Sáng tác

Một người mẹ - truyện ngắn của Phạm Chí Dũng

Phạm Chí Dũng
Truyện
12:00 | 02/11/2024
Baovannghe.vn - Trời tối dần. Trên cái sân rộng của khu trường đại học, ánh sáng nhạt nhoà từ chiếc đèn cao áp hất xuống sân tạo thành những mảng sắc vàng hình thù kì dị và lạnh lẽo. Đang vào kỳ nghỉ hè nên sinh viên về gần hết chỉ còn bác bảo vệ già nua suốt ngày ho sù sụ vì căn bệnh suyễn.
aa
Một người mẹ - truyện ngắn của Phạm Chí Dũng
Một người mẹ - truyện ngắn của Phạm Chí Dũng

1.

Lại một ngày buồn tẻ nữa sắp trải qua. Bác vừa định bước xuống cầu thang nhưng lại nghe một tiếng đập mạnh của cánh cửa nhà kho trên tầng bốn. Bác ngạc nhiên, nhớ rằng cách đây một tuần mình đã cột rất chắc bằng thép cánh cửa đó với nhà kho, chẳng có lẽ nào gió lại giật tung ra. Cực chẳng đã bác lại lụm khụm leo từng bậc cầu thang lên tầng tư. Cánh cửa nhà kho mở toang, đang rung lên nhè nhẹ từng đợt trong gió. Bác bảo vệ kéo mạnh cánh cửa sập vào, nhưng rồi lại mở ra ngay. Trong bóng tối lờ mờ, bác cảm giác như có một cái ghế dài nằm chắn ngang ở giữa nhà kho, vị trí mà nếu bác nhớ không lầm thì tuần trước rất quang đãng. Chợt bác nấc mạnh một cái, đưa tay lên bịt chặt lấy mũi bởi một thứ mùi kì quái khủng khiếp bất thần xộc mạnh vào mặt bác. Bác lò dò bước vào nhà kho, định thần nhìn kĩ. Chỉ thấy có một cái gì đó trăng trắng trên chiếc ghế dài. Bác vội sờ túi nhưng chợt nhớ ra mình bỏ quên chiếc đèn pin ở dưới nhà. Bác bước lên một lần nữa, dùng hai tay sờ soạng vào cái vật trăng trắng đó. Rồi bàn tay bác chạm vào một lớp vải khô cứng. Sâu hơn nữa là một thứ mềm mềm. Bác nín thở, lấy hết can đảm lần rộng ra. Bất chợt, sống lưng bác lạnh toát.

Cái vật bác đang cầm là một bàn tay người...

Đêm hôm đó, cả khu trường đại học bấn loạn. Trong ánh sáng của tất cả mọi đèn đuốc có thể huy động được, người ta vòng trong vòng ngoài vây lấy cái cầu thang dẫn lên nhà kho. Nhưng rút cuộc, chỉ có vài người là dám bước lên. Trong số đó có anh công an khu vực, mặt hơi tái đi nhưng vẫn dẫn đầu. Khi chiếc đèn thủy ngân được đưa vào trong nhà kho, mọi người ai nấy đều rùng mình kinh hãi. Xác chết có khổ người nhỏ bé nằm ngay ngắn trên chiếc ghế dài ở giữa phòng. Từ xác chết mùi hôi bốc lên nồng nặc. Khuôn mặt của xác chết đã bị biến dạng hoàn toàn bởi những vết chém ngang dọc. Trong túi quần nạn nhân, công an tìm thấy một giấy chứng minh.

Đến đây thì lai lịch người chết đã rõ. Một điều tra viên xác nhận rằng nạn nhân chính là tên X - một trùm băng cướp khét tiếng tàn ác, đã từng dính vào khá nhiều vụ giết người cướp của mà công an đang truy nã gay gắt.

2.

