Nhà văn Võ Bá Cường gọi điện thoại nói ông đang đi điền dã sưu tầm tư liệu lịch sử để viết về thi hào Nguyễn Du, giọng sôi nổi sảng khoái về hình ảnh Nguyễn Du “từng chao chân trên dòng Bạch Lãng” đặt nó trong nhời ăn tiếng nói của những cô thôn nữ con nhà trâm anh thế phiệt làng Chiềng Hới - Thái Bình mấy trăm năm trước mà so sánh với ngôn ngữ truyện Kiều chân thực chuẩn Việt mà trang nhã ý vị.
Phải chăng, ấy là những nhời của Đoàn Nguyễn Thị Huệ và các bạn gái của cô, đã “phổ” vào hồn cậu Chiêu Bảy nho sinh thông qua mối nhân duyên đẹp tình đẹp nghĩa trong những ngày lánh hiểm họa binh đao tranh bá đồ vương chốn kinh thành?
Nhà văn Võ Bá Cường phát biểu tại lễ giới thiệu tiểu thuyết Còn có ai người khóc Tố Như |
Vậy rồi, vượt trước nhời hẹn đến mấy tháng, ông đã gửi bản thảo Còn có ai người khóc Tố Như cho tôi trước khi Nhâm Dần đi những bước tất niên. Tôi đọc mê mải, một mạch như thể bị lối văn dạt dào cảm xúc cuốn phăng đi. Dòng văn Còn có ai người khóc Tố Như, như sóng Bạch Lãng cuồn cuộn sôi reo khiến tôi cảm nhận, yêu mê (truyện) Kiều mấy ai vượt qua Chu Mạnh Trinh; còn yêu mê Nguyễn Du thì khó ai bằng nổi Võ Bá Cường. Mà chả riêng gì Nguyễn Du, cây bút này mỗi lần nhắc đến người xưa, những Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ (quê bà cũng ở gần Chiềng Hới) những Đoàn Nguyễn Thục (cha của) Đoàn Nguyễn Tuấn… đều bằng câu văn lễ phép kính trọng. Ngay đến ông lão lái đò bến sông Bạch Lãng hay bà bán nước vối trầu vỏ ở đầu làng cũng được tác giả khiêm cung đặt trên một bậc.
…
Một phép bút cũng lạ, vừa kể vừa dựng. Lời dẫn chuyện tràn cả vào nhời thoại, chúng từ phân biệt kẻ nói người nghe mà đi đến chỗ tràn lan ra vô bờ như nước lũ. Phép bút chả giống ai này bất ngờ đưa đến một hiệu quả nghệ thuật: Nhân vật từ rõ rệt nhòe dần rồi lẫn vào không gian văn hóa cổ xưa hoặc thanh bình hoặc u tối xác xơ; rồi lại từ nhòe mờ mà hiện dần sau màn sương tan gợi nhớ một câu Kiều: Trông ra nào thấy đâu nào/ Hương thừa dường vẫn ra vào đâu đây. Phép bút này tạo được khí vị của thời nhân vật sống lại còn gần với hiện thực hơn cả: Bạn và tôi, chúng ta hình dung Nguyễn Du mỗi người một kiểu, không ai giống ai vì di ảnh di thần của cụ đều không có. Để dựng chân dung nhân vật Nguyễn Du, phép bút mờ nhòe là khả tín chăng?
