Sáng tác

Mưa bão năm Nhâm Thìn. Truyện ký của Nguyễn Văn Niên - Nguyễn Tri Nha

Nguyễn Văn Niên kể / Nguyễn Tri Nha ghi
Truyện
11:00 | 05/10/2024
Baovannghe.vn - Tính vậy mà không được vậy… Mới đặt tấm vạt tre đã thấy nước xâm xấp rồi. Lại ngồi dậy, lại chuyển… Riết chuyển 4-5 đám chân ruộng cao hơn mà nước vẫn dâng theo
aa

…Nằm mới một chút mà nước đã lên ướt lưng rồi.

…Ráng chịu ướt một chút, lạnh một chút mà ngủ qua đêm rồi mai tính… Thực ra cũng chưa tính được, vì đang nằm giữa ruộng lúa ngoài đồng. Tính để sáng ra, nhổ cọc giường lên, tìm đám ruộng cao lại cắm cọc giường… ở chỗ mới…

Tính vậy mà không được vậy… Mới đặt tấm vạt tre đã thấy nước xâm xấp rồi. Lại ngồi dậy, lại chuyển… Riết chuyển 4-5 đám chân ruộng cao hơn mà nước vẫn dâng theo… Làm sao nằm được nữa. Đành nhổ cọc giường lên, dỡ vạt lên nhấn chìm giữa ruộng nước rồi ôm bao bố, quần áo khô và tấm che lá chằm lên bờ ruộng ngồi.

Mưa bão năm Nhâm Thìn. Truyện ký của Nguyễn Văn Niên - Nguyễn Tri Nha
Minh hoạ Nguyễn Đăng Phú

…Nhìn quanh, nước minh mông, lúa lấp ló ngọn, bờ ruộng mấp mé... Đêm nay thôi hết ngủ. Ngồi thế này, rồi lính sẽ biết. Rồi nó sẽ ruồng bố tìm kiếm...

…Đầu năm 1952, Huyện ủy quyết định điều tôi về Vĩnh Trị làm nhiệm vụ bí thư. Cơ sở xã Vĩnh Trị bị tan vỡ. Cán bộ bị bắt. Hơn trăm người gia đình quần chúng cơ sở dân bị địch bắt giam ở Gò Công...

Nhận nhiệm vụ mới, tôi cũng lo lắng. Mới 22 tuổi liệu có làm nổi bí thư không? Bây giờ cơ sở trắng cả, sẽ bắt đầu từ đâu? Thôi, cứ về xóm Viên trước, đây là xóm mình, bà con biết mình từ bé. Cha mình và anh Ba đã hy sinh trong kháng chiến, bà con biết gia đình mình có truyền thống chắc sẽ giúp đỡ mình. Hơn nữa ở xóm còn có anh Tư của tôi, một đảng viên vẫn giữ được tính hợp pháp. Đến lúc này tôi mới thấm thía đường tính xa xôi của anh Tư, nhà mình phải có người giữ hợp pháp, vừa lo lắng được gia đình vừa lo được cho người nhà đi thoát ly kháng chiến…

Thấy tôi về, bà con ai cũng mừng. Bà con thương lắm, nói muốn ăn gì cũng cho ăn, muốn thuốc men cần thiết nào cũng kiếm được nhưng dứt khoát không cho ở… Bà con nói, ở trong nhà thì thằng địch tìm, mấy bữa nó lại đi xom tìm hầm bí mật. Bà con nói, ai cho ở cũng đừng ở, không giữ được đâu, cứ ra ngoài đồng mà ở, bao giờ nghe ngóng yên yên thì mới tính vào xóm được… Tôi nghe bà con nói thật lòng, chỉ có cách đó vừa an toàn, vừa không xa rời bà con cơ sở…

Vậy là tôi ra ngoài đồng ở…

Tôi ở ngoài đồng từ lúc lúa mới cấy… Tôi đóng giường giữa ruộng lúa. Người tôi nhỏ con nên đóng giường cũng dễ. Mấy cọc giường đóng xuống ruộng, một vạt giường nhỏ gác lên, trùm lá chằm lên đầu che mưa che nắng che thân là yên trí. Thấy người lạ, thấy lính là tôi sẽ nhổ cọc giường, nhấc vạt giường ra nhận nước giữa ruộng rồi tránh núp hoặc trườn đi chỗ khác…

