Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo, dày gần 500 trang, khổ 16 x24 cm, bìa cứng, vừa ra mắt độc giả tháng 8 năm 2022 gây xôn xao dư luận, 1000 cuốn đã bán hết trong vòng 1 tháng. Đó là hiện tượng lạ, vì những năm gần đây các tác giả in thơ chỉ để biếu tặng.
Tại sao Tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo lại gây được sự chú ý của dư luận, được sự đón tiếp nồng nhiệt của độc giả? Có lẽ đã mấy chục năm nay thơ Trần Mạnh Hảo không xuất hiện trên báo chí cũng như xuất bản. Trong trí nhớ của nhiều người, thơ Trần Mạnh Hảo như là thứ rượu thơm ngon, từ lâu chưa được nhấp lai, càng làm người ta mong nhớ. Thì nay, tuyển tập thơ hơn nửa thế kỷ - kể từ ngày anh in bài thơ đầu tiên trên báo Tiền phong năm 1962, quả là có sức nặng chữ nghĩa. Nhưng trên hết tập thơ gần 600 bài, từ thơ tứ tuyệt đến trường ca, như mỹ tửu cất lâu ngày, say lúc nào không biết.
Trong tuyển tập thơ, ta dễ nhận ra thi pháp thơ Trần Mạnh Hảo, trước hết đó là thơ có tứ hay. Trong bài thơ, tứ thơ triển khai theo chiều dọc, còn thơ viết theo cảm xúc thường thể hiện qua chiều ngang. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đúc kết kinh nghiệm làm thơ: “Túi nhà thơ có ba ngăn/ Tứ - Từ - Tư đủ quanh năm tiêu xài” (Tứ là tứ thơ. Từ là từ ngữ. Tư là tư tưởng). Trong tuyển tập thơ ta gặp phần lớn bài thơ có tứ hay như Mặt trời và hạt sương: “Mặt trời không mang nổi/ dù một hạt sương rơi/ Nhưng trong hạt sương ấy/ Có bao nhiêu mặt trời”. Bài Bác gấu trả lời: “Bác xơi toàn mật ong/ Mà sinh mật đắng thật/ Lấy cái ngọt tận cùng/ Làm nên cái đắng nhất”. Bài Giữa nước Nga tìm một con kiến cũng có tứ thơ độc đáo: Nhà thơ đến nước Nga, chợt phát hiện trong vali có chú kiến: “Một chú kiến Việt Nam bé nhỏ/ Đã leo qua sáu quốc gia mười bảy nghìn cây số/ Không biết chú đã biết mình bò tận tới Liên Xô”. Để tác giả có cớ mà triết lý: “Tổ quốc có bao giờ người hóa thân thành kiến/ Lặng lẽ bò qua sự vĩ đại của mình/ Như những đứa con vượt Trường Sơn ra thế giới/ Không còn thích đóng vai người hùng cứu chuộc hành tinh”.
Nhà thơ trước hết phải xúc động viết nên bài thơ thì mới mong làm rung động được trái tim độc giả. Còn nhiều yếu tố làm rung động độc giả như tài năng, tài sử dụng ngôn từ, thơ phải có hình ảnh, thi tại ngôn ngoại... Thơ cần đa nghĩa, nhưng phải để cho độc giả hiểu. Thơ tù mù, rối rắm không hiểu thì làm sao người ta cảm được. Anh phản đối thơ chỉ cần cảm không cần hiểu. Không có nhận thức, không có con người. Hiểu, chính là nhận thức của con người.
Yếu tố phi lý và hợp lý trong tương quan với hình thức và nội dung thơ được ông sử dụng khá nhuần nhuyễn: “Ngọn lửa rét run trên củi ướt/ Cháy lem nhem dáng dấp con người” (Tổ quốc của tình yêu); “Sông già nhất sông từng nhiều tuổi nhất/ Mà sóng đùa như trẻ mới lon ton” (Những dòng sông Nam bộ); “Khái niệm tự do làm ta khổ/ Hạnh phúc giam cầm nỗi khổ đau” (Tự do).
