Sáng tác

Hoa đào nơi Tứ Hải. Truyện ký của Phạm Quốc Toàn

Phạm Quốc Toàn
Truyện
08:00 | 18/01/2025
Baovannghe.vn - Với Tứ Hải, người con vùng “chiêm khê mùa thối” cũng rất mê biển. Có lẽ do vậy mà họ thân nhau, gắn bó với nhau lúc thường cũng như lúc có biến.
aa

Mỗi độ xuân về, tại ngôi biệt thự biển và khuôn viên nhà vườn của Đào Phan, ngoài Bắc và trong Nam năm nào cũng trưng diện những cành hoa đào Nhật Tân đẹp, duyên dáng, nên thơ. Cành đào để bên cành mai vàng - cùng câu thơ của Bác Hồ đã dự báo trong lời chúc tết xuân Kỷ Dậu 1969 “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Đào Phan luôn tâm niệm về cội nguồn về phương Bắc và phương Nam.

Tại xứ biển có mấy con sông cùng hội tụ tạo nên những cảng biển đẹp, với hơn ba chục năm nay có một doanh nghiệp tư nhân gọi là Tứ Hải, Chủ tịch, Tổng giám đốc của Tứ Hải là Đào Phan.

Hoa đào nơi Tứ Hải. Truyện ký của Phạm Quốc Toàn
Minh họa Vũ Đình Tuấn

Công ty Tứ Hải và ông chủ Đào Phan tần tảo sớm hôm, một nắng hai sương y chang phong cách chịu thương chịu khó của người nông dân vùng đồng quê chiêm trũng. Lao động cần cù, khôn ngoan, có tầm nhìn xa rộng - Tứ Hải chuyên kinh doanh hải sản thượng hạng - xuất khẩu phục vụ các đối tượng khách hàng khó tính. Cung cách kinh doanh của Tứ Hải khác với cung cách kinh doanh của ông giáo Phương, người đồng chủ của Tứ Hải. Giáo Phương có vốn Anh ngữ từ thời học sư phạm chuyên ngữ, đi làm phiên dịch cho thương lái nước ngoài rồi học được ở họ phương pháp bảo quản hàng tươi sống, biết được loại hải sản A chỉ phục vụ khách hàng quốc gia B, hải sản C thì xuất qua thị trường D. Hoặc giả như loại cá X. là loại thực phẩm vứt đi, cho gia súc ăn; giáo Phương đặt cho nó một tên gọi mỹ miều lãng mạn, thêm gia vị tẩm ướp, thế là giá bán không chỉ một vốn bốn lời mà cao gấp mười, gấp hai mươi lần, hốt bạc.

Giáo Phương sinh thành ở miền rừng thiêng núi thẳm mà rất mê biển, cõng bà nội từ xứ núi đến vùng biển mở đất. Với Tứ Hải, người con của vùng “chiêm khê mùa thối” cũng lại rất mê biển. Có lẽ do vậy mà họ thân nhau, gắn bó với nhau lúc thường cũng như lúc có biến. Ông chủ Đào Phan bỏ tiền, bỏ sức, bỏ công kết bạn với mấy ông bà ngoại quốc, không quản sớm khuya đến tận nhà riêng của họ để học hỏi kinh nghiệm làm hải sản, về làng chài của họ mà nghiên cứu thị hiếu, tìm hiểu nghệ thuật ẩm thực, những món ăn khoái khẩu trước khi vào cuộc kinh doanh.

Có chí làm giàu, ắt sẽ giàu - cái giàu chính đáng tự sức mình làm nên. Một nhà hiền triết đã tổng kết - bài học rút ra từ chính cuộc đời và sự nghiệp của mình, trên đời này không gì là không thể, miễn là có hoài bão, ước mơ và khát vọng vươn tới. Ông Vũ Năm phơi phới tuổi xuân rời quê lúa bên con sông Đào vùng đồng bằng Bắc Bộ cùng hàng vạn chàng trai cô gái khoác ba lô ra trận, hành quân vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu đánh giặc cứu nước. Sau ngày toàn thắng, Vũ Năm quyết chí ở lại nơi chiến trường xưa lập nghiệp. Ông kết thân với Đào Phan, dõi theo từng bước đi của Tứ Hải.

