Sáng tác

Sức hút của một tấm lưng - Truyện ngắn của nhà văn Võ Diệu Thanh

Nhà văn Võ Diệu Thanh
Danh tác văn học
11:00 | 13/08/2024
Baovannghe.vn - Ông già trở thành nhà nghiên cứu về sức hút và những tấm lưng. Thường ngày, như bị thôi miên dù đã cố tránh, ông già cứ nhìn miết vào những tấm lưng của phụ nữ.
aa

Vân nói bệnh tâm thần nó lây hơn tất cả những bệnh khác. Ai ở gần người bệnh cũng sẽ bực bội người bệnh rồi sớm hay muộn cũng sẽ nó quàng nói xiên. Ông già khùng rồi.

Ông già trở thành nhà nghiên cứu về sức hút và những tấm lưng.

Thường ngày, như bị thôi miên dù đã cố tránh, ông già cứ nhìn miết vào những tấm lưng của phụ nữ.

Ông cảm thấy mình sợ cái lưng áo một con người hơn cả với cái lưng ghế. Bởi ông thèm cái lưng ghế. Đi đâu ông cũng nhìn lưng ghế như muốn sà ngay vào nó, dựa miết vào nó. Có lúc mệt mỏi, ông thèm ngồi quay mặt vào lưng ghế, ôm chặt nó, gác đầu lên nó ngủ ngồi một cách ngon lành quên hết mọi thứ trên đời.

Ông không muốn nhìn thấy lưng áo của con người. Những khi đi lấy thuốc nam, đường đèo dốc rắn rết gì ông cũng đi thật nhanh, đi dẫn đầu để khỏi nhìn thấy lưng áo của bất cứ người nào. Vì trong những tấm lưng đó, sao cái nào ông cũng như nhìn thấy nó giống lưng áo của bà vợ hai mươi hai tuổi của mình.

Những cái lưng cứ lồ lộ đáng sợ.

Lúc vô chùa thắp nhang lạy Phật là lúc khổ. Trước Phật, ông thường dặn mình dẹp hết mọi phán xét, xóa hết mọi ám ảnh cả tốt cả xấu. Người giàu người nghèo, người già người trẻ gì cũng được tôn trọng. Lưng hay đầu hay mông gì cũng là bộ phận quý giá của con người. Nhưng không ít lần ông đã bỏ ngang việc cúng Phật đi thẳng một đường ra khỏi chùa vì những cái lưng.

Có khi đang đi kiếm thuốc, có những người áng trước mặt ông bằng một cái lưng hồn nhiên êm ả. Những cái lưng đổ mồ hôi cùng ông kiếm thuốc Nam để giúp đỡ cho người bệnh, những cái lưng của những con người không ngại cực khổ chỉ mong sao đạt được một con đường sáng cho lối sống và lối chết.

Toàn là những cái lưng của người lương thiện.

Ông không thấy gì hết, cả lương thiện hay độc ác. Ông chỉ thấy nó giống lưng áo vợ ông. Có lần ông buộc miệng hỏi:

- Bà bệnh hoạn sao không ở nhà đi mấy chỗ nắng nôi này làm chi?

Người đàn bà quay lại. Một gương mặt lạ hoắc. Một dáng người to gấp đôi vợ. Có giống lưng vợ miếng nào đâu mà sao ông lại nhầm lẫn. Dẫu gì ông cũng thấy mình bình tâm hơn khi nhận ra đó là một cái lưng áo lạ.

*

Sức hút của một tấm lưng - Truyện ngắn của nhà văn Võ Diệu Thanh
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cái lưng vợ ông, có gì mà ông sợ đến như vậy. Một cái lưng người phụ nữ hai con tuy là già hơn hồi mới cưới nhưng so với một ông già gần bảy mươi thì tuổi đôi mươi của vợ vẫn là cỏ non dưới mắt trâu già.

Vợ ông vẫn hồn nhiên như ngày nào. Người ta nói ông có lòng, chăm sóc vợ tốt nên dẫu điên điên cô vẫn rất tròn trịa mỡ màng. Ông thấy cái lưng áo, cái đường eo vẫn không thay đổi nhưng sự mỡ màng kia trở nên vô nghĩa. Mà ngay cả những cái lưng khác cũng trở nên ám ảnh, đáng sợ. Lưng là món hiền nhất trong mỗi con người, nó hoàn toàn không làm gì nên tội.

