Sáng tác

Hoa trải trắng sông - Truyện ngắn của nhà văn Đinh Phương

Nhà văn Đinh Phương
Danh tác văn học
10:04 | 14/08/2024
Baovannghe.vn - Qua sông, hai mẹ con gặp sư trụ trì. Ba người không nhận ra nhau. Sư trụ trì mặc áo nâu, quẩy tay nải nhảy lên đò về bờ bên kia. Hoa đại trải mãi, trải mãi, trắng cả mặt sông...
aa

trong nỗi buồn của tôi mọi thứ đều như dừng lại

(Paul Éluard)

1

Tôi tiến lại ôm Nhu.

Ngoài trời là mây, gió và các tán lá ngủ hắt hiu giữa cơn nóng nực. Dưới đường chiếc xe tay nằm nép vào bóng lá. Người kéo cởi trần nằm vắt trên xe như xác chết, mắt nhắm nghiền, quần xắn tận bẹn. Có giấc ngủ đang xảy ra bất chợt hay người kéo xe đã chết? Tôi giật mình kinh hãi. Nếu anh ta chết khu phố này sẽ trở nên đông đúc. Dù rằng tôi chẳng sợ gì cái chết nhưng trong thâm tâm tôi thực sợ đông đúc. Sợ mật thám cùng bọn lính khố xanh, khố đỏ quây đến gõ cửa từng nhà bắt ra trình diện. Hỏi giờ này hôm qua đang làm gì? Ở đâu? Nếu tôi trả lời tôi ôm Nhu họ có tin được không? Nhu là ai? Họ sẽ hỏi, tôi sẽ trả lời Nhu là người tình của tôi. Người tình? Bọn họ cũng chẳng tin, chẳng cần biết Người tình là hai tiếng tuyệt vời đến thế nào. Nó bao gồm những khoảng trời đầy mây trắng và nắng kéo hao gầy muôn phương. Những vực bờ mà bằng cách nào cũng chẳng thể bơi qua. Cả sự hèn mọn lẫn dũng cảm và thứ tha. Người tình là chớp mắt của điều tuyệt diệu nhất, nâng ta lên cao và nhúng ta xuống bùn. Dù có cố gột rửa vẫn còn nguyên cảm giác của sự nhơ nhuốc. Bọn lính chẳng cần nghe đến những thứ tương tự thế. Thằng điên. Chúng sẽ hét vào mặt tôi. Im đi. Chúng hét tiếp. Tay lăm lăm súng. Chúng sẽ giết tôi giữa sự ồn ào mà chúng mang lại. Xác tôi đặt cạnh xác người kéo xe kéo khỏi phố mùa thân quen. Hồn về đêm hôm sau giật mình xa lạ. Phố quen âm u tử khí. Bóng trăng qua vòm lá đổ xuống đất biến thành các mặt cười mặt khóc.

Bàn tay bóp mạnh nỗi nhớ mơ hồ. Cảm giác về da thịt kéo tôi trở lại căn phòng với nồi cá đang sôi, khói nghi ngút. Mùi cá tanh quện mùi chua của me. Dưới đường người kéo xe trở mình thức dậy, vơ nón mê bên cạnh phủi phủi lòng xe trước khi uể oải bám lấy hai càng chạy biến. Vệt bóng mờ của thân xác gầy guộc lui lại phía sau cho đến ngã rẽ cuối đường thì mất hẳn.

Không có bóng con người có bớt khổ?

Chẳng biết.

Tôi luồn tay đặt lên bụng Nhu. Mát lạnh. Phập phồng. Nhu không quay lại, một tay đặt lên tay tôi phía ngoài áo, tay kia buông thõng, đầu hơi ngả về phía sau. Tôi thở dài. Tóc Nhu có mùi ngai ngái của bụi đường xa. Nhu đi từ Hà Nội về đây để gặp tôi, nấu cho tôi món canh cá mà tôi chẳng biết ăn đâu. Nhưng liệu Nhu có bên tôi mãi thế này? Thời gian giăng bẫy ngoài kia. Giữa ngày tháng này tôi sợ tình yêu hơn sợ bất cứ thứ gì. Người ta có thể vì yêu mà chết đi khi còn nhiều việc phải làm. Nỗi mất mát cứ thế dâng lên. Giá mà chúng tôi quên đi được thân phận trong Đảng của mình. Nhu quên đi hội thanh niên đã gia nhập. Tôi quên đi ám sát đoàn, nơi tôi và nhiều người khác sống cuộc đời bí mật. Không cần danh tính. Danh tính của chúng tôi là những kẻ chúng tôi đã giết. Những kẻ phản bội. Những kẻ gây nguy hại đến an nguy của Đảng. Đặc biệt, những kẻ nguy hại đến anh Học, linh hồn của Đảng.

