Dua ngồi trước sân chải đầu, ánh nắng sớm ấm áp len vào kẽ tóc, quện vào da thịt Dua, xua tan cái lạnh giá nhói buốt của những vết thương tím bầm trên mặt cô. Dua không khóc, Dua tìm mọi cách để nhốt nước mắt lại không cho nó trào ra nữa. Không đáng để khóc, Dua ạ. Đi đường, Dua cúi mặt thấp hơn để tránh đi những ánh mắt xoi mói của người trong bản.
Những ánh mắt đi theo mỗi bước chân của Dua có bao nhiêu phần hả hê, có bao nhiêu phần thương xót, Dua vừa đi vừa nghĩ trong bụng, đời người đàn bà Mông lấy nhầm chồng có mấy ngày được vui sướng. Sức nặng của bó củi, của đám rau rừng cho lợn hay của những bó cỏ vừa cắt xong mang về cho trâu không để cho Dua kịp nghĩ gì thêm. Dua lại cắm cúi bước đi mặc những tiếng lào xào ở lại sau lưng như gió rừng. Dua câm lặng để làm việc, câm lặng chịu đựng những trận đòn vô cớ của chồng, câm lặng trước những tiếng chửi rủa cay nghiệt của mẹ chồng. Đời Dua như con trâu, con ngựa, như con chó canh cửa nhà người.
Dua thả hết nỗi buồn thương ấy, cả những tình yêu còn sót lại trong trái tim ngày càng dầy thêm sẹo vào những đường thêu trên váy áo. Từ ngày còn ở nhà, Dua đã nổi tiếng khéo tay, những người con gái chưa chồng, cả những người đàn bà ngày mưa gió rảnh rỗi đều đến xem những mẫu hoa lá mà Dua thêu. Cùng chỉ đấy, cùng trên mẫu vải ấy nhưng Dua biết cách kết hợp màu sắc khiến đường thêu trở lên sống động, tinh tế, mỗi một bộ váy do Dua làm ra đều bắt mắt, cuốn hút lạ kỳ. Bây giờ những đường thêu của Dua đầy chắc chắn, Dua không còn dùng những màu chỉ tươi trẻ nữa, cô dùng chỉ tối màu để thêu lên váy những hoa, những lá, những khối hình học với một vẻ đẹp trầm mặc.
Không ít người vẫn thích váy của Dua thêu, họ vẫn thường đặt Dua làm cho những bộ váy để mặc đi chơi tết. Dua coi đó như một cách vừa để giải sầu, vừa để kiếm thêm đồng mua rau, mua muối. Nỗi sầu của Dua không dễ để giãi bày, nhất là khi những người phụ nữ với tính cách cam chịu như Dua trong cộng đồng còn nhiều. Nỗi đau của Dua cũng như của họ, nên quên đi hơn là gợi lại thêm những nhức nhối. Sung không yêu thương vợ, những người phụ nữ bên ngoài hấp dẫn anh ta hơn, không những vậy, chồng Dua còn là một người rất coi trọng tiền bạc.
Sung có một hộp gỗ chuyên dùng cất tiền để trong một cái hòm tôn ở đầu giường. Cái hòm tôn ấy Sung được một bạn đồng nghiệp người Kinh ở miền xuôi mua tặng, là minh chứng cho một thời kỳ cực khổ của Sung khi đi làm ở bãi vàng Chinh Sáng. Sung vốn thông minh, lại sớm ra ngoài làm thuê làm mướn nên cũng nhiễm vào người nhiều thói lưu manh. Mỗi lần bán con lợn, con gà hay bao ngô, bao thóc trong nhà, Sung cầm tiền tất. Trời lạnh, Dua muốn đi chợ mua tý ớt, tý muối thì phải xin tiền Sung, đi mua về còn tiền phải trả lại, thiếu đồng nào là Sung chửi Dua bằng những ngôn từ khiến chính Dua, nếu kể ra còn thấy xấu hổ.
Biết tính chồng như thế, sự tự ái khiến Dua càng phải chăm chỉ hơn. Dua vỡ đất trồng rau quanh nhà, ăn không hết thì mang bán thêm thắt đồng mua mỡ, mua muối. Dua nhận may quần áo thuê để có tiền tự mua vải, mua chỉ may quần áo cho mình. Quần áo truyền thống của người Mông Hoa không dễ may, vì ngoài những phần có thể may bằng vải, thì ở cổ áo, nẹp cổ, tay, xế, thắt lưng, phần thân váy và nhất là phần dưới chân váy tiếp giáp với đoạn vải được vẽ bằng sáp ong rồi nhuộm chàm, thì hoàn toàn phải thêu tay. Chính vì thế muốn làm nhanh một bộ váy áo truyền thống, với một người thợ thuần thục như Dua cũng phải mất tới hai tháng rưỡi.
