Sáng tác

Siêu tân tinh. Truyện ngắn của Kosiso Ugwueze

Kosiso Ugwueze
Văn học nước ngoài
08:00 | 12/01/2025
Baovannghe.vn- Kosiso Ugwueze sinh ra tại thành phố Enugu (Nigeria) và lớn lên ở Nam California (Mỹ). Cô là nhà văn, biên tập viên, nhà sáng tạo nội dung. Các truyện ngắn của cô được xuất bản ở nhiều báo, tạp chí lớn, đặc biệt được đưa vào Tuyển tập truyện ngắn hay nhất nước Mỹ năm 2023.
aa

Xe buýt của hãng vận tải ABC đi Enugu vừa tới Lokoja thì đi chậm lại rồi đột ngột dừng hẳn. Isioma đang ngủ phía sau xe, đầu tựa vào cửa sổ đang rung lắc. Khi xe buýt dừng lại, cô bị giật mình tỉnh giấc.

Cô kiểm tra đồng hồ: 9 giờ rưỡi sáng. Cô lên xe buýt lúc 6 rưỡi sáng hôm đó ở Abuja, nơi cô đã ở cùng người mẹ, tên là Josephine, người đã xa cách cô từ lâu. Isioma ở cùng Josephine vì cô đã cố tự tử ở trại NYSC ở Gombe. Cô gái đã nuốt 30 viên thuốc paracetamol, nhưng lại là thuốc giả bị pha loãng. Isioma đã ngủ gần 24 giờ cho tới khi bạn cùng phòng, Edidiong, kiên quyết đưa cô tới bệnh viện.

Bây giờ Isioma đã nghe tiếng súng nổ rõ ràng. Âm thanh vang rền liên thanh, vọng trong không khí. Cô ngồi dậy, và bản năng đầu tiên không phải trốn tránh mà nghiêng về tiếng động. Cô biết âm thanh này vì từng sống gần doanh trại quân đội ở Enugu. Hồi còn bé, cô đã nghe, trong nhiều tháng liên tục, tiếng các binh lính tập luyện, bắn thủng lon thiếc và hình cắt bằng bìa. Giờ âm thanh đó đến với cô như mùi hương quen thuộc.

Siêu tân tinh. Truyện ngắn của Kosiso Ugwueze
Minh họa Ngô Xuân Khôi

Ba tên đàn ông leo lên xe buýt khiến xe rung chuyển dưới trọng lượng của chúng. Những gã đàn ông tiếp tục bắn, nã đạn lên trần xe trong khi đi từ đầu này tới đầu kia chiếc xe buýt thương mại. Các hành khách cúi rạp xuống, nhưng Isioma không rời mắt khỏi trần xe nơi những lỗ đạn đã mở đường cho ánh sáng ban mai lọt vào.

“Oya, đứng dậy!” Một giọng đàn ông vang lên. Isioma nhìn người này, thấy mặc áo ngụy trang, môi thâm đen còn ngậm tăm. Gã bước xuống lối đi, súng chĩa lên trần. Ở giữa xe buýt, gã dừng lại và kéo tóc tết của một phụ nữ, lôi cô ra khỏi chỗ ngồi. Khi cô ta chống cự, gã lắc mạnh cô. Sau đó, gã đẩy cô ta ra khỏi xe buýt. Isioma tự hỏi đây là vụ cướp bóc hay là bắt cóc đây. Ở Nigeria, có lẽ là cả hai.

Xe buýt bốc mùi như có hàng trăm cơ thể đang vã mồ hôi, ấy là điều đầu tiên ập vào suy nghĩ của Isioma khi cô cúi đầu và đan ngón tay sau cổ. Vài hành khách bắt đầu van xin.

Bọn đàn ông có vũ trang hét lên những lời tục tĩu.

“Sư chúng mày, làm phí thời giờ của ông!” Isioma nghe một tên hét lên. Sau đó, một giọng thô lỗ khác: “Chúa cái cha mày!” Đáp lại lời cầu xin của một phụ nữ.

Những tên đàn ông đi qua đi lại trên xe buýt. Chúng cười như linh cẩu, và toàn bộ cảnh tượng này - những hành khách sợ hãi, những gã đàn ông la hét - làm cho Isioma buồn cười đến mức phải rúc vào đầu gối để nhịn cười. Đầu cô cúi thấp đến nỗi cằm chạm vào đùi, mắt mở thao láo và nhìn chằm chằm vào đôi giày bám đầy bụi bặm của mình. Thật không thể giữ sạch sẽ bất cứ cái gì trong mùa khô ở Tây Phi, khi bụi phủ khắp mọi nơi - trên cành cây, trên nắp ô tô, trên mi mắt cô. Vào mùa mưa, bùn và nước mưa cũng ngấm vào giày thể thao, làm tất bẩn đến mức cô phải ngâm nhiều ngày trong nước nóng và Omo để tẩy sạch vết bẩn.

Cô cúi đầu trong nhiều phút, đếm những họa tiết hình vuông nhỏ trên sàn xe buýt. Trên đầu cô, những gã đàn ông tiếp tục la hét. Chúng lần lượt lôi từng hành khách xuống xe. “Mi, đứng dậy!” “Không, xin tha tôi, tôi có 6 đứa con!” “Tau có hỏi mi không? Đứng dậy!”

Khi một bàn tay kéo tóc và lôi cô ra khỏi xe buýt, Isioma đi theo ngoan ngoãn. Bên ngoài, mặt trời chói lóa. Con đường bị cành cây chặn và những cành cây đang bốc cháy. Sức nóng của ngọn lửa táp vào cô một lực mạnh. Cô tưởng tượng mình đang chạy vào trong đó.

