Theo UBND tỉnh Ninh Bình, sự kiện tiếp tục được kỳ vọng sẽ phát huy những giá trị di sản hiện có của địa phương nói chung, di sản Hoa Lư nói riêng nhằm akhơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào và tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như hội nhập quốc tế; đồng thời góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ và thành phố sáng tạo.
![]() |
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại buổi lễ Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Với Lễ hội hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ lấy du lịch, công nghiệp văn hóa làm cụm ngành mũi nhọn, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm đột phá; phát huy mạnh mẽ hơn nữa giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; phát triển xứng tầm với truyền thống lịch sử, giá trị đặc biệt của Cố đô Hoa Lư-Ninh Bình; tiếp tục phát huy các tiềm năng, thế mạnh, giá trị độc đáo riêng có của tỉnh Ninh Bình, nhất là các giá trị lịch sử-văn hóa, cảnh quan thiên nhiên; chú trọng phát triển bền vững, giải quyết tốt hơn nữa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trải qua thời gian, Lễ hội đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Cố đô và lan tỏa tới nhân dân cả nước nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp, thể hiện lòng thành kính, tri ân sâu sắc, với các bậc tiên đế, tiền nhân đã có công khai thiên lập quốc, thể hiện tính nhân văn trong cội nguồn văn hóa Việt Nam và làm cho giá trị Nhà nước Đại Cồ Việt luôn trường tồn với thời gian và lịch sử.
Tại chương trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long khẳng định Ninh Bình là vùng đất cổ, mang đậm các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc với trung tâm là thành phố Hoa Lư nổi tiếng, kinh đô của nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, mở nền chính thống cho các triều đại phong kiến trong lịch sử dân tộc. Lễ hội Hoa Lư thể hiện những nét văn hóa dân gian đặc sắc và lịch sử đất nước qua các triều đại: Đinh, Tiền Lê và thời kỳ đầu của Nhà Lý. Lễ hội Hoa Lư đã trở thành hoạt động văn hóa tinh thần phong phú, gắn kết của người dân Cố đô Hoa Lư và cả nước nói chung. |
Đến với lễ hội, du khách trong và ngoài nước không chỉ tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của đức Đinh Tiên Hoàng Đế, các vị tiên đế, các bậc tiền nhân đã có công thống nhất đất nước, xây dựng nền độc lập và tự chủ của dân tộc, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt, mở nền chính thống; khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế, mà còn đắm mình vào nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc mang đậm nét văn hóa của người dân đế đô. Ngay trong đêm khai mạc, không gian nghệ thuật với chủ đề “Hoa Lư Ninh Bình - Khởi nguồn đế đô, ngàn đời thịnh trị” với sự tham gia của hàng trăm nghệ sỹ, diễn viên, thể hiện các tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc đã để lại trong lòng di khách và người dân Ninh Bình những xúc cảm đặc biệt
Được biết, năm 2025, tỉnh Ninh Bình xác định sẽ là năm đột phá của tỉnh trong hiện thực hóa mục tiêu, đưa Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ và thành phố sáng tạo.
![]() |
Biểu diễn văn nghệ tại đêm khai mạc "Lễ hội Hoa Lư". Ảnh TTDL |
Lễ hội Hoa Lư năm 2025 diễn ra từ ngày 6 đến 8/4/2025 (tức ngày 9 - 11/3 âm lịch) tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, TP. Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Lễ hội gồm các nghi lễ truyền thống (Lễ mở cửa đền, Lễ rước nước, Lễ mộc dục, Lễ dâng hương, Lễ tiến phẩm, Lễ rước kiệu, Tế cửu khúc, Tế lễ cổ truyền, Lễ cầu quốc thái dân an, Lễ hội hoa đăng, Lễ tạ) và các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian, các hoạt động trưng bày, triển lãm, quảng bá lễ hội. Bên cạnh các hoạt động được tổ chức theo thông lệ, năm nay, Lễ hội Hoa Lư được tổ chức với nhiều sự kiện, hoạt động mới như Hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp bà Phạm Thị Trân - tổ nghề sân khấu Việt Nam; Hội thảo khoa học và triển lãm “Trang phục và cổ phục thời Đinh”; hoạt động quảng bá du lịch Ninh Bình thông qua Liên hoan các đội tuyên truyền; tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu về lịch sử, văn hóa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu biểu của các huyện, thành phố… |