Trong một lần đông đủ nhóm bạn “bộ tứ” có mặt tại công ty, Vũ Năm - lúc đó đã nhận trọng trách Phó trưởng Ban Tài chính thành phố, nhậu sương sương với Trưởng ban Tài chính Xuân Dương và ông bạn ký giả Hồng Lĩnh, Giám đốc Đào Phan xúc động đọc bốn câu thơ của lãnh tụ kính yêu, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên. Đào Phan dù không phải dân văn chương, cũng không là ký giả nhưng yêu âm nhạc, hát hay, thuộc nhiều thơ văn, biết nhiều áng thơ tuyệt tác của các tinh hoa. Đào Phan đọc thơ và giải thích những câu thơ trên là sự ngẫu hứng của Bác Hồ, nhân trên đường Người đi chiến dịch Biên giới năm 1950, Người ghé thăm một đơn vị thanh niên xung phong vượt qua mọi gian nan, khoét núi làm đường, phục vụ chiến dịch Biên giới năm 1950.

Vũ Năm nói về người bạn, đồng đội chuyên kinh doanh hải sản họ Đào:

- Chủ nhân của Tứ Hải có tầm nhìn xa. Thế mạnh của vùng đất mà chú ấy chọn lập nghiệp giàu tiềm năng con mực, con cá, con tôm. Chú ấy lóe sáng khi nghĩ đến hai từ Tứ Hải, gắn cuộc đời và sự nghiệp của mình, sống chết với nó. Ý chí ấy, nghị lực và quyết tâm đã là bàn đạp để tăng tốc và chiến thắng, gắn với sóng gió đại dương, biển cả.

Vũ Năm nói tiếp:

- Nhiều năm trước, Đào Phan đã có tầm nhìn, khi đất đai còn dễ kiếm, chủ yếu là đất khai hoang phục vụ chăn nuôi, trồng màu. Tứ Hải mua từng miếng liền kề làm thủ tục sở hữu đầy đủ, để ngày nay có cả chục hecta làm mặt bằng, nhà xưởng, kho bãi phục vụ chế biến - xuất khẩu hải sản. Nếu không bằng cách ấy thì lúc này dù có muốn cũng chào thua!

Một lần, cơn bão số 9 - năm 2006 tàn phá nhiều làng chài ven biển Trung Bộ, Nam bộ. Bão dữ hiếm có gây thiệt hại lớn cho ngành đánh bắt và chế biến hải sản. Tứ Hải thiệt đơn, thiệt kép, có lúc nản chí Đào Phan định bỏ cuộc, tâm sự với các cộng sự:

- Gác kiếm thôi, làm nghề biển rủi ro khôn lường. Không cẩn thận, của cải, vốn đầu tư trong chốc lát là đổ sông đổ biển.

Nghĩ đi thì vậy, nghĩ lại Đào Phan thấy không đành, không phải với các đồng đội:

- Bỏ cuộc tức là bỏ nghề ra khơi vào lộng, là thiếu vắng người cộng sự với các bạn nghề, với vạn chài. Nghề đánh bắt hải sản trên biển không chỉ tạo việc làm và thu nhập cho ngư dân mà còn là hành động cần có góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Mỗi ngư dân ra khơi là một người lính canh giữ biển trời bao la, lộng gió.

Ý chí, bản lĩnh, quyết tâm càng lớn. Dần dà, Đào Phan đầu tư chuyên sâu vào lĩnh vực thu mua và chế biến cá đù, chế biến xương cá đục xuất khẩu. Thu mua sản lượng lớn, được giá thì ngư dân càng được khích lệ ra khơi đánh bắt hải sản. Có đầu ra, có người thu gom tiêu thụ các loài cá đánh bắt được thì ngư dân càng phấn khởi đánh bắt. An ninh biển đảo càng được bảo đảm, giữ vững.

*

Hoa đào nơi Tứ Hải. Truyện ký của Phạm Quốc Toàn
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội chật kín khách mời dự sự kiện tặng giải thưởng hội thi Doanh nhân - Đổi mới sáng tạo. Đến lượt MC Thu Thảo xướng tên cựu chiến binh Đào Phan lên bục nhận giải thưởng “Biến cái không thể thành cái có thể”. Vừa nghe tên giải thưởng ai cũng ngờ ngợ. Chỉ đến khi clip do ban tổ chức chuẩn bị cho lên màn hình lớn, khán phòng mới thêm hiểu doanh nhân cựu chiến binh họ Đào. Người lính về giữa đời thường đã chế biến hàng trăm tấn xương cá đục, thứ mà trước đây chỉ là đồ thải loại vứt bỏ nay xuất khẩu qua thị trường các quốc gia Bắc Á lại thu về nguồn lợi lớn. Cũng chính sản phẩm “Xương cá đục xuất khẩu” cũng đã giành giải nhất trong hội thi “Sáng tạo kỹ thuật” cấp tỉnh trước đó - địa phương nằm ở top đầu đóng góp ngân sách về Trung ương.

