Diễn đàn lý luận

Manga – Một giá trị văn hóa đáng được đánh giá cao hơn

Nguyễn Quỳnh Hương
Lý luận phê bình
08:00 | 10/09/2024
Baovannghe.vn - Sở hữu câu chuyện và thể loại phong phú, manga có phải là văn học không? Manga giống như kịch bản bị lược toàn bộ phần dẫn và chú thích, chỉ để lại lời thoại. Như vậy có thể thấy manga sở hữu một nửa văn học, một nửa hội họa. Có thể xếp manga vào cận văn học. Nhưng để thoải mái nhất, manga vẫn nên là một khái niệm, một dòng học thuật tách biệt với văn học.
aa

Khái quát về manga

Lịch sử và đặc điểm

Theo tài nguyên nghệ thuật Widewalls, manga có nguồn gốc từ emakimono, Chōjū-jinbutsu-giga, có niên đại từ thế kỷ XII. Trong thời kỳ Edo (1603-1867), một cuốn sách vẽ có tựa đề Toba Ehon tiếp tục phát triển cái mà sau này được gọi là manga. Lần đầu tiên manga được sử dụng phổ biến vào năm 1798, với việc xuất bản các tác phẩm như sách tranh Shiji no yukikai của Santou Kyouden. Một số tác phẩm được sản xuất hàng loạt dưới dạng series sử dụng in khắc gỗ.

Sự bùng nổ sáng tạo manga diễn ra vào thời kỳ hậu chiến, bắt đầu từ các mangaka (họa sĩ manga) như Osamu Tezuka (Astro Boy) và Machiko Hasegawa (Sazae-san). Astro Boy nhanh chóng trở thành vô cùng phổ biến ở Nhật Bản (cho tới hiện tại) và các nơi khác. Anime chuyển thể từ Sazae-san đã thu hút nhiều người xem hơn bất kỳ anime nào khác trên truyền hình Nhật Bản vào năm 2011. Tezuka và Hasegawa đều có những đổi mới về phong cách. Hasegawa tập trung vào cuộc sống hàng ngày và trải nghiệm của phụ nữ cũng trở thành đặc trưng của shoujo manga sau này. Từ năm 1950 đến năm 1969, lượng độc giả tại Nhật Bản manga ngày càng lớn với sự củng cố của hai thể loại tiếp thị chính, Shounen manga nhắm vào bé trai và shōjo manga nhắm vào bé gái.

Với việc nới lỏng kiểm duyệt ở Nhật Bản vào những năm 1990, các mangaka được thỏa sức sáng tạo. Bước sang thế kỷ XXI, manga phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới với đa dạng thể loại, sánh ngang với phim và văn học.

Ấn phẩm và xuất bản

Các tạp chí hoặc tuyển tập manga (manga zasshi) thường có nhiều manga đăng đồng thời với khoảng 20–40 trang được phân bổ cho mỗi bộ cho mỗi số. Các tạp chí khác như tạp chí Newtype có các chương đơn lẻ trong các tạp chí định kỳ hàng tháng của họ. Tạp chí Nakayoshi có nhiều câu chuyện được sáng tác bởi nhiều mangaka khác nhau; Những tạp chí này, hoặc “tạp chí tuyển tập” thường được in trên giấy in báo chất lượng thấp và có thể dày từ 200 đến hơn 850 trang. Tạp chí manga cũng chứa truyện tranh one-shot và nhiều yonkoma bốn bảng khác nhau (tương đương với truyện tranh). Bộ truyện tranh có thể đăng trong nhiều năm nếu chúng thành công. Các tạp chí shonen nổi tiếng bao gồm Weekly Shounen Jump, Weekly Shounen Magazine và Weekly Shounen Sunday - Manga shoujo nổi tiếng bao gồm Ciao, Nakayoshi và Ribon. Các họa sĩ manga đôi khi bắt đầu bằng một vài dự án manga “one-shot” để cố gắng nâng cao tên tuổi của họ. Nếu những điều này thành công và nhận được đánh giá tốt, chúng sẽ được tiếp tục. Tạp chí thường có tuổi thọ ngắn.

Phân loại manga

Khi tìm kiếm một bộ manga, các tín đồ manga thường không hỏi theo các thể loại câu chuyện phổ biến như phiêu lưu, hành động, giả tưởng,... mà họ sẽ hỏi theo bốn thể loại: shounen (thiếu niên), shoujo (thiếu nữ), seinen (nam trưởng thành) và josei (nữ trưởng thành); nói cách khác, thể loại được phân theo đối tượng tiếp thị. Câu chuyện của mỗi thể loại được dung hợp bởi nhiều thể loại khác với mức độ nội dung vừa đủ với đối tượng được nhắm tới. Tuy nhiên hiện nay, ranh giới của giới tính và độ tuổi đã dần kéo gần lại. Bốn thể loại trên thường mang tính chất xác định motif nội dung của tác phẩm.

1. Shounen

a. Đặc điểm

Shounen hay thiếu niên là thể loại nhắm đến đối tượng là nam, độ tuổi khoảng từ 8 đến 18 tuổi. Thể loại này có nguồn gốc từ thế kỉ 20 và phát triển mạnh từ năm 1960. Đây là thể loại phổ biến nhất của manga, có cho mình tạp chí manga lớn nhất là Weekly Shounen Jump.

Định hướng chủ đề của shounen manga dễ dàng được suy ra từ các giá trị trong tác phẩm hoặc khẩu hiệu mà các tạp chí shounen manga tự gán cho mình: “Tình bạn, sự kiên trì và chiến thắng” của Weekly Shounen Jump, hay “Lòng can đảm, tình bạn và tinh thần chiến đấu” của CoroCoro Comic. Trọng tâm biên tập của shounen manga chủ yếu là hành động, phiêu lưu và chiến đấu với quái vật hoặc các thế lực xấu xa khác. Truyện hành động chiếm ưu thế trong shounen manga đến nỗi một số tác phẩm manga và không phải shounen đôi khi được chỉ định là shounen vì nội dung của chúng tập trung vào hành động và phiêu lưu. Mặc dù yếu tố hành động thống trị shounen, nhưng có sự đa dạng với nhiều thể loại và tiểu thể loại. Giới hạn của hành động không chỉ ở những chuyện phiêu lưu mà còn ở hài kịch, tội phạm, lãng mạn, lát cắt cuộc sống hay những câu chuyện về thể thao và cuộc sống của các chuyên gia của những công việc khác nhau.