Nhưng tập trung nhất trong thi pháp thơ Trần Mạnh Hảo là nghệ thuật ẩn dụ. Hầu hết trong tuyển tập thơ là dùng hình tượng ẩn dụ. Những bài thơ Trần Mạnh Hảo viết về quê hương, đất nước đều hay, đều tràn đầy cảm xúc, bởi anh yêu đất nước này, không dưng gì tác giả lấy hai câu thơ trong bài Nhân xem phim sám hối nghĩ về Boris Pasternak làm đề từ: “Ôi đất nước/ Anh yêu đến băng hoại cả đời”. Đất nước của anh không thể hiện trực diện, nói tuột ra mà qua hình tượng văn học, qua ẩn dụ, nên thêm tầng ý nghĩa. Bởi thế, những bài thơ hay nhất của Trần Mạnh Hảo là viết về các dòng sông dọc dài đất nước như: Sông Hồng, sông Mã, sông Lam, sông Hương, sông Thu Bồn, sông Cửu Long... Con người ở dọc theo dòng sông từ ngàn xưa đã anh dũng chống ngoại xâm, cần cù lao động làm nên non nước hôm nay: “Con mới hiểu biển vì sao khát nước/ Triệu năm còn ừng ực uống dòng sông/ Vì sao Lạc Long Quân lấy sông Hồng làm đuốc/ Soi nước Văn Lang từng bước tiên rồng” (Sông Hồng). Viết về Thanh Hóa, nhà thơ cảm hứng từ trong lịch sử, các anh hùng dân tộc đã lãnh đạo nhân dân ta đứng lên chống giặc ngoại xâm và mở mang bờ cõi như Bà Triệu, Dương Diên Nghệ, Ngô Quyền, Lê Lợi, Nguyễn Hoàng... Nhà thơ khái quát hoá hình tượng đó bằng những dòng sông: “Một bên sông Trâu, một bên sông Ngựa/ Kéo tỉnh Thanh vào Thuận Hóa mở sơn hà”; “Sông linh hiển đất ngựa lồng, trâu húc/ Tổ quốc còn Thanh Hóa sợ gì đâu?” (Thanh Hóa). Trong tuyển tập, theo tôi bài thơ hay nhất là bài Sông Lam. Tác giả lấy con sông để nói về người dân xứ Nghệ nổi tiếng cần kiệm, bởi vùng đất đó vốn “khắc nghiệt về điều kiện tự nhiên, cằn cỗi về điều kiện thổ nhưỡng” nên con người càng phải chống chọi lại những gian khó để sinh tồn, do đó cũng tạo ra tính cách người xứ Nghệ: “Sông vắt kiệt lòng mình nuôi đất cát/ Thương đất nghèo sông xanh rớt mồng tơi/ Sông ẩn hồn trong vại cà, vại nhút/ Một củ khoai cũng lấp ló mây trời/ Con cò mặc áo tơi đi học/ Cá sông Lam còi cọc toát mồ hôi/ Gió hào kiệt thổi xơ Nghệ Tĩnh/ Cá gỗ nuôi lớn những thiên tài”. Những con người xứ Nghệ ham học, nên dân xứ Nghệ tài giỏi ở đủ mọi lĩnh vực, con đường học cũng là con đường để họ thoát cảnh bần hàn: “Đến cỏ dại cũng mọc thành chữ nghĩa/ Đồ nghệ sông Lam dạy biển cả học bài”. Người xứ Nghệ rất anh dũng trong chiến tranh bảo về Tổ quốc: “Để rú Quyết lặng thầm đi cứu nước/ Sông veo veo trời đất thoắt sen vàng/ Sông Lam ăn cát mà xanh, uống trời mà mát/ Trăng cháy hết lòng sâu quyết liệt cả cơ hàn”. Thật hào sảng, thật sâu sắc!
