Thiên hồn là một trong những cuốn tiểu thuyết bán chạy của nhà văn Cao Minh, kết hợp các yếu tố trinh thám, tâm lí, kinh dị, kì ảo... với nhiều plot twist (nút thắt, cú ngoặt) thú vị.
Nhà văn đã khéo léo cài cắm nhiều gợi ý để dẫn dắt độc giả tự suy luận và khám phá các bí ẩn, song vẫn tạo được sự hồi hộp, gay cấn và lôi cuốn trong từng trang sách, đưa người đọc đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.
Tác phẩm đã phản ánh, phê phán những mặt trái của xã hội hiện đại. Đồng thời, ca ngợi nhân tính, lòng trắc ẩn và sự thiện lương của mỗi con người.
Tham vọng nắm giữ vận mệnh
Nhân vật chính của Thiên hồn là Chu Khởi Dương, một người tướng mạo bình thường, gia cảnh và thân thế chẳng mấy nổi trội, không tài giỏi, kém thu hút... Anh ta tự thấy mình như một hạt cát trong sa mạc, không ai chú ý, cũng chẳng được ai coi trọng, thậm chí còn cho rằng mình là người bị Chúa bỏ quên.
Mặc dù chán ghét cuộc sống vô vị, mờ nhạt của mình, nhưng cũng như biết bao con người bình phàm khác, Chu Khởi Dương vẫn buộc phải chấp nhận, bởi anh ta nghĩ bản thân không thể làm khác được: “Tôi là vậy, nhìn giống như đang sống một cuộc đời yên ổn, nhưng thực tế lại vùng vẫy giằng xé đến mức kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần. Mỗi ngày. Tôi luôn nghĩ mình sẽ sống như vậy đến chết”.
Nhưng, mọi thứ hoàn toàn bị đảo lộn kể từ phút giây Chu Khởi Dương đặt chân lên một hoang đảo, hay nói đúng hơn là từ khi anh ta biết đến sự tồn tại của cuốn sách mang tên “Khải Huyền hắc ám” hay còn gọi “Thiên hồn” - cuốn sách được lưu truyền từ năm 1204 (sau khi cuộc Thập tự chinh lần thứ tư kết thúc) có thể giúp người sở hữu nó thay đổi vận mệnh của mình. Anh ta chỉ đến để đón “vợ chưa cưới” (thực ra, đây là một nhân cách khác của Chu Khởi Dương) về nhà, nhưng lại bị cuốn vào vòng xoáy của những cuộc truy đuổi, giết chóc nghẹt thở, với nhiều hiểm nguy mà thậm chí có lúc khiến anh ta cận kề cái chết: “Tôi liều mạng trốn, tôi tuyệt vọng chạy. Chỉ vì một câu nói ‘có thể nắm giữ vận mệnh của mình’ mà quyết định mạo hiểm”.
Được thay đổi vận mệnh bản thân theo ý muốn chủ quan là khát vọng của bất cứ ai. Các nhân vật trong Thiên hồn đều có những tham vọng riêng: người muốn sửa chữa sai lầm trong quá khứ, người muốn cuộc sống giàu sang hạnh phúc trong tương lai, người muốn trở nên nổi tiếng, người muốn thâu tóm quyền lực, làm bá chủ thiên hạ… Ngay cả một người bình thường chẳng chút dã tâm như Chu Khởi Dương cũng bị dục vọng làm lu mờ lí trí. Anh ta không muốn tiếp tục làm một hạt cát giữa sa mạc mênh mông, không cam tâm bị vùi lấp trong đám đông nữa. Anh ta muốn có được sức mạnh tối thượng, để tự mình làm chủ cuộc đời và thay đổi thế giới: “Tôi khao khát được nắm giữ sinh mệnh của mình, chẳng còn bị người khác sắp đặt nữa. Tôi chán ngấy phải làm một người bình thường, chán ngấy cuộc sống bình thường, chán ngấy vô số lần bị người ta quên lãng rồi”.
Cuốn sách "Thiên hồn" của nhà văn Cao Minh - Ảnh: Hồng Hạnh |
Chính điều này đã tạo ra cuộc tàn sát đẫm máu giữa những con người tưởng chừng rất đỗi lương thiện như: công chức, cảnh sát, bác sĩ, y tá… thậm chí cả học sinh. Tất cả bọn họ, dù vì lí do gì, cũng đều muốn tranh giành sách “Thiên hồn” để trở thành người được Chúa chọn, có thể tự nắm giữ vận mệnh, thay đổi cuộc đời theo ý muốn của bản thân: mọi sự thuận buồm xuôi gió, luôn gặp may mắn, nắm trong tay tiền tài danh vọng, thậm chí kiểm soát được thời tiết...
Lẽ tất nhiên, muốn thực hiện nghi thức trong ngày Chúa chọn bảy năm mới có một lần, cần phải có vật hiến tế. Đó là một nghìn linh hồn đã chết vì sách “Thiên hồn”. Người thứ một nghìn không trăm linh một đã được “khải thị” (liên tục mơ thấy cùng một giấc mơ kì lạ trong nhiều ngày) và sở hữu cuốn sách sẽ là người được Chúa chọn.
Sự trỗi dậy của bản năng chết
Trước khi mười một người lên hoang đảo, đã có chín trăm chín mươi người chết vì cuộc chiến giành sách “Thiên hồn”. Bởi vậy, tất cả “đều mất kiểm soát, chẳng ai còn bận tâm tới những thứ khách sáo giả tạo, chẳng ai còn che giấu dục vọng của mình nữa, chỉ có sự điên cuồng và tham lam trần trụi”. Và nói theo học thuyết của Sigmund Freud, bản năng Thanatos (bản năng chết/bản năng hủy diệt) đã trỗi dậy mạnh mẽ, khiến họ rơi vào trạng thái “muốn hủy hoại”, không màng cái chết, bất chấp mọi thứ để loại bỏ vật cản ngáng đường, kể cả việc giết hại đồng loại, hòng đạt được mục đích.
Nhưng, cái giá phải trả để tự quyết định vận mệnh thật quá đắt, chẳng khác nào bán linh hồn cho quỷ dữ, thiêu rụi mọi giá trị tốt đẹp của nhân tính. Nó khiến con người đánh mất bản ngã, không còn là chính mình, thiếu lòng tin và luôn đố kị với người khác, để rồi mù quáng theo đuổi hư danh.
Tiểu thuyết Thiên hồn đã lột trần sự tham lam, tàn độc và những khát vọng điên cuồng hay “bản năng dã thú” ẩn sâu bên trong mỗi con người. Đồng thời, đặt ra những câu hỏi bức thiết, đáng suy ngẫm.
Đứng trước sự cám dỗ của hư vinh phù phiếm, liệu con người có thể từ bỏ tham vọng, liệu lương tri có thức tỉnh để đấu tranh vì tính thiện?
Bất chấp mọi giá để giành được thứ quyền lực siêu nhiên, tà đạo, giẫm đạp lên mạng sống của hàng nghìn người, liệu có thể bình tâm tận hưởng hay sẽ ám ảnh, sợ hãi và dằn vặt suốt cuộc đời?
Thời gian và tòa án lương tâm sẽ trả lời tất cả. Nhưng có thể khẳng định, ác giả ác báo luôn là chân lí không bao giờ thay đổi. Và cho đến cuối cùng, lòng trắc ẩn, sự thiện lương chính là ngọn nguồn ánh sáng che chở, cứu rỗi và dẫn lối cho những trái tim lạc bước quay về.
Cao Minh, sinh năm 1974 - nhà văn đương đại trẻ tuổi người Trung Quốc, là tác giả của những cuốn sách nổi tiếng đã được chuyển ngữ và ấn hành tại Việt Nam như: Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải; Sổ tay nhà thôi miên; Giải mã giấc mơ... Các tác phẩm của anh mang giá trị nhân văn và thể hiện sự am hiểu sâu sắc tâm lí con người. |