“Đi, không là tau lôi mi!” Một trong những tên đàn ông có vũ trang nói, khi hắn đánh vào mặt một hành khách trẻ bằng nòng súng. Tên đàn ông cầm súng này, giống như đồng bọn của gã, mặc đồ ngụy trang, đi ủng buộc dây lên tới đầu gối. Mắt gã đỏ ngầu dù trông gã còn trẻ, như thằng nhãi ngoài đời nào đó đang gắng thể hiện làm đàn ông. Vẻ cứng cỏi của gã không được Isioma xem là nghiêm túc, và mặc dù gã đang cầm khẩu AK - 47, Isioma muốn đưa tay chạm vào mặt gã.

Gã bắt gặp ánh nhìn của cô và mắt gã nheo lại.

“Gái.” Gã nói, chĩa súng vào cô. “Oya, đi nhanh!”

“Đi đâu?” Cô hỏi. “Vào rừng à?”

Gã trông có vẻ bối rối.

“Còn đi đâu nữa?” Gã nói. “Đi nhanh!”

Cô quay về phía rừng cỏ cao và cây lè tè. Bầu trời không mây nhưng xám xịt; mùi lửa cháy trộn lẫn bụi trong không khí khô làm mũi cô ngứa ngáy.

“Đường này à?” Cô hỏi, nhìn lại gã thanh niên.

“Nếu gái không đi nhanh, tau sẽ bắn nát óc mi trên mảnh đất đỏ này.” Gã nói.

“Được rồi.” Isioma nói, và cô bắt đầu bước đi.

Cô thận trọng bước vào rừng, đi qua những cành cây rơi rụng. Cỏ cao tới vai. Phía sau, cô nghe được tiếng của những hành khách khác, một phụ nữ khóc, một đàn ông van xin. Bọn cầm súng tiếp tục lăng mạ. “Câm cái miệng thối của mi lại! Đi nhanh không tau bắn!”

Họ đi tiếp vào rừng trong nửa giờ. Isioma giờ đã chắc chắn là mình bị bắt cóc, vì bọn cướp đường sẽ không mất công dẫn họ vào rừng. Tuy nhiên, Isioma tự hỏi sao những tên có vũ trang không lôi họ tới nơi xa xôi hơn. Thường thì bọn bắt cóc kéo nạn nhân ra khỏi xe và ra khỏi nhà rồi đưa họ tới những ngôi làng hẻo lánh, có ít con đường đi qua. Những kẻ bắt cóc này dường như không phải tay mơ. Tất cả chúng, trừ tên trẻ nhất, đều có vẻ ngoài cứng rắn của những kẻ sát nhân. Tuy nhiên, họ chỉ cách đường lớn khoảng 30 phút. Isioma đếm từng phút trong đầu. Cô không quen thuộc cảnh quan vùng Lokoja, trung tâm kết nối giao thông gần giữa Nigeria này. Đó là nơi cô đã đi qua nhiều lần nhưng không thể nói rằng cô từng đến đó. Nó giống như bị hỏi liệu bạn từng đến London chưa và bạn trả lời có, nhưng chỉ mới đến sân bay. Chứ không phải bạn từng đến London thật.

Họ dừng lại.

“Oya.” Một gã nói, đập khẩu súng vào chân Isioma. “Ngồi xuống.”

Có 7 người trong rừng, gồm 4 hành khách và 3 tên đàn ông có vũ trang. Các hành khách bao gồm 2 thanh niên, 1 phụ nữ trung niên và Isioma. Hai thanh niên trẻ đã ngừng van xin nhưng người phụ nữ trung niên vẫn khóc lóc. Nước mắt chảy dài trên gò má và nước mũi tèm lem. Tiếng rên rỉ của người phụ nữ này làm Isioma phiền lòng.

“Ngồi xuống!” Tên đàn ông dường như là thủ lĩnh của nhóm có vũ trang gào lên. Hắn ta to lớn, mồ hôi nhễ nhại trên trán và mắt đảo như rang lạc khi nói. Hắn mặc áo phông đen bó sát, quần ngụy trang, ủng cứng.

Isioma ngồi xuống như được bảo. Mặt đất rải đầy những vụn cây. Chúng chạm vào chân trần và dính vào váy cô. Khi một trong hai hành khách trẻ, mặc áo đấu bóng Arsenal, không chịu ngồi xuống, tên đàn ông to lớn lắc mạnh anh ta.

“Tau bảo ngồi xuống!” Hắn nói. “Mi không nghe à?”

Cậu thanh niên ngồi xuống.

“Tôi còn đang đi học.” Cậu ta nói. “Cha tôi không có tiền. Nói thật, tôi còn chưa có tiền đóng học phí kì này.”

“Thằng nói phét!” Tên bắt cóc thứ hai nói. Hắn gầy gò, ngoại hình ẻo lả, mặt chi chít mụn. Hắn đi dép xỏ ngón với quần sooc nhiều túi, áo thun sẫm màu. “Sinh viên nghèo mà có iPhone, hả?” Hắn nói. Hai gã còn lại cười.

Sáu tháng trước khi tự tử, ngày nào cô cũng nghĩ về cái chết. Isioma tưởng tượng đến nỗi ám ảnh về cách cô sẽ thực hiện, liệu cô sẽ gieo mình từ nơi cao xuống, hay là nhảy xuống nước nơi có cá sấu. Cuối cùng, cô quyết định dùng thuốc. Đấy dường như là cách dễ dàng nhất, đơn giản nhất, và dễ thành công. Không phải vì cô không chịu nổi đau đớn, nhưng vào phút chót, cô quyết định rằng hiệu quả phải là quan trọng nhất. Tìm tòa nhà cao hay vùng nước có cá sấu nghĩa là phải đi xa khỏi thành phố, và Isioma cho rằng tất cả những điều đó quá phức tạp.

