Diễn đàn lý luận

" Kỷ vật của nhà văn" Thơ Mai Thìn - Lời bình Lê Hoài Lương

Tác phẩm và dư luận
13:34 | 29/07/2023
Tất nhiên đây là một bài thơ độc lập, và hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về mình từ các hình ảnh, ngôn ngữ, xúc cảm nó bộc lộ. Nhưng nếu có đôi lời chú giải hoàn cảnh ra đời của nó, theo nghĩa cảm tác từ đâu, giá trị biểu cảm sẽ tăng lên nhiều. Chúng ta quá biết chuyện cảm tác lâu nay trong địa hạt văn chương. Có thể từ một sự kiện, một vở kịch, một bài hát… Có thể từ một cuốn sách. Nếu từ một cuốn sách thì như vậy, hiệu ứng đọc sách thật lớn lao: nó tiếp tục gieo trồng, gặt hái mùa màng mới
aa

Mai Thìn

Kỷ vật của nhà văn

Trong căn phòng của nhà văn

rất nhiều kỷ vật

những người bạn

phần đời

cùng ông tháng năm

kìa cái bình toong

trong cuốn sách về cuộc chiến

chủ của nó đã chết ở trang chín hai

cái bình

bỏng rát từng cuống họng

vét cạn những dòng sông

đựng đầy ký ức

đêm đêm thao thức

rót tràn trang văn

những con chữ

thẳng hàng

tiếp cuộc hành quân.

Lời bình của Lê Hoài Lương:

Tất nhiên đây là một bài thơ độc lập, và hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về mình từ các hình ảnh, ngôn ngữ, xúc cảm nó bộc lộ. Nhưng nếu có đôi lời chú giải hoàn cảnh ra đời của nó, theo nghĩa cảm tác từ đâu, giá trị biểu cảm sẽ tăng lên nhiều. Chúng ta quá biết chuyện cảm tác lâu nay trong địa hạt văn chương. Có thể từ một sự kiện, một vở kịch, một bài hát… Có thể từ một cuốn sách. Nếu từ một cuốn sách thì như vậy, hiệu ứng đọc sách thật lớn lao: nó tiếp tục gieo trồng, gặt hái mùa màng mới.

Ở bài Tôi đọc sách in Tạp chí Văn nghệ Bình Định, số 120, tháng 4/2023, nhà thơ Mai Thìn cho biết, bài thơ trên ra đời từ việc đọc tác phẩm truyện ký Chinh chiến nơi miền đất lạ của nhà văn Nguyễn Tam Mỹ: “Cuốn sách như những thước phim giàu hiện thực về cuộc sống, chiến đấu vô cùng gian khổ, nguy hiểm của tác giả và đồng đội. Tôi chơi với Nguyễn Tam Mỹ, nên khi đọc cuốn sách này, càng xúc động mạnh hơn. Những chi tiết anh kể trong sách về những cái chết ở chiến trường K; về mùa khô rát khô cuống họng, nhưng bộ đội “Dù khát và mệt, cũng chỉ được nhấm không quá nửa nắp bi đông nước” đã khiến tôi liên tưởng đến cái tứ của bài thơ này. Và ngay trong đêm, tôi vùng dậy, viết một mạch”.

Bài thơ Kỷ vật của nhà văn rất mạch lạc các thông tin: phần đời tác giả là những người bạn lính, những kỷ niệm, kỷ vật thiêng liêng năm tháng chiến trường K khốc liệt; cái bình toong kỷ vật về người bạn lính đã hy sinh; và những dòng văn ngày nay của người cựu binh sống sót, nghĩ về cuộc chiến đã qua, nghĩ về bè bạn ai còn ai mất, những con chữ nghiêm cẩn, đầy trách nhiệm như một người lính vào trận đánh, dù là trận chiến trong thời bình… Diễn “nôm” bài thơ của Mai Thìn là vậy. Thì cũng có ý nghĩa, có trách nhiệm với đời, và đáng viết một bài thơ.