Nhỏ Vân nói ông nuôi vợ bệnh riết bị tâm thần rồi. Nếu ông nuôi nữa là ông chết đó. Chắc ông nên cho bà về với má của bà một thời gian đi. Ông đã già lắm rồi, bệnh thần kinh là không thể chữa được, là đi đứt? Chết chùm đó chớ đừng có giỡn. Lúc đó chẳng biết mình là ai chớ ở đó mà nuôi người khác, ở đó mà kiếm đường sáng cho một kiếp nào khác. Sự chết giữa u mê sẽ mở ra một kiếp sống u mê khác. Sẽ là luân hồi mê muội. Ông không nên dễ ngươi.

Ông già không thể bỏ bà. Ông ở hiền, ông ăn chay. Nếu ông lụm bà ở ngoài đường, ông không có con với bà thì khi bà bệnh vầy, ông cũng không thể nào để bà đơn độc. Người hung hãn buông hạ đồ đao bao giờ cũng thành khẩn như vậy. Ông nói với Vân: “Hồi xưa, tao ngang tàng không ai bằng nghe bây. Chiến tranh mà. Tao giết người không cần biết đúng sai. Hễ thấy phía bên kia là cứ giết. Mà phía bên kia đâu phải ai cũng đáng ghét, đáng thù”. Như hiện nay nè, có những người từng ở phía bên kia đi chặt thuốc Nam cùng ông già, cũng sẵn sàng bỏ mồ hôi tâm sức ra giúp người nghèo, cũng chật vật con đường tìm lối đi sáng suốt cho tâm tính để không phải hối hận khi hồi ức. Họ cũng ngồi phản tỉnh từng hành động từng suy nghĩ của mình mỗi ngày. Họ cũng là một con người có trọn vẹn những đặc tính ông đang có. Vậy mà hồi đó ông đâu có thấy vậy. Ông thấy phía mình là người tốt rồi vậy mà còn có người chống đối đích thị họ là phe xấu rồi. Giết hết. Có lần gặp một tay phía bên kia đi ngang, mấy thằng lính hỏi xử không anh. Hôm đó, hình như cũng một ngày yên lành trong lòng. Nghĩa là không có chút gì phiền giận hay đau ốm. Ông chỉ thấy hơi lười gật đầu. Nghĩa là đối thủ nằm trong tầm bắn nhưng ông vẫn tha. Mà ông không nghĩ tới giết tha gì nữa, chỉ lặng lờ bỏ qua. Đi được một đoạn, ông quay người lại hất mặt ra dấu cho thằng lính. Một tiếng nổ gọn sau lưng. Một người nằm xuống dễ dàng. Không có gì đọng lại trong ông kể cả thù hận hay thương xót. Mà không biết bao nhiêu mạng người đã ngã xuống dưới tay ông trong lạnh lùng giản đơn như vậy. Sao mà đếm cho hết được. Chiến tranh nó kỳ cục như vậy. Súng đạn nó kỳ cục như vậy. Nên ngày nay, hết súng đạn rồi ông tự nhiên thấy cuộc giết chóc ngày xưa mình mặn mòi tham dự sao mà nó lãng xẹt lãng đanh.

Ông không ăn chay vì chuyện từng giết chóc. Ông ăn chay vì muốn rèn cho mình lòng nhân để tránh bị sa lầy vào một cuộc chiến vô duyên nào đó ở tương lai. Mà con đường quay đầu thật là kỳ diệu. Nó làm cho mọi thứ trở nên nhẹ nhàng. Ông nhận ra không gì có thể kéo con người trở về lương thiện dễ dàng bằng sự tĩnh lặng. Ví như một con thuyền chở khẳm cỡ nào mà đưa nó vào ao hồ lặng sóng thì nó sẽ không chìm. Nghĩa là cứ đưa một thằng ác ôn đi chung với những người hiền, những người yên ổn tịnh tâm, nó không hết ác ngay bây giờ thì thế nào nó cũng hết ác khi sức cùng lực kiệt. Như hạt giống thiện đã gieo rồi chỉ chờ những trận mưa ẩm ướt mát lành để nó nảy mầm. Hiền lành là món từ từ mà thấm chớ gấp gáp rất khó lòng. Ông đi lấy thuốc thấy cảnh sống ở đó hay lắm. Ông gặp bao nhiêu là người chẳng bận tâm gì tới no đói được mất. Họ cứ như con ong hút mật mà không cần biết mật kia vào tay ai. Những người son phấn lòe loẹt cũng tốt thôi là tốt. Những người nói chuyện hung hăng như sắp đánh nhau cũng tốt thôi là tốt. Có những người tham lam cũng tốt thôi là tốt. Họ nói là làm phước kiếm chút vốn về quê. Về quê khỉ khô gì. Làm bậy nhiều sợ tội nên làm phước cho giảm bớt. Nhưng cũng cứ bị ham hố nên tiếp tục làm bậy rồi tiếp tục tạo phước để giảm trừ. Kệ, biết sợ là tốt rồi, cái ác dù gì cũng có chừng mực hơn. Cái hạt giống thiện ít ra cũng đang nằm chờ đó. Đủ duyên nó sẽ nảy mầm. Chớ cái cảnh giết người hàng loạt mà tỉnh queo còn nói không hối hận sao mà đau đớn quá. Chớ cái cảnh bạo lực, giết chóc tinh thần người khác tơi tả mà mặt mũi cứ tỉnh bơ, miệng cứ nhơn nhơn tao là người một trăm phần trăm lương thiện thì... sợ quá.