Cô dậy sớm vào ngày cô tự tử và đợi Edidiong, bạn cùng phòng, thức dậy. Edidiong có giọng ca đẹp, giọng hát được rèn luyện từ nhà thờ. Cô bạn thậm chí từng kéo Isioma đến một nhà thờ Công giáo hiếm hoi ở thành phố phía đông bắc Gombe, nơi Isioma được phân công phục vụ trong 5 năm. Lúc Isioma kể với bạn bè ở Enugu về nhiệm vụ được giao ở Gombe, họ đã rủa xả chính phủ Nigeria, cáo buộc muốn phá hủy những người tài giỏi nhất đất nước. Và khi biết cô sẽ thực sự dạy học tại một trường từng bị Boko Haram tàn phá, bạn bè khuyên cô nên kiện quyết định đó. Nhưng Isioma đã quen với ý định muốn chết nên chẳng quan tâm. Thay vào đó, cô về nhà và tìm kiếm hình ảnh những địa điểm bị Boko Haram đánh bom trên Google.

Bây giờ Isioma tính chụp một tấm ảnh selfie gửi cho Edidiong. Cô sẽ đặt chú thích là “Rừng, bé cưng ạ.” Edidiong sẽ hỏi “Cậu ở đâu vậy” và Isioma sẽ trả lời “Tớ bị bắt cóc. Tớ đang trong rừng. Tớ mong mình sẽ chết.”

Cô đúc tay vào túi áo để lấy điện thoại di động. Đó là thứ duy nhất cô có trong tay, ví của cô còn trên xe buýt.

“Ớ làm gì đấy?” Gã đàn ông to lớn nói.

“Tôi chỉ lấy điện thoại ra thôi.” Isioma đáp.

Tên trẻ tuổi nhất, đứa đã kéo Isioma ra khỏi xe buýt, phá lên cười.

“Không phải iPhone đâu.” Isioma nói. “Là Samsung thôi.”

Tên đàn ông to lớn nhìn cô với vẻ lạ lẫm.

“Gái bị điên à?”

Hắn bước đến gần và cướp điện thoại khỏi tay cô. Isioma tựa vào gốc cây phía sau và nhắm mắt lại. Quá đáng rồi.

Những tên đàn ông có vũ trang tịch thu tất cả điện thoại di động của họ. Gã to lớn cảnh cáo nghiêm khắc.

“Nếu cố bỏ chạy, sẽ chết ngay lập tức.”

Isioma giơ tay lên.

“Gì?” Tên đàn ông nói.

“Chúng em nên gọi anh là gì?” Isioma hỏi.

Có một khoảng lặng mà Isioma không biết tên đàn ông có nghe thấy cô hay chưa.

“Gọi ảnh là Ông Trùm.” Tên trẻ tuổi đáp. Trong ánh sáng mờ nhạt của rừng, mắt gã lấp lánh. Gã đang cắt một quả cam bằng con dao nhỏ. “Gọi ảnh là Ông Trùm hoặc Bố Già.”

Các sự kiện vào buổi sáng cố tự tử của cô diễn ra như sau: Isioma than đau bụng và bảo Edidiong thông báo trưởng đoàn khi cô đến trường. Lúc Edidiong đi rồi, Isioma ngồi dậy trên giường. Cô lấy điện thoại di động và nghĩ tới việc viết thư tuyệt mệnh. Nhưng cô không có gì thực sự muốn nói. Cô cũng không biết nên gửi cho ai, mẹ hay cha cô. Nếu muốn viết một lá thư, cô muốn đó là lá thư gửi cho ai đó. Và khi không thể quyết định ai sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn với cái chết của cô, người cha đã mất hay người mẹ đã gần 5 năm không gặp mặt, cô tắt điện thoại di động. Cô lục ba lô lấy ra những viên thuốc mua tại nhà thuốc gần đó.

Sau khi nuốt hết 30 viên thuốc, Isioma đứng bên cửa sổ, nghe âm thanh xe cộ. Gombe là thành phố sa mạc khô cằn. 5 tháng trước khi tới nơi này, cô chưa từng đi xa hơn Abuja. Miền bắc Nigeria là chốn hoang tàn u ám. Nhưng Isioma thấy thành phố và vùng lân cận yên bình, đẹp đẽ, đủ đầy. Cô thích nghe tiếng cầu nguyện mỗi sớm mai, thích tán chuyện thật lâu với các thương nhân về thời tiết, phong cảnh và quán nào tốt nhất để làm tóc hay cạo lông mày. Cô hầu như buồn khi phải bỏ lại thành phố này.

Không lâu sau đó, bụng Isioma quặn đau. Cố nằm lên giường nhưng không thể làm được. Căn phòng xoay mòng mòng. Đôi mắt đảo tròn. Cô nôn mửa rồi ngất xỉu.

Khi tỉnh lại trong bệnh viện, 24 giờ sau đó, cô thấy mẹ ngồi bên mép giường.

“Vừa có 45 học sinh bị bắt cóc ở Borno.” Josephine nói với con gái.

Isioma cố gắng ngồi dậy nhưng mắt mờ đi. Cô nắm chặt cạnh giường, nhắm mắt lại.

Cô nghe tiếng mẹ đứng dậy và đến bên cạnh giường. Khi cô mở mắt, mẹ đang nhìn cô với vẻ lo lắng. Isioma có thể ngửi thấy mùi nước hoa của mẹ, hương hoa oải hương luôn là dấu ấn riêng của mẹ. Isioma nhớ rằng cô sẽ dõi theo mùi hương này trong nhà dì ở Enugu, qua từng ngày mùi hương nhạt nhòa đi, rồi khi mùi hương hoàn toàn biến mất, Isioma biết rằng mẹ lại bỏ cô một lần nữa.

