Việc thờ thần rắn là tiêu biểu nhất trong tục thờ Thủy thần. Được coi là lớp văn hóa sớm nhất của người Việt cổ đi từ vùng núi xuống chinh phục đồng bằng.

Hình tượng rắn trong văn học nghệ thuật

Nhà ngữ học Nguyễn Tài Cẩn từng chứng minh rằng thời tiền sử, từ rồng và rắn có thể có chung nguồn gốc là từ /mahing/ ở vùng Thà Vựng ngày nay. Ông cũng cho rằng: "Tác phẩm nghệ thuật ở các đền chùa Lý Trần lại cho phép chúng ta vốn có cả một tên gọi rồng rắn..." Chuyên gia về mỹ thuật - họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung cũng từng cho rằng: "Con rồng thời Lý khác con rồng Trung Quốc, vì nó có hình dạng rắn, có nhiều đường lượn. Có thể xuất hiện trước đời Lý nhiều... Nay ta gọi là rồng, nhưng xa xưa chính là một loại rắn rồng rắn, thời trẻ con ta thường có trò chơi rồng rắn.

Ngày nay, những khám phá về dân tộc học, huyền thoại học đã đẩy kiến thức và suy luận chúng ta đi xa hơn. Vật tổ của các dân tộc Việt: Kinh hay Thượng, là Chim và Rắn. Hình tượng chim thường gặp ở huyền thoại các dân tộc anh em miền núi, hình tượng rắn thường gặp ở truyện cổ các vùng đồng bằng gần sông gần nước. Địa danh Ngã Ba Xà, hợp lưu giữa sông Cầu và sông Đuống, nhắc đến tín ngưỡng thờ rắn (xà), thờ Thánh Tam Giang là thần rắn, có nơi được nhân cách hóa thành anh em Trương Hống, Trương Hát, cai quản khúc sông từ Ngã Ba Xà đến Ngã Ba Phượng Nhãn.

Trong truyện cổ Mường, thường có nhân vật Khú ưa xuất hiện dưới dạng rắn nước. Trong ngôn ngữ và khái niệm người Khmu, cũng có một con vật gọi là prư dồng. Đó là một con vật hình rắn, có mào như mào gà, có vảy và có chân. Từ Quỳnh Nhai đến Mường La, trên sông Đà có khoảng 20 thác nước, thì có ngần ấy nơi thờ thuồng luồng (rắn) như thế. Thuồng luồng chính là rắn nước, sách Lĩnh Nam chích quái ghi tên khác là Giao Long, và kể rằng vua Hùng đã dạy dân chúng "lấy mực xăm vào mình hình (Lạc) Long Quân, theo dạng thủy quái" để tránh nạn thuồng luồng bách hại. Còn một ý nghĩa nữa, cũng có thể người Văn Lang thời đó xăm mình theo dạng rắn vì là thủy tổ của mình.

Trong văn học, câu chuyện Giao Long kể trên có lẽ là xưa nhất, bên cạnh chuyện Lạc Long Quân diệt Ngư Xà. Ngư Xà dài hơn năm mươi trượng, chân nhiều như chân rết, biến hóa vạn trạng, linh dị khôn lường... Ngư Xà ăn thịt người, gây bão tố làm hại ngư dân, cuối cùng bị Long Quân giết.

Trong dân gian thường kể chuyện rắn báo oán, nhân vụ án Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Trãi mà ngày bé chúng ta thường được nghe. Thật ra nó được một số nho sĩ thời Lê sáng tác mô phỏng để giải thích, nhằm làm mờ xóa tấn thảm kịch chính trị thời đó.

Một con rắn lưu danh mãi là Chằn Tinh trong truyện Thạch Sanh, truyện Nôm bằng thơ. Chằn Tinh là một con rắn tu luyện nhiều năm, dữ tợn và biến hóa khôn lường; vua bắt dân phải lập miếu thờ, hằng năm phải cống nạp một người con trai cho nó ăn thịt. Năm ấy, Lý Thông bị chỉ định hy sinh, bèn gạt người anh em kết nghĩa là Thạch Sanh đi thế mạng. Thạch Sanh chém được đầu Chằn Tinh giải trừ hiểm họa cho muôn dân.

