"Truyện Kiều " của họa sĩ Lê Thiết Cương được xem là cuốn sách có nhiều phụ bản mầu nhất của một họa sĩ từ trước đến nay. Theo đó, cuốn sách có hai phần. Phần đầu là 24 bức tranh được Lê Thiết Cương vẽ trên cảm hứng từ những câu Kiều kèm theo là những dẫn giải của họa sĩ như một cách trò chuyện gợi ý để độc giả khám phá thêm vẻ đẹp của Truyện Kiều. Mỗi bức tranh vẽ Kiều sẽ có một câu thơ ngắn của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha sáng tác từ câu thơ Kiều và bức tranh đó hòa thành một bản tam tấu thơ – họa – thơ vô cùng hấp dẫn.
Phần thứ hai là toàn bộ nội dung Truyện Kiều của Nguyễn Du theo bản in Nguyễn Du – Truyện Thúy Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, ấn bản đầu do Vĩnh Hưng Long in năm 1925.
Chia sẻ về ý tưởng xuất bản " Truyện Kiều" qua ngôn ngữ hình ảnh, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, “Vẽ Kiều là dịch Kiều từ thơ sang họa, là phổ họa vào Kiều như nhạc sỹ phổ nhạc một bài thơ, như Kiều ca của nhạc sỹ Phạm Duy, opera Kiều của Trần Quảng Nam. Do đó, một bức tranh Kiều đẹp sẽ nói được cả những điều dưới mặt chữ. Đã có nhiều cuốn Truyện Kiều có phụ bản trong hơn một thế kỷ qua. Vẽ Kiều chỉ là một nét nữa thêm vào bức tranh thi họa đó.
Ngoài sự kiện ra mắt cuỗn Truyện Kiều qua 24 bức tranh vẽ Kiều của họa sĩ Lê Thiết Cương, trong khuôn khổ hoạt động nghệ thuật, một số bộ sưu tập sách Kiều quí hiếm của nhà sưu tập Nguyễn Duy Cường (Sách Vipen): Truyện Kiều bản đặc biệt số 0 – bản Nôm Hoàng gia triều Nguyễn lưu tại Thư viện Anh quốc cũng được giới thiệu đến người yêu ngtệ thuật.
MH