Từ khi còn rất bé, Isioma đã biết cha mẹ không muốn có cô. Cha mẹ cô yêu nhau khi còn quá trẻ, lúc Josephine mang thai, thì cha cô bỏ đi. Josephine lúc đó 19 tuổi, đang học đại học Y, phải xin nghỉ học để sinh con. Nhưng ngay sau khi cô chào đời, Josephine để lại Isioma với dì để quay lại trường đại học hoàn thành bằng cử nhân. Đến khi Josephine tốt nghiệp ở tuổi 24, bà quyết định rằng không thể làm người mẹ toàn thời gian cho Isioma.

Trên giường bệnh, Josephine thở dài nhìn con gái.

“Mẹ không phải xấu xa.” Bà nói. “Con sẽ tha thứ cho mẹ chứ?”

Đêm đầu tiên, họ ngủ trên mặt đất rừng, nằm sát nhau để giữ ấm. Người phụ nữ trung niên, tên là Irene, thổn thức suốt đêm. Chỉ có một tên trực đêm, gã trẻ nhất trong đồng bọn, yêu cầu các nạn nhân gọi gã là Anh Lớn.

Vào buổi sáng, lưng Isioma đau nhói. Miệng cô có vị như tro than. Anh Lớn vẫn đang ăn cam, vỏ cam chồng đống quanh chân gã. Gã nhìn thẳng vào Isioma lúc cô ngồi dậy. Isioma nhìn lại.

“Anh Lớn!” Cô gọi.

“Sao?”

“Những người kia đi đâu rồi? Sao để người nhỏ con thế này phụ trách?”

Anh Lớn nhe răng cười. Isioma không ngờ gã lại vậy.

“Mi hài hước đấy.” Gã nói. “Nhưng tau là tay thiện xạ nhất trong bọn. Tau hạ gục được bất cứ ai trong số bọn mi nếu cố đào tẩu.” Gã nâng súng lên và nhắm vào đầu Isioma.

“Chúc mừng!” Cô nói. “Nhưng anh chưa trả lời câu hỏi của tôi.”

“Họ đi đâu á? Họ về nhà.”

“Như về với gia đình ấy hả?” Isioma nói.

“Đúng.” Gã nói. “Mi tưởng họ ngồi trong rừng mấy hôm sao? Ha ha, chắc chắn là không. Chính Ông Trùm mới có một đứa con sơ sinh. Mẹ của anh biệt kích thì sắp chết bất cứ lúc nào.”

“Đó là lí do họ đưa chúng tôi đến đây hả? Để họ chạy qua chạy lại cho tiện.”

Điều đó có lí với Isioma, có vẻ hiệu quả, vừa giải quyết được các vấn đề trong cuộc sống trong khi có người bị trói trong rừng.

“Mi phiền gì à?” Anh Lớn đứng dậy. Gã duỗi người rồi ngáp. Chị Irene rên rỉ. Hai cậu thanh niên, tên là Kingsley và Osita, ngồi và hai tay ôm lấy đầu.

“Anh Lớn!” Isioma lại nói.

“Gì?”

“Tiền chuộc là bao nhiêu?”

Nhắc đến tiền chuộc, Kingsley lại bắt đầu than khóc. Áo phông Arsenal của cậu ta giờ đã bám đầy bụi đất.

“Làm ơn.” Cậu ta nói. “Cha tôi lái xe buýt. Chúng tôi không có tiền để chuộc.”

Anh Lớn phát ra tiếng cười đe dọa. Hắn lau nước từ mắt.

“Họ phải tìm cách trả tiền chuộc, hoặc là bọn mi sẽ chết.”

Trong 3 ngày Isioma ở lại bệnh viện sau khi tự tử, mẹ đọc tin tức từ điện thoại di động cho cô nghe.

“Vụ nổ bom ở Maiduguri, công nhân dầu mỏ bị bắt cóc ở Cảng Harcourt, thiếu nhiên liệu ở Lago.” Josephine đọc cho Isioma nghe, nhưng cô lại quay lưng đi.

Ngày được xuất viện, Josephine mang quần áo mới đến cho Isioma, một quần bò với áo thun có chữ “Sẽ tốt đẹp thôi” phai mờ. Cô nhìn Isioma mặc quần áo.

“Mẹ đây.” Josephine nói khi họ bước ra và đứng dưới ánh mặt trời. “Mẹ ở đây rồi và mẹ sẽ chăm sóc cho con.”

Những lời này khiến Isioma muốn hét lên.

Họ lái xe từ Gombe đến Abuja trong 9 tiếng, dừng chân ở Bauchi và Jos, nơi đây Josephine mua chuối và lạc rang cho con gái.

Khi tới Abuja, đã là hoàng hôn. Josephine lái xe vào ngôi nhà ở Asokoro. Đây là lần đầu tiên Isioma thấy ngôi nhà của mẹ. Suốt 18 năm, Josephine đến thăm Isioma ở nhà dì tại Enugu mỗi lần cách nhau 6 tháng. Bên trong ngôi nhà, Isioma ngồi như khách, nhìn ảnh các em trai của mình trên tường, hai anh em cùng mẹ khác cha, Ahmed và Musa.