Trên sân khấu dân gian, lại có tuồng hát bội câu chuyện tình cảm động: Thanh xà Bạch xà - hai con rắn tu luyện đắc đạo, thành hai cô gái xinh đẹp, yêu thương và lấy chung một chồng. Sau đó, tình duyên trắc trở, người chồng lâm trọng bệnh, Bạch Xà phải hiện nguyên hình làm rắn, trèo non lặn biển tìm thuốc trường sinh cứu chồng. Một chuyện tình huyền ảo, lãng mạn, phần nào giảm bớt những thành kiến về loài rắn.

Con rắn trong biểu tượng của ngành y dược

Theo truyền thuyết Hy Lạp cổ, con trai của thần Apollo được xem là ông tổ của ngành y dược. Một ngày nọ, Esculape trên đường đi thăm bạn gặp một con rắn, ông đã đưa cây gậy ra và con rắn liền bám lấy rồi bò lên quấn quanh cây gậy. Esculape thấy vậy đập cây gậy xuống đất để giết chết con rắn. Sau đó, ông lại thấy một con rắn khác bò tới, miệng ngậm một loại thảo dược để cứu con rắn đã chết. Từ đó, ông để tâm tìm kiếm các loại cây cỏ trong núi để chữa bệnh cho con người, cải tử hoàn sinh. Esculape được xem như thần bảo hộ của các thầy thuốc. Các con của ông đều là những nhân tài, trong đó có hai người con gái theo con đường y học của cha: Panacée và Hygie. Hygieia tượng trưng cho sức khỏe và vệ sinh, trong khi Panacea đại diện cho thuốc chữa bách bệnh.

Biểu tượng của ngành Dược là hình tượng cái bát có chân, có một con rắn quấn từ dưới chân lên tới miệng bát, chính là khởi nguồn từ truyền thuyết này của Hy Lạp cổ đại. Cái bát là bát đựng thuốc. Con rắn tượng trưng cho sự khôn ngoan và thận trọng. Biểu tượng này mang ý nghĩa: Ngành Dược có nhiệm vụ sản xuất ra thuốc, phục vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân và người làm công việc này phải khôn ngoan và thận trọng.

Còn ngành Y học có biểu tượng là con rắn quấn quanh cây gậy phép của Esculape. Con rắn và cây gậy phép tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ. Rắn lột xác cải lão hoàn đồng, biểu trưng cho sự tái sinh, bất tử. Biểu tượng này cũng là đại diện cho rất nhiều tổ chức y tế trên thế giới.

“Nẻo về” -  Tiếng hát tự do của Vũ Mai Phong

“Nẻo về” - Tiếng hát tự do của Vũ Mai Phong

Baovannghe.vn - Phong trong Nẻo về không chỉ là một người thơ, mà còn là một người giàu suy tư, chiêm nghiệm.
Thêm một nốt lặng - Thơ Trần Ngọc Mỹ

Thêm một nốt lặng - Thơ Trần Ngọc Mỹ

Baovannghe.vn- Tháng Hai những dấu chân lẳng lặng/ đưa tôi bước sang khoảng trời khác
Đêm cuối xuân - Thơ Trần Ngọc Khánh

Đêm cuối xuân - Thơ Trần Ngọc Khánh

Baovannghe.vn- Đêm nay ngồi đếm đêm qua…/ Buồn nghe trăm ngả nhạt nhòa trăm phương/ Người xưa xanh tựa vô thường
“Để trở thành hội viên, tôi chỉ cần hoạt động văn chương thuần túy”

“Để trở thành hội viên, tôi chỉ cần hoạt động văn chương thuần túy”

Baovannghe.vn - Trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chưa bao giờ là điều dễ dàng. Có người làm đơn 20 năm mới được kết nạp vào Hội...
Cổng nhà mẹ - Thơ Trần Ngọc Mỹ

Cổng nhà mẹ - Thơ Trần Ngọc Mỹ

Baovannghe.vn- nay cúc đơm hương gợi Tết/ nay mẹ hương khói nhớ người