Phép bút mờ nhòe còn giúp giải quyết những vấn đề tồn nghi về một tiểu sử danh nhân. Gia phả Nguyễn tộc Tiên Điền còn ghi, sau khi Nguyễn Khản gặp nạn, Nguyễn Du theo người anh kết nghĩa Cai Gia từng theo làm tùy viên anh cả của mình, gọi là Nguyễn Đại Lang [ông này hơn tuổi Nguyễn Khản] sang lánh nạn bên Trung Quốc. Đấy là ba năm (?) Nguyễn Du tha hương trong cơ hàn, đi dọc ngang hầu khắp Trung Hoa, từ Liễu Châu qua Quảng Tây đi đường Trường Sa đến Hán Dương, qua sông Giang Hán đi Trường An và sau đó xuống Hàng Châu, “Giang Nam, Giang Bắc túi tiền không”, có lúc đã lên tận Yên Kinh. Tại Hàng Châu, Nguyễn Du ngụ tại chùa Hổ Bào nơi nhân vật lịch sử Từ Hải, tức Minh Sơn Hòa thượng, từng tu hành. Nguyễn Du đọc Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân tại đây và nảy sinh ý định viết Đoạn trường tân thanh; nhưng viết nó vào thời điểm nào, khi lánh nạn ở Chiềng Hới hay lúc đã ra làm quan ở Phú Xuân thì vẫn đang bàn chưa ngã ngũ. Còn nữa, Gia phả ghi ở Hàng Châu Nguyễn Du gặp Đoàn Nguyễn Tuấn trong sứ đoàn Tây Sơn trên đường đi Nhiệt Hà, nói là “gặp anh vợ”, đến năm 27 tuổi (1793) Nguyễn Du lại vào Phú Xuân thăm anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn lần nữa, gia phả ghi vậy, nhưng Du - Huệ bấy giờ còn là vị hôn thê hay đã thành gia thất? Nếu hồi gặp nhau ở Hàng Châu còn là vị hôn thê, thì lần sau hẳn đã thành chồng vợ. Tuấn còn mẹ già, khi gả chồng cho em, Tuấn không thể không có mặt lúc hai em bái đường, lạy mẫu thân, lạy huynh thế phụ. Vậy thì Nguyễn Du vào Phú Xuân gặp anh vợ là khi đã cưới gả; gặp để bàn việc nhà, việc quan, việc nước.
Phép bút mờ nhòe giúp giải quyết trơn tru mọi tồn nghi và thời gian nghệ thuật. Ở, hôn nhân của Du – Huệ bắt đầu bằng tình yêu đôi lứa, khi Nguyễn Du đã ba mươi tuổi với mái đầu bạc sớm nổi tiếng. Chàng Nguyễn cũng dọc ngang đi khắp trấn Sơn Nam Hạ mà phần lớn thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay, viếng đền thờ Triệu Đà ở Kiến Xương, viếng Nguyễn Thị Lộ ở cố hương bà là làng Tân Lễ, gặp linh thần Nguyễn Trãi trong giấc mơ tại đấy cùng đàm đạo văn chương, đạo lý và lẽ hưng vong xã tắc thời hôn quân nịnh quan… Một cuộc điền dã là điểm nhìn nghệ thuật của tiểu thuyết mờ chồng lên cuộc điền dã của người xưa – nhân vật. Như là cách gợi để liên tưởng, đến đền Triệu Đà thì không thể không nghĩ đến Cù Thái hậu câu kết với người tình cũ là An Quốc Thiếu Quý để soán ngôi, phụ thuộc Hán để vinh thân phì gia; cũng như đến đền thờ Nguyễn Thị Lộ không thể không nhớ đến Thái hậu Nguyễn Thị Anh cùng bè lũ bỏ đích lập thứ gây náo loạn hậu cung và vụ Lệ Chi Viên án ngờ dậy đất và câu Kiều Đàn bà dễ có mấy tay/ Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan tự nhiên có một xuất xứ; triết luận tài mệnh tương đố của Truyện Kiều tự nhiên có xuất xứ. Vậy là, kết quả biện minh cho phương tiện, Võ Bá Cường không dựng nhân vật Nguyễn Du thân xác mà ông mô tả tư tưởng (tâm hồn), quá trình nảy sinh ý tưởng, hun đúc thành triết luận, gói triết luận nhân sinh vào trong lời, cảnh, tâm trạng đến không thể chính xác hơn. Xin hãy đọc một câu Kiều:
Xưa nay trong đạo đàn bà
Lời rằng bạc mệnh ấy là lời
chung
Câu thơ gợi một xuất xứ qua nàng Phùng Tiểu Thanh (đời Minh) mà Nguyễn Du tự vận vào mình:
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư (1)
Nhưng một nàng Tiểu Thanh không thể là “lời chung” về đàn bà bạc mệnh. Qua Còn có ai người khóc Tố Như, qua cái chết trẻ của người vợ tài tình nết na hiền thục Đoàn Nguyễn Thị Huệ - cái chết trẻ của người từng đầu gối tay ấp rồi Hóa công cướp nàng của chàng, đẩy chàng vào cảnh cơ hàn bơ vơ nơi đất khách mới vò xé tâm can chàng đến độ tiếng vang của vò xé còn làm đau câu thơ.
