Sáng tác

Nhật ký trong tù từ góc độ văn hóa hiện đại

GS.TS Nguyễn Thành
Danh tác văn học
08:00 | 24/08/2024
Baovannghe.vn- Xin giới thiệu đến bạn đọc tham luận của GS,TS Nguyễn Thành, một góc độ tiếp cận tác phẩm Nhật ký trong tù dưới góc nhìn văn hóa hiện đại
aa

Nhật ký trong tù là tập nhật ký viết bằng thơ của Hồ Chí Minh trong thời gian Người bị giam cầm trong các nhà tù của Trung Quốc thời Quốc dân đảng cai trị. Người tù đó là một chiến sĩ cách mạng, giàu lòng yêu nước, tràn trề khát vọng giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân, phát xít. Trước khi bị giam giữ trong các nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch vì “bị tình nghĩ là Hán gian” (Nhật kỷ trong tù), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã làm việc, sinh sống, học tập, nghiên cứu qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ của châu Âu, châu Mỹ, châu Á, nơi có những nền văn hóa, văn minh tiêu biểu của thế giới lúc bấy giờ như Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nga... Ở những nơi này, Người tiếp nhận những giá trị tốt đẹp của văn hóa, văn minh nhân loại, đồng thời trực tiếp chứng kiến hiện trạng các nước thực dân, đế quốc trong thời kỳ công nghiệp hóa mạnh mẽ. Sự trải nghiệm này không chỉ giúp nhà cách mạng trẻ tuổi hiểu biết tưởng tận thực chất mối quan hệ thực dân và thuộc địa, tư sản và vô sản, mà còn giúp Người mở rộng tầm nhìn về lịch sử văn hóa, văn minh của thế giới. Với căn cốt văn hóa Việt và văn hóa phương Đông sẵn có, khi được trực tiếp cảm nghiệm văn hóa phương Tây hiện đại, Hồ Chí Minh thực sự trở thành người giàu có về văn hóa trong thời đại mình. Người trở thành con người lịch lãm, mẫn tiệp, có khả năng ứng biến mọi tình huống, cảnh ngộ từ tâm thể của một trí thức.

Nhật ký trong tù từ góc độ văn hóa hiện đại

Văn hóa hiện đại vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX là đề cao “tự do, bình đẳng, bác ái” (khẩu hiệu của cách mạng Pháp, 1789), là yêu thương, tôn trọng con người. Khi bắt gặp tư tưởng vô sản (1920), Người còn hướng đến việc giải phóng con người khỏi tình trạng bị áp bức, bóc lột và giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị của thực dân, đế quốc. Hồ Chí Minh mang trong mình những giá trị văn hóa cao cả đó, nên tư tưởng của Người luôn kết hợp nhất quán mục tiêu giải phóng dân tộc với giải phóng con người.

Sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh (Việt Nam độc lập đồng minh hội), Bác Hồ được Trung ương cử đi Trung Quốc để tìm kiếm sự ủng hộ của Khối Đồng minh trong công cuộc đánh Pháp, đuổi Nhật. Theo Trần Dân Tiên trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hổ Chủ tịch thì sau “mười ngày năm đêm” (có thể có đêm Bác nghỉ ngơi, đợi ban ngày mới tiếp tục hành trình - NT), đi từ Pắc Bó đến Quảng Tây, đến ngày 29 tháng 8 năm 1942, Người đến phố Túc Vinh, thị trấn Thiên Bảo, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc thì bị lính của chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt. Trong Nhật ký trong tù, chúng ta có thể cảm nhận được những ứng xử cao đẹp của con người với thiên nhiên, con người với con người, cụ thể ở đây là giữa chủ thể trữ tình với đối tượng trữ tình, giữa người tù Hồ Chí Minh với thế giới còn lại. Trước hết là vẻ đẹp về ý chí, nghị lực của Bác khi đối diện với những gian nan, thử thách trên đường bị áp giải qua các nhà tù và khi ở trong tù. Thiếu ăn, thiếu ngủ, thiếu nước, không có chăn ấm, chế độ gông cùm, bệnh tật, thân xác tiều tụy... Người đều nếm trải và vượt qua bằng ý chí, nghị lực “Vật chất tuy đau khổ / Không nào núng tinh thần” (Bốn tháng rồi - Nam Trân dịch). Hơn thế, Người không nhìn những “chướng ngại trên đường đời” đó bằng thái độ hằn học, mặc dù có khi bực bội vì bị giải tới giải lui ở Liễu Châu: “Liễu Châu, Quế Lâm lại Liễu Châu/ Đá lại, đá qua, tựa đá cầu/ Giải khắp Quảng Tây, oan ức thật!/ Chẳng hay còn giải đến bao lâu?” (Bài số 107 - Phan Trọng Bình dịch) mà thường bằng cái nhìn hài hước, ngay cả khi nói chuyện phiền toái: “Cửa tù khi mở không đau bụng/ Đau bụng thì không mở cửa tù” (Bị hạn chế - Nam Trân dịch), chuyện thiếu nước: “Ai muốn đun trà, đừng rửa mặt/ Ai cần rửa mặt, chớ đun trà” (Chia nước - Trần Đắc Thọ dịch). Kể cả chuyện rụng răng, mất chiếc gậy... Người đều coi là chuyện thường tình mặc dù có tiếc nuối... Cũng có khi Bác pha trò, bằng cái nhìn hài hước để giảm bớt cảm giác buồn chán: “Ăn cơm nhà nước, ở nhà công/ Lính tráng thay phiên đến hộ tòng/ Non nước dạo chơi tùy sở thích/ Làm trai như thế cũng hào hùng” (Giải trào - Văn Trực và Văn Phụng dịch). Giữ được cái nhìn hài hước trước những tình huống dở khóc dở cười, luôn có tâm thế tự tin, lạc quan ngay cả trong cảnh u tối, tưởng chừng bế tắc, đó là sự nghiệm sinh biện chứng về nhân sinh, vũ trụ của bậc “đại nhân”, “đại trí” (chữ dùng của nhà thơ Viên Ưng)(1). Người ta thường nói đến bí quyết dưỡng sinh tâm hồn của cổ nhân. Khi đọc Nhật ký trong tù, ở một khía cạnh nào đó. Bác cũng tự cân bằng tâm thế của mình bằng phương pháp “dưỡng sinh”. Đây cũng chính là một biểu hiện khác của sự hòa quyện văn hóa Đông Tây trên nền tảng triết mĩ sinh thái hiện đại ở Hồ Chí Minh. Sinh thái học nhân văn hiện đại coi thế giới tự nhiên thiên nhiên là tập hợp của những sinh thể bình đẳng với con người, chúng phải được tôn trọng. Thiên nhiên, trong quan hệ sinh thái, là “hình thức cộng sinh”, là bè bạn với con người. Trong hoàn cảnh bị giam giữ, cầm tù, Hồ Chí Minh cảm nhận thấm thía những giá trị của giao cảm sinh thái. Vọng Nguyệt bao gồm cả hành động và cảm xúc, vừa nói chuyện ngắm trăng, vừa thể hiện nỗi khoan khoái khi lòng mình được giao hòa với đêm trăng yên bình của người tù thi sĩ. Và khi trăng đã tỏ, lòng người đã mở thì trăng với người hòa quyện làm một “Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” (Ngắm trăng - Nam Trân dịch).

Đọc Nhật ký trong tù, chúng ta cảm nhận được lòng yêu thương và sự đồng cảm sâu sắc của Bác với hoàn cảnh, thân phận của đồng loại, từ nỗi nhọc nhằn của anh phu làm đường đến sự gian khó của bác nông dân, từ tiếng khóc của em bé phải theo mẹ vào nhà giam đến tiếng sáo thổn thức nỗi nhớ quê xa của người bạn tù... người tù Hồ Chí Minh có khi quen đi thân phận của mình để “lắng nghe” tiếng nói thân phận của người khác. Và Người cảm hiểu thấm thía nỗi lòng của của họ từ chính đáy lòng mình. “Muốn dặm quan hà khôn xiết nỗi/ Lên lầu ai đó ngóng trông nhau” (Người bạn tù thổi sáo - Nam Trân dịch). Đây đó chúng ta bắt gặp cảm giác lỗi hẹn đầy tri kỷ của Bác “Ngày đi bạn tiễn đến bên sông/ Hẹn bạn về khi lụa đỏ đồng/ Nay gặt đã xong cây đã khắp/ Quê người tôi vẫn chốn lao lung” (Nhớ ban - Nam Trân dịch) hoặc lo lắng khi người bạn Trung Quốc - tên Dương Đào - dẫn đường cho mình, cùng bị bắt vào tù, lại bị ốm nặng “Cháy thành lây vạ, buồn khôn xiết/ Nay lại thương anh mắc chứng lao” (Dương Đào ốm nặng - Hoàng Trung Thông dịch). Đó là những biểu hiện khác nhau về cốt cách của con người giàu lòng thương người sâu sắc, vô bờ bến và cũng có thể nói là phẩm chất của nhà cách mạng vô sản Hồ Chí Minh(2).