Vào đúng ngày phát hiện ra xác chết trong trường đại học, tại một địa phương cách đó gần bốn trăm cây số, một vụ án mạng khác cũng xảy ra. Lần này nạn nhân là một phụ nữ - thủ quĩ của một công ty thương mại khá lớn trong địa phương. Tôi được cấp trên phái xuống hiện trường ngay với tư cách là người của Bộ Nội vụ phối hợp phá án. Sau khi len lỏi qua một đám đông tụ tập chẳng biết để làm gì, đi thông qua một hành lang nhỏ và nhảy ba bước lên cầu thang, tôi được người trợ lí giám đốc xăng xái dẫn vào phòng kế toán. Thật may mắn, hiện trường hầu như vẫn được giữ nguyên vẹn. Tôi liếc đồng hồ: Đã gần chín giờ tối. Trong một khoảng nhỏ của căn phòng nơi vẫn dùng làm chỗ cất tiền, xác nạn nhân nằm sấp sõng xoài trên những tờ giấy bạc loại mệnh giá nhỏ vung vãi, hai cánh tay dang thẳng về phía trước như muốn níu lại cái gì đó. Trên lưng nạn nhân, ngay vị trí của tim là một lỗ nhỏ sâu hoắm mà từ đó máu đen đang rỉ ra. Tôi khẽ lật đầu nạn nhân lên, bất giác hơi giật mình: khuôn mặt nhăn nhúm đáng sợ với hai con mắt lồi ra trừng trừng, chứng tỏ nạn nhân đã phải quằn quại đau đớn một lúc rồi mới chết hẳn. Những người trong công ty có mặt tại hiện trường đều nhốn nháo khiếp hãi, đến nỗi người trợ lí giám đốc phải bắt buộc tất cả phụ nữ đều ra ngoài. Một nhát duy nhất, và trúng ngay tim. Tôi lắc đầu, đưa mắt dò hỏi mấy điều tra viên địa phương. Nhưng rồi họ cũng lắc đầu theo tôi. Hình như tôi đã biết ở đâu đó kiểu đâm dao sau lưng nhát một như thế này rồi thì phải? Bỗng tim tôi đập rộn lên. Trong bàn tay phải nắm chặt của nạn nhân, có một sợi gì đó đen đen. Tôi thở phào khi lần gỡ những ngón tay của nạn nhân. Thì ra đó là một nắm tóc, một chứng cứ hết sức có giá trị trong vụ án này.

Tôi và các đồng nghiệp bắt đầu nhanh chóng thẩm tra sơ bộ các chi tiết của vụ án mạng với sự giúp đỡ đắc lực của người trợ lí. Chẳng mấy chốc, tình tiết vụ án được giả định như sau: vào lúc 4 giờ 30 phút chiều, tất cả nhân viên công ty đều ra về, chỉ trừ hai người là thủ quĩ phải kiểm tiền thanh toán cuối tháng, và người bảo vệ. Vào lúc 6 giờ 30 phút chiều, bảo vệ đạp xe ra ngoài đường sau khi đóng cửa cẩn thận và từ đó không thấy quay lại công ty (có lời xác nhận của người bán cà phê trước cửa công ty). 7 giờ tối, người bán cà phê dọn hàng về, lúc đó xung quanh công ty khá vắng vẻ. Lúc 8 giờ tối, khi bảo vệ quay lại công ty thì đã thấy nạn nhân nằm trên vũng máu. Theo kế toán trong công ty xác định, số tiền bị hung thủ cướp đi rất lớn nhưng chưa biết chính xác là bao nhiêu. Không tìm thấy hung khí.

Như vậy, theo giả thiết hợp lí nhất, án mạng xảy ra trong khoảng từ 7 giờ đến 8 giờ tối, bởi người bán cà phê đã khẳng định chắc chắn rằng từ 4 giờ 30 đến 7 giờ chị ta luôn có mặt ở trước công ty và không thấy một ai bước vào bên trong. Chúng tôi tạm đưa ra kết luận đầu tiên: hung thủ có nhiều khả năng là người trong nội bộ công ty nên mới nắm rõ việc thủ quĩ làm và mới có được chìa khoá. Và một chứng cứ hiển nhiên khó có thể phản bác được: tóc của hung thủ phải cùng loại với món tóc mà nạn nhân nắm được trong lòng bàn tay trước khi chết...

3.

