Mượn… tiền nhà thơ Tạ Hữu Yên
|
Theo một thống kê không chính thức, thì nhà thơ Tạ Hữu Yên là người có thơ được phổ nhạc nhiều nhất Việt Nam - khoảng hơn 200 bài. Đó là một con số thuộc hàng “khủng”, khi số nhạc sĩ phổ thơ Tạ Hữu Yên thì nhiều, nhưng người làm thơ thì chỉ… một. Nhà thơ Tạ Hữu Yên có thể đã làm thơ ngay từ kháng chiến chống Pháp, vì ông là người tham gia hai mùa kháng chiến, và đều làm một việc: binh vận. Năm 1969, tôi nhập ngũ, được “bổ” về buổi phát thanh binh vận của Đài tiếng nói Việt Nam - trực thuộc Tổng cục Chính trị. Và tôi được vinh dự làm cùng phòng với nhà thơ Tạ Hữu Yên. Lúc đó, ông đã có thơ đăng báo khá nhiều, còn tôi mới chỉ có vài ba bài thơ nhỏ được đăng báo, nên tôi luôn nhìn và nghe ông với sự kính trọng đặc biệt. Ông đã cho tôi một số lời khuyên về công việc làm thơ, có điều tôi cảm thấy hơi khó theo, có lẽ vì cách nhau cả thế hệ, thơ ông đã định hình, còn thơ tôi thì còn… chưa thấy đâu. Ông là người có thâm niên về công tác binh vận, và ông làm công việc này cho tới khi đất nước giải phóng mới chuyển qua làm biên tập nhà xuất bản quân đội. Mất hơn 5 năm tôi xa ông do tôi đi chiến trường, sau giải phóng, vào năm 1976, cơ duyên tôi lại được gặp ông. Bấy giờ, ông đã có hàng mấy chục bài thơ được phổ nhạc, trong đó có những bài rất nổi tiếng như Đôi dép Bác Hồ. Còn tôi thì khi gặp lại ông cuối năm 1976, tôi đã viết xong một trường ca, gửi xuất bản ở nhà xuất bản quân đội. May mắn thế nào, người biên tập cho tác phẩm của tôi lại là nhà thơ Tạ Hữu Yên. Anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng. Và, điều đầu tiên tôi đề nghị ông là cho tôi được… ứng tiền nhuận bút. Ông vui vẻ viết giấy đề nghị để tôi được nhận một số tiền khá lớn so với hồi ấy, dù tác phẩm của tôi chưa xong khâu biên tập. Đúng là anh em cùng cơ quan cũ có khác. Tôi biết ơn ông vì điều đó. Năm sau, khi trường ca đã được xuất bản, tôi lại có dịp gặp Tạ Hữu Yên khi ông vào Đà Nẵng công tác và ăn ở tại cơ quan chúng tôi. Hồi đó mấy anh em văn nghệ đều nghèo lắm. Một buổi sáng, kẹt tiền quá mà không biết mượn đâu ra, tôi chợt nhớ “cụ” Tạ Hữu Yên đang ở khu chung cư với mình. Tôi bèn ra sân thượng đứng… hát. Tôi hát một bài nhạc của Nguyễn Thành phổ thơ Tạ Hữu Yên, bài hát về những “ký ức xanh” Hà Nội năm 1946: “Đêm, cái đêm rút qua gầm cầu/ Anh, anh đã hẹn ngày mai trở lại/ Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi…”. Bài hát này bản thân nó đã rất xúc động, tôi lại hát trong tâm trạng… muốn vay tiền, nên càng… day dứt hơn. Tôi đang say sưa hát thì nhà thơ Tạ Hữu Yên đã đứng sau lưng tôi từ lúc nào. Tôi quay lại nhìn ông, thấy “ông già” cũng có vẻ rất xúc động. Tôi bèn tranh thủ ngỏ lời: “Anh Yên ơi, anh cho em… mượn mấy đồng, em đang cần tiền quá!” Nhà thơ Tạ Hữu Yên xởi lởi: “Cậu cần bao nhiêu? Mình đi công tác nên không có nhiều tiền, nhưng cậu cứ cầm đi!” Nói rồi, Tạ Hữu Yên rút túi lấy tiền cho tôi mượn, trong trạng thái cả hai anh em còn… lâng lâng vì bài hát của Nguyễn Thành. Dĩ nhiên, sau đó có dịp tôi đã trả lại số tiền mượn, nhưng tôi rất biết ơn Tạ Hữu Yên. Người như thế thì thơ được phổ nhạc hàng trăm bài là đúng quá, đâu có gì phải ngạc nhiên!