Cái nhìn nhân văn gắn với tư tưởng yêu thương và trân trọng đối với con người và tự nhiên, không phân biệt địa vị và những giá trị có tính thực dụng, bất kể là con người hay loài vật, đồ vật.

Với Hồ Chí Minh, việc mất một chiếc gậy, rụng mất một chiếc răng không chỉ là mất đi một vật thể mà quan trọng hơn là mất đi một kẻ tương thân, tương tri

Tuy nhiên, nếu đọc kỹ, người đọc có thể phát hiện ra sự ứng xử văn hóa của Bác trong Nhật ký trong tù đã đạt đến sự “toàn thiện, toàn mỹ” khi Người không chỉ quan tâm đến con người mà còn quan tâm, nâng niu, trân trọng đến thế giới đồ vật - những thứ hằng ngày hiển hiện quanh ta, hữu ích với đời sống sinh hoạt của con người nhưng mấy ai ghi nhận chúng. Đây là chính là cấp độ văn hóa người chuẩn mực (cao nhất) của con người hiện đại: tính nhân văn. Cái nhìn nhân văn gắn với tư tưởng yêu thương và trân trọng đối với con người và tự nhiên, không phân biệt địa vị và những giá trị có tính thực dụng, bất kể là con người hay loài vật, đồ vật. Với Hồ Chí Minh, việc mất một chiếc gậy, rụng mất một chiếc răng không chỉ là mất đi một vật thể mà quan trọng hơn là mất đi một kẻ tương thân, tương tri. Với chiếc răng bị rụng. Người viết: “Ngọt bùi cay đắng từng chia xẻ/ Nay kẻ chân mây, kẻ cuối trời” (Rụng mất một chiếc răng - Trần Đắc Thọ dịch). Với chiếc gậy bị mất, Người vừa giận kẻ lấy cặp, vừa tiếc thương: “Giận kẻ gian kia gây cách biệt/ Hai ta dằng dặc nỗi buồn thương” (Lính ngục đánh cắp mất chiếc gậy của ta - Nam Trân dịch). Tương tự như vậy, một cột cây số bên đường, một chú gà gảy sáng mấy ai để ý đến, nhưng trong sự cảm nhận của Bác, những đồ vật, loài vật đó có nhiều công lao to lớn với con người. Cột cây số chỉ hướng đi, tiếng gà gây báo hiệu bình minh. Đó là những việc có ích lợi cho con người từ đời này sang đời khác, thế nhưng đôi khi chẳng ai nhớ đến. Cái nhìn của Bác ở đây có ý nghĩa khái quát, tượng trưng. Cột cây số “chẳng cao cũng chẳng xa, chẳng đế cũng chẳng vương” nhưng “Công anh cũng không nhỏ/ Mọi người chẳng quên anh” (Văn Trực & Văn Phụng dịch nghĩa). Chủ gà gáy sáng cũng chỉ là “một chú gà thường” nhưng “Một tiếng toàn dân bừng tỉnh mộng/ Công anh đâu có phải là xoàng” (Nguyễn Sĩ Lâm dịch). Ở đây, không còn chỉ là chuyện nhân đạo, nhân văn nữa mà nó còn cho thấy ở con người Hồ Chí Minh một nhãn quan văn hóa tối thượng. Biết trân trọng từng sinh thể nhỏ bé nhất trong vũ trụ và ghi nhận sự tồn tại của chúng trong sự tương tác với con người, từ đó duy trì một đời sống quẩn thể hải hòa, đó là tầm nhìn xa, rộng của Bác. Tầm nhìn và trí tuệ ở Hồ Chí Minh không thuần túy là lý tính mà thực sự luôn hòa quyện với cái tâm lớn của con người có cốt cách thâm hậu, bao dung. Sau này, khi trở thành chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đường đường là một vị lãnh tụ, Bác vẫn luôn giữ tâm thể này qua việc nâng niu hoa cỏ, thích chăm cây, thả cá trong vườn Phủ Chủ tịch và tự làm lấy những công việc mình có thể làm được hằng ngày, không muốn người khác phải vất vả vì mình.

