Sáng tác

Cơn bão. Truyện ngắn dự thi của Việt Phi

Việt Phi
Truyện
06:00 | 10/10/2024
Baovannghe.vn - Mẹ bỏ nó và em gái đi khi nó mới gần mười một tuổi. Đúng đêm bão bùng ấy. Cơn bão số 7. Cơn bão lớn nhất trong năm. Ấy là sau này nó nghe mọi người kể lại như thế…
aa

Nó và em gái được sinh ra ở một miền quê cằn cỗi, sỏi đá và hoang sơ. Nó không chắc nó và em có được sinh ra từ sự kết tinh giữa tình yêu của bố và mẹ hay không. Chỉ biết rằng khi ấy nó cỡ năm sáu tuổi và em gái mới bập bẹ biết nói, chập chững biết đi thì đã thấy bố “chết” rồi.

Cơn bão. Truyện ngắn dự thi của Việt Phi
Minh hoạ Đỗ Dũng

Nó không biết bố chết vì sao, bởi tận mắt nó cũng không được nhìn thấy xác bố lúc đưa ra mồ mả. Mà chỉ biết qua mỗi lần mẹ giận nó thường rít lên: “Hỏi gì mà hỏi lắm, bố mày chết rồi.” Vì nó cứ luôn mồm hỏi mãi về bố. Những lúc ấy nó như một chú cún con chỉ biết cum cúp đôi mắt xuống. Tìm một xó xỉnh nào đó ngồi mà nhớ về bố. Nhiều đêm trong những giấc ngủ chập chờn nó lại thấy mình đang được cưỡi trên lưng bố, Nó hớn hở vui cười luôn miệng. Tay liên hồi vỗ vào vai bố và hét thật to: “Đi, đi mau lên chú bò của ta.” Mỗi khi bố làm bò cho nó cưỡi.

Nó cũng nhớ cả những củ khoai nửa hà mùi hắc nhức mũi, nửa còn lại bố lấy liềm chặt ra, chùi chùi vào cái quần bết bệt dính toàn đất, rồi đưa cho nó ăn mỗi khi ông vừa từ rẫy về.

Còn em gái nó thì chưa biết tới sự nhớ nhung ấy. Lúc nào cũng cười toe toét, dớt dãi nhỏ ròng ròng xuống lưng anh, mỗi khi được anh nhông nhông trên vai.

Con bé hay cười lắm, chỉ cần thấy bóng anh lấp ló, thập thò bên cánh cửa sứt sẹo, là nó biết ngay anh đã đi học về. Hai cái tay giơ ra phía trước, đôi chân nhỏ xíu chạy xiêu vẹo tới đón anh. Miệng cười toe toét khoe ra vài chiếc răng non mới nhú.

Nó yêu em gái hơn tất thảy mọi thứ trên đời. Vì chỉ có em mới làm cho nó thấy vui, mới làm cho nó quên đi cái hờn cái giận ở lớp, ở trường. Bởi ngày nào đi học nó cũng bị những đứa trẻ cùng trường cùng lớp trêu chọc là thằng con hoang, thằng không có bố. Rằng vì mẹ nó xấu xí quá nên bố nó đã bỏ về xuôi lấy vợ khác.

Mỗi lần như thế nó cứ cúi gầm mặt xuống đất mà đi. Nó không muốn ngước mắt lên, vì nếu nó nhìn lên bọn kia sẽ biết là nó đang khóc. Nó hờn lắm! Nó tủi thân cũng nhiều! Nhưng nó chẳng biết thực sự trong thâm tâm nó hờn ai, giận ai nữa.

- Con Phéng đâu rồi, có nhà không?

- Dạ, chào bà ạ! Mẹ cháu đi cày mướn chưa về, bà có dặn mẹ cháu gì ko lát về cháu nói lại ạ.

- Mày về bảo mẹ mày nếu mai mà không sang cấy trả nợ đủ hai sào ngô với be bờ cho tao thì lần tới đừng có vác rổ sang mua khoai, sắn chịu về ăn nữa nhá.