Khi Dua bụng mang dạ chửa, trong nhà không mấy khi có thịt ăn, Dua vẫn phải làm như con trâu, chẳng mấy khi được nghỉ. Sắp đến ngày đẻ, Dua vẫn vác cái bụng to địu từng lù cở ngô thật nặng từ nương về nhà. Đứa trẻ trong bụng Dua từ khi chưa đẻ ra đã cùng Dua cam chịu cái khổ, nó cũng biết thương mẹ nên đêm đêm Dua không phải trở dậy nhiều lần. Ngày Dua trở dạ, chồng Dua không đi đâu chơi nữa. Dua sinh đôi một trai một gái sau một ngày đau đến chết đi sống lại. Bốn ngày sau, nhà chồng làm lễ đặt tên cho con, mọi người cười nói chúc phúc cho hai đứa trẻ. Niềm vui tưởng như đã tắt trong lòng Dua nhen nhúm trở lại mỗi khi nhìn khuôn mặt bầu bĩnh, nụ cười chúm chím xinh xắn của hai con.
Mùa đông lại về trên núi cao, trời lạnh lắm, rau cải cũng đắng hơn bình thường, còi cọc vì sương muối buốt giá. Ở Chù Khèo cái lạnh thấm hơn vì địa hình cao, từ đây nhìn lên đỉnh núi như chỉ vài bước chân nữa là tới. Đôi buổi sớm tỉnh dậy, người trong bản còn nhìn thấy tuyết vương trắng lớt phớt trên các tán lá thấp. Cái lạnh giá theo từng ngọn gió lùa khắp các ngõ ngách, rét tái tê da thịt. Buổi đêm ấy, Dua trằn trọc vì đứa con gái ốm sốt, Dua dỗ thế nào nó cũng không nín, mãi tới gần nửa đêm nó mới chịu ngủ yên. Dua mệt mỏi nằm thiếp đi. Trong cơn mơ Dua thấy mình mặc một bộ váy đỏ rực, hai đứa con đều mặc váy rồi đi tuốt lên ngọn núi đang cháy, khói đen cuồn cuộn bay lên kín cả bầu trời. Dua gào thét gọi con mà chúng cứ đi như không nghe thấy tiếng của mẹ. Dua bất lực ôm ngực nằm khóc vật vã.
Cơn ác mộng làm Dua choàng tỉnh giấc, bất giác giọt nước từ khóe mắt rơi xuống, cô đã khóc cả trong mơ. Dua sờ vào người con gái trong bóng tối, người nó đã đỡ nóng, tiếng thở nhịp nhịp đều đều. Dua quờ tay xem con trai, bỗng nhiên Dua giật thót mình, người nó lạnh toát, cứng đờ. Một lúc lâu sau Dua mới định thần lại được, đôi tay cô run rẩy sờ lên mặt, lên mũi con. Không có hơi thở ra. Dua thấy trời đất quay cuồng, có ngọn gió lạnh lẽo nào thổi bay hồn vía của Dua. Trời ơi! Dua chỉ kịp thét lên một tiếng rồi ngã vật ra.
Không biết bao nhiêu lâu nữa Dua mới tỉnh, người ta đã mang con trai Dua đi chôn, thằng bé chết không rõ nguyên do, điều ấy càng làm cho Dua đau đớn dằn vặt. Từ ngày thằng bé chết, chồng Dua bỏ nhà đi tối ngày, mẹ chồng Dua không buông tha cho Dua một giây phút nào, ngày ngày bà chửi rủa, chì chiết Dua như thể chính Dua đã giết chết cháu nội của bà. Những nỗi khổ làm Dua càng trầm lặng ít nói, địu con đi làm Dua càng cúi đầu lặng lẽ hơn. Chỉ có tiếng nói bi bô hồn nhiên, nụ cười tươi xinh trên hai má bầu bĩnh, hồng hồng của con gái mới làm cho lòng Dua dịu lại đôi chút.
Sung có một người em trai rất hiền lành tên là Lử. Khi Dua về làm dâu nhà này, Lử mới mười hai mười ba tuổi. Lử biết anh trai mình không tốt nên rất thương chị dâu, nhà có việc nặng Lử thường giúp đỡ chị không quản ngại điều gì. Lử lấy vợ khi con gái Dua vừa lên tám. Vợ của Lử tên là Dề, một cô gái xinh đẹp nhất vùng, lại dịu dàng, khéo ăn khéo nói nên rất được lòng mọi người trong gia đình chồng. Dề về nhà chồng được vài năm đã sòn sòn ba đứa, một trai hai gái. Vợ chồng Lử Dề yêu thương nhau lắm, trong nhà họ chưa bao giờ tắt đi tiếng cười. Dua biết thế, Dua không ghen tị với em dâu, Dua chỉ tủi phận mình.
Lử chăm chỉ lắm, hết mùa làm ruộng làm nương thảo quả là Lử lại đi làm thuê ở xa, Dề ở lại trông nhà trông con cho chồng đi làm. Từ ngày Dề về làm dâu nhà này, Sung cũng chịu khó ở nhà hơn, Lử vắng nhà thì Sung qua giúp Dề những công việc nặng nhọc. Dua coi đó là chuyện bình thường vì giữa Sung và Lử tình cảm anh em rất gắn bó. Mẹ chồng Dua đã già, chân tay đau nhức không đi đâu được, mọi sự bí bức tức tối trong người bà trút cả qua những câu chửi con dâu. Dua nghe đã quen tai, Dua chẳng để vào người mình những câu rỉa rói như dóc xương dóc thịt người nghe ra ấy nữa.
Có lần Dua nghe người chị chồng nói về quan hệ mờ ám giữa chồng mình và em dâu, Dua gạt ngang. Chồng Dua có tồi tệ với Dua thật đấy nhưng cái đầu nó biết nghĩ hơn Dua chứ, còn em Dề nữa, nó thương chồng nó nhất mà, không thể có chuyện kinh khủng như thế xảy ra trong nhà này được. Buổi chiều nọ, có người Kinh vào nhà hỏi mua con lợn, Dua không biết mặc cả lại không hiểu thật nhiều tiếng phổ thông bằng chồng, Dua xuống nhà em dâu tìm Sung. Vừa bước tới cửa, chưa kịp cất tiếng gọi, Dua đã nghe thấy những tiếng động lạ chỗ đặt cối xay ngô ở sau nhà. Dua hồi hộp rón rén từng bước chân theo từng tiếng thở hổn hển như chính mình là kẻ trộm.
Cảnh tượng khiến chính Dua thất kinh hồn vía, chân tay rụng rời: chồng Dua đang cắm mặt vào bộ ngực ngồn ngộn của em dâu, váy của Dề tung lên để lộ phần đùi trắng nõn nà. Dua không dám nhìn tiếp, Dua nấp sau vách nhà, nghe tim mình như muốn ngừng đập. Hai con người đang say tình chỉ biết có nhau vào khoảnh khắc ấy không hề nghe thấy tiếng bước chân vội vã chạy xa dần.
Dua ốm. Từ ngày con trai chết, đây là lần đầu tiên Dua ốm không dậy được. Trong nhà vẫn không ngớt tiếng chửi lầm bầm của mẹ chồng, chỉ có Súa, con gái Dua là chạy đôn đáo, vừa đi học, vừa làm việc nhà và chăm sóc mẹ. Chẳng ai để ý đến nỗi đau giằng xé khiến Dua kiệt quệ gục ngã. Dua đau quá, chồng Dua không mặn nồng với Dua, chê Dua không khéo léo làm chết con. Từ ngày con chết, Sung cũng không thèm động đến bà vợ già đen đúa khổ sở mà đi tìm vui bên ngoài. Sung đi đâu, làm gì Dua thừa biết nhưng Dua mặc kệ, tình yêu với Sung đã chết lâu lắm rồi. Nhưng tại sao? Tại sao lại là Dề? Sung ơi, mày không biết như thế là mày sỉ nhục tao, mày làm như thế là mày có lỗi với em Lử, mày làm tan nát cái nhà này rồi.
Lử về đột ngột, Dua cũng vừa mới gượng dậy đi làm, bông lúa gục đầu, sắp tới mùa gặt bận rộn, Dua không được phép ốm thêm nữa. Dua cố tình tránh mặt Lử. Dua không thể chịu đựng được mỗi khi thấy Lử tươi cười vồn vã hỏi thăm mình. Mỗi lần nhìn thấy Dề, Dua càng không thể giấu được vẻ mặt khinh bỉ. Mọi thứ vẫn bình thường, mọi người vẫn vui vẻ giúp đỡ nhau gặt hết ruộng anh đến ruộng em. Chỉ có Dua là bức bối với những hình ảnh yêu thương giả tạo ấy của người chồng đốn mạt.
Nhìn những cử chỉ quan tâm vợ của Lử ngay trên thửa ruộng vừa gặt, sao mà Dua thấy xót xa đến thế, Dua tự thấy thương mình, thương Lử quá. Thương Lử, Dua càng không thể nói với Lử cái bí mật mà Dua chôn giấu, hãy để một mình Dua chịu đựng tất cả. Nhưng việc xấu không thể che giấu được lâu, nếu ngày nào đó Lử phát hiện ra, Lử sẽ đau đớn đến thế nào đây. Dua ngẩng mặt lên trời, sao người tốt cứ phải khổ sở thế, trời ơi!
Mùa gặt kết thúc nhanh chóng. Những bó rơm được mang về nhà tích trữ vừa làm cái tránh rét vừa làm thức ăn cho con trâu, con ngựa vào mùa đông sắp tới. Những gia đình gặt nhiều không dùng hết rơm thì dồn đống đốt để lấy tro bán cho những người trồng rau dưới trung tâm huyện. Vừa dứt mùa lúa cũng vừa độ chín của thảo quả, nương thảo quả ở rất xa, thường trồng dưới những tán cây của rừng già, đi hái thảo quả xong phải sấy khô rồi mới đeo về, nương gần có khi đi mất hàng tuần, nương xa đi mất gần nửa tháng. Chuẩn bị đồ đạc xong xuôi, Sung và Lử đi nương sấy thảo quả.
Cái lạnh đầu mùa đã theo gió tìm về, lẩn khuất trong cái rét tê tê là nỗi buồn đau mất con của Dua. Dua đổ hết những tâm sự vào đường kim sợi chỉ. Những đường thêu của Dua ngày càng điêu luyện, những bộ váy Dua may mang một vẻ đẹp truyền thống đầy mê hoặc. Nhưng người đặt váy cho Dua may mỗi ngày một ít đi, họ tìm tới những thợ may cách tân với những kiểu vải sặc sỡ hiện đại, may theo kiểu công nghiệp nên một, hai tuần đã xong một bộ vừa vặn với số đo của mỗi người.Dua chẳng lấy thế làm lo lắng, dù sao Dua cũng chỉ có mình Súa nên không cần tiêu nhiều tiền, Dua chỉ buồn thương trang phục cổ truyền ngày càng mai một đi, rồi đây thế hệ sau này liệu ai còn nhớ cách vẽ hoa văn bằng sáp ong, cách nhuộm chàm lên vải, cách thêu hoa văn lên váy. Khi không còn hữu dụng, mọi thứ đều bị loại bỏ. Con người vốn vô tình như thế đấy. Đang mải nghĩ ngợi, chợt kim đâm vào tay Dua đau nhói. Dua còn đang lơ ngơ nhìn giọt máu chảy ra từ tay mình thì bà chị họ chồng chạy vào hớt hải:
- Thằng Sung... Thằng Sung... Chồng mày nó... Nó bắn chết thằng Lử rồi.
Trời đất tối sầm. Dua nhìn thấy ô cửa sổ quen thuộc, nơi mẹ đã dạy cho Dua cách thêu những hoa văn đầu tiên lên váy. Thời gian quay như một thước phim, thoắt cái đã thấy Dua đứng dưới gốc cây đào mốc khóc trước khi tới nhà chồng, nhìn về khung cửa, mẹ lén lau giọt nước mắt mỉm cười với Dua. “Dua ạ, con gái lấy chồng tốt thì cuộc sống tươi đẹp như hoa đào hoa mận nở ngày xuân. Con gái lấy phải chồng ác thì héo úa như cây cỏ mùa đông. Nhưng con ơi, dù xấu dù tốt thì cũng là chồng mình, đừng ăn ở hai lòng cái xấu nó sẽ theo đến, làm người phải ăn ở thẳng ngay như cái bụng người Mông mình xưa nay vẫn thế”.
