Sáng tác

Hoa không hề ngủ

Yasunari Kawabata / Nguyễn Nam Trân dịch
Văn học nước ngoài
16:54 | 06/10/2024
Baovannghe.vn - Đôi khi những chuyện tầm thường lại khiến ta ngạc nhiên. Hôm qua, khi đặt chân đến một lữ quán ở Atami, ngoài hoa trưng bày ở hốc phòng, người ta còn đem hoa hải đường đến cho tôi. Vì hơi mệt nên tôi đi ngủ sớm. Đến nửa đêm, khoảng 4 giờ sáng, tôi chợt mở mắt. Hoa hải đường vẫn chưa đi ngủ.
aa

Đôi khi những chuyện tầm thường lại khiến ta ngạc nhiên. Hôm qua, khi đặt chân đến một lữ quán ở Atami, ngoài hoa trưng bày ở hốc phòng, người ta còn đem hoa hải đường đến cho tôi. Vì hơi mệt nên tôi đi ngủ sớm. Đến nửa đêm, khoảng 4 giờ sáng, tôi chợt mở mắt. Hoa hải đường vẫn chưa đi ngủ.

Tôi ngạc nhiên khi nhận ra rằng hoa là loài không hề ngủ. Có những loài hoa (buổi tối) như tịch nhan hay dạ lai hương, cũng như các loài hoa (ban ngày) như triêu nhan hay hợp hoan nữa, nhưng nói chung thì hoa thường nở cả ngày lẫn đêm. Ban đêm, hoa không ngủ. Đã biết thừa như thế nhưng đây là lần đầu tiên tôi mới nhận thức về điều đó một cách rõ ràng. Nửa đêm, vào lúc 4 giờ sáng, ngắm đóa hải đường, tôi càng thấy nó đẹp hơn nữa. Tôi cảm thấy một vẻ đẹp se sắt như thể hoa đã nở với tất cả sức sống của mình.

Hoa không ngủ. Dù biết rõ điều đó, tôi bất chợt thấy mình có cơ duyên được ngắm hoa với cái nhìn mới mẻ. Vẻ đẹp của thiên nhiên thật vô hạn nhưng cái đẹp ấy chỉ được con người nhận biết đến một mức độ nào thôi. Có thể bảo rằng khả năng cảm thụ trước cái đẹp của con người là vô hạn nên cái đẹp họ cảm thấy mới có giới hạn, nhưng đồng thời có thể xem điều đó nếu có cũng là vì cái đẹp của thiên nhiên vốn vô cùng tận. Ít nhất là cái đẹp con người cảm thấy trong đời mình là cái bị giới hạn, nghĩa là không có bao nhiêu. Đây là điều tôi thực sự cảm thấy và rất lấy làm vui. Năng lực cảm nhận cái đẹp nơi con người không thể tiến bộ theo dòng thời gian hay tăng lên cùng với tuổi tác. Do đó, được ngắm một đóa hải đường vào lúc 4 giờ sáng cũng là một điều quý hóa. Tôi có lần thầm nhủ: nếu mình đã là đóa hoa đẹp thì cứ nên sống như thế.

Nhà danh họa Renoir đã nói rằng khi mới vừa tiến bộ thêm một chút là đã tiến gần tới cái chết và điều đó thật là thê thảm và câu nói cuối cùng của ông là “Tôi vẫn tin là mình còn tiến bộ”. Câu nói cuối của Michelangelo cũng vậy: “Mãi đến khi thể hiện được đôi điều mình mong mỏi thì cái chết đã gần kề!” Năm đó Michelangelo tám mươi chín tuổi. Khuôn mặt trên chiếc “Mặt nạ người chết” (Death Mask) ông chế ra là tác phẩm tôi yêu thích.

Nói về năng lực để cảm thụ cái đẹp, chúng ta có thể dễ dàng tìm đến nó nhưng tới một mức độ nào thôi. Chỉ bằng lý trí thôi thì khó lắm. Chúng ta phải tìm gặp cái đẹp. Phải thân tình với nó. Đó là một sự tập luyện dày công. Tuy nhiên, đã có nhiều bằng chứng cho thấy dù là một mỹ thuật phẩm cổ thôi cũng có thể dạy dỗ và mở mắt cho ta để nhìn thấy cái đẹp. Điều đó giải thích tại sao có khi chỉ cần một đóa hoa thôi.
Tôi có lần tự hỏi là nhìn một đóa hoa trưng bày trong hốc tokonoma và nhìn cùng một loại hoa ấy khi nó nở giữa thiên nhiên, hai việc ấy có giống nhau không nhỉ? Người ta thường cắt một đóa ra khỏi cành, bày như hoa cảnh (ikebana) trong hốc phòng, rồi từ đó mới bắt đầu nhìn kỹ. Không riêng gì hoa. Văn chương cũng vậy. Nói chung, các cây viết tiểu thuyết đời nay cũng giống như các nhà thơ waka đời nay đã không chịu nhìn thiên nhiên cho thật tận tường. Có thể họ không có cơ hội để nhìn kỹ. Có khi họ bày hoa trong hốc phòng, lại treo thêm bên trên một bức tranh cuốn có vẽ hoa nữa. Dĩ nhiên không thể có chuyện hoa trong tranh đẹp hơn hoa thật. Nếu hoa trong tranh tẻ nhạt thì hoa thật tăng thêm giá trị nhưng dù tranh vẽ hoa có đẹp chăng nữa, hoa thật vẫn ăn đứt. Thế nhưng vì đã có hình ảnh hoa của bức tranh trong đầu rồi nên ta thường không chịu nhìn hoa thật một cách chu đáo.