Sáng hôm sau, khi thức dậy, Isioma thấy Josephine đã để bữa sáng trên bàn cạnh giường. Cô đang ở phòng ngủ của Ahmed - người em trai chung nửa dòng máu. Josephine lấy một ông chồng miền bắc và ông đã qua đời, để lại cho bà một gia sản nhỏ. Hai em trai đang học ở California. Cách đây 1 năm, Isioma thấy thông tin của họ trên Facebook nên dành nhiều giờ lướt những bức ảnh chụp họ, cố gắng tìm ý nghĩa khi biết Josephine không chỉ là một hồn ma, một cái bóng thoắt ẩn thoắt hiện.

Trên tường phòng của Ahmed là các tranh dán của Tupac, Al Pacino trong phim Mặt Sẹo. Trong tủ đầy đủ quần áo, Isioma đã xem qua áo sơ mi và quần, cầm những cái áo caftan và agbada truyền thống của cậu đưa lên mũi ngửi cho tới khi cảm nhận rằng đã quen thuộc mùi hương của em trai.

Siêu tân tinh. Truyện ngắn của Kosiso Ugwueze
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Isioma dậy và ăn bữa sáng có cháo với bánh akara do Josephine nấu, chờ đợi xem Josephine bảo cô phải làm gì tiếp theo. Isioma vẫn còn 7 tháng trong năm bị yêu cầu phục vụ. Cô có thể trở về Gombe tiếp tục dạy về những ngôi sao cho các em học sinh 7 tuổi đang sợ hãi trước chiến tranh. Hoặc cô có thể bỏ trốn như nhiều người khác. Chắc chắn Josephine quen biết một số quan chức cao cấp trong bộ máy hành chính có thể làm giả giấy tờ, ghi là cô đã hoàn thành các nhiệm vụ, dù thực tế là chưa.

Khi cô ăn xong miếng akara cuối cùng, Josephine nhẹ nhàng gõ cửa bước vào. Bà mặc chiếc kimono đỏ tươi mà người con trai còn lại, Musa đã mua cho mẹ ở Nhật Bản. Gương mặt bà Josephine tỏa sáng, và lúc đó Isioma nhận ra mẹ mình thật đẹp. Gương mặt bà hài hòa, làn da sậm, mắt hình quả hạnh, môi đầy đặn. Nhìn bà mặc bộ kimono, Isioma nghĩ tới những buổi sáng ngồi ở phòng khách của dì, chờ mẹ tỉnh giấc. Đôi khi cô lén vào phòng Josephine ngủ, đứng cạnh, nhìn mẹ mình, với đôi mắt to tròn. Isioma đã quen thuộc khuôn mặt mẹ đến nỗi, khi lên 3 tuổi bắt đầu biết vẽ, cô sẽ vẽ mẹ mình từ trí nhớ.

Josephine ngồi bên mé giường.

“Ngủ ngon chứ?” Bà hỏi.

Isioma gật đầu.

“Chỉ có hai mẹ con mình.” Bà nói vui vẻ, như thể cuối tuần nào họ cũng vậy, vừa trò chuyện vừa ăn sáng trên giường. “Hai mẹ con gái.” Josephine nói. “Hôm nay con muốn làm gì?”

“Con muốn được giúp đỡ.” Isioma đáp. “Con muốn gặp bác sĩ tâm lí.”

Isioma đã ở trong rừng 4 ngày cho tới khi có khoản tiền chuộc đầu tiên được trả. Osita, có chú ở Oman, đã thu thập đủ 5 triệu naira cần thiết để được giải thoát. Anh ta bị bịt mắt và dẫn ra khỏi rừng.

“Thấy chưa?” Ông Trùm nói khi Anh Lớn trở về sau đó 1 giờ đồng hồ. “Bọn tau giữ lời hứa.”

Đêm đó, Isioma bắt đầu đếm sao.

“Nhìn kìa!” Cô nói với chị Irene đang nhìn lên không gian, khăn quàng đầu nghiêng nghiêng. “Ta nghĩ ánh sáng của những vì sao là đang hiện hữu. Nhưng ánh sáng mà ta thấy thực ra đã có tuổi đời ba mươi nghìn năm.”

“Làm sao gái biết điều đó?” Ông Trùm hỏi, nhìn lên bầu trời.

“Em học ở trường.”

“Gái học gì?”

“Vật lí thiên văn.”

“Bộ óc vĩ đại thế!” Anh Lớn bảo.

“Vật lí thiên văn là gì?” Ông Trùm hỏi.

“Là nghiên cứu về không gian.”

“Mi muốn đi vào không gian à?” Anh Lớn nói.

“Phải.” Isioma đáp.

“Như phi hành gia à?” Anh Lớn nói tiếp.

“Đúng.”

Ông Trùm cười rộ.

“Từ Nigeria này hả?”

“Nigeria muốn gửi phi hành gia lên không gian vào năm 2030.”

Hai người đàn ông nhìn nhau. Họ cười ngặt nghẽo.

“Điện còn chẳng có thì làm sao đưa người lên không gian được?” Ông Trùm bảo.

Isioma tức giận vì sự thiếu tin tưởng ở họ.

Khi Isioma kể với dì là muốn trở thành phi hành gia, dì nhìn như thể cô nói muốn hóa thành phù thủy.

“Chờ cho mẹ nghe điều này đã.” Dì bảo vậy. Dì tên là Nnenma, thường nói thế, như thể Josephine vừa ra chợ mua cà chua và sẽ sớm trở về. Dì Nnenna là giảng viên tại ESUT và may quần áo cho các bà các cô giàu có ở Enugu vào ngày nghỉ. Những kí ức đầu tiên của Isioma là hình ảnh dì ngồi may, đôi chân đạp đạp. Người ta chế giễu dì là người vô sản, còn dì Nnenma đã nuôi dạy Isioma và yêu thương cô như con riêng của mình. Tuy nhiên, với hai công việc bận rộn, dì ít khi có mặt, mà dịp dì bận nhất, là vào Giáng Sinh, Năm Mới và Lễ Phục Sinh. Dì sẽ gửi Isioma tới nhà người họ hàng xa, người luôn nhìn cô bé yêu khoa học với lòng nghi ngờ và hiểm ác.

