Sáng tác

Vết thương thành thị - Truyện ngắn của nhà văn Đỗ Tiến Thụy

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy
Danh tác văn học
14:00 | 04/08/2024
Baovannghe.vn - Chúng tôi là con nông dân, không thể là những kẻ giang hồ. Nhưng chúng tôi đang tha hương. Tha hương trên chính quê hương để rồi bị trúng những vết thương chí mạng. Vết thương của tôi đang âm ỉ đau thắt nơi ngực trái...
aa

Sân ga nửa đêm về sáng. Giọng Sài Gòn phát qua loa ngái ngủ. Những gương mặt phạc phờ trong không khí ôi oai. Bảng điện tử trên nóc nhà ga chạy những dòng chữ đỏ lừ rừ: Welcome to... Kính chào quý khách... Tôi sung sướng nhận ra đôi mắt Dịu cháy sáng giữa sân ga nhốn nháo. Tôi muốn nhào đến ôm lấy em. Nhưng câu hỏi của em đã bắt tôi khựng lại:

- Anh vào đây làm gì?

Sắt đỏ lụi xèo trong nước lạnh. Giá có tàu, tôi sẽ quay ra ngay tức khắc. Nhưng Dịu đã khoác ba lô của tôi bước nhanh ra cửa. Tôi đành lầm lũi theo sau. Chiếc xe thồ lượn vòng vèo quanh những đường phố ánh sáng chập chờn rồi thả chúng tôi xuống một khu ổ chuột.

Trời chưa sáng. Dịu bảo tôi chịu khó ngồi chờ ngoài cửa, để chị em ngủ thêm lúc nữa. Bao nhiêu điều định nói tự dưng bay biến. Tôi tựa lưng vào bức tường rêu ẩm nhắm hờ mắt qua đêm. Xa quân ngũ đã hơn hai tháng, nhưng tiếng kèn báo thức vẫn luôn ngân lên trong tôi đúng năm giờ sáng. Tôi choàng mở mắt. Dịu gõ cửa. Hơn mười gương mặt hốc hác đầu tóc bù xù áo quần xộc xệch ào ra. Tôi đứng trân trối giữa những con người quen quen lạ lạ cùng những câu hỏi thăm tíu tít: Ôi, anh Vững! Anh không nhận ra em à? Tôi gật phứa: nhớ rồi, nhớ rồi... nhưng quả thật tôi chẳng nhớ đứa nào. Ngày tôi đi lính, chúng còn là những cô bé ốm o gầy nhẳng, vậy mà bây giờ... Chúng em nghe nói anh vào cứ mong ngày mong đêm. Thầy u em ở nhà thế nào? Con Chút nhà em có thi đỗ cấp ba không? A, bọn em dặn người nhà gửi tương, anh có mang vào cho bọn em không đấy?... Dứt lời, cô gái nhào ngay tới nhấc ba lô của tôi và buột miệng kêu “Sao nhẹ thế?”

Nhìn những gương mặt tiu nghỉu, tôi ân hận vô chừng. Tôi chưa hình dung hết sự khát nhớ món ăn dân dã của những người xa quê nên đã lẳng bao tải đựng tương trước lúc lên tàu cho nhẹ gánh.

Tôi tránh ánh mắt các cô gái bằng cách nhìn lảng vào phòng. Căn phòng tồi tàn, áo quần giăng mắc tứ tung. Hai năm quân ngũ, đời lính đã dạy cho tôi tính ngăn nắp. Tôi ghét sự luộm thuộm. Nhưng tôi không thể đứng mãi bên ngoài, đành chui vào căn phòng bùng nhùng dây dợ. Những cô gái hỏi han quáng quàng thêm dăm câu rồi tất bật đi làm. Khu nhà thoắt trở nên ắng lặng. Dịu ngồi đắn đo hồi lâu rồi ngước lên dè dặt:

- Anh sẽ làm gì để sống?

Tôi tự ái:

- Tất nhiên anh sẽ kiếm việc để làm, không ăn bám em đâu mà lo.

Dịu vội thanh minh:

- Là em muốn nói tới công việc lâu dài...

Dịu bối rối đứng lên chạy trốn câu chuyện nhạy cảm đáng ra chưa nên nói vào lúc này. Em nấu nhanh cho tôi bát mì và chỉ ngồi lặng ngắm tôi ăn. Đợi tôi buông đũa, Dịu rụt rè:

Anh... anh chuẩn bị đi theo em đến chỗ chú Cuông. Ở đây... không tiện.

Tôi mím môi thở dài. Gặp nhau chưa nói được câu nào âu yếm đã phải xách gói ra đi.

Chú Cuông cũng trọ ở một khu ổ chuột quanh khu chế xuất. Những câu hỏi thăm da diết của chú khiến tôi lúng túng. Năm đứa con chú học hành èo uột, đúp lên đúp xuống. Vợ chú kiệt sức lo toan giờ đang nằm bệt trong bệnh viện. Vậy mà tôi phải dằn lòng nói dối theo lời dặn của thím Cuông. Nghe những thông tin an bình về gia đình, gương mặt khắc khổ của chú mừng ánh lên giây lát.

- Cứ nghỉ ngơi mấy ngày cho khỏe, rồi chú sẽ kiếm việc cho.

Nghe chú nói, tôi thấy ngại ngần. Chú đang phải gánh vác cái trách nhiệm nặng nề đối với hơn trăm con em người làng bỏ đồng ruộng theo chú vào đây tính cuộc đổi đời. Tôi không muốn là gánh nặng tiếp theo chất lên đôi vai gầy của chú.