Tôi di chuyển nhiều chỗ, chỉ anh Tư biết… Anh đi đặt đó, mang cơm hoặc chờ nói chuyện… Sau dần tôi liên lạc thêm cơ sở, đã hình thành lại chi bộ…

Tới khi lúa đứng cái sắp trổ, tôi đang tính khi lúa gặt, đồng sắp trống thì tôi sẽ chuyển hẳn vào ở trong xóm với 5-6 hầm bí mật… Đang chờ đợi chuyển vô xóm ở hầm thì lại gặp đêm mưa và nước lên như thế này…

…Nhìn cánh đồng nước minh mông mờ mờ, nghe gió lúc lúc lại ào ào, mưa lúc nặng lúc nhẹ, thấy nước cứ dâng lên từ từ, tôi biết rằng cứ ngồi đây lâu là không ổn. Những đêm mưa bão như thế này có thể có những tên thám báo biết cách thức cán bộ nằm ngoài ruộng sẽ ra ngoài đồng rình rập mong báo công cho giặc. Tôi phải tiếp tục di chuyển không thể ngồi mãi đây…

Di chuyển dần theo chân ruộng cao, tôi đã đến gần đám gò cao mả đá xóm Dinh. Nước lên có thể ngập ruộng chắc không thể ngập gò được. Ở gò có cây xung quanh che chắn, tôi sẽ chờ anh Tư sẽ tới…

Trời sắp hừng đông, ôm mớ quần áo khô, bao bố và tấm lá chằm tôi lội ra cái gò, cách đó chừng 1km… Nước đã lên cao, thỉnh thoảng tôi lại vấp bờ ruộng đã chìm dưới nước, té ngã ạch đụi nhưng vẫn cố giơ cao quần áo, bao bố cho khỏi ướt.

Gần tới những đám cây che khuất khu gò, trong bóng tối, tôi nghe có những tiếng chít chít liên hồi… Dừng lại lắng nghe, tôi nhận ra tiếng những con chuột đang cắn nhau. Tôi bị ngập nước ngoài ruộng nên tìm đến gò cao nhưng lũ chuột trong khắp cánh đồng này còn nhanh chân hơn tôi. Có lẽ phải hàng trăm con chuột chứ không ít. Bây giờ tôi đành phải tranh giành với lũ chuột để giành chỗ trú chân.

Tôi bẻ mấy cành điên điển cầm tay rồi len qua mấy cây trước mặt để bước lên gò. Chân vẫn còn đứng dưới mép nước mà tay tôi đã phải quất tới tấp vào lũ chuột phía trước. Không biết có bao nhiêu con chuột bị quật trúng mà thấy tiếng kêu chít chít loạn xạ, tiếng chuột nhảy xuống nước lõm bõm, nhảy xô cả vào cẳng chân dưới nước của tôi.

Đoán chừng bầy chuột trước mặt đã chạy dạt đi rồi, tôi bước vội lên gò. Đạp phải một con chuột ướt nhẹp, tôi bước nhanh về phía trước. Lên tới chỗ cao nhất, tôi vội ngồi thụp xuống thật nhanh. Một tay vẫn cầm cành cây quơ quơ xung quanh đuổi chuột, một tay tôi đặt nhanh mớ quần áo khô và bao bố xuống đất ướt. Tôi vội vàng lấy bao bố bao quanh hai bàn chân để phòng những con chuột liều lĩnh leo lên cắn chân tôi. Tiếng chít chít lại rộ lên quanh chỗ tôi ngồi.

Nước vẫn dâng lên từ từ xung quanh gò. Lũ chuột vẫn loi ngoi lóp ngóp ở mép nước. Không thể cứ ngồi đuổi chuột mãi thế này được. Trong ánh sáng nhợt nhạt của ban mai tôi thấy hai cái mả đá tối sẫm nhô cao trên gò là có thể cho mình chỗ ngả lưng để chợp mắt đôi chút. Nước lên đã lấp loáng gần quanh đám gò, tôi bỏ chỗ ngồi, leo lên mả đá. Vội vàng trải mấy tấm bao bố rồi trùm tấm lá chằm lên người và tôi đã nhanh chóng đi vào giấc ngủ mỏi mệt.

