Diễn đàn lý luận

Gió vẫn chập chờn mang gương mặt mùa thu

Lê Anh Phong
Tác phẩm và dư luận
10:00 | 11/03/2025
Baovannghe.vn - Đọc thơ Trần Nhương, đọc Gió thu vừa chạm ngõ, tôi như thấy mình trẻ lại và thức tỉnh. Thuận thiên và khổ lạc, an nhiên và thấu cảm, nhà thơ bước sang cái tuổi chẳng có gì xa lạ
aa

Viết về tác giả Trần Nhương, tôi không biết bắt đầu từ đâu. Bởi Trần Lão là người đa hệ, đa tài và đa tình. Toan vẫn gió, thơ vẫn xoan. Tôi luôn hình dung, đó là người của nhiều “nhà”: nhà văn, nhà thơ, nhà báo và họa sĩ. Ngôi nhà ấy tọa lạc tại ngã ba, ngã tư, hướng ra nhiều phía của đời sống và lúc nào cũng phơi phới sắc màu, lộng gió thi ca: Gió quê, Gió tháng ba vẫn thổi, Gió đang xoan… Và hôm nay, Gió thu vừa chạm ngõ.

83 tuổi, 83 bài thơ, tôi có hỏi tác giả về điều này. Nhà thơ cũng ngạc nhiên với chính mình, ngạc nhiên về sự gặp gỡ vô tình ấy. Vừa là nhà báo của truyền thông chính thống và tự do, vừa là hội viên của hội nhà văn Quốc gia và Thủ đô, nhưng Trần Lão không “du dương và nhễ nhại”. Luôn đứng về “phe nước mắt”, lão thực, giản dị và thiết thực, thơ Trần Nhương là tiếng nói của kẻ sĩ hiện đại, mang phẩm tính vừa trữ tình thế sự, vừa u-mua giễu nhại.

Gió vẫn chập chờn mang gương mặt mùa thu
Sách Gió thu vừa chạm ngõ.

Tôi đã đọc bài thơ Em cứ bỏ anh đi trước hoàng hôn của biển. Một bài thơ tình riêng tư hay là tình tự của dân tộc, tình tự về một thời nhiều nước mắt. Sao “em cứ bỏ anh đi”, cái câu hỏi ấy như bao lớp sóng âm vang trong thời gian ẩn ức: Em cứ bỏ anh đi/ Để anh lại với bao nhiêu kỷ niệm/ Anh ở bến có ngóng người ra biển/ Cũng chỉ là mờ nhạt phía chân mây/ Em cứ bỏ anh đi/… Em cứ bỏ anh đi… Thơ Trần Nhương không chỉ là trực diện, trực họa, mà nhiều khi kín đáo và sâu lắng. Tự xưng là “Trần ham vui”, nhà thơ ham vui nhưng không ham hố. Trước những lấn bấn, cấn cá của đời sống, kể cả giới văn chương, người thơ xử thế nhẹ như không. Hóm hỉnh mà tinh tế ý nhị. Giễu nhại và đối diện mà không làm vỡ “cái bình”. Tra vấn, coi trọng đối thoại, “gió thu vừa chạm ngõ”, cái tên gọi nghe hiền lành, nhưng chữ nghĩa không hẳn là như vậy: Nước ta chưa quen mỗi người là một vũ trụ/ Chưa quen sự khác biệt làm nên bản ngã/ Chưa quen hát mỗi người một giọng/ Làm khác đi cho đất nước mình đổi khác/ Cái cũ mèm lỗi nhịp sẽ dần tan/… Mai ngày/ Mai ngày/ Mai ngày… Khát vọng về sự đổi mới thực sự trong tư duy dân chủ, nhà thơ, người lính Trường Sơn năm xưa luôn ưu tư trăn trở, khắc khoải về thời cuộc, về con người.

