Sáng tác

Vết sẹo. Truyện ngắn dự thi của Lê Vi Thủy

Lê Vi Thủy
Truyện
08:16 | 03/12/2024
Baovannghe.vn - Gió mưa lạt sạt bên ngoài cửa sổ, dai dẳng gần cả tuần. An cũng trốn mình trong nhà hơn tuần nay. Công việc cạo mủ gần như không thể tiếp tục được. Mỗi lần kéo cửa sổ nhìn ra ngoài, những dòng nước đỏ ngầu cứ cuộn tròn rồi chảy dài như những vết sẹo trên người An, bình thường chỉ khi trời trở lạnh những vết sẹo đó mới nhói, nhưng thật lạ, mưa cũng khiến những cái sẹo của An đau nhói.
aa

Từng giọt nước nhỏ xuống cái xô nước như những tiếng thở dài, lâu lâu lại “toong” một tiếng, rồi ngắt quãng rồi lại thở dài, đôi lúc thút thít, đôi lúc tỉ tê, càng về khuya tiếng vang của nước ngày càng rõ, tạo nên một âm thanh rờn rợn, khiến cho An chập chờn khó ngủ. An ghét tiếng nước rỉ đó kinh khủng. Mỗi đêm trước lúc đi ngủ, An đã vặn vòi rất chặt, lấy sợi dây dẫn nước xuống nền nhà nhưng tiếng nước như vẫn không thôi nhỏ giọt. An lấy mền trùm qua đầu, hai tay bịt lấy tai nhưng cũng không cản được âm thanh đó, dường như nó đã ăn vào trong tiềm thức của An. An không thể nào loại nó ra khỏi tâm trí mình được. Nó cứ ngoạm dần lấy An, từng chút từng chút một, đến khi rã rời, mệt lử. Trong cơn mơ chập chờn khuôn mặt Hiên lại đến, lúc cười, lúc khóc, bao lấy An rơi vỡ… An giật mình, nhìn đồng hồ, đã đến giờ đi làm.

Vết sẹo. Truyện ngắn dự thi của Lê Vi Thủy
Minh họa Đỗ Dũng

An ra khỏi nhà khi màn sương đã bắt đầu buông xuống, tay cầm cây dao cạo mủ và chiếc đèn pin đội trên đầu. Cái lạnh của đêm khuya phả vào khuôn mặt An, khiến cho những cơn mơ chập chờn trong đầu dường như tan biến, An ngửa cổ lên bầu trời đêm hít một hơi thật sâu, rồi lặng lẽ bước đi trong đêm tối trên đôi chân tập tễnh của mình. Xa xa vài ánh đèn pin cũng đang rọi tới, những con đường mòn được soi sáng bằng ánh trăng, điểm thêm những vệt sáng đèn pin, mấy gia đình có con nhỏ đưa con đi gửi sớm, một vài người nói chuyện, gọi với nhau í ới, ánh sáng đèn xuyên qua những hàng cây, cũng đủ biết đã tới giờ đi làm.

An làm việc ở đây được hơn một năm. Thời gian làm việc từ 2h sáng, kết thúc lúc 5h sáng, trong khoảng thời gian đợi cho mủ chảy hết trước khi thu gom, An di chuyển tới những cây tiếp theo để vệ sinh cho bát đựng mủ, không hiểu sao với đôi chân vậy mà có những đêm An vẫn đi được hàng mấy ki lô mét để làm vệ sinh cho bát đựng mủ của ngày hôm trước, sau khi vệ sinh chén bát xong thì quay về để trút mủ vào những chiếc thùng, và mọi người tập trung đổ mủ đến tầm 8h sáng là coi như hoàn thành một ngày làm việc.