*

…Có lẽ phải 8-9 giờ sáng rồi nhưng trời vẫn âm âm u u, không hề có một tia nắng. Tôi uể oải ngồi dậy, cuốn tấm bao bố trải nằm đêm qua… Chưa cuốn hết tấm bao bố tôi bỗng bủn rủn cả người… Ngay dưới tấm bao bố là một con rắn hổ to tướng nằm khoanh tròn… Tôi lùi người lại, lùi ra sát mép ngôi mả đá. Đêm qua tôi đã nằm trên con rắn hổ này sao? Hay là nó mới mò vào đây chui vô dưới tấm bao tìm hơi ấm? Tôi nhìn kỹ… Con rắn to tướng nằm im… Tôi thò tay móc cục đất ném vào con rắn bịch… bịch… Con rắn vẫn nằm im, không hề cựa quậy nhúc nhích gì… Tôi nhìn kỹ thấy đuôi thò ra còn vướng mảnh xác vỏ da rắn trăng trắng… Đây là con rắn mới lột ư? Có lẽ đúng là con rắn hổ mới lột, tuy to tướng vậy nhưng mà yếu ớt. Đêm qua trải tấm bao bố lên người nó mà tôi không hề biết. Mệt quá, tôi nằm ngủ mà không thấy cộm dưới lưng. Cả đêm tôi day trở trên tấm bao bố và đè bẹp con rắn hổ mới lột… nghĩ lại mà ớn. Đêm qua tôi tưởng chỉ tranh giành với lũ chuột ai ngờ tôi đã tranh giành chỗ nương thân với cả con rắn hổ này…

…Bất giác tôi nhìn ra xung quanh. Ban ngày nhìn thấy rất rõ ràng. Ngoài lũ chuột vẫn chen chúc trên mảng gò còn chưa bị ngập nước thì trên những cây điên điển quanh gò lủng lẳng những con rắn hổ to bằng cườm tay, ngời sáng đang cuộn khoanh quanh những nhánh điên điển đang bò dần xuống, gặp nước lại ngóc đầu lên và vặn mình bò lại lên cây.

…Trân trân nhìn xác con rắn hổ trên mả đá, nhìn những con rắn hổ lấp lánh đang cuộn mình trên cây tôi mới nhớ ra, mình đang ngồi trên khu gò mả đá xóm Dinh, nơi có tiếng là nhiều rắn nhất trên cánh đồng. Nước dâng lên thì nhiều con rắn cũng đã tìm về đây. Con rắn hổ trên mả đá có lẽ là con rắn hổ lớn nhất, mạnh nhất đã đuổi những con rắn khác để chiếm chỗ tốt nhất, khô ráo nhất để làm cuộc lột xác trong đêm. Nếu tôi đến sớm một chút khi cuộc tranh giành lãnh địa của lũ rắn vào hồi quyết liệt thì chắc mạng tôi đã không còn…

Không thể chịu đựng cái xác rắn hổ trên mả đá nữa, tôi lo đào lỗ dưới gò ướt và chôn nó. Cái núm đất chôn xác con rắn, lũ chuột tuy nhung nhúc xung quanh nhưng không con nào dám bò tới.

…Tôi ngóng qua đám cây điên điển, cố không nhìn những con rắn đang cuộn khoanh nùi nùi trên cây, tôi chờ đợi mong ngóng một bóng dáng quen thuộc. Nước đã ngập minh mang khắp cánh đồng. Từ khu gò mả nhìn vào trong xóm thấy những mái nhà vẫn còn lô nhô như cũng rung rinh giữa minh mông đồng nước. Thỉnh thoảng có dáng chiếc xuồng đơn độc từ nhà này chầm chậm ghé qua mái nhà kia. Nhà anh Tư tôi cũng có một chiếc xuồng ba lá nhưng chưa hề xuất hiện. Lúc này tôi mong anh Tư biết bao…