Hồi 16 tuổi, Isioma đã tìm đến cha. Từ người họ hàng xa kia, cô gái biết được cha là bác sĩ phẫu thuật tại UNTH. Cô đến bệnh viện với tờ giấy chứng sinh ghi tên ông ở dòng người cha. Isioma cầm tờ giấy cẩn thận trong bàn tay ướt mồ hôi vì đó là bằng chứng tồn tại của cô. Nhưng cha từ chối gặp ngày hôm đó, ông ta nói rằng không có đứa con gái như vậy. Mấy ngày sau, cô mới biết ông đã qua đời trong tai nạn giao thông khi đang trên đường về quê ở Nsukka.

Khi bác sĩ tâm lí hỏi vì sao cô làm vậy, vì sao cô nuốt hết những viên thuốc đó, Isioma chỉ đơn giản trả lời là mình buồn chán. Đó là cách duy nhất để cô miêu tả sự trống rỗng. Đó không phải nỗi tuyệt vọng. Có lẽ bắt đầu từ tuyệt vọng nhưng giờ đã chai cứng lại thành hoàn toàn khác.

“Sao lại đùa cợt với cái chết?” Bác sĩ tâm lí hỏi vậy. Câu hỏi khiến Isioma tức giận vì cô chưa từng nghiêm túc đến thế trong cuộc đời.

Vào một ngày khi học năm thứ hai trường đại học, cô tỉnh dậy và cảm thấy đi học không còn là điều đặc biệt nữa. Nhìn lên trần nhà, Isioma suy nghĩ về bỏ học. Đây là điều đáng báo động vì cô gái vốn thích học. Cô yêu thích các lớp học, cả giờ lí thuyết lẫn thực hành, các phòng thí nghiệm vật lí được trang bị nghèo nàn trong căn phòng bí bách. Cô yêu những mô hình mình tự xây dựng, những phép đo và tính toán. Cô thích các bạn cùng lớp; họ đầy động lực và thông minh, có khả năng làm việc xung quanh những cuốn sách giáo khoa cũ kĩ với nghiên cứu bổ sung từ Internet. Trong giờ tự học, ánh sáng từ điện thoại di động lấp lánh trong ánh mắt khi họ cập nhật các chương sách giáo khoa mới, cập nhật thông tin từ tạp chí đồng nghiên cứu và sách khoa học trực tuyến. Isioma cảm nhận tinh thần đoàn kết với nhóm các nhà vật lí trẻ tuổi này. Nhưng sáng hôm đó, cô chẳng muốn gắn kết điều ấy nữa. Cô chỉ đơn giản quay lưng và ngủ lại.

Anh Lớn ngồi trên cao và mài sắc các lưỡi dao. Cầm một con dao, gã phạt một quả dừa và hân hoan ăn uống. Khi buồn chán, gã nhắm bắn rơi vài con chim. Chim rơi xuống đất. Anh Lớn đi vài bước để nhặt chim rơi, và mỗi lần như thế, Isioma nghĩ đến chạy trốn. Gã có thể nhắm súng và hạ cô như những con chim đó. Nhưng mỗi lần đấy, cô chỉ ngồi im, nhìn và không làm gì cả.

Đêm đó, có sao băng. Ba sao băng lướt ngang bầu trời đêm tối. Anh Lớn bảo cô giải thích.

“Sao băng thực ra không liên quan gì đến những ngôi sao.” Isioma nói. Cô cảm tưởng như mình đang ở lớp học, Anh Lớn nhỏm dậy. Ông Trùm, đang lau súng, ngừng lại và quay đầu sang một bên.

“Vậy chúng là gì?”

“Những thiên thạch bay vào bầu khí quyển Trái Đất và cháy rụi. Vệt sáng ta thấy được gọi là sao băng. Nhưng khi thiên thạch đó đụng vào Trái Đất thì gọi là thiên thạch.”

“Khoảng cách từ đây tới Mặt Trăng là bao xa?” Gã hỏi tiếp, nhìn lên trời.

“384.400 kilomet.”

“Và người Mỹ đã đi hết đến đó à? Na wah o.”

Một tuần sau khi Isioma đến Abuja, Josephine lái xe đưa cô tới bác sĩ tâm lí. Hôm đó là sáng Thứ Ba. Họ đến nơi lúc 9h và ngồi đợi nơi phòng chờ đông đúc. Chỉ có vài bác sĩ tâm lí cho vài ngàn người, và đặt lịch hẹn khó khăn như trúng số. Nhưng Josephine biết bác sĩ này, bà đã làm việc với ông ta tại Bệnh viện Quốc gia ở quận trung tâm thương mại.

“Mình đến nơi rồi.” Josephine bảo.

Rồi bà ngừng lại. Bà nhìn Isioma với đôi mắt buồn.

“Con không biết mẹ sợ thế nào khi dì Nnenma gọi đâu.” Josephine nói. “Báo mẹ hay là con bất tỉnh phải đi cấp cứu. Sáng hôm đó mẹ còn không kịp chải răng. Chỉ nhảy vào xe và đến thẳng chỗ con.”

Josephine trông như sắp khóc.

“Hứa với mẹ là con sẽ gắng khỏe nhé.” Josephin nói.

Isioma nhìn đôi bàn tay mình.