Bây giờ An đã bắt đầu thạo hơn trong việc cầm dao, hồi mới vào làm, dù đã được đào tạo các kỹ năng của nghề, nhưng nhiều khi lo cạo mủ không chú ý vấp phải dao cạo cắt đứt tay là chuyện thường xuyên, cũng có lần lóng ngóng làm rớt dao, cúi xuống tìm con dao, không cẩn thận lại đá trúng thùng đựng mủ, khiến mủ đổ hết, sáng hôm sau phải đi mót lại, nhớ lần ấy An bị chị Hoa nhắc nhở, và An ghi nhớ cho những lần sau cố gắng không bị lặp lại những lỗi sai cơ bản ấy nữa.

Gió mưa lạt sạt bên ngoài cửa sổ, dai dẳng gần cả tuần. An cũng trốn mình trong nhà hơn tuần nay. Công việc cạo mủ gần như không thể tiếp tục được. Mỗi lần kéo cửa sổ nhìn ra ngoài, những dòng nước đỏ ngầu cứ cuộn tròn rồi chảy dài như những vết sẹo trên người An, bình thường chỉ khi trời trở lạnh những vết sẹo đó mới nhói, nhưng thật lạ, mưa cũng khiến những cái sẹo của An đau nhói. An kéo cánh tay lên nhìn cái sẹo dài bên khuỷu tay phải, đây là vết sẹo đầu tiên của An, có lẽ vết sẹo này cũng là cánh cửa để mở ra cho những vết sẹo khác đi tới. Mười bảy tuổi, học lớp 11, An chỉ là một cậu bé, cao gầy lỏng khỏng, ngoài đi học thì chỉ biết về nhà. Một lần tình cờ đi theo Tuân - cậu bạn cùng khối, bị kéo vào cuộc ẩu đả đánh nhau giữa nhóm của Tuân và nhóm thằng Hướng ở trường khác, trong một hẻm cụt gần chợ đêm. Lần đầu chứng kiến đánh nhau, An ngơ ngác đến hoảng hốt khi hai bên lao vào nhau hỗn chiến bằng tay không, sau đó vơ được cái gì là phang cái đó. An lớ ngớ đứng ngoài nhưng vẫn bị đánh, để tự vệ An cũng bắt đầu đánh lại. Nhóm của An khỏe hơn, đánh cho nhóm thằng Hướng nhừ tử. Nhìn nhóm thằng Hướng đứa bỏ chạy, đứa thất thểu đi, thằng Tuân sướng lắm. Trên đường đi về sau chiến thắng, thì nhóm của Tuân bị một vài người trong nhóm thằng Hướng cay cú quay lại với cái mã tấu dài trên tay, lao vào nhóm chém bất chấp. Cái mã tấu sượt qua đầu An, An né được nhát thứ nhất nhưng nhát thứ hai An không may mắn như vậy, khi giơ tay đỡ, lưỡi mã tấu phát ngang tay An, vết chém khá sâu, làm An mất thăng bằng ngã tại chỗ, người chém là ai chính thằng Tuân cũng không biết. Người An máu me bê bết nằm trong bệnh viện, má nhìn An rồi ngã khuỵu. An nghĩ đó chỉ là lần duy nhất An làm cho má đau lòng nhưng không, đó mới là bắt đầu những chuỗi ngày chênh vênh của An.

Má hay nói với An, đàn ông đàn ang gì mà mi mắt dài, mau nước mắt, đời truân chuyên khổ lắm con à! An cãi má, truân chuyên chỉ dành cho phụ nữ, chứ đàn ông ai lại dùng từ đó. Miệng thì cãi vậy chứ An cũng chú ý đến lời má nói. Đôi lần An lấy kéo cắt trụi lông mi, nhưng càng cắt nó càng dài và cong vút lên như người ta chuốt macara, khiến ai nhìn cũng phải xuýt xoa. An có đôi mắt to nâu đen, mi dài, khuôn mặt thanh tú, cánh mũi cao và làn da trắng, vẻ đẹp của một thiên sứ.

Trong tiếng chớp lạch của đêm, cơn mưa không dứt mà nặng hạt hơn, tất cả đổ xuống như ngàn mũi tên nhọn lao thẳng xuống mái tôn, như muốn cuốn trôi những gì nó xối qua. Tiếng hét giữa dãy trọ vắng người, hai tay An nắm chặt lấy cổ của Hiên mà lắc “Nó là thằng nào?” Đôi mắt của An càng trở nên dữ tợn hơn trong cơn say ghen tình. Tiếng Hiên nhỏ dần, rồi như hòa tan cùng với tiếng mưa, chỉ còn lại tiếng thét của An, cùng tiếng sét đang đấm đì đùng, phát từng con chớp lạch sáng trưng cả khu phố.

Hiên nằm mềm oặt dưới nền đất, đầu ngoẹo qua một bên, đôi mắt mở nhìn người đối diện. Như tỉnh lại, An bất giác bung tay, lùi lại phía sau, hai tay ôm lấy đầu, nhìn Hiên. An lại vùng dậy ôm lấy Hiên lay mạnh, nhưng cơ thể Hiên cứ lay phía nào thì người Hiên ngã qua phía đó. An gọi Hiên trong hoảng hốt, nhưng chỉ có tiếng mưa đáp lại, Hiên im lặng nằm đó, kể cả hơi thở yếu ớt cũng im lặng. An ôm lấy Hiên, vừa khóc vừa hoảng loạn chạy đi tìm xe giữa cơn mưa nặng hạt.

Trong căn phòng xám, xung quanh là những cái bàn đá, lạnh toát, Hiên nằm dưới tấm chăn mỏng được phủ kín qua đầu. An nắm lấy tay Hiên, bàn tay lạnh ngắt, cứng đờ, chẳng thể cầm nắm được nữa. Những hình ảnh về Hiên lướt qua trong đầu như một đoạn phim được tua nhanh, rồi dừng lại ở nụ cười của Hiên, sự phản bội, hay sự hiểu lầm, An chưa kịp để Hiên giải thích, giờ cũng chẳng có cơ hội để Hiên giải thích nữa. An ngồi như thế nhìn Hiên, trong đầu rỗng tuếch. An bấm điện thoại theo số máy của gia đình Hiên, rồi đi về phía cơ quan công an.

Khi toà tuyên án An bị kết án mười hai năm tù về tội giết người. Đôi mắt của mẹ Hiên lướt qua khuôn mặt An, đôi mắt ấy thông thốc như An vừa bước qua căn nhà hoang, bên nào cũng là gió, nó vừa lồng lộng, vừa âm u, vừa như chơi vơi giữa không gian vô định. An cúi đầu đi thẳng không dám ngước mặt lên sợ chạm vào đôi mắt ấy, khi bàn tay người mẹ đang cố níu An lại với nhiều câu hỏi tại sao.

Hơn mười năm ở trong tù, ngoài má đến thăm An một vài lần, thì chẳng còn ai trong gia đình đến nữa. Mỗi lần gặp An, má chẳng nói gì nhiều, chỉ khóc. Nhìn những giọt nước mắt của má, mà An không khỏi ân hận cho phút nóng giận của mình. Ngày đứng trước tòa, ba nhìn An, ánh mắt thất vọng, cùng quẫn, bất lực. An không dám nhìn về phía ba má, An biết mình là niềm kỳ vọng của ba, cả cuộc đời ông luôn dành những điều tốt đẹp nhất đến cho đứa con trai duy nhất của mình. Nhưng càng ngày nỗi thất vọng về An một lớn hơn, khi An đem quá nhiều nỗi buồn về cho ông. Ông càng tha thứ và cho cơ hội, An lại càng lỗi lầm, dù biết mình đi sai nhưng An chẳng thể chỉnh được con đường đi sao cho đúng. Tốt nghiệp 12, An theo bạn bè lên thành phố học đại học, nhưng học tới năm thứ ba thì An bị buộc thôi học do nợ môn quá nhiều. An nói dối gia đình mình đã tốt nghiệp và kiếm được việc ở thành phố nên An ít về nhà. An xin học việc làm nghề rửa xe, Hiên làm tiếp viên cho quán nước bên cạnh, hai người gặp nhau, yêu nhau lúc nào không biết. Rồi quyết định dọn về sống chung khi cả hai vẫn còn quá trẻ để hiểu nhiều về cuộc sống sau này.

Cầm trên tay bộ quần áo phạm nhân, An cảm thấy cuộc đời như chấm dứt. Những ngày đầu trong trại tạm giam, An hoảng loạn, ngày nào cũng bị các đàn anh trong tù hành hạ. Khuôn mặt đẹp của An cũng là một nỗi khổ, khi An bị quấy nhiễu nhiều bởi những kẻ bệnh hoạn. Có những đêm, An bị ba bốn đứa đè ra sờ mó, giọc phá, mơn trớn trên cơ thể. Những cơn đau rát, sưng tấy mà An không dám nói cùng ai, cứ âm thầm chịu một mình. Cơn đau lên đỉnh điểm, An đã tự lấy cái muỗng ăn cơm cào nát mặt của mình, khuôn mặt bị mưng mủ biến dạng, sẹo dày dài trên khuôn mặt khiến má gặp An phút đầu bị sốc sau đó là những giọt nước mắt chẳng thể kiềm nén. Nhưng khuôn mặt đầy sẹo đó không làm cho An giảm đi sự đau đớn mà ngược lại, những kẻ bệnh hoạn kia mỗi lần thấy gương mặt của An, họ chợt nổi giận, lấy An làm nơi trút giận, An lại bị đánh đập nhiều hơn. Những vết sẹo lại nhiều hơn do những trận ẩu đả trong trại giam. Bao lần An đã cố vùng lên, nhưng càng vùng lên, An càng thê thảm hơn bởi những thế lực ngầm trong trại. Một lần tình cờ An đỡ cú đánh chí mạng vào sau gáy cho Dũng “quẹo” khi có xô xát giữa các băng nhóm với nhau, may cho An mạng lớn, số lớn nên mới giữ được tính mạng. Và từ đó An trở thành đàn em của Dũng “quẹo”, dưới sự bảo hộ của Dũng “quẹo”, một tay anh chị khét tiếng trong giới xã hội đen, không còn ai dám đụng đến An.

An ra tù. An về thăm nhà trước khi đi theo Dũng “quẹo”, người được ra tù cùng lúc với An, bởi An biết với cái lý lịch có một vết đen chẳng thể nào gột rửa được, sẽ không có nơi nào nhận An làm việc. Ba không còn nhận ra An bởi sau khi An đi tù, ba bị sốc, ông đã uống thuốc sâu tự tử vì không chịu nổi sự xấu hổ từ dư luận xã hội, bà con chòm xóm, may mắn ba được cứu kịp thời. Nhưng khi ông tỉnh lại, người nửa tỉnh, nửa mơ không được bình thường như trước nữa. Con dại cái mang, má giấu An tất cả, chỉ câm lặng một mình chịu đựng, chịu đựng cơn thịnh nộ thất thường của ba, chịu đựng sự dè bỉu của hàng xóm, chẳng ai dám nói trước mặt má nhưng mỗi lần má đi qua đều có sự xì xầm to nhỏ sau lưng, má biết nhưng má gạt bỏ hết, để mong An trở về nhà đoàn tụ.

Mấy ngày ở nhà, An đi tới đâu, bao nhiêu cặp mắt tò mò, xét nét, ghê sợ như đổ dồn vào An. Ở trong nhà, ba lúc cười, lúc khóc, má thì như cái bóng, như muốn tan vào cùng với đêm. An trốn mình trong căn phòng tối, chẳng muốn bước chân ra ngoài, bởi An không chấp nhận những gì đang diễn ra trước mắt. An lại bỏ nhà đi sớm hơn dự định.

An làm giám sát mạng lưới cho vay nặng lãi của Dũng “quẹo”. Cho vay tiền với lãi suất cao, đứng ra đòi nợ thuê, đánh nhau thuê. Những số tiền kiếm được quá dễ dàng, An coi tiền và mạng người như cỏ rác. Như sóng biển, lớp mới xô lớp cũ, An bị cuốn theo, cuốn theo mãi cuộc sống không biết lúc nào dừng lại, đôi tay của An nhúng chàm nhiều hơn, những đôi mắt van xin, những giọt nước mắt, không khiến cho An chùn tay. Lâu dần cảm xúc An chai lỳ, và An cũng có máu mặt hơn trong giới xã hội đen.

Từ ngày bỏ nhà đi, An vẫn gửi tiền đều đặn về, nhưng chưa một lần về nhà. Đôi lần An định về, nhưng nhớ đến ánh mắt của ba, sự cam chịu của má, sự soi mói của hàng xóm, An lại thôi.

Trong trận chiến thanh trừng nhau ở xóm Héo, bàn chân của An bị chặt đứt lìa, nằm lại nơi con xóm heo hút ấy. Máu đã đông cứng lại, khô queo, những mạch máu không thể nào gắn kết vào thân thể An được nữa. Bác sĩ trả lại cái bàn chân cho An. Nhìn một phần thân thể đứt lìa của mình, An có cảm giác rất lạ, vừa nuối tiếc, vừa xót xa, vừa uất hận, không thể nói thành lời. An tự tay chôn chính bàn chân của mình. Đụn đất nhỏ, được vun lên thành nấm mộ, bên cạnh là những cái mộ vô danh của trẻ con, An không biết có nên thắp nhang cho cái bàn chân xấu số của mình không. An ngồi hút thuốc bên cạnh nấm mộ đất mình mới đắp, điếu thuốc ánh lên đốm đỏ rực rồi chỉ còn lại tro tàn. Cuộc đời An, chẳng có phút nào rực đỏ, chỉ toàn là tro tàn đang cháy dần cơ thể An. Ngồi nhìn sợi khói xa xăm về phía bầu trời đang chuyển màu, ngày đang dần kết thúc, bóng đêm sẽ lại tới, bao lần An sợ ngủ, bởi đêm khiến cho sự cô đơn tăng lên gấp ngàn lần trong trái tim An, nó vây kín lấy An, cười đùa An, mặc cho An kêu gào. An thấy Hiên nắm lấy tay mình, nụ cười trong trẻo, những giấc mơ về cuộc sống tương lai, tất cả dường như hiện ra trước mắt An rõ như mới diễn ra. Chợt nụ cười của Hiên méo mó, mềm oạch. An giật mình, trời chạng vạng, giữa nghĩa địa, chỉ có ánh lửa từ điếu thuốc An chập chờn, xung quanh là tiếng dế, tiếng côn trùng bủa vây. An đứng dậy, tập tễnh đi với cái nạng đang chống đỡ sức nặng của cái thân tàn theo đúng nghĩa đen của nó.

Ba mất, cái tin này khiến cho An suy sụp, ba dù không còn tỉnh táo nhưng đâu đó sâu trong tâm khảm ba vẫn là chỗ dựa cho An, cho dù An như thế nào, ba vẫn sẽ vỗ vai An mà nói “Ba tin con.” An nhìn khuôn mặt ba hiền từ như nằm ngủ mà day dứt. An chưa một lần nói chuyện với ba như hai người đàn ông, từ khi An bắt đầu trưởng thành, An nợ ba một lời xin lỗi. Cơ thể ba má cho, An đã hủy hoại gần như hoàn toàn, An nợ má một lời xin lỗi. Ngày đưa ba ra đồng, An như kẻ mộng du, không biết đi như thế nào, bắt đầu từ đâu. An quỳ lạy trong một tư thế như vậy đến sáng, mặc cho mọi người khuyên can, muốn đưa An về.

Ngày An đi, má đưa cho An cái thẻ ATM, nói tất cả tiền An gửi về má đều để trong này. Má hy vọng An sẽ có cuộc sống mới tốt đẹp hơn. An lâu rồi không nhìn má, người má gầy chỉ còn nắm xương, tóc đã bạc trắng gần hết, đôi mắt hõm sâu chứa đựng tất cả của cuộc đời đầy bất hạnh. Bất giác An nắm lấy tay má. “Con hứa.” An cầm lấy số tiền má đưa, chia làm ba phần, một phần gửi tiết kiệm cho má phòng ốm đau tuổi già, một phần gửi cho gia đình Hiên, phần còn lại An gửi cho trại trẻ mồ côi Sao Mai, nơi ba vẫn luôn giúp đỡ những đứa trẻ trong suốt cuộc đời của mình.

An đã bỏ hết mọi thứ ở phía sau lưng, và bắt đầu làm lại con người mới. Sự xuất hiện của An ở nông trường cao su Ia Hlốp, khiến mọi người vừa tò mò vừa sợ hãi. Chẳng ai dám tới gần An, một gã người cao lớn, với một bàn chân giả, bước đi tập tễnh, khuôn mặt và cánh tay đầy những vết sẹo. Những đứa trẻ khóc ré lên khi thấy An đi qua, lâu dần An trở thành ông ba bị với hình ảnh thật để hù dọa đám con nít không nghe lời, lười ăn cơm trong nông trường.

Khi quyết định rời bỏ Dũng “quẹo”, thật sự An không biết mình sẽ đi đâu. Lang thang theo những con đường quốc lộ, xe chở đâu An đi theo đó. Lúc An xuống xe, An bị thu hút bởi những hàng cây thẳng tăm tắp, rợp bóng mát. An vác balo tiến thẳng vào nông trường. Giám đốc nhìn An ngờ vực sau khi xem hồ sơ của An:

- Quá khứ của anh có rất nhiều vấn đề, ngoài ra cơ thể anh cũng không đảm bảo sức khỏe để làm những công việc nặng nhọc này. Theo anh, tôi có nên nhận anh vào làm không? Anh hãy nói lý do để thuyết phục tôi nhận anh.

- Xin hãy cho tôi một cơ hội, tôi muốn làm lại cuộc đời mình.

An được nhận vào làm và sắp xếp cho một căn nhà tập thể sau cuộc nói chuyện dài với giám đốc, bao nhiêu lâu rồi An chưa trải lòng như thế. Căn nhà của An nằm ở cuối dãy, vì có lối đi riêng nên An cũng ít đụng mọi người. An sống kín tiếng, gần như không tiếp xúc với ai, những lời đồn đại về An vì thế mà tăng nhiều lên.

Những ngày mưa, An không ra khỏi nhà, nhưng chị Hoa, cứ cách hai ba ngày lại ghé đưa cho An một túi thức ăn. Một kẻ bị xã hội lãng quên như An mà vẫn nhận được sự chăm sóc của những người trong nông trường khiến cho An dần mở lòng mình ra hơn. Những ngày đầu đến nông trường, chị Hoa là người hướng dẫn An làm việc, bởi chẳng có một ai dám đến gần An. Có lần An hỏi chị Hoa, cả nông trường chỉ có chị và giám đốc là biết về quá khứ của tôi, chị không sợ tôi à? Chị Hoa cười bảo, cho dù anh đã ở đâu, làm gì thì tất cả chỉ là quá khứ, tôi tin khi anh quyết định đến nơi đây để sống, để làm việc thì anh muốn bắt đầu một cuộc đời mới, thì tại sao tôi lại sợ anh.

Chị Hoa tầm bốn mươi lăm tuổi, hoạt bát, năng động. Đôi lần ngồi cùng chị, anh cũng nghe chị kể về gia đình mình, chị có hai con gái hiện đang ở với bà ngoại để đi học. Chồng chị đã có vợ khác. Vì lo cho cuộc sống của hai con mà chị lên nông trường để làm việc, lương ở đây cũng khá, chỉ buồn ở xa con quá. An hỏi chị có hận chồng không, chị bảo không, cuộc đời duyên nợ định sẵn, hết nợ nhau rồi nên giải thoát cho nhau, níu kéo cũng không được gì đôi khi lại hận nhau hơn nữa. Nghe chị nói, An nghĩ về Hiên, có phải An đã quá cố chấp khi mấy lần Hiên đòi chia tay, nhưng vì còn quá yêu nên An không đồng ý, càng nghĩ An càng thấy mình là kẻ tệ hại. An chưa một lần dám đến mộ của Hiên để thắp nén nhang, An sợ phải đối diện với Hiên.

Ở nông trường gần một năm, ngoài chị Hoa, An cũng nói chuyện thêm vài người, còn lại cuộc sống An hoàn toàn khép kín. Nhưng chẳng có gì giấu được những con mắt tò mò. Chuyện An là kẻ giết người không biết từ đâu ra, mà thông tin ngày càng lan rộng. An cũng không thừa nhận hay phủ nhận, chỉ im lặng như trước giờ vẫn vậy. Bình thường mọi người đã né tránh An, nay họ còn sợ hãi An hơn, chỉ cần An bước chân ra ngoài thì mọi người lại vào nhà. Họ tránh An như tránh một cơn dịch bệnh. Mặc dù trong các cuộc họp các tổ trưởng của công trường cũng đã nhắc nhở các tổ viên về các tin đồn, không chia rẽ tình đồng chí, tình anh em trong nông trường, nhưng có lẽ họ chỉ đồng ý trong cuộc họp, ra khỏi cuộc họp, mọi chuyện lại quay về như cũ, khiến cho An trở nên khép kín hơn, lầm lì hơn, đáng sợ hơn. Tất cả tâm sức của An đều dành vào việc cạo mủ, nên tháng nào An cũng nằm trong danh sách công nhân tiêu biểu trong việc vượt chỉ tiêu lấy mủ cao su.

Tờ mờ sáng, khi An đã xong công việc cạo mủ, An ngồi một mình hút thuốc. Người công nhân cao su lấy đêm làm ngày, ngày làm đêm. An thấy mình thật sự lạc lõng giữa những hàng cây thẳng dài tăm tắp. Nhìn hàng cây, cây nào cây nấy đều chịu bao nhiêu sự đau đớn mỗi ngày, những nhát dao cạo ngày một nhiều hơn, dày hơn vậy mà mỗi ngày cây đều vui vẻ hạnh phúc hấp thụ, kết tinh những tinh chất tinh túy nhất của đất trời, cho ra những giọt sữa trắng tinh khiết trong khoảng thời gian trong trẻo, tinh khôi nhất của ngày. Những cái cây, dù mang đầy vết sẹo, nhưng những vết sẹo ấy lại mang hạnh phúc đến cho bao nhiêu người, còn An lại mang lại nỗi kiếp sợ cho mọi người, mỗi vết sẹo lại là một nỗi buồn, chẳng muốn nhớ nhưng chẳng thể nào quên được. Những sợi khói thuốc bay lên không trung như loang vào với nắng, những tia nắng đầu tiên chen qua khe của lá, An nhìn lên vòm lá xanh, lắng nghe những tiếng ríu rít trên cành, rồi đứng dậy thu số mủ vừa cạo được đêm qua.

Tiếng kêu cứu thất thanh từ phía dòng suối của những đứa trẻ. An chạy vội đến, đôi chân tập tễnh, càng bước nhanh miếng nhựa của chân giả càng cứa vào da thịt khiến cho An đau nhói nhưng không làm cho An chùng bước chân. Tiếng kêu cứu càng gần, An càng chạy nhanh hơn. Là cu Tẻo, con của cô Hương cùng đội với An, đang quẫy đạp, cố ngoi lên giữa dòng nước lớn, trên bờ có hai đứa trẻ tầm 6-7 tuổi đang khản giọng kêu cứu. Không nghĩ ngợi, An vội lao xuống con suối chảy xiết, đang mùa mưa lũ nên nước dâng cao hơn, và mạnh hơn. An ôm được cu Tẻo, cố gắng kéo cu Tẻo đang đuối dần theo dòng nước, bơi vào bờ. Lúc hai chú cháu lên bờ, thì mọi người nghe tiếng gọi đã tụ tập lại đông rồi. Cu Tẻo lả người, môi xám xịt. Ai nấy đều im lặng, nhìn An đang cố gắng thổi hơi vào miệng Tẻo, làm các động tác hô hấp nhân tạo cho cậu bé. Vừa hô hấp, An vừa nói “Cố lên cháu.” Khi Tẻo ho lên, sặc được nước ra ngoài. An thở phào và thả người nằm cạnh cậu bé. Lúc này mọi người mới thấy trên vai An chảy máu, lúc nước chảy mạnh đã đẩy An va vào phần nhọn của tảng đá. Mọi người nhanh chóng đưa hai người, một lớn một nhỏ, vào trạm y tế xã. Rất may chỉ vài tiếng đồng hồ sau cả hai chú cháu đã tỉnh, nằm nghỉ ngơi một ngày đã hồi phục bình thường.

Căn nhà cuối dãy tập thể vốn cô đơn, lạnh lẽo nay tự dưng tấp nập hẳn. Mọi người trong nông trường ai cũng ghé qua thăm hỏi sức khỏe An. Nỗi sợ về An cũng dần bị xóa bỏ sau sự việc An liều mình cứu Tẻo khi con nước lũ đang đổ về. Mọi người đã mở lòng hơn với An, An cũng đã bớt sống khép kín riêng mình.

Má lên nông trường vào một sáng mùa xuân, khi những cây cao su đang mùa trút lá, bắt đầu mọc những chồi non xanh mướt. Hai má con An sẽ bắt đầu lại cuộc đời như những chồi non cho một cuộc sống mới, lấp đầy các vết sẹo không trọn vẹn của cuộc sống cũ để chúng trở nên có ích giống như vết sẹo của những cây cao su.

Giữa miền trăng - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Giữa miền trăng - Thơ Lê Ngọc Minh Hoàng

Baovannghe.vn- Tôi bắt gặp bên đường/ hình ảnh của mẹ ngày xưa
Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Cẩn trọng với phát ngôn trên Mạng xã hội

Baovannghe.vn - Dự kiến từ năm 2025, Bộ TTTT sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL triển khai Quy trình thí điểm nhằm xử lý tình trạng các nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm quy tắc ứng xử.
Bộ LĐTBXH thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ Lễ năm 2025

Bộ LĐTBXH thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và nghỉ Lễ năm 2025

Baovannghe.vn - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản 6150/TB-BLĐTBXH thông báo về việc nghỉ tết Âm lịch, nghỉ lễ Quốc khánh, nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5 năm 2025 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao đ
Những người - Thơ Từ Ngàn Phố

Những người - Thơ Từ Ngàn Phố

Baovannghe.vn- Người đục đá kê cao quê hương/ người mắt thẳm
​​​​​​​Lời ru trên núi Chù Khèo . Truyện ngắn dự thi Đặng Thùy Tiên

​​​​​​​Lời ru trên núi Chù Khèo . Truyện ngắn dự thi Đặng Thùy Tiên

Baovannghe.vn - Những ngày đầu về làm dâu ở Chù Khèo, Dua thấy nơi này thân thuộc lắm, như mình đã từng uống nước ở dòng suối Nậm Đích, từng hái măng, hái nấm trên núi Chù Khèo ấy vậy, dù rằng nhà Dua cách nhà chồng xa tận mấy quả núi, mỗi lần nhớ nhà nhìn về chỉ thấy sương khói giăng giăng trên những đỉnh núi mịt mù. Dua gặp chồng ở một phiên chợ tình, Dua say điệu nhảy của Sung, nó tình tứ, man dại, tình yêu với Dua chỉ đơn giản là như thế. Sau mấy lần gặp gỡ, Dua bước qua cửa nhà chồng. Dua đã nhìn thấy những ánh mắt ghen tị của đám gái bản, Sung đẹp trai và dịu dàng với Dua lắm, Dua cứ ngỡ mình sẽ thật hạnh phúc...