Một dải đất miền Trung làm nên “Đất nước hình tia chớp”. Mảnh đất “Mang hình dáng em”. Nhà thơ khái quát về miền Trung: “Những dòng sông nhất định về ngang/ Để lịch sử chảy về chiều dọc”. Miền Trung có sông Mã, sông Chu, sông Lam, sông Nhật Lệ, sông Gianh, sông Hương, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Côn, sông Đà Rằng... rất nên thơ lại hàm nghĩa văn hóa ngàn năm của dân tộc: “Những dòng sông miền Trung/ Như những thắt lưng đất nước/ Thắt lưng đất nước cho chặt/ Mà đi xuống biển/ Mà đi lên rừng”.
Những dòng sông Nam bộ lại là những ẩn dụ khác về người dân dọc con sông Cửu Long “Nông dân Nam bộ gối đất nằm sương/ Mồ hôi vã bãi lầy1 thành đồng lúa” (Cửu Long giang ta ơi - Nguyên Hồng). Trần Mạnh Hảo cũng cảm xúc về con sông Cửu Long này: “Những dòng sông làm nên làng nên xóm”. Những dòng sông chở nặng phù sa bồi đắp nên đồng bằng rộng lớn, vựa lúa của cả nước được tác giả ví như người khỏe mạnh: “Những dòng sông như những người chạy bộ/ Cứ đuổi theo bóng dáng chân trời/ Sông khỏe quá chạy hoài thành châu thổ/ Chạy qua rồi sông để lại lúa khoai”. Dòng sông cũng như tính cách con người Nam bộ, phóng khoáng, thích tự do, không muốn làm phiền người khác “Những dòng sông mang buồn vui sướng khổ/ Một đời sông không phiền lụy đê điều”. Tác giả trải hết lòng mình với dòng sông êm đềm này đến trọn đời: “Anh mới sống được một phần thương nhớ/ Bởi dòng sông cứ đến chảy qua nhà”.
Tây Bắc có hoa ban được ẩn dụ như người con gái Thái, như hình tượng Tây Bắc hùng vĩ: “Anh từng ước cùng hoa ban tắm suối/ Trời hở hang mây trắng khỏa lưng trần”. Nhà thơ ước thôi, để có lý do tưởng tượng trời đất, thiên nhiên cũng giao tình, lôi cuốn: “Hôn nước suối nõn nà hương con gái/ Cả núi rừng xao động ngoái thèm hoa/ Xin ôm xiết trọn linh hồn xứ Thái/ Inh lả ơi lồng lộng một đôi tòa”. Lồng lộng như một tòa thiên nhiên Thúy Kiều của Nguyễn Du tắm, nhưng trong thơ Trần Mạnh Hảo không phải người con gái tắm mà thiên nhiên, sông suối, văn hóa xứ Thái tắm: “Em cỡi hết mây trời trăng nõn tuyết/ Hoa ban còn trinh tiết mãi ngàn năm/ Yêu dấu hỡi xin suối nguồn tâm huyết/ Giữ dùm anh trăng khuyết nở nang rằm”. (Hoa ban em ơi). Quả là nhà thơ say mê Tây Bắc đến mụ mị, đến “băng hoại cả đời”.