Một phương diện khác làm nên cốt cách Hồ Chí Minh không thể không để cập đến, đó là sự lịch lãm trong văn hóa giao tiếp của Người. Sự ứng xử và giao tiếp của Hồ Chí Minh đối với những người được coi là “phía kẻ thù” đã tô đậm thêm một nét đẹp trong văn hóa hiện đại của người Việt. Người không “vơ đũa cả nắm” khi nhìn những quan chức của chế độ Tưởng Giới Thạch, trực tiếp là những người quản ngục. Bác tự ý thức mình là người bị bắt oan vì bị nghi là “kẻ Hán gian” và dường như không ít quản ngục ở các nhà tù ở tỉnh Quảng Tây cũng hiểu như vậy, nên trong khi đối xử với người tù Hồ Chí Minh, một số vị có “ưu ái” cho Người. Hồ Chí Minh có thể lên án chuyện bị bắt oan và bị giam giữ trong tù đến cả năm trời khiến Người trở ngại việc nước “Trời xanh cố ý hãm anh hùng/ Cùm xích tiêu ma tám tháng ròng/ Tấc bóng nghìn vàng, đau xót thực/ Bao giờ thoát khỏi chốn lao lung” (Tiếc ngày giờ - Nam Trân dịch), chuyện nhà tù chật chội, thiếu thốn mọi bề, khiến Người suy yếu sức khỏe (Bốn tháng rồi), có lúc phát khóc vì vô tội mà phải ở tù cả năm trời “Ở tù năm trọn thân vô tội/ Hòa lệ thành thơ tả nỗi này” (Đêm thu – Nam Trân dịch) nhưng Người vẫn biết ơn những ai giúp đỡ cho mình dù là tặng sách (Chủ nhiệm họ Hầu ân tặng một bộ sách), ưu dãi cơm rau (Được đối xử tốt) hoặc góp phần vào việc sớm trả tự do (Kết luận)... Người khen ngợi Sở trưởng họ Lưu ở Long An làm việc công tâm, công bằng: “Đồng tiền bát gạo đều công bố/ Sạch sẽ lao tù, rất vệ sinh” (Sở trường họ Lưu ở Long An – Trần Đắc Thọ dịch). Sự tử tế ân cần của Khoa trưởng họ Vũ, Khoa viên họ Hoàng đã khiến Người cảm kích “giống như giữa mùa đông rét mướt gặp ngày nắng ấm”. “Họ Ngũ trưởng khoa với họ Hoàng/ Thấy ta cùng cực động lòng thương/ Ân cần thăm hỏi và cứu giúp/ Như nắng bừng lên giữa giá sương” (Khoa trưởng họ Vũ, khoa viên họ Hoàng - Huệ Chi dịch). Có khi đơn giản là chuyện được gặp người nho nhã trong cảnh tù đày, khiến Người thấy thực sự ấm lòng: “Cả năm thấy lính cùng cảnh vệ/ Nay gặp người nho nhã tới thăm/ Người nhà khiến lòng ta phấn chấn/ Tóc ta xanh lại được đôi phần” (Khoa viên họ Trần tới thăm - Trần Đắc Thọ dịch). Đọc bài thơ Hầu chủ nhiệm ân tặng nhất bộ thư, ta thấy Bác thực sự trân quý tri thức và lòng tốt của người khác như thế nào. Bài thơ ghi lại cảm xúc của Bác khi được Hầu chủ nhiệm tặng sách và những tri thức mà cuốn sách (của lãnh tụ Tôn Trung Sơn) mang lại: “Mới đây chủ nhiệm Hầu cho sách/ Đọc hết, tinh thần chợt sáng ra/ Lãnh tụ, ý cao văng vẳng mãi/ Bên tai như sấm động trời xa” (Chủ nhiệm họ Hầu ân tặng một bộ sách - Trần Đắc Thọ dịch). Nhân vật Hầu chủ nhiệm được Bác nhắc đến ba lần trong Nhật ký trong tù với lòng tri ân sâu sắc vì ông là người thực sự tôn trọng Bác và cũng là người góp phần quan trọng trong việc trả tự do cho Người, khiến Người xem việc gặp Hầu chủ nhiệm là một “hạnh ngộ”(3):