Lời mẹ dặn Dua trước khi về nhà chồng như xa như gần. Dua lờ mờ mở mắt. Cái thực tại tàn ác vắt kiệt sức lực của Dua, khó khăn lắm cô mới ngồi dậy được, đầu tóc xõa xượi, khuôn mặt bợt bạt. Không phải là Sung cố tình bắn chết Lử. Sung rủ Lử đi bắn chim không may đạn lạc bắn phải Lử. Lử chết ngay tức thì, Sung đã đi tới công an xã để tự thú. Người chị họ đã nói tóm tắt lại sự việc cho Dua hiểu. Dua nhếch mép cười nhạt nhẽo. Dua thầm trách bản thân mình tại sao lại cam chịu, sao lại quá hèn nhát. Giá như ngay lúc gặp Lử, Dua nên nói sự thật cho Lử biết thì có lẽ Lử đã không chết oan nghiệt như thế. Nghĩ đến Lử, Dua bật khóc nức nở.
Người ta đưa Lử về nhà, Lử chết không nhắm mắt, máu nhuộm đỏ quần áo Lử. Dề ngất lên ngất xuống nằm xõa xượi ra nền nhà. Dua lầm rầm nói lời xin lỗi, vuốt tay ba lần Lử mới nhắm mắt. Dua lấy khăn nhúng nước lau rửa người và thay quần áo cho Lử, Lử nằm như đang ngủ, Dua làm mọi việc như một cái máy, cố không để nước mắt rơi vào người Lử. Lử chết vì tai nạn, là một cái chết xấu, người ta dựng một tấm phản ngoài trời trên cái cọc tre cao tầm một mét rồi để thân xác Lử lên đó, ngay trước cửa nhà của Lử. Dua phủ lên người Lử từng lớp vải lanh trắng, loại vải Dua cầm tay nhiều đã quen thuộc:
- Mang tình thương mến đi theo thôi Lử nhé, quên mọi oan trái ở đời kiếp này đi, Lử à...
Dua nói lẫn vào trong tiếng khèn buồn thương đau đớn của đám ma, mọi kìm nén trong lòng Dua lúc này bung cả ra, nước mắt cô đua nhau rơi xuống. Đến bữa, Dua cạy mồm Lử bón một ít cơm, thịt, một ít rượu theo phong tục. Sau hai ngày thì trưởng bản tới vận động đưa Lử đi chôn.
Sung đi tù, Lử chết được vài tháng thì cái bụng Dề cũng nhô lên thấy rõ. Dua dù ghét cay ghét đắng Dề nhưng vẫn qua lại giúp đỡ cho mẹ con Dề. Dua nợ Lử một sự thật, chồng Dua nợ Lử một mạng người. Từ sau khi con trai một đứa chết, một đứa đi tù, mẹ chồng Dua đâm ngơ ngơ ngẩn ngẩn, Dua lại tất bật chăm sóc. Cô không còn thấy căm hận mẹ chồng, chỉ thấy bà, cô và Dề đều là những người phụ nữ đáng thương. Dề sinh con trai được hai tháng, không biết từ đâu mà người trong bản bắt đầu truyền tai nhau câu chuyện Dề ngoại tình với anh chồng và đứa con trong bụng Dề không phải con của Lử.
Dua lần nào nghe thấy cũng gạt phăng đi, dù cô là người rõ nhất, đôi mắt của đứa bé giống đặc Sung. Lòng Dua dậy nên một nỗi bất an mơ hồ. Một buổi tối nọ, Dề bế con sang nhà Dua. Hai người phụ nữ ngồi cạnh nhau, hai bóng hình im lặng trải dài trên nền đất, đung đưa theo ánh lửa bập bùng trên bếp. Không khí đặc quánh, ngột ngạt chỉ có tiếng ọ ọe thích thú của thằng bé. Hai người đàn bà, hai luồng suy nghĩ, ngồi cạnh nhau mà thấy khoảng cách vô hình kéo nhau ra xa lắm. Rất lâu sau, Dề mới cất tiếng:
- Nếu chuyện mọi người nói là sự thật thì chị có tha lỗi cho tôi không?