Một bài thơ hay ít nhất phải có từ đôi ba câu thơ hay. Chính những câu thơ hay làm sáng cả bài thơ. Thậm chí trong câu thơ hay lại có một hai từ cực hay. Bài thơ Cửu Long Giang ta ơi của Nguyên Hồng thỉnh thoảng có vài câu thơ hay, trong nhưng câu thơ đó có vài từ “đinh”: “Ngẫm nghĩ voi đi/ Thác Khôn cười trắng xóa”; “Suối mát dội trong rừng dừa trĩu quả”. Trong tuyển tập thơ Trần Mạnh Hảo, bài Sông Lam và bài Hoa ban em ơi, dày đặc nhưng câu thơ hay: “Khoai lang gàn, luống dọc thích bò ngang”; “Người giàu có nên đất nghèo khô khát/ Kìa gió Lào thổi cong sông Lam” (Sông Lam). Có thể lẩy ra trong tập trùng trùng điệp điệp câu thơ hay: “Những vạt lục bình hoa vừa đi vừa nở/ Để đôi bờ sót lại những bài ca” (Những dòng sông Nam bộ); “Hồn ta làm cá cho trăng lưới/ Nghìn năm ta chết đuối giữa trời” (Lý Bạch, thơ hay có thể bị vua bắt); “Hoa ban nở thành người con gái Thái/ Đám mây bay trong thau nước gội đầu”; “Nơi con thác giữ nụ cười em lại/ Tiếng Thái thương như cầm được giữa tay mình” (Gửi Lai Châu); “Cái duyên là cái vô tình/ Ai mà cố ý không thành được duyên”; “Bánh dầy trắng bánh chưng xanh/ Đất trời kia cũng sinh thành bởi ta” (Đất nước hình tia chớp); “Sông Hồng lụt cả ca dao/ Con cò bị bão giạt vào lời ru” (Sông Hồng)...
Trần Mạnh Hảo nói nhiều về lịch sử, về các nhân vật lịch sử, các văn nghệ sỹ trong và ngoài nước... cũng chỉ mượn hình tượng người xưa để nói nay, để triết lý về vấn đề nào đó tùy thuộc vào thi hứng. Anh từng định nghĩa về thơ: “Thơ chính là tuổi thơ của loài người còn sót lại”, bởi thế thơ phải hồn nhiên, không cố ý, như là cái duyên của người con gái. “Cái duyên là cái vô tình”. Thơ không phải là triết học, thơ chỉ phảng phất màu sắc, hương vị của triết học, của tâm linh. Nó vừa hư vừa thực. Trong những câu thơ hay nó nửa hư nửa thực của anh: “Nắng trộn vào mưa, mưa trộn nắng/ Trời đất mà như tóc muối tiêu/ Ngày trộn vào đêm/ Năm trộn tháng/ Anh trộn vào em hết mọi điều”. Thơ anh có nhiều câu khái quát một cách không khái quát. Những bài thơ tứ tuyệt của anh thường dồn nén, có tính khái quát rất cao, đặc biệt là ở câu kết: “Tỉa mấy cành khô toan chụm lửa/ Vài hôm chồi rỉ giọt đào hoa/ Mùa xuân đâu phụ lòng cây củi/ Cành đứt lìa thân nụ mới òa” (Củi và hoa).
Trần Mạnh Hảo vẫn trung thành với thơ truyền thống. Trong tuyển tập thơ ta gặp nhiều bài thơ lục bát, thơ tứ tuyệt, nhưng anh cũng có cả thơ không vần. Thật ra thơ không vần không mới. Từ Văn Cao, Thanh Tâm Tuyền, Trần Mai Ninh... thời chống Pháp đã làm thơ không vần. Trần Mạnh Hảo tâm sự, anh chịu ảnh hưởng của thơ Chế Lan Viên ở thơ tứ tuyệt. Không có Chế Lan Viên không có Trần Mạnh Hảo. Nhưng với Trần Mai Ninh lại là thần tượng thơ không vần của Trần Mạnh Hảo, mặc dù Trần Mai Ninh chỉ có ba bài thơ không vần, nhưng đó là ba bài tuyệt tác. Ta gặp các bài thơ không vần của Trần Mạnh Hảo trong tuyển tập như: Thanh Tùng - người ăn hải cảng; Nghe nàng Vọng Phu Solveig hát; Bài ca vỏ ốc... Trần Mạnh Hảo có đến chục bài thơ không vần.
Trung thành với thơ truyền thống, với tiêu chí thơ để hiểu, Trần Mạnh Hảo đã để lại một tuyển tập thơ nhiều tìm tòi đổi mới về thi pháp, có tính khái quát mang hương sắc triết học mà vẫn hồn nhiên như tuổi thơ còn sót lại.
______
1. Có bản viết “bãi lau”
Nguồn Văn nghệ số 39/2022