…Sau này anh Tư kể tôi mới biết anh cũng lo lắng cho tôi thắt ruột. Thấy mưa bão là biết tôi gặp khó rồi. Có lúc tính chống xuồng đi tìm tôi hoặc chở tôi về nhà nhưng gió bão lại nổi lên, liều đi thì vợ con ở nhà gặp nguy ai sẽ lo? Thế là đành nén lòng ở lại, không biết em mình có qua được cơn mưa bão này không? Đêm nằm nghe gió hú, nghe mưa đập trên mái, cứ ngóng tiếng thằng em lội nước tìm về. Em tìm về thì đỡ lo mưa gió, ăn uống nhưng lại lo gián điệp biết, báo lính vây nhà. Mưa bão này mà lính vây nhà thì chạy đàng nào? Cứ lo như vậy mà cả đêm không chợp mắt…

…Tôi ngóng trông mà càng nghĩ càng thương anh Tư tôi. Khi cha tôi mất, rồi mẹ cũng mất rồi, ba anh em tôi hội ý, ai sẽ trở về lo gia đình? Anh Ba là ủy viên thư ký ủy ban hành chính kháng chiến trong xã, không thể về được. Rồi anh Ba hy sinh… Chỉ còn anh Tư và tôi. Tôi muốn đi bộ đội. Anh Tư thì mới cưới vợ... Bàn nhau, thôi để anh Tư về, ở nhà, lo gia đình, lo mấy đứa em...

Tôi thoát ly từ đó... Anh Tư là cái neo giữ cho tôi khỏi chao đảo, là căn cứ, là chỗ dựa cho tôi lúc khó khăn, nuôi giấu tôi lúc hoạt động bí mật. Tôi chắc anh đoán nước ngập đồng rồi thì tôi sẽ tìm đến mấy gò cao để trú tránh…

…Tôi ngồi trên mả đá, lấy bao che chân, lấy tấm lá chằm che thân, chịu đựng trời mưa. Tôi vẫn luôn tay cầm bó cây quất xung quanh cho chuột khỏi bò lên, vừa canh chừng lũ rắn trên cây vẫn đang rập rình bò xuống gò đất.

…Suốt một ngày một đêm ngồi trên mả đá, vừa canh chừng lũ rắn lũ chuột vừa canh chừng mực nước đang lên hay đã giựt xuống… Không biết bao giờ mới dứt cơn mưa bão này. Năm nay là Nhâm Thìn. Năm Thìn nên mưa bão ghê gớm lắm. Nghe ông bà xưa kể, cơn bão năm Giáp Thìn hãi hùng ghê gớm, có người chết trôi mà vẫn còn mang mũ mãng, đeo râu như người đang hát tuồng trong các kỳ cúng đình. Cơn bão đó xảy ra đúng đêm rằm tháng ba, đương mùa khô hạn, ruộng đồng nứt nẻ, bỗng trời nổi cuồng phong ào ào xô cây trốc gốc, vách đổ nhà xiêu, tàu thuyền ngoài biển, trong sông bị nhấn chìm vô số, xác người, xác súc vật trôi lềnh bềnh trên sông, ngoài ruộng. Mấy ngày sau, dân làng tổ chức cuộc đi chôn xác, tìm gặp đâu chôn đó, nhiều vô kể… Ông nội tôi kể lại, ông cố chúng tôi là người miền ngoài đi tìm hai người anh em ở miền đông cũng không thấy quay lại, không chừng cũng bị chết trong cơn bão năm Giáp Thìn này chăng?

Bão Giáp Thìn là vào rằm tháng ba, nay năm Nhâm Thìn đã là đầu tháng chín rồi… Năm Rồng nên cũng chẳng biết được trời đất xoay chuyển thế nào. Ai biết được là tôi lại đến khu mả đá xóm Dinh này mà trú, mà phải giành chỗ với rắn và chuột…