Hằng ngày, tôi cần mẫn đọc dò từng số báo đặng tìm một cơ may. Những tờ báo đặc tin cướp - giết - hiếp khiến tôi lo sợ phập phồng. Tôi thấy xung quanh ẩn đầy hiểm họa. Không đêm nào tôi ngủ cho tròn giấc.

Dịu đến thăm, không đả động gì đến chuyện việc làm của tôi nhưng mặt đã lộ rõ nét băn khoăn. Tối ấy, chú Cuông về reo to từ cửa:

- Tuyển nhân viên bảo vệ. Yêu cầu nam giới, tuổi không quá ba mươi, sức khỏe tốt. Ưu tiên bộ đội xuất ngũ...

Tôi vồ lấy tờ thông báo đọc ngấu nghiến. Dịu ghé đầu vào đọc cùng tôi rồi trút ra một hơi thở dài nhẹ nhõm.

- Thế là hai đứa bay được làm việc cạnh nhau, rồi cưới nhau, thuê nhà ở riêng, chẳng còn phải đứa ở đằng đông đứa rông đằng tây như mấy hôm nay nữa.

Tôi tức tốc làm hồ sơ. Công ty may yêu cầu tôi bỏ tiền đi học ba tháng nghiệp vụ ở công ty vệ sĩ. Chuyện vặt. Mấy năm quân ngũ lăn lộn các kiểu thao trường tôi còn chẳng ngán nữa là.

Tôi vốn lính đặc công, vào học trường vệ sĩ còn được mời làm trợ giảng trong các môn bắn súng và võ thuật. Khoa mục khó nhất đối với tôi là môn thám tử. Xã hội văn minh, lắm người bỏ tiền ra thuê thám tử theo dõi vợ chồng mình. Tôi phải học cách đặt máy nghe lén, cách chụp ảnh trộm từ xa, cách bám đuôi đối tượng để lần dấu vết tới những ổ chuồn chuồn... Tôi chưa có kinh nghiệm yêu đương, những bài tập dạng này khiến tôi lắm phen khốn khổ. Nhưng vì tương lai, tôi phải cố học cho qua.

Ngày bế giảng, trong đầu có một con chim đang đập cánh loạn xạ mong vù về với Dịu. Vậy mà cứ phải chồn chân đợi, đợi mãi đến khi có một chiếc xe hơi lòe loẹt đi vào. Chiếc xe có đội bảo vệ mặc đồng phục cưỡi mô tô phân khối lớn đi kèm. Ban đầu tôi ngỡ là đoàn xe của một chính khách, sau mới biết đó là ca sĩ Linh Trường. Chàng ca sĩ mặc áo chim cò, kính đen nghiêng ngó từ đầu đến cuối hàng quân. Bất ngờ chàng ngây người trước tôi. Tôi được tách hàng để gặp riêng chàng. Anh có đồng ý làm việc với tôi không? Nhiệm vụ của anh là kèm sát bên tôi, đóng và mở cửa xe cho tôi... Nghe những điều kiện này máu sĩ trong tôi hơi gợn, nhưng mức lương tương đương một tấn lúa quá hấp dẫn khiến tôi nhè nhẹ gật đầu.

Dịu nhìn tôi thảng thốt:

- Sao anh không về công ty với em, lương thấp một chút nhưng chúng mình được ở gần nhau?

Tôi tỏ vẻ sáng suốt:

- Để anh đi làm cho nó kiếm tiền cưới, thế mới gần nhau mãi mãi.

Nhận tháng lương đầu tiên, tôi quyết thuê một phòng trọ riêng cho Dịu ở. Tôi không muốn Dịu phải thở thứ không khí thối hoăng nơi con kênh nước đen lềnh bềnh rác rưởi. Tôi muốn hằng đêm Dịu không phải nhìn cảnh những con nghiện tụt quần quá gối chọc xi lạnh tiêm thuốc như chỗ không người. Tôi không muốn Dịu phải nhắm mắt bịt tai mỗi khi đi qua khu bãi rác có những đôi gái trai phì phò nhấp nhổm. Việc làm của tôi đã dấy lên dị nghị của những người làng. Nhưng tôi bỏ ngoài tai. Tôi suốt ngày đêm phải cặp kè bên chàng ca sĩ, có đâu chuyện thuê phòng riêng để tiện hẹn hò. Tôi chỉ băn khoăn đường đi làm của Dịu phải đi qua một khu sân bay cũ vắng vẻ. Nhưng Dịu đã cười giơ trước mắt tôi chiếc kéo may to, nhọn hoắt: đố đứa nào làm gì được em!

Tôi an tâm ruổi rong cùng ca sĩ Linh Trường theo những show diễn. Buổi chiều tôi đi mua hoa ở các sạp lẻ ngoài đường phát cho người hâm mộ, để đến đêm, khi những người này nhào lên sân khấu tặng hoa tôi lại dang tay ẩy họ bắn ra. Mỗi khi Linh Trường nổi hứng bất thần nhảy xuống giao lưu cùng khán giả, tôi lại toát mồ hôi làm lá chắn. Tiếng tăm đã nổi lắm rồi, nhưng Linh Trường chưa hài lòng. Chàng tổ chức liveshow. Băng rôn căng rợp trời, tờ rơi bay tung phố. Cả một sân vận động nghìn nghịt fan hâm mộ múa may hú hét. Khốn nạn cho chúng tôi, Linh Trường mới hát được một bài, trời chơi khăm cho mưa xối bất thần. Chú gà trống bị nhúng nước, Linh Trường vùng giãy tung tóe trên sân khấu rồi hầm hầm nhảy lên xe lao về nhà. Đội vệ sĩ ngơ ngác phi mô tô tìm táo tác. Tôi là cận vệ, chẳng có mô tô phải vừa chạy bộ, vừa bắt xe ôm đuổi theo đến hộc cả hơi. Linh Trường lao vào nhà dập cửa đánh rầm. Tôi ngơ ngác sững lại dưới bức tượng Linh Trường ngạo nghễ nơi tiền sảnh. Bụng đói cật rét, răng tôi đánh vào nhau lớp cớp. Nhưng tôi không dám đi đâu. Khuya, Linh Trường ra gọi tôi vào. Lần đầu tiên tôi được vào phòng ngủ của chàng. Căn phòng nguy nga như cung điện, có ngai, có sập, có cả cặp ngà voi uy nghi lộng lẫy. Tôi sợ sệt thu mình đứng khoanh tay chờ sai bảo.

