Diễn đàn lý luận

Một huyền thoại về người gác đèn và cây đèn biển

Tác phẩm và dư luận
09:23 | 10/12/2023
Nhà văn Dương Hướng có lẽ chưa thể dứt ra khỏi sự ám ảnh của mấy cuộc chiến tranh mà dân tộc, đất nước mình vừa mới trải qua. Anh là người trong chính cuộc. Vậy nên anh vẫn cặm cụi bên những trang viết với đề tài chiến tranh cách mạng, không thể và chưa thể dứt hẳn ra để viết qua những đề tài đương đại với cuộc sống đang tiến triển?!
aa

Nhà văn Dương Hướng có lẽ chưa thể dứt ra khỏi sự ám ảnh của mấy cuộc chiến tranh mà dân tộc, đất nước mình vừa mới trải qua. Anh là người trong chính cuộc. Vậy nên anh vẫn cặm cụi bên những trang viết với đề tài chiến tranh cách mạng, không thể và chưa thể dứt hẳn ra để viết qua những đề tài đương đại với cuộc sống đang tiến triển?!

Dương Hướng viết chậm hay là anh cẩn trọng?

Sau Bến không chồng công bố năm 1990, phải đến 19 năm sau, năm 2009 tiểu thuyết Dưới chín tầng trời của anh mới ra mắt bạn đọc. Rồi sau 14 năm lặng im, anh mới hoàn thành cuốn tiểu thuyết thứ ba Lời người gác đèn… Nói cho đúng hơn thì đây sẽ là cuốn tiểu thuyết thứ tư của Dương Hướng. Sau Bến không chồng, anh còn có thêm tiểu thuyết Trần gian đời người. Song lẽ, bởi bị “cái bóng” của Bến không chồng khỏa lấp, nên tác phẩm này ít được nhắc đến.

*

Nhà văn Dương Hướng

Lời người gác đèn là cuốn tiểu thuyết dày dặn không thua kém Dưới chín tầng trời. Cũng bảy, tám trăm trang in với dung lượng có đến chừng hai mươi vạn từ. Không gian tiểu thuyết Lời người gác đèn cũng kéo dài từ Bắc vào Nam, với bối cảnh là làng Chài, một cái tên có thể riêng, song cũng có thể là tên chung cho những làng chài ven biển miền Đông Bắc. Thời gian cho các nhân vật hoạt động kéo suốt từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, đủ cho hai thế hệ nối tiếp ra đời, cũng là khoảng thời gian mà đất nước trải qua một thời kỳ lịch sử đặc biệt đầy chất bi hùng. Còn Lão Bầu - một nhân vật xuyên suốt tiểu thuyết, vừa là nguyên nhân, cũng là chứng nhân của các sự kiện, được Dương Hướng khắc họa lại, là biểu tượng chung của “người làng chài” để nhà văn gửi gắm vào đó ý tưởng, “vẽ lại” chân dung, hình hài đất nước qua giai đoạn “biến thiên lịch sử” này.

Câu chuyện được mở đầu từ gốc gác, lai lịch cây đèn biển. Cây đèn được đặt trên hòn đảo hoang sơ heo hắt trên ngọn đồi sim - một mỏm đồi chênh vênh trên hòn đảo miền Đông Bắc, cách xa bến bờ cả hàng giờ tầu chạy. Đông Hải (Trương Đông Hải) - một chàng trai côi cút, không mẹ, chỉ có cha. Cha Hải là Lão Đăng - một người đàn ông góa bụa… Lão Đăng sống với đứa con trai và với ngôi mộ của người đàn bà “bí mật”, với công việc thường nhật - thắp cây đèn biển mỗi ngày. Lão quan niệm “cây đèn biển và người gác đèn biển là con mắt của biển cả, là ngọn lửa mang ánh sáng soi rọi, dẫn đường, che chắn bão giông cho người làng chài nói riêng, cho cả mảnh đất mang hình chữ S...”. Trước khi chết, lão di chúc lại cho Đông Hải dù có đến chết cũng không được rời ngọn đèn, rời đảo phải thắp sáng ngọn đèn để giữ lấy “con mắt biển”... Và Đông Hải đã giữ lời hứa với cha. Anh ở lại đảo và luôn giữ cho ngọn đèn - con mắt biển luôn tỏa sáng, dù khi nó đã được thay thế bằng một cây đèn khác với vị thế đắc địa hơn, tân tiến hơn.