Bao đời nay, thịt cá đục là loại thực phẩm ngon, bổ dưỡng, lành tính, nhiều vitamin bổ dưỡng, bổ gan, thận, tăng cường khí lực, trí nhớ. Thịt cá đục - chế biến khéo - tăng cường sức mạnh cho phái mạnh. Tuy nhiên xương cá đục khi chưa có sự can thiệp của công nghệ lại bị coi nhẹ, thứ xương xẩu không mấy ai quan tâm, chỉ là phân rác. Một tài liệu nghiên cứu của người Nhật, chính xương cá đục rất giàu can xi, tốt cho những ai bị bệnh xương khớp, bệnh gout. Xương cá đục là rác thải, nhưng doanh nhân Đào Phan đã biến những thứ xương xẩu ấy thành sản phẩm quý xuất khẩu qua những thị trường khó tính, vốn rất nghiêm ngặt vệ sinh an toàn thực phẩm, đã thu về bạc tỷ, nhiều tỷ mỗi năm.

Người xứ biển gọi Đào Phan là ông vua cá đục quả không sai. Doanh nhân họ Đào lớn lên từ vùng chiêm trũng nhưng lại rất thông thạo thị trường hải sản, vùng biển nào có nhiều loại tôm cá gì, ông đều thấu hiểu. Lại nữa, người Nhật hay người Hàn, người Đài Loan, người châu Âu thích ăn nhậu món hải sản nào, gu ẩm thực của họ ra sao, Đào Phan đều tỏ tường. Thời còn trong quân ngũ các chỉ huy đơn vị chỉ bảo: Muốn đánh thắng trận, cần có trinh sát giỏi để biết đối phương. Biết đối phương mạnh gì, yếu gì - càng hiểu kỹ về đối phương thì đánh mới chắc thắng. Thương trường là chiến trường, vào trận kinh doanh khác gì ra trận diệt thù. Không ngại đầu tư chi phí… cho việc trinh sát trận đánh lớn, ông đến các gia đình của thực khách, khảo sát các siêu thị, dự yến tiệc các doanh nhân chỉ với mục đích khảo sát, lắng nghe, thấu hiểu về khách hàng của mình, học cách thủy chung với cách khoái khẩu ẩm thực của họ.

Tại một gia đình doanh nhân người Nhật, ông Toshihato, khách hàng tiềm năng của Tứ Hải, ông chăm chú lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của từng vị khách, điểm mấu chốt, yêu cầu cốt lõi các chủng loại hải sản mà bạn cần, bạn yêu muốn - từng lứa tuổi; yêu cầu về độ đông lạnh, bao bì, cung cách đóng gói, kiểm chứng chất lượng của cơ quan quản lý hai quốc gia xuất và nhập khẩu hải sản. Với riêng công nghệ đông lạnh, nếu là xương loại cá A, đông lạnh âm 30 độ là phù hợp, nhưng xương loại cá B, độ đông lạnh phải là âm 50 độ, chi li về yêu cầu kỹ thuật của bạn hàng khó tính là vậy.

Chưa dừng lại ở thị hiếu ẩm thực, tâm tính, truyền thống người Nhật, doanh nhân Đào Phan còn tìm hiểu công nghệ chế biến, mạnh dạn bỏ tiền đầu tư cho công nghệ chế biến, công nghệ đông lạnh thủy hải sản made in Japan. Có một người bạn ở Hà Nội tư vấn cho Đào Phan đầu tư dây chuyền công nghệ made in China, giá rẻ chỉ bằng một nửa công nghệ made in Japan. Ngạn ngữ có câu tiền nào của đó. Đào Phan đưa điều này thảo luận với các bạn hàng Nhật Bản và chính họ đã đưa ra các ý kiến tư vấn xác đáng, bởi chính người Nhật nhập hàng, sử dụng hàng của mình chứ không phải ai khác.

Chưa hết! Cuộc đời và sự nghiệp của ông chủ công ty Tứ Hải không ít lần còn phải vượt bão cả chính mình. Ít ai ngờ, nghị lực của Đào Phan thật phi thường. Ông mắc trọng bệnh, người đời vẫn nói là chứng bệnh nan y, cứ ngỡ không qua khỏi. Đào Phan thấm nhuần sâu sắc câu nói cũng là lời khuyên của người bạn, vị lương y cùng quê tên Sông Thành: “Hãy đừng bao giờ tâm bệnh”. Lạc quan, yêu đời luôn hướng về phía trước, vượt qua mọi chướng ngại. Và thế là xuất hiện một Đào Phan bản lĩnh, mạnh mẽ, tự tin, lạc quan và kiên cường chống chọi với con bệnh, vượt lên chính mình.