|
Nhà thơ Vũ Đình Liên, tác giả bài thơ Ông đồ bất tử, là nhà thơ sáng tác ít nhưng tên tuổi thì còn lại với nền thơ Việt. Ông cũng còn là dịch giả nổi tiếng thơ Charles Baudelaire, như có lần ông thổ lộ, thơ Baudelaire cứ ám ảnh ông không dứt, và ông cảm thấy mình có một duyên nợ nào đó với thơ của thi hào Pháp mà ông ngưỡng mộ từ những năm còn đi học. Tôi chỉ được gặp Vũ Đình Liên có một lần, nhưng nhớ mãi. Không phải nhớ vì ông đọc thơ hay có “show” trình diễn nào đặc biệt, mà nhớ vì được nhìn thấy ông ăn… cơm nắm. Không phải cơm nắm của các bà mẹ bà chị hay bán ở một số con phố Hà Nội những năm sau này, món cơm nắm thơm ngon ăn với muối vừng hay ruốc bông, chả quế… Mà cơm do chính nhà thơ nắm để mang ăn đường. Hình như dạo đó là khoảng năm 1981-1982 gì đó, tôi vào Sài Gòn để đi Bến Tre dự lễ kỷ niệm nhà thơ vĩ đại Nguyễn Đình Chiểu. Dạo ấy cả nước còn rất khó khăn, và phương tiện lưu thông mà các nhà thơ hay dùng là… xe đò, loại xe đò hạng bét không chỉ chở người mà còn chở kèm… heo. Heo được bỏ rọ chất lên trên nóc thùng xe, và từ đó, chúng tha hồ xả chất thải không lấy gì làm thơm tho xuống đầu cổ hành khách. Đúng là xe “hành khách”. Nhưng không còn bất cứ lựa chọn nào khác, nên các nhà thơ muốn du hành đành dùng phương tiện này vậy, dù mua vé không hề dễ. Buổi trưa hôm đó, mới tới nơi tập trung để chờ xe đón đi Bến Tre, tôi chợt thấy một ông già bước vào. Đó là một người già lành hiền, ăn mặc không còn có thể giản dị hơn, nhưng rõ ra là một trí thức “cũ”, nền nếp, với phong thái khiêm nhường nhưng đường hoàng. Khi được giới thiệu, tôi mới biết đó là nhà thơ Vũ Đình Liên. Ai trong chúng ta mà chẳng một lần nghe hay thuộc lòng bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên! Tôi rất hân hoan được chuyện trò với ông. Sau một hồi thăm hỏi chuyện trò, Vũ Đình Liên xin phép chúng tôi dùng cơm trưa. Cơm trưa? Tất cả chúng tôi có mặt ở đó đều đã ăn trưa, và xung quanh tịnh không có một hàng quán nào có thể phục vụ, dù là một bữa ăn trưa đơn giản nhất. Đang ngạc nhiên, thì nhà thơ Vũ Đình Liên bình thản lấy từ trong tay nải của mình một gói giấy báo. Ông xin phép ngồi một góc, sẽ sàng mở gói giấy. Trong đó là một gói lá chuối, màu lá mới ngả vàng. Ông lại sẽ sàng mở ra. Đó là một nắm cơm, một nắm cơm bình thường, gạo phiếu của mậu dịch. Kèm một gói nhỏ muối vừng. Chấm hết. Không thịt kho, ruốc bông ruốc hoa hay chả quế giò lụa gì sất! Tác giả Ông đồ ngồi ung dung ăn nắm cơm của mình đúng như cách ông đồ của ông “Bày mực tàu giấy đỏ/ Trên phố đông người qua…”. Tự nhiên, tôi cảm thấy mắt mình rân rấn ướt. Là tác giả bài thơ nổi tiếng qua nhiều thế hệ đó ư? Là nhà giáo nhà thơ mà chúng tôi đã học tác phẩm từ ngày còn cắp sách tới trường đó ư?... “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?...”. Bây giờ, khi nhớ lại cảnh nhà thơ Vũ Đình Liên ăn cơm nắm, tôi những muốn kêu lên bằng hai câu thơ ông như vậy!