Hạnh ngộ anh minh Hầu

chủ nhiệm

Nhi kim hựu thị tự do nhân.

Ngục trung nhật lý tòng kim chỉ,

Thăm tạ Hầu công tái tạo ân.

(Kết luận)

May gặp Hầu công, người

sáng suốt,

Nay ta được trả tự do rồi.

Ngục trung nhật ký ghi bài chót,

Tái tạo ơn sâu, cảm tạ người.

(Trần Đức Thọ dịch)

Đó là sự lịch lãm của một phong cách sống và cũng là một phương diện thể hiện sự hoàn hảo trong văn hóa ứng xử của Hồ Chí Minh. Điều này, đối với Bác, không chỉ tồn tại trong suy nghĩ mà còn biểu hiện bằng hành động, không chỉ trong thời kỳ Người hoạt động cách mạng mà cả sau khi Người trở thành lãnh tụ của quốc gia.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử từng chỉ ra những “cái mới trong tư duy nghệ thuật” của tác giả Nhật ký trong tù. Khi so sánh với lối trào phúng Nguyễn Khuyến, Tú Xương..., Trần Đình Sử cho rằng Hồ Chí Minh “tiếp nối mạch thơ sinh hoạt, thế sự” của một số nhà thơ trước, nhưng lời thơ trong Nhật ký trong tù: “lời lẽ nào cũng chừng mực, nhã nhặn, hầu như không chỗ nào dùng tiếng thô để châm chọc hay hạ thấp đối tượng, dẫu là đối tượng xấu xa, bỉ ổi”. Đó là một cảm nhận chân xác. Tuy nhiên, đây không chỉ là tư duy nghệ thuật mà thực ra đằng sau nó, trong chiều sâu của tư duy nghệ thuật là tư tưởng triết mỹ và văn hóa. Văn hóa hiện đại trong chiều sâu của nó...

GS.TS Nguyễn Thành | Báo Văn nghệ

1. Cảm nhận của nhà thơ Viên Ứng (Trung Quốc) khi đọc Nhật kỹ trong tù. “Không những chúng ta được thấy lại bộ mặt tàn khốc đen tối của nhà tù Trung Quốc mà chúng ta còn được gặp một tâm hồn vĩ đại của một nhà ái quốc, một tâm hồn vĩ đại của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng (Văn nghệ, số 5-1960)

2. Theo chú giải trong sách Thơ văn Hồ Chí Minh (Tác phẩm chọn lọc dùng trong nhà trường) thì vào tháng 8 năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới bảy vị có công giúp cách mạng Việt Nam ở hai huyện Tĩnh Tây và Nà Phạ (Quảng Tây) sang thăm nước ta, trong đó có ông Dương Thắng Cường, em ruột ông Dương Đảo - người đã mất không lâu sau khi khi ra tù vì bệnh lao.

3. Theo ông Lê Tùng Sơn, trong đám sĩ quan ở Quảng Tây thời Bác Hồ bị tù ở Trung Quốc, thiếu tướng Hầu Chí Minh, Chủ nhiệm Chính trị Đệ tứ chiến khu là “người hay gần và thân” với Bác. Chú thích theo sách Nhật ký trong tù, NXB Văn học, 2023.

----------

Bài viết cũng chuyên mục:

Vinh danh tác phẩm kịch bản Văn học có giá trị Thêm Bốn tác phẩm trong “Việt Nam danh tác“ ra mắt độc giả Phát triển mạnh mẽ, vững chắc nền Văn học, Nghệ thuật OLGA TOKARCZUK: Những bài học về sự nhún nhường Đọc truyện: Huyết lệ chi. Truyện ngắn dự thi của Phạm Hữu Hoàng
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn