Diễn đàn lý luận

Kiếm hiệp và tiên hiệp - vài so sánh ban đầu

Tâm Anh
Lý luận phê bình
14:00 | 13/08/2024
Baovannghe.vn - Văn học Trung Quốc có truyền thống coi trọng dòng văn học giải trí, đặc biệt là kiếm hiệp. Nhiều tác giả kiếm hiệp Trung Quốc được tôn vinh
aa

Văn học Trung Quốc có truyền thống coi trọng dòng văn học giải trí, đặc biệt là kiếm hiệp. Nhiều tác giả kiếm hiệp Trung Quốc được tôn vinh, có địa vị cao trên văn đàn, tác phẩm được đưa vào chương trình ngữ văn phổ thông. Tên tuổi của một số tác giả kiếm hiệp đã vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc đại lục, trở nên quen thuộc với bạn đọc trên toàn thế giới, nhất là ở các nước nằm trong vùng ảnh hưởng Hán ngữ.

Tuy nhiên, theo thời gian, ánh sáng huy hoàng của kiếm hiệp Trung Quốc cũng đến lúc suy tàn. Các tên tuổi lớn như Kim Dung, Cổ Long, Ôn Thụy An, Lương Vũ Sinh… lần lượt “rửa tay gác kiếm”, “thoái ẩn giang hồ” nhường lại sự nghiệp “phát dương quang đại” nền kiếm hiệp Trung Quốc cho những lớp hậu bối sau. Và cũng từ đây kiếm hiệp Trung Quốc đã có sự chuyển dịch nhanh chóng, mạnh mẽ sang một thể loại mới: tiên hiệp(1). Sự chuyển dịch này được khởi phát từ thành công của Tiêu Đỉnh (một trong thần châu tân ngũ hiệp) với “siêu phẩm” Tru tiên đình đám những năm đầu thế kỉ XXI. Tuy nhiên theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng mặc dù đã tạo nên một thế giới tiên hiệp “hoành tráng” nhưng Tru tiên vẫn chưa thật sự là một tác phẩm đúng nghĩa của thể loại này. Lối tư duy, cách xây dựng nhân vật, tình tiết… vẫn chịu ảnh hưởng của kiếm hiệp truyền thống. Phải đến sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi mới và tác phẩm mới như Thiên Tằm Thổ Đậu với Đấu phá thương khung, Nguyên Tôn, Vũ động càn khôn…; Đường Tam Thiếu với seri truyện Đấu la đại lục; Ngã Cật Tây Hồng Thị với Tinh thần biến, Bàn long…; Nhĩ Căn với Tiên Nghịch, Cầu Ma…; Vong Ngữ với Phàm nhân tu tiên; Phong hỏa hí chư hầu với Kiếm lai.... thì tiên hiệp mới chính thức vươn mình trở thành một thể loại mới, tiễn biệt kiếm hiệp truyền thống - đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử - vào sau cánh gà của sân khấu văn học võ hiệp.

Kiếm hiệp và tiên hiệp  -  vài so sánh ban đầu
Ảnh minh họa

Một thể loại mới ra đời luôn có những đặc điểm vừa mang tính kế thừa, vừa mang tính đổi mới sáng tạo đối với thể loại cũ. Tiên hiệp cũng vậy. Thể loại này vừa giữ lại những đặc trưng cơ bản nhất của kiếm hiệp truyền thống (những trận chiến trời long đất lở, những âm mưu xưng bá thiên hạ, những chuyện tình anh hùng - nhi nữ đậm chất ngôn tình) vừa có những thay đổi trên nhiều phương diện quan trọng.

Sự khác biệt đầu tiên giữa kiếm hiệp và tiên hiệp nằm ở không gian. Trong kiếm hiệp truyền thống, không gian thường chia làm 2 dạng. Thứ nhất, không gian giang hồ chung chung, không xác định. Không gian đó có thể có quốc gia nhưng không rõ triều đại, là nơi các anh hùng hào kiệt mặc sức vùng vẫy, tung hoành thỏa chí bình sinh. Không gian thứ hai là không gian có niên đại, triều đại cụ thể như trong các tiểu thuyết của Kim Dung. Cả hai không gian này đều “mặc định” dùng để chỉ Trung Quốc. Không gian nước ngoài nếu có nhắc đến cũng chỉ thoáng qua như hình ảnh Nhật Bản hiện lên trong Sở Lưu Hương hệ liệt qua nhân vật Thiên Phong Điền Tứ Lang ở xứ Phù Tang của Cổ Long hoặc một phương Tây xa tít tắp đầy mơ hồ qua sự xuất hiện của những cô gái tóc vàng, mắt xanh và những khẩu súng lục trong Thẩm Thăng Y hệ liệt của Hoàng Ưng. Những không gian này có tính chất phụ trợ, điểm xuyết, nhằm tôn lên cái kì vĩ, lớn lao của không gian chính. Đến tiên hiệp, không gian đã có sự thay đổi cơ bản.

Thay vì phát triển theo chiều ngang như trong kiếm hiệp truyền thống, không gian trong tiên hiệp phát triển theo ba hướng: chiều ngang, chiều dọc và chiều chéo. Ở chiều ngang, không gian địa lí được các nhà viết tiên hiệp phát triển đến vô tận. Không gian trong các tiểu thuyết tiên hiệp thường bắt đầu từ một ngôi làng, một quốc gia nhỏ sau đó phát triển ra các quốc gia khác, các đại lục khác, rồi đến các… hành tinh, các hệ ngân hà, vũ trụ khác. Trái đất, trong tiểu thuyết tiên hiệp, chỉ là một phiến không gian vô cùng nhỏ bé, ít được biết đến. Trong Ta có nhất kiếm, khi Diệp Quan giới thiệu mình đến từ lam tinh văn minh (địa cầu), nhiều người ở Thủy Vũ Trụ đã ngơ ngác vì chưa từng nghe tên hành tinh vô danh ấy ở đâu. Có thể thấy ở chiều ngang này, không gian tiên hiệp chịu ảnh hưởng lớn từ vật lí học và thiên văn học, đã vượt thoát ra khỏi không gian Trung Quốc và trái đất, mở rộng ra không gian vũ trụ bao la, rộng lớn, vô cùng, vô tận.

Kiếm hiệp và tiên hiệp  -  vài so sánh ban đầu
Ảnh minh họa

Ở chiều dọc, không gian trong tiểu thuyết tiên hiệp có cấu trúc tương tự các tác phẩm cổ điển như Tây Du Kí, Phong Thần Diễn Nghĩa… nhưng chặt chẽ hơn về thứ bậc. Nếu trong các tác phẩm kể trên, không gian bao gồm hạ giới, thiên đình, địa ngục và các nhân vật - miễn là có phép thuật - đều có thể dễ dàng lui tới các không gian ấy thì trong nhiều tiểu thuyết tiên hiệp, mọi việc không đơn giản như vậy. Các không gian này phân biệt nhau không phải qua khoảng cách, vị trí mà qua quyền lợi, thực lực. Các nhân vật ở không gian thấp hơn bằng mọi cách tu luyện để khi đạt đến một cấp độ nhất định sẽ “phi thăng” lên không gian cao hơn. Một nhân vật “tầm cỡ”, được mọi người trọng vọng ở không gian thấp hơn khi lên không gian cao hơn sẽ trở nên rất bình thường, thậm chí tầm thường. Ví như trong Tinh thần biến, Ngã Cật Tây Hồng Thị chia không gian ra thành 3 cấp: hạ giới - tiên giới - thần giới. Tần Vũ đã trải qua một quá trình cực nhọc để đi từ hạ giới đến thần giới.

Chiều không gian thứ ba trong tiểu thuyết tiên hiệp, chiều chéo, là sự kết hợp giữa hai chiều không gian trước. Nó nổi tiếng đến mức được lấy làm tên cho một thể loại trong tiên hiệp: xuyên không. Thể loại này thường mở đầu bằng việc nhân vật chính (vì một lí do nào đó) xuyên từ một không gian khác đến không gian chính, thường là xuyên từ trái đất (không gian thực) sang không gian thần thoại, tu tiên (không gian ảo), hoặc quay lại chính trái đất ở thời điểm quá khứ hay tương lai. Hình thức xuyên không gồm hai kiểu chính: nhập hồn vào thân thể một người hay một đồ vật khác hoặc giữ nguyên bản thân. Trong Đấu phá thương khung, nhân vật Tiêu Viêm đã tự nhận mình là người của trái đất, vô tình bị xuyên không nhập vào cậu bé Tiêu Viêm của Tiêu gia. Còn trong Kiếm linh không có chí tiến thủ, Tống Trường Ly lại hóa thân thành kiếm linh của Yên Cửu. Các nhân vật xuyên không này mang nguyên vẹn kí ức, kĩ năng của kiếp trước trong hành trình ở không gian mới.

Với ba chiều kích kể trên, có thể thấy không gian trong tiểu thuyết tiên hiệp là sự kết hợp hài hòa giữa thực và ảo, giữa truyền thống và hiện đại, giữa khoa học và tâm linh. Những sự kết hợp này đã làm nên không gian “tiên hiệp” rộng lớn với biên giới duy nhất là trí tưởng tượng của tác giả. Không gian này là bệ phóng vững chắc cho các nhân vật tiên hiệp thỏa sức tung hoành, làm nên những điều “kì vĩ và điên rồ” hơn các nhân vật kiếm hiệp cổ điển nhiều lần. Song mặc dù đậm chất thần thoại, huyền ảo nhưng không gian trong tiên hiệp lại là không gian thế tục nhất - một điều khá hài hước với cái tên mĩ miều của nó. Ở tiểu thuyết kiếm hiệp truyền thống, đa phần không gian mang tính “lãng mạn”, “cách điệu”. Các yếu tố đời thực chi phối rất ít đến nhân vật, ví như tiền bạc. Tiền bạc trong tiểu thuyết kiếm hiệp truyền thống hiếm khi được nhắc tới, nếu có nhắc đến cũng chỉ thoảng như có nhân vật hay bang phái mê tiền (Kim tiền bang - Tiểu lí phi đao), giá một lần giết người của sát thủ, kho tàng bị đánh cắp giá trị như thế nào… chứ ít đi vào chi tiết, cụ thể. Các tác giả kiếm hiệp chưa bao giờ coi tiền bạc, vật chất, kinh tế là một nhân tố quan trọng trong hình thành, cấu trúc nên tác phẩm. Trái lại trong tiểu thuyết tiên hiệp, các tác giả nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kinh tế - tiền bạc. Mọi thứ trong không gian tiên hiệp - ngay cả những thứ quý hiếm như vũ khí, công pháp, đan dược - đều có thể mua bán, trao đổi bằng tiền, thông qua các hội đấu giá, các cửa hàng kinh doanh. Việc kiếm ra tiền là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhân vật, bất kể là người phàm hay thần, tiên, thánh, ma, quỷ… bất kể ở hạ giới hay tiên giới, thần giới… Tiền bạc chính là một trong những hiện thân của sức mạnh trong không gian tiên hiệp. Việc tập trung khắc họa và sự coi trọng quá mức vấn đề tiền bạc trong tiểu thuyết tiên hiệp là một ánh xạ về lối sống thực dụng, coi trọng vật chất đang chi phối xã hội hiện đại nói chung, xã hội Trung Quốc nói riêng của các tác giả tiên hiệp. Thông điệp đưa ra ở đây rất rõ ràng: Ở đâu cũng cần tiền, không có tiền không làm được gì cả. Tính chất thế tục của không gian trong tiên hiệp còn được biểu hiện qua sự hữu hạn về tài nguyên tu luyện. Các motip săn tìm tài nguyên (linh khí, thần khí, linh thạch, nguyên thạch…) trong bí/ hiểm cảnh, đánh giết nhau tranh giành tài nguyên, di dời dòng tộc ra khỏi một vùng đất hay cả một hành tinh khi tài nguyên cạn kiệt rất phổ biến trong tiểu thuyết tiên hiệp. Đây là những motip lấy cảm hứng từ những cảnh báo khoa học về tình trạng suy giảm tài nguyên trên trái đất.

Cùng với không gian, thời gian cũng là một khác biệt lớn giữa kiếm hiệp truyền thống và tiên hiệp. Thời gian trong kiếm hiệp về cơ bản là thời gian thực, tuân theo quy luật tuyến tính. Thời gian trong tiên hiệp là thời gian huyền ảo, nơi các nhân vật có cuộc sống kéo dài cả nghìn năm, vạn năm, có thể trở về quá khứ, hướng đến tương lai, xuyên qua muôn kiếp luân hồi, sống nhiều kiếp khác nhau với nhiều thân phận khác nhau. Một dòng thời gian phổ biến nhất trong tiểu thuyết tiên hiệp là thời gian “trọng sinh”. Cũng như không gian xuyên không, thời gian trọng sinh được lấy làm tên cho một thể loại tiên hiệp. Trong dòng thời gian này, nhân vật thường bị chết, sau đó ngược về quá khứ, sống lại, thay đổi lại hiện thực cuộc đời mình. Thông thường các nhân vật quay về quá khứ, thực hiện một hành động cũng chỉ để trùng khớp với những diễn tiến trong hiện tại (trong nhiều trường hợp là giải thích cho hành động trong hiện tại). Với việc thay đổi cả kết quả trong tương lai, không nghi ngờ gì nữa thời gian trọng sinh là một cách tân táo bạo, phản ánh khát vọng thay đổi số phận, khát khao mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong một xã hội cạnh tranh khốc liệt, không có chỗ cho sai lầm, thất bại như hiện tại của các tác giả tiên hiệp.

Những thay đổi về không - thời gian là tín hiệu phản ánh sự thay đổi quan trọng nhất: nhân vật. Nhân vật trong kiếm hiệp truyền thống về cơ bản được xây dựng theo nguyên tắc nhị phân: chính - tà, tốt - xấu, thiện - ác, quân tử - tiểu nhân, tu hành - người thường… Nhân vật chính thường được tạo nên theo hình mẫu con người lí tưởng theo quan niệm của Nho - Phật - Lão. Đó có thể là mẫu nhân vật “anh hùng hào kiệt/ luôn mang theo chí lớn bên mình”, xả thân vì thiên hạ, vì nghĩa lớn như Tiêu Phong, Quách Tĩnh… hay kiểu lãng khách sống cuộc đời “tiếu ngạo giang hồ”, tiêu dao, tự do tự tại như Lệnh Hồ Xung, Sở Lưu Hương, Thẩm Thăng Y… hay những bậc tôn sư đức cao vọng trọng, võ học cao thâm không tưởng, thấu hiểu sự huyền bí, nhiệm màu của trời đất như Trương Tam Phong, Phong Thanh Dương, Vô danh thần tăng... Nhưng dù “mỗi người một vẻ” thì họ đều giống nhau ở điểm chung đó là mang sứ mệnh “trừ gian diệt ác”, “thế thiên hành đạo” đem lại sự yên bình cho võ lâm, cao hơn là cho cả đất nước.

Trong thế giới tiên hiệp, các nhân vật được xây dựng theo một hệ tư tưởng khác biệt. Nguyên lí nhị phân trong nhiều tác phẩm bị loại bỏ không thương tiếc. Thay cho các phạm trù, tiêu chuẩn đạo đức theo quan niệm Nho - Phật - Lão trong kiếm hiệp cổ điển, các tác giả tiên hiệp chú trọng đến các yếu tố gia thế - sức mạnh - sự thông minh - nỗ lực bản thân trong xây dựng nhân vật. Đa phần nhân vật chính sinh ra trong gia đình, dòng tộc “trâm anh thế phiệt” có thành tựu, chiến công huy hoàng trong quá khứ hay hiện tại, hoặc bản thân cũng đã là bá chủ một phương khi xuất hiện. Yếu tố gia thế còn được thể hiện thông qua việc đề cao huyết mạch. Nhân vật càng có huyết mạch thuần chủng, gần với huyết mạch của tổ tiên thì càng được trọng vọng. Ở chiều ngược lại những nhân vật con lai, huyết mạch không thuần khiết, thấp kém sẽ bị coi thường, chế nhạo, khinh bỉ. Khi thấy linh mạch bia bộc phát linh quang báo hiệu có tộc nhân mang trong mình cửu thần mạch, các trưởng lão trong Phù đồ tộc (Đại chúa tể) đã tranh nhau tìm hiểu, quyết đưa tộc nhân ấy về chi mình để bồi dưỡng sau này. Sức mạnh và sự thông minh của nhân vật là các yếu tố được đặc biệt đề cao. Trong nhiều tác phẩm tiên hiệp, nhân vật không có chính - tà, xấu - tốt mà chỉ có nhân vật có sức mạnh - yếu đuối, thông minh - ngu dốt. Nhân vật có sức mạnh, sự thông minh sẽ đạt được thành công và ngược lại. Trong Đấu phá thương khung, Tiêu Viêm chỉ vì muốn có tấm bản đồ chỉ dấu về Tịnh liên yêu hỏa đã không ngần ngại theo dấu, chặn cướp của Phạm Lăng - một hành động vi phạm luân thường đạo lí. Thái độ tôn sùng sức mạnh được các tác giả tiên hiệp đẩy lên cực đại khi miêu tả nguồn lực này có thể giúp nhân vật chống được cả trời (thiên mệnh, thiên đạo), vượt qua nhân quả, nghiệp báo. Trước sự nổi giận của trời đất, các nhân vật có sức mạnh, thay vì sợ hãi, đã mạnh dạn đương đầu chiến đấu và chiến thắng, buộc trời đất, nhân quả, nghiệp báo phải e sợ mà rút lui, từ đó bước lên đỉnh vinh quang chói lọi. Bằng chiêu Trảm thiên bạt kiếm thuật, Dương Diệp (Vô địch kiếm vực) không những tránh được mà còn đánh tan cả cửu lôi thiên phạt. Sau này Dương Diệp một người một kiếm gây ra bao trận “mưa tanh gió máu” giết hại không biết bao nhiêu người trên hành trình trở thành cường giả hàng đầu. Nhân vật trong tiên hiệp không hề sợ trời, không còn là người đại diện cho trời để “hành đạo” nữa mà chính là trời, thậm chí còn cao hơn trời, tự mình hóa thần tạo ra thế giới riêng cho mình như cái cách Lâm Lôi, Tần Liệt sáng tạo ra thế giới mới trong Bàn Long, Linh vực vậy. Và cũng chỉ trong tiên hiệp mới xuất hiện loại hình nhân vật “nằm ngoài khí vận”, mệnh trời không thể tác động được. Chưa bao giờ và ở đâu như trong tiểu thuyết tiên hiệp, tham vọng, khát khao thành công bằng mọi giá của con người lại được bộc lộ rõ đến vậy.

Tuy nhiên con đường trở thành bá chủ chưa bao giờ là dễ dàng. Các nhân vật tiên hiệp đều phải trải qua quá trình nỗ lực tu luyện gian khó. Họ phải nỗ lực sinh tồn trong hoàn cảnh khắc nghiệt, bị gia tộc nuôi thả (quẳng ra ngoài xã hội cho tự bươn chải, vươn lên bằng thực lực), phải chiến đấu vượt cấp với các địch thủ mạnh hơn nhiều lần. Mặc dù cũng gặp “kì duyên”, có người trợ giúp, song nhìn chung thành công của các nhân vật tiên hiệp đều được đánh đổi bằng máu, mồ hôi và nước mắt và sự hi sinh. Nhiều nhân vật đi từ đáy xã hội đi lên, chịu đựng sự chế nhạo, coi thường của mọi người, từng bước leo lên đỉnh vinh quang với một ý chí, nghị lực sắt đá không gì lay chuyển nổi. Trong nhiều tiểu thuyết, ý chí, nghị lực được coi là yếu tố quyết định sự thành công của nhân vật. Đây là điểm tích cực trong cách xây dựng nhân vật của các tác giả tiên hiệp.

Những khác biệt kể trên giúp chúng ta đi đến nhận định trong tiểu thuyết tiên hiệp, sự lãng mạn đã bị yếu tố thực dụng lấn lướt, các nhân vật võ hiệp đã không còn “bay bổng”, “hào sảng” mà dần tụt về mặt đất với những lo toan vụn vặt đời thường, với nhân phẩm, tính cách “rất người, rất đời”. Sự hào hứng, nồng nhiệt đón nhận tiểu thuyết tiên hiệp ở Trung Quốc cũng như một số quốc gia lân cận (trong đó có Việt Nam) giúp chúng ta có thể hình dung ra phần nào những thay đổi tâm thế con người của xã hội Trung Quốc hiện đại nói riêng và con người hiện đại nói chung vì dẫu thuộc dòng giải trí nhưng tiểu thuyết tiên hiệp vẫn nằm trong đường biên của một loại hình nghệ thuật phản ánh ý thức xã hội.

(1) Trên thực tế, có nhiều khái niệm, định nghĩa về tiên hiệp. Trong bài viết này, chúng tôi không trình bày khái niệm tiên hiệp như một thuật ngữ chuyên ngành đòi hỏi tính nghiêm cẩn, chặt chẽ của khoa học nghiên cứu văn học. Khái niệm tiên hiệp trong bài viết này dùng để chỉ những tác phẩm tập trung miêu tả những trận tranh đấu, những cuộc chiến giữa người với người, người với thú… có những yếu tố huyền ảo, thần thoại.

Tâm Anh |Báo Văn nghệ

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.