Đa diện, vừa phản tư vừa ngọt ngào, không gian thơ Trần Nhương hiện lên nhiều chiều trong biểu đạt, trong tình ý. Tân cổ giao duyên, nhiều khi Trần Lão “tự diễn biến” theo hội @, theo hiệu ứng đám mây. Trẻ trung và cởi mở, thơ cứ tung tẩy xôn xao mơ hồ: Váy đã chùng heo may/ Em dìu dịu thời trang thu đông diễn phố/ Thả một link để bao mắt enter/ Cho chiều nay nắng cũng không ngờ; Em là bão thổi anh bay về cũ/ Khi bão tan anh đã của ngày xưa; Lúc nào ta binlintơn/ Cởi ra bảo hiểm lại mơn mởn tình

Vượt qua “hiện thực phải đạo”, vượt qua quan phương, thơ Trần Nhương trở lại đời sống thường nhật, trở lại “ngày bình thường”, thơ hiện lên những ngày ta đang sống: cơn mưa lúc 2 giờ sáng, ngày đại dịch, chụp ảnh cưới, cô gái Sán dìu lần đầu ra phố, nụ cười ngõ nhỏ… Sự xuất hiện của tu sĩ Minh Tuệ đã hiện lên “giác ngộ” trong thơ Trần Lão, đã cho ta khát vọng tự do/ lấy đức tin hành đạo. Dường như, chữ của “Trần ham vui” không đúng “quy trình”. Chữ của tự do, của dân chủ. Không ít những tương quan, tương phản, những nghịch cảnh trớ trêu: quan và dân, mở và đóng, chính thống và dân dã, hữu danh và vô danh… Trong chiều tối cuối năm, tôi đối diện với Bài thơ chiều ba mươi: Tối 29 tết/ Thời sự ti vi đưa tin/ Phát gạo cứu đói/ Mấy trăm gia đình vượt qua được tết/ Tôi lặng người/ Đói rét/ Bà con mình sao khổ quá ngày xưa?/ Tôi ngồi trong nhà mình/ Đào với quất nhòa trước mắt/ Trên đài một bài ca dìu dặt/ “Chưa có bao giờ”… “Vượt qua được Tết”, mấy chữ ấy thôi mà xa xót rưng rưng. Bên kia đường, khi bóng tối đã trùm lên ngõ nhỏ, dưới chân cột đèn, bà lão đang bán trà trong gió rét. Ánh sáng trên cao, đàn thiêu thân lao đến…

Những biểu tượng đại tự sự của một thời trong thi ca, nay khác rồi, nay khác nhiều trong thời thực dụng. Đây là “mặt trời”: Bình minh/ Mặt trời như lòng đỏ trứng gà ốp lếp Bao nhiêu sách vở/ Nửa tỉnh nửa say/ Bao nhiêu khát khao/ Nửa hư nửa thực/ Thánh thần nửa chính nửa tà/ Rau sạch để ăn, rau phun thuốc sâu để bán/… Tôi nghĩ vẩn vơ/ Hình như đang thì ốp lếp. Cái gì cũng có thể đưa vào ốp lếp. Ốp lếp núi, ốp lếp sông, ốp lếp cả đức tin nơi cửa Phật… Đây là “con đường”, câu thơ viết ở đường sắt Cát Linh - Hà Đông: “Đường thẳng sang chiều đã hóa cong”. Trên cao là thế, khi xuống mặt đất, con đường lại thường xuyên tắc nghẽn, chỉ biết tựa vào giấc mơ để vượt qua điểm nghẽn: “Rồi một ngày đường thông thoáng ta đi”. Còn đây là câu chuyện của “bạn tôi” trong bài thơ Công nhận: Bạn tôi đại gia, kếch xù những vựa ngôn ngữ/ Nói như đinh đóng cột/ Nói xong hỏi “công nhận không?”/ Người trả lời “công nhận”/ Người khẽ gật đầu/ Người im lặng/ Bạn tôi hay thật/ Lời nói nào tuôn ra/ Cũng bắt mọi người công nhận/ Không đồng tình/ Đẩy sang phía bên kia… Chuyện kể về “bạn tôi” hay câu chuyện của một “thời xa vắng”. Trang âm bản sáng dần sang thế kỷ, hình như đâu đây chuyện ấy vẫn còn… Không véo von, uyển ngữ, diễn ngôn ấy không bị mắc kẹt trong danh lợi, trong tình thế của đám đông, của thế sự và thời cuộc. Dẫu đã có một thời “hòa vào dòng lá ngụy trang”, nhưng người cựu binh, người thơ “không mất hút trong hàng bóng tôi”. Gió thu vừa chạm ngõ, đọc thi tập có lúc tôi chợt nhớ tới câu thơ của Trần Huyền Trân: “Nghe vang vỡ cái bất bình thành thơ”.