“Hứa đi!” Josephine nài nỉ. “Nói đi!”

Isioma chẳng nói năng gì.

“Nói đi!” Josephine van nài.

“Con hứa.” Isioma đáp.

“Tốt!” Josephine nói. Bà xì mũi vào một tờ giấy mềm và lau nước mắt.

Trong phòng chờ, một ông già lầm bầm, khiến người phụ nữ đi cùng, hình như là con gái ông này, phát ngượng với mọi người xung quanh. Đôi mắt ông già nhìn chằm chằm quanh phòng. Mắt ông dừng ở Isioma và trong đôi mắt ấy có lửa, ngọn lửa trong đôi mắt tối là cơn giận mà Isioma hiểu được.

Cô sẽ gặp bác sĩ tâm lí vào thứ Ba hàng tuần. Sau ngày đầu tiên, cô tự lái chiếc sedan của mẹ đến bệnh viện. Bác sĩ tâm lí, ông ta thích được gọi là Tim, hỏi cô vào mỗi sáng thứ Ba là tại sao cô làm vậy, không hài lòng với câu trả lời của cô.

“Chú không giúp được nếu cháu không thật thà với chú.” Ông bảo.

“Cháu không biết là chú muốn cháu nói gì.” Isioma đáp trả vào cuộc gặp lần thứ hai giữa họ. “Cháu đến đây vì cháu tưởng chú sẽ kê cho cháu gì đó, một loại thuốc để cháu cảm thấy đỡ hơn.”

“Ta muốn cháu nói sự thật.” Bác sĩ Tim nói, không để ý tới Isioma. Ông ta gầy gò, lông mày rậm, ánh nhìn cao ngạo. Isioma tự hỏi ông biết bao nhiêu về mẹ cô, ông nghĩ gì về Josephine. Liệu ông có biết Josephine có một đứa con ở Enugu không? Quan trọng hơn, làm sao để ông giúp được Isioma? Isioma muốn biết liệu bác sĩ Tim có hay về sự trống rỗng bao la đến nỗi hút mọi thứ trên đường đi của nó. Cô tự hỏi ông ta có bao giờ tỉnh vào ban đêm với những giọng nói nhàm chán thì thầm hỗn loạn vào tai không.

Đến cuộc gặp thứ ba thì bác sĩ Tim hỏi liệu có phải sự oán giận của cô với mẹ đã khiến cô cố tự sát.

“Có phải cháu quá tức giận nên muốn trừng phạt bà ấy không?”

Isioma giờ biết rằng Josephine đã kể cho bác sĩ Tim mọi điều về cô. Trong văn phòng, Isioma chăm chăm nhìn vào cây cối trong chậu phía sau đầu bác sĩ Tim. Rồi, cô nhìn thẳng vào mắt ông ta.

“Cháu không tức giận.” Isioma nói. “Cháu chẳng bao giờ giận dữ.”

“Tức giận có nhiều hình thái.” Bác sĩ Tim nói với cô. “Đôi khi ta cảm thấy buồn rầu, nhưng thực tế là nỗi tức giận bị ẩn giấu.”

“Chú cho cháu liều thuốc để cháu ngủ được không?” Isioma đề nghị.

“Chú có thể cho cháu thuốc ngủ.” Bác sĩ Tim nói. “Nhưng không may, các thuốc chống trầm cảm mà cháu yêu cầu, những loại mà cháu tìm hiểu trên Internet, hiện đang trong tình trạng khan hiếm khắp đất nước. Cháu phải làm những điều khác.”

“Như là gì ạ?”

“Như nói chuyện với mẹ, nhìn mọi sự việc dưới góc nhìn của bà ấy.”

Đã một tuần ở trong rừng, và chỉ còn hai người, là Kingsley và Isioma. Gia đình cô Irene đã đàm phán giảm số tiền chuộc xuống còn 3 triệu naira. Cô ấy được dẫn ra khỏi rừng vào chiều ngày hôm trước.

Ông Trùm đã tháo sim điện thoại của Kingsley ra và bây giờ dùng iPhone của cậu này làm của riêng mình. Chiếc Samsung của Isioma giờ thuộc về Anh Lớn.

“Gái bảo bố mẹ đều là bác sĩ.” Ông Trùm nói. “Nhưng họ không muốn trả tiền chuộc. Họ không ưa gái à?”

“Bố cháu mất rồi.” Isioma đáp. “Mẹ cháu là nhà tâm lí học.”

“Ồ!” Anh Lớn chen vào. “Mẹ mi không thích mi à? Bộ óc vĩ đại như mi?”

Isioma không biết phải nói thế nào để giải thích rằng không phải thế, ít nhất đối với cô. Cô chỉ cho rằng mẹ đơn giản đã quyết định rõ từ 18 năm trước để phân định cuộc sống của mình giữa quá khứ và tương lai. Về chuyện mẹ là người tốt hay xấu, Isioma nghĩ rằng đó không phải câu hỏi công bằng hay đúng đắn. Cha cô cũng ruồng bỏ cô, mà có khi điều này quan trọng hơn.

Hồi ở Gombe, Isioma từng chợt nghĩ là lái xe về Abuja, tìm nhà của mẹ rồi nổ tự sát ngay ở sân trước nhà mẹ. Cô tưởng tượng mình biến thành siêu tân tinh, nóng và áp lực cao. Một điểm áp lực. Có khi dùng cách đó, toàn bộ năng lượng của cô sẽ cháy sáng rực rỡ tận cùng.

Trong ba tuần liền, cô không quay lại chỗ bác sĩ Tim. Rồi cuối cùng cô cũng quay lại, không phải vì bác sĩ mà vì như thói quen, để cô có việc mà làm. Edidiong đã gọi cho cô và hỏi cô một lần nữa vì sao lại tự sát.

