Sáng tác

Lửa Thiên Đường. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đình Tú

Nguyễn Đình Tú
Truyện
15:00 | 11/11/2024
Baovannghe.vn - Giấc ngủ không sâu, đã thế lại liên tục bị rơi vào những miền ảo ảnh xa mờ. Hắn thấy Thầy Sư Phụ trở về từ hẻm núi sũng hơi sương. Khuôn mặt thầy hốc hác.
aa
1.

Cái lạnh dai dẳng, tưởng rét nàng Bân rơi rớt lại từ dạo tháng ba, vẫn bất chợt ùa về luồn lách qua khe cửa tìm đến chỗ hắn nằm.

Phủ thêm chiếc áo cũ lên người, hắn rúc đầu vào ngực, nghiêng mình, co người lại để tránh rét.

Nhưng càng co quắp như con tôm luộc thì nền đá hoa trong căn nhà hoang càng rút đi chút thân nhiệt còn sót lại trong cơ thể hắn.

Giấc ngủ không sâu, đã thế lại liên tục bị rơi vào những miền ảo ảnh xa mờ. Hắn thấy Thầy Sư Phụ trở về từ hẻm núi sũng hơi sương. Khuôn mặt thầy hốc hác. Mũi, miệng thầy đều thở ra hơi khói. Ánh mắt thầy sáng rực trong đêm tối. Đó là ánh sáng phát ra từ đôi mắt của loài sói đang rình bắt con mồi kẹt lại bên hốc đá. Một tay thầy cầm cuộn dây thừng, còn tay kia nắm chặt chiếc nỏ đã lên sẵn dây cung. Thầy đưa ánh mắt như nói với hắn rằng, lần này con dê lạc bầy lạc vào chân núi Thiên chắc chắn sẽ phải chết. Hắn cất giọng gọi Thầy Sư Phụ ơi, thầy đừng giết con dê ấy. Đó không phải là một con dê đâu. Đó là bà Hường đấy…

- Này, này, lại sảng à?

Hắn tỉnh dần sau tiếng thì thào lay gọi của người bạn tù, nhận ra lại đang mơ những giấc mơ quái ác. Người ngồi bên cạnh hắn là Tình, biệt danh Tình điên, một phạm nhân mắc án giết người.

Còn hắn tên Đường. Họ tên đầy đủ là Nguyễn Văn Đường. Án gây thương tích.

Cả hai đang trong cuộc trốn trại.

2.

Đêm thứ hai hắn lại mơ thấy Thầy Sư Phụ.

Thầy mặc chiếc áo nâu sòng, ngồi tụng kinh trước bức tượng Phật. Hắn chỉ nhìn thấy thầy từ phía sau. Tấm lưng thầy bất động, toát ra khí lạnh. Tấm lưng ấy mỗi lúc một lớn dần lên, như một bức tường đổ bóng xuống ánh nhìn của hắn, khiến hắn mỗi lúc một ngột ngạt. Rồi hắn thấy máu loang ra từ chỗ ngồi của thầy. Máu chảy đến chỗ nằm của hắn. Loang loáng trên bề mặt có màu đỏ tươi ấy, hắn nhìn thấy khuôn mặt của anh Thiên. Khuôn mặt anh đầy vết xây xát. Mắt anh nhắm nghiền. Không vui, cũng không buồn. Khuôn mặt ấy từng ám ảnh hắn. Bởi hắn từng tự hỏi, khi rơi từ vách núi xuống như thế, liệu anh có đau đớn không? Nếu đau đớn sao khuôn mặt anh không biểu lộ gì? Chỉ như đang ngủ mà thôi.

- Đó là lần đầu tiên mày nhìn thấy người chết hả? - Tình điên từng hỏi hắn như vậy.

Đúng, đó là lần đầu tiên hắn nhìn thấy người chết. Lại là một người anh em thân thiết trong nhà. Cũng chẳng hiểu sao hắn lại tâm sự chuyện đó với Tình. Có lẽ vì Tình là cán bộ văn hóa. Tình hiểu được tâm lý của bạn tù. Tình biết khơi gợi những điều con người ta không dễ nói ra miệng.

Khi hắn vào trại thì Tình đã ở đấy được vài năm rồi. Hắn được xếp chung buồng, chung đội trầm hương với Tình. Tình bảo, để sang được đội trầm hương, tao phải chôn thân hơn một năm ở xưởng mộc. Gọi là đội trầm hương nhưng công việc của bọn hắn không chỉ có khai thác mỗi trầm. Chia nhau ra làm đủ các công đoạn, từ ươm giống đến trồng dó bầu, rồi chờ cây lớn thì cấy trầm, rồi chăm sóc dó, rồi đợi có trầm thì ngả cây khai thác, rồi đục, xổ, tỉa trầm, rồi phân loại trầm… Hắn từng ở núi Thiên, tuổi thơ của hắn ít nhiều cũng gắn với trồng cây nên người ta cho hắn đi trồng rừng là đúng rồi. Còn Tình là cán bộ văn hóa, biết gì về trồng dó bầu mà lại vào đội trầm hương? Nghe hắn nói vậy, Tình điên bảo, chắc họ nghĩ tao là dân văn hoá, mà văn hoá là biết tuốt nên cho tao đi chăm dó bầu, chứ thực ra cả đời tao cũng chưa nhìn thấy mẩu trầm nó thế nào!

Vì sao Tình vào tù?

Tình kể, mẹ nó chứ, mang tiếng là đàn ông làm ở sở văn hoá mà chẳng thằng nào có nổi con vợ đạt điểm 5. Toàn xấu mù. Xấu nhất là vợ của tay giám đốc, sếp tao. Mà mày đừng nghĩ tao là cán bộ văn hoá gì ghê gớm. Tao chỉ là thằng lái xe cho sếp thôi, nhưng con vợ tao lại xinh. Vợ tao chả làm gì, học hành lăng nhăng nên ở nhà bán hàng online. Một lần, vợ tao xin đi nhờ xe sếp ra sân bay lấy hàng xách tay về bán. Sếp cứ nhìn vợ tao rồi bảo, đúng là đời đểu thật, hoa nhài chỉ để cắm bãi cứt trâu. Lúc xuống xe, vợ tao bảo, cái thằng chó ấy nó nói thế mà anh để yên à? Tao bảo: “Một đời ta bằng ba đời nó, em chấp làm gì với cái loại vô văn hóa ấy. Nó có tiền, có quyền, nhưng vợ nó xấu nên nó hận anh. Anh chấp đàn ông cả họ nhà nó cũng không lấy được vợ đẹp như em”. Thế rồi tự nhiên sếp bảo tao đi học tại chức đại học văn hóa. Để có cơ hội phát triển chứ định cầm vô lăng cả đời à? Ông ấy nói với tao thế. Vậy là tao chuyển sang phòng hành chính. Ban ngày tao đến cơ quan pha trà, lắp bóng điện, sửa máy tính, kiểm tra nhà vệ sinh. Buổi tối cộng với hai ngày nghỉ cuối tuần tao đi học tại chức. Thỉnh thoảng lại thấy ông ấy cho tiền. Cầm lấy mà đóng học phí, thừa thì tiêu vặt, giờ nghỉ chạy xe chả có phong bì, có khi thèm ly cà phê cũng chẳng dám uống. Tự nhiên sếp lại tốt thế chứ. Rồi một hôm thằng cu lái xe điện cho tao, nó bảo đau bụng quá, không chạy đi đón sếp được, tao quen xe chạy đi đón sếp hộ nó. Ừ thì đi. Mà đón ở đâu? Ở nhà nghỉ ngoại ô của sếp. Chỗ đó thì tao biết rồi. Đến nơi, thấy căn biệt thự vẫn sáng ánh đèn, chắc sếp đang ngồi chờ trong đó. Tao đã quen với việc vào nhà xách đồ ra cho sếp. Nhưng bước tới cánh cửa bên hông căn nhà thì tao thấy đôi giày màu xanh của vợ đang nằm ở đó. Tao bước vào nhà thì nghe thấy giọng nói quen quen ở tầng trên. Tao đi hết cầu thang, lên tầng hai thì nhìn thấy sếp, như một con cóc ghẻ, đang dập dềnh mây gió với một thân hình trắng mềm như bông ngay trên chiếc sô pha kê ngoài phòng ngủ. Nhìn kỹ, tao nổ máu mắt vì cái thân hình trắng mềm như bông nằm dưới sếp lại chính là… là…

“Thế là anh lao đến đập ông ấy à?”, hắn hỏi.

Tình điên bảo, im mẹ đi, để tao kể nốt. Tao lẳng lặng chạy xuống bếp cầm con dao lên. Tao lia đúng một nhát, cái tai thằng sếp rời ra. Máu từ đầu con cóc ghẻ nhểu xuống, loang lổ khắp cái thân hình trắng mềm như bông lúc này đang lả đi vì sợ. Tao bỏ cái tai vào cốc đá lạnh, mang về. Tao giao hẹn, muốn chuyện không vỡ lở, muốn yên ổn mà làm lãnh đạo thì mang một tỉ đến nhà tao lấy tai về. Thằng đểu ấy cho người mang tiền đến thật. Đúng một tỉ. Rồi trốn biệt trong viện 5 ngày. Đến ngày thứ sáu, lại đi làm như thường. Một bên tai đeo băng trắng toát, nhưng sếp vẫn ngồi chủ trì một cuộc họp quan trọng ở cơ quan, như không hề có chuyện gì xảy ra cả.

“Anh đúng là điên thật! Lại nghĩ ra cách cắt tai thằng ngủ với vợ mình để đòi tiền nữa? Em mà thế chắc xiên luôn chứ chẳng để yên được”, hắn nói. Tình bật cười chua chát, điên cái đéo gì, nghèo thì lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền thôi. Lại làm thằng phục vụ quen rồi, căn tính nô tì nó ăn vào máu, cũng chẳng dám mạnh tay với sếp. Với lại tao nhớ có lần xem phim Mĩ, thấy chúng nó xử nhau như thế. Tự nhiên tao cũng làm theo. Mấy hôm sau tao mới xử đến con vợ. Tao hỏi nó giờ muốn gì? Nó bảo, tôi mang thân ra để đánh đổi cho chồng từ lái xe sang làm cán bộ văn hóa, giờ anh còn trách gì tôi? Tao bảo, thế hóa ra mày ôm ấp con cóc ghẻ ấy là vì chồng hả, cao cả nhỉ! Con vợ nó bảo, ông ấy hứa cho anh đi học, rồi sau này đỡ đầu anh lên đến trưởng phòng, như thế tôi không vì anh thì vì ai? Tao lao vào bóp cổ nó. Hai đứa vật lộn nhau. Nó chạy ra ngoài rồi rơi từ ban công tầng tư xuống. Mẹ, cái nhà tập thể kiểu cũ ấy mà. Đưa vào viện nhưng không cứu được. Chết. Tao thành kẻ giết vợ.

Lửa Thiên Đường. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đình Tú

Lửa Thiên Đường - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đình Tú

3.

Vệt máu loang ra xung quanh chỗ nằm của hắn.

Hắn nhìn thấy Thầy Sư Phụ cùng hắn lom khom bên cây cột gỗ nơi có mấy bụi xương rồng. Khi đó hắn mới chỉ là đứa bé mười ba tuổi. Hắn cùng Thầy Sư Phụ hí húi tô tô, viết viết trên tấm gỗ dài chừng hơn mét, xong việc hắn trèo lên cây cột gỗ treo tấm biển lên.

Dòng chữ Thiên Đường Tịnh Am hiện ra trong trời chiều nhập nhoạng.

Thiên Đường Tịnh Am có từ bao giờ? Không biết. Ai là người lập ra ngôi cổ miếu đó? Không biết. Ai là người trùng tu, xây dựng, trông coi am nhỏ hoang phế ấy? Thầy Sư Phụ. Thầy Sư Phụ là ai? Là người nuôi hắn. Hắn là thế nào với Thầy Sư Phụ? Câu hỏi này, quả thực, hắn chỉ đặt ra và bắt đầu suy nghĩ về nó vào cái ngày anh Thiên chết.

Còn trước đó, hắn chỉ biết rằng, hắn, chị Thủy, anh Thiên, em Hạ và em Giới là năm đứa trẻ được Thầy Sư Phụ mang về nuôi. Không phải nuôi theo kiểu một gia đình. Cũng không phải nuôi theo kiểu mở lòng từ bi nơi cửa chùa. Vậy thì nuôi như thế nào? Kể cũng nhập nhằng, khó giải thích thật. Chẳng thể nào nói một, hai câu là xong chuyện. Phải lần giở lại nhiều chục năm về trước. Tóm lại, kể một cách ngắn gọn nhất là như thế này: Thầy Sư Phụ vốn là một nhà thầu xây dựng. Thầy từng có vợ con và sống khá giả ở một thành phố sầm uất ven biển. Nhưng rồi một ngày, thầy ngộ ra cái lẽ sống riêng của thầy. Thầy bán nhà, bán xe, bỏ lại gia đình, tìm lên một tỉnh trung du, vào thôn Đường, xã Xích Thổ, thuê cả trăm ha đất trống đồi trọc, lập trang trại, sống một mình, dưỡng trí tu thân. Thầy không chỉ trồng cây, gây rừng, tự cấp tự túc mà còn khép mình tự kỷ, an bần lạc đạo. Đạo gì? Chả biết là đạo gì. Đạo của riêng thầy. Nó không có tên. Thầy bảo, nói nó là đạo thì là đạo, còn nói đơn giản thì nó chỉ là một lối sống. Thầy ngộ, thầy chứng, thầy hành và thầy hưởng phúc từ cái đạo ấy. Thầy vừa là người lập đạo, vừa là người hành đạo, lại vừa là đạo tử. Trong đất của thầy có ngọn núi Thiên. Trên núi Thiên có một cái am nhỏ, đổ nát, bỏ hoang. Thầy tu sửa lại, biến nó thành chỗ thờ phụng, cũng là nơi bám níu cho niềm tin còn đang rất mông lung trong thầy. Rồi thầy dựng một căn nhà gỗ, quét sơn màu đỏ, rộng rãi, khang trang, ngay dưới chân núi, cạnh con suối cạn. Đất của thầy được cấp đến đâu thầy lấy dây thép gai căng đến đó. Quây tạm thế thôi chứ sợi dây thép đơn chiếc, mỏng manh ấy chẳng ngăn được bước chân ai. Thầy trồng keo và bạch đàn. Thầy nuôi cả một đàn dê nữa. Thầy đặt tên cho trang trại của mình là Thiên Đường. Chả phải ý nghĩa to tát gì ghê gớm. Chỉ là ghép lại tên của ngọn núi Thiên và thôn Đường. Cái am trên núi Thiên sau khi sửa lại, nhìn xa xa thấy thấp thoáng mái đao ẩn mình trong sương núi, dân thôn Đường thuận miệng gọi là cái chùa. Ừ thì cứ coi như đó là một ngôi chùa cũng được, chẳng ai thèm quan tâm tới gốc tích của nó làm gì. Chùa nằm trong trang trại Thiên Đường nên người ta cũng gọi là chùa Thiên Đường. Cả chục năm trôi qua, chùa không phải là chùa, sư chẳng phải là sư, không có giáo hội nào công nhận cơ sở thờ tự này. Nhưng người dân ở trong thôn Đường cứ rủ nhau lên chùa thắp hương vào ngày rằm, mùng một. Trong chùa, ngoài bức tượng Phật bằng gỗ, còn có một bức tượng đá do chính tay thầy tạc nên. Bức tượng nhìn hướng nào cũng thấy xù xì, thô ráp, chưa rõ hình hài, không biết là con người hay con vật nữa. Đáng lẽ thầy phải đẽo gọt tiếp cho nó ra một hình thù gì đó nhưng rồi thầy bỏ đấy, kệ nó lay lắt dưới chân tượng Phật. Lâu ngày hương khói ám lên, nhìn vào bức tượng người ta thấy dường như cũng có gì đó linh thiêng. Tiện mồm, thầy bảo đó là thần núi Thiên. Lại tiện mồm, thầy kể, trong một lần nằm mơ thầy gặp thần núi, nhưng tối quá không nhìn rõ mặt nên chỉ tạc lại nhang nhác thế thôi. Dân quanh vùng kháo nhau là chùa Thiên Đường thiêng lắm. Ai lên chùa cũng chắp tay cung kính trước thầy. Gọi thầy là sư ông. Thầy một mực thanh minh, rằng thầy không phải cao tăng, thầy chỉ là một áo vải chân tu mà thôi…

“Tao nghe mày kể mãi mà sao vẫn chưa thấy cái mặt mày thò ra thế?”, Tình điên bảo.

Thì đã nói là đừng hỏi lai lịch xuất thân mà! Nó rối rắm, lằng nhằng, khó kể lắm, chẳng biết đâu là bắt đầu và đâu là kết thúc nữa. Tóm lại là (lại tóm lại, bao nhiêu lần tóm lại vẫn chưa kể xong chuyện đời hắn) sau khi có chùa Thiên Đường thì bắt đầu có những phận người khốn khổ trôi dạt đến với thầy. Đầu tiên là bà An. Bà ở đâu, làm gì, không ai biết. Chỉ biết bà ở với Thầy Sư Phụ từ rất sớm. Người ta vẫn quen nhìn thấy hình ảnh bà và hai đứa con của bà đi lại, làm lụng trong trang trại Thiên Đường với thái độ ẩn mình, yếm thế. Hai đứa con của bà An cao đến ngực thầy, chịu thương chịu khó, hay lam hay làm, gánh nước, thổi cơm, nuôi gà, chăn dê việc gì cũng tháo vát cả. Đứa lớn là gái, mười tuổi, tên Thủy. Đứa bé là trai, bảy tuổi, tên Thiên. Cả hai cái tên đó đều do thầy đặt. Còn mấy mẹ con bà An thì gọi thầy là Thầy Sư Phụ.

Sau bà An là bà Hường. Bà Hường ở đâu, làm gì, cũng không ai biết. Chỉ biết khi đến nương nhờ dưới mái nhà gỗ của Thầy Sư Phụ thì bà cũng có hai đứa con. Đứa lớn là một thằng con trai, tên Đường, chính là hắn. Đứa bé là con gái, bị câm bẩm sinh, tên Hạ. Cả hai cái tên đó cũng do Thầy Sư Phụ đặt. Đường kém anh Thiên 7 tuổi, kém chị Thuỷ 10 tuổi, hơn em Hạ 5 tuổi. Căn nhà gỗ sơn đỏ bao bọc từng ấy con người, nuôi nấng họ một cách kín đáo và thiện lành, chí ít là như thế, cho đến khi Đường nhận ra là hình như hắn đang sống trong một màn sương bí ẩn bao trùm.

“Hình như mày còn một đứa em nữa cơ mà?”, Tình điên bảo.

Đúng, khi anh Thiên 19 tuổi thì hắn 12 tuổi, chị Thủy 22 tuổi. Chị Thủy được Thầy Sư Phụ gửi xuống Hà Nội học may. Khoảng một năm sau thì chị Thủy về. Chị bế theo một đứa bé trai. Bà An vạch khắp người đứa bé để xem. Rồi xem kỹ khuôn mặt thằng bé. Xem xong, bà hộc lên một tiếng chạy về phòng nhét quần áo vào một cái túi vải, khoác lên người, bỏ đi. Anh Thiên chạy theo. Hai mẹ con giằng co một hồi ở chân núi. Rồi ôm nhau khóc. Đến tối muộn chỉ thấy một mình anh Thiên quay lại căn nhà gỗ. Không thấy bà An đâu nữa. Cả đêm hôm ấy, Thầy Sư Phụ tụng kinh trên chùa Thiên Đường.

Cả tuần sau đó anh Thiên trở thành một con người khác. Ưu tư. Trầm lặng. Đêm nào anh cũng ra sau đỉnh núi Thiên ngồi bất động cho đến sáng. Hắn để ý thấy anh hay ngắm trộm đứa bé con chị Thủy khi nó ngủ trong nôi. Cho đến một buổi sáng. Thầy Sư Phu cõng anh Thiên về. Trên người anh đầy máu. Thầy bảo anh ngã sau vách núi. Anh cứ nằm yên như thế trên chiếc giường mà anh và hắn vẫn thường ôm nhau ngủ. Người anh cứng dần. Thầy Sư Phụ lắc đầu bảo, chết rồi. Hắn ôm đầu tự hỏi, khi rơi từ vách núi xuống như thế, liệu anh có đau đớn không? Nếu đau đớn sao khuôn mặt anh không biểu lộ gì? Chỉ như đang ngủ thôi.

Chôn cất anh Thiên xong thì chị Thủy bỏ đi. Hình như chị biết bà An đang sống ở đâu. Có lẽ chị đi tìm bà ấy. Hắn đã nghĩ như thế. Nhưng chị Thủy không về nữa. Đứa con mấy tháng tuổi của chị để lại cho Thầy Sư Phụ nuôi. Thầy Sư Phụ đặt tên cho đứa trẻ là Giới. Bà Hường là người thay chị Thủy chăm sóc đứa bé. Hắn cũng muốn bế đứa bé vì trông nó rất đáng yêu. Một lần đang bế, hắn nhìn thấy bàn tay phải của thằng Giới có tật ở ngón út. Hắn cầm lên, nhìn kỹ. Hắn thảng thốt. Bàn tay của em Giới có sáu ngón.

4.

Từ khi nhìn thấy bàn tay sáu ngón của em Giới, hắn luôn có cảm giác cuộc sống ở ngôi nhà gỗ sơn đỏ thật ngột ngạt.

Thầy Sư Phụ cũng càng ngày càng trở nên thần thánh đến mức xa lạ với đám con cháu trong nhà. Thầy không còn quan tâm đến việc trồng cây gì, nuôi con gì trong đất của thầy nữa. Thầy trả bớt đất lại cho xã. Thầy chỉ giữ lại khoảnh đất dưới chân ngọn núi Thiên. Hai bên bờ suối cạn thầy trồng ngải. Đó là thuốc chữa bệnh của thầy. Ngoài ra thầy muốn dành thời gian cho việc tu tập. Thầy ăn chay, tập võ, đọc kinh, thông linh với thần thánh, và chữa bệnh cứu người. Kinh thầy tụng hàng ngày cũng rất đơn giản. Chỉ là những câu lục bát biến thể được biên lại từ những câu trong kinh Pháp Cú. Đấy là đạo của thầy. Thầy không truyền đạo, cũng không thu nhận đệ tử. Số phận nào không may mắn dạt đến cửa nhà thầy thì thầy dang tay ra bảo bọc. Thầy không mong là thánh nhân nhưng sự nổi tiếng của ngôi chùa nhỏ trên núi Thiên mỗi lúc một bay qua khỏi ranh giới thôn Đường, trở thành điểm đến tâm linh của rất nhiều người. Khách thập phương rầm rập tìm về. Ngôi chùa ấy thiêng không phải vì có tượng Phật to. Cũng không phải vì có cao tăng đắc đạo. Thầy không nhận mình là sư, cũng không bảo mái am nhỏ đơn sơ kia là chùa. Thầy gọi nó là Tịnh Am. Tịnh Am này thiêng vì nó thờ thần núi. Tịnh Am này linh vì nó có thể cứu vớt được chúng sinh lỡ sa vào khổ bệnh. Nó chỉ là một am nhỏ tĩnh lặng trên đỉnh núi Thiên. Mặc dù thầy có khả năng thông linh với thần núi nhưng thiêng hay không thiêng, linh hay không linh, là do người đời tự vọng tưởng mà tìm đến thôi.

Ngôi nhà gỗ sơn đỏ của Thầy Sư Phụ không biết từ bao giờ trở thành nơi chữa bệnh. Lại chỉ chữa một loại bệnh, ấy là phụ nữ vô sinh. Vô sinh bẩm sinh hay vô sinh thứ phát, cứ gặp thầy là khỏi. Nhẹ thì vào phòng ngải một lần, nặng thì vào thêm đôi ba lần nữa, về nhà sẽ thụ thai và sinh con. Phòng ngải là căn phòng đặc biệt, nằm ở cuối dãy hàng lang dẫn ra từ căn nhà gỗ. Trong phòng chỉ có một chiếc giường mét tư với đệm ngải, gối ngải, chăn ngải. Đều là thứ lá ngải khô, ép mềm, lồng làm ruột bên trong các loại vải. Trên tường thì treo đầy những bó ngải tươi. Người bệnh được mời vào phòng, nằm yên trên giường, thầy sẽ cầm điếu ngải bẻ đôi, châm lửa, hơ khắp vùng bụng dưới, xuống tới cả cửa mình. Vừa làm miệng thầy vừa lầm rầm điều gì đó, đến khi người bệnh thấy trong bụng cuộn lên như có ai thọc tay vào thì thầy vứt điếu ngải vào chậu nước, dập khói, đứng dậy. Tiện tay, thầy phủ chăn lên người bệnh nhân, bảo khi nào hết đau thì mặc quần áo vào, ra về.

Nhưng không phải ai cũng được thầy nhận chữa. Khách đến đông mà phòng ngải chỉ có một. Càng ngày, phòng ngải càng chọn mặt người bệnh mới chịu mở cửa. Những quí bà quí cô ở xa, phải chầu chực nhiều ngày ngoài thị trấn, xe đưa xe đón náo động cả thôn Đường, thường sẽ là đối tượng được thầy ưu tiên. Phòng ngải chính thức được đưa vào sử dụng sau cái ngày Thầy Sư Phụ và hắn hì hục dựng lên tấm biển Thiên Đường Tịnh Am dưới chân núi. Hắn cũng là đứa trẻ được thầy giao cho việc dọn dẹp, sắp xếp phòng ngải mỗi khi có khách. Nhiều quí bà, quí cô sau khi rời phòng ngải đã quay trở lại căn nhà gỗ sơn đỏ cảm ơn Thầy Sư Phụ. Họ thường đi cùng chồng, mang theo những món quà giá trị, có khi là cả cây vàng. Người duy nhất không tin khả năng chữa bệnh của Thầy Sư Phụ chính là bà Hường. Bà thường có những cuộc cãi vã với thầy sau những lần thầy ở trong phòng ngải với khách quá lâu. Hình như có lần thầy đã đánh bà Hường. Bà mang khuôn mặt tím bầm, nửa đêm vào phòng hắn, ôm hắn rất lâu. Sáng hôm sau cái Hạ chạy sang dùng ngôn ngữ bàn tay cho hắn biết là đêm qua bà Hường không về ngủ với nó. Hắn vội lao ra khỏi căn nhà gỗ, theo con đường đất chạy một mạch tới thôn Đường. Nhưng người dân thôn Đường bảo bà Hường đã đi xe ôm ra thị trấn rồi. Hắn nhờ người chở ra thị trấn. Người ta lại bảo bà Hường bắt xe khách đi Hà Nội rồi. Hắn mong là bà Hường sẽ không đi mãi. Tối muộn hôm ấy hắn mới trở về. Sáng hôm sau hắn dắt cái Hạ ra chân núi ngồi nhìn về phía thôn Đường. Nhìn rất lâu, nhưng không thấy bóng dáng bà Hường trở lại.

Bà Hường đi, thiếu một bàn tay phụ nữ quán xuyến công việc của trang trại Thiên Đường. Thầy Sư Phụ lại nhận thêm một người phụ nữ khác vào ở. Hắn gọi người phụ nữ đó là dì Trinh. Dì Trinh lại mang theo những đứa con của mình đến ở cùng. Cứ như vậy, Thiên Đường Tịnh Am luôn luôn có những người phụ nữ và những đứa trẻ đến ở. Sau dì Trinh còn những ai nữa, hắn cũng chả nhớ nổi. Họ cứ đến rồi đi. Họ coi căn nhà gỗ sơn đỏ dưới chân núi Thiên như quán trọ. Còn hắn, hắn cũng mong đến một ngày có thể rời khỏi đó để đi tìm mẹ. Tìm được bà Hường nhất định hắn sẽ hỏi xem hắn là ai, từ đâu đến, có phải Thầy Sư Phụ là bố của hắn không? Chỉ có đi thật xa, bay thật cao, khi ấy nhìn lại mới có thể vén màn sương bí ẩn đang bao bọc cuộc đời hắn.

Nhưng phải đợi đến năm mười chín tuổi, hắn mới có cơ hội rời khỏi trang trại Thiên Đường.

Người đưa hắn đi khỏi đó là một quí cô bốn mươi tuổi, bước ra từ phòng ngải. Quí cô hứa cho hắn về Hà Nội, cho hắn đi học lái xe, cho hắn mượn tiền mua xe, cho hắn một cái nghề để sống mà đi tìm bà Hường, đó là nghề lái taxi.

Thế là hắn đi. Thầy Sư Phụ cũng chả trách hắn một lời. Thầy còn nhắn tin là, nếu cần tiền thì cứ nói với thầy. Cần tiền mua ô tô thầy cũng cho. Muốn làm việc ở thành phố thì cứ làm, không cần phải về núi Thiên nữa. Miễn là đừng lụy người ta. Hắn không nghe lời thầy. Hắn lụy người ta. Người ta cho hắn ăn ở, cho hắn xe, cho hắn nghề, hắn cũng phải cho lại người ta cái gì chứ. Nhưng hắn có gì để cho? Hắn chỉ có thân thể cường tráng cùng dòng máu sôi sục của một cậu trai đang lớn. Người ta cần cái hừng hực ấy của hắn. Thì hắn cho. Nhưng quí cô Bốn mươi kia còn có chồng. Cái hắn cho hơn hẳn cái mà chồng cô ta cho. Thế nên quí cô Bốn mươi nuôi hắn như nuôi thú cưng. Nuôi đủ đầy. Nuôi chăm chút. Nuôi chiều chuộng. Chỉ có điều là phải nuôi bí mật. Sống như thế mãi cũng chán. Cho mãi theo kiểu trả ơn cũng nhàm. Hắn đã trưởng thành, đã kiếm ra tiền. Hắn không muốn phụ thuộc. Hắn tìm cách rời khỏi quí cô Bốn mươi. Rồi hắn gặp được người con gái hắn yêu. Quí cô Bốn mươi chặn đường đánh ghen. Hắn không kìm được cơn nóng giận. Hắn ném cốc nước vào mặt quí cô. Ai ngờ cốc nước ấy làm hỏng mắt và xé rách một bên mặt của quí cô Bốn mươi. Thương tích rõ là trầm trọng. Thế là hắn bị bắt. Bị ra toà. Bị xử về tội cố ý gây thương tích.

“Nhưng anh có biết, đi tù, em buồn nhất là gì không?”, hắn hỏi Tình điên.

“Là chưa được ngủ với người mày yêu?”, Tình điên hỏi lại hắn.

“Không phải. Em vẫn chưa tìm được bà Hường. Em vẫn chưa biết em là thằng chó nào ở trong cõi đời này”

“Gốc gác thân phận một con người cũng giống như gốc gác một dân tộc, tìm hiểu cho ra ngọn ngành chẳng dễ đâu, như sợi dây không đầu không cuối vậy, ông thầy dạy văn hóa đại cương của tao bảo thế”.

Lần đầu tiên hắn nghe Tình điên nói một câu, nghe ra rất giống cán bộ văn hoá.

5.

Ngay cả khi cơn mưa rào gây sụt đường, lở núi, cắt ngang lối về trại khiến đội trầm hương phải ở lại trong rừng, hắn vẫn không nghĩ là Tình điên đã có ý đồ trốn trại từ lâu.

Chỉ chờ cho cơn lũ ống ào tới, khoét rộng dòng suối ra, nước dâng lên tràn bờ, là Tình điên chạy tới góc lán, cầm lên vỏ bình lavi rỗng, lao ra ngoài. Nhưng hắn đã đứng chặn ngay trước cửa lán. Hầu như cả đội đều đang túm tụm ở mấy cái lán phía bên kia suối. Căn lán bên này chỉ có hắn và Tình. Công việc của hai đứa hắn là tỉa trầm. Bộ đục 8 lưỡi được làm bằng thép dẻo vẫn đang bày giữa nền đất. Xung quanh, những cục dó bầu khô vứt ngổn ngang như củi tạp. Tỉa trầm là công việc buồn tẻ và mòn mỏi nhất mà những phạm nhân như hắn phải đối mặt hàng ngày. Lưỡi đục lách vào cục dó bầu một cách lẹ làng khéo léo tước bỏ đi lớp vỏ gỗ, để lộ ra những mẩu trầm bé tí ở bên trong. Cả ngày ngồi tỉa, phoi gỗ ngập cả mắt cá chân cũng chỉ được vài lạng trầm khoan hạng ba. Gọi là trầm hạng ba vì nó là trầm nhân tạo, trầm do con người cấy vào cây dó bầu mà hình thành, khác với thứ trầm tự nhiên có sẵn trong rừng già. Dó được trồng từ nhiều năm trước, rải rác khắp nơi, đến ngày ra trầm thì bọn hắn tới hạ cây, cắt thành từng khúc, mang về tỉa dần. Thỉnh thoảng, gặp phải cây dó bầu chết khô trong rừng, đội của hắn phải hạ trại, dựng lán rồi chia nhau ra cưa, đẽo, xổ, áp, tỉa trầm ngay tại chỗ. Phải làm rốt ráo trong ngày. Không xong thì tống hết vào túi vải đặc dụng, khuân xuống chân núi, xe của trại sẽ bốc về. Các đội xuất trại không được phép qua đêm ở bên ngoài. Đó là nguyên tắc. Nhưng hôm nay cơn lũ bất thình lình đổ xuống, dòng suối dâng lên như một con sông nhỏ, đội trầm hương của hắn bỗng chốc bị chia cắt làm đôi. Hầu hết các thành viên trong đội, kể cả quản giáo đều ở phía bên kia con suối. Bên này chỉ có hắn và Tình. Nhưng Tình định ôm bình lavi rỗng lao đi đâu? Trốn trại chăng?

“Tao phải ra ngoài. Tao có việc cần làm. Rồi tao sẽ quay về trại với mày”, Tình điên nhìn hắn bằng ánh mắt van vỉ.

“Đi bằng cách nào”, hắn hỏi.

“Tao tính rồi. Lần trước có thằng trượt chân xuống suối mà trôi ra tít con sông ngoài thị xã. Lần này nước đang lên, mày cũng coi như tao trượt chân xuống suối là được. Tao phải đi”, Tình điên vừa nói vừa đảo mắt nhìn sang bên kia suối.

Hắn liếc mắt về phía góc lán. Vẫn còn một cái vỏ bình lavi rỗng nữa. Hắn nhấc vỏ bình lên, bảo: “Tao cũng đi”. Thế là hai thằng cùng lao ra dòng suối, ôm chặt bình nước rỗng làm phao, nhảy ùm xuống đó. Cứ theo dòng chảy thì con nước sẽ đưa hai thằng ra tới khúc sông rìa thị xã. Nhưng Tình kéo hắn lên bờ sớm. “Nghe tao, lên đoạn này”. “Hướng này quay về trại giam?”. “Ừ, đi ngược lại một tí, rồi cắt rừng ra quốc lộ, ở đó có xe chạy các hướng, chứ trôi ra thị xã thì chỉ có chui đầu vào rọ, cảnh sát trại giam đứng sẵn rồi”.

Hắn phó thác mọi sự cho Tình điên.

Hắn theo chân Tình đến ngày thứ ba thì dạt vào căn nhà bỏ hoang này.

Tình bảo hắn trốn trong nhà, tuyệt đối không được thò mặt ra ngoài. Mọi việc cứ để Tình lo. Quần áo, đồ ăn, thậm chí cả điện thoại di động 4G nữa, Tình đều kiếm về cho hắn dùng. Đây là quê Tình nên Tình thông thuộc đường đi lối lại. Tình còn có nhiều anh em họ hàng nữa. Trong lúc Tình chạy đi lo việc, hắn chỉ ăn rồi ngủ. Trời cứ lay phay mưa, mát giời nên hắn ngủ cả ngày lẫn đêm. Trong giấc ngủ hắn thường mơ thấy những hình ảnh ở Thiên Đường Tịnh Am. Tình thường về vào lúc hắn ú ớ mê sảng. Lần này cũng vậy. Tình lay hắn dậy khi hắn đang mơ thấy cảnh Thầy Sư Phụ giương cung lên nhằm vào con dê núi. “Anh xong việc chưa?”, hắn hỏi. Tình gật đầu: “Xong rồi”. Hắn lại hỏi: “Việc gì?”. Tình bảo: “Mày còn nhớ chuyện tao kiếm được một tỉ từ cái tai của sếp không?”. Hắn bảo: “Nhớ”. Tình bảo: “Tao giấu tiền ở đây, một chỗ rất kín, chỉ tao mới biết. Nhưng chỗ ấy giờ không an toàn nữa. Tao phải về lấy ra để đưa bà già. Con tao đang gửi bà già nuôi”. Hắn hỏi: “Thế giờ tính sao? Đi tiếp hay quay về trại?”. Tình đưa một cọc tiền cho hắn, bảo: “Mày đi đi, tao ra công an xã đầu thú”. Hắn nhổm dậy, nhìn ngó phía ngoài căn nhà hoang một lúc rồi nhét tiền vào túi, bước ra cửa. Hắn dời đi được một đoạn thì Tình điên chạy theo. Giữa bãi cỏ cao lút đầu người, Tình hỏi: “Mày định đi đâu?”. Hắn vừa bước đi vừa đáp: “Về Thiên Đường Tịnh Am”. Tình bảo: “Không trốn được đâu, rồi cũng lại bị bắt thôi”. Hắn bảo: “Em không trốn, em về đó để làm một việc cần làm”. Tình dừng lại, nói với theo: “Việc gì? Sao tự dưng lại muốn làm vào lúc này?”

Hắn khựng lại một chút rồi lại bước đi. Tại sao ư? Một tuần trước em Hạ lên trại thăm hắn. Em đẫy đà như một thiếu phụ đang nuôi con thơ. Em dùng hai bàn tay nói cho hắn biết rằng em đã sinh em bé. Em mở điện thoại ra cho hắn xem hình ảnh đứa bé trai bụ bẫm đã được hơn một tuổi. Em còn hồn nhiên khoe với hắn là em bé có bàn chân bên phải rất đặc biệt. Đó là bàn chân có sáu ngón. Tim hắn như có người bóp nghẹt lại, không thở được. Hắn nhớ đến bàn tay của em Giới. Hắn cũng nhớ đến hình ảnh bà An gào lên trước khi dời bỏ núi Thiên. Không phải tự nhiên lại có những đứa trẻ kỳ dị như vậy xuất hiện trong Thiên Đường Tịnh Am. Đó là kết quả của tính giao cận huyết. Hắn đã lờ mờ biết về điều ấy từ nhiều năm trước. Nhưng đến bây giờ thì hắn đã hiểu tại sao anh Thiên lại phẫn uất đến mức phải tìm đến cái chết sau khe núi. Hắn muốn phá tung cửa nhà giam để chạy về Thiên Đường Tịnh Am. Nhưng hắn phải chờ đến ngày Tình điên vượt ngục mới có cơ hội bỏ trốn theo. Lý do ư? Tình điên có cần biết lý do hắn trốn trại không? Thiên hạ này có cần biết lý do hắn trốn trại không? Không, mình hắn biết là đủ.

6.

Một ngày sau khi Tình điên và hắn chia tay nhau, tin tức về phạm nhân vượt ngục Nguyễn Văn Đường đang khống chế 6 con tin trong ngôi nhà gỗ ở Thiên Đường Tịnh Am bùng nổ trên tất cả các mặt báo và mạng xã hội.

Vòng vây của công an ngay lập tức xiết chặt quanh chân núi Thiên, các chuyên gia tâm lý tội phạm cũng được huy động đến để thuyết phục Đường mở cửa ra hàng.

Nhưng xăng đã được tưới khắp ngôi nhà gỗ sơn đỏ. Đường không có ý định ra hàng. Hắn muốn hỏa thiêu ngôi nhà và chết cùng 6 con tin mà hắn đang khống chế.

Lực lượng đặc nhiệm với súng bắn tỉa cũng có mặt. Nhưng mục tiêu chưa bị tiêu diệt thì bóng tối đã phủ xuống chân núi Thiên. Lại thêm một đơn vị đặc công được điều đến với vũ khí ảnh nhiệt. Hình ảnh những bóng đen phía sau ngôi nhà hiện lên rõ nét qua kính bảo hộ kết nối với kính hỗ trợ trên vũ khí tầm nhiệt, nhưng không ai dám ra lệnh bắn vì viên đạn có thể xuyên qua vách gỗ, hạ gục hung thủ nhưng sẽ phát lửa, bốc cháy, thiêu rụi căn nhà.

Phóng viên báo chí kéo đến mỗi lúc một đông. Không khí quanh khu vực chân núi Thiên trở nên vô cùng căng thẳng. Và rồi, người ta thì thầm với nhau rằng, một nhân vật đặc biệt vừa được đưa đến vào lúc gần nửa đêm. Đó là phạm nhân Trần Công Tình, người vừa đầu thú sau khi trốn trại cùng Nguyễn Văn Đường. Tình một tay giơ cao ngọn đèn bão, một tay huơ hươ trong không khí, chân lò dò tiến từng bước về phía căn nhà gỗ sơn đỏ. Hàng trăm ánh mắt dõi theo. Không có phản ứng tiêu cực nào xảy ra. Tình đã tiến sát hơn tới ngôi nhà. Cánh cửa bật mở. Tình lọt được vào bên trong. Mọi người nín thở chờ đợi. Đòn tâm lý cuối cùng với hy vọng Đường nghĩ lại đã có tác dụng. Qua một giờ đêm thì cánh cửa căn nhà gỗ hé mở. Một người phụ nữ bước ra với đứa con nhỏ chừng một tuổi trên tay. Tiếp theo là một cậu bé lên mười. Rồi thêm hai đứa bé trai đầu để tóc ba chỏm. Cuối cùng là Tình. Không có ai bước ra nữa. Cánh cửa đã được khép lại. Tình kéo những người vừa ra khỏi căn nhà, đi như chạy, cố dời khỏi nơi đó thật nhanh. Khi họ tới được nơi công an đứng thì một ngọn lửa bùng lên phía trong ngôi nhà gỗ sơn đỏ. Tiếp theo đó, ngọn lửa lan ra các phòng, tỏa theo lối hành lang, bám lấy vách gỗ, vươn lên, gặp gió từ sau vách núi Thiên thổi tới, phất lên rừng rực.

Tình điên xoay người lại đứng nhìn ngọn lửa thiêu rụi căn nhà một cách bất lực. Tự nhiên nước mắt Tình chảy ra, rớt xuống bộ đồng phục tù nhân vừa được phát lại đúng một ngày. Cạnh Tình, hai mẹ con thiếu phụ câm và mấy đứa trẻ cũng ôm nhau khóc với nét mặt hoảng hốt, sợ sệt. Tình biết thiếu phụ đó là Hạ, em gái của Đường. Tình cũng biết cậu bé lên mười có bàn tay sáu ngón kia là Giới. Còn hai đứa bé tóc để chỏm thì Tình không biết là ai. Chúng không được nhắc đến trong câu chuyện Đường từng kể. Đường chỉ cho 5 người này rời khỏi căn nhà gỗ. “Còn Thầy Sư Phụ phải bị hỏa thiêu” - Đường nói vậy.

Và Đường tình nguyện làm người đưa đường cho Thầy Sư Phụ về với thế giới bên kia. Ở đó thầy không còn cứu giúp hay đọa đầy được ai nữa.

Nguồn Văn nghệ số 47/2023

Văn nghệ, số 47/2023
Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam - Vietnam Music Week 2024 tại TP.HCM

Baovannghe.vn - Từ ngày 13-15.12, tại TP.HCM sẽ diễn ra Tọa đàm ngành kinh doanh âm nhạc - Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam 2024 - Vietnam Music Week 2024 (VMW 2024)
Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Baovannghe.vn - Ba bộ phim đặc sắc được công chiếu "Dòng sông hoa trắng" ngày 11/12; "Cây bạch đàn vô danh" ngày 12/12 và "Người đàn bà mộng du" ngày 13/12
“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

Baovannghe.vn - Vượt qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo “Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh do Nxb Kim Đồng tổ chức
Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn- Ngơ ngác, bấn loạn, tôi loanh quanh ở nhà chờ, nơi nhận hành lí để thoát ra ngoài. Cả ba tiếng đồng hồ trôi qua tôi chưa thấy gã. Gã lặn mất tăm với chiếc vali
Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Baovannghe.vn - Nhà văn Han Kang vừa có buổi gặp gỡ với báo chí tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển trong thời gian chuẩn bị cho buổi nhận giải Nobel Văn chương.