Chuyên đề

Một ngày ở Chiến khu… rừng Sác

Thuý Hằng
Văn học địa phương
07:25 | 18/07/2024
Đi giữa rừng Sác, một trong những khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới (đã được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới)...
aa
Một ngày ở Chiến khu… rừng Sác
Rừng Sác, một trong những khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới

Sinh ra trong thời bình, thế hệ chúng tôi không còn phải ngửi mùi khói bom, thuốc súng, không phải chứng kiến những mất mát, đau thương như khi các bậc cha anh vác súng lên vai đi chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Nhưng, đọc trong sử sách, nghe hồi ức của những cựu chiến binh năm xưa, rồi xem qua những bộ phim như “Bông hoa rừng Sác”, “Bộ đội đặc công rừng Sác” hay “Chuyện kể đất phương Nam”… tôi mong lắm một lần được thăm Chiến khu rừng Sác.

Cơ duyên ấy đã đến khi chúng tôi có chuyến công tác tại thành phố mang tên Bác. Nghe giới thiệu: quãng đường từ thành phố Hồ Chí Minh đến Chiến khu rừng Sác khoảng trên 50km thời gian di chuyển khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi hăm hở lên đường.

8h30 phút sáng, chúng tôi đã có mặt ở rừng Sác, thuộc ở xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh. Bình minh ló rạng, ánh nắng ửng hồng soi bóng xuống dòng sông khiến mặt sông sóng sánh những ánh vàng. Gió trên cao thổi rì rào, tiếng chim hót líu lo hòa ca cùng bản đồng giao của buổi mai yên bình. Hai bên bờ là vạt đước, những cây đước to bám mình xuống bồi phù sa, minh chứng cho sức sống mãnh liệt trải qua bao mùa mưa nắng. Theo lộ trình đã được định sẵn, chúng tôi cùng tham quan Đảo khỉ hoang dã, hồ Cá sấu hoa cà rồi đi ca nô len lỏi xuyên qua hệ thống kênh rạch của rừng ngập mặn Cần Giờ để đến với Căn cứ địa cách mạng rừng Sác.

Đi giữa rừng Sác, một trong những khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới (đã được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới) mới thấy hết sự tuyệt diệu khi được hòa mình với thiên nhiên. Chỉ khi bước chân vào không gian của Chiến khu rừng Sác, mắt nhìn vào những hiện vật được tái hiện như: Nhà cảnh vệ, Nhà quân nhu, Nhà quân y, Xưởng quân giới, hình ảnh các chiến sỹ đặc công bàn phương án tác chiến, cưa bom để lấy thuốc nổ sản xuất vũ khí, chiến đấu với cá sấu, hay lắng lòng dưới chân Đài tưởng niệm anh hùng liệt sỹ đặc công rừng Sác đã hy sinh… mới thấy lặng người trước một rừng Sác anh hùng, một rừng Sác đau thương, một rừng Sác huyền thoại - nơi từng được ví là “vùng đất chết” trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1966 - 1975.

Một lần đến Chiến khu Rừng Sác
Các cựu chiến binh thăm lại Chiến khu Rừng Sác

Đến đây, tất cả các thành viên trong đoàn cùng lắng lòng để nghe thuyết minh viên giới thiệu: Ngày 15/4/1966, Bộ Chỉ huy Miền thành lập tại Đặc khu quân sự rừng Sác với mật danh T10 (Trung đoàn 10 - Đặc công rừng Sác), có nhiệm vụ thọc sâu áp sát, bám trụ bằng mọi giá, chiếm giữ khu rừng Sác để tiến công liên tục vào kho, bến cảng, cơ quan đầu não, sào huyệt bộ máy của Mỹ.

Chiến trường rừng Sác là nơi con người phải sống trong điều kiện thiếu thốn trăm bề. Trong 9 năm từ 1966 - 1975, các chiến sỹ Đoàn 10 vừa lo chiến đấu với giặc Mỹ, vừa chống chọi với đói, khát và những hiểm nguy khác ở vùng rừng ngập mặn. Bởi thế, tại chiến khu này có 915 liệt sĩ đã hy sinh và đến nay vẫn còn 542 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Thân xác các anh đã hòa vào đất mẹ để đất nước được hòa bình, thống nhất. Là đơn vị độc lập nên Ban chỉ huy và Ban hậu cần T10 chủ yếu dựa vào sự che chở, đùm bọc của nhân dân vùng ven đô. Những nhu yếu phẩm như: Gạo, đường, thuốc… đều do các gia đình cơ sở bí mật chuyển vào căn cứ.

Có những thời điểm địch phong tỏa gắt gao, đơn vị phải tổ chức thu mua gạo từ xa, rồi ngụy trang mang, đưa được hàng chục tấn gạo vào căn cứ. Những năm tháng khó khăn (1969 - 1971) cán bộ, chiến sĩ phải ăn cháo, rau thay cơm vì địch phong tỏa các đường tiếp tế. Tuy nhiên, các chiến sĩ vẫn kiên cường bám trụ rừng Sác để chiến đấu với tâm nguyện “một tấc không đi, một ly không rời trận địa”. Toàn bộ rừng Sác là rừng ngập mặn, do đó quanh năm không có nước ngọt, đặc biệt là vào mùa khô, cán bộ, chiến sĩ phải chèo ghe ban đêm, luồn lách tránh biệt kích, máy bay để vào các ấp chiến lược chở từng can nước giếng.

Chỉ một thời gian sau địch phát hiện, nắm được quy luật này đã tiến hành phục kích án ngữ các giếng, bờ ao. Bởi thế nhiều chiến sĩ đã phải đổ máu để có thùng nước ngọt. Vào lúc khó khăn nhất, các chiến sĩ ta đã phát huy sáng kiến lấy xoong, nồi nấu nước mặn, nước đun sôi bốc hơi gặp lạnh sẽ ngưng tụ và chảy ra từng giọt nước ngọt. Với cách làm này, mỗi ngày hai chiến sĩ chưng cất từ 8 đến 10 tiếng, đủ nước ngọt cho một trung đội sinh hoạt trong một ngày.

Nhắc đến bộ đội Đặc công rừng Sác thì không thể không nói đến trận đánh kho xăng Nhà Bè. Kho xăng rộng 14 ha, có 72 bồn xăng dầu, gần một nửa số bồn này có sức chứa hơn 10 triệu lít xăng được bảo vệ với 12 lớp rào bao bọc, tường cao 3,5m. Giữa từng lớp rào có gài mìn và thường xuyên có các toán lính tuần tiễu đi trong đêm để chống lực lượng của ta đột nhập. Bên ngoài, địch còn bố trí chó và hệ thống đèn pha, tháp canh, đường tuần tra... Ấy thế nhưng các chiến sỹ đặc công của ta đã mưu trí, dũng cảm phá tan kho xăng để chặn đường vận chuyển, vũ khí đạn dược, quân lính, lương thực, thực phẩm của địch vào chiến trường.

Vào 0 giờ 35 phút ngày 3/12/1973, các chiến sĩ Đặc công rừng Sác đã bí mật đột nhập vào khu vực kho, phân công nhau đặt nhiều quả mìn vào các bồn chứa xăng dầu rồi sau đó rút ra an toàn. Ngay sau đó, kho xăng Nhà Bè bùng cháy dữ dội trong suốt hơn 12 ngày đêm, thiệt hại khoảng 12 triệu USD của đế quốc Mỹ. Trước đó, hơn 20 tàu chiến bị dìm xuống đáy sông (ngày 15/4/1996) rồi kho bom Tây Hạ bị nổ tan tành (ngày 13/12/1972) hủy hơn 100.000 tấn bom của địch để những trái bom này không còn cơ hội gây tội ác trên đất nước Việt Nam.

Rừng Sác, huyện Cần Giờ, Tp.HCM nhìn từ trên cao
Rừng Sác, huyện Cần Giờ, Tp.HCM nhìn từ trên cao

Chiến tranh đã lùi xa và những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của bộ đội đặc công rừng Sác năm xưa giờ đã được tái hiện gần như toàn vẹn như: Nhà cảnh vệ, nhà đón tiếp, hầm trú ẩn, hội trường, nhà hậu cần, nhà quân y, nhà quân giới, nhà cơ yếu, cảnh chỉ huy Đoàn 10 đang nghe báo cáo tình hình thực địa và hạ quyết tâm tổ chức tập kích phá huỷ kho xăng Nhà Bè. Hình ảnh mô phỏng chiến sĩ Đoàn 10 tiêu diệt cá sấu, chưng cất nước mặn thành nước ngọt, cảnh đưa tiễn chiến sĩ vào trận đánh, trận địa súng DKZ pháo kích và Dinh Độc Lập… Được đầu tư tôn tạo và bảo tồn chu đáo, năm 2004, Căn cứ rừng Sác đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến nay, Chiến khu rừng Sác đã trở thành một điểm du lịch hút khách thập phương. Thật vui, thật tự hào khi được đặt chân đến Chiến khu rừng Sác, lắng lòng trước sự hy sinh cao cả của các bậc cha anh để sống có trách nhiệm hơn, góp sức dựng xây đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trở lại chiến khu xưa Đôi cọp xám chiến khu Đ Cửa bể Cần Giờ
Nguồn Tạp chí Văn nghệ Hoà Bình số 4/2024
Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.