…Nước không lên nữa, đã đứng lại, nhưng vẫn chưa giựt xuống. Có con rắn không chịu đeo trên cây nữa, đã trườn xuống theo gốc cây dưới nước, rồi lại từ dưới nước ngoi lên gò đất ướt, tranh chỗ với lũ chuột. Những con chuột bu lại cắn nhau với con rắn táo tợn. Chuột nhảy lên cắn vào mình rắn, cắn vào cổ rắn. Con rắn ngóc ngóc đầu lên, mổ vào lũ chuột. Con chuột giơ hai chân trước, giương mắt nhìn rắn, khè khè, gan góc. Con rắn mổ xuống, trúng con chuột này thì 2-3 con chuột khác nhảy vô cắn cổ rắn. Con rắn lại ngóc đầu dựng cổ lên, xoay cái mang bành, cái đầu nhỏ xíu nhấp nhánh con mắt ướt nhưng thè ra cái lưỡi dài chĩa hai nhánh nhọn hoắt lại bổ xuống những con chuột gần nhất… Những con chuột bị mổ trúng, lăn ra dãy dãy rồi nằm im. Có con chuột tỉnh dậy đi tìm cỏ cọ cú, đào lấy củ nhai nhai… rồi lại nhảy vào cắn nhau với rắn tiếp… Có con chuột lặn xuống nước, tìm cây cỏ cọ cú, ngoi lên, nhai nhai cho hồi tỉnh rồi lại nhảy vào cắn nhau với rắn… Có lúc con rắn khoanh người lại thành hình tròn như cái rổ nhỏ, giấu cái đầu bé tí và hai con mắt ướt ở giữa, chỉ còn cái đuôi thò ra ngoài ngọ nguậy… Lũ chuột nhằm vào cái đuôi mà nhảy tới, khè khè… chít chít… mà cắn…

…Tôi ngồi trên mả đá nhìn lũ chuột và rắn cắn nhau mà quên cả đói, vừa sợ vừa lạ… trời tối ập xuống lúc nào không hay. Chỗ gò ướt mà chuột rắn cắn nhau chỉ còn mờ mờ nhập nhoạng rồi nhòe hẳn, chỉ còn nghe tiếng chít chít… khè khè… trong bóng tối. Ai ngờ được trong đêm mưa bão này không chỉ những con chuột, những con rắn và cả một con người là tôi đang chiến đấu tranh giành một chỗ trú thân. Không nhìn rõ nữa nhưng tôi vẫn phải cầm túm cây đập đập, xua xua, thỉnh thoảng miệng xùy xùy vài tiếng vừa dọa chúng vừa nhắc mình ráng thức, đừng ngủ…

…Suốt đêm qua cũng thức trắng, chợp mắt được chút đỡ mệt nên giờ tôi đã thấy đói. Tôi lần tìm nửa tán đường anh Tư đưa từ hôm trước, phòng tôi lúc chợt thèm bánh kẹo, thèm đồ ngọt. Tôi đã cẩn thận gói miếng đường trong lá chuối, giữ cho khỏi ướt, thỉnh thoảng mới lấy ra nhấm nháp. Bây giờ tôi lại lấy miếng đường ra, nhấm một chút thôi, rồi lại cất đi, vì cũng không biết còn mưa bão tới bao giờ…

…Thế là đã ba ngày nay không một hạt cơm nào vào bụng. Chiều hôm trước đã nói anh Tư đừng mang cơm nữa, để tôi vào xóm ăn cơm nguội trong bếp những nhà cơ sở. Hầu như trong xóm, nhà cơ sở nào cũng nấu cơm dư, để cơm và thức ăn dưới bếp cho tôi. Tuy là cơm nguội nhưng có khi vẫn còn ấm, nhiều khi còn cả mảng cơm cháy cho tôi mang theo. Nhưng chiều đó tôi đã không kịp vào xóm… Lúc đói thế này mà nhớ tới cơm nguội mới thấy là ngon. Bao giờ nước rút để lại vào xóm ăn cơm nguội…

…Tôi thiếp đi lúc nào không biết, lúc chợt tỉnh dậy thì trời đã sáng rồi. Vẫn không thấy mặt trời, không có tia nắng nào, vẫn âm âm u u xám xịt, vẫn gió ào ào, vẫn chút mưa chút ngớt rồi lại mưa… cứ lộp độp lắc rắc trên tấm lá chằm trùm trên người… Trong tay tôi vẫn nắm chặt mấy cành điên điển xác xơ vì quơ đập liên hồi…