"Vụ đó đơn giản không ấy mà", anh bạn đồng nghiệp tôi kết luận và cười thoải mái trong điện thoại sau khi kể lại cho tôi nghe toàn bộ về cái xác chết mất mặt tìm thấy ở khu trường đại học. Tôi đặt máy xuống và lặng lẽ rít thuốc lá. Thời gian gần đây, nạn bạo hành trong xã hội ngày càng trở nên đáng lưu ý. Trong hành động, bọn cướp càng lúc càng tỏ ra xứng đáng với bậc anh chị găngxtơ của chúng trong các bộ phim video đen nhập lậu từ Mỹ về. Giờ đây, bọn chúng hoàn toàn có thể bắn trước cướp sau, dường như trong hệ thần kinh của chúng không còn một chỗ nào cho pháp luật tồn tại.

X. là một tên có máu mặt loại như vậy. Cách đây sáu năm, lần đầu tiên hắn giết người, và cũng là lần đầu tiên tôi chạm trán với hắn. Không có chứng cứ, tôi đành gườm gườm nhìn hắn khi cả hai đang ở trong cùng một quán cà phê. Nói đúng hơn, tôi đã đi theo hắn. Mặc dù mới hơn hai mươi tuổi và nhỏ người, X. rất tinh khôn, quỉ quyệt và cũng thừa bản lĩnh để chỉ huy cả những thằng to xác hung dữ. Hắn giương mắt nhìn lại tôi với vẻ thách thức lộ liễu. Mắt hắn nhỏ và lạnh tanh, từ đó toát lên một ánh sắc lạnh ghê rọn của máu người. Sau đó X. biến mất, cứ như đất đã nẻ ra để hắn chui vào vậy.

Còn lần này, tôi nhất quyết phải biết được hắn đã chết ra sao. Sau khi trao đổi kĩ phương án điều tra với các điều tra viên địa phương, tôi vội vã phóng một chiếc Jeep mui trần về nơi phát hiện xác chết mất mặt. Biết tôi là người của Bộ, anh công an khu vực nhiệt tình hẳn lên và dẫn tôi đến chỗ ông già bảo vệ của trường đại học. Suốt hai tiếng đồng hồ, bác bảo vệ kể lại mọi chuyện một cách chi tiết, chi tiết đến nỗi cuối cùng tôi không thể hỏi thêm được bất kì chi tiết nào nữa. Còn người công an khu vực, khi thấy tôi có vẻ ngơ ngác, anh liền giảng giải rằng đây chỉ là một vụ thanh toán đồng bọn thường xảy ra trong cùng băng hoặc giữa các băng cướp với nhau. Thậm chí anh ta cũng không có cả ý định truy tìm thủ phạm của vụ giết người. Khi tôi ngỏ ý muốn được nhìn lại tên X. một lần cuối, anh ta bật cười: "Anh muộn mất rồi. Cái xác thối rữa đã mấy ngày nay nên chúng tôi phải cho đem đi đốt". "Vậy là hết?" "Chưa hết, còn một người nữa mà anh cần gặp, đó là mẹ của nó. Trời đất ạ, nếu biết nó là cướp thì có lẽ bà ấy đã không phát điên lên như bây giờ.”

Theo lời chỉ dẫn, tôi tìm đến nhà mẹ tên X., mặc dù không ý thức rõ là mình đến để làm gì. Đó là một căn hộ hai phòng nằm trong khu chung cư gần cái trường đại học định mệnh của tên X.. Sau gần năm phút đồng hồ gõ cửa, bà mẹ mới xuất hiện. Tôi sửng sốt. Đúng ra, đó phải là một bà lão tám mươi tuổi, vượt hẳn hai chục năm cái tuổi thật của bà. Không nói không rằng, bà lẳng lặng quay vào. Tôi đi theo, cố trấn tĩnh trước bầu không khí nặng nề u ám của căn phòng. Trước mặt tôi là bàn thờ khói nhang nghi ngút, trên đó đặt tấm ảnh viền đen của X.. Sáu năm rồi tôi mới gặp lại hắn. Nhưng lạ quá, tuy đã chết nhưng cặp mắt hắn hình như không đổi khác, tia mắt chết người vẫn xoáy chặt vào tôi.