Con đường lương thiện đó đã dắt ông tới cái lưng áo bà ba sờn bạc của bà vợ trẻ măng. Mười tám tuổi, bà ưng ông mà không một chút kỳ kèo. Nay bà có bị gì ông cũng đâu thể nào vì cảnh khó mà giao cho người khác. Kệ thôi, sống cùng sống, chết cùng chết.

Ông chỉ thắc mắc sao mà người ta có lúc mê lúc không mê nhanh như chớp mắt. Ví như nói lúc người ta tâm trí loạn cuồng thì mê, lúc bình tâm thì tỉnh. Như ông lúc này tâm cuồng trí loạn vì cảnh nhà cảnh mình đang oằn oại, ông lại không mê còn năm năm trước, tỉnh táo tinh tấn trong đường tu ông lại mê.

*

Một cái lưng áo trong hàng trăm ngàn cái lưng áo bà ba màu xám đang cùng chặt thuốc Nam với ông. Ông đứng từ xa nhìn thấy rồi sững sờ, rồi nói với Vân.

- Tao phải cưới cô đó.

Vân trợn mắt nhìn ông già. Ông tóc bạc da nhăn nheo rồi.

- Chú muốn cưới vợ?

- Ừ, cưới cô đó.

Vân nhìn theo hướng tay ông già. Cô đi về phía cô gái, mặt đối mặt. Vân nhìn kỹ thêm lần nữa, hỏi han thêm nhiều lần nữa.

Vân quay lại ông già, mắt không trợn nữa mà châu lại, từng tiếng nói đanh thép.

- Chú gần sáu mươi rồi, ở tới như vậy thì thôi cưới vợ chi cho lùm xùm, người ta cười chết. Người tu nữa, cưới vợ là vướng thêm nợ đời trong khi chú đang muốn trả từng món cho dứt.

Ông trả lời quyết liệt hơn.

- Tao phải cưới.

- Chú biết người ta bao nhiêu tuổi không. Mới mười tám, nhỏ hơn con, cưới nỗi gì?

- Tao...

Ông sượng với con số mười tám.

Nhưng duyên nợ gì không biết mà nhìn thấy cái lưng áo rồi về ông cứ nhấp nha nhấp nhỏm. Đi đâu làm gì cũng nhìn thấy cái lưng áo. Mấy đứa nhỏ nói ông mê gái trẻ, người ta mới có mười tám mà thương gì thương bất nhơn.

Ông cũng dặn mình nên quên đi. Người ta là con nít. Cưới như vậy có khác gì những ông già háo sắc mà thiên hạ đang chê cười.

Hai mươi năm tu hành rồi, ông là thần tượng của bao nhiêu người phụ nữ, là trượng phu của biết bao nhiêu cô gái tu hành hiền lành. Họ như nhìn thấy con đường tu thật đẹp thông qua ông. Họ đã vì ông mà tin những gì ông tin, làm những gì ông làm. Nếu cưới gái trẻ là mất hết những tiếng thơm, mất hết niềm tin, thậm chí mất hết uy tín của đạo mà ông đang danh nghĩa là đệ tử. Ông nhìn thấy một sự tan rã.

Ông còn nhìn thấy ngày mình về với vô tận sẽ không thể nào siêu thoát vì tội phá hoại đường tu của mình và đường tu của những người đang noi theo mình.