Nhân vật chính của shounen manga thường sở hữu cặp tính cách mâu thuẫn: nóng tính và lạnh lùng, tinh nghịch và nổi loạn, nghiêm túc và hoài nghi, vụng về và không thể sai lầm, hoặc xuất hiện như một người tốt không có gì nhưng sở hữu những khả năng tiềm ẩn.

Nhân vật chính của shounen manga thường sở hữu cặp tính cách mâu thuẫn: nóng tính và lạnh lùng, tinh nghịch và nổi loạn, nghiêm túc và hoài nghi, vụng về và không thể sai lầm, hoặc xuất hiện như một người tốt không có gì nhưng sở hữu những khả năng tiềm ẩn. Nội dung chủ đạo thường bắt đầu từ sự ganh đua của nhân vật chính và đối thủ của anh ta hoặc hành trình để đạt được một nguyện vọng nào đó. Thông thường, một nhân vật chính shounen là một người tầm thường hoặc có xuất phát điểm thua thiệt hơn với người khác, nhưng người thông qua luyện tập, sự kiên trì và ý chí cuối cùng đã thành công trở thành vô đối trong một (vài) lĩnh vực. Cốt truyện thường tuân theo cấu trúc cơ bản là cuộc hành trình của anh hùng, với phần lớn câu chuyện tập trung vào việc luyện tập và biến đổi nhân vật chính thành anh hùng, và về các nhân vật có được vị thế anh hùng thông qua nỗ lực và sự kiên trì hơn là thiên tài bẩm sinh hoặc mang trọng trách cao cả ngay từ đầu. Đối với loạt phim dài tập, hành trình của anh hùng lặp lại; Khi một câu chuyện mới bắt đầu, kẻ thù trở nên mạnh mẽ hơn và nguy hiểm cần vượt qua trở nên lớn hơn.

b. Manga tiêu biểu

Người đọc chia shounen đương đại làm hai phong cách là shounen truyền thống và shounen mới.

Shounen truyền thống là những bộ manga dài tập (khoảng 300 chương trở lên), nội dung là hành trình trở nên mạnh mẽ của nhân vật chính. Điểm chung của các manga này là nhân vật chính thường ngốc nghếch ngô nghê nhưng được nhiều người yêu quý và kết bạn, xuyên suốt cuộc hành trình là đánh bại các kẻ thù từ yếu đến mạnh để trở thành người mạnh nhất nhờ nguồn năng lượng bất hủ mang tên “sức mạnh tình bạn”. Đặc biệt các nhân vật nữ trong những bộ này thường mang thiên hướng hỗ trợ chứ không phải là chủ lực, được xây dựng từ được tới yếu kém. Tuy có điểm yếu ấy nhưng shounen truyền thống vẫn là đầu tàu đưa manga ra thế giới. Người hâm mộ shounen manga gọi tên bốn tác phẩm nổi tiếng nhất là “Tứ trụ shounen” gồm: Dragon Ball, Naruto, One PieceBleach.

Manga – Một giá trị văn hóa đáng được đánh giá cao hơn

Dragon Ball là bộ truyện tranh nhiều tập được viết và vẽ minh họa bởi Toriyama Akira trong thời gian từ năm 1984 – 1995. Tác phẩm xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào năm 1995 với tên 7 viên ngọc rồng bởi Kim Đồng. Chuyện kể về hành trình tìm ngọc rồng của thiếu niên Son Goku. Tác phẩm lập tức trở thành cơn sốt tại Việt Nam bởi nội dung mới lạ, tình tiết hài hước, hấp dẫn; một phần không nhỏ là nhờ dịch thuật hài hước, sát với khiếu hài của người Việt Nam thời điểm trước công ước Berne. Dragon Ball trở thành một biểu tượng của manga với nhiều ấn phẩm ăn theo như được chuyển thể thành anime với 16 phần trải dài từ năm 1986-2018, nhiều phần video game và đồ chơi, mô hình. Tác phẩm là nguồn cảm hứng cho rất nhiều mangaka như Kishimoto Masashi, Oda Eichiro,... Chiêu thức biểu tượng của tác phẩm, kamehameha (ở Việt Nam được biết đến là ka-mê-du-cô), phổ biến như một trò vui, thậm chí nhiều tác phẩm manga, light novel nhại lại chiêu thức này.

Một cái tên tuổi thơ được nhiều đứa trẻ 9x, 2000 thường chơi trò nhập vai là Naruto. Viết và minh họa bởi mangaka Kishimoto Masashi, bộ truyện kéo dài 15 năm, được đăng tải trên Weekly Shounen Jump, tạp chí của Shueisha từ năm 1999 đến 2014, chia thành 72 tập. Tại Việt Nam, Kim Đồng đã cho ra mắt đủ 72 tập. Tác phẩm kể về hành trình Naruto. Mười hai năm trước, con quái vật này đã tấn công làng Lá. Trưởng làng Lá khi ấy, Hokage đệ tứ, buộc phải phong ấn con quái vật vào người đứa trẻ sơ sinh Naruto. Nhưng người làng sợ hãi và xa lánh cậu bé. Vì vậy Naruto quyết tâm trở thành Hokage để được mọi người công nhận.

Nếu như nội dung của Dragon Ball có lấy ý tưởng từ Tây du kí và văn hóa Trung Quốc thì Naruto lại mang đậm văn hóa Nhật Bản khi xây dựng thế giới xoay quanh các shinobi (hay còn gọi là ninja). Sinh hoạt của các nhân vật, ẩm thực, nghi thức lễ hội được lấy hoàn toàn từ ngoài đời. Thần thoại Nhật Bản được áp dụng triệt để, không để nhận ra tên các vị thần được gọi lên trong tác phẩm như Izanami, Izanagi, Sunano’o,... mang đến trải nghiệm mới về văn hóa Nhật. Hành trình của Naruto không đơn thuần là phiêu lưu. Đó là sự cạnh tranh với đối thủ định mệnh, người có hoàn cảnh gần giống Naruto, Sasuke. Xung đột giữa cặp đôi nhân vật chính này ảnh hưởng đến toàn bộ nội dung tuyến truyện Naruto. Naruto xây dựng dàn nhân vật có chiều sâu và nội dung có phần đen tối hơn Dragon Ball. Tuy nhiên vai trò của các nhân vật nam và nữ lại có sự chênh lệch. Dẫu vậy, việc giảm nhẹ vai trò của nhân vật nữ không quá ảnh hưởng tới độ phổ biến của tác phẩm vì đây là manga shounen.

Cho dù có là manga trinh thám nhưng Conan (Aoyama Gosho) cũng mang đủ những đặc điểm của một manga shounen. Nội dung liên quan đến vấn đề hình sự, câu chuyện có cuộc đấu tranh giữa thiện và ác (thám tử và tổ chức mafia), có những màn hành động bắt tội phạm mãn nhãn. Sở hữu dàn nhân vật đồ sộ nhưng tác giả vẫn cho mỗi người một câu chuyện rõ ràng. Tuy nhiên, quá nhiều nhân vật cũng dẫn tới tình trạng “dùng không hết”, và để tránh “bỏ con giữa chợ”, tác phẩm kéo dài để cho những nhân vật này có đất diễn, tạo nhiên nhiều chương thừa thãi và kém hấp dẫn.

Các manga shounen mới có độ dài trung bình ít hơn (100-200 chương), diễn biến tình tiết nhanh và bớt rườm rà. Dàn nhân vật vừa đủ nên được chăm chút tỉ mỉ. Số lượng nhân vật nữ vẫn ít ỏi nhưng vai trò dù là hỗ trợ hay chiến đấu thì vẫn được thể hiện ngang hàng với các nhân vật nam. Nội dung của các tác phẩm shounen mới tăm tối và nặng nề, đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm độc giả hơn. Cái tên nổi bật có thể kể tới Fujimoto Tatsuki, tác giả của hai manga Fire PunchChainsaw Man (đã được xuất bản tại Việt Nam do Trẻ thầu). Nội dung vẫn là hành trình của một chàng trai, nhưng thế giới truyện khốc liệt hơn. Chẳng còn “sức mạnh tình bạn”, các chàng trai phải chật, dùng cả mạng sống, hy sinh đủ điều để đến với mục đích cuối cùng. Những nhân vật phụ nằm xuống không chỉ để hỗ trợ cho hành trình của nhân vật chính mà là đó là minh chứng độ chân thực của thế giới mà tác giả tạo ra. Cho đến cuối hành trình, người đạt được mục đích chỉ có nhân vật chính hoặc chẳng ai cả.

Attack on titan của Ishiyama Hajime là điển hình cho shounen đen tối và tràn đầy bi kịch. Tác phẩm đặt trong bối cảnh loài người phải sống đằng sau ba bức tường đồ sộ được dựng nên để bảo vệ nhân loại khỏi những tên khổng lồ ăn thịt người được gọi là Titan (tên trong bản tiếng Anh, bản gốc tiếng Nhật gọi là Kyojin – “Cự nhân”, nghĩa đen là “người khổng lồ”). Truyện theo chân Eren Yeager, nhân vật chính của bộ truyện, người đã thề sẽ tiêu diệt toàn bộ Titan trên thế giới sau khi chứng kiến chúng phá hủy bức tường, tàn phá quê hương và ăn thịt mẹ mình.

Manga – Một giá trị văn hóa đáng được đánh giá cao hơn
Attack on titan của Ishiyama Hajime là điển hình cho shounen đen tối và tràn đầy bi kịch.

Attack on titan ra mắt trong số đầu tiên của tạp chí phát hành hàng tháng Bessatsu Shounen của Kodansha, xuất bản vào ngày 9 tháng 9 năm 2009. Manga phát hành chương truyện thứ 139, cũng là chương truyện cuối cùng, và kết thúc hành trình xuất bản kéo dài 11 năm vào ngày 9 tháng 4 năm 2021. Tập đầu tiên được phát hành vào ngày 17 tháng 3 năm 2010. Tập 34, cũng là tập cuối của Đại chiến Titan được phát hành vào ngày 9 tháng 6 năm 2021.

Tại Việt Nam, phiên bản tiếng Việt của bộ truyện được xuất bản bởi TVM Comics. Tập đầu tiên được phát hành vào ngày 26 tháng 12 năm 2014. Tuy nhiên TVM Comics chỉ xuất bản đến tập 18, sau đó ngừng lại kể từ tháng 11 năm 2016. Và theo thông tin hiện tại mới nhất, NXB Trẻ đã xác nhận mua lại bản quyền bộ truyện này, dự kiến phát hành vào 15/03/2024.

Với Attack on titan, nhiều người đã phân tích câu chuyện là biểu đạt cho "sự tuyệt vọng của thanh niên trong xã hội ngày nay.” Nhà văn Yamawaki Mao miêu tả bộ manga là “câu chuyện trưởng thành có các cô cậu bé làm cốt lõi,” mỗi chương chứa đựng một bí ẩn mới. Theo nhà phê bình Tomofusa Kure, chính các điều bí ẩn này đã tăng sự kỳ vọng của người đọc. Ban đầu, kĩ thuật vẽ của truyện bị vài nhà phê bình chê là vụng về, đến cả Isayama cũng thừa nhận tranh của mình là “nghiệp dư,” nhưng sau nhiều năm xuất bản, kĩ thuật đã được những nhà phê bình đó khen là có cải thiện. Kure tin rằng nếu các tranh minh họa đã được “tinh chỉnh” thì sẽ không bày tỏ được “tính quái dị” là đặc điểm chính của tác phẩm. Trong bài bình luận ngắn, Jason Thompson viết rằng tuy các nhân vật được “nạp năng lực” một cách quá tiện lợi, nhưng các khúc mắc phát sinh ra cùng thế giới sau tận thế của bộ manga là “quá hay để bỏ lỡ.”

Attack on titan giành được Giải manga Kodansha ở hạng mục thiếu niên vào năm 2001 và được đề cử cho Giải manga Taishou thứ tư với Giải Văn hóa Tezuka Osamu hàng năm thứ 16 và 18. Ấn bản năm 2011 của Kono Manga ga Sugoi! đánh giá Attack on titan là bộ manga hay nhất dành cho độc giả nam dựa trên ý kiến của các chuyên gia trong ngành xuất bản và manga. Trong ấn bản năm 2012, truyện đứng hạng thứ tám, trong ấn bản năm 2014 thì truyện vào hạng thứ sáu. Năm 2015, Attack on titan là truyện đoạt Giải Sugoi Japan của báo Yomiuri Shimbun.

Nhìn chung, cho dù có thay đổi ra sao, shounen manga vẫn giữ được cốt lõi là hành trình phát triển của một cậu trai. Dòng shounen đang và sẽ luôn là dòng chủ chốt về độ phủ sóng của manga.

2. Shoujo

a. Đặc điểm

Những tác phẩm thuộc shoujo thường kể những câu chuyện về tình yêu đôi lứa hoặc cuộc sống thường ngày của nữ sinh. Những câu chuyện nhẹ nhàng xen lẫn những drama, phù hợp với các nữ sinh từ 10 đến 20 tuổi. Ngoài ra shoujo còn một dòng nhỏ là Ma pháp thiếu nữ (Mahou shoujo) kể về những nữ siêu anh hùng sử dụng ma pháp. Những cô gái ma pháp sở hữu phép thuật đánh bại kẻ xấu. Tất nhiên phân cảnh hành động cũng rất nhẹ nhàng, không hoành tráng và mạnh mẽ như shounen. Các thiếu nữ ma pháp thường chiến đấu đơn lẻ hoặc lập thành một tổ đội nhiều người theo phong cách super sentai.

b. Manga tiêu biểu

Ouke no Monshou của Hosokawa Chieko, được Kim Đồng xuất bản dưới tên Nữ hoàng Ai Cập. Từng là cuốn truyện gối đầu giường của các bạn nữ 9x, tác phẩm không chỉ gây ấn tượng bởi nét vẽ đẹp mà nội dung vô cùng cuốn hút. Tác phẩm xoay quanh Carol Reed, một thiếu nữ 16 tuổi người Mỹ có mái tóc vàng và đôi mắt xanh, là con gái của một gia đình tỷ phú, theo học ngành khảo cổ học tại Cairo, Ai Cập. Khi gia đình cô nhận bảo trợ cho chương trình khai quật và nghiên cứu lăng mộ của một vị Pharaoh trẻ tuổi, lời nguyền từ ngôi mộ đã giáng xuống gia đình cô. Lời nguyền ấy đưa cô trở về Ai Cập cổ đại, nơi cô bị lôi kéo vào những vấn đề của Ai Cập và những quốc gia cổ đại khác như Assyria và Babylon. Tại đây, Carol gặp Memphis – một Pharaoh trẻ tuổi dũng mãnh, là người mà gia đình cô đã khai quật mộ ở thế giới hiện đại. Họ đem lòng yêu nhau và cùng nhau vượt qua nhiều thử thách. Điều này đã làm người chị cùng cha khác mẹ của Memphis là Isis giận dữ vì cô đã chờ đợi từ lâu để cưới Memphis.

Năm 1991, bộ truyện giành giải Manga Shogakukan cho thể loại truyện tranh shōjo. Tính tới năm 2006, tác phẩm đã bán được 36 triệu bản tại Nhật, trở thành truyện tranh shoujo bán chạy thứ ba từ trước đến nay. Bộ truyện được chuyển thể thành một tập phim hoạt hình OVA do Toei Animation sản xuất năm 1988 và hai CD nhạc kịch do Pony Canyon phát hành năm 1990 (tái bản năm 2004). Năm 2016, truyện được chuyển thể thành một vở nhạc kịch sân khấu và từ đó đã được tái công chiếu nhiều lần.

Manga – Một giá trị văn hóa đáng được đánh giá cao hơn
Hana yori dango không chỉ được chuyển thể thành anime mà còn được bốn nước khác ngoài Nhật Bản chuyển thể thành phim truyền hình.

Vườn sao băng, bộ phim Hàn Quốc từng gây bão toàn Châu Á. Và bộ phim này được chuyển thể từ manga Hana yori dango của tác giả Kamio Yoko, đã được xuất bản tại Việt Nam với tên Con nhà giàu. Tác phẩm kể về Makino Tsukushi, một nữ sinh nghèo nhưng học tại một trường tư thục dành cho con nhà giàu. Vì bảo vệ bạn, cô gây sự với nhóm F4, nhóm bốn chàng trai giàu, đẹp, nổi tiếng nhất trường. Đồng thời cô gây sự chú ý đặc biệt với thủ lĩnh Tsukasa và một chàng trai khác trong nhóm, Rui. Mối quan hệ rùm beng giữa ba người bắt đầu từ đây.

Motif gái nhà nghèo yêu trai nhà giàu thời điểm ấy không phải mới, tuy nhiên bối cảnh thường ở môi trường công sở, dinh thự thay vì học đường. Motif không bao giờ hết hot, không khí trẻ trung năng động, nhân vật chính luôn đấu tranh vì bản thân chứ không chịu thua trước cường hào, những tình huống kịch tính đã tạo nên sự mới mẻ và hấp dẫ cho bộ truyện. Hana yori dango không chỉ được chuyển thể thành anime mà còn được bốn nước khác ngoài Nhật Bản chuyển thể thành phim truyền hình gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan. Ngoài ra, còn có những bản chuyển thể không chính thức của Indonesia và Ấn Độ.

Manga – Một giá trị văn hóa đáng được đánh giá cao hơn
Sailor Moon đã bán được hơn 46 triệu bản trên toàn thế giới.

Nói đến ma pháp thiếu nữ, cái tên đầu tiên hiện ra chắc chắn là Sailor Moon hay Thủy thủ mặt trăng tại Việt Nam. Sáng tác bới Takeuchi Naoko vào năm 1992, truyện xoay quanh hành trình tiêu diệt cái ác, bảo vệ Trái Đất, hệ Mặt Trời, thiên hà, và cả vũ trụ của nhóm chiến binh thủy thủ thái dương hệ. Bối cảnh chính của truyện là ở thành phố Tokyo, Nhật Bản thời hiện đại với nhân vật chính là Usagi Tsukino - một cô bé hậu đậu, học kém, làm việc gì cũng không nên thân, hay đi học muộn đã thế lại còn thường hay khóc nhè. Sau cuộc gặp gỡ định mệnh với mèo Luna, Usagi trở thành Thủy thủ Mặt Trăng (Sailor Moon) - chiến binh chính nghĩa tiêu diệt Thế Lực Bóng Đêm. Qua các cuộc chiến, cô gặp gỡ và kết bạn với các chiến binh khác là Thủy Thủ Sao Thủy, Thủy Thủ Sao Hỏa, Thủy Thủ Sao Mộc, Thủy Thủ Sao Kim và Tuxedo Mặt Nạ. Cả nhóm cũng khám phá ra thân thế thật sự của mình sau khi đồng hành chiến đấu cùng nhau.

Kể từ khi phát hành, Sailor Moon đã nhận được sự hoan nghênh rộng rãi, với lời khen ngợi về nghệ thuật, nội dung và sự hài hước của nó. Manga đã bán được hơn 46 triệu bản trên toàn thế giới, khiến tác phẩm trở thành một trong những bộ manga bán chạy nhất, cũng như một trong những bộ shōjo manga bán chạy nhất mọi thời đại. Các nhượng quyền thương mại như anime, live-action, mô hình, video game cũng đã tạo ra 2,5 tỷ đô la doanh thu hàng hóa trên toàn thế giới.

Nằm giữa ranh giới shoujo và josei, Tomie của Ito Junji là một tác phẩm kinh dị. Manga tập trung vào nhân vật chính Kawakami Tomie, một cô gái xinh đẹp với mái tóc đen óng ả và nốt ruồi dưới môi.