Buồn bã thay chúng tôi lại không thể quên. Em trai Nhu, Trần Văn Chính, giọt máu duy nhất nối dõi tông đường nhà họ Trần ở phố Tiền Môn, tỉnh lị Quảng Yên vẫn bị giam ở Hỏa Lò, chịu khổ từng ngày. Tuần tự ba ngày một trận đòn nhẹ, dăm ngày một trận đòn nặng. Trong khoảng hẹp của nhà lao, giữa mùi máu rệp, máu muỗi, mùi thức ăn ôi thiu, mùi cứt đái, mùi mồ hôi và mủ... quẩn lấy nhau, lưu cữu năm này qua năm khác, lớp tù này sang lớp tù khác thì con người có còn niềm vui thú gì khác ngoài hành hạ nhau. Nỗi đau của một người đem lại khoái cảm cho số người còn lại. Nhìn đau, nhìn nước mắt, máu, nghe lời lẽ van xin để thấy mình vẫn còn sướng hơn một người. Mà cái tội có chân trong Đảng Quốc dân từ sau cái chết của Bazin tối ba mươi Tết vừa rồi nặng lắm. Ba chị em bị bắt khi đang làm lễ tuyên thệ cho một gia đình chủ hiệu nước mắm người Hoa ở phố Hàng Khoai. Nhà ấy có cô con gái đầu tên Lan chơi thân với em Uyển. Mật thám ập vào khi hương trên bàn thờ đã thắp được nửa tuần. Vợ chồng người Hoa đã tuyên thệ xong đứng về bên phải bàn thờ. Nhu, Uyển, Chính đứng đối diện. Lan đứng giữa, giọng quyết tâm, nói rõ từng chữ “... xin gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng, nếu sai xin bị tử hình”. Cái không khí trang nghiêm của buổi lễ làm họ mất cảnh giác. Cửa dưới nhà khép chứ chưa đóng. Con sen được dặn trông nhà sợ quá không đánh động lên trên. Cả sáu người bị giải về Sở Mật thám. Gia đình người Hoa khai bị lôi kéo dụ dỗ, đút tiền, hứa bỏ Đảng, được tha bổng. Ba chị em họ Trần sau khi khám thẻ phải giải sang Hội đồng Đề hình. Nhu bàn với Uyển muốn cứu được em Chính ra chỉ còn một cách.

2

Cơm tối dọn ra, giữa là bát canh cá nổi rõ màu xanh của hành, thì là, màu đỏ của cà chua, trắng nõn của thịt cá mối tươi cắt đầu làm sạch, cạnh là đĩa thịt kho tiêu, rồi đến bát mắm cốt điểm vài lát ớt tươi, bát con đựng gừng thái sợi ngâm qua dấm vàng nhạt. Nồi cơm để khuất dưới gầm bàn. Chưa tối hẳn nên chưa thắp đèn. Chân trời nhuộm màu đỏ đào hực lên. Trên mâm hai cái chén trắng, hai bát con, hai đôi đũa. Nhu rút từ trong tay thông ra chai rượu nút lá chuối. Lần nào xuống Hải Phòng thăm tôi Nhu cũng mua rượu gạo làng Vân hoặc Quan Đình. Nhu biết tôi thích uống hai thứ rượu đó.

“Rượu gạo làng Vân”.

Rót đầy hai chén. Tôi không hỏi, tôi biết Nhu lo lắng. Rượu lăn tăn sủi tăm. Mùi thơm của gạo hòa cùng gió ẩm từ hướng biển thổi tới. Cầm chén uống cạn. Đặt mạnh chén xuống mâm đồng kêu choang. Rượu nồng thấm vào máu. Nỗi buồn không thế mà tan đi. Rượu làng Vân. Ừ, rượu làng Vân. Thứ rượu tôi vẫn thích uống từ hồi chưa vào Đảng. Nhưng ngày đó uống ít thôi, vui mới uống, đến khi vào Đảng thì uống chẳng cứ vui buồn. Sau cái chết của Bazin lại càng uống tợn.

Nhu rót cho tôi chén nữa. Lại một hơi. Chén nữa... Đầu óc quay cuồng. Từ sáng đến giờ chỉ ăn bát cơm nguội dưới tẹo mắm sót lại từ tối qua. Lúc định ra phố ăn bát phở thì Nhu đến.

“Ăn thức ăn đi anh”.

Nhu gắp cá vào bát, vẫn áy này vì bữa nay thiếu mất rau ghém, hoa chuối ăn kèm canh cá. Tôi bỏ chén, cầm đũa, lựa theo thân cá chẻ đôi. Cá mối chỉ có xương giữa hơi cứng, còn lại xương nhỏ nhai tất. Nhai chậm rãi. Nhu không ăn, cầm chén rượu lên tớp từng ngụm. Sau mỗi ngụm ánh mắt Nhu lại thay đổi. Hết chén rót tiếp. Tôi gắp nốt nửa thân còn lại bỏ vào miệng nhai không tách xương. Lạo xạo. Lạo xạo. Gắp thêm mấy sợi gừng nhai cùng. Nhu uống rồi nhìn tôi. Ánh mắt giống ánh mắt của người tài xế cho Bazin hôm bị giết. Nó không phải trách cứ, cũng không căm giận, chỉ buồn, kèm thêm tiếc nuối.