Ông ngồi ngẫm nghĩ thấy quá sợ hậu quả. Ông đi lấy thuốc nhiều hơn, làm phước thiện nhiều hơn, tụng niệm nhiều hơn.

Nhưng nhắm mắt lại tụng ông không thấy khoảng trống thanh thản mà thấy cái lưng áo. Bước ra chặt thuốc, nhìn những cái lưng áo của người khác ông lại nhớ cái lưng áo ông thương. Khi vào chùa, nhìn cái lưng áo cà sa ông cũng như nhìn thấy lưng áo người con gái đó rồi tiến lại gần như muốn ôm chầm một người đồng đạo.

Không xong rồi.

- Chết tao cũng cưới.

Vân bỏ ăn hai ngày để chống đối. Những đồng đạo nói chú cưới kiểu đó con không lấy thuốc với chú nữa, con sẽ hư hỏng cho chú vừa bụng.

Có một bà gần sáu mươi bị sốc, tăng huyết áp rồi nhập viện vì bị tai biến.

Ông vẫn cưới. Vì ông biết mình sẽ còn hư hỏng hơn nếu cãi lại những ham muốn đang cuồn cuộn trong lòng. Mà chẳng biết gọi mớ cuồn cuộn đó là gì. Nếu chỉ là ham xác thịt phụ nữ thì lén lén tìm bồ bịch cũng qua ngày. Đằng này phải là cảm giác vợ chồng, phải là ăn đời ở kiếp và phải là đúng con người có cái lưng áo mê ly đó.

*

Ông là một người chồng tốt đẹp. Vân thường hay nói như vậy. Cả một đời lang bạt rồi buông hạ đồ đao lập tức trì chí tu hành, rèn tâm dưỡng tánh. Chưa ai chân thật bằng ông. Cô gái mười tám kia kể ra cũng là may mắn. Được sống với một người đàn ông có tâm hồn, có lòng nhân.

Lòng nhân của ông là cái gì? Tại sao mới si mê đó, chỉ sau một đám cưới, mọi thứ cuồng nhiệt biến mất. Ông nhìn vợ như nhìn một cái gì đó không thể nào chấp nhận được. Ông tự hỏi con người ông tại sao lại tác tệ. Phải chi người ta thay hình đổi dạng hay thay dạ đổi lòng. Lòng ông lại thay đổi một cách vô cớ.

Cổ bây giờ vẫn còn là trẻ trung trước mắt ông già. Mà thậm chí mông còn đầy hơn, eo còn mịn màng ngọt ngào hơn. Sao không còn chút hấp dẫn nào hết. Không còn một chút nào chớ không phải còn một phần. Những cảm xúc ngày đó đã đi đâu.

Những khi nhìn mấy bà bạn đạo đi ngang nhìn vô nhà bằng con mắt căm phẫn, những khi nhìn thấy người đàn bà bị tai biến vì ông, ông tự hỏi phải chi ngày đó lòng dạ ông cũng trống như vầy, cũng không rung động như vầy thì đâu tác tệ. Phải chi là một cái từ vô cùng sang cả và xa vời.

*

Ông đi chặt thuốc Nam. Ông đứng nhìn lưng áo của những cô mười tám thường theo cơm nước cho đoàn. Có nhiều cô lưng ong, vai mềm. Có nhiều cô tươi như bông như hoa, thấy ông chăm sóc vợ họ ao ước, giá như chừng nữa con có người chồng như chú, bệnh hoạn mà cũng được chăm sóc vậy thì dù nghèo dù già con cũng thương. Sao ông cũng thấy không có chút gì động lòng. Giá như hồi đó cũng bình lặng như vầy.

*

- Bây coi hấp dẫn là cái gì?

Ông già buồn quá lôi Vân ra hỏi.

Vân cười khà khà. Cô quên mất ngày mình tuyệt thực chống quyết định cưới vợ của chú.

- Hấp dẫn gì hả chú. Thầy Tam nó có gì hấp dẫn mà mấy bả theo rần rần. Đạo đức phải không? Thì nói chuyện cũng có duyên, thì mượn lời của thầy tổ nói cộng với âm điệu ngọt ngào đưa đẩy tưởng như là đắc đạo từ hồi nào. Nhưng mấy câu nó nói, đám phụ nữ tụi con cũng nói hoài, còn ngọt hơn, chân thành hơn sao mấy bà đạo không mê. Trong khi thằng Tam nó mở miệng ra mấy bà mê chết mê sống. Có nhiều cô hai ba con rồi đi coi bói hỏi “thầy ơi coi giùm con thôi chồng đi theo thầy Tam được khôn?”