Lúc trọng bệnh cũng là lúc sóng gió trong gia đình bùng phát. Người bạn đời yêu quý bấy lâu nay của ông buông bỏ gần như mọi thứ đi lên chùa, làm công quả. Tự do tín ngưỡng là sự lựa chọn của mọi người, từng thành viên trong gia đình, trong xã hội. Âu như đó cũng là duyên phận vậy. Cảm nhận được điều đó nên Đào Phan, tuy buồn và có sự hụt hẫng nhưng tất cả chỉ còn công việc và càng phải chăm lo cho sức khỏe của chính mình. Một Đào Phan giàu nghị lực, mạnh mẽ đã không dễ gì gục ngã.

*

Bệ đỡ để Đào Phan đứng vững chính là ý chí, nghị lực của anh bộ đội Cụ Hồ về giữa đời thường. Bệ đỡ của Đào Phan còn là cha và mẹ, là các con trai, con gái - máu mủ ruột thịt của mình; là quê hương vô cùng yêu dấu, nơi mình sinh thành và lớn khôn.

Quê hương, nơi doanh nhân Đào Phan cất tiếng khóc chào đời là vùng đất giao thoa Bắc - Nam, Đông - Tây; nơi chuyển tiếp địa hình, địa chất, thủy văn, trung lộ dòng di cư của người Việt, của sự dịch chuyển kinh đô. Đó là vùng “địa linh nhân kiệt”. Vùng quê nơi Đào Phan sinh thành có nhiều câu chuyện kể mang tính truyền thuyết hiếm có. Tương truyền kể rằng, ngày xửa ngày xưa nơi này có bảy ngọn núi xuất hiện những đốm sáng với bảy ngôi sao, sáng chói cả ban ngày và ban đêm. Ánh sáng lung linh huyền ảo từ trên cao rọi xuống một vùng rộng lớn của hồn thiêng sông núi. Người ta gọi đó là Thất Tinh - tạo nên ngôi chùa Thất Tinh, kết nối sức lan tỏa của một vùng đất văn hóa bền chặt nguồn cội. Hệ thống chùa chiền tại nơi đây cũng thật khác lạ, cảnh đẹp, nên thơ, mỗi ngọn núi, mỗi con sông, mỗi hồ nước đều gắn kết với một câu chuyện huyền thoại mà ít nơi nào có được. Người vùng đồng chiêm trũng tài hoa biết kết hợp hài hòa giữa tích xưa và hiện thực nay để dệt nên những câu chuyện tình lãng mạn, bất hủ - thu hút và cuộn chặt với trăm họ, biến nó thành những sản phẩm du lịch văn hóa - tôn giáo tầm khu vực và thế giới có một không hai.

Thân phụ và thân mẫu của doanh nhân Đào Phan là những người con trong vạn vạn người con của quê hương “địa linh nhân kiệt”. Họ Đào góp phần lan tỏa văn hóa vạn vùng quê mới, luôn phát huy mạnh mẽ nét đẹp văn hóa dòng tộc và cội nguồn quê hương. Thân phụ của Đào Phan lúc lâm chung căn dặn con trai Đào Phan một điều duy nhất: “Sống có tâm phúc, mình vì mọi người để là ngọn đèn soi, chí ít cũng là cho họ Đào ta”. Thân mẫu của doanh nhân Đào Phan nay đã thượng thượng thọ, gần tuổi bách niên giai lão mà vẫn hát chèo văn, minh mẫn, trí nhớ rất bền. Cụ được hội người cao tuổi quê nhà tặng 16 chữ vàng: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Cụ là tấm gương sáng về đạo nghĩa và sự hiếu thảo cho con cháu, dòng tộc noi theo. Cụ vẫn thường căn dặn con trai Đào Phan “Bản lĩnh và trung thực, cần kiệm và khiêm nhường học hỏi, hướng về cội nguồn”.