Linh Trường khóc, nước mắt nước mũi lã chã lòng thòng. Chàng tiếc đêm diễn mười ngàn khán giả. Khóc chán, chàng sai tôi đi lấy rượu. Hầm rượu của chàng có hàng trăm loại. Rượu Tây rượu Tàu tầng tầng lớp lớp. Rượu tay gấu, pín hổ, nhung hươu... ngâm kỳ hoa dị thảo thẩu bé thẩu to. Uống đi! Mày uống với tao! Kiếp cầm ca bạc lắm mày ơi! Tôi rón rén đón ly rượu chàng đưa. Tôi ngẫm nghĩ nhiều về điều chàng nói. Đời chàng mà còn kêu bạc thì đời tôi gọi là gì? Đời tôi mới đáng gọi là đen bạc. Tôi sinh ở ruộng đồng. Nhưng ruộng đồng không cưu mang nổi tôi. Ăn bữa no bữa đói, học buổi được buổi chăng. Cổng trường đại học quá cao to mà hạt lúa củ khoai thì bé, bao hoài bão đành chôn kín đáy ba lô để giờ đây làm kiếp đầu sai... Thế nên tôi có quyền uống, có quyền say. Ban đầu tôi còn dè dặt, sau tôi đã chủ động nhập cuộc cùng chàng ca sĩ. Khi say người ta muốn nói nhiều, muốn đập phá. Chàng ca sĩ ném thẳng chai Napoléon đang uống dở vào bức tranh sơn mài cỡ lớn trên tường còn tôi chỉ biết giáng nắm đấm xuống sàn thảm hoa huỳnh huỵch. Chàng ca sĩ lại khóc. Khóc chán chàng lại hát. Giọng hát nhừa nhựa lèo phèo khiến tôi bật cười. Chàng chửi, mày cười gì? Tôi không thèm đáp mà cũng cất giọng. Tôi có mỗi bài tủ Tình ca. Nghe tôi hát, Linh Trường trợn mắt: giọng mày... quá tốt! Tenol. Nam cao. Nhưng thứ nhạc mày hát... là loại... nhạc chùa. Ca sĩ nổi tiếng ngoài Hà Nội... vào đây hát một show chỉ được... hai trăm ngàn. Còn tao, ha ha, ít nhất cũng... hai mươi triệu. Mẹ kiếp, những gì bọn nhạc sĩ... chê là sến thì dân chúng cứ như mê như man. Bọn nhà báo chê tao là ca sĩ hát... nhạc rẻ tiền. Đ. mẹ, nhưng tao đếch cần. Tao hát nhạc rẻ tiền để mua được... những thứ đắt tiền. Mày thấy chưa? Chàng ca sĩ khoát một vòng rộng như bao trùm thế giới: tao có thiếu gì đâu? Tao chỉ thiếu mỗi... tình yêu!

Tôi duôi cổ ngắm Linh Trường. Tôi đã vô cùng vất vả trước hàng ngàn cô gái như những cánh bướm đêm sặc sỡ lao vào chàng như lao vào ánh lửa cơ mà? Giờ ngắm cặp mắt sương khói của Linh Trường trong căn phòng hoang vu, tôi lờ mờ cảm thấy chàng cô đơn thật sự. Chúng tôi uống. Uống triền miên. Trong xác thân tã tượi bởi rượu, đầu óc tôi đã phiêu diêu không phương hướng. Tôi đã buông xuôi mặc cho Linh Trường cuốn tôi vào một trò chơi rồ dại trái lẽ thông thường với một niềm đam mê không bao giờ thỏa mãn. Khi tôi tỉnh dậy giữa ngổn ngang nhầy nhụa, điều đầu tiên tôi thấy được là cảm giác rát bỏng nơi bụng dưới. Tôi chồm dậy ôm cái con trai bị tuốt vỏ chuối đỏ lòm, khóc nức nở. Tôi mặc vội áo quần tháo chạy khỏi ngôi nhà ma quái...

- Sao lại thế này hở anh?

Dịu cầm chặt nắm bông băng trên tay, mắt ngấn nước hỏi tôi bằng cái giọng lạc đi vì sợ.

- Anh đã làm gì? Làm gì?

Hàng dây câu hỏi lặp đi lặp lại khiến tôi bẽ bàng tủi hổ. Tôi nằm khóc lặng lẽ, mặc Dịu nhẹ nhàng ngượng nghịu nâng niu. Bất ngờ Dịu ngừng tay, giọng thoắt rắn đanh:

- Em hiểu rồi! Em có tiếc anh đâu... Sao anh không nói với em?!