Nói rồi bà ngúng ngoảy bỏ đi.

Nó đã chính thức bỏ học từ sau cái bữa em nó bị sốt mê man mấy hôm liền ấy.

Hai hôm đầu con bé sốt cao mà chẳng có ai trông. Nó thì đi học, còn mẹ vẫn phải bò ra ruộng cày mướn, cấy thuê cho người ta.

Khi đi học về nó không thấy em chạy lăng xăng ra đón, cũng không thấy cái miệng nhe ra nào dớt dãi nào đất cát bê bết quanh mặt, háo hức đón nó về như mọi hôm. Nó nhào vào tìm em thì thấy em nó nằm quắt queo dưới nền đất. Cái áo hoa đã rách xoạc từ cổ xuống tới nách mà bà Pông hàng xóm cho bữa trước, với hai chân nóng ran không có quần. Hình ảnh ấy của em đã in sâu trong trí óc nó. Mãi mãi về sau này, nó cũng không bao giờ quên được.

Nó bế xốc em dậy và gọi, em ơi anh về rồi nè, em mở mắt ra nhìn anh, em cười với anh đi. Là chỉ một mình nó tự nói, tự nghe. Em nó chẳng hề ngọ nguậy hay đáp lại. Con bé cứ nóng ran trên tay, trên vai của nó. Nó sợ lắm! Nó tưởng em nó đã chết rồi. Xốc em lên, nó hớt hải bế một mạch sang nhà bà Pông hàng xóm và hét ầm ĩ. Bà ơi, bà Pông ơi, em cháu chết rồi.

Bà Pông đang hí húi làm gì đó sau cái vại to ở góc vườn liền lập cập chạy tới. Em mày bị sao thế? Nó chết khi nào?

Nó nước mắt đầm đìa, giọng lúc này đã khản đặc. Bà ơi em cháu chết rồi. Em cháu không dậy cười với cháu nữa.

Bà gạt tay nó ra và bế thốc em lên xem. Ôi, con bé còn sống đây mà! Nhưng sao em mày nóng thế? Mẹ mày đâu? Con Phéng đâu? Sao lại để em mày thế này? Đưa đây, đưa ngay nó cho bà. Nói rồi bà bế thốc em nó vô cái chõng tre giữa nhà, đặt em nằm xuống rồi bà bảo nó ngồi trông phe phẩy quạt cho em, còn mình thì tất tả chạy ra sau vườn.

Khi bà trở lại trên tay có một nắm rau gì đó, thấy bà nói là rau nhọ nhồi. Rồi bà rửa, bà hì hục giã bằng cái cối sứt mẻ ở góc nhà. Xong bà nâng đầu em nó lên, bóp miệng và đổ hết cái nước xanh xanh mà bà vừa chắt ra vào miệng em. Rồi bà lấy khăn, thấm nước lau trán, lau nách, lau bẹn. Bà làm mọi việc trong khi nó chẳng biết phải làm gì ngoài việc đứng nhìn em mà khóc, mà thút thít.

Như có một sự thần kì nào đó, em gái nó đã sống lại.

Em đã mở mắt ra nhìn nó. Nhưng em không toe toét cười với nó như mọi khi, mà chỉ nằm nhìn rồi lại nhắm mắt lại.

Nó buồn lắm, và cũng rất sợ nữa! Tấm thân gầy của nó cảm giác như sắp đứng không vững. Nó khụyu hai đầu gối xuống, phủ phục bên chiếc chõng tre và dùng cả hai tay run rẩy của mình nắm chặt lấy tay em gái.

Tối mịt hôm ấy mẹ nó mới về tới nhà. Nó nôn nóng thuật lại mọi chuyện của em cho mẹ nghe. Kể xong nó vẫn không thấy mẹ nói gì, chỉ thấy mẹ cắn chặt môi, túm buộc vội lại mớ tóc như rễ tre cháy vàng khét lẹt lại, rồi chạy thật nhanh sang nhà bà Pông.