Tôi vội nhỏm người nhìn chỗ chuột rắn cắn nhau hôm qua. Con rắn vẫn nằm khoanh ở đó nhưng cái đuôi thò ra thì không còn động cựa gì hết. Đã thấy mấy con kiến bò trên cái đầu nhỏ xíu giữa khoanh… Nó đã chết rồi. Rải rác quanh nó cũng có mấy con chuột nằm nghiêng, hé lộ ra mảng bụng trắng, chân duỗi ra không nhúc nhích…

Trên cây điên điển phía trước vẫn còn con rắn hổ cuốn trên cành ngang trước mặt. Trên những cây xung quanh vẫn còn rắn cuốn. Nhưng trên gò ướt đã thấy hai con rắn nữa đang cắn nhau với lũ chuột còn lúc nhúc trên gò. Lại cảnh rắn ngóc ngóc mổ mổ vào lũ chuột. Lũ chuột vẫn bu quanh nhảy vào cắn cổ rắn, chồm lên cắn lên khúc mình uốn lượn của con rắn, cái đuôi con rắn ngoe nguẩy lẩn tránh lũ chuột. Chúng nó quyết cắn nhau đến chết để giành nhau đất sống.

Tôi cũng phải giành cho mình chỗ tránh trú an toàn. Rón rén, cẩn thận, tôi đặt chân xuống gò đất, dùng khúc cây điên điển từ từ đẩy xác từng con chuột rồi đẩy xác con rắn xuống nước. Chúng nặng nề chìm xuống, dập dềnh theo những đợt sóng nước rồi mất dạng… Chỗ chiến trường ấy trở thành khoảng trống an toàn trước mặt tôi, không có con rắn hay lũ chuột nào tới đó nữa. Tôi quay sang canh chừng hai con rắn đang cắn nhau với lũ chuột ở bên kia.

…Lại những tiếng chít chít của lũ chuột nhảy vào cắn con rắn… Con rắn lại ngóc đầu, phùng mang bành ra bổ xuống những con chuột liều lĩnh phía trước… Con chuột lại giơ hai chân trước, nhe răng, khè khè dọa con rắn… Những con chuột bị rắn mổ trúng người lại đi tìm cỏ cọ cú hoặc ở trên gò, hoặc dưới nước ngập, nhai nhai trong miệng rồi lại nhảy vào cắn nhau với rắn. Hình như bị trúng nọc độc, cả rắn và cả chuột đều hăng lên, nhảy vào cắn nhiều hơn, phùng mang bổ xuống mạnh hơn…

Tôi cầm chắc những cành điên điển ngồi canh chừng, xua đuổi những con chuột liều lĩnh nhào vào gần chỗ tôi ngồi. Nhìn cảnh chuột rắn cắn nhau tôi cũng bớt thấy đói, bớt thấy sợ nhưng vẫn ngóng nhìn về phía xóm xem có động tĩnh gì lạ không. Tôi vẫn lo lính đi ruồng bố. Suốt ngày hôm nay nước đã đứng lại, không thấy lên nữa. Chập tối, hình như nước đã rút xuống một chút. Có lẽ mai sẽ còn rút nữa. …Mưa ít hơn, thỉnh thoảng lại lộp độp trên tấm lá chằm... Đêm nghe mưa, nghe gió, nghe những cành cây chạm nhau xào xạc… Đôi khi cũng nghe tiếng sấm rền trên cao, hy vọng ngày mai sẽ đỡ hơn, mưa bão này sẽ qua nhanh hơn...

Khi tôi mở mắt bừng dậy thì thấy trời có chút hửng nắng. Hai con rắn cắn nhau với lũ chuột đã chết trong đêm, xác nó cong queo bên mép nước, xác mấy con chuột cũng rải rác quanh quanh đó.

Nhưng mừng nhất là nước đã rút xuống chừng nửa gang tay. Nước rút nhưng lũ rắn lại cũng rút xuống gò, không còn đeo trên cây nữa. Ở gò mả đá tôi trú có thêm hai cặp chuột rắn mới đang cắn nhau. Phía gò bên kia tôi cũng thấy ba cặp rắn chuột cắn nhau... Tôi cũng không còn ham nhìn chúng nữa, cũng không bận tâm lũ rắn chuột đã chết còn ngổn ngang bên này. Nước đang rút xuống rồi. Tôi đang ngóng về phía xóm, chờ chiếc xuồng quen và bóng dáng anh Tư tôi...