Khi người ta giết một người người ta không còn là người ta nữa.

Tôi nhớ rõ chiều ba mươi Tết Mậu Thìn với khẩu súng trong túi áo phải, lá thư trong túi áo trái, thong dong đạp xe đến ngõ nhỏ có quán thịt chó nằm khuất dưới gốc cây si trên đường Chợ Hôm chờ đợi. Quán nghỉ từ hai chín, bà bán quán quê Đông Triều chắc tất tả về từ hôm qua. Tính ra tôi ngồi quán bà từ ông Công ông Táo, ngày nào cũng ngồi, từ xế trưa cho đến chiều muộn để thám thính xem lịch đi về của trùm mộ phu ra sao. Ngồi lì chỉ gọi thịt luộc kèm cút rượu. Rượu của bà không phải hai loại rượu tôi thích nhưng uống cũng tạm. Đó là thứ rượu Đỗ Xá được pha nhẹ đi cho dễ uống. Bà bán quán không hỏi tôi là ai, làm gì, ngày nào cũng đến ngồi, đời bà chắc đã thấy qua nhiều chuyện còn lạ lùng hơn thế. Trước ngày dọn hàng nghỉ bà đãi tôi thêm cả dồi, rượu mận, rượu là thứ rượu nguyên chất chưa pha, nồng, cay. “Mai tôi về. Chú ở lại mạnh giỏi”. Tôi không đáp lời bà, miếng thịt chó ở cổ nghẹn lại. Trước khi dọn hàng bà còn gói thêm cho tôi mấy cái chân. Tôi không quen bà. Bà cũng không quen tôi. Chúng tôi im lặng diễn vai của mình trong đất nước loạn ly này. Người bán thịt chó. Kẻ giết người.

Bazin mở cửa chiếc xe hiệu Hotchkiss bước xuống.

Tôi từ gốc cây si nhổm người chậm rãi tiến đến.

Mưa lây rây kín phố, gió mùa Đông Bắc quạt qua từng đợt lạnh thấu xương. Pháo bắt đầu nổ rộ. Như một buổi tiệc cuối năm. Tôi mặc âu phục xám. Bazin mặc âu phục đen. Thiếu điều chúc nhau năm mới may mắn.

“Bonjour monsieur, j’ai un ami qui voudrait vous adresser une lettre”(1).

“Je vous remercie”(2).

Bazin đón lấy, mỉm cười cám ơn rồi mở thư. Tay phải thò vào túi áo lấy súng, bình tĩnh ngắm, bóp cò thẳng ngực. Đoàng! Đoàng! Đoàng! Ba viên cả thảy. Pháo rộ lên lần nữa. Trời đất, cây, người xung quanh chẳng biết gì. Tiếng súng lẫn vào tiếng pháo. Mắt Bazin mở to ngạc nhiên, thân người như cây chuối bị phạt ngang đổ ập xuống đường. Bức thư chưa mở xong rơi ra, hắn chưa nhận được lời tuyên án. Cho đến lúc chết hắn cũng chẳng biết vì sao mình chết. Chết vì tay ai? Đảng phái nào. Người lái xe mở cửa xe bước ra nhìn tôi. Nếu anh ta hét lên biết đâu tôi chẳng cho anh ta một viên vào đầu xuống suối vàng lái xe. Nhưng anh ta không hét, nhìn thôi, tôi, rồi xác Bazin. Ánh đèn le lói từ mấy ngôi nhà gần đấy hắt ra. Màu vàng, khoảng đen và những bóng người. Bức tranh Chúa chịu nạn đội mão gai cũng chỉ buồn đến thế. Xong nhiệm vụ Đảng giao, hoàn thành lời hứa với anh Viên “Thằng Bazin dứt khoát phải chết trong năm ta”. Tôi lại gốc cây lấy xe đạp. Người lái xe trèo lại lên xe mở máy, ánh đèn xe giúp tôi nhìn rõ mắt anh ta đang nhìn xoáy về phía mình. Buồn. Chao ôi là buồn. Không có căm giận. Tôi nhấn pê-đan đi lướt qua xác chết, qua cả ánh mắt người lái xe. Phải đến lúc vòng sang phố khác mới nghe tiếng hô hoán...

“Mai em về ấp Thái Hà gặp anh Sâm”.

Lời nói của Nhu kéo tôi trở lại hiện tại. Thịt cá trong miệng chưa nuốt xuống vữa ra tanh. Quá khứ luôn đe dọa sống dậy bất cứ lúc nào. Tôi biết rõ Nhu sẽ đi đâu, làm gì trong những ngày tới. Bóng tối trùm phòng. Món ăn trên mâm lờ mờ. Chẳng còn đói. Chẳng còn cảm giác lâng lâng của rượu. Tỉnh táo đến lạ kỳ. Bao nhiêu lần trong đời con người ta tỉnh được như lúc này? Để nhìn rõ nguyên nhân và hành động của ngày mai, ngày mốt. Để nhìn khẩu súng lạnh lẽo chĩa vào kẻ thù sẽ chĩa thẳng vào ngực người yêu thương mình mà nhả đạn. “Phản Đảng” - Cái án nặng nề, nhục nhã nhất. Không có hình phạt nào khác ngoài tử hình.

