Sự kiện & Bình luận

"Khóa tu mùa hè" và những băn khoăn cần có lời giải đáp

Văn Xương
Tiếng nói nhà văn
08:00 | 09/07/2024
Tổ chức cho trẻ em học tập, rèn luyện ngoại khóa trong môi trường nhà chùa là việc làm thiện chí đáp ứng nhu cầu xã hội. Đó là những “khóa tu mùa hè”.
aa

Các “khóa tu” mùa hè này thường được tổ chức trong khoảng 1 tuần đến 2 tuần. Đây là hoạt động tôn giáo truyền thống, được tổ chức để các cháu tuổi nhi đồng và thiếu niên trải nghiệm và học hỏi giáo lý nhà Phật; góp phần tu dưỡng tâm hồn, bồi dưỡng trí tuệ và rèn luyện kỹ năng sống cho thế hệ trẻ.

Băn khoăn với những  khóa tu mùa hè
" Khóa tu mùa hè" Ảnh mang tính chất minh họa

Từ xa xưa, ở nước ta đã có hình thức “lớp học nhà chùa” dành cho mọi lứa tuổi, kể cả các gia đình Phật tử lẫn mọi người dân bình thường hướng thiện theo tinh thần đạo Phật. Đặc biệt hiện nay, trong điều kiện kinh tế phát triển, cơ sở vật chất của các nhà chùa được cải thiện, nhu cầu giáo dục kết hợp với quản lý con cháu của các gia đình tăng lên... thì các “khóa tu mùa hè” càng có cơ hội và động lực để phát triển. Thực tế cho thấy đa số các bậc phụ huynh đã rất hài lòng khi con cháu của họ sau các khóa học này đã có những chuyển biến tích cực, tỏ ra ngoan hiền hơn. Đồng thời, các cháu còn được rèn luyện kỹ năng sống và kỹ năng giao tiếp; tự lập được nhiều công việc trong sinh hoạt, học tập và vui chơi giải trí... Mặt khác, đây cũng là một giải pháp giúp các gia đình quản lý con cháu tốt hơn trong dịp hè; giúp các cháu phần nào tránh được những tiêu cực xã hội trong cơ chế thị trường và mạng xã hội thời “thế giới phẳng”...

Tuy nhiên thời gian gần đây, sự lạm dụng và thái quá của hình thức “tu tập” này đã bộc lộ nhiều bất cập, thậm chí là tiêu cực. Dư luận xã hội cũng như trên các phương tiện truyền thông đã đề cập khá nhiều về vấn đề trên đây. Báo Sức khỏe và Đời sống số ra ngày 19-6-2024 đã có bài nêu lên một số hiện tượng đáng lo ngại tại một số “khóa tu mùa hè” trên địa bàn ngoại thành Hà Nội, như: Có người bị chiếm đoạt gần 3 tỉ đồng liên quan đến “khóa tu mùa hè”, hiện đang được cơ quan điều tra thụ lý; hoặc như việc có bà mẹ đã phát hiện những “trải nghiệm kinh hoàng” sau khóa tu mùa hè của con trai v.v...

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Trọng Văn kể: Một lần ông tình cờ có mặt trong buổi thuyết giảng của “khóa tu mùa hè” tại một ngôi chùa thuộc tỉnh VP. Trong một phòng học khá lớn, có rất đông các cháu thiếu niên ngồi chăm chú nghe một vị sư thuyết pháp như là một cách “truyền đạo” và khuyến khích các cháu theo đạo Phật, chứ không phải hướng dẫn các cháu những điều hay lẽ phải thực hành trong cuộc sống bình thường. Trên trang cá nhân của nhà văn Nguyễn Quang Vinh cũng cho biết: Ông đã ngồi nghe thuyết giảng gần một buổi tại một “khóa tu mùa hè” của trẻ em và nhận ra sự vô bổ, cả ý đồ dụ dỗ các cháu bằng những cách thức kích hoạt cái gọi là “sám hối” cho con trẻ, kích thích sự sùng bái đối với các thầy trụ trì nhà chùa; chăm chăm vào những câu chuyện dẫn dụ, lôi kéo các cháu phải ngoan ngoãn vâng theo lời thầy tu và thành tâm “hướng về nhà chùa” v.v...

Đặc biệt khoảng dăm năm gần đây, tại một ngôi chùa mới xây dựng khá hoành tráng ở vùng Đông Bắc, đã tổ chức các “khóa tu mùa hè” với quy mô hàng nghìn trẻ em thuộc nhiều tỉnh và thành phố tham gia. Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền một số video-clip ghi lại một số buổi thuyết giảng nhảm nhí, hoang đường, phản cảm, phản giáo dục... của nhà sư trụ trì ngôi chùa này trong các “khóa tu mùa hè”. Trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, tổ chức giáo hội và chính quyền địa phương đã vào cuộc điều tra xác minh và công bố với báo chí đó là những cảnh quay từ các “khóa tu mùa hè” năm 2018 tại ngôi chùa này. Mặc dù nhà chùa đã được “minh oan” là những video-clip ấy không phải quay năm 2024, nhưng dư luận vẫn băn khoăn là liệu những bài thuyết giảng ấy có được thực hiện trong các “khóa tu mùa hè” sau năm 2018 và trước năm 2024 hay không.