Điều quan trọng của bài thơ là chi tiết trung tâm, nguồn cảm hứng chủ đạo hình thành tứ thơ: cái bình toong. Cái bình kỷ vật. Nó chứa đựng tất cả:

cái bình

bỏng rát từng cuống họng

vét cạn những dòng sông

đựng đầy ký ức

Cách nói cực kỳ hình tượng: “vét cạn những dòng sông”, không hề là kỹ thuật thậm xưng trong hiệu ứng với bạn đọc. Một mô tả khốc liệt ký ức oan nghiệt trong chiến trường. Một thành công bất ngờ của thơ với khả năng kỳ ảo hóa ngôn ngữ: mô tả hiện thực mà lại không phải theo nghĩa hiện thực đó. Nó tăng cấp vừa phi lý vừa khốc liệt và tương đồng với cái chết. Cái bình ấy, đương nhiên chứa đựng quá lớn: đau thương, xương máu. Cũng vậy, thơ chỉ nói rất kín nỗi niềm: “đựng đầy ký ức”. Khó thể nói hay hơn về cái bình kỷ vật này!

Và đó cũng là sự chuẩn bị chu đáo cho phần kết:

đêm đêm thao thức

rót tràn trang văn

những con chữ

thẳng hàng

tiếp cuộc hành quân.

Sẽ thấy đây là mô tả công việc nhà văn cựu binh, người có chiếc bình kỷ vật. Nhưng cũng có nghĩa: cái bình chứa đựng quá lớn kia, “rót” tràn trang văn. Phải, chính nó, chứ không phải nhà văn, phải làm cái việc nối tiếp cuộc - hành - quân - chữ lưu dấu một nhập nhòa thiêng liêng, một vết thương chiến trường không thể quên!

*

Gần đây, thơ Mai Thìn đã có bước chuyển lớn: sự cô kiệm từ ngữ, ý tưởng kín, chỉ gợi chứ không nồng nhiệt dâng trải như trước. Tập thơ “Tiếng chim về cũ” đã bộc lộ tìm tòi này, và có những thành công.

Tất nhiên, dù cũ hay mới, truyền thống hay hiện đại, cách tân…, vấn đề là có hay không. Tìm tòi mới là ý thức đáng trân trọng trong sáng tác, nhà văn chấp nhận dấn bước, có thể thành công, có thể thất bại. Còn hơn làng nhàng an toàn.

Chợt nghĩ, ngày nào cũng đọc thơ, trên báo mạng, trên facebook bạn bè. Nhiều người cố trau chuốt chữ nghĩa, cố tìm ngôn từ đèm đẹp, nói cái tầm thường bằng sáo ngữ, nhai nhái nhau; hoặc gom nhặt, sử dụng chưa tường chữ nhà Phật, cho “sang”… Bình thường thôi, cuộc chơi ai cũng có quyền, thậm chí còn là một niềm vui lương thiện.

Thật ngạc nhiên khi đọc Kỷ vật của nhà văn. Rất ít chữ mà chuẩn xác vô cùng, lớn lao vô cùng cái điều nó khơi gợi. Toàn những con chữ bình thường nhất mà như đã tinh luyện kiểu lò luyện kim đan. Mà không, đã luyện, còn hơn thế, qua lò lửa chiến tranh, qua xương máu.

Một bài thơ hay trên mặt bằng thơ nhiễu loạn những tìm tòi hoặc mòn cũ hôm nay. Một thành công chữ nghĩa bất ngờ, một minh chứng đáng kể khả năng kỳ diệu của ngôn từ, một sáng tỏ mà hàm ngôn. Cái bình toong đựng ký ức của Nguyễn Tam Mỹ và bài thơ cảm tác của Mai Thìn là cuộc nối tiếp chữ nghĩa đáng mừng.

Nguồn Văn nghệ số 30/2023


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...