“Hay em đừng đi”.

“Anh ấy là xứ ủy hẳn biết chỗ ở của anh Học”.

Giọng Nhu dứt khoát. Tôi đứng dậy nhìn về cuối đường chân trời chỉ còn hình dung về ánh sáng qua các vệt ảo tượng nhảy múa trong mắt. Trăng lấp ló sau ngọn cây còn lâu nữa mới rạng. Tiếng nhạc xập xình từ mấy tiệm nhảy vọng lại. Từ khi người Pháp bình định xứ này đã có bao nhiêu điều thay đổi. Từ cách ăn mặc, đi đứng, cho đến chữ nghĩa, thi cử, cả các mối quan hệ nghìn đời cũng không như cũ. Thay đổi tốt hay xấu? Tôi chỉ là vệt nước của bánh quay lịch sử không biết được xung quanh thế nào. Cứ quyết liệt làm điều mình tin là đúng. Tôi yêu Nhu. Điều ấy càng buồn vì nó liên quan đến lẽ sống của tôi. “Tất cả vì Đảng”. Thân tôi thì đã bỏ, từ ngày quân Pháp đổ vào làng trong một đợt càn truy quét nghĩa quân Đề Thám giết bố tôi và hãm hiếp mẹ tôi. Mẹ nuôi tôi, một đứa trẻ năm tuổi bằng tất cả sự căm hờn thay bố. Ngày tôi về báo với mẹ gia nhập Đảng là ngày mẹ yên tâm đi về với bố. Không ăn, không ngủ một tuần, trút hơi thở cuối cùng rồi chết.

3

“Chị em con Nhu hứa với Brides tìm bắt bằng được anh Học”.

Buổi chiều hai ngày trước ngày Nhu đáp xe lửa xuống Hải Phòng thăm tôi, anh Dương Hạc Đính có đến tìm. Mật hiệu gõ cửa hai tiếng mạnh liền, ngưng, một tiếng mạnh, nhưng, hai tiếng mạnh tiếp. Mở cửa hỏi mấy giờ. Trả lời đồng hồ chết từ hôm qua, dừng ở bảy giờ hai mươi tám phút. Tôi vừa ở cảng về. Công việc chính là ghi lịch trình đến và đi, số lượng hàng hóa nhập kho, xuất kho của một hãng buôn Hà Lan có trụ sở tại Amsterdam. Sáng ấy có vụ đấu súng của hai gã lính Pháp gốc Phi khi tranh nhau một cô gái bản xứ tại tiệm hút thuốc phiện. Hai gã dẫn nhau ra cảng, quay lưng lại, đếm từ một đến mười. Mọi người sợ lạc đạn đứng dạt vào mấy bức tường lở, toa hàng bỏ trống hoen gỉ cùng đếm nhịp theo hai gã. Đến mười, hai tiếng nổ chát chúa, mùi thuốc súng khăn khẳn theo gió tở ra xung quanh. Những cái đầu hiếu kỳ nhô ra khỏi nơi ẩn nấp. Hai thân người gục xuống, một gã bị thương ở bụng, một gã bị thương ở tay, máu me nhoe nhoét, cô gái biến mất trước khi biết kết quả. Lúc tôi đến người ta đang vực hai gã lên xe đưa đi nhà thương. Lính khố có mặt đầy trong cảng nhưng không làm gì, họ để mặc cho những cái văn minh tự giải quyết với nhau.

“Ai?”

“Trần Thị Nhu và Trần Thị Uyển, quê ở tỉnh lị Quảng Yên. Bị bắt tại phố hàng Khoai khi đang làm lễ tuyên thệ cho một gia đình người Hoa. Cùng bị bắt có cả em trai của hai ả là Trần Văn Chính. Vì ông em quý tử cả hai khóc lóc, van xin với con cáo già Brides tha ra, hứa tìm bắt bằng được anh Học. Mà Brides là ai chứ, bất cứ hòn sỏi nào ném xuống đại dương mà có thể làm con cá hắn cần bắt bị hóc hắn đều làm cả”.