…Không biết ở đâu lại xuất hiện mấy con chuột cống xù bên gò kia. Chỉ lo chúng nó sang gò bên này. Vừa canh chừng lũ chuột cống vừa ngóng về phía xóm. Nước đang rút rồi. Đã lấp ló mấy ngọn lúa ở chân ruộng cao quanh gò. Đã thấy mấp mé mấy bờ mẫu. Thế nào anh Tư tôi cũng đến tìm tôi ở khu gò cao này…

…Từ trong xóm có một chiếc xuồng nhô ra.

…Tôi vừa tính nhỏm đứng dậy nhưng lại phải ngồi ngay xuống. Đau quá. Ngồi lâu, hai chân bị bại, như bị muôn nghìn mũi kim đâm vào bắp chân, bàn chân. Tôi nghiến răng, chịu đau, cố gắng co quắp duỗi duỗi những ngón chân tê bại. Tôi lấy bàn tay xoa xoa vào bắp chân, cố gắng co duỗi hai cẳng chân tê bại…

Xuồng anh Tư? Đúng xuồng anh Tư rồi. Chiếc xuồng như ngập ngừng như chòng chành dò tìm rồi cứ nhằm khu gò cao này băng băng chống tới.

Tôi dò dẫm từng bước trên gò ướt, lội xuống nước, len qua những thân cây điên điển, bước ra ngoài khu gò. Hôm trước, những cây quanh gò còn có những con rắn hổ đeo cuộn nhìn mà rợn người. Nhưng giờ tôi như quên cả rắn cả chuột, cứ luồn lách, chui qua những cành che chắn trước mặt để mau ra đón anh Tư. Tôi bước ra ngoài bìa trống, tôi cầm cành điên điển huơ huơ trên cao, vẫy vẫy anh Tư.

Chiếc xuồng anh Tư băng lên nhanh hơn rồi bỗng khựng lại. Chỗ này bờ cao, xuồng không lướt qua được. Anh Tư nhảy xuống nước, chạy ào ào về phía tôi, nước bắn tóe lên. Vừa nhìn rõ mặt tôi, anh không kịp nói gì mà cứ khóc ồ… ồ…

…Anh Tư vội vàng kể lấp vấp, tôi nghe cũng hiểu được tình cảnh khốn khó của anh. Anh không mang cơm cho tôi được vì nếu chống xuồng đi kiếm tôi thì cả nhà trông vào đâu, nếu đi vợ con ở nhà gặp nạn chết sao? Lo cho em, khóc… Lo vợ con, sốt ruột… Thấp thỏm, khóc thương em mà không biết làm sao được… Thấy hôm nay tình hình ổn ổn, anh Tư chống xuồng băng đồng tìm tới chỗ tôi ở… Thấy đồng trắng, chỉ còn chỗ gò thôi… Anh vội chống xuồng tới đây… Anh Tư lại khóc ồ ồ… sợ em chết vì mưa lạnh… anh muốn chở em vô nhà… nhưng sợ rủi có người biết, báo lính… anh không sao tính được…

Rồi anh hỏi tôi tiếng được tiếng mất, mấy ngày nay em sống sao, ngủ sao… Tôi cũng mếu máo, cũng khóc ệu ạo, nói khào khào, tiếng được tiếng mất… ngủ sao được, rắn cắn chết… Tôi chỉ vào phía trong gò, nơi vẫn còn mấy cặp rắn chuột đang cắn nhau, nơi có hai xác rắn và cả chục xác chuột quanh đó…

Nhìn vào trong gò anh Tư không khóc nữa mà nói nhỏ, nhiều lúc nghĩ tới rắn cắn… không dám nghĩ tiếp… Có lúc mưa nhỏ muốn vọt đi tìm tôi nhưng gió lại mạnh, không dám đi vì còn vợ con ở nhà…

Anh hỏi, mấy ngày nay em ăn uống ra sao.