Cổ tôi tắc nghẹn trước câu hỏi của em. Ừ, em có tiếc tôi đâu. Nhưng chúng tôi sinh ra nơi ruộng đồng. Cánh đồng đã mở cửa cho chúng tôi đến với nhau nhưng cũng dựng lên một bức tường luân lý vững chắc nơi thôn dã. Từ ngày yêu nhau, sự gần gụi lớn nhất giữa chúng tôi là ngồi sát bên nhau trên triền đê trước ngày tôi nhập ngũ. Đêm trăng ngần ngận. Những con sóng dát vàng nhảy múa nhấp nhánh dưới dòng sông. Chúng tôi nói những câu vu vơ không đầu không cuối, bàn tay vô ý vặt trụi cả một đám cỏ xung quanh. Tôi phải hít những hơi rất sâu mới có đủ can đảm để ôm choàng qua vai em. Mấy năm quân ngũ, đêm nào tôi cũng mơ đến tấm thân mềm mại run bắn trong tay tôi và chính tôi cũng phát run như giẽ. Cặp môi trai tân ngờ nghệch của tôi đến bây giờ còn ngọt mãi dư vị của chiếc hôn vội trên bờ đê trăng sáng...

Giờ cơ sự thế này... tôi biết Dịu oán tôi nhiều lắm. Tôi không biết thanh minh bằng cách nào, chỉ cúi đầu mong em tha lỗi. Cuối cùng thì Dịu cũng mềm lòng:

- Anh phải về công ty với em! Lương em đủ để hai đứa mình sống tằn tiện. Lương anh sẽ để dành ra, một năm sẽ đủ tiền làm đám cưới.

Tôi thở phào thoát tội, vui vẻ khoác đồng phục nhân viên bảo vệ. Hằng ngày tôi đứng trước cổng xét giấy tờ những người đến công ty và theo dõi những công nhân tan ca ra về xem có điều gì nghi hoặc. Sáng tôi chở Dịu đến. Trưa được ăn cùng mâm. Chỉ có buổi tối... tôi phải về ngủ với chú Cuông. Mỗi chiều tan ca, bao giờ tôi cũng nhận ra em trước tiên nhờ ánh mắt cháy sáng giữa muôn dáng người bã bượi.

Được nửa năm, bỗng tôi hốt hoảng thấy ánh mắt Dịu cứ tối dần. Bác sĩ kết luận mắt em suy giảm thị lực. Tôi chăm sóc em bằng mấy gói dầu cá rẻ tiền cùng những lời dỗ vụng về. Tôi khuyên em nghỉ ngơi nhưng Dịu lắc đầu. Môi em mím lại và đôi mắt cố sáng lên yếu ớt. Tôi mơ hồ có chuyện gì đó nghiêm trọng sắp xảy ra nên gặng hỏi. Dịu ấp úng định nói gì đó với tôi nhưng lại thôi. Tôi cũng gặng hỏi chú Cuông và những công nhân trong nhà máy, nhưng ai cũng úp mở nói rằng sau này anh sẽ biết.

Và ngày ấy đã đến. Công nhân vừa vào ca mấy phút bỗng còi nhà máy hú lên gắt gỏng. Không phải tiếng còi tầm, mà là tiếng còi báo động. Máy bộ đàm của tôi réo bỏng từng hồi. Giám đốc Hun Suk quát nạt om sòm trong điện thoại. Công nhân đình công! Toàn bộ bảo vệ trong nhà máy ra dẹp trật tự! Tôi lao về phía đám đông và giật thót người. Đứng hàng đầu đám đình công là chú Cuông và Dịu. Mặt em đanh lại. Tay em nắm chặt giơ cao khẩu hiệu. Mắt em cháy sáng giữa biển người sôi sục. Tôi đứng ngay đơ cùng đội bảo vệ tạo thành một hàng rào an toàn để giám đốc Hun Suk điều đình. Tăng lương! Tăng lương! Và tăng lương! Đó là yêu sách duy nhất của công nhân. Không! Không! Và không! Đó là lập trường kiên định của giám đốc công ty may Hun Suk. Hàng tràng khẩu hiệu của công nhân hô to như sấm dậy cùng những nắm đấm vung lên trời. Trước ý chí của ngàn con người, tôi thấy run sợ, bàn chân cơ hồ không vững. Vậy mà giám đốc Hun Suk mặt không biến sắc:

- Các bạn hãy trở về làm việc nếu không muốn bị sa thải! Còn muốn tăng lương, xin mời các bạn tăng ca!

Giám đốc chém tay một nhát lệnh cho đội bảo vệ rồi quay lưng. Đám đông nhào lên nhưng đã bị chúng tôi cản lại. Trong một nỗ lực vô tình, chiếc gậy của tôi đã gạt trúng vào mặt chú Cuông. Tôi vội quay mặt đi rất nhanh nhưng cũng đã kịp nhìn thấy ánh mắt chú tóe lên.

Tối, tôi về nhà đã thấy chú Cuông nằm vắt tay lên trán. Tôi len lén như người mắc lỗi, để nguyên quần áo leo lên giường. Im lặng đến tức thở. Không chịu nổi, tôi lên tiếng trước:

- Chú... cháu xin lỗi chú! Cháu phải làm theo phận sự...

Chú Cuông vẫn nằm im. Tôi cố gặng:

- Không còn cách nào khác hơn đình công hở chú?

Chú Cuông bâng quơ:

- Khổ thân chúng nó! Đang tuổi bay nhảy, vậy mà phải cắm mặt xuống bàn máy suốt ngày, về đến nhà là lăn ra ngủ. Đầu óc cứ mụ mị cả đi, chẳng còn biết đến cuộc sống bên ngoài. Cứ đà này thì ế chồng cả nút!

Ba ngày đình công, nhà máy hắt hiu. Giám đốc Hun Suk mặt mày đăm chiêu, khẩu khí đã có phần dao động. Ai cũng nghĩ không chóng thì chầy ông phải nhượng bộ. Nhưng ông trời đã đứng về phe kẻ mạnh. Tin bão lớn quét qua đồng bằng Bắc bộ giữa mùa lúa trổ như một tiếng sét rụng rời. Mùa màng ngập lút trong nước trắng. Chị em công nhân ôm nhau khóc ngất như một đồng lúa nghẹn đòng. Khóc chán, buông ra hỏi nhau ra ngơ ngác: phải làm gì bây giờ? Phải trở lại làm việc thôi. Phải làm việc để có tiền gửi về nhà cứu đói!

Dịu khăng khăng đăng ký làm thêm ca đêm mặc tôi hết lời khuyên can. Chị em đều làm thêm, em ở nhà sao được. Đêm đêm nhìn chị em vẹo xiêu đạp xe về nhà trọ, tôi cảm thấy ngượng ngùng. Chúng tôi dầu sao cũng còn có đôi có cặp ríu ít đón đưa.

Nhưng hôm ấy tôi phải trực đêm không đưa em về được. Tôi đứng gác mà lòng nóng như có lửa. Tôi linh cảm có chuyện chẳng lành nên tức tốc bổ về. Tôi chết sững trước một đám đông lố nhố. Dịu ngồi bó gối bất động trên giường, đồng phục công nhân rách tướp vương những vệt máu lem nhem. Em nhìn tôi bằng đôi mắt khô khốc vô hồn như nhìn người xa lạ. Mấy người công an đang lập biên bản, lấy lời khai nhân chứng. Tôi nhào vào ôm vai Dịu lay lắc dồn hỏi: em làm sao thế này? Làm sao thế này? Đám đông nhìn tôi hỏi nhau, người này là ai? Tôi gào to: tôi là chồng cô ấy! Là chồng cô ấy! Đám đông nhìn tôi ghê tởm: chồng? Chồng mà để vợ đêm hôm khuya khoắt đi về một mình. Thứ chồng ấy vứt cho chó nó gặm! Qua những lời tường thuật ồn ào, tôi đau đớn hình dung ra sự việc. Sáu đứa sinh viên con đại gia các tỉnh thuê nhà ở “khu quý tộc” đã tụ tập nhau ăn nhậu. Say, chúng rửng mỡ hò nhau phi xe ra đường băng đua tốc độ. Nhìn thấy Dịu đạp xe về một mình, chúng quây tròn lấy em rồi rú ga cho những chiếc xe phân khối lớn dựng đầu như một bầy ngựa vía. Phút chốc, Dịu biến thành con thỏ giữa bầy sói hoang bất trị. Chiếc kéo may trong tay Dịu chỉ là thứ trò chơi dọa trẻ con...

Tôi bóp chặt hai nắm tay nghiến răng gầm lên một tiếng nhảy phắt ra ngoài lao về phía sân bay. Nhưng ngay sau sự việc xảy ra, công an và dân phòng đã ập tới khu nhà của đám sinh viên con giời còng tay giải đi hết thảy.

Công an mời chúng tôi lên đồn làm việc. Họ yêu cầu Dịu tường trình sự việc. Dịu cầm bút ngồi câm lặng hàng giờ. Họ yêu cầu đưa Dịu đi giám định y khoa. Dịu lả đi trong tay tôi như một tàu lá héo. Ngồi ôm thân hình lạnh ngắt của em, tôi có cảm giác sợ hãi là đang ôm một thi thể đưa vào nhà xác. Mãi gần sáng, chúng tôi mới được đưa về nhà. Chúng tôi chưa kịp hoàn hồn đã có một người đàn bà mặt mày bự phấn đến tìm. Bà tự giới thiệu là mẹ của một trong sáu con dê con. Không cần úp mở, bà đặt xuống bàn một cục tiền vuông thành sắc cạnh:

- Đằng nào sự việc cũng xảy ra rồi, gia đình chúng tôi có mười triệu gọi là bồi thường... sức khỏe!

Tôi chưa biết mở lời thế nào thì nhanh như cắt Dịu chộp cục tiền ném thẳng vào mặt người đàn bà cùng tiếng hét:

- Bà cút đi! Một đời con gái của tôi... bà biết không?!

Người đàn bà bất ngờ trước phản ứng dữ dằn nhặt gói tiền sợ sệt bước lùi ra cửa. Nhưng rất nhanh, bà lấy lại tư thế liếc xéo tôi rồi bĩu môi dài giọng:

- Đời... con ga...a...a...ái!

Bà quay lưng phủi đít. Chiếc xe hơi bóng lộn vù ga vút đi phụt lại một luồng hơi xăng cay mắt.

Hôm sau, tôi và Dịu lại được mời lên đồn. Ông thiếu tá công an tiếp chúng tôi niềm nở:

- Anh chị nên nghĩ lại. Làm to ra thì anh chị chẳng lợi gì, mà còn tốn thời gian.

Tôi vặc ngay:

- Sao lại không được gì? Chúng tôi được sự công bằng chứ! Các ông cứ theo pháp luật mà làm! Không có hòa giải hay bãi bãi nại gì hết!

Tôi kéo tay Dịu chạy băng băng qua sân đồn. Một thiếu úy công an mặt còn trẻ măng nắm lấy tôi nói nhỏ:

- Anh chị cứ làm tới cùng, có chúng tôi bên cạnh, đừng sợ gì cả!

Tôi gật đầu thay cho lời cám ơn. Vừa lúc đó tôi nhác thấy bóng người đàn bà hôm qua liếc xéo anh công an trẻ rồi nói vọng vào trong phòng giam:

- Con cứ yên tâm, chúng nó không làm gì được con đâu!

Đầu óc tôi tái tê một câu hỏi: Chúng nó ở đây là những ai?

Suốt một tuần, tôi nằm ôm Dịu vỗ về. Dịu khóc. Từ ngày yêu nhau, đây là lần đầu tiên Dịu khóc với tôi:

- Thế là em chẳng còn gì cho anh...

Câu nói trong vũng nước mắt tê buốt như nhúng điện của em khiến lòng tôi chết điếng. Nhưng tôi đã nhanh chóng vượt qua. Tôi cuống quýt hôn lên đôi mắt đầm đìa nước dỗ dành:

- Em đừng nói thế! Với anh, em vẫn là người trong trắng.

Dịu khe khẽ lắc đầu. Tôi nói:

- Em đừng nghĩ ngợi nhiều. Anh cũng đã từng hư hỏng...

Dịu nhìn thẳng vào mắt tôi:

Anh là đàn ông. Anh có hư hỏng mấy thì em cũng chỉ buồn không dám trách. Còn em... Em thế này, anh có còn yêu được em không?

Tôi không biết trả lời em thế nào. Mọi lời nói lúc này đều vô nghĩa. Tôi từ từ siết em vào lòng. Tôi phải yêu em! Phải yêu em! Tôi phải yêu em ngay lúc này mới mong em nhanh qua cơn choáng sốc. Lý trí thúc giục tôi như vậy trong khi lòng tôi vẫn rối bời. Những vết cào cấu, vết răng cắn của lũ súc sinh vẫn hằn trên cơ thể em. Em nằm yên, đôi mắt sáng mở to nhìn xoáy vào từng li biểu hiện trên gương mặt của tôi. Nước mắt tôi thon thót nhỏ xuống mặt em, nhập vào nước mắt của em cùng chảy chan hòa. Tôi yêu em gượng nhẹ, mơn man như ngọn gió ve vuốt cánh đồng dập nát sau trận bão. Ban đầu em buông xuôi vô cảm, nhưng rồi những làn sóng rung động từ sâu thẳm trong em đã nhè nhẹ dâng dần. Em đưa cả hai bàn tay sục vào mái tóc bù rối của tôi. Mười đầu ngón tay em run rẩy như mười điện cực truyền qua tôi niềm hạnh phúc đớn đau tê dại... Đêm ấy, tôi ôm em ngủ và ngập trong một giấc mơ kỳ lạ: giữa dòng nước đen ngòm lềnh bềnh rác rưởi và những bộ xương cá trắng rữa, có những bông súng tím cứng cỏi kiêu hãnh ngoi lên tỏa ra một làn hương thanh khiết...

Mấy hôm sau, Dịu là người chủ động bảo tôi:

- Chúng mình phải đi làm thôi, ở nhà thế này thì chết đói.

Tôi ngạc nhiên:

- Ơ kìa! Phải đợi ra tòa giải quyết xong xuôi vụ kia đã chứ?

- Em không ra tòa đâu. Em... em... sợ lắm!

- Em sợ gì nào? Em nói đi! Vì sao em phải sợ?

Dịu không trả lời, chỉ một mực lắc đầu. Nhưng nhìn vào đôi mắt lấp lánh những tia hồi quang, tôi đã hiểu. Dịu không muốn ra tòa. Chuyện đau lòng này chúng tôi đang giấu kín, chú Cuông và chị em công nhân cùng làng chưa biết. Ra tòa... Mọi chuyện vỡ lở... Chúng tôi là người nhà quê... Thôi quên đi. Hãy coi chuyện vừa qua như một cơn ác mộng. Chúng mình còn phải sống, phải vươn lên...

Tôi lại đóng vai một tên lính canh hằng ngày đứng nhìn dòng công nhân trong đồng phục xám xanh lũ lượt chui vào nhà máy. Dịu của tôi ngày càng xanh xao, thân người quắt lại. Tôi bắt em bồi bổ cùng câu nói đùa: ăn nhiều vào! Người như que củi thế này thì đẻ làm sao? Dịu cười: chúng mình đã tiết kiệm được khá rồi anh ạ. Tết này chúng mình sẽ về thăm quê. Em sẽ biếu bố mẹ hai bên mỗi nhà một món, còn lại chúng mình sẽ làm đám cưới!

Có cần phải làm đám cưới nữa không, khi chúng tôi đã thuộc về nhau trọn vẹn? Nhưng chúng tôi là con của nông dân, phải tuân theo những phép tắc ông bà để lại. Chúng tôi bàn nhau sẽ làm hai đám cưới. Trước khi đưa nhau về làm một đám cưới ấm cúng giữa quê nhà để họ hàng hai bên công nhận, chúng tôi sẽ tổ chức một đám cưới ở đây để những người đồng hương nhọc nhằn có dịp hưởng một ngày vui. Chúng tôi sẽ nhờ chú Cuông làm chủ hôn. Chú vừa là đại diện quê hương và cũng coi như người đại diện cho cơ quan xí nghiệp, bởi chú là quản đốc phụ trách hơn trăm công nhân là những cô gái làng tôi. Chúng tôi đã in thiếp cưới, đã đặt cỗ nhà hàng, đã chuẩn bị đưa nhau ra phường đăng ký. Chúng tôi đếm ngược từng ngày mong nhanh đến hôm được lồng vào ngón tay nhau chiếc nhẫn cưới thiêng liêng.

Nhưng đám cưới của chúng tôi đã phải đình lại chưa biết đến bao giờ.

Tôi đang đứng gác thì giám đốc Hun Suk cho gọi tôi vào. Phòng điều hành la liệt những màn hình lớn nhỏ. Có một nam công nhân gầy gò bị bắt đứng úp mặt vào tường. Tôi giật thót người bởi nhận ra đó là chú Cuông. Tôi chưa kịp mở lời thì Hun Suk đã hất hàm:

- Nó là thằng ăn cắp! Mày hãy đánh nó cho tao!

Tôi chết sững không còn tin vào tai của mình. Tôi đã từng chứng kiến cái Thoan, cái Na bị phạt chạy một trăm vòng quanh nhà ăn đến nỗi ngất xỉu chỉ vì tội mò xuống nhà bếp uống nước trong giờ làm việc. Tôi cũng đã từng nghe chuyện cái Tích, cái Chắt bị đưa vào phòng lột truồng để khám xét vì nghi giấu vải trong người... Những trò nhục mạ ông giám đốc ngoại quốc này áp dụng để trừng phạt “đám công nhân thất học nhà quê” khiến tôi rất xấu hổ nhưng không có cách nào bênh vực. Nhưng đối với chú Cuông, tôi không tin chú là người ăn cắp. Người nhà quê hay tọc mạch nhưng nhờ cái tính ấy mà hiểu người trong làng đến từng chân tơ kẽ tóc. Tôi hiểu chú Cuông dẫu có chết đói cũng không thể làm chuyện ấy.

Thấy tôi có ý ngờ vực, giám đốc Hun Suk nhếch mép ngồi vào máy tính và nhấp chuột. Trên màn hình, một bóng nam công nhân lờ mờ với những việc làm cũng hết sức lờ mờ. Ở góc quay cố định của camera tự động, khó mà phân biệt được rõ mặt và hành vi của từng công nhân.

- Nó thông đồng với công nhân ăn cắp của tao hai cuộn vải.

Lời giải thích như một lời kết tội của Hun Suk khiến tôi chết lặng.

- Đánh đi!

Tôi lại giật thót người khi nghe giục. Tôi ngập ngừng bước lại phía chú Cuông.

- Chú!

Chú Cuông quay mặt lại. Một khuôn mặt khắc khổ nhưng rắn rỏi.

- Chú ăn cắp thật à?

Chú Cuông lắc đầu nhẹ nhưng dứt khoát.

- Đánh đi! Mày không đánh tao sẽ đuổi mày!

Giọng ngoại quốc nói tiếng Việt lơ lớ của Hun Suk như một tiếng gầm gừ. Chú Cuông nhìn tôi thông cảm:

- Anh cứ đánh đi! Không sao đâu. Chú chịu được mà...

Tôi ghé sát tai chú Cuông nói nhỏ:

- Cháu không tin là chú ăn cắp. Việc gì chú phải chịu đòn?

Chú Cuông nói nhanh:

- Anh cứ đánh đi! Hun Suk nó chỉ muốn đánh để dằn mặt chú thôi. Nếu chú không nhận, nó dọa sẽ đuổi hết công nhân trong phân xưởng.

- Đánh đi!

Tiếng thét của Hun Suk khiến tôi choàng tỉnh. Lúc này thì tôi đã hiểu sự tình. Chú Cuông chịu đòn không phải để giữ miếng ăn cho riêng mình, mà cho cả trăm cô gái làng tôi chú thương quý như con. Và tôi, tôi phải đánh chú cũng không vì miếng ăn của riêng tôi.

Tôi chớp mắt nhanh ngầm thay một lời xin lỗi và giơ gậy cao su. Nhát quật làm tung lên một đám bụi vải nơi áo quần chú Cuông, gây nên một tiếng bộp rất to. Tôi đã cố ý đánh sướt theo mông quần, vậy mà tôi vẫn cảm thấy mông mình đau oằn oại. Đánh! Đánh! Đánh! Sau mỗi câu thúc giục của Hun Suk, tôi lại vung tay. Chiếc gậy cao su mỗi lúc một nặng đến nỗi tôi không thể giơ lên nổi.

- Đồ chó đẻ!

Sau tiếng chửi, Hun Suk nhảy tới giật phắt chiếc gậy vung lên bổ xuống. Những tiếng quật chắc nịch dội vào da thịt chú Cuông, văng ra, xoáy vào tai tôi, buốt nhói. Tôi đứng giương mắt ếch nhìn ông chủ đánh đập người đồng hương mà không biết làm gì. Chú Cuông ban đầu còn nghiến răng chịu trận, sau đau quá không nén được đã bật ra tiếng chửi. Như một con trâu mộng bị ong châm húc trả thù bờ đất, Hun Suk vén tay áo, giật tung cà vạt nghiến răng đập túi bụi. Càng đánh càng say. Càng đánh càng khoái cảm. Chú Cuông đã không đứng vững được rồi. Chú đổ uỵch xuống sàn như một cái xác vô hồn. Hun Suk lúc này đã lên cơn điên dại. Hắn la lên choe chóe và vứt gậy. Hắn vừa đấm vừa đạp. Trước mắt hắn bây giờ không phải là một công nhân, mà là một biển người cứng đầu xúi nhau đòi yêu sách. Hắn muốn giày xéo, muốn đập nát tất cả những chống đối. Hắn nhảy lên người chú Cuông dùng cái cơ thể nặng hơn một tạ dận điên cuồng. Tai tôi ù đi khi nghe những tiếng hự đau đớn. Mồ hôi tôi túa đầm đìa và răng tôi nghiến lại. Mắt tôi hoa lên khi nhìn thấy từ miệng chú Cuông ộc ra một thứ cơm phân máu trắng đỏ vàng lẫn lộn. Sự chịu đựng của tôi đã đến đỉnh điểm. Bao nhiêu máu của tôi đã dồn tất cả về lồng ngực. Dòng máu nông dân trong lồng ngực căng bức muốn nổ tung của tôi đòi lên tiếng. Trong khoảnh khắc nhanh bằng môt phần nghìn giây, tôi đã hành động. Tôi là thằng con trai hai bốn tuổi. Ruộng đồng đã cho tôi sức mạnh. Đời lính đã dạy tôi cách tấn công. Bằng một thế võ áp sát, tôi giơ tay trái túm tóc Hun Suk giật mạnh, tay phải gập nhanh thành chiếc cùi chỏ chắc nhọn giộng thẳng vào khuôn mặt đỏ phực vừa mới ngửa ra. Tôi nghe một tiếng rú đau đớn cùng tiếng ngã như vật thịt. Tôi nhào tới ôm xốc chú Cuông chạy ra đường vẫy một chiếc taxi...

Tôi không nhớ mình đã làm những gì. Chỉ khi thấy Dịu cùng những cô gái làng tôi ào tới xôn xao tôi mới sực nhớ mình đang đứng gục đầu trước phòng cấp cứu trong bệnh viện. Người tôi bải hoải và rỗng rễnh. Tôi mừng rỡ khi vị bác sĩ thò đầu ra gọi tôi vào bế chú lên băng ca trở về phòng hồi sức. Tôi luồn tay dưới gáy và chân chú Cuông, nhưng không tài nào nâng nổi. Vị bác sĩ túm cánh tay tôi lên xem. Cặp mắt ông trợn tròn kinh ngạc. Tay anh làm sao thế này? Tôi giơ tay lên xem và gai người khi thấy hai chiếc răng của Hun Suk cắm ngập vào cùi chỏ...

Tôi bã thã trở về nhà trọ nằm co quắp trong cơn sốt run người. Dịu vừa rửa vết thương cho tôi, vừa nhìn tôi bằng ánh mắt lo lắng khẩn cầu:

- Anh trốn đi, em van anh đấy!

Không, tôi không việc gì phải trốn. Tôi đang đợi chiếc còng số tám bập vào tay để được đứng trước một phiên tòa nói những điều bức xúc.

- Anh phải trốn ngay đi. Họ sẽ thuê người giết anh mất, anh ơi!

Câu nói làm tôi hoang mang suy tính. Tôi không sợ đối diện với pháp luật. Nhưng tôi là con nông dân, tôi sẽ thua luật rừng trong bóng tối.

Dịu đã gấp tất cả quần áo vào ba lô cho tôi và giục:

- Về đi anh! Thành phố không phải là chỗ của chúng mình.

- Em về cùng anh chứ?

- Không, em ở lại. Em ở lại đi làm để nuôi anh. Anh phải làm lại... làm lại từ đầu... Chúng mình còn trẻ mà...

Dịu đẩy tôi ra ga. Tiếng còi tàu cất lên u uất. Tôi mở mắt trân trân nhìn ra cửa sổ. Ánh đèn thành phố xanh đỏ tím vàng nhấp nháy. Những băng rôn quảng cáo giăng giăng tơ nhện, phấp phới ảnh ca sĩ Linh Trường. Những quán bar đèn mờ, giọng ca nhão nhoét... Tất cả đã lùi lại sau lưng tôi theo tiếng bánh sắt lướt trên đường ray trơn tuột.

Tôi đã ra khỏi vòng nguy hiểm. Nhưng sau lưng tôi vẫn còn em và những người con quê tôi đang lao đao giữa phố phường. Tôi rất muốn biết những gì xảy ra sau sự kiện vừa rồi. Tôi lục mớ báo giắt đằng sau ghế trước của những hành khách đi tàu bỏ lại. Hàng loạt bài viết căm phẫn lên án thói bạo hành cùng ảnh chụp chú Cuông mặt mày bầm tím. Ảnh giám đốc Hun Suk với bộ mặt lành lặn nói những lời xin lỗi cùng lời hứa không đuổi việc chú Cuông... Tôi đọc hết mấy tờ báo, thấy người ta nhắc nhiều đến vai trò của công đoàn và báo chí. Không một chữ nào đả động đến tôi. Hành động của tôi giống như một trò nghịch dại không ai thèm để ý. Tôi lơ đãng với tay sang một tờ báo cũ. Tôi gặp một tờ báo văn chương với những hàng chữ đen cổ kính. Tôi còn trẻ, còn bàng quan với thế sự nên thường bỏ qua những tờ báo kiểu này. Nhưng giờ đây tôi đang cần được chia sẻ. Mắt tôi trôi miên man theo những dòng chữ trĩu nặng thế thái nhân tình, để rồi vấp vào những câu thơ của Lương Tử Đức:

Gió đồng rửa mặt tha hương

Ta về quê chữa vết thương giang hồ...

Hình như câu thơ này viết dành cho chúng tôi? Mà không. Chúng tôi là con nông dân, không thể là những kẻ giang hồ. Nhưng chúng tôi đang tha hương. Tha hương trên chính quê hương để rồi bị trúng những vết thương chí mạng. Vết thương của tôi đang âm ỉ đau thắt nơi ngực trái...

Trinh tiết xóm Chùa - Truyện ngắn của nhà văn Đoàn Lê Đi - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Bình Phương Con chó và vụ ly hôn - Truyện ngắn của nhà văn Dạ Ngân Thung Mơ - Truyện ngắn của nhà văn Hà Nguyên Huyến Chiếc bình không thả ra sông - Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ
Tuyển tập 75 gương mặt Văn nghệ - Kỷ niệm 75 năm báo Văn Nghệ
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.