Kể chuyện nhỏ này để nhớ lại một thời khốn khổ, với những con người nổi tiếng nhưng khốn khổ. Và đẹp. Đẹp trong cảnh nghèo khó. Tại sao không?
|
Cố nhà thơ Vũ Hữu Định bình sinh là người rất dễ thương. Khi chưa có hơi men, anh làm việc rất năng động, nghĩ ra được nhiều việc hay để làm, và không phải là người chỉ biết ham chơi mà bỏ mặc vợ con. Nhưng khi có men hơi bị… nhiều, anh lại là một “tiểu Lý Bạch” say tít cung thang bất kể trời đất. Người ta hay nói Say không biết sợ, quá đúng! Bình thường, Vũ Hữu Định rất ngại khi phải tiếp xúc với những người thuộc “công quyền”, anh cũng rất sợ… cảnh sát. Nhưng khi say rồi thì… “Đi năm phút lại về chỗ cũ” là một câu thơ nổi tiếng trong một bài thơ nổi tiếng của Vũ Hữu Định mà Phạm Duy đã phổ nhạc “Anh khách lạ đi lên đi xuống/ May mà có em đời còn dễ thương” với lại “Em Pleiku má đỏ môi hồng…”, một câu thơ rất… bắt mắt. Sau giải phóng một năm, tôi được về trại sáng tác văn học quân khu 5 ở Đà Nẵng, và một trong những nhà thơ “trong thành” mà tôi gặp và chơi thân đầu tiên là Vũ Hữu Định. Khi đó Định vừa có bài thơ in trong quyển sách Mùa gặt tháng Tư do trại sáng tác Quân khu 5 xuất bản. Ấy là bài thơ “trình làng” đầu tiên của Vũ Hữu Định với văn học cách mạng. Anh có vẻ rất tự hào về bài thơ này, một bài thơ mà người đọc quen thơ Vũ Hữu Định nhận ra ngay chất giang hồ lãng tử vốn có rất đậm trong thơ anh trước giải phóng. Chỉ với bài thơ ấy thôi, Định đã có thể phấn khởi mà… say hết ngày này sang ngày khác. Dạo đó chúng tôi gồm một nhóm, gồm Thái Bá Lợi, Vũ Hữu Định, Đoàn Huy Giao, Nguyễn Phước Chinh và tôi hay chơi với nhau và cũng chúa hay bày đặt để kiếm tiền… uống rượu. Trong các cuộc thực hiện “kế hoạch” rượu, Vũ Hữu Định luôn là người hăng hái bậc nhất. Kiếm được chút tiền còm, chúng tôi kéo nhau tới quán, và ở đó, Định luôn là người say nhanh nhất. Say nhưng vẫn uống. Và sau khi “say mà vẫn uống” như thế, anh luôn chiếm giải quán quân là người… say lâu nhất. Nhớ có lần bọn tôi kiếm được ít tiền rủ nhau ra Huế chơi thăm bạn bè, đêm hôm trước đúng là chúng tôi hơi quá chén, nhưng cả nhóm đều tỉnh táo để sáng hôm sau ngồi tầu chợ ra Huế. Chỉ có Định là tuy có vẻ đã tỉnh, nhưng hình như vẫn… say. Anh cùng đi với chúng tôi, ở Huế hai ngày, gặp bao nhiêu là bạn bè văn nghệ Huế, uống tiếp hết bao nhiêu là rượu, mỗi cuộc như thế Định đều tham gia hăng hái, nhưng hình như anh chơi, uống, đi lại ở Huế trong trạng thái… say. Khi lên tầu chợ về lại Đà Nẵng, Định vẫn vui đùa cùng chúng tôi. Mấy anh em đều nghĩ Định đã tỉnh rượu, không có vấn đề gì, nhưng khi về tới Đà Nẵng, ngủ một đêm rồi, sáng hôm sau gặp lại uống cà phê, chợt chúng tôi… sững người khi nghe Vũ Hữu Định nói: Hình như anh em mình vừa đi Huế về? Trời ơi, còn “hình như” gì nữa, rõ ràng mấy anh em, có Định, đi Huế chơi hai ngày về cơ mà! Định cười có vẻ bối rối: Thế mà tao cứ tưởng anh em mình vẫn ở Đà Nẵng! Thì đúng là anh em mình đang ở Đà Nẵng, nhưng mình mới đi Huế về mà! Định tỏ ra bối rối: Thật vậy à? Mình mới đi Huế về thật à? Vậy mà tao chả nhớ gì cả… Thì