Chuyện cây đèn biển với cuộc đời mang vẻ “lập dị”, cá biệt của lão Đăng với sự ra đời của chàng trai Đông Hải là cả một mối quan hệ chằng chéo với người làng Chài, mà lão Bầu là người luôn có mặt trong các sự kiện. Nó được lồng ghép với những truyền thuyết mơ hồ liêu trai, huyễn hoặc, để rồi Dương Hướng đã dựng lên một cuốn tiểu thuyết đậm chất lịch sử. Lời người gác đèn dù là hư cấu, nhưng đây vẫn là cuốn tiểu thuyết mang sắc màu dã sử.

Nguyễn Toàn, con trai thứ lão Bầu người xóm giáo làng Chài được Dương Hướng chú tâm xây dựng làm nhân vật trung tâm để khắc họa lý giải cho sự phân chia, tạo ra thù hận ngăn mặt cách lòng giữa hai miền Nam Bắc - của người làng Chài cũng là của giải đất hình chữ S. Toàn, từ một gã trai sùng Đạo Thiên Chúa, theo Cha xứ đi truyền đạo, đi tuyên truyền chống Cộng sản, rồi đến việc năm 1954 khi quân Pháp thất thủ, buộc phải cuốn cờ về nước. Đất nước Việt Nam tạm chia làm hai miền, theo tinh thần Hiệp định Giơ Ne Vơ chờ tổng tuyển cứ bầu ra Chính phủ liên hiệp. Nguyễn Toàn lại vận động những kẻ đối kháng với chính quyền cách mạng và giáo dân di cư vào Nam, không thi hành Hiệp định… Nguyễn Toàn với cái nhìn thiên lệch, tự huyễn hoặc, hận thù mà thành đối kháng với Nguyễn Cảnh - anh trai mình, người chọn con đường theo cách mạng.

Hãnh tiến, ham quyền lực, Toàn không từ bỏ hành động nào dù ti tiện, lúc lá mặt, lúc lá trái. Đang tôn thờ nền đệ nhất Cộng hòa của anh em nhà Ngô Đình Diệm dựng lên, lại sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của CIA sát hại anh em nhà họ Ngô. Rồi lật mặt quay sang phụng sự nền đệ nhị của Nguyễn Văn Thiệu… Song, cái mục đích của Nguyễn Toàn là chống Cộng đến cùng. Toàn thành con át chủ bài của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, được thăng hàm Trung tướng, đương đầu với những người từng là bạn hữu, người cùng dòng tộc máu mủ từ làng Chài trong đội quân xẻ dọc Trường Sơn vào làm cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Ngày 30/4/1975 chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ thảm bại. Hận thù Cộng sản, nhưng Nguyễn Toàn không di tản, bỏ đất nước ra đi như những viên Tướng đồng liêu. Toàn chấp nhận ở lại sống chung với phe thắng trận, nhờ sự bảo lãnh của Nguyễn Cảnh, giờ đã là một sĩ quan cấp tá quân đội cách mạng. Vậy rồi, trước áp lực của cuộc sống mới mà mình không thể hòa nhập, Toàn thấy mình lạc lõng, lại luôn trong tâm trạng mặc cảm và nuối tiếc một quá khứ vàng son, quyền lực, Toàn đã quyết định vượt biên tìm miền đất hứa để dung thân. Cuộc vượt biên không thành, được người làng Chài cứu vớt, cưu mang, lúc ấy Toàn mới tỉnh ngộ lại để cam chịu mà chấp nhận.