Nói thiệt với chú, hồi đó đâu có biết thầy Tam tròn méo thế nào. Con nghe nhỏ bạn hỏi thầy bói mới đòi đi cùng coi thầy Tam lồng lộng cỡ nào. Nhỏ bạn nghe vậy mắt mơ màng như đang bay trên chín tầng mây. “Trời ơi, mày đi với tao đi, rồi thấy thầy, mầy đi không nổi luôn. Đẹp trai gì mà không hình dung nổi”.

Con hình dung thầy Tam chắc đẹp như ông Tam Tạng trên phim, chắc là miệng cười có duyên, chắc môi son da hồng như những ông tiên. Con đi gặp thầy Tam. Rồi khi về, con quỳ lạy tứ phương. Con thiếu điều quỳ lạy nhỏ bạn con luôn. Ông nội Tam? Đẹp gì chú ơi. Ổng đen thui mặt rỗ, cái trán ổng, chèn ơi trợt lớt. Là con ấy à? Ổng quỳ xin cưới con còn không nhìn tới. Vậy mà nhỏ đó bỏ chồng đi theo ổng. Mà ổng đuổi nó về chú ơi. Nó đâu có nhiều tiền. Ổng miệng lưỡi cỡ vậy đâu dễ mà ưng nó ngang xương rồi chui rút khổ sở. Ổng ở một mình như vậy được cô này cho xe, cô kia cho nhà sống sang như... mà thôi. Con nói cho chú hay, người ta tu không phải như chú đâu. Tu là một cái nghề. Ví dụ như người ta giỏi nói chuyện người ta đi làm MC trong đám cưới, trong mấy nhà hàng hay mấy chương trình ở đài kiếm tiền. Nhưng xấu hoắc như ông Tam ai mà mướn. Vô làm MC trong đường tu hợp lý hơn. Làm MC trong chuyện tu cũng là dễ kiếm người hâm mộ, cũng kiếm tiền, kiếm tình yêu. Đã làm nghề thì nghề nào cũng nghiệp. Mình mang nghiệp mà hướng mấy người mê trai chịu tu cũng là coi như gỡ được tội dụ dỗ. Học thuộc kinh sách Phật rồi lan truyền điều tốt đẹp nó cũng là phước hả chú? Con nói cho chú hay, biết luật mà phạm tội thì còn nặng tội hơn. Lấy chuyện tu hành mà kiếm tiền kiếm tình thì gỡ đường nào cho hết tội. Họ tưởng tội lỗi là cái thứ có thể lấy thu bù chi được sao. Làm gì có. Cái nào tính cái đó nghe chú, không có trừ cấn được đâu. Mấy bà mê trai đi tu thì xử tội mê trai xong rồi mới tính tới chuyện đắc đạo nghe chú.

Ông già nhìn Vân ông cười.

- Bà thầy tu này dữ quá, đắc đạo rồi cũng bị xử tội hung dữ hà.

- Thì vậy thôi. Nhưng sao con người ta vẫn mê muội há chú.

- Thì có mê mới có sống. Nếu không còn gì để mê nữa thì vãng sanh cho khỏe. Cái lưng áo mà còn mê được chớ nói gì cái trán trợt, cái mặt rỗ mày ơi.

- Đó đó. Con thấy vầy nè chú. Hình như là người này mê người kia không phải vì cái đẹp.

- Chớ vì cái gì? Họ thấy đẹp họ mới mê.

- Không đâu chú. Họ thấy đẹp nhưng nó không đẹp.

- Mày không thấy đẹp nhưng họ thấy đẹp.

- Đó đó. Vậy là phải có cái gì khác làm cho họ thấy rằng cái trán trợt kia đẹp, cái lưng áo của thím đẹp...

- Cái đó là cái gì?