Dù là Lý Địch hay Tiền Thuấn Cử, dù là Sotatsu (Tông Đạt) hay là Korin (Quang Lâm), dù là Goshuu (Ngự Chu) hay Kokei (Cổ Kính), tranh vẽ hoa của họ thật ra đã dạy cho ta rất nhiều điều về vẻ đẹp của hoa. Không chỉ độc mỗi nơi hoa. Trên bàn làm việc của tôi có đặt hai bức tượng đồng nhỏ: một bức tượng bàn tay đàn bà của Rodin (Auguste, 1840-1917) và một tượng khác của Maillol (Aristide, 1861-1944). Chỉ nhìn hai bức tượng này thôi cũng đủ thấy hai ông Rodin và Maillol khác nhau xa lắm. Thế nhưng với đường nét bàn tay trên tượng Rodin và thân thể đàn bà mà Maillol đã khắc, tôi nhận được rất nhiều thông tin. Tôi đã phải ngạc nhiên về tài quan sát của hai ông.

Một con chó mẹ tôi nuôi đã đẻ. Lúc lũ chó con bắt đầu biết đi chập chững, tôi có lần giật bắn khi nhìn thấy hình thù lạ lùng của một con trong bọn. Nó giống như đúc một cái gì ở đâu đó! Sau đó, tôi mới nhận ra là nó giống con chó con trong tranh của Sotatsu. Đó là hình ảnh của con chó con nằm trên bãi cỏ mùa xuân dưới nét bút thủy mặc của họa gia Sotatsu. Con chó ở nhà tôi chỉ là một giống chó tạp chủng nhưng nó giúp tôi nhận ra họa phong tả thực cao diệu của Sotatsu.

Hồi cuối năm ngoái, tôi có dịp ngắm bầu trời hoàng hôn ở Kyoto, nghĩ rằng sao mà cái màu trời lại giống màu đỏ gọi là akaraku (màu đỏ của phái Raku) trên bát uống trà của Chojiro (Trường Thứ Lang) đến thế. Trước đây, tôi đã có dịp thấy tận mắt bát trà với màu trời chiều akaraku nổi tiếng do Chojiro chế ra. Màu đỏ của những cái bát đó đều được pha lẫn với màu vàng, nhưng đều giống màu trời chiều Nhật Bản nên nó đã in sâu trong lòng tôi. Vì lẽ đó, màu trời chiều thực sự ở Kyoto hôm ấy đã gợi nhớ màu đỏ men bát trà của Chojiro. Lại nữa, khi tôi nhìn bát trà, tôi cũng không thể nào không nhớ tới tranh của Sakamoto Hanjiro (Phồn Nhị Lang). Đó là cảnh bầu trời chiều trên một thôn xóm giữa cánh đồng buồn bã, có những đám mây hình chữ thập sắp lớp như những lát bánh mì cắt đang trôi nổi. Bức tranh ấy nhỏ thôi. Thế nhưng nó cũng đã biểu hiện được màu trời hoàng hôn Nhật Bản và thấm sâu tận lòng tôi. Màu sắc của cảnh trời chiều trong tranh Sakamoto Hanjiro và màu sắc bát trà Chojiro đều có cùng nguồn gốc là Nhật Bản. Giữa cảnh chiều tà ở Kyoto, tôi cũng nhớ lại bức tranh này. Thế thì tranh Hanjiro, bát trà Chojiro và bầu trời chiều thực sự ở Kyoto đã đến gặp nhau cùng một lúc trong tôi nên chúng lại càng đẹp thêm ra.

Buổi chiều ấy là lúc tôi trở về sau khi đi thăm mộ của Uragami Gyokudo ở chùa Honnoji (Bản Năng tự). Ngày hôm sau, tôi lại đi chơi vùng Arashiyama (Lam Sơn) để xem tấm bia của Gokudo do Rai San-yo lập nên. Vì là mùa đông nên ở Arashiyama không có bóng ai. Nhưng đây lại là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình khám phá được vẻ đẹp của Arashiyama. Tôi đã đến đây nhiều lần rồi nhưng Arashiyama là một điểm du lịch nổi tiếng, người qua kẻ lại xô bồ, nên biết đâu vì vậy mà tôi đã không thể nhìn ngắm nó rõ ràng. Chứ thực ra Arashiyama bao giờ cũng đẹp giống như thiên nhiên bao giờ cũng đẹp vậy. Thế nhưng vẻ đẹp của nó thì phải là một người nào đó và vào một lúc nào đó mới có thể cảm thấy thôi chăng?
Việc bất chợt nhận ra là hoa không bao giờ ngủ xảy ra cho tôi trong gian phòng trọ của một lữ quán cũng chỉ vì tôi đã thức giấc vào 4 giờ sáng một đêm nào đó cũng không chừng.

Hoa không hề ngủ
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.