Chuyên đề

Một mùa xuân của Bác

Câu chuyện văn hoá
08:56 | 12/02/2024
Từ ngày rời Sài Gòn ra đi, đến xuân Đinh Mão năm 1927, là tròn 16 mùa xuân Bác xa nhà, lênh đênh chân trời góc bể, ở Anh, ở Pháp.
aa

Từ ngày rời Sài Gòn ra đi, đến xuân Đinh Mão năm 1927, là tròn 16 mùa xuân Bác xa nhà, lênh đênh chân trời góc bể, ở Anh, ở Pháp.

Mùa xuân Đinh Mão 1927 là những ngày xuân, những ngày tết Bác được đón tết trong giữa 60 anh em cách mạng, đủ các vùng miền đất nước. Mùa xuân đó còn trong không khí của tự do độc lập dưới chế độ tam dân(1) của Tôn Trung Sơn. Đó là những ngày khai mở lớp huấn luyện thứ ba cho cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc.

Khóa thứ hai vừa kết thúc, số đông trở về nước hoạt động, một ít được Bác cử đi Liên Xô học Trường Đại học Phương Đông, như Trần Phú, Lê Hồng Phong, một số Bác gởi vào Trường Quân sự Hoàng Phố như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Thiết Hùng… Những ngày cuối năm, anh em trong nước từ nhiều con đường đã đến Quảng Châu không phải mười lăm, hai mươi người, mà rất đông. Bác đề nghị Phương Liên và Lâm Đức Thụ tìm thuê thêm nhà để anh em có chỗ lưu trú. Bác tranh thủ gặp gỡ từng nhóm anh em để nghe tin tức, tình hình và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng.

Sinh thời, bác Hồ luôn quan tâm đến công tác cán bộ của Đảng. Ảnh Bác Hồ với các trí thức cách mạng là Đại biểu Quốc hội. Ảnh Mai Nam

Một buổi tối, có thanh niên khoảng ba mươi tuổi đến xin gặp Bác.

- Thưa anh, em là Lê Mạnh Trinh quê ở Thanh Hóa, trước là thầy giáo gõ đầu trẻ, em gặp một số bạn trẻ hăng hái tham gia phong trào rủ nhau đi vào Nam tìm đồng chí cách mạng. Em vào Sài Gòn, giao lưu, được dự cả cuộc diễn thuyết cuối cùng của cụ Phan Châu Trinh. Em gặp anh Phan Trọng Bình rủ nhau qua đây học làm cách mạng.

- Chú vậy là quyết chí cao đấy, từ Xứ Thanh vào tới Sài Gòn và giờ đến đây để học làm cách mạng. Anh hoan nghênh chú. Sao ở Sài Gòn chú có dự đưa đám cụ Phan Châu Trinh không?

- Dạ, có ạ. Đám cụ to lắm, đến sáu vạn người đưa, cả vạn người để tang đen trên tay áo trắng, người đưa đám tang kéo dài từ trung tâm Sài Gòn lên đến Tân Sơn Nhất - Ngừng một chút, anh thưa - Thưa anh, còn việc này hệ trọng. Ở Sài Gòn, em có được gặp cụ Nguyễn Sinh Huy.

- Thế à, anh gặp cha tôi à. Cụ ra sao?

- Dạ cụ khỏe, cụ làm nghề bắt mạch kê toa chữa bệnh cho mọi người ở tiệm thuốc bắc Phúc Sinh Đường. Trước khi đi em đến chào cụ. Cụ dẫn em đến quán chè mè đen gọi hai bát. Bát của em, cụ gọi thêm quả trứng. Cụ dặn nếu gặp anh thì nói cụ vẫn khỏe mạnh, bình an, đừng lo gì cho cụ. Lúc này cứu nước là hệ trọng. Lo cho nước là có hiếu với cha.

Bác nghe chăm chú, như muốn nuốt từng từ, từng chữ của cha. Đã mười mấy năm rồi, nay mới có tin. Bác mừng vui, xúc động:

- Quí quá. Mười lăm năm rồi cha con tôi xa nhau, bặt tin tức. Nay chú qua mang cho tôi món quà lớn quá.

- Thưa anh, cụ còn kể lại trước lúc cụ Phan Châu Trinh lâm chung, cụ cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng với vài người nữa bên cạnh cụ Phan. Cụ Phan Châu Trinh nắm tay cụ Huỳnh trăn trối: “Việt Nam độc lập sau này, sở cậy vào Nguyễn Ái Quốc”.

Bác nghe điều này càng xúc động hơn. Bác nhìn xa xăm như nhớ lời cụ Phan giục phải về nước làm cách mạng. Bác nhìn anh Trình và nói:

- Em à! Lời dặn lại của cụ Phan là lời trao gởi sâu đậm, cũng là trọng trách cụ giao lại cho anh em chúng ta.

*

Hôm khai giảng khóa 3, Bác nhìn anh em khắp lượt với một niềm vui hớn hở. Bác nói:

- Khóa một có hơn mười học viên kể cả các đồng chí dự kết hợp. Khóa hai có mười lăm người, khóa này có năm mươi đồng chí từ cả ba Kỳ: Bắc, Trung, Nam. Điều đó nói lên điều gì anh em hiểu không? Nó nói lên cách mạng đang phát triển rất tốt ở Việt Nam ta. Điều đó cũng khẳng định vị trí vai trò của Thanh niên Cách mệnh đồng chí Hội, khẳng định cả nước đều có hạt nhân, có phong trào, có nhiều người yêu nước và quyết tâm làm cách mạng. Tôi hoan nghênh các anh em, những đồng chí yêu quí dân tộc đã vượt muôn trùng khó khăn đến đây.

Cả hội trường vỗ tay kéo dài. Bác quay sang bảo Lê Hồng Sơn làm thủ tục giới thiệu mọi người với nhau. Lê Hồng Sơn bước lên:

- Bây giờ tôi đọc từng tỉnh các anh đứng lên nhá.

Mỗi đoàn, mỗi người đứng dậy đều nhận được những tràng vỗ tay. Một không khí hết sức phấn khởi. Chờ cho mọi người giới thiệu xong, Bác nói tiếp:

- Chương trình học tập của khóa này giúp anh em có kiến thức về vận động cách mạng, vận động quần chúng, tổ chức hội đoàn, tập hợp lực lượng để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản và sau nhất là tổ chức lực lượng để khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Sẽ hỗ trợ các anh em cách làm báo, cách tuyên truyền và các phương thức đấu tranh, mỗi đồng chí phải biết diễn thuyết và phải diễn thuyết tại lớp này…Tôi sẽ trực tiếp giảng bài, trợ giúp tôi có Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn.

Chúng tôi đã mời các đồng chí là những nhà cách mạng Trung Quốc đã từng thân quen với tôi ở Pháp như Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Trần Diên Niên, Bành Bái. Các đồng chí Liên Xô, đặc biệt đồng chí Borodin, Trưởng cơ quan đại diện tại Quảng Châu cũng sẽ đến giảng bài với các đồng chí. Chúng ta sẽ học bốn mươi lăm ngày và sẽ kết thúc vào dịp tết Nguyên Đán năm 1927. Hôm nay đã là 19 tháng mười hai, âm lịch là rằm tháng 11 rồi, chỉ có 45 ngày nữa là đến tết Đinh Mão. Chúng ta sẽ có một cái tết đặc biệt tại Quảng Châu với đội ngũ lên đến sáu bảy chục anh em, những hạt giống đỏ của cách mạng vô sản Việt Nam. Như vậy sẽ rất vui. Các chú phải chuẩn bị các tiết mục văn nghệ nhé.

*

Bốn mươi lăm ngày trôi qua, lớp học hoàn thành. Quốc tế Cộng sản cử phái viên đến kiểm tra và khen ngợi. Ngày kết thúc lớp học, cũng đúng ngày giáp tết Đinh Mão.

Chiều ba mươi, mọi người quây quần trong phòng học để đón tết. Mấy tiết mục văn nghệ tự biên, tự diễn. Có cả làn điệu quan họ Bắc Ninh, có chèo Thái Bình, có bài chòi Khu 5, có cải lương Nam Bộ với những giọng ca mộc, rất chan chứa tình yêu cách mạng. Kết thúc là táo quân do Hồ Tùng Mậu đóng vai Ngọc Hoàng. Sau những tờ sớ lên án thực dân Pháp, là những lời sớ về sự ngu xuẩn đến ngớ ngẩn của bọn tay sai. Lê Hồng Sơn pha trò làm mọi người cười đến chảy nước mắt. Bỗng Ngọc Hoàng nghiêm giọng:

- Chuyện này ta nghe đầy tai. Bây giờ, các táo cho ta biết các người sẽ làm sao để dẹp cái bọn thực dân bán nước này.

- Dạ, thưa Ngọc Hoàng, chúng con nhất trí đồng tâm đoàn kết đứng lên làm Kách mệnh ạ.

Ngọc hoàng vuốt râu:

- Tốt, nhưng nhớ lời ông Lenin: không có Đảng cách mạng tiên phong lãnh đạo, thì không có cách mạng thành công. Các người có nhất trí không?

Tất cả vui vẻ vỗ tay và hô to: Nhất trí ạ.

Bác đứng lên hỏi thêm mọi người:

- Có quyết tâm không?

- Quyết tâm ạ.

Và không ai bảo ai, cả sáu chục con người của ba miền đất nước đều đứng dậy nắm chặt bàn tay, giơ cao hô to:

- Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!

Bác giơ tay ra dấu, mời mọi người ngồi xuống:

- Tốt, rất tốt. Các chú biểu hiện rất tốt. Bây giờ ta khai xuân. Đây là một ngày tết đặc biệt, rất đặc biệt. Tôi chúc các chú khỏe, khỏe mọi mặt, nhất là ý chí khỏe về tâm thức để làm cách mạng thành công.

(Trích “Theo dấu chân Người” sắp xuất bản)

________

(1). Chính phủ Tôn Trung Sơn lật đổ chế độ vua chúa phong kiến, lập Nhà nước Cộng hòa lấy tam dân làm gốc là “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc”, hợp tác với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Liên Xô. Sau khi Tôn Trung Sơn chết, tháng 4 năm 1927 Tưởng Giới Thạch đảo chính.

Trình Quang Phú

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...