Xin lại đọc một câu Kiều nữa:
Nhời quê chắp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài
trống canh
Nhiều người đã nói về đức khiêm cung của một tác giả lớn, ở đây xin không bàn nữa. Nhưng với tác giả Còn có ai người khóc Tố Như, “nhời quê” là theo nghĩa đen. Có điều, đây là một “nhời quê” đã chưng cất qua những thôn nữ, nho sinh – những tiểu quý tộc nông thôn xung quanh “điểm hẹn văn hóa” là Phong Nguyệt Sào (Tổ gió trăng) – nơi Đoàn Nguyễn Tuấn lập nên để văn nhân quanh miền Sơn Nam Thượng Hạ tụ tập bình văn thưởng thơ. Các văn nhân cùng với dân chúng, đời đời nối nhau xây đắp tiếng Việt trở thành nền tảng văn hóa mà những Nguyễn Thị Lộ, Đoàn Nguyễn Thị Huệ, cô Tám, cụ lang Tâm, bà bán trầu vỏ nước vối, cô Thương, ông lái đò bên bến Bạch Lãng… là những hiện thân thấp thoáng trong Kiều:
- Một vùng cỏ áy bóng tà
Gió hiu hiu thổi một và bông lau
- Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh
buồm xa xa
Dư địa chí Thái Bình chỉ ra rằng, vào thời Nguyễn Du ăn nhờ ở đậu nhà vợ, cửa biển còn giáp Quỳnh Côi. Còn người Thái Bình đến nay vẫn gọi cỏ áy là cỏ áy, gọi buổi chiều là hôm. (Ca dao Thái Bình: Còn duyên đầu ấp tay ôm/ Hết phận đi sớm về hôm mặc người) Giai thoại về Nguyễn Du có bài ỡm ờ:
Ai ơi chèo chống tôi sang
Kẻo mà trưa trặt lỡ làng tôi ra (có dị bản: trưa trật)
Có người bảo cô lái đò ấy đưa cậu Chiêu Bẩy qua sông Nhị đi học, nhưng người Thăng Long và phụ cận không nói “trưa trặt/ trưa trật”, mà nói “quá trưa, xế trưa”; lại có người bảo đấy là cô gái sông Lam chở Nguyễn đi hát phường vải. Tôi ngờ rằng “trưa trật” – đúng là tiếng Hà Tĩnh chỉ thời điểm quá trưa thì lúc ấy không ai đi hát phường vải (thường hát về đêm). Vậy thì cô lái đò ấy ở bến sông Tè (Thái Bình) như giai thoại địa phương mà Võ Bá Cường viết ở đây xem ra có lý. Dân quê Thái Bình đến nay vẫn nói “trưa trặt” – nghe vừa có nghĩa quá trưa, vừa gợi sự trớ trêu, lo lắng.
Vâng, đấy là “nhời quê” mà Võ Bá Cường dành hẳn một cuốn sách để thành kính mô tả. Tôi có cảm giác ông đã dò dẫm theo từng bước chân phong trần mà Nguyễn Du từng bôn tẩu, lánh họa và luân lạc như người đi tìm bóng dáng một tư tưởng trác việt đệ nhất vào thời của mình, một khí chất thi sĩ lớn, một nhân cách bậc thầy trong nghệ thuật ngôn từ...
______
1. Tạm dịch: Mối hận cổ kim thật khó mà hỏi ông trời/ Ta tự coi như người cùng hội với nàng là kẻ vì phong nhã mà mắc phải nỗi oan lạ lùng.
Văn Chinh
Nguồn Văn nghệ số 39/2023