Đúng là Nhu của tôi. Uyển tôi có gặp một lần, tóc dài, vận áo tân thời màu xanh đang nói chuyện với một cậu bạn trai mặc âu phục đen đi dạo tại vườn hoa Cửa Nam, nơi có tượng bà đầm xòe mặt lúc nào cũng đăm đăm khó chịu vì không khí oi bức của xứ Bắc kỳ. Chính thì tôi chưa gặp, chỉ nghe Nhu phàn nàn Chính là con trai mà tính khí mềm yếu như con gái, làm gì cũng sợ thất bại, người khác nói to cũng khóc, đi đâu cũng phải có mẹ hoặc chị đi cùng. Hỏi Nhu tại sao? Nhu bảo tại Chính sinh ra đã không có bố. Sinh Chính ba ngày thì bố băng ngang bến đò Rừng về bên Hải Phòng tìm đến chùa Đỏ xuống tóc đi tu. Dòng họ Trần đã có người nối dõi. Bố an lòng rũ hết ưu phiền của cõi hồng trần mà đi tìm giải thoát nơi xứ Phật. Thỉnh thoảng cũng nhờ người quen gửi về cho mẹ Nhu ít tiền, ít gạo. Tiền, gạo đó mẹ Nhu nhận nhưng quyết không cho ai dùng đến mang ra dòng sông hôm bố đi mà thả. Từng vốc gạo trôi qua kẽ tay rí rách, nước vội nhấn chìm, tiền gió tạt bay ngang mặt sông trong cái đói của ba chị em Nhu. Nhiều hôm mẹ thả khi trời mưa thốc tháo, mặt sông nổi bọt trắng ngầu, tóc mẹ xõa, mưa nhuộm trắng dại điên trời đất. Đất Phật nhỏ như đáy chum gạo rỗng mạng nhện bám vòng quanh không chứa được nhiều người. Đất Phật chỉ bố đến được. Mẹ thả mình vật xuống dòng sông. Nhu biết nếu không vì ba chị em mẹ sẽ mặc dòng nước cuốn về cuối dòng. Được một đoạn dài mẹ lại lóp ngóp bơi vào, nằm vật ra trên bờ sông cho đến khi nước mắt được thực tại nhuộm khô. Dòng sông trong Nhu còn là hình ảnh một tên cướp hung bạo, giết chồng và cưỡng hiếp vợ. Nhu đi theo đợi mẹ thả bơi ra mò, đã gần tuần nay ba chị em chỉ ăn khoai nấu với vài ba nắm gạo hẩm xin của nhà hàng xóm. Mẹ biết, thắp đèn giữa nhà, ngồi trên ghế, bắt Nhu mang tiền và gạo vớt được dưới sông dấu dưới gốc cây lim già vào. Nhu ướt rượt quỳ xuống dưới chân mẹ. Hai đứa em sợ hãi nép sau vách nhà. “Uyển và Chính quỳ xuống”. Lời của mẹ lạnh lẽo, ác độc và dứt khoát. “Nhu, lấy gạo và tiền kia đút cho hai em ăn”. “Con xin mẹ, để con ăn, mẹ tha cho hai em còn nhỏ dại chưa biết gì”. “Không”. Mắt mẹ đỏ ngầu, long lên hằn học. Chính và Uyển ôm nhau khóc. Nhu run rẩy bốc gạo lên. Gạo cúng dường tam bảo trải qua muôn ức kiếp dành cho thần phật ăn không dễ ăn thế. “Con xin mẹ tha cho hai em. Tất cả lỗi tại con”. “Ăn, hoặc ba đứa cuốn gói đi khỏi nhà này”. Nhu biết không thay đổi được mẹ, quay về phía hai em. “Chị xin hai em. Hai em tha tội cho chị”, Uyển biết bốc một nắm gạo trệu trạo nhai, Nhu ấn gạo vào miệng Chính, Chính nấc lên, gạo lẫn bùn trào ra hai mép. Nhu cũng cho gạo vào mồm nhai. “Nhu, nhè ra”. “Con...” “Tao bảo mày cho hai đứa em mày ăn chứ mày không được ăn”. Nhu cố nhai nát chỗ gạo đang nhai ra nước đặc sền sệt rồi đút cho Chính. “Cố nuốt đi em”. “Em không ăn nữa đâu, kinh lắm. Làm sao mẹ ác thế chị Nhu?”...

“Này. Trúng gió à?”

“Không. Nóng quá. Thế phải làm sao?”

Giọng tôi run run. Mồ hôi hai bên thái dương túa ra. Câu chuyện tuổi thơ của gia đình Nhu chưa bao giờ về lại trong tôi rõ ràng đến thế. Tôi thấy rõ ánh mắt sợ sệt của ba chị em. Ánh mắt căm hờn của người mẹ trút tất cả lên những đứa con dứt ruột đẻ ra mang trong mình hiện thân của người chồng bội bạc. Tội ác sinh ra tội ác và đẩy tất cả vào tuyệt vọng. Bên ngoài là mưa như trút. Căn nhà xiêu vẹo sau từng đợt nước. Bàn tay Nhu nhỏ bé không đủ níu giữ yêu thương.

“Tử hình. Khẩu súng lục anh Viên đưa còn chứ?”

“Sau vụ Bazin vơi đi ba viên đạn”.

“Vậy là đủ. Địa điểm và thời gian sẽ có người báo sau”.