Dua im lặng. Trong lòng Dua hỗn độn, lời nói của Dề có pha hơi rượu táo mèo nồng đượm những ngọt ngào chua chát chứng tỏ nó đã rất buồn, rất khó khăn mới nói ra được những lời này. Dua biết trả lời Dề thế nào đây. Nói lời tha thứ thì thật có lỗi với Lử, với nỗi đau chồng chất mà bao ngày qua Dua phải gánh chịu. Nói không thì cũng không đúng với lòng mình, hận thù không giúp con người ta sống tốt hơn. Những nỗi đau lớn của đời người đã tôi luyện tâm hồn Dua, nhưng khoan dung với người làm đau mình, Dua vẫn khó lòng thỏa hiệp. Dua cúi mặt nhìn que củi đang cháy dở, mím chặt môi, những giọt nước mắt bật ra, đuổi nhau rơi xuống đất. Dề loạng choạng đứng dậy ra về.
Một buổi sớm, đứa con gái lớn của Dề chạy sang bảo Dua nó gọi mãi mà mẹ không dậy. Dua lật đật chạy sang thì Dề đã chết từ bao giờ, chân tay cứng ngắc, khuôn mặt tím cả lại vì trúng độc trông rất đáng sợ. Dề đã chọn cái chết vì không chịu nổi điều tiếng, vì xấu hổ với dân bản hay vì Dề muốn đi theo Lử bỏ lại bốn đứa con bơ vơ không cha không mẹ. Nửa đêm bế đứa cháu trai mới vài tháng tuổi khóc nhiều vì khát sữa, Dua khóc theo nó. Ở số kiếp khác liệu Lử có tha thứ cho tội lỗi của Dề không? Dề đành lòng đi làm kiếp ve mà bỏ lại các con mồ côi như thế thì mày có sướng hơn không, còn con mày nó khổ, khổ lắm Dề ơi.
Một mẹ già và năm đứa con thơ, mọi gánh nặng đổ lên mình Dua. Dua không than thở, Dua coi các cháu như con ruột của mình, Dua mong muốn tình thương sẽ bù đắp lại những tội lỗi mà Sung đã gây ra. Nhưng những khó khăn về vật chất đã nhanh chóng đốn ngã Dua. Đứa bé nhất ốm vì thiếu sữa mẹ, vì khóc nhiều phải đưa đi viện. Nhà có mấy con gà đã bán hết, còn mấy bao thóc thì không thể bán khi vụ mùa còn xa. Có người quen thương tình chỉ cho Dua mang những chiếc váy cũ ra chợ huyện bán lại cho mấy người buôn hàng thổ cẩm. Bần cùng, Dua để thằng bé cho Súa trông, còn mình mang váy đi bán. Mặc cả qua lại, người ta trả cho Dua một cái váy bằng một phần tư cái mới may. Cầm tiền mà Dua khóc, điều từng khiến Dua tự hào giờ phải bán đi với cái giá rẻ mạt.
Thấy mẹ ngồi thẫn thờ bên giường bệnh, Súa lại gần tỉ tê. Giờ kiểu may của mẹ cũ rồi, người ta không còn thích nữa. Mẹ phải thay đổi, phải sáng tạo nhưng vẫn giữ được truyền thống mẹ ạ. Ví như là vẫn hoa văn ấy, nhưng trên xế mẹ thêu cách đoạn rồi may đáp vải vào hoặc may thêm đăng ten vào viền xế, nẹp áo, viền cổ tay. Chỉ không nên thêu nhiều màu một lúc, ít thôi nhưng nổi bật, tươi mới. Giờ có điện thoại thông minh, tiện lợi lắm, nó giúp con người cách nhau hàng trăm cây số cũng có thể quen biết, nói chuyện với nhau hàng ngày. Mẹ cứ may váy ra đi, con sẽ giúp mẹ bán.
Lời nói của Súa như làm cho Dua bừng tỉnh. Súa được học nhiều cái chữ đầu nó sáng láng, Dua như người đi rừng chết khát gặp được mạch nước trong. Cuộc sống của mấy mẹ con Dua lại có hi vọng rồi. Sau mấy hôm, con út khỏi bệnh, Dua đi mua đồ về làm váy áo, mấy đứa con gái lúc rảnh rỗi đều thêu phụ mẹ. Những cơn gió lạnh lại tràn từ đỉnh núi xuống, sương muối giăng khắp bản, bên khung cửa mấy mẹ con Dua miệt mài thêu hoa lá. Chốc chốc, thằng bé con ọ ẹ, Dua lại cất một giọng trầm ấm yêu thương để ru con. “Ư... à... ư...”.
Nguồn Văn nghệ số 44/2022
Tranh minh họa. Nguồn pinterest. |