Với nhân vật Nguyễn Toàn và Nguyễn Cảnh, Dương Hướng dành lượng lớn dung lượng khắc họa đậm nét về hai nhân vật này. Đây chẳng phải là hình tượng bi lẫn hùng mà thời cuộc tạo nên. Cả hai là anh em ruột thịt đều được lão Bầu sinh ra. Nguyễn Toàn là tướng lãnh của phe Việt Nam Cộng Hòa. Nguyễn Cảnh là sĩ quan quân đội cách mạng. Mỗi bên sùng ái, tôn thờ một lý tưởng của mình mà lao vào tiêu diệt, giành giật nhau. Lẽ ấy mà Dương Hướng phải xót xa trong trang viết: - “Đấy là cuộc chiến tương tàn. Ai thắng ai thua thì cái được và cái mất vẫn thuộc về nhân dân, về gia tộc nhà họ Nguyễn mà người đứng đầu là Nguyễn Bầu lãnh trọn. Không, nó không chỉ vậy! Chuyện của một gia đình, chuyện của một dòng họ, để suy rộng ra nó là chuyện của một đất nước của lịch sử một thời đấy…”

Để rồi, rốt cuộc lão Bầu cũng phải điểm mặt hai người con trai mà thốt lên, vừa là sự phủ nhận cũng lại là tự nhận thấy nỗi đắng cay về sự trớ trêu thời cuộc “Đành rằng, các anh đi là vì chí trai, một anh vì lí tưởng Cộng hòa, một anh vì lý tưởng của anh bộ đội Cụ Hồ. Hai lý tưởng ấy bao năm giành nhau chiến thắng mà đến nỗi kiệt quệ cả đất nước. Làm mấy triệu mạng người vô tội chết theo. Chung quy lại hai anh vẫn là thằng tôi đẻ ra. Đấy, các anh ngồi ngẫm kỹ lại mà xem...”

Những lời chua chát được nhà văn cho thốt ra từ miệng lão Bầu. Nó cũng là sự đúc kết, gửi gắm của một người cầm bút trách nhiệm, một cựu chiến binh. Dương Hướng đã đi qua ba cuộc chiến tranh, đã gửi lại tuổi xanh trong những cuộc chiến ấy, nên để rồi chỉ một ước mong “Mong con dân đất Việt, dù là ai từng đứng nơi phía nào cuộc chiến. Điều ấy không còn quan trọng, không cần nhắc lại làm gì. Mà giờ là lúc cùng nhau dựng xây một Tổ quốc, cái nôi chung của mỗi con dân Lạc Việt ngày một phồn vinh...”.

Đây là sự gửi gắm vào tiểu thuyết Lời người gác đèn của nhà văn Dương Hướng tuy nó không mới, không nhiều phát hiện, nhưng vốn đã được tiếng là có tài khắc họa xây dựng tâm lý. Nhân vật dạng như Nguyễn Toàn, người của phe thất bại sau ngày 30/04/1975 thì bấy nay đã có nhiều người cùng viết, nhưng xem ra thấy còn hời hợt, còn mờ nhạt, khác xa với nhân vật Nguyễn Toàn trong Lời người gác đèn. Toàn được Dương Hướng khắc họa sâu sắc kĩ lưỡng, từ tâm lí, tư tưởng dẫn đến hành động, trước sự trăn trở của người đang có trong tay mọi thứ, giờ bỗng dưng chưng hửng ra thành lạc lõng...

Tướng Nguyễn Cao Kỳ, người của phe thất bại, đã nói một câu rất được sau cuộc can qua, mà mà những người cùng phía với ông ta phải ngậm ngùi chấp nhận: “Ai thắng, ai thua giờ không còn quan trọng nữa. Chỉ những ai cố tình quay lưng lại với quốc gia, với dân tộc mới là kẻ có tội”.