Sau khi cúi tới còng cả lưng xuống để tạ ơn bà Pông, thì mẹ vội vã bế em về nhà. Rồi hì hụi vét tới lui cỡ hai ba lần được nhúm gạo trắng mà mẹ luôn để dành. Nấu cho em bát cháo trắng, ân cần đút cho em từng muỗng từng muỗng nhỏ. Dường như có chút cháo trong bụng nên em gái nó đã khỏe hơn thì phải.

Mẹ với lấy hai mảnh bao tải mới lượm được lúc đi làm đồng về, trải xuống đất và đặt em nằm lên đó. Còn bà thì nằm ra ngoài đất bên cạnh em và ôm em, vỗ về cho em ngủ.

*

Nó đã quyết định sẽ nghỉ học, cho dù mẹ có giận, có đánh đi chăng nữa. Vì em còn ốm, nó phải ở nhà để trông nom em. Nó không muốn bỏ em nằm một mình ở nhà như thế. Mẹ giận nó thì ít nhưng nhìn vào mắt mẹ, nó biết mẹ buồn rất nhiều.

Nửa đêm nó chợt tỉnh giấc, mơ màng như vừa nghe tiếng gì đó thốt ra đâu đây, gần lắm. Trời tối đen như mực, nó mò tay xuống nền đất, rồi quờ tay tìm mẹ. Bỗng nó tỉnh hẳn ngủ, vì thấy tay mình ươn ướt. Thì ra nó đã quờ trúng mặt mẹ. Ngồi bật dậy, nó dò dẫm thắp chiếc đèn dầu đã gần cạn tới bấc.

Là mẹ nó đang khóc.

Vừa khóc vừa cố nén cho âm thanh không thoát ra khỏi cổ. Càng nén thì những giọt nước mắt lại càng chảy mau hơn, tuôn xối xả xuống khắp khuôn mặt nhăn nheo, sạm cháy đen của mẹ.

Nó bỗng khóc òa lên, nhào tới ôm thật chặt tấm thân mỗi lúc càng rung lên bần bật của mẹ.

Giờ thì nó biết, ngoài em gái ra nó còn yêu thương mẹ hơn bất cứ điều gì trên cõi đời này.

Nó biết mẹ vì nó vì em mà vất vả thế, khổ đau thế, một đời làm trâu ngựa thế. Từ sâu trong trí não, bộ óc non nớt của một đứa trẻ một ý nghĩ cực kì mãnh liệt đang dấy lên. Cho dù cuộc đời từ đây về sau có thế nào, thì nó, chính nó chứ không phải ai khác sẽ là người lo lắng, bảo vệ cho hai con người này.

Em và mẹ.

Nó sẽ làm bất kể mọi việc, dù là việc gì bằng khả năng của mình, miễn sao cho mẹ và em nó không phải khổ nữa!

Những ngày sau khi em gái hết sốt, đã khỏe lại, nó bỗng trở lên lầm lì, ít nói hơn. Sáng nào nó cũng hôn em tới cả trăm cái, rồi mới chịu rời ra và chạy thật nhanh biến khỏi sau cánh cửa sứt sẹo ấy để đi ra cánh đồng.

Nó gạ khắp làng, ai có việc gì xin cứ gọi cho nó, nó hứa là sẽ ráng hết sức để làm. Ai cho gì thì cho nó không lấy công đắt đâu mà sợ. Nó chỉ mong đến trưa có được vài củ khoai, củ sắn để chạy vội về đút cho em gái ăn, rồi chiều lại đi làm tiếp. …

Thấy thằng bé ít tuổi mà chăm chỉ, chịu khó, hiếu thuận nên cả làng ai cũng thương. Việc này việc kia các cô bác cũng cố để phần cho nó. Nó làm luôn chân luôn tay, lại lễ phép ngoan ngoãn. Từ tát nước, be bờ, làm cỏ, gánh gồng cứ thoăn thoắt không một lời than vãn. Lúc đầu họ chỉ cho khoai cho sắn hay đồng quà tấm bánh. Dần dà thấy nó làm được việc, họ còn trả công bằng những đồng tiền xu, tiền lẻ... Cuộc sống của ba mẹ con nó cứ nhọc nhằn trôi đi như thế. Tay nó càng ngày càng trở lên chai sạn. Nhưng trong lòng nó đang vui và hạnh phúc lắm.