Bà mẹ lại khóc, âm thầm, hai vai rung bần bật nhưng không còn nước mắt nữa. Tôi không dám hỏi, tuyệt đối không dám hỏi. Không hiểu sao, tôi có cảm giác sự có mặt của mình ở đây là quả thừa thãi. An ủi bà mẹ ư? Có khi lại càng làm cho bà đau đớn hơn. Hay nói toạc ra cho bà biết về con người thật của X.? Tôi nhìn trân trân vào hắn trong ảnh, căm thù đến khó tả. Không, tôi không đủ can đảm để nói ra bất kì điều gì về hắn.

Cảnh im lặng như thế kéo dài suốt gần một tiếng đồng hồ. Cuối cùng bà mẹ thều thào nói với tôi (hoặc với ai đó trong thinh không) rằng X. không thể là một đứa con hư, lần cuối cùng hắn về nhà cách đây hai tháng, sau đó hắn đi làm ăn xa như mọi lần.

Tôi im lặng. Bà mẹ thật sự không biết gì về hắn ư?

Không còn gì để nói, tôi viết số điện thoại của mình để lại trên bàn và dặn bà mẹ nếu việc gì cần hãy gọi điện thoại cho tôi. Tuy vậy, tôi nghĩ rằng bà mẹ chắc chắn sẽ chẳng bao giờ nhớ đến tôi nữa.

4.

Giám đốc công ty là một người đàn ông trạc năm mươi tuổi, có thân hình phục phịch và gương mặt đôn hậu. Thú thật, nếu như ông ta không phải là một trong những đối tượng nghi vấn của án thì có lẽ tôi đã có thiện cảm với ông ta qua tiếp xúc. Nhưng có một điều không cho phép tôi hành động khác, đó là nguyên tắc bất di bất dịch trong nghề nghiệp: trái tim nóng nhưng đầu phải lạnh. Bởi đối với nhân viên điều tra hình sự, việc sa đà quá nhiều vào phương diện tình cảm cũng đồng nghĩa với sự hạn chế khả năng hoạt động của lí trí. Trong gần hai giờ đồng hồ được "phỏng vấn", ông giám đốc trả lời với vẻ lễ độ thật sự, tuy đôi lúc có vấp váp nhưng nói chung khá trôi chảy những câu hỏi của tôi. Chính vì thế, tôi lại cảm thấy hơi nghi ngờ ông ta. "Thế trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 8 giờ tối hôm đó, ông đã làm gì?" "Làm gì à?", giám đốc giơ hai tay lên trời, vẻ ngạc nhiên: "Tôi đi khám bệnh chứ còn đi đâu nữa. Tôi bị bệnh tim mà.”

Người trợ lí mang kính cận khoảng trên dưới bốn mươi tuổi cũng nói cho tôi biết về những đặc điểm của giám đốc với một lòng quí mến không giấu giếm. Trong quan sát của tôi, người trợ lí này biểu trưng cho sự mẫn cán của dạng công chức, mặc dù anh ta không phải là quá thông minh. Biết anh ta được giám đốc tin cậy giao cho nắm các hồ sơ về nhân viên công ty, tôi liền đặt vấn đề để anh ta cung cấp. Một điểm thú vị nảy sinh ngay: người bảo vệ công ty trước đây đã từng bị nghi vấn là đồng phạm của một vụ tham ô. Về sở thích, anh chàng này uống rượu như nước lã và từ lâu đã trở thành đệ tử ưu ái của Lưu Linh. Tôi lặng lẽ khoanh tròn tên người bảo vệ trong óc mình.

Người kế toán của công ty cũng là một nhân vật đáng chú ý về nhân thân. Cách đây hai năm, người ta phát hiện anh ta nhập nhèm số má chứng từ thanh toán. Lần theo dấu vết đó, người ta tìm ra đường dây liên hệ trực tiếp giữa anh ta với một phó giám đốc công ty phụ trách kinh doanh. Lần đó, tuy phó giám đốc đã bị cho nghỉ việc, còn kế toán tuy bị kỉ luật nhưng vẫn được giữ lại làm. Ngồi đối diện với tôi, người kế toán mặt tái mét cúi gầm xuống. Phải, anh ta lúng túng và không thể cho tôi biết được anh ta đã làm gì vào buổi tối xảy ra vụ án mạng. Trong đầu tôi bất chợt thoáng nghĩ đến một mối liên hệ giữa ít nhất là hai kẻ thủ phạm.