“Tôi tìm thấy cậu ở đó.” Edidiong nói trong đau khổ. “Thiếp đi trong yên bình. Nhưng cậu cứ ngủ, ngủ mãi, khi tôi nghe mạch, tôi không thấy gì. Tại sao cậu nghĩ cái chết là lối thoát duy nhất?”

Isioma phát mệt với câu hỏi này.

“Tôi ngán lắm rồi, cậu biết không.” Cô nói. Edidiong ngậm ngùi.

Isioma nhận ra mẹ ngắm nhìn mình khi cô đi chợ về, cô đã mua xà phòng bạc hà. Bác sĩ Tim khuyên cô tận hưởng những niềm vui giác quan, thử xem có lấy lại hứng thú với cuộc sống được không. Cô mua kem, xà phòng, một cây nến thơm bằng tiền mẹ cho sáng hôm đó.

Trên bếp, Josephine đang nấu canh egusi. Isioma chỉ phẩy tay lãnh đạm khi đi lên phòng Ahmed. Cô tắm bằng xà phòng bạc hà, khiến phòng tắm tràn ngập mùi hương mạnh mẽ, làm cô nghĩ trong khoảnh khắc là mình sẽ cố gắng sống.

Mẹ đã dọn sẵn bàn ăn trưa và chờ Isioma xuống. Josephine rời mắt khỏi điện thoại và nhìn lên. Bà mỉm cười nhưng không giao tiếp bằng mắt.

“Sao con không nói với mẹ là con không ngủ?” Josephine nói bằng giọng xa xôi. Isioma khựng lại. Cô hiểu bác sĩ Tim trao đổi thông tin cho mẹ cô và ngược lại, nhưng thái độ vô tâm của mẹ khi tiết lộ việc vi phạm bảo mật thông tin này làm máu dồn lên đầu Isioma, như thể cô đang bị treo ngược.

“Bác sĩ Tim kể với mẹ à?” Isioma hỏi.

“Mẹ đã cố gắng.” Josephine nói. “Nhưng con vẫn coi ta là kẻ thù.”

“Chú ấy kể mọi điều con nói sao?” Isioma nói.

Josephine thở dài. Bà nhắm mắt lại.

“Chú ấy nói rằng con là bệnh nhân khó chữa trị nhất mà chú ấy từng gặp.” Josephine đáp.

Isioma không hiểu điều gì xảy ra. Có lẽ vì mẹ vươn tay đón cô, như muốn kéo cô vào vòng tay. Có lẽ vì mẹ bật khóc khi cô đẩy mẹ ra. Nhưng Isioma chộp lấy bình hoa râm bụt và ném sang phòng bên cạnh. Cô không đợi nhìn bình hoa vỡ tan trước tường. Cô lao lên phòng Ahmed và xé áo sơ mi từ móc treo trong tủ. Cô đập gương. Trong sáng hôm đó, cô bắt xe buýt hãng vận chuyển ABC đi đến Enugu, về với dì Nnenma.

Đã hai tuần ở trong rừng, Isioma còn lại một mình trong số những người bị bắt cóc.

“Chắc chắn mi là đứa trẻ có vấn đề.” Anh Lớn bảo. Gã chán ngấy khi phải rúc bờ ở bụi, mệt mỏi khi phải đào hố bằng xẻng để đi vệ sinh.

Khi Ông Trùm trở lại vào sáng hôm sau, hắn ngồi lên chỗ Anh Lớn bỏ trống và súc họng.

“Sao gái không về nhà đi, bộ óc vĩ đại?” Hắn hỏi.

Isioma tựa lưng vào gốc cây.

“Chắc chắn có ai đó ngoài kia đang chờ gái đấy.” Ông Trùm nhìn Isioma với ánh mắt thương hại khiến cô khó chịu. Cô phủi mấy con kiến đang bám lên đùi mình, mùi hôi cơ thể vì không được tắm làm nồng nặc mũi.

“Em nghĩ là em sẽ ở lại đây thêm lúc nữa.” Isioma nói. Sau đó nhắm mắt lại và ngủ thiếp đi.

Nguyễn Ngọc Mai

(Dịch từ tiếng Anh)

Buổi về xum họp - Thơ Phan Duy

Buổi về xum họp - Thơ Phan Duy

Baovannghe.vn- Ai đi xa nếu một lần nhớ ruộng/ theo dấu chân về tìm lại lối xưa
Vài kỉ niệm về những nhà văn mặc áo lính

Vài kỉ niệm về những nhà văn mặc áo lính

Baovannghe.vn - Nhà thơ Lê Anh Xuân và “dáng đứng Việt Nam”, Thu Bồn và “bài ca chim chơ-rao”, Nguyễn Mỹ và “cuộc chia ly màu đỏ” là ba nhà thơ mặc áo lính
Bộ Y tế: Sẽ đề xuất lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh

Bộ Y tế: Sẽ đề xuất lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh

Baovannghe.vn- Bộ Y tế cho biết đã có nhiều ý kiến cử tri đề nghị Bộ không tăng viện phí; sớm xây dựng lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám, chữa bệnh.
Nội dung Quyền con người vào chương trình giáo dục quốc dân

Nội dung Quyền con người vào chương trình giáo dục quốc dân

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu triển khai đồng bộ, hiệu quả Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Tháng Chạp - Thơ  Đặng Quốc Hoàng

Tháng Chạp - Thơ Đặng Quốc Hoàng

Baovannghe.vn- Cơn gió chướng ùa qua khung cửa nhỏ/ Gọi tháng Chạp về nao nức đợi mùa sang