Nó đang có một dự tính, một ước mơ mà mỗi lần nghĩ tới thôi nó lại tự mỉm cười, cảm thấy niềm vui lan tỏa khắp cơ thể.

Em gái nó năm nay đã 6 tuổi. Chỉ còn hơn tháng nữa là có thể vào học lớp một. Có thể bước tới trường, học cái chữ như bao đứa trẻ khác trong làng. Và số tiền của nó dành dụm cũng sắp đủ rồi, nó sẽ ráng làm thêm vài ba bữa nữa là sẽ đủ tiền trả cho người ta. Lấy bộ quần áo mới tinh, sạch sẽ và thơm tho cho em gái yêu của nó mặc tới trường. Nó cứ vui mãi, cười tủm tỉm một mình khi mường tượng ra lúc em gái được xúng xính trong bộ quần áo mới đó đi dự lễ khai giảng năm học, chắc con bé sẽ xinh đẹp vô cùng!

*

Cơn bão ập tới nhanh hơn cả ý nghĩ của mọi người. Là chiều nay lúc đang làm cỏ ngô trên nương cho nhà ông trưởng thôn. Nó đã thấy mọi người nói trời đất mây đen kéo tới ngùn ngụt thế kia, gió ngày một to thì chắc chắn sẽ có bão. Nhưng nó lại không bao giờ ngờ được cơn bão này lại to khủng khiếp đến thế!

Mới chập choạng tối, bão đã kéo tới ầm ầm. Nó ba chân bốn cẳng vứt cả liềm ra ruộng, cắm đầu chạy thật nhanh về nhà. Gió to quá, em gái nó đang ở nhà một mình. Cái cánh cửa sứt sẹo ko có chốt, chắc em chẳng biết dùng dây cột vào cái kèo tre trên nóc nhà đâu.

Càng chạy nó càng cuống.

Nó vấp ngã.

Chân nó vừa đá vào cái cọc người ta dùng để cột bò. Máu tóe ra ở ngón chân cái. Nhưng kệ, nó không màng tới điều đó. Nó phải chạy thật nhanh về nhà, vì mẹ nó đi làm giờ này chưa thể về, chỉ có một mình em gái ở nhà.

Sau cùng của sự cố gắng thì nó cũng về được tới nhà. Máu vẫn chảy rần rần trên đầu ngón chân.

Nó xô vội cánh cửa nhào vào bên trong. Em gái nó đang ngồi thụp ở góc nhà, hai tay ôm chặt lấy tai và nước mắt rưng rức.

Thấy anh con bé nhào tới, hai anh em ôm chặt lấy nhau. Nó dỗ dành em, đừng sợ có anh đây rồi.

Để em ngồi xuống, nó lấy hết sức bình sinh kéo cái dây chão mà nó buộc vào cánh cửa rồi trèo thoăn thoắt bám lấy cái cọc kèo tre trên nóc nhà, nghiến răng buộc vít thật chặt lại rồi nhảy xuống.

Giờ thì đã tạm ổn, gió chỉ rít ở bên ngoài. Nó quay lại ôm em gái, và cố gắng làm sao cho em bớt sợ.

Ngoài kia gió vẫn rít ầm ầm và nóc nhà nó đang rung lên bần bật. Tiếng rung lắc, tiếng quật chan chát và vút… Cả nóc nhà lợp bằng lau lác sơ sài qua loa bỗng đâu bị gió hút bổng lên trên không, bay lơ lửng một lúc rồi ném phựt xuống tứ tung khắp nơi.

Ngôi nhà vách đất giờ đây xiêu vẹo như sắp muốn đổ sụp. Chẳng còn gì nữa.