Cuối cùng là người bảo vệ. Anh ta người tròn quay, hai mắt húp lên đờ đẫn nhìn tôi. Trước và sau, anh ta cũng chỉ lặp đi lặp lại một lời khai duy nhất là về nhà ăn cơm tối trong khi thủ phạm lẻn vào công ty. Trong lúc anh ta nói liên tục mà không cần biết người ngồi đối diện có nghe hay không, tôi nheo mắt nhìn vào mái tóc anh rồi chợt nảy ra một ý. Sau khi nghe lời đề nghị thẳng thừng của tôi, người bảo vệ tỏ ra hết sức ngạc nhiên. Nhưng trái với dự đoán của tôi, anh ta lại không cố gắng phản đối khi bị cắt đi một món tóc.

Món tóc đó dược chuyển ngay qua bộ phận khoa học hình sự. Hai tiếng đồng hồ sau, thủ trưởng bộ phận này gặp trực tiếp tôi thông báo: "Nắm tóc trong tay nạn nhân và món tóc của bảo vệ công ty là một loại. Đã đủ cơ sở kết luận chưa?"

Tôi không trả lời. Trong trường hợp này, có lẽ không cần trả lời mà vẫn có thể hiểu nhau. Chỉ có điều, tôi vẫn cảm thấy hơi ngạc nhiên vì vụ án kết thúc sớm như vậy, ngoài dự kiến. Tất cả chỉ sau có mấy ngày...

5.

Buổi tối, sau một ngày làm việc căng thẳng, tôi trở về căn phòng của mình trong nhà khách Bộ Nội vụ. Nhà khách này nằm trên sườn một quả đồi nhỏ, từ đó có thể phóng tầm mắt vào khoảng không rộng lớn hàng hà sa số ánh đèn lấp lánh trong đêm của thành phố. Gió mát rượi, rồi thoáng lạnh. Vừa đi qua phòng trực, cô gái tổng đài liền gọi tôi: "Anh có điện thoại của một bà mà em có ghi tên ở đây. Rất gấp anh ạ." Tôi vội cầm tờ giấy, bật thốt lên. Đúng là người mà tôi khó hình dung nhất, chính là bà mẹ của xác chết trong trường đại học.

Theo lời cô nhân viên tổng đài thuật lại, bà mẹ gọi điện trong tâm trạng hoảng loạn, cứ lặp đi lặp lại câu: "Không phải nó... không phải là nó", và yêu cầu tôi về gặp ngay bà.

Đáng lẽ ra, tôi không thể rời đây được một phút nào; nếu như không có một mối linh cảm chợt đến. Biết đâu đấy, bà mẹ có thể cung cấp những chi tiết bất ngờ nào đó...

Trong đêm tối, tôi lại phóng xe jeep như bay trên quốc lộ. Tờ mờ sáng, tôi đã có mặt trước của căn hộ. Lần này tôi không phải đợi lâu. Bà mẹ mặt như sáng lên, kéo tôi vào phòng nói một hơi: "Tôi nghĩ ra rồi chú ạ. Thật quẫn trí quá nên không còn nhận ra chuyện gì nữa. Nó không phải là con tôi, ý tôi muốn nói cái xác chết ấy. Chú cứ nghĩ xem, tại sao bọn giết người lại không quẳng cái xác xuống sông rạch mà lại để ở chỗ người ta dễ tìm thấy? Rồi lại còn băm vằm mặt để không ai nhận ra? Trời ơi, nhưng tôi là mẹ, tôi phải biết chứ. Cái sẹo, chú có biết không, thằng X. có một cái sẹo hình bàn tay cụt ở bả vai trái. Cái sẹo đó là vết tích đánh nhau của nó với chúng bạn từ hồi nhỏ. Đây, chú coi đi." Bà mẹ lập cập đưa cho tôi tấm ảnh của X.. Trong ảnh, X. cởi trần tắm biển. Ảnh chụp gần nên tôi thấy khá rõ vết sẹo trên bả vai hắn. Quả thật, vết sẹo có hình bàn tay, chính xác là bốn ngón.