Sau cuộc kiểm tra xác minh vừa nêu, nhà chùa trên đây đột ngột ra thông báo “tạm hoãn tổ chức các khóa tu mùa hè mà phụ huynh và khoá sinh đã đăng ký” và khuyến cáo: Trong thời gian chưa có thông báo mới về các “khóa tu mùa hè” năm 2024, phụ huynh và khoá sinh có thể tham gia các khóa tu thường kỳ của nhà chùa... Dư luận lại tiếp tục băn khoăn: Vậy các “khóa tu thường kỳ của nhà chùa” liệu có lặp lại những bài thuyết giảng sai trái như trong “khóa tu mùa hè” năm 2018 hay không? Những băn khoăn lo lắng này là có cơ sở vì vị sư trụ trì chùa này từng có những lời nói và việc làm trái với đạo lý nhà Phật, đã nhiều lần bị Giáo hội Phật giáo địa phương và Trung ương áp dụng các hình thức kỷ luật vào các năm 2018, 2019 và đầu năm 2024...

Tổ chức cho trẻ em học tập, rèn luyện ngoại khóa trong môi trường nhà chùa là việc làm thiện chí đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy nhiên trước những biểu hiện đáng tiếc đây đó hiện nay, hình thức này cần được chính quy hóa từ cách thức tổ chức đến nội dung hoạt động. Nên chăng cần có những quy định chặt chẽ, cụ thể, vừa mang tính pháp lý, vừa phù hợp với chủ trương tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta. Theo đó, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các ngành chức năng như: Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo... cần phối hợp xây dựng những quy định và tài liệu cho việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa dành cho lứa tuổi học sinh tại các nhà chùa. Trong đó, 2 vấn đề quan trọng nhất là điều kiện, môi trường học tập phải đảm bảo vệ sinh, an toàn, sức khỏe... cho các cháu và nội dung học tập phải phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức, văn hóa truyền thống và yêu cầu phát triển toàn diện của con người Việt Nam trong thời đại mới. Đồng thời cần hết sức tránh thương mại hóa hình thức học tập rèn luyện này của trẻ em và tránh tình trạng áp đặt đức tin tôn giáo cho các cháu.

Trong lúc kỳ vọng vào một giải pháp đồng bộ, thống nhất, chính quy như trên, trước mắt các bậc phụ huynh cần tỉnh táo và linh hoạt nhận diện những khóa học với các chương trình “tu tập” có chất lượng. Tốt nhất là nên lựa chọn các khóa học kỹ năng hay chương trình giáo dục do những đơn vị có tư cách pháp nhân tổ chức. Đó có thể là những tổ chức giáo dục đã hoạt động lâu dài có uy tín ở Việt Nam; hoặc là những “học kỳ quân đội” hay “học kỳ công an” do các cơ quan và đơn vị lực lượng vũ trang tổ chức có uy tín; hoặc là những trại hè trong và ngoài nước do các ngành chức năng và các đoàn thể xã hội tổ chức... Một điều hết sức lưu ý nữa là các bậc phụ huynh không nên lấy nhu cầu và tâm lý tôn giáo của mình để áp đặt, buộc con trẻ cũng cần phải “tu hành, hồi hướng” như người lớn. Mục đích cao nhất của mọi hình thức giáo dục và rèn luyện cho con cháu chúng ta là nhằm xây dựng, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ tinh thần hướng thiện, đạo làm người và tình yêu thương con người, quê hương, đất nước... Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang rất cần những thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tràn trề sức sống. Đó là những con người khỏe khoắn cả về thể chất và tinh thần, biết hướng đến các giá trị hiện đại, văn minh và tiến bộ.

Báo Văn nghệ số 27/2024

Chương trình nghệ thuật “Fantasy mùa Hè” Mùa hè không phải... “mùa hè” “Mùa hè - Trải nghiệm và khám phá”
Ngục chữ - Thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Ngục chữ - Thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Baovannghe.vn- Khuôn sáo cứng đơ giết mòn ngữ nghĩa/ Muốn tự do tông tột đến sứt sờn
Một thế giới khác - Truyện ngắn dự thi của Vũ Thị Huyền Trang

Một thế giới khác - Truyện ngắn dự thi của Vũ Thị Huyền Trang

Baovannghe.vn - Có hôm đang đi Nhã dừng xe ngồi lại trên ghế đá công viên nhìn dòng người qua lại. Nhã tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng xe cộ ầm ĩ nữa. Nhã đã rơi tõm vào một thế giới khác. Thế giới của hồi tưởng và ký ức. Nó hoàn toàn khác với những ngày Nhã thấy mình sắp phát điên. Triệu chứng sợ ánh sáng và tiếng ồn lúc nhỏ lại trở về...
Về miền ánh sáng - Truyện ngắn của Phạm Đức Hùng

Về miền ánh sáng - Truyện ngắn của Phạm Đức Hùng

Baovannghe.vn - Một buổi chiều Hậu ngồi tết tóc cho bé Duyên ở sân chùa thì cô bảo bé hát. Bé Duyên đứng lên, cất tiếng hát trong trẻo, cao vút khiến Hậu hết sức bất ngờ. Sự vô tư lự của bé khi giơ hai cẳng tay không có bàn tay lên cao đu đưa người theo nhịp điệu bài hát đã tiếp thêm nghị lực sống và khát vọng sống cho Hậu. Tự dưng cô khao khát có con, khao khát sống...
Xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa: Thành tựu của đổi mới toàn diện giáo dục

Xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa: Thành tựu của đổi mới toàn diện giáo dục

Baovannghe.vn - Kết quả bước đầu trong thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế, là cơ sở để đạt được mục tiêu của đổi mới giáo dục.
Một thực hành di sản tại Nhật Bản

Một thực hành di sản tại Nhật Bản

Baovannghe.vn - Khi tới Bảo tàng Tokugawa từ ngày 22/10/2024 đến ngày 04/11/2024, khán giả có dịp chiêm ngưỡng bộ sưu tập của gia tộc Tokugawa về “Truyện Genji” cùng thế giới Miyabi (Nhã) đại diện cho văn hóa quý tộc Nhật Bản xưa.