Cho đến khi anh Đính đi tôi vẫn còn mơ hồ về nhiệm vụ mà ám sát đoàn đã giao. Đây chỉ là cơn ác mộng. Tỉnh dậy tất cả sẽ biến mất. Không có chuẩn bị cho cái chết của ai. Không phải Nhu hay Uyển. Cố vật mình tìm giấc ngủ mà cái nóng chiều hè cứ ép xuống mãi. Tôi như con cá bị vây trong lưới. Xung quanh là nước biển, là tự do xong tất cả cách một làn lưới giăng chắc chắn đang thít lại dần. Cố cách nào cũng không thể vượt ra. Tình yêu của tôi và Nhu cũng thế, cách một lằn ranh của phản bội và trung thành. Nhu dại dột? Không. Nhu không dại dột, Nhu làm những gì bản thân cho là đúng. Cứu được em Chính chỉ còn cách đó. Nhu và Uyển bị Đảng thủ tiêu, em Chính được thả ra cùng lòng hận thù với những người đã giết chị mình. Pháp sẽ lợi dụng tuyên truyền Đảng giết dân thường vô tội vì không chịu vào Đảng, Nguyễn Thái Học là người ra lệnh. Nếu Nhu cung cấp được thông tin bắt được anh Học, Brides sẽ đưa Nhu lên thành nữ thánh có công với mẫu quốc như nữ thánh Joan chống lại quân Anh. Kết cục cuối cùng Nhu vẫn phải nhận cái chết của ám sát đoàn.

Mệt mỏi cho những suy tính thiệt hơn. Giá có thể vứt bỏ tất cả cùng nhau đi thật xa. Mà đi đâu? Chúng mình đi đâu bây giờ hả Nhu?

Buổi chiều nóng bức thít chặt những dự tính về nơi đến.

Sót lại chỉ còn làn nước xanh thẳm của Hồ Tây bên đường Cổ Ngư là mát mẻ.

4

Cơm tối dọn đi, hầu như vẫn nguyên những món dọn ra, tôi và Nhu chỉ uống không ăn. Ngọn đèn leo lét đỏ. Bóng cả hai gầy guộc ăn vào tường loang lổ thẫm. Im lặng là thứ níu chúng tôi lại đến lúc này. Chúng tôi im lặng bện xoắn vào nhau trên nền đất ẩm. Ngày tháng buông xuôi không cần níu giữ. Tôi thúc lên để xua đi bóng ma u ám quá khứ, Nhu đón nhận trả lại bóng ma về chỗ cũ. Từ ngày mai, số phận hai chúng tôi sẽ khác. Ngã rẽ đã được định sẵn chẳng cách nào quay lại. Trong cơn loạn ly này sống được phút nào hay phút đấy. Đừng nghĩ ngợi gì, cứ im lặng mà là của nhau. Của thời gian đo bằng bóng trăng nhích qua tán cây ngoài cửa sổ rọi vào. Cuồng dại và đam mê. Người Nhu dưới trăng sáng rỡ như phiến ngọc. Tôi hôn lên tất cả. Phần người còn lại trong tôi ở đây. Sự thánh thiện không vương vấn tội ác cũng ở đây. Nhu làm lễ rửa tội cho tôi trên chính thân thể mình. Vẫn là im lặng. Tôi thấy mình lơ lửng bay lên. Im lặng. Rồi đột nhiên Nhu cười, tiếng cười lanh lảnh đào lên, khoét sâu những nỗi đau vừa được lấp đi. Từ thiên đường tôi bị kéo vụt xuống mười tám tầng địa ngục. Chẳng còn ánh trăng dát bạc, chẳng còn ngọc ngà, chỉ còn bóng đêm đen kịt im lìm. Đến cái bóng cũng mất. Cuống cuồng tôi tìm bóng. Mò mẫm xung quanh cho đến khi chạm vào thân người. Trăng vụt trở lại. Không còn màu bạc nữa mà là màu đỏ tươi của máu lênh láng chảy thành dòng về các phía. Trên tay tôi là khẩu súng lục đã giết Bazin. Dưới sàn là Nhu với nụ cười còn chưa tắt trên môi và khoảng ngực rách toác. Máu nhuộm đỏ hai chúng tôi. Trong ổ đạn chẳng còn viên đạn nào. Tức giận và tuyệt vọng đập mãi khẩu súng xuống đất. Nhu bên cạnh cười giễu cợt. Nước mắt tôi chảy xuống rửa hết vết máu trên người Nhu. Nhu hiện trở lại là nữ thần bay lên. Còn tôi, các vết máu cùng cái chết không thể đến.

Giật mình, tôi tỉnh dậy ra khỏi giấc mơ hãi hùng về cái chết của Nhu. Nắng rọi vào ngang phòng, đã bảy giờ hơn. Váng vất nhìn quanh, Nhu đi từ lúc nào. Bóng dáng còn rơi lại trong mắt chẳng thể rũ bỏ. Khi Nhu vừa nấu ăn vừa lẩm nhẩm một bài thơ Pháp, Nhu dọn dẹp lại sách vở, đồ đạc, Nhu quệt tay lau mồ hôi tóc mai vướng má, Nhu ngả đầu nằm yên trong vòng tay...