"Vậy là...", tôi lẩm bẩm. Bà mẹ chụp lấy tay tôi bóp mạnh "Nó không chết. Hôm bữa tôi đã nhào tới nhìn nó, cái xác chết ấy, nhưng giờ nhớ chắc là trên thi thể đó không có vết sẹo nào cả. Tôi mừng quá chú ạ. Các chú có tìm được nó cho tôi không?"

Tôi không trả lời. Một tia sáng quái dị vừa loé lên trong đầu tôi.

"Dạ, có thể nó vẫn còn sống bác ạ." Tôi đã hiểu, bà mẹ từ lâu đã không biết gì về đứa con của mình. Còn trong trường hợp này, dù muốn hay không, tôi cũng phải mang lại cho bà mẹ một tia hi vọng, dù là nhỏ nhoi.

6.

"Tin" và "Không tin" luôn luôn là một cặp phạm trù đi liền với nhau trong công tác điều tra hình sự. Thoạt nhìn, chúng có vẻ mâu thuẫn, thậm chí đến mức xung đột về quan điểm nhận thức và kết hợp đối tượng. Tuy vậy, trong những vụ án tính chất càng phức tạp, sự chuyển hoá giữa phạm trù này sang phạm trù kia càng có khả năng dễ xảy ra, từ không tin dẫn đến tin và ngược lại. Một trong những ví dụ điển hình là vụ án mà tôi đang thụ lí.

Sau khi biết kết quả về loại tóc mà chúng tôi thông báo, người bảo vệ gần như sụp xuống, rõ ràng là anh ta đã thấy sợi dây pháp luật đang siết chặt lấy mình. Trông anh ta thật thảm hại. Tôi hơi chồm người lên nhìn kĩ anh ta. Bằng tất cả những chứng cứ đang có, tôi hoàn toàn có quyền không tin vào anh ta. Nhưng linh cảm cũng là một yếu tố không thể bỏ qua được. Từ sâu trong thâm tâm, tôi vẫn cảm thấy có một chuyện gì đó không ổn trong vụ này.

Chuông điện thoại trên bàn chợt reo. Tôi nhấc máy. Trong ống nghe là giọng nói khàn khàn của một đồng chí cảnh sát: "Báo cáo anh, chúng tôi đã rà soát lại đối tượng mà anh yêu cầu. Từ 6 giờ 30 phút đến gần 8 giờ tối hôm đó, tay bảo vệ công ty này đã đi nhậu, say xỉn rồi quậy phá lung tung. Sau đó, anh ta đã được đưa về đồn công an để lập biên bản."

Tôi ngỡ ngàng đặt máy xuống. Đó phải chăng là một bằng chứng ngoại phạm?

Trong khi tôi nói chuyện điện thoại, người bảo vệ nhìn tôi rất chăm chú. Hình như cảm thấy điều gì đó có lợi cho mình, mắt anh ta sáng lên. Bỗng anh ta nhảy dựng lên: "Dạ thưa cán bộ, em nhớ ra... Có một lần em cùng anh kế toán đi cắt tóc, hôm đó em về trước... Dạ, cán bộ xem lại chỗ này..."

Lại tóc à? Tôi giật mình. Trong suốt cuộc điều tra từ đầu đến nay, tôi đã vấp phải một sai lầm nghiêm trọng. Tôi vội kéo ngăn bàn lấy cái hộp trong đó có món tóc trong tay nạn nhân ra. Đầu óc tôi bàng hoàng. Đúng rồi, chân của những sợi tóc này hầu hết là được cắt chứ không nhìn thấy gốc màu trắng của nó, chi tiết này chưa cần kính lúp cũng có thể dễ dàng phát hiện ra. Điều đó có nghĩa là hung thủ đã tạo một bằng chứng giả, và rất có thể người bảo vệ chỉ là nạn nhân của sự ngụy tạo đó.