Có thể nói, giễu nhại hóm hỉnh từ lâu đã trở thành lối nói trong thơ Trần Nhương. Không hiểu Trần Lão có chịu ảnh hưởng phong vị, cốt cách từ các bậc nho sĩ tài tử thời trung đại hay không. Khẩu khí trong thơ thường do tạng người, khí chất mà thành chữ nghĩa. Không chỉ hướng ra đời sống, tha nhân, ông còn tự “giễu mình”. Có mấy ai đủ bản lĩnh để tự lấy mình làm đối tượng cho u-mua soi chiếu: Vẫn còn nhiều lúc le te/ Vẫn thơ trộn với hò vè lấy vui. “Le te”, chỉ một chữ ấy thôi mà nói được nhiều điều khó nói… Đường thơ nhìn lại, trong sương khói ông thấy cả thế hệ mình đâu đó.

Thơ Trần Nhương đâu phải chỉ có hóm hỉnh, bông đùa. Tôi đã đọc những câu thơ này trong đêm tối rưng rưng: Bà con trong Sài Gòn/ Nhiều người ra đi trong túi ni lông/ Tấm áo cuối cùng cũng không/ Đưa tiễn không/ Con cháu không/ Điếu văn không/ Còn lại bình tro trở về Đất Mẹ. Những thần thức của những ngày đại dịch như hiện về trong ký tự. Chữ nghĩa trong thơ Trần Lão thường nghiêng về phía đời sống cần lao khuất lấp, hướng vào thân phận/ số phận trong sự sẻ chia, bênh vực của tấm lòng người cầm bút. Không ít văn bản như nhật ký của đau thương, như ngọn nến hồng thắp lên trong đêm tối. Đây là bài thơ được tác giả viết “sáng 27/9/2007, ngày sập cầu Cần Thơ”: Xin hãy dựng một tượng đài bên cây cầu ấy/ Hình nén nhang cháy đỏ/ Sông Hậu như làn khói bay... Chữ nghĩa ám ảnh. Phải chăng, thơ hãy bắt đầu từ những nơi ấy mà lên đường.

Đôi lúc, thói quen của nghề báo lẫn sang thơ, làm cho thơ bộn bề chất liệu thông tin từ cuộc sống. Đọc thơ Trần Nhương, đọc Gió thu vừa chạm ngõ, tôi như thấy mình trẻ lại và thức tỉnh. Thuận thiên và khổ lạc, an nhiên và thấu cảm, nhà thơ bước sang cái tuổi chẳng có gì xa lạ với con người: Ở xa cao thế gần ra thấp/ Với núi hình như cũng giống người.

Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Một thoáng chiều quê… - Thơ Huỳnh Thị Kim Cương

Baovannghe.vn- Chiều về qua ngõ vắng/ Thấy nụ cười bâng khuâng
Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Triển khai Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Baovannghe.vn - Chiều 25/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo (BCĐ), Ban Tổ chức (BTC) Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực lần thứ 5, giai đoạn 2024-2025.
Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Thăm bệnh - Thơ Vũ Ngọc Đan Linh

Baovannghe.vn- Nằm lại trong bệnh viện/ nhìn hàm răng cha rỉ máu
Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Đôi mắt của sương mù. Tản văn của Gia Hân

Baovannghe.vn - Ngôi nhà không có cửa sổ, trong nhà tối âm âm, ánh sáng dường như vất vả lắm mới len được vào qua cửa chính...
Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Mãn nhãn với gần 1000 cổ phục Việt trong phim "Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu"

Baovannghe.vn - Đạo diễn Victor Vũ và nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp quyết định may mới gần 1.000 bộ phục trang để phục vụ làm phim