*

Ông già nằm võng nhìn lưng áo vợ. Ông mệt rồi. Nãy giờ ngồi cản hoài nhưng vợ cứ ngồi ngay hàng ba cởi từng món. Đầu tiên là cởi cái áo. Rồi cởi cái tã lót. Rồi cởi luôn quần. Cản một hồi ông mệt leo lên võng nằm. Ông đóng các cửa nhà tự nhốt vợ nhốt mình. Mặc kệ cổ ỉa đái và làm gì quanh đó. Ông cảm thấy khi người ta muốn thì dù họ khỏe hay họ bệnh gì cũng khó lòng cản được họ. Trừ khi tự họ nhận ra điều đó là sai. Cô vợ hiền điên điên của ông thì làm sao mà tự nhận ra cho được. Trói hay nhốt thì không đành. Thôi kệ vậy.

Ông nằm võng nhìn những tàn tích của vợ rồi phân tích mùi, rồi than.

- Đời người nó ngu như vậy đó.

- Ừ, thì ngu mới là đời.

Ông nhìn lại vợ.

- Bà đang nói hả, sao nói hay vậy.

Bà đang tới giai đoạn cởi sạch quần áo và mặc vào từng món. Bà lấy hai chân mặc vô một cái ống quần. Ông định khen thêm một câu vụ bà nói về đời. Bà nói tiếp.

- Đừng có tưởng bở. Tui là tui không phải người thường đâu. Tui là một nhà chính trị à.

- Rồi trớt quớt nữa rồi. Bởi vậy khổ thân tôi. Hồi đó ở một mình, tu hành sướng muốn chết. Tự nhiên gặp cái lưng áo bà làm chi rồi thương, rồi một cưới hai cưới. Giờ khổ cả nhà. Con Vân nó nói phải. Chết chùm chớ chẳng chơi.

- Ông mê cái lưng tui là phải rồi. Ông không nhớ sao, ông đi rồi, quay lại nhìn cái lưng áo tui ông không tha, ông biểu lính ông bắn tui. Viên đạn xuyên chỗ nào ông nhớ không? Chỗ lưng nè. Cái lưng nè.

Ông già nhìn theo bàn tay người vợ điên đang chỉ vào chỗ vói hụt chỗ lưng. Bà đã mặc được áo nhưng một tay xỏ đúng một tay trổ ra ở phần cổ rồi cài nút lại. Ông không thấy ở đó cái lưng quen thuộc của vợ, cái lưng vẫn làm ông nghiền ngẫm hằng ngày về sự si mê. Ông nhìn thấy nơi lưng vợ một dáng đàn ông. Những thớ vải bạc màu nhăn nhún. Như là cái áo đã mặc suốt mấy mươi năm, đã lăn lộn giữa chiến trận đạn bom, lặn lội giữa rừng sâu ngập tràn máu lửa.

Võ Diệu Thanh | Báo Văn Nghệ

-------------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Con chó và vụ ly hôn - Truyện ngắn của nhà văn Dạ Ngân Chiếc bình không thả ra sông - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ Vết thương thành thị - Truyện ngắn của nhà văn Đỗ Tiến Thụy Trăng nơi đáy giếng - Truyện ngắn của nhà văn Trần Thùy Mai Sài thục - Truyện ngắn của nhà văn Phạm Duy Nghĩa
Tuyển tập 75 gương mặt Văn nghệ - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Nhiều nội dung quan trọng tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nhiều nội dung quan trọng tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Baovannghe.vn - Dự kiến, Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra từ ngày 7 - 10.10.2024 và ngày 14.10.2024, tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội
Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Baovannghe.vn- Sông Hồng đi qua xứ Đoài/ Vác theo vùng trời vỡ rạn/ Đường trung du mốc trắng/ Xanh bãi bờ gọi niềm trai tráng
Chiếc bình đựng ký ức. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Chiếc bình đựng ký ức. Truyện ngắn của Dương Nữ Khánh Thương

Baovannghe.vn - Mộc cười tự tình với trăng. Trăng chảy ướt đầm vai áo Mộc. Từng sợi trăng vút mềm tao nhã như đổ ra loang mềm trong ánh nhìn bượt bã của nàng.
Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Baovannghe.vn - Hình ảnh Lá rơi... lại tưởng bước chân ai về đã được nhắc đến trong thi ca khá nhiều. Nói cũ thì cũng đúng. Nhưng không hiểu sao với bài Mẹ ngồi tựa cửa của nhà thơ Hải Thanh, tôi lại không nỡ nghĩ như vậy.
Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Baovannghe.vn - Quả thực cô hỏi thế tôi cũng khó trả lời. Có lẽ các nhà văn, nhà thơ tặng sách cứ nghĩ rằng, ở cương vị lãnh đạo tôi là người ham đọc sách, nên họ ra sức tặng