Tôi vội gọi điện thoại cho các điều tra viên. Chúng tôi sôi lên. Trong vòng nửa tiếng đồng hồ sau chúng tôi xác định được hai chi tiết quan trọng. Giám đốc, một người thực sự bị bệnh tim, vào buổi tối hôm đó đã suýt phải đi cấp cứu. Sự việc này có xác nhận của một bác sĩ. Sau khi nghe có án mạng, giám đốc đã tới ngay cơ quan nhưng sau đó lại lên cơn đau tim nên phải nằm trong phòng riêng.

Còn người kế toán, mặt cắt không còn hột máu, ngay khi bị gọi vào đã xì ra hết chuyện anh ta đến với nhân tình vào tối hôm ấy, và van vỉ chúng tôi hãy đừng nói gì cho vợ anh ta biết.

Tôi nhìn xoáy vào người kế toán, cảm thấy đầu mình bắt đầu rối tung lên. Không, nhất định phải làm rõ con người này.

Sáng hôm sau, tôi đột ngột bước vào phòng người trợ lí giám đốc để yêu cầu cung cấp toàn bộ lí lịch về người kế toán. Người trợ lí vừa đến, đang thay áo do anh ta bị ướt như chuột lột vì mắc mưa trên đường tới đây. Nghe tiếng của phòng mở, anh ta giật mình quay phắt lại Mắt anh ta phóng ra những tia lạnh lẽo. Phải, cặp mắt không có kính cận. Tôi chợt rùng mình, có cảm giác như cặp mắt đó đã ám ảnh mình từ lâu lắm rồi. Vừa lúc đó, tôi nhìn thấy nửa phần cơ thể phía trên còn đang ở trần của anh ta. Có một vết sẹo. Tôi sững người nhìn kĩ. Phải, không thể sai được, một vết sẹo hình bàn tay cụt trên bả vai trái.

Một thoáng im lặng đáng sợ. Rất tự nhiên, người trợ lí vồn vã chào tôi và đi pha nước. Tôi nhìn theo, rờn rợn trong người. Ánh mắt sắc lạnh và vết sẹo? Trời, có thể nào lại là HẮN? HẮN đã chết rồi kia mà?

Con người - đối tượng duy nhất mà chúng tôi đã gần như bỏ qua trong việc khoanh vùng của cuộc điều tra này, trong phút chốc lộ rõ hồn ma của nó.

Người ta nói anh ta mới làm việc ở công ty được hai tháng phải không? Đúng, bà mẹ của X. cũng kể rằng lần cuối cùng hắn về thăm nhà cách đây hai tháng. Tuy nhiên, trong một buổi làm việc với giám đốc, bản thân ông ta cũng không biết rõ lí lịch người trợ lí. Ông ta chỉ nói đơn giản rằng đó là một người siêng năng và nhanh nhẹn, có thể giúp được ông ta nhiều việc.

Rồi ngày hôm qua, sau khi đã trấn tĩnh lại, gã kế toán khai thêm là vào hôm gã cùng với tay bảo vệ đi cắt tóc, người trợ lí cũng có mặt, đến vào lúc bảo vệ đi ra và còn ở lại sau khi gã kế toán về...

Còn một chi tiết cực kì quan trọng nữa mà tôi cần phải nhanh chóng xác định. Lấy cớ đi vệ sinh, tôi sang phòng bên gọi điện thoại cho giám đốc nhà văn hóa địa phương, dựa theo bản khai sơ bộ các sự việc đối với các đối tượng liên quan vào buổi tối có án mạng mà tôi còn nhớ được. "Anh ta ấy à? Đúng, tôi nhớ rõ anh ta lắm, thỉnh thoảng vẫn nói chuyện với nhau", giám đốc nhà văn hoá gào lên vì máy điện thoại bị rè, "Tối hôm đó chúng tôi tổ chức nghe thơ, anh ta đã đến... Dạ, đúng bảy giờ ạ, có đến chào tôi và mấy người khác. Nhưng hình như anh ta có việc phải ra ngoài. Dạ, khoảng gần tám giờ anh ta quay trở lại… Sau đó lại ra trước khi kết thúc buổi nghe thơ... Dạ đúng, tôi xin xác nhận sự việc đó."

Tôi đập mạnh ống nghe xuống, trong đầu bỗng xuất hiện hình ảnh lưỡi dao mỏng mà hung thủ đã đâm vào tim người thủ quĩ. Cho đến giờ, tôi mới nhớ ra cách thức hành động đó giống hệt với những vụ giết người của tên X., cũng chỉ một nhát trúng tim.

Tôi quay trở vào phòng trợ lí, không quên chuyển khẩu súng ngắn giắt trong người vào túi quần bên phải. Nước trà nóng đã được pha sẵn đang nghi ngút khói trên bàn. Trợ lí nhìn tôi chăm chăm, cặp mắt thu nhỏ lại. Có phải hắn hay không, chỉ cần một động tác nữa.

Và phải nhanh, bởi hình như hắn đã nhận biết được điều gì đó không bình thường. Tôi nhẹ nhàng đặt tấm ảnh chụp xác chết trong trường đại học lên bàn và nói hờ hững:

- Mẹ anh sẽ tới đây thăm anh ngay bây giờ.

Và nhìn sâu vào mắt hắn. Trong một giây, hắn sững lại, ánh mắt biến mất sự bình thản. Thay vào đó là, phải, những tia chết người. Hắn đảo nhanh mắt, lao về phía trước như một chiếc lò xo, trong tay bất thần xuất hiện một lưỡi dao mỏng.

Nhưng tôi đã nhanh hơn hắn. Mũi súng của tôi toé lửa. Tên giết người thét lên một tiếng, lảo đảo ôm tay gục xuống.

Buổi chiều ngày hôm ấy, tôi ra bưu điện đánh một bức điện cho bà mẹ của tên X. với nội dung: "Thưa bác, cháu nghĩ rằng X. đã chết thật. Cháu đã không làm được gì hơn nữa."

Tôi cần phải làm như thế. Chấm dứt hi vọng của người mẹ là một điều tàn nhẫn, nhưng đôi khi sự tàn nhẫn cũng còn tốt hơn một sự thật đau đớn đến mức tuyệt vọng mà người mẹ đó phải tiếp tục chịu đựng đến phút cuối của cuộc đời.

Đọc văn, đọc truyện Đọc truyện ngắn Nguyễn Thị Mai Phương Thông báo mở lại Chuyên mục “Đọc truyện ngắn hay trên Báo Văn nghệ” Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng
Văn nghệ Trẻ, số 7/1998
Hòn đảo kỳ lạ. Chùm truyện của Trần Đăng Khoa

Hòn đảo kỳ lạ. Chùm truyện của Trần Đăng Khoa

Baovannghe.vn - Cậu lính trẻ vỗ vai tôi, nói nhỏ: Tới đảo rồi. Anh chuẩn bị vào đảo nhé!
Tự bạch - Thơ Tùng Bách

Tự bạch - Thơ Tùng Bách

Baovannghe.vn- Viết ngắn, không có nghĩa/ Không đủ sức viết dài
Bài thơ "Vì sao anh yêu em?" của Ngô Thế Trường

Bài thơ "Vì sao anh yêu em?" của Ngô Thế Trường

Baovannghe.vn - Với Ngô Thế Trường, tình yêu là những gì bí ẩn, không thể nào hiểu nổi. Bởi thế mà một năm, hai năm, ba năm, bốn năm… cho dù đã xa em, cho dù tóc của người con trai thủa nào đã bạc… nhưng ông vẫn hỏi: Vì sao anh yên em?
Đọc truyện: Thành hoàng hồi hương. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hằng

Đọc truyện: Thành hoàng hồi hương. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hằng

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Phỏng vấn một người lãng phí - Phan Thị Hồ Hởi thực hiện

Phỏng vấn một người lãng phí - Phan Thị Hồ Hởi thực hiện

Baovannghe.vn - TRONG ĐÁM ĐÔNG HỎI LẤY MỘT...