Trên bàn là bát canh cá bảng lảng vài ngọn khói nhạt và đĩa thịt kho tiêu. Chẳng một lá thư để lại, chẳng nhắn nhủ. Nếu không có hai món ăn kia tôi sẽ nghĩ Nhu chưa từng đến đây vào hôm qua.

5

Mấy hôm rồi lòng như có lửa đốt. Chẳng làm việc gì chú tâm, hết xoay ra lại xoay vào căn phòng hẹp. Mấy cuốn sách đọc dở chữ nghĩa nhảy loạn lên mỗi lúc động vào. Không có tin tức gì của chị em Nhu, cũng không có mệnh lệnh của anh Đính báo ngày giờ hành động. Sáng sớm có chuyến hàng xuất kho chuyển đi Nam Định, tôi vừa ghi số lượng vừa lo trong lúc tôi đi Nhu đến tìm hay anh Đính cho người đến báo. Cũng may trong lúc vào sổ, ghi giấy xuất kho không xảy ra nhầm lẫn, sai sót gì. Về đến nhà quá trưa, mở cửa phòng, cái nóng bị giam hãm nửa ngày ùa ra bức bối. Bên kia đường vẫn chiếc xe tay và người kéo xe hôm Nhu đến. Anh ta đứng đợi khách dưới bóng cây, thấy tôi, vẫy ý hỏi đi không? Tôi mỉm cười, lắc đầu. Giờ tôi còn biết đi đâu ngoài ngôi nhà này để chờ đợi một phán quyết.

Phán quyết đến vào quãng nửa đêm (Ngày 30 giao sang 31, tháng 5, năm 1929).

Tiếng đập cửa mạnh trong lúc tôi đang lơ mơ ngủ. Lúc đầu tưởng mật thám dẫn bọn lính khố đi khám nhà, cuống cuồng nhớ xem khẩu súng cất ở đâu. Nhưng hóa ra không phải. Nếu là bọn lính đi tuần, khám nhà thì không gõ một tiếng mà đập dồn dập bằng cả chân, tay, báng súng cho đến khi có người ra mở cửa mới thôi. Chắc gã say nào đó loạng choạng nhầm nhà. Mà cũng không phải, nếu nhầm nhà gã sẽ phải lao vào bằng được chứ không chỉ gõ khan một tiếng thế. Tôi trở dậy mở cửa, nhớ khẩu súng đã bọc giấy báo, buộc chặt, nhét vào kẽ nứt trên thân cây bàng sau nhà. Không có gã say hay lính khố nào như tôi tưởng. Gói chè Tam Thái đặt ngay dưới cửa. Nhặt lên, quanh quất xung quanh không bóng người, chỉ gió phớt qua nhè nhẹ.

Lấy dao rạch ngang gói chè, ở giữa có ảnh Triệu Vân, nếu là ảnh Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi thì được thưởng thêm một gói. Đằng sau bức ảnh Triệu Vân có dòng chữ nhỏ: “Chín giờ tối, ngày 31, Ngõ Nghè”.

Tôi nhóm bếp đun nước, đốt bức ảnh, lấy chè từ gói vừa rạch cho vào pha. Chè đặc, chát. Tôi phải uống hết gói chè, uống hết ân huệ mà ám sát đoàn đã ban cho tôi. Chè đặc, đắng ngắt như thuốc độc. Tôi uống hết gói chè để tạ lỗi với Nhu. Chè đặc, hương ngái như hương mùa thu cũ lần đầu tiên tôi gặp Nhu trên bến đò Rừng. Tôi uống và uống. Hết chè tôi lấy chai rượu làng Vân còn phân nửa ngửa cổ tu. Rượu này tôi chẳng uống cho ai cả ngoài tôi. Rượu trào khỏi miệng, trời đất chao đảo, hay tôi say? Ừ, giá say chết đi thì tốt. Giờ tôi tỉnh quá, tỉnh để biết phán quyết đã đến, khẩu súng lục ở cây bàng sau nhà, tôi yêu Nhu, tôi sẽ cứu Nhu, nhưng phải giết Uyển. Nếu hỏi Nhu chắc chắn Nhu sẽ nhận cái chết về mình xin tha cho em gái. Nhưng Nhu ơi, tôi yêu Nhu, không cần biết ai nữa. Tôi ích kỷ, chỉ biết mình mình. Nhưng Nhu có hiểu tôi? Nếu Nhu chết tôi còn gì nữa?

Chín giờ tối, ngày 31, Ngõ Nghè.