Tomie sở hữu một sức mạnh bí ẩn khiến bất kỳ người đàn ông nào yêu cô. Thông qua sự hiện diện đơn thuần của mình, hoặc thông qua thao túng tâm lý và cảm xúc, cô ấy đẩy những người này vào cơn thịnh nộ ghen tuông thường dẫn đến các hành vi bạo lực tàn bạo. Đàn ông giết nhau vì cô ấy, và phụ nữ cũng bị điên vì chống lại cô ấy. Tomie chắc chắn bị giết hết lần này đến lần khác, chỉ để tái sinh và truyền lời nguyền của mình cho các nạn nhân khác, khiến cô ấy trở nên bất tử. Nguồn gốc của cô ấy không bao giờ được giải thích, mặc dù một số người đàn ông lớn tuổi trong truyện cho rằng cô ấy đã tồn tại từ lâu trước các sự kiện của manga; trong Boy, cô được tiết lộ là đã biết giáo viên tương lai của mình là Takagi Satoru từ khi anh còn nhỏ. Nhìn chung dù câu chuyện không mấy nặng nề như josei nhưng phần hình lại quá mức kinh dị cho một tác phẩm shoujo.

Ito Junji đã giành giải thưởng Kazuo Umezu năm 1989 với tác phẩm Tomie. Kể từ đó, manga luôn được yêu thích và vẫn thường được người hâm mộ cũng như các nhà phê bình khen ngợi.

Tomie được chuyển thể thành anime trong series Ito junji: Collection vào năm 2018. Năm 2019, manga được chuyển thể thành phim truyền hình. Cô gái đến từ hư vô, bộ phim truyền hình Thái Lan gây bão năm 2018, cũng được lấy ý tưởng từ Tomie.

3. Seinen

a. Đặc điểm

Seinen manga nhắm tới độc giả là nam giới trẻ và trưởng thành, được đăng trên những tạp chí seinen có đối tượng mục tiêu là nam từ khoảng 18 tuổi đến 40 tuổi, như Weekly Manga Times hay Weekly Manga Goraku. Seinen manga được phân biệt với Shounen manga vốn dành cho nam giới vị thành niên, mặc dù một số tác phẩm như xxxHolic (Clamp) lại có nhiều nét tương đồng với Shounen manga. Seinen manga thường có phong cách nghệ thuật đa dạng hơn và phong phú hơn về chủ đề, từ hành động, chính trị, khoa học viễn tưởng hay một số thậm chí có tính chất khiêu dâm.

Seinen manga thường có phong cách nghệ thuật đa dạng hơn và phong phú hơn về chủ đề, từ hành động, chính trị, khoa học viễn tưởng hay một số thậm chí có tính chất khiêu dâm.

Một cách thông thường để nhận ra tác phẩm đó có phải là seinen manga hay không là xem liệu có chữ kiểu furigana (những chữ bổ trợ việc phát âm kanji) được dùng trên các từ kanji truyền thống không. Sự thiếu vắng chữ furigana có thể hiểu rằng đầu đề đó được hướng đến người trưởng thành. Dòng đầu đề trên tạp chí được xuất bản cũng là một chỉ dẫn quan trọng. Thường thì các tạp chí Nhật Bản với từ “young” trên đầu đề (như Weekly Young Jump) sẽ đăng tải seinen manga. Còn có những tạp chí pha trộn giữa Shounen và seinen như Gangan Powered và Comp Ace. Một số tạp chí seinen manga phổ biến khác gồm có Young Magazine, Weekly Young Sunday, Big Comic Spirits, Business Jump, Ultra Jump và Afternoon.

b. Manga tiêu biểu

Mang tới tiếng vang lớn cho seinen manga, Akira (1988), sáng tác bởi Otomo Katsuhiro. Lấy bối cảnh hậu tận thế trong tương lai “Neo-Tokyo”, hơn ba thập kỷ sau khi một vụ nổ bí ẩn phá hủy thành phố. Câu chuyện tập trung vào thủ lĩnh băng đảng đi xe đạp tuổi teen Shotaro Kaneda, nhà cách mạng chiến binh Kei, bộ ba Espers và lãnh đạo quân sự Neo-Tokyo, đại tá Shikishima. Đại tá cố gắng ngăn chặn Tetsuo Shima, người bạn thời thơ ấu mất cân bằng tinh thần của Kaneda, sử dụng khả năng điều khiển vật thể không ổn định và hủy diệt của mình để tàn phá thành phố và đánh thức một thực thể bí ẩn với khả năng tâm linh mạnh mẽ được đặt tên là “Akira”. Otomo sử dụng các quy ước của thể loại cyberpunk để mô tả chi tiết một câu chuyện về bất ổn chính trị, cô lập xã hội, tham nhũng và quyền lực. Được coi là một tác phẩm mang tính bước ngoặt trong cyberpunk và được ghi nhận là tiên phong trong tiểu thể loại cyberpunk Nhật Bản, Akira đã nhận được sự hoan nghênh rộng rãi từ độc giả và các nhà phê bình trong nghệ thuật, cách kể chuyện, nhân vật và khám phá các chủ đề. Đặc biệt khái niệm về trưởng thành của Otomo phải được khen ngợi đặc biệt. Manga cũng đạt được thành công thương mại quốc tế, bán được hàng triệu bản trên toàn thế giới.

Manga – Một giá trị văn hóa đáng được đánh giá cao hơn
Berserk - Tác phẩm huyền thoại của seinen manga được Miura Kentaro sáng tác.

Huyền thoại thực sự của seinen manga gọi tên Berserk. Tác phẩm được sáng tác bởi Miura Kentaro từ năm 1989 đến nay. Bối cảnh trong Berserk là một thế giới kỳ ảo đen tối lấy cảm hứng từ châu Âu thời Trung Cổ. Cốt truyện chủ yếu xoay quanh Kiếm Sĩ Đen Guts, người từng là lính đánh thuê đơn độc; và Griffith, thủ lĩnh của băng lính đánh thuê Quân đoàn Chim ưng. Tác phẩm không đơn thuần chỉ có hành trình của hai nhân vật này. Nhiều chủ đề không mới nhưng không bao giờ cũ được thể hiện một cách xuất sắc. Ý chí tự do, định mệnh và nhân quả là chủ đề được bàn luận nhiều trong Berserk. Sự tranh đấu kiên cường của con người cũng là một chủ đề thường gặp trong series: nhiều nhân vật có hoàn cảnh éo le, phải liên tục đấu tranh để chống lại thế giới bất công. Bộ truyện còn khám phá về bản chất và đạo đức con người. Khi nhân vật bị đẩy vào đường cùng, liệu họ có tiếp tục tranh đấu để giữ gìn nhân tính hay sẽ trở nên điên loạn và biến thành ác quỷ. Tình bạn, tình yêu và mối quan hệ giữa người với người là những chủ đề khác cũng được Miura quan tâm khai thác. Phản bội và báo thù là chủ đề xuyên suốt series với những màn hận thù chồng chất khó lòng hóa giải. Tôn giáo cũng được đề cập đến trong bộ truyện, chủ yếu thông qua nhân vật Farnese và Mozgus. Miura nói rằng ông xây dựng thẩm giáo viên Mozgus dựa trên ý tưởng về một tính cách cứng nhắc để tạo thành kiểu nhân vật cuồng tín tôn giáo đến mức không còn sự mềm mỏng của một người theo đạo chuẩn mực.