Doanh nhân Đào Phan - doanh nghiệp Tứ Hải coi trọng công tác xã hội, chăm lo công tác xã thiện nguyện. Đại dịch COVID - 19 là thử thách nghiệt ngã của cộng đồng, xã hội. Doanh nghiệp Tứ Hải lan tỏa tinh thần xã hội mạnh mẽ, trách nhiệm hết mình, chăm sóc chu đáo người lao động theo phương thức “ba tại chỗ”, không để lây lan dịch bệnh, tổ chức sản xuất hiệu quả, năng suất và chất lượng hơn người - hơn hẳn trước đại dịch. Một phần nguồn lực của Tứ Hải được huy động phục vụ cộng đồng hiệu quả, kịp thời. Thân mẫu của Đào Phan dành lời tặng con trai: “Con đã làm được những việc tốt, ích nước - lợi nhà”.

Tứ Hải là bốn biển năm châu. Tứ Hải dang rộng cánh tay nối dài, năng động và phát triển. Có dịp thuận lợi, nhiều bè bạn, đồng đội, đồng nghiệp thân thiết đã có cơ hội đến vùng quê của Đào Phan. Rời sân bay quốc tế Nội Bài, trên đại lộ cao tốc xuôi về Nam, những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những đàn chim trời bay liệng như cánh diều hòa quyện vào mây trời. Quê hương văn hóa đổi mới từng ngày. Tiến sĩ Trương Thành, đồng đội Sơn Long, nhà văn Bình Minh và những người bạn quý vui trong niềm vui chung của cuộc sống thái bình. Có mặt tại quê nhà là các bậc lão làng, doanh nhân, nhà quản lý, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo vùng đất sản sinh các bậc tinh hoa văn hóa. Quy củ và bài bản, ấm áp của sự thân tình và tin cậy. Mọi người đều cảm nhận ở Đào Phan một cá tính - một nhân cách, làm doanh nhân không quên trách nhiệm xã hội, nâng đỡ cánh chim văn hóa tỏa rộng, vút cao lên bầu trời đại ngàn, coi trọng truyền thống cội nguồn. Bác cả Dậu Sóc Sơn, sếp cũ ở đơn vị sân bay - binh chủng không quân trước đây đọc mấy câu thơ mà ông tâm đắc viết tặng Đào Phan về một chữ TÂM - nghĩa tình và tâm phúc, sâu sắc mà chí lý.

Hoa đào nơi Tứ Hải! Khi hoa đào và hoa mai sắp vào mùa đón mùa xuân cũng là dịp mừng sinh nhật của Đào Phan. Người bạn Nhật Bản - đối tác thủy chung suốt hai mươi năm nay - bay từ Tokyo đến thẳng biệt thự biển mừng tặng doanh nhân Đào Phan bó hoa tươi thắm với lời chúc bằng tiếng Việt: “Mừng sinh nhật Chủ tịch Đào - Năng động - Thủy chung - Nghĩa tình”. Đó là phần thưởng dành riêng cho Đào Phan, là niềm tin về một doanh nhân nghĩ và làm, tư duy và hành động đầy bản lĩnh và trách nhiệm.

Xuân Ất Tỵ - 2025

Khách xuân - Thơ  Nguyễn Thị Thúy Ngoan

Khách xuân - Thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan

Baovannghe.vn- Đầu xuân khách đến chơi nhà/ Thảo nào chim khướu hót xa hót gần
Đêm ba mươi tết con về - Thơ Ninh Đức Hậu

Đêm ba mươi tết con về - Thơ Ninh Đức Hậu

Baovannghe.vn- Đêm ba mươi tết con mơ/ Tay vin ngọn gió chân mờ ánh sao
Anh Quốc: Chính phủ tài trợ 60 triệu bảng cho ngành công nghiệp sáng tạo

Anh Quốc: Chính phủ tài trợ 60 triệu bảng cho ngành công nghiệp sáng tạo

Vương quốc Anh đã có bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo, khi chính phủ Anh công bố gói hỗ trợ trị giá 60 triệu bảng Anh nhằm tăng cường tăng trưởng kinh tế và đổi mới. Gói tài trợ này đánh dấu bước khởi đầu trong Kế hoạch Ngành công nghiệp Sáng tạo của chính phủ Anh.
Khai mạc triển lãm mỹ thuật chuyên đề "95 mùa xuân có Đảng"

Khai mạc triển lãm mỹ thuật chuyên đề "95 mùa xuân có Đảng"

Baovannghe.vn - Sáng 17/1, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã diễn ra Lễ khai mạc Triển lãm chuyên đề 95 mùa xuân có Đảng giới thiệu 66 tác phẩm của 55 tác giả, nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025) và mừng xuân Ất Tỵ 2025.
Hoa Xuân - Thơ Thái Anh

Hoa Xuân - Thơ Thái Anh

Baovannghge.vn- Tháng ngày như gió thổi/ chất chồng những phôi pha