Tôi nghẹn ngào, lắp bắp, có gì đâu mà ăn, chỉ có miếng đường anh đưa hôm trước cầm hơi thôi…

Như chợt nhớ ra điều quan trọng nhất, anh nói vội, anh có mang cơm và tôm rang cho em, rồi vội vàng quầy quả quay lại xuồng…

…Nghĩ tới cơm, tới tôm rang, bụng tôi lại như cồn cào quặn thắt vì mấy ngày này chỉ lo canh chừng rắn chuột, canh chừng lính ruồng bố…

Nhưng cũng kỳ lạ thay, tự nhiên tôi lại thấy ấm áp, vững vàng và tin tưởng. Anh Tư đã tới rồi. Tôi sẽ lại ăn uống đàng hoàng… Anh sẽ mang bao bố mới, lá chằm mới, áo quần khô mới cho tôi.

…Rồi tôi sẽ lại quay trở lại đôi gò đó… Lại rắn chuột, lại đập, đuổi, lại chờ đợi. Nhưng rồi mấy hôm nữa nước sẽ cạn đến đất, lũ chuột lũ rắn sẽ lại trở về hang của chúng… Rồi tôi sẽ lại ra ruộng, lại đóng giường ở nữa…

…Rồi lúa sẽ chín, sẽ thu hoạch trống đồng và tôi sẽ vào trong xóm, ấm áp và yên ổn trong sự bảo vệ của anh Tư tôi và của những gia đình cơ sở…

(Những ngày bão lũ năm Giáp Thìn 2024 này lại nhớ câu chuyện ông Nguyễn Văn Niên (1930-2005) tức Năm Niên, Tám Niên, nguyên Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang kể. Đã 40 năm rồi, người kể chuyện đã đi xa, những tờ giấy ghi chép đã ố vàng… mà câu chuyện vẫn còn như hiển hiện trước mặt…)

Nguyễn Văn Niên (kể) - Nguyễn Tri Nha (ghi)

Mưa bão năm Nhâm Thìn. Truyện ký của Nguyễn Văn Niên, Nguyễn Tri Nha
Cầu Băng Ky, 1935 – Rạch Băng Ky.
Ảnh minh họa trong sách Chuyên khảo bằng tranh vẽ về Đông Dương : Nam Kỳ, 1935 – Đất và Người

-----------

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc truyện: Anh trai tôi. Truyện ngắn dự thi của Hoàng Ngọc Điệp Doi biển. Truyện ngắn dự thi của Bùi Tuấn Minh Canh chua. Truyện ngắn dự thi của Ryan Phạm Đọc truyện: Canh chua. Truyện ngắn dự thi của Ryan Phạm Người ở lại. Truyện ngắn dự thi của Thu Loan
Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Chàm. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân

Baovannghe.vn - Gần đây, người ta lấy thuốc hậu sản cho phụ nữ rất nhiều. Ngoạn thấy bố gọi chứng trầm cảm sau sinh là hậu sản. Bố nói, tất cả những căn bệnh của phụ nữ sau sinh đều nguy hiểm đối với không chỉ người mẹ, đứa con mà còn đối với cả cuộc hôn nhân.
Đá chín - Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh

Đá chín - Truyện ngắn dự thi của Phan Đình Minh

Baovannghe.vn - Định mệnh không phải thứ Thượng đế trao sẵn mà tiềm ẩn từ khối óc và bàn tay chăm chỉ. Điều công chính, rành rọt là Rũng Xầu muốn tận hưởng đủ đầy thành quả giấc mơ Đá chín một cách hiện hữu thì gã phải trung thực trên mọi chặng đường đời có vay có trả.
Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025

Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025

Baovannghe.vn- Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non.
Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 24/11/2024

Baovannghe.vn - Di sản Tư liệu của UNESCO “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”
Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Dốc mây. Truyện ngắn của Lê Hà Ngân

Baovannghe.vn - Nghe con trai khuyên nhủ bà thấy yên tâm ngồi dậy ăn cơm cùng thằng con. Thằng bé buồn buồn gắp thức ăn cho mẹ, nhưng lại quay đi gạt nước mắt