Hai anh em nó bấu chặt lấy nhau. Nó ấn em xuống và chồm cả tấm thân lên người em che chắn, để gió không thể cuốn hai anh em nó đi.

Cơn cuồng phong của đất trời rồi cũng tới lúc dịu xuống, sức gió đã không còn mạnh, trời đất cũng bắt đầu lắng lại, nhưng trong lòng nó thì lại đang nóng như thiêu như đốt!

Đã đêm rồi, sao mẹ vẫn chưa về? Nó rút tay ra khỏi tấm thân của em rồi đứng dậy. Cả người nó mỏi và đau rã rời.

“Em ơi, anh phải đi tìm mẹ.”

Con bé thấy nói anh đi thì khóc ré lên. Không, anh đừng đi đâu cả. Ở nhà với em, em sợ lắm!

Nó rất lo cho mẹ, nhưng thấy em sợ quá cũng không đành bỏ đi. Giờ nhà chẳng còn nóc, trong cũng như ngoài. Nó lại ôm lấy em, hai anh em cứ thế ngồi thu lu chờ trời sáng.

“Bà ơi, ông ơi, có ai nhìn thấy mẹ cháu đâu không ạ?” Trời chưa sáng hẳn mà hai anh em nó đã kéo tay nhau chạy dọc khắp xóm, gặp ai cũng hỏi. Bỗng nó thấy rất đông người đang túm tụm ở cạnh một con rạch phía trước. Nó nghe rõ cả tiếng người nói, người khóc. Nắm chặt tay em gái cắm cổ chạy một mạch tới thì chân nó bỗng sững lại. Mắt nó mở to như muốn lồi cả ra ngoài khi thấy ai đó đang được người ta vớt lên từ dưới dòng kênh.

Là mẹ nó.

Một cái xác trắng bệch, phù phũng toàn nước.

Nó lao tới, không còn biết trời đất đâu nữa. Ối mẹ ơi! Sao mẹ lại thế này? Sao mẹ lại bỏ anh em con hả mẹ. Mẹ ơi…

Việt Phi | Báo Văn nghệ

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Người chăn sóng biển. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp Đọc truyện: Mặt nạ. Truyện ngắn dự thi của Trần Ngọc Mỹ Đọc truyện: Kỷ vật. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Anh Tuấn Hương xưa. Truyện ngắn dự thi của Hiệu Constant Đọc truyện: Hương xưa. Truyện ngắn dự thi của Hiệu Constant
Bộ NN&PTNT ra công điện ứng phó Bão trên Biển Đồng

Bộ NN&PTNT ra công điện ứng phó Bão trên Biển Đồng

Baovannghe.vn- Bộ trưởng NN&PTNT đã ban hành Công điện số 7930/CĐ-BNN-ĐĐ việc ứng phó với mưa lớn, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông.
Năm 2025: Chưa xem xét điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu và trợ cấp người có công

Năm 2025: Chưa xem xét điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu và trợ cấp người có công

Baovannghe.vn - Cơ quan thẩm tra Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, thống nhất với phương án đề xuất của Chính phủ, trong năm 2025 chưa xem xét việc tiếp tục điều chỉnh tiền lương khu vực công
Có một cây cầu chỉ còn trong ký ức… Tản văn của Minh Nhạn

Có một cây cầu chỉ còn trong ký ức… Tản văn của Minh Nhạn

Baovannghe.vn - Cây cầu Đắk Nông cũ – một cây cầu vô cùng bình thường, chẳng có gì đặc biệt, cũng không to lớn, tưởng chừng dễ dàng bị người ta lãng quên đi.
Thời đã xa. Truyện ngắn của Lê Đức Dương

Thời đã xa. Truyện ngắn của Lê Đức Dương

Baovannghe.vn - Hôm đó cơ quan vắng ngắt, tôi bỏ đi chơi ra biển nhặt những vỏ sò dưới mép cát chơi. Biển vắng hoe chỉ có gió và màu xanh của biển.
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.