ra, trong suốt hai ngày đi và ở Huế, Định vẫn vui chơi hoạt động trong trạng thái… say. Say như thế thì thuộc hàng “say có thương hiệu” ấy chứ! Đúng là nhiều người e ngại anh say, nhưng với Vũ Hữu Định, tôi bảo đảm với bạn là anh say nhưng vẫn… như tỉnh. Và đặc biệt anh không hề quậy phá gì cả. Lạ thật đấy! Nhờ cái trạng thái “tỉnh say, say tỉnh” như thế mà Vũ Hữu Định sáng tác được nhiều bài thơ hay, trong đó có những bài thơ đầy cảm giác và cũng đầy dự báo về chính số phận của mình. Nhà thơ, trên khắp thế giới này, đều là một loại người luôn có cái gì đó hơi kỳ kỳ, không giống ai về một nét nào đó, dù họ cũng sống như tất cả mọi người. Vũ Hữu Định là một nhà thơ như thế.
Chơi với Vũ Hữu Định được mấy năm thì anh mất. Anh qua đời khi tôi đã về Qui Nhơn. Nghe anh em bạn văn nghệ Đà Nẵng kể, cái chết của Vũ Hữu Định cũng rất lạ. Khoảng 3 giờ sáng, sau khi uống rượu ở nhà một người bạn trên gác hai, Định ra về. Nhưng anh không xuống cầu thang để về mà bước ra ban công, rồi bước thẳng... vào khoảng không. Ngay từ tầng hai. Anh bị chấn thương và qua đời ngay lúc ấy. Gần như vẫn trong trạng thái “say-tỉnh” rất đặc trưng của anh. Trước đó, Định đã có bài thơ viết ở tuổi 40, như một bản “tự kiểm” đời mình. Bài thơ rất cảm động, nghe có giọng Đỗ Phủ trong những câu thơ của một nhà thơ Việt.
Sau này chúng tôi, những bạn bè của Định mỗi khi gặp nhau nhắc tới anh thường vẫn nhắc nhớ về những cơn say đặc biệt của anh. Không ai cho say rượu là tốt, nhưng người hay say như Vũ Hữu Định lại được bạn bè nhớ những nét đẹp của mình qua những... cơn say. Khi đó con người bộc lộ mình một cách thật thà nhất. Vũ Hữu Định “đẹp khi say” bởi anh vốn là người dễ thương, người tốt. Và là người có những bài thơ hay. Nhiều bài thơ trong đó lại được anh viết trong... cơn say…
|
Cố nhà thơ Diệp Minh Tuyền là một người vui tính, năng động và có vẻ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc hơn cả trong thơ ca. Mặc dù anh là một nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tôi quen Diệp Minh Tuyền từ những ngày trong chiến khu R, nhất là khi anh biên tập một bài thơ của tôi đưa vào tạp chí Văn nghệ giải phóng. Cuốn tạp chí có bài thơ chưa kịp phát hành thì chính bài thơ tôi đã làm khổ số tạp chí ấy: nó bị một vị cấp “côi” phát hiện là “có vấn đề” và bị “bóc” ngay trong xưởng in. Báo hại nhà thơ Diệp Minh Tuyền, người biên tập chính của phần thơ số tạp chí ấy, phải bị năm lần bảy lượt kiểm điểm. Nhưng cũng vì cái “nạn” ấy mà chúng tôi trở nên quen biết sâu với nhau. Tết năm 1974, Diệp Minh Tuyền cùng vài người bạn bên văn nghệ đã đạp xe nửa ngày đường sang “cứ” binh vận của tôi và ăn Tết với tôi. Đó là cái Tết thật vui! Từ hồi ấy, Diệp Minh Tuyền đã có thơ in nhiều ở các báo miền Bắc và có thơ phổ nhạc. Tuyền cũng có cả ca khúc do chính anh sáng tác và đã phát nhiều lần trên sóng Đài phát thanh Giải phóng và Đài tiếng nói Việt Nam. Những nhà thơ kiêm nhạc sĩ như thế ở nước ta không có nhiều, và điều lạ là tuy “đăng ký thương hiệu” là nhà thơ nhưng những ca khúc của họ lại rất phổ biến.