Tập truyện oneshot của Berserk ra mắt năm 1988 đã chiến thắng tại giải thưởng Manga-School lần thứ 7 của ComiComi. Manga liên tục lọt vào vòng chung kết của Giải thưởng Văn hóa Tezuka Osamu lần thứ 2 (1998), lần thứ 3 (1999),lần thứ 4 (2000), và lần thứ 5 (2001). 2002, Berserk giúp cho Miura đoạt Giải thưởng cho sự xuất sắc tại Giải thưởng Văn hóa Tezuka Osamu lần thứ 6, ông được trao giải cùng với Inoue Takehiko, người giành Giải thưởng lớn cho manga Vagabond. Berserk là một trong những Tác phẩm được Ban giám khảo Đề xuất của mảng Manga tại Liên hoan Nghệ thuật truyền thông Nhật Bản lần thứ 5 (2001) và lần thứ 6 (2002). Năm 2016, Berserk đứng thứ 38 trong danh sách “Sách của năm” lần thứ 17 do tạp chí Da Vinci bình chọn. Tại cuộc bình chọn Manga Sousenkyo năm 2021 của TV Asahi với số lượng 150.000 người bình chọn cho top 100 bộ manga hàng đầu, Berserk đứng thứ 91. Berserk giành chiến thắng tại giải thưởng Anime & Manga Grand Prix của AnimeLand cho hạng mục Seinen kinh điển hay nhất vào các năm 2008, 2009, và 2013.

Berserk là nguồn cảm hứng cho rất nhiều manga khác. Theo ký giả kiêm biên tập viên Shimada Kazushi, những series như Cang giả kim thuật sư, Đại chiến Titan, Thanh gươm diệt quỷ, Jujutsu Kaisen sẽ không tồn tại nếu như không có Berserk. Một số tác giả manga kỳ ảo đen tối thừa nhận chịu ảnh hưởng từ Berserk bao gồm Isayama Hajime (Đại chiến Titan), Kato Kazue (Lam hỏa diệt quỷ), Toboso Yana (Hắc Quản gia). Yukimura Makoto (Vinland Saga), Tabata Yuuki (Black Clover), và Narita Ryougo (Baccano! và Durarara!!) cũng được truyền cảm hứng từ Berserk. Trong một cuộc phỏng vấn, nhà sản xuất phim truyền hình Castlevania (2017) là Adi Shankar trả lời rằng anh muốn chuyển thể Berserk, gọi phong cách vẽ “siêu chi tiết” của Miura “thực sự là tuyệt tác”. Trợ lý đạo diễn của Castlevania là Adam Deats nói rằng chương trình này khơi nguồn cảm hứng từ Berserk.

Seinen manga ít được xuất bản tại Việt Nam do vấn đề văn hóa. Tuy nhiên điều đó vẫn không ảnh hưởng tới độ phổ biến tại Việt Nam.

4. Josei

a. Đặc điểm

Trong thực tế, sự khác biệt giữa shōjo và josei thường rất mong manh. Josei manga theo truyền thống được in trên các tạp chí manga chuyên về một thể loại phụ cụ thể, điển hình là chính kịch, lãng mạn hoặc khiêu dâm.

Josei manga xuất hiện vào những năm 1980. Josei manga được bán cho độc giả là phụ nữ trưởng thành, tương phản với shōjo manga, được bán cho độc giả là các cô gái và phụ nữ trẻ. Trong thực tế, sự khác biệt giữa shōjo và josei thường rất mong manh. Josei manga theo truyền thống được in trên các tạp chí manga chuyên về một thể loại phụ cụ thể, điển hình là chính kịch, lãng mạn hoặc khiêu dâm. Câu chuyện trong josei hầu hết là những câu chuyện hiện thực về cuộc sống của những người phụ nữ bình thường. Manga josei lãng mạn thường là melodrama (một tác phẩm kịch tính trong đó cốt truyện, thường giật gân và cho một sức hấp dẫn cảm xúc mạnh mẽ, được ưu tiên hơn đặc tính chi tiết). Manga josei khiêu dâm mang nhiều đặc điểm chung với manga khiêu dâm dành cho độc giả nam giới.

Josei manga đã trở thành một thể loại trong những năm 1980. Thể loại này bị kỳ thị vào cuối những năm 1980 khi nó gắn liền với manga khiêu dâm, nhưng đã đạt được tính nghệ thuật lớn hơn vào những năm 1990 khi nó chuyển sang những câu chuyện tập trung vào vấn đề xã hội.

Vào thế kỉ XXI, các tác phẩm josei manga kể nhiều về chuyện tình đồng tính với yaoi và yuri.

Yaoi (còn được gọi là boys’ love (hay BL - mối tình của những chàng trai dành cho nữ giới tập trung vào chủ đề mối quan hệ đồng tính nam, và thường được các nữ tác giả sáng tác. Một bài báo trên the Guide nói rằng yaoi đầu tiên do những độc giả tự vẽ những nhân vật hoạt hình nam. Vì thể loại này mô tả nam giới, độc giả nam giới thích nam giới cũng đọc tuy nhiên thể loại manga hướng tới độc giả nam là một thể loại khác. Những nhân vật chính trong yaoi thường theo mô típ là seme (top/công) theo đuổi uke (bottom/thụ).

Mặc dù thể loại này được gọi là boys’ love (BL), những nhân vật thường ở tuổi dậy thì hoặc lớn tuổi hơn. Yaoi, khi bắt đầu nổi tiếng trong cộng đồng nói tiếng Anh, đã phổ biến ra ngoài Nhật Bản: cả yaoi gốc và bản dịch đều có bán tại nhiều nước và ngôn ngữ khác nhau.