Vậy nên miền quê Đông Bắc của lão Bầu, sau bao năm loạn lạc, phân li, người làng Chài, đảo Gió lại tụ hội về xây dựng quê hương mình thành một địa danh du lịch sinh thái, thành khu chế biến hải sản xuất khẩu. Đấy không phải là viễn tưởng mà đã được Trương Quốc Cường, một người con của làng, của đảo mang tiền của, trí tuệ về xây dựng. Miền quê heo hút đói nghèo với những tị hiềm thù hận đã hoàn toàn được xóa bỏ. Tiếng chuông thánh đường hòa cùng tiếng chuông chùa nơi cửa Phật để phần hồn, phần xác của con dân làng Chài - đảo Gió đều được an nhiên thanh thản... Dương Hướng cũng đã mượn ý tứ câu nói của Tướng Nguyễn Cao Kỳ để viết tiếp những chương có hậu cho Lời người gác đèn.

Để phụ họa cho nội dung, cho ý tưởng của tiểu thuyết Lời người gác đèn, Dương Hướng còn xây dựng lên nhiều tuyến nhân vật. Có bà Mây bị tây đen hãm hiếp sinh ra Đen - đứa con lai, gắn với tội ác một thời theo giặc, làm giặc của lão Bầu, và nữa với những mối tình ngang trái vì sự chia cắt của thời cuộc, trái ngang vì bị cưỡng đoạt bạo hành, có cả những mối tình khát khao chia sẻ với ngộ nhận trớ trêu… Đó cũng chính là những hệ lụy của những cuộc chiến tranh mà đất nước, dân tộc mình phải gánh chịu. Được tất cả các sự việc xảy ra, Dương Hướng xây dựng ở dạng mập mờ úp mở, nó níu kéo người đọc lại trang viết, để phút cuối nhà văn mới cho vỡ òa ra như một trò ú tim vậy. Đây là cách dựng chuyện có nghề của tác giả.

Nhưng điều bất ngờ nhất với những chi tiết: Người đàn bà bí ẩn nằm trong ngôi mộ đặt trên đồi Sim mà lão Đăng nhận là vợ. Còn lão Bầu thì lại lén lút lên thắp hương, nàng là ai? Phải đến tận trang cuối tiểu thuyết mới có câu trả lời. Lúc ấy chuyện mới được lão Bầu thú nhận, di chúc lại. Nàng Nhụ, một cô gái dân chài bị lão Bầu cưỡng dâm. Đấy là lúc đầu, sau được nàng đồng cảm. Vì đêm tối mà Nhụ ngộ nhận giữa Đăng với Bầu. Hai chàng trai cũng là hai bạn tâm giao, và Đăng thành kẻ “đổ vỏ” cho Bầu. Nhưng vì yêu nàng mà Đăng ém nhẹm rồi tự nguyện làm kẻ “tráng men” cho cái thai và nuôi dưỡng nó để sau này đứa bé thành Trương Đăng Hải… Trương Đăng Hải, người giữ ánh sáng cho con mắt biển, với Nguyễn Cảnh, người của phe thắng trận, và Nguyễn Toàn - người của phe thất bại, đều là con đẻ của lão Bầu. Vậy mới càng xót xa… đất nước này dẫu thế nào thì lão Bầu lão vẫn là lão, là cha đẻ của vinh quang và thất bại...

Xin được trích mấy dòng lời tự giới thiệu của nhà văn Dương Hướng cho tiểu thuyết này để thay lời kết: “Lời người gác đèn là câu chuyện nửa như thực, nửa như hư, được người dân làng Chài thêu dệt lên như một huyền thoại về người gác đèn và cây đèn biển. Cây đèn biển được xem như con mắt của biển cả, nó nhìn thấu suốt thời gian, soi chiếu qua các sự kiện lịch sử diễn ra…”.

Nguyễn Duy Liễm

Nguồn Văn nghệ số 49/2023


Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...