Tôi còn nhớ, hồi đại hội nhà văn 4 năm 1989, Diệp Minh Tuyền thuộc phái “cấp tiến” và phát biểu rất hăng hái trên diễn đàn đại hội. Sau đó, một số nhà thơ chúng tôi, trong đó có Diệp Minh Tuyền, được mời vào đọc thơ ở khoa Văn đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi tới lượt Diệp Minh Tuyền đọc thơ, anh xin phép được… ca. Anh đã hát rất sôi nổi bài “Đời mình là một khúc quân hành/ Đời mình là bài ca chiến đấu…” do chính anh sáng tác. Có lẽ đó là một trong những lần đầu tiên bài hát này được chính tác giả của nó hát phục vụ người nghe là thanh niên sinh viên. Bài hát hào hùng và xúc động ấy đã được cử tọa vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Và sau đó, nó đã trở thành bài hát gần như chính thức trong thanh niên và quân đội. Cho tới bây giờ, mỗi khi vùng biên giới biển đảo Tổ quốc ta đứng trước những nguy cơ bị xâm lấn, cứ nghe bài hát “Đời mình là một khúc quân hành” của Diệp Minh Tuyền, thế hệ những cựu binh như chúng tôi lại rạo rực rưng rưng lên như những ngày xưa ra trận.
Diệp Minh Tuyền đã đi vào chiến trường miền Nam khá sớm, ngay sau khi anh tốt nghiệp khoa ngữ văn đại học Tổng hợp và được về công tác tại Viện văn học. Là con trai một nhà giáo, một cán bộ cách mạng lão thành, ông Diệp Tư, lại có thành tích học tập tốt, nếu bình thường thì Diệp Minh Tuyền đã là nhà nghiên cứu văn học, rồi sẽ là một giáo sư tiến sĩ gì đó ở Viện văn học… Nhưng anh đã dứt khoát xung phong đi chiến trường, và trở thành một nhà thơ - nhạc sĩ, một “người hát rong” của cuộc chiến tranh giải phóng. Đó là cách lựa chọn phổ biến của thế hệ thanh niên ngày đó, một cách lựa chọn có thể làm ngỡ ngàng nhiều người đang sống bây giờ. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, thì đó là cách lựa chọn bình thường và hợp lẽ nhất: cách lựa chọn của những người sống vì lý tưởng yêu nước. Chính vì thế mà bài hát “Đời mình là một khúc quân hành” của Diệp Minh Tuyền đã trở thành một “ca khúc vượt thời gian” mà mỗi thế hệ, dù không cầm súng, vẫn có thể say sưa hát. Bởi đó là bài ca của một người yêu nước mình, của những người yêu nước mình.