Hiện nay, yaoi đang đi xuyên biên giới và lục địa, đây không còn là một dạng văn hoá đơn thuần là “made in Nhật Bản” nữa mà nó đang bành trướng thị trường sang những nước khác và ngày càng được các đọc giả nữ biết đến. Yaoi du nhập vào Trung Quốc, được gọi là đam mỹ. Đam mỹ từ một nhánh của ngôn tình, dần thoát ly và trở thành một dòng sách ăn khách ngang ngửa với ngôn tình. Đam mỹ có sự bùng nổ sáng tạo so với yaoi nhưng nhìn chung sự sáng tạo này đều lấy cái gốc từ yaoi.

Yuri là một thuật ngữ mà những người hâm mộ anime, manga thường dùng để gọi những tác phẩm thuộc thể loại có liên quan đến đồng tính nữ. Ở Nhật, từ GL (Girl’s Love) thường được dùng nhiều hơn. Yuri đã xuất hiện từ rất sớm trong các tác phẩm văn học đồng tính của Nhật (Japanese lesbian literature) từ đầu thế kỉ XX với những tác phẩm như Yaneura no Nishojo của Nobuko Yoshiya. Đến thập niên 1970, yuri bắt đầu xâm nhập và xuất hiện trong các tác phẩm manga mà nổi tiếng nhất thời bấy giờ là các tác phẩm của Ryoko Yamagishi hay Riyoko Ikeda. Thập niên 1990 xuất hiện một xu hướng manga, anime mới, ví dụ như các tác phẩm dōjinshi, việc đưa yuri vào các tác phẩm này thường được chấp nhận và không quá khó khăn như các tác phẩm manga, anime nguyên bản. Năm 2003, tạp chí manga đầu tiên dành riêng cho Yuri ra đời dưới tên gọi Yuri Shimai, sau đó một tạp chí khác là Comic Yuri Hime ra đời năm 2005 sau khi Yuri Shimai bị đình bản năm 2004.

Mặc dù ban đầu yuri thường hướng tới các mục tiêu là nữ giới (shoujo, josei), nhưng hiện nay yuri đã xuất hiện trong cả các tác phẩm dành cho nam thanh niên (shounen, seinen).

b. Manga tiêu biểu

Cũng giống như seinen manga, josei manga ít được xuất bản tại Việt Nam do vấn đề văn hóa. Thêm nữa vì nội dung không phải là những cuộc phiêu lưu và hành trình phát triển kịch tính, josei manga không có lượng độc giả quá lớn và tính phổ biến ngoài Nhật Bản không cao. Tuy nhiên không vì thế mà josei manga thiếu đi những tác phẩm hay.

Manga – Một giá trị văn hóa đáng được đánh giá cao hơn
Manga Paradise Kiss gồm năm tập.

Paradise Kiss của Yazawa Ai xoay quanh cô nữ sinh trung học Yukari tình cờ gặp được nhóm học sinh kỳ lạ của trường trung học nghệ thuật và được mời làm người mẫu cho cuộc thi bọn họ tham gia. Cả câu chuyện là quá trình trưởng thành của Yukari cả trong tình cảm lẫn sự nghiệp, là những mối quan hệ phức tạp của dàn nhân vật.

Truyện hầu như không có tình tiết thừa thãi, mỗi chi tiết nhỏ đều rất đắt giá, thiếu một câu như là bức tranh ghép bị thiếu mất một miếng. Mối quan hệ và tương tác của các nhân vật thực sự rất hay, song song là hành trình trưởng thành trong tâm lý của các nhân vật, đặc biệt là Yukari. Không khí trong Paradise Kiss rất tâm trạng, vừa nhẹ nhàng vừa hơi buồn bã, lời trần thuật của nữ chính xuất hiện với tần suất lớn dễ gây đồng cảm cho độc giả. Chỉ tính riêng cách dẫn dắt và xây dựng tình huống của tác giả thôi đã rất đáng đọc.

Manga Paradise Kiss gồm năm tập, ra mắt vào năm 2000. Tác phẩm đã được xuất bản tại thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu. Tại thị trường Việt Nam, cũng giống seinen manga, tác phẩm chưa có bản Tiếng Việt.

Seinen manga đã ít phổ biến thì josei manga càng ít phổ biến hơn. Trong năm 2023, không có một josei manga nào được chuyển thể thành anime. Tuy nhiên, josei manga vẫn có lượng độc giả trung thành của mình, đặc biệt trong nhóm yaoi (hay boy’s love, truyện đồng tính nam) và yuri (girl’s love truyện tranh đồng tính nữ).

Vào năm 2020, mạng xã hội rầm rộ một bộ phim boy’s love đến từ Nhật Bản mang tên 30 Tuổi Vẫn Còn “Zin” Sẽ Biến Thành Phù Thủy. Web drama này nổi tiếng khắp thế giới, thăng cấp tên tuổi hai diễn viên chính. Bộ phim chuyển thể từ manga Sanjuusai made Doutei Da to Mahoutsukai ni Nareru rashii của tác giả Toyota Yuu. Nhân vật chính của manga là Adachi Kiyoshi - một nhân viên văn phòng bình thường, chưa từng có bất kỳ mối quan hệ tình ái nào trong suốt độ tuổi đôi mươi. Vào sinh nhật 30 tuổi của mình, anh đột nhiên có sức mạnh ma thuật, cho phép anh đọc được suy nghĩ của người khác mỗi khi có tiếp xúc thân thể. Nhờ đó, anh phát hiện ra rằng người đồng nghiệp nổi tiếng của mình, Kurosawa Yuichi, đang thầm mến anh.

Phiên bản Thái Lan của bộ truyện được ra mắt vào năm 2023 với tên Cherry Magic.

5. Kodomo

Những đứa trẻ Việt Nam, đặc biệt là lứa 8x, 9x, 10x, ít nhiều đều mê tít bộ truyện tranh Doraemon mà ngày ấy xuất bản dưới cái tên Đô-rê-mon của bộ đôi tác giả Fujio F. Fujiko. Doraemon, chú mèo máy đến từ tương lai, mang theo nhiều bảo bối thần kì để giúp đỡ cho cuộc sống của cậu bé xui xẻo, hậu đậu Nobita. Tác phẩm xoay quanh cuộc sống thường ngày và những cuộc phiêu lưu nhóm bạn Nobita. Bộ truyện đã ngừng xuất bản sau khi Fujiko F Fujio qua đời vào năm 1996, nên bộ truyện không có cái kết. Điều này đã khơi dậy nhiều truyền thuyết đô thị trong suốt những năm qua.

Manga – Một giá trị văn hóa đáng được đánh giá cao hơn
Doraemon còn được biết đến ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.