Ánh đèn điện vương vất đỏ lòe trải dài hun hút về cuối ngõ. Lờ mờ những bóng người đi lại, khó nhận mặt vì ba cột đèn đặt cách nhau thưa quá. Tôi đứng trong góc tối. Thời gian chậm chạp nhích qua tiến về rìa vực thẳm. Cầu mong hai chị em Nhu đừng đến. Khẩu súng này sẽ quay về nơi nó được dời đi lúc chiều. Tôi cầu mong. Hy vọng. Rồi tuyệt vọng. Cuộc đời con người phải chăng được xây nên bằng hai điều đó. Hy vọng. Rồi tuyệt vọng. Cho những ngày tháng phía trước lỡ cỡ không biết bấu víu vào đâu? Lần gặp cuối đồng thời là tiễn biệt. Dù Nhu không biết kẻ giết em gái mình là ai tôi cũng sẽ chuyển đi khỏi nơi đang ở, bỏ công việc ở cảng, bỏ Đảng để theo thuyền hàng vào Nam hoặc sang Hồng Kông. Tránh gặp mặt, tránh tự thú (điều mà chắc chắn tôi sẽ làm nếu đối diện Nhu) về tội ác gây ra.

Gần chín rưỡi. Có ba người lững thững tiến lại phía tôi. Hai người phụ nữ mặc áo tứ thân lùng thùng, tay cầm nón quai thao. Người đàn ông đi cạnh mặc áo cánh. Từ cột đèn đầu tiên họ đi nhanh đến cột đèn thứ hai, đến cột đèn thứ ba người đàn ông nói gì đó không rõ, ba người dừng lại. Ánh đèn hắt xuống thành vũng, tôi thấy Nhu, Nhu bên phải, mặt xương xương, đầu chít khăn mỏ quạ, tóc vấn gọn gàng. Uyển đứng cạnh, mặt bầu, ánh mắt thảng nhìn về phía trước ra chừng lo lắng. Người đàn ông đi về phía tôi. Chính là người kéo xe vẫn đợi khách bên kia đường nơi tôi ở.

“Chị Nhu và chị Uyển gắng đợi. Nguyễn Thái Học qua bây giờ đấy”.

Người kéo xe nói to lên rồi lỉnh mất hút vào ngõ nhỏ. Tôi chùm kín mặt bằng khăn xếp, chỉ hở hai mặt, sáp lại gần, Nhu bên phải, Uyển bên trái. Khẩu súng trong tay lạnh buốt. Hai người chưa kịp phản ứng gì tôi đã nhắm thẳng vào ngực Uyển bóp cò. Uyển gục xuống ngay, mắt ngỡ ngàng, dao trong tay rơi xuống loẻng xoẻng. Nhu nhìn xoáy lấy tôi, cái nhìn giống của người lái xe cho Bazin hôm nào khi chứng kiến cái chết. Buồn bã và mơ hồ. Tôi đau đớn nhắm vào chân Nhu. Súng nảy mạnh, đạn vụt ra, máu tóe lên. Nhu lịm xuống vũng máu, mắt ngân ngấn nước với theo.

Nhu nhận ra người bắn là tôi.

Tôi bỏ Hải Phòng đi ngay tối ấy. Không mang theo gì ngoài nỗi nhớ và ánh mắt Nhu. Ánh mắt cho đến khi lìa bỏ cuộc đời tại một trang trại miền Tây nước Pháp cùng người vợ gốc Ấn và hai đứa con trai tôi cũng không thể nào rũ bỏ. Người kéo xe đưa tôi ra cảng, câm lặng nhận khẩu súng giao lại cho anh Đính. Góc xe còn khẩu súng bọc trong khăn mỏ quạ.

6

Đầu tháng Sáu trời đất buồn bã. Chùa Đỏ có một lễ tang, một lễ xuống tóc quy y.

Sư trụ trì trần duyên chưa dứt nhặt hoa đại bỏ đầy tay nải đi về bến đò Rừng. Vừa đi vừa niệm Phật, rải hoa cho hồn con gái lần theo tìm đường về nhà.

Đò Rừng chiều ấy cũng có hai mẹ con qua sông. Người mẹ tóc xõa trắng dở điên dở dại, chốc chốc sóng to lại sợ hãi ôm rịt lấy con. Người con trai mặt mũi hốc hác, mắt đỏ vằn nhìn chăm chắm về phía trước, nửa như căm giận, nửa như lo lắng. Qua sông, hai mẹ con nhà kia gặp sư trụ trì. Ba người không nhận ra nhau. Sư trụ trì mặc áo nâu, quẩy tay nải nhảy lên đò về bờ bên kia.

Hoa đại trải mãi, trải mãi, trắng cả mặt sông...


1. Chào ông. Có người bạn tôi nhờ gửi cho ông bức thư.

2. Cảm ơn.

Đinh Phương | Báo Văn Nghệ

-------------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Vết thương thành thị - Truyện ngắn của nhà văn Đỗ Tiến Thụy Trăng nơi đáy giếng - Truyện ngắn của nhà văn Trần Thùy Mai Trong đám tang của mình - Truyện ngắn của nhà văn Uông Triều Sài thục - Truyện ngắn của nhà văn Phạm Duy Nghĩa Sức hút của một tấm lưng - Truyện ngắn của nhà văn Võ Diệu Thanh
Tuyển tập 75 gương mặt Văn nghệ - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.