Nhà văn Tô Hoài (1920 - 2014) |
Về nhà văn Tô Hoài, người ta đã viết bao nhiêu bài bao nhiêu trang, và sẽ còn viết nữa, vì ông là một trong những “cây đại thụ” của văn xuôi Việt Nam. Ý kiến về Tô Hoài cũng rất khác nhau, điều ấy chứng tỏ ông là một “hiện tượng đa chiều” không dễ để hiểu một chiều. Riêng tôi, không thuộc hàng “thân” hay “đệ tử” của Tô Hoài, nhưng qua một số lần tiếp xúc, nhất là qua những bức thư tình cờ hoặc không tình cờ mà Tô Hoài gửi cho tôi, cảm nhận của tôi về ông lại khá nhất quán. Trước hết, Tô Hoài là nhà văn không chịu “để rơi” bất cứ chuyện gì dù tình cờ qua tay ông. Ông nhớ gần như hết mọi điều mà ông đã trải trong đời. Đó là nhà văn có trí nhớ - văn học vào loại phi thường. Trí nhớ văn học có khác với trí nhớ bình thường, vì nó đã qua sự gạn lọc nhằm phục vụ cho một ý đồ văn học nào đó. Nhưng với Tô Hoài, dường như trí nhớ bình thường với trí nhớ văn học ở ông nhập làm một. Trong một bức thư gửi cho tôi đã khá lâu, ông nhắc về chuyện một cậu bé (gọi “cậu bé” chứ nay anh này khi ấy đã hơn… 50 tuổi rồi) đang sống ở thành phố tôi ở. Cậu bé này trước ở căn nhà đối diện với Hội Nhà văn Việt Nam (đường Nguyễn Du). Cậu bé hơi bị thần kinh, nhưng tính rất lành, và thường ngày hay lân la sang Hội Nhà văn chơi với các bác Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi… Cậu khá thân với Tô Hoài. Sau này khi đã về quê ở miền Nam, thình thoảng cậu vẫn trần mình viết thư thăm bác Tô Hoài (cậu bé viết rất khó khăn). Có lẽ vì chi tiết đó mà Tô Hoài nhớ cậu bé. Ông kể rạch ròi mọi chuyện cũ quanh cậu bé và Hội Nhà văn, rồi nhờ tôi tới thăm xem cậu bé lúc ấy sống thế nào? Ai nói Tô Hoài tính lạnh nhạt và vô tình, riêng tôi thì không. Chỉ với một cử chỉ đó thôi, Tô Hoài trong tôi đã rất đáng trọng. Khi gặp và trò chuyện với “cậu bé” (thực ra chỉ tuổi em tôi) tôi mới nghe cậu kể rất nhiều chuyện về “bác Tô Hoài”, dĩ nhiên toàn chuyện tốt. Rồi một lần nữa, cách đây khá lâu, khi còn tại thế, Tô Hoài lại viết thư và gửi bài cho tôi đăng ở một tạp chí văn nghệ địa phương. Tô Hoài kể chuyện về anh Platon Thành, một nhân vật người Nga “cực tiểu thuyết”, người đã ban đầu là tình cờ, và về sau là có ý thức, tham gia vào cuộc kháng chiến của quân dân Nam bộ chống thực dân Pháp. Bút ký của Tô Hoài viết rất thật, rất cảm động và rất hay về con người kỳ lạ này, về số phận còn kỳ lạ hơn của anh, và cuối cùng, về cái kết không mấy kỳ lạ của những con người nhỏ bé bị đời quên lãng. Nhưng Tô Hoài nhớ. Và tôi cảm phục ông chính vì cái sự nhớ này. Khối người chỉ nhớ những người nổi tiếng, những người giầu sang, những người quyền thế. Mấy ai nhớ những người bị đời bỏ quên trong một xó tối nào đó. Nhưng nghĩa vụ của một nhà văn chân chính là phải nhớ, nhớ và viết về những số phận ấy, con người ấy, để sự hiện diện của họ trong cuộc đời không bị mai một bất công. Tô Hoài đã làm được điều đó. Bút ký Anh Platon Thành của ông, theo tôi, là một tác phẩm hay. Và đó là niềm an ủi cho những con người bình thường nhỏ bé và dễ bị lãng quên.