Không chỉ nổi tiếng tại quê nhà Nhật Bản mà Doraemon còn được biết đến ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Năm 2002, Doraemon được tạp chí Time Asia bình chọn là một trong hai mươi hai người hùng đáng yêu nhất của châu Á. Không những vậy, vào năm 2008, được Chính phủ Nhật Bản chọn làm đại sứ hoạt hình của Nhật Bản trong một buổi lễ do Ngoại trưởng Nhật Bản do Komura Masahiko chủ trì. Trước đó vào năm 2007, Oricon xếp Doraemon vị trí thứ hai trong danh sách các nhân vật manga quyền năng nhất. Thậm chí nhân vật còn được thành phố Kawasaki cấp hộ khẩu như là một công dân chính thức năm 2012. Hàng loạt các sản phẩm thương mại ăn theo như thú nhồi bông, figure,... Bên cạnh việc xuất hiện trong Doraemon, Doraemon thỉnh thoảng còn xuất hiện trong Doraemon bóng chàyĐội quân Doraemon – là một chuyển thể khác của Doraemon nhưng không do họa sĩ Fujiko chấp bút cũng như trong các trò chơi điện tử.

Sở hữu một bộ truyện tranh biểu tượng cùng một số bộ nổi tiếng khác như Maruko, Pacman,... nhưng kodomo manga, truyện tranh dành cho thiếu nhi, lại không nổi lên trở thành một thể loại tiếp thị lớn như bốn thể loại kia. Có thể tại Nhật Bản vẫn có kodomo manga, nhưng không thấy những manga dài tập. Tại nước ngoài, cụ thể là Việt Nam, truyện tranh thiếu nhi trên các kệ sách chỉ có một bộ duy nhất là Doraemon. Chuyện này khá tương đồng với đặc điểm của văn học ở nhiều nước đó là những tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi vô cùng ít ỏi.

6. Doujinshi

Doujinshi (đồng nhân chí) mở rộng ra là toàn bộ văn hóa phẩm doujin, là một thể loại manga tự xuất bản ở Nhật. Doujinshi là những tác phẩm của những người không chuyên, mặc dù một vài tác giả chuyên nghiệp cũng tham gia như một cách phổ biến phong cách của họ bên ngoài nền công nghiệp xuất bản thông thường. Từ doujinshi được tạo từ doujin (doujin mang nghĩa là người giống nhau, thường được dùng để ám chỉ một hay nhiều người có ai đó chia sẻ sở thích hay thành tựu) và shi (rút gọn của zasshi, nghĩa là tạp chí). Doujinshi là một bộ phận phổ biến hơn của doujin, bao gồm không chỉ những bộ sưu tập giới hạn tranh vẽ, hoạt hình, hentai và game.

Trong những thập kỉ gần đây, việc tạo nên doujinshi rất phổ biến, thu hút hàng ngàn người viết và fan. Sự phát triển trong công nghiệp tự xuất bản cũng tạo điều kiện cho sự phát triển này bằng việc làm cho mọi việc dễ dàng hơn với người viết truyện trong khâu viết, vẽ, điều khiển, xuất bản và phát hành tác phẩm của họ. Ví dụ, một vài doujinshi xuất bản bằng phương tiện truyền thông, trong khi những doujinshi khác bắt đầu được quảng bá trên những kênh của Hoa Kỳ, có vai trò như chợ anime ảo và những trang chuyên dùng để phát hành truyện. Trong những năm 1980, nội dung của doujinshi chuyển từ nội dung cổ điển sang bắt chước theo những series đã có từ trước. Dưới ảnh hưởng của doujinshi, văn học mạng Trung Quốc đã ra đời thể loại tương đương là đồng nhân,

Việc viết doujinshi có thể mang lợi cho thị trường truyện tranh bằng việc tạo ra những con đường mới cho những người viết manga mới. Nhiều tác giả thành danh và có tác phẩm cho riêng mình (phần nhiều là các tác giả thể loại yaoi).

Kết luận

Mặc dù hình thức khá giống truyện tranh ở Mỹ, nhưng manga nắm một vị trí khá quan trọng trong văn hoá Nhật hơn là vai trò của truyện tranh trong văn hoá Mỹ. Manga được đánh giá cao cả về phương diện văn hoá lẫn nghệ thuật. Cũng tương ứng với truyện tranh Mỹ, manga cũng bị phê phán về tính bạo lực và sex; tuy nhiên, không có yêu cầu thẩm quyền hay luật lệ nào cố gắng giới hạn những gì được vẽ trong manga, ngoại trừ những khuôn khổ đạo đức mờ nhạt được áp đặt trên trang giấy, phát biểu rằng “những văn hoá phẩm thiếu đứng đắn ấy không nên được phổ biến”. Chính sự tự do này đã cho phép các họa sĩ manga mặc sức sáng tác cho đủ các nhóm tuổi với vô số các đề tài, thể loại. Nó có quy mô lớn đến nỗi làm lu mờ cả thị trường truyện tranh phương Tây. Có nhiều người trên thế giới đã học tiếng Nhật để có thể đọc được manga.

Manga giống như kịch bản bị lược toàn bộ phần dẫn và chú thích, chỉ để lại lời thoại. Như vậy có thể thấy manga sở hữu một nửa văn học, một nửa hội họa. Có thể xếp manga vào cận văn học. Nhưng để thoải mái nhất, manga vẫn nên là một khái niệm, một dòng học thuật tách biệt với văn học.

Sở hữu câu chuyện và thể loại phong phú, manga có phải là văn học không? Văn học theo cách nói chung nhất, là bất kỳ tác phẩm nào bằng văn bản. Hiểu theo nghĩa hẹp hơn, thì văn học là dạng văn bản được coi là một hình thức nghệ thuật, hoặc bất kỳ một bài viết nào được coi là có giá trị nghệ thuật hoặc trí tuệ, thường là do cách thức triển khai ngôn ngữ theo những cách khác với cách sử dụng bình thường. Manga hay truyện tranh từ Nhật Bản, là truyện có tranh minh họa. Câu chuyện trong manga có dẫn truyện, có lời thoại, phần hành động có tranh để kể. Một số manga có người viết nội dung riêng và họa sĩ minh họa riêng (manga Bungo stray dogs được viết bởi Asagiri Kafka và do Harukawa Sango minh họa). Manga giống như kịch bản bị lược toàn bộ phần dẫn và chú thích, chỉ để lại lời thoại. Như vậy có thể thấy manga sở hữu một nửa văn học, một nửa hội họa. Có thể xếp manga vào cận văn học. Nhưng để thoải mái nhất, manga vẫn nên là một khái niệm, một dòng học thuật tách biệt với văn học.

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.