Sáng 10.4 tại Hà Nội, Viện Phim Việt Nam (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội thảo khoa học Di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam: Giá trị nghệ thuật, lưu trữ, khai thác và phổ biến trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ Sự vận động của nhân vật trong phim truyện đề tài chiến tranh Việt Nam của điện ảnh Việt Nam và điện ảnh Mỹ sau năm 1975.
Hội thảo diễn ra với 4 nội dung chính gồm Giá trị nghệ thuật, những đóng góp, thành công và hạn chế của phim truyện đề tài chiến tranh Việt Nam - Mỹ của điện ảnh Việt Nam; Tình trạng lưu trữ, bảo quản tư liệu hình ảnh động, trong đó có khối lượng lớn tác phẩm phim truyện đề tài chiến tranh của điện ảnh Việt Nam tại các đơn vị lưu trữ trên cả nước; Thực trạng khai thác, phổ biến phim truyện đề tài chiến tranh của điện ảnh Việt Nam qua hình thức truyền thống và trên không gian mạng: Những đề xuất, giải pháp, kiến nghị; Đề xuất hệ thống giải pháp phát triển phim truyện điện ảnh Việt Nam đề tài chiến tranh, góp phần phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khẳng định, trong tiến trình hình thành và phát triển của điện ảnh cách mạng Việt Nam, đề tài chiến tranh đã trở thành mảnh đất “màu mỡ” để các nghệ sĩ điện ảnh khai thác những nội dung phong phú, đa dạng qua rất nhiều bộ phim truyện Việt Nam nổi tiếng. Đây là những chất liệu sinh động, khơi nguồn cảm hứng cho muôn vàn những ý tưởng được ấp ủ, thai nghén cho những tác phẩm phim truyện điện ảnh sau này.
GS.TS Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho biết, đề tài chiến tranh Việt Nam là đề tài lớn, xuyên suốt một dòng chảy liên tục trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, trong thời gian chiến tranh và sau chiến tranh.
Trên thực tế, đề tài chiến tranh đối với nhiều loại hình văn học nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng là một chuyện dài. Nhìn lại, những tác phẩm làm về đề tài chiến tranh Việt Nam đã mang lại những giá trị tinh thần, nội lực và cả bài học riêng cho từng lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có điện ảnh dân tộc. Đồng thời là những gowiij ý cho sự phát triển trên chặng đường sắp tới.
Song song với những giá trị mang lại, phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam đang đứng trước những thách thức không nhỏ, tuy nhiên với nền kinh tế thị trường, khi các hãng phim tư nhân được tham gia hoạt động sản xuất phim thì phim truyện chiến tranh lại không phải sự lựa chọn số một với các nhà đầu tư. Do đó, bố trí ngân sách có thể xem xét ở nhiều mức độ từ bao cấp toàn bộ đến đầu tư một phần hoặc bao cấp, trợ giá bao nhiêu phần trăm kinh phí sản xuất, phát hành. Việc cấp kinh phí cũng cần có sự tính toán hợp lý của bộ phận thẩm định dựa trên nội dung kịch bản, bối cảnh đặc thù hay độ khó của các cảnh kỹ xảo, mức độ thu hút, sự tham gia của các nhà đầu tư cho mỗi dự án cụ thể…
Vì vậy, sự phát triển, tạo ra những tác phẩm chất lượng trong bối cảnh đang thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao về văn học, nghệ thuật, đòi hỏi phải có những đột phá về chính sách. Do đó, sự kỳ vọng Hội thảo có thể đưa ra những đánh giá toàn diện về thực trạng phát triển của điện ảnh Việt Nam và phim truyện điện ảnh đề tài chiến tranh. Đồng thời đưa ra những giải pháp để phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn vào phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là hoàn tòa có cơ sở.
PV