“Không một ai tẻ nhạt ở trên đời” (Evtuchenko). Nhưng văn chương thì cũng dễ… tẻ nhạt lắm, nếu nhà văn không có tài. Tô Hoài là nhà văn cực tài. Và, ông là người biết nhớ. Nhớ rành rẽ và thấu đáo. Tôi yêu Tô Hoài, dù trong đời chỉ gặp ông vài lần, rất thoáng qua.
|
Tôi từng nghe rất nhiều giai thoại về nhà văn quê Bến Tre Trang Thế Hy trước khi được gặp ông. Khoảng thời gian giữa nghe và gặp dài tới… 35 năm. Nửa đời người còn gì! Trong các câu chuyện về Trang Thế Hy mà tôi nghe các bạn đồng nghiệp với ông kể lại, thì thú vị nhất là chuyện Trang Thế Hy… câu. Là dân đồng nước Nam bộ, ông rành sáu câu cái vụ giăng câu bắt cá là chuyện thường ngày ở vùng đồng bưng. Nhưng, câu như Trang Thế Hy thì ít người có. Thời chống Mỹ ở rừng, nhưng Trang Thế Hy thường xuyên xung phong đi công tác chiến trường, về bám đồng bằng. Ông đã từng mấy lần đi qua Đồng Tháp Mười. Và trong những chuyến đi dài ngày vừa gian khổ vừa nguy hiểm đó, bao giờ nhà văn của chúng ta cũng mang sẵn trong bòng của mình… vài trăm lưỡi câu, với một cuộn dây nhợ câu. Cần câu thì khỏi lo, tới đâu kiếm tới đó. Cứ mỗi khi tới trạm, nhất là những trạm giao liên giữa đồng nước mênh mông, trong khi mọi người tranh thủ giăng võng nằm nghỉ thì Trang Thế Hy lọ mọ giở “đồ nghề” và… câu. Ông câu cắm đã giỏi, câu cần càng giỏi hơn. Chỉ cần khoảng 1 tiếng đồng hồ “tác nghiệp”, Trang Thế Hy đã câu đủ cơ số cá cho đội công tác ăn cả ngày. Tôi cũng từng có may mắn đi xuyên qua Đồng Tháp Mười vào năm 1972, nên chỉ cần nghe kể là đủ hình dung “ông già Ba Tri” này câu giỏi cỡ nào rồi! Vậy mà khi thực gặp ông, hình như lần đầu là vào năm 2005 thì phải, thì câu đầu tiên mà Trang Thế Hy đề nghị tôi và nhà thơ Chim Trắng là mấy anh em đi… câu(?). Ông già đã hơn 80 xuân còn câu kéo được sao? Tôi chưa kịp hỏi, thì mấy anh em đã lên đường vào thị xã Bến Tre. Ở đó, tại một nhà hàng khá xịn, tôi được chứng kiến Trang Thế Hy câu… cua. Ông kêu ngay mỗi người hai con cua vừa mới thay da, gọi là “cua hai da”, loại cua ngon nhất của nhà hàng. Chim Trắng có vẻ… choáng, vì anh biết, tiền để “câu” loại cua này không hề ít. Sau khi thưởng thức món cua hai da, chúng tôi còn “câu” thêm vài ba món nữa, như cá chẽm chưng hay cá ngát nấu canh chua, toàn thứ “dữ” cả. Lúc đã “ngấm” tôi mới thụt thò hỏi thử Trang Thế Hy, rằng hồi xưa cụ có câu được những… món này không? Trang Thế Hy cười móm mém rất… hóm: bây giờ già rồi, gặp các ông từ thành phố xuống, tôi mới “mạnh dạn” kêu những món này, chứ bình sinh làm sao tôi “câu” nổi! Chim Trắng cười… méo miệng: Cứ mỗi ngày ông “câu” bấy nhiêu món thì chẳng mấy ngày tụi tôi phải… đi bộ về thành phố mất! Lúc này tôi mới thấy Trang Thế Hy cười… hết cỡ. Tụi tôi cũng cười… hết cỡ! Câu kiểu này thì ai câu chả được, cụ ơi!
Thanh Thảo| Báo Văn Nghệ
--------
Bài viết cùng chuyên mục: