Dù khá tiếc thú vui chén tạc chén thù, nhưng cơ thể trên ba mươi của tôi đã chẳng còn mặn mà dung nạp cồn, thay vào đó chỉ ưa làm khán giả nhìn đồng nghiệp cụng ly.
Minh hoạ Đỗ Dũng |
Ban đầu hơi ngứa ngáy tay chân nhưng dần dà tôi thấy thích quan sát những gì diễn ra trên bàn nhậu hơn. Để ý một chút sẽ biết ai là người luôn có những mẩu chuyện hay, ai là kẻ “phá mồi”, ai là “bợm” thứ thiệt. Cũng dễ dàng nhận ra người tách biệt giữa cuộc vui ồn ã.
Một người trẻ tuổi, thân hình mảnh dẻ, luôn lễ độ nâng ly rồi nhấp môi, chớ hề bị ai ép uống. Thứ năng lượng phát ra từ cậu khiến người ta không thể thúc ép. Khi nhìn ai, ánh mắt cậu hướng thẳng vào người đó bằng vẻ kiên định khó lay chuyển. Cộng thêm vẻ ngoài ngoại quốc, cậu khiến người khác tự động cư xử chừng mực thay vì buông những câu bông đùa suồng sã.
Cách đó hai tuần, cậu bắt đầu xuất hiện ở công ty với tư cách là kĩ sư phần mềm do đích thân phó giám đốc mời hợp tác.
“Hải với Tâm làm quen đi, chuẩn bị làm việc với nhau nhiều.”
Phó giám đốc vỗ nhẹ bàn tay tròn lẳn lên vai người thanh niên ngoại quốc tên Tâm, sau đó giới thiệu phần mềm bảo mật cậu chuẩn bị phát triển cho công ty. Vì tính chất công việc nên tôi mạn phép không đi sâu chi tiết, chỉ mượn lời phó giám đốc: “Tâm mang tới cái mà công ty bàn từ năm năm trước nhưng chưa hoàn thiện được.”
Năm năm trước tôi chưa có mặt ở đây, nhưng khi chính thức làm việc cùng Tâm thì tôi hiểu những lời đó không hề tung hô quá đà. Trong khi những tay kĩ sư phần mềm trước luôn trong trạng thái bê bết, trễ hẹn và không bao giờ bắt máy ở cuộc gọi đầu, Tâm hoàn toàn ngược lại: Cậu ăn mặc lịch sự, đặc biệt đúng giờ và đem tới chính xác thứ được yêu cầu. Cậu không nói nhiều trong những cuộc họp, ngược lại tay lúc nào cũng gõ lách cách lên bàn phím thay cho câu trả lời, còn lại chỉ trao đổi ngắn gọn qua email khi cần.
Tới buổi liên hoan công ty, tôi được giao nhiệm vụ mời Tâm vì là người làm việc với cậu nhiều nhất. Vừa xử lí xong phần cơm trưa, tôi đang nhẩn nha đọc sách thì thấy bóng cậu lướt qua.
“Anh Hải, không biết cần em có chuyện gì?” Cậu tiến lại chỗ ngồi của tôi khi nghe gọi tên.
“Tối thứ sáu, bảy giờ, Tâm bận gì không?”
“Em không bận.”
“Công ty liên hoan. Tham dự với anh em nhé!”
Tâm nghĩ ngợi vài giây rồi gật đầu.
“Em đi được.”
Phần sau đó chính là những lần cụng ly không ngớt. Tâm ngồi ngay đối diện nên tôi có thể thấy rõ biểu cảm không hào hứng cũng chẳng chán chường của cậu. Thú thật tôi có chút áy náy khi góp công mang cậu tới đây.
Gần tàn tiệc đã có hơn nửa số người ngà ngà say. Anh kế toán trưởng mặt đỏ gay, đã bắt đầu nói luyên thuyên từ nửa tiếng trước. Cô phục vụ trẻ tuổi đến châm đá vô tình làm đổ chén nước xốt lên đầu gối anh. Sẵn hơi men, anh hất mạnh tay lúc cô lúi húi xin lau dọn, khiến cô loạng choạng ngã ra sau. Nhanh như cắt, Tâm từ chỗ mình chồm tới, lấy tay đỡ sau lưng cô rồi đứng xen vào giữa. Tôi thấy kế toán trưởng nhíu chặt mắt, trông như sắp cao giọng nên đành chồm lên gắp cho anh một miếng nai nướng.
“Chuyện nhỏ bỏ qua. Đang vui mà anh.”
Sau mấy giây đấu mắt với Tâm anh mới dịu lại, làm bộ quay sang khề khà với chúng tôi như chưa có chuyện gì.
Những ngày tiếp theo tôi hay nghe mọi người nhắc lại chuyện giữa Tâm và kế toán trưởng. Càng bàn càng hăng, câu chuyện từ việc chế giễu kế toán trưởng ngày thường hét ra lửa bỗng dưng nhát miệng, sang việc Tâm trông nhỏ con mà có uy ngầm, đến chuyện trong tương lai biết đâu sếp sẽ thay Tâm vào vị trí của nhiều nhân viên phòng IT, trong đó có tôi.
Cuối cùng ai đó chốt lại bằng điệu cười ha hả: “Hải chuẩn bị tinh thần là vừa.”
Tiếng cười của những người đồng nghiệp mỗi lúc một giòn hơn. Tôi không cười và cũng không thấy e ngại. Đối với công việc tôi chỉ dốc sức để làm một nhân viên bình thường nhận đủ lương hằng tháng. Vì chưa kết hôn nên tất cả khoản dư tôi đều đổ vào sổ tiết kiệm. Nếu bị hất cẳng khỏi công ty, tôi vẫn đủ khả năng sống ổn định cả năm tới. Lối sống này không được đấng sinh thành ủng hộ nhưng trước mắt tôi không thấy cuộc đời phát cho mình tín hiệu lập gia đình. Những cuộc tình của tôi trước nay đều êm đềm diễn ra rồi lặng lẽ kết thúc, chưa một lần tới bước đính ước. Tôi không chắc cha mẹ mình có hạnh phúc hay không và bản thân cũng không biết làm gì để người khác hạnh phúc.
Trong giai đoạn tôi thành niên, một lần mẹ bước vào phòng tôi, ngồi ngay đầu giường và gởi gắm rất nhiều điều. Bà kể về mộng ước thời thiếu nữ, chuyện cơm áo gạo tiền ở tuổi trưởng thành, cho tới cuộc hôn nhân xem chừng êm ả với cha tôi. Nhiều chuyện giờ đây tôi nhớ nhớ quên quên, duy có một lời in sâu vào đầu:
“Một khi con làm tổn thương người khác, nó sẽ ở đó mãi mãi. Vết thương lành còn thẹo thì không. Người ta chế ra đủ thứ thuốc bôi để thẹo tàng hình trên da, còn thẹo trong này…” Mẹ vừa nói vừa di di tay chính giữa lồng ngực. “Nó chỉ chồng lên nhau chứ không mất đi.”
Tôi không rõ mẹ ôm những vết thẹo như thế nào, đã được bôi mờ chưa, riêng tôi thuộc lòng những chữ này mà lớn lên. Đôi khi đứng giữa một tập thể hoặc bước qua những gương mặt xa lạ trên phố, tôi hay trộm nhìn vào ngực áo một người mà tự hỏi trong đó chứa những vết thẹo ra sao. Những lúc đứng trước gương sau khi tắm, tôi cũng hay di tay quanh ngực để tìm hiểu xem trong này có dấu vết gì, liệu bản thân đã từng để lại thẹo trong lòng ai chưa.
Tâm rời đi ngay khi kết thúc dự án, trước đó cậu nhắn tin xin nói chuyện với tôi ít phút.
“Anh Hải, thời gian qua hợp tác tốt lắm, cảm ơn anh.”
Giờ nghỉ trưa vừa xong nên sảnh ăn chỉ có tôi và Tâm.
“Em muốn mời anh ăn tối và uống gì đó.”
Dù rất bất ngờ nhưng tôi có cảm giác mình cũng mong cuộc hẹn này, bèn gật đầu mà không nghĩ ngợi nhiều.
“Chiều thứ bảy, em đón anh tại nhà.”
Chiều thứ bảy, Tâm đến đón tôi tại nhà. Thời tiết dễ chịu nên Tâm gợi ý một quán ngoài trời.
“Anh Hải thích pizza không?”
“Được đấy.” Nói thích thì không đến mức nhưng đúng là đã lâu tôi không ăn pizza.
“Anh có tuổi thơ như vậy không: thòm thèm một miếng pizza, chỉ một miếng cũng được nhưng phải đợi rất lâu, như là sinh nhật hay là thành tích học tốt, mới được cầm trên tay miếng pizza có khi chẳng đúng vị mình thích.”
Tôi muốn bật cười nhưng quay sang thấy khuôn mặt Tâm rất nghiêm túc nên chuyển thành cái gật đầu.
“Không tới mức đó, nhưng hồi nhỏ anh cũng chẳng được ăn. Đâu đó gần mười lăm tuổi mới nếm cái pizza đầu tiên.”
“Thấy sao hả anh?”
“Dở ẹc.”
Cả hai cùng phì cười.
“Nhưng lần thứ hai thì thấy ngon lắm, vị pepperoni.” Tôi bổ sung.
Chúng tôi ngồi trên vỉa hè, bàn ăn trải khăn caro trắng - đỏ xinh xẻo đậm chất Ý. Cả hai gọi pizza pepperoni và hải sản.
“Hi vọng khẩu vị anh Hải giống em. Em ăn uống đơn giản thôi.”
Tôi nói mình cũng vậy. Thú thật tôi luôn bối rối khi đi cùng ai đó sành ăn. Họ nói rất hay về những món ăn với nguồn gốc và nguyên liệu phức tạp, cách chế biến cầu kì cùng lối bài trí không nỡ dùng nĩa xắn vào. Những điều thú vị ấy vô tình khiến tôi thấy mình thật phàm phu khi xúc những muỗng cơm tấm to, với miếng sườn chiếm hơn nửa đĩa và cái trứng ốp nâu giòn. Vì vậy tôi rất thoải mái khi tợp những miếng pizza bằng tay không cùng Tâm, không màng tới vụn bánh và mỡ từ miếng salami dính trên mép.
Tôi nghĩ Tâm sẽ nói gì đó về công việc nhưng cậu chỉ hỏi tôi về chuyện đời sống gia đình.
“Em ngạc nhiên khi anh chưa có vợ.”
“Nhìn anh giống đã lập gia đình?”
“Nhìn thì không. Bụng anh phẳng,” Tâm cười. “Nhưng cảm nhận thì giống. Em chưa thấy ai làm IT mà đọc Kawabata Yasunari.”
Tôi nhớ lại cuốn sách tên “Hồ” đã đọc lúc Tâm ghé bàn mình, cố tìm ra mối liên kết giữa ngành IT và Kawabata. Không có luật thành văn lẫn bất thành văn nào cấm nhân viên IT đọc sách của một nhà văn Nhật tự tử bằng khí đốt, nhưng đúng là tôi chưa thấy ai làm thế.
“Như vậy thì liên quan gì đến việc kết hôn?”
“Anh phải yêu thương phụ nữ khủng khiếp. Nếu không, giải Nobel cũng không đủ giữ chân anh đọc hết một quyển của Kawabata.”
Một người chưa giữ nổi chân người bạn gái nào như tôi không dám nhận mình yêu thương phụ nữ, nói gì đến yêu khủng khiếp. Nhưng nhận định của Tâm làm tôi chú ý.
“Anh đang đọc lại cuốn đó lần thứ ba. Sao vậy nhỉ? Chính anh cũng thấy hành động dõi theo một cô gái đẹp có cái đẹp của nó. Một khi bị gô cổ lên đồn thì chẳng đẹp đẽ gì, nhưng nhiều khoảnh khắc nó làm anh nghĩ tới bản thân thời trẻ trai cũng từng muốn đi theo cô bạn học để nhìn đuôi tóc cô ấy đung đưa.”
“Gô cổ lên đồn?”
“Bị công an tóm.”
“Em chưa bám theo ai, nhưng giờ em ước mình làm vậy. Biết đâu cứ bám theo thì mình bảo vệ được họ.”
Đột nhiên tôi cảm thấy lồng ngực Tâm hé mở. Phải có một vết thẹo trong đó, một vết thẹo không hề nhỏ.
Trời dần sập tối, lẫn trong không khí có chút oi nồng. Tâm vẫn mặc nguyên áo khoác dài tay dù trán bắt đầu rịn mồ hôi. Quay lại chủ đề gia đình, Tâm bảo mình đã có vợ. Khi tôi thắc mắc về quê quán thì Tâm tiết lộ một cái tên lạ hoắc.
“Một quốc gia nhỏ, cũng đẹp nhưng mà buồn.”
Trông Tâm như muốn nhâm nhi chút rượu hay ít nhất là một mẩu thuốc. Đoạn cậu rút ra bao thuốc, chúng tôi cùng phả hơi khói dài.
“Nơi đó cướp đi hơn nửa con người em.”
Tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì nên xin cậu nói tiếp.
“Rời đi là cách để em bảo toàn phần người còn lại.”
Từng có một thời Tâm nhỏ bé và mang cái tên hoàn toàn khác ở đất mẹ. Nhà cậu lọt thỏm trong xóm lao động nghèo. Trên cậu còn một chị gái.
Tâm sinh ra đã nhỏ con, càng lớn càng nhỏ thó so với chúng bạn nên luôn bị bắt nạt. Không phải lúc nào chị gái cũng ở bên bảo vệ cậu. Với khoảng cách sáu tuổi, trong khi Tâm còn đủ thời gian kết bạn thì chị luôn quay cuồng trong những công việc không tên. Cha mẹ cũng bận rộn tối ngày nên cậu phải học cách bảo vệ mình.
“Chị dạy em phản kháng. Bắt đầu từ những bước chạy, cách dùng tay che đầu, cách né đòn, phản đòn.” Tâm dùng tay và ánh mắt để miêu tả những bài học về bạo lực đầu tiên. “Vì không to con, em phải nhanh nhẹn và dẻo dai. Chị nói vậy rồi bắt em chạy cả chục vòng dọc bờ biển, mỗi tuần số vòng tăng lên.”
Tâm nhấp ngụm nước lọc lấy giọng rồi tiếp tục hé mở về quá khứ.
“Trong lúc em tập chị sẽ làm việc nhà, nấu cơm, chạy việc vặt. Thỉnh thoảng chị cũng chạy cùng em trên bờ biển. Chị luôn thích những khoảnh khắc mặt trời mọc và lặn. Chị nói nó rực rỡ chẳng như đời tụi mình.”
Chúng tôi vô thức nhìn về phía khoảng trời còn hửng chút ráng chiều. Tâm kể tiếp bằng giọng nhẹ nhàng và bình tĩnh nhưng cả hai chúng tôi đều thấy trĩu nặng.
Khi lũ trẻ thấy cậu bắt đầu biết né đòn và chống đỡ, một ai đó to con hơn sẽ xuất hiện cho cậu đo ván. Nhiều lần dưới sự thúc giục giòn giã của bọn trẻ, đối phương tung những đòn mạnh tới mức Tâm bật máu. Càng thấy máu đổ chúng càng cười. Cho đến khi Tâm nằm bẹp dí như tấm ván.
“Ngày hôm sau em càng tập luyện nhiều hơn. Em đâu có chỗ để trốn.”
Không có nhiều đồ nghề, cậu phải tập với bức tường. Tôi không nhớ bàn tay của mình năm mười tuổi trông ra sao, qua lời kể của Tâm lại có thể hình dung cách bàn tay trẻ thơ thu lại thành nắm đấm, dùng hết sức bình sinh đấm thẳng vào vách. Cách Tâm kể như thể da thịt sắp bật máu lần nữa tại chỗ này.
“Ngày đó cũng tới. Em nhớ mãi cái lần mình thu nắm đấm về rồi tung một cú hết cỡ vào mạn sườn đứa to con nhất. Nhìn nó ngã gục em hả dạ lắm. Nhưng em cũng sợ kinh khủng. Em gồng cứng người, làm bộ ngạo nghễ đứng nhìn nó nằm trên đất. Nếu thấy em run nó sẽ đánh tiếp và chắc chắn lần này em sẽ thua.”
Nhưng thật bất ngờ khi kẻ bại trận trong cơn thẹn đã co giò bỏ chạy, để lại lũ trẻ ngơ ngác phủ phục dưới chân tân vô địch.
“Chúng tôn em làm vua.” Tâm thở ra một hơi khói dài. Từ đó không ai bắt nạt cậu nữa.
Bấy giờ cũng đến lúc chúng tôi kết thúc bữa ăn để chuyển sang phần uống. Tâm mời tôi về nhà để đích thân pha nước. Vợ Tâm là một phụ nữ đẹp và khó đoán tuổi, cô đón chúng tôi bằng nụ cười niềm nở rồi xin phép cáo lui cho chồng tiếp khách.
Tôi nghĩ ngợi đủ thứ trong lúc đợi Tâm xuống bếp, lúc cậu mang nước lên, mọi suy nghĩ đều dừng lại và chuyển thành cái thở dài. Bấy giờ Tâm đã cởi áo khoác, chiếc áo thun ngắn tay để lộ những vết thẹo nằm ngả nghiêng như những con rết trên hai cánh tay.
Tâm đặt nước xuống trước mặt tôi rồi ngồi xuống chiếc sofa bên cạnh.
“Em sẽ kể tiếp nhưng mình nâng ly cái nhỉ! Gin tonic em pha ai cũng khen.”
Tôi nghiêng ly gin tonic của mình chạm vào ly của cậu rồi nhấp môi. Đúng là thức uống bõ công chờ đợi. Hương chanh ẩn hiện không át đi vị đặc trưng của rượu gin, đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Chúng tôi nhấp môi chậm rãi theo câu chuyện.
“Chúng gọi em là Vua Thẹo,” Cậu vừa nói vừa hướng mắt xuống chỗ thẹo nằm rải rác trên cánh tay. “Nghe vừa oai vừa đáng sợ phải không anh? Nhưng em không thấy mình đáng sợ. Em mới phải sống trong sợ hãi. Em sợ một lần nữa sự yếu đuối bị đánh hơi ra và ép xuống đáy. Lúc nào em cũng phải giả vờ cứng rắn, gan lì mới được yên thân với chúng.”
Tâm luôn gồng cứng người khi đứng trước bọn trẻ. Chỉ khi còn lại một mình hoặc về trong vòng tay chị gái, toàn thân cậu mới run lên và cho phép những vết thương ngứa rát. Cậu sống trong tâm thế dè chừng đó cho đến ngày cả nhà dọn ra khỏi xóm lao động. Chị gái kiếm được việc làm ổn định. Tâm bước khỏi ngai vua để lên cấp ba. Những bước ngoặt đồng thời diễn ra như một trang mới.
“Lần đầu tiên em thấy cuộc sống bình yên đó anh Hải,” Tâm nhìn thẳng vào mắt tôi. “Lúc đó chúng em mới có thời gian đau lòng vì những chuyện đã qua, mới biết mỗi người trong nhà đều trải qua cuộc chiến riêng và thấy biết ơn vì không ai bỏ cuộc.”
Thoát khỏi thế giới bạo lực, Tâm bắt đầu học ngày đêm để bù vào khoảng thời gian bị mất. Những vết thẹo thỉnh thoảng nhói đau, đốc thúc cậu chăm chỉ hơn. Không lâu sau Tâm được chị gái mua cho chiếc máy tính mới.
“Mua đồ cũ cũng ổn nhưng em xứng đáng có một khởi đầu mới.” Chị nói.
Sau này Tâm mới biết dù công việc ổn định nhưng để có khoản dành dụm đó chị phải hết sức dè sẻn, chỉ uống nước tại chỗ làm và từ chối rất nhiều bữa ăn cùng đồng nghiệp. Phần sandwich kẹp mà chị chuẩn bị cho Tâm luôn được cắt đôi vì chị lấy đi một mẩu nhỏ chính giữa miếng sandwich làm bữa sáng cho chính mình. Phải gần đến lúc Tâm hoàn thành chương trình đại học gia đình mới ổn định về kinh tế, hai chị em mới sẻ được chút thời gian dạo bên bờ biển nói về dự định tương lai. Tâm say mê dữ liệu máy tính và quyết định làm việc trong lĩnh vực này. Chị gái muốn gác lại mọi khổ nhọc để kết hôn và trở thành bà nội trợ. Hoàng hôn ánh trong mắt khi chị bày tỏ niềm yêu thích với mùi thức ăn được xào nấu, mùi những bông hoa mới cắm và những góc nhà gọn ghẽ.
Song khoảng thời gian kết hôn của chị chỉ kéo dài một năm. Chị đơn độc trở về ngồi thu mình như đứa trẻ trong bụng mẹ với những vết bầm tím chạy khắp người. Không lần nào say xỉn mà chồng để chị yên. Gã đánh vào tất cả những nơi chị không kịp che. Lúc tỉnh trí gã sẽ để chị thư nhàn cắm hoa, đọc sách, nấu ăn, rồi mọi thứ lặp lại khi hơi men ngấm vào. Li hôn thì nhanh nhưng sự đeo bám từ gã lại như ngàn con đỉa hút cạn máu chị nhiều năm kế tiếp.
Chị tìm một căn hộ chung cư kín đáo và sống một mình, không dám ở cùng cha mẹ vì sợ người nhà ngày ngày nhìn thấy những dấu vết còn lại trên người. Nhưng quá khứ không ngủ yên. Chồng cũ bằng cách nào đó vẫn tìm ra chị và thường xuyên đến níu kéo bằng lời lẽ lẫn tay chân. Nhiều lần Tâm cùng chị đối chất với gã nhưng hễ say là mọi lời hứa hẹn đều bị quên sạch. Một đêm bình thường như mọi đêm, gia đình Tâm nhận được cú điện xé toạc bức màn yên tĩnh. Bên kia đầu dây, gã chồng cũ nói chị đã nhảy khỏi ban công chung cư.
“Chưa bao giờ chị nằm yên như vậy. Em cứ đứng lên ngồi xuống, chạm vào chị, lay chị, nhưng cơ thể chị không phản ứng lại. Chị nằm như một pho tượng trên đất. Cổ cứng ngắc tới nỗi em không thể dụi đầu chị vào lòng mình.”
Không một ai trong nhà tin điều vừa xảy ra. Họ biết kẻ đứng sau tất cả nhưng cũng biết phía sau khuôn mặt gã đàn ông lạnh băng kia là một thế lực đủ lớn để che đi bầu trời trên đầu họ. Cuộc chiến càng khó khăn hơn bao giờ.
“Em xin lỗi nếu có lời nào động chạm đến chuyện anh đã trải qua mà em vô tình không biết, nhưng em phải nói điều này. Cơn đau khi nhìn ruột thịt chết đi, nó nhân một trăm lần khi thấy thân thể đó bị cạo trọc, mổ năm xẻ bảy để khám nghiệm. Hình ảnh đó, cộng với tiếng hét của mẹ…”
Tất cả để đổi lại kết luận rằng chị gái của Tâm mộng du tự té khỏi ban công. Những vết bầm chi chít, những vết thương chí mạng mãi mãi không bị vạch trần. Cảnh sát ra ra vào vào căn hộ, xới tung từng ngóc ngách để che đi chứng cứ về trận bạo hành ngay trước khi chị qua đời, cả nhà đều hiểu nhưng lời không vọng đến tai ai. Ba người đập cửa từng cơ quan thẩm quyền, trình ra mọi chứng cứ nhỏ nhất hòng đòi lại sự tự do vĩnh viễn cho chị. Những cái gật đầu, lắc đầu họ đều nhận được, duy có quyết định khởi tố là nằm yên trong vùng đất câm lặng. Gia đình đành mang câu chuyện lên mạng xã hội, in thành băng rôn diễu hành trên phố. Ban đầu họ nhận được vài tiếng nói và sự tiếp sức từ cộng đồng. Song chỉ sau một thời gian tất cả lắng xuống như mọi tin tức khác. Nhiều lần cả nhà bị trấn áp trên phố bởi những người mặc đồng phục đáng lẽ phải bảo vệ họ.
“Cha mẹ gầy sọp đi sau vài tháng. Một người đàn ông trưởng thành như em chỉ ngót nghét năm mươi cân. Chúng em đi khắp phố, liên tục chạy khỏi sự trấn áp. Nhiều lần đang đi làm, em nhận được điện thoại vọng lên tiếng mẹ thút thít nói lại vừa bị xua đuổi, đe dọa.”
Chúng tôi hút hết một lượt thuốc. Vết thẹo giữa ngực Tâm giờ đây hiện lên rất rõ.
“Mẹ ngã xuống đầu tiên. Cha mất đi con gái, mất vợ, cộng thêm chuỗi ngày dài tranh đấu nên chỉ như cái xác khô. Vậy mà cha không nghỉ. Trước khi đến lượt mình ngã xuống, cha nắm tay em, nói với em mấy lời: Có thể chuyện mình làm không có ý nghĩa gì. Nhưng cha mẹ không biết làm gì khác. Phải có cách nào đó cho chị con yên lòng. Nó là đứa con gái đẹp nhất đời. Cha mẹ đã hết lực nhưng cha tin con sẽ biết cách. Hãy tìm ra cách của con để làm cái gì đó xứng đáng.”
Chưa đầy một tháng sau, cha cậu cũng xuôi tay. Một nhà bốn người còn lại mình cậu trên thế gian. Những điều tàn khốc tựa chiến tranh hóa ra có thể diễn tiến hết sức lặng thầm. Từ đó Tâm không còn đi diễu hành hay đăng tải thêm gì trên mạng xã hội. Cậu lặng lẽ làm việc và liên tục được khen thưởng, thậm chí thăng chức. Một ngày nhìn vào bảng lương, đột nhiên Tâm như nhìn thấu.
“Tất thảy tiền thuế chúng em đóng chỉ đổi lại sự im lặng và khước từ. Em hiểu rồi, anh Hải,” Giọng Tâm thấp như thì thầm một bí mật. “Công lí không thể ban cho tất cả, nhưng em có quyền lựa chọn đóng thuế cho ai.”
Cái cậu muốn nói không chỉ là vài phần trăm thuế thu nhập. Với xuất phát điểm từ số 0, gia đình Tâm đã gồng mình qua bao cuộc chiến để được sống, làm việc, hoàn thành nghĩa vụ công dân nhưng khi khẩn xin một chút nghĩa vụ ngược lại, họ bị gạt phăng vì những kẻ đóng khoản thuế lớn hơn.
Tâm biết mình không thể tiếp tục phụng sự cho chốn này bằng nỗi thống khổ hằn trong tim. Dù cấp trên đề nghị mức lương hấp dẫn hơn và ca ngợi cậu là nhân tố thiết yếu, Tâm vẫn quyết chí rời đi. Từng có thời cậu gồng mình làm vua trong vương quốc bé nhỏ, bấy giờ lại dốc sức cống hiến cho thế giới của người trưởng thành. Nhưng thế giới đó đã để mất Tâm.
Sau khi thôi việc, Tâm dành thời gian gặp gỡ nhiều người để tìm phương hướng rời đi chính đáng. Số phận run rủi cho Tâm gặp người vợ tương lai trong một nhóm bạn ngoại quốc. Cô mang gương mặt vô tư đầy kì vọng, mang giấc mơ đi khắp năm châu bốn bể, vừa gặp Tâm cô đã ríu rít kể về cuộc sống quê nhà.
“Mắt môi cô ấy đều tràn đầy sự vui vẻ. Sao lại có người như vậy? Em nghĩ mãi và đoán chắc cô ấy đến từ một nơi đầy hi vọng,” Ánh mắt Tâm dịu lại khi nói về vợ mình. “Đó là lúc em có suy nghĩ kết hôn với cô ấy và rời đi mãi mãi.”
Hơn cả tình yêu, Tâm nói về vợ với đầy lòng biết ơn khi cô đồng ý rất nhanh trước đề nghị kết hôn. Cô chọn cho cậu một cái tên tiếng Việt với lời hứa: “Để em bảo vệ một chút còn lại của anh.”
Họ cùng nhau rời đi không ngoái đầu, mang theo những mảnh vụn của một thế giới tan vỡ. Tâm thú nhận mình vẫn nhớ những gì đã có ở quê nhà. Đó là nơi cậu được trui rèn, lớn khôn, trưởng thành và mất mát. Đó là nơi mà trong một thoáng cậu đứng trên cao rồi sau cùng nhận ra thế giới quá khổng lồ để một tay ôm hết những dấu yêu. Tâm cất lại tiếng mẹ đẻ, bắt đầu miệt mài học ngôn ngữ mới hệt như những ngày luyện tập mệt nhoài trên bờ biển.
“Rất tiếc phải thừa nhận em đã từ bỏ việc đòi công lí cho chị. Cái em giữ lại được là tinh thần của chị, bóng hình của chị, của cha mẹ. Những điều gia đình đã dạy sẽ tiếp tục sống cùng em.”
Chúng tôi ngồi im lặng khá lâu sau khi câu chuyện kết thúc. Liệu nó đã thực sự kết thúc? Tôi lặng lẽ quan sát một lượt, cảm thấy cuộc sống của Tâm hiện giờ thật yên bình biết mấy. Phải chăng đây mới là lúc cậu có thời gian để đau lòng vì những chuyện đã qua?
“Anh Hải, em nói này,” Tâm lên tiếng phá vỡ sự im lặng. “Chắc anh ngạc nhiên lắm khi nghe chuyện. Nhưng em biết mình có thể kể cho anh. Em tin ở anh và hi vọng niềm tin đó được nhân thêm.”
“Cho anh hỏi em tin gì ở anh.”
“Nhớ lúc chiều em nói chắc anh phải yêu phụ nữ khủng khiếp không, anh Hải? Trong một thế giới mà ai cũng ngấm ngầm muốn làm kẻ mạnh giẫm trên người khác, em có cách để nhận ra và tin vào những người dám hành xử dịu dàng. Một người như anh.”
Một người như tôi không biết trả lời sao trước niềm tin của Tâm. Cá thể tôi bình thường bỗng lấp lánh trong ánh mắt kiên định sâu thẳm của cậu. Có lẽ Tâm nói đúng. Mọi sự dịu dàng đều xuất phát từ trái tim dũng cảm. Trước những cuộc chiến trầy da tróc vảy, gia đình Tâm vẫn mạnh dạn dùng sự dịu dàng bảo bọc nhau đến hơi thở cuối cùng. Nhớ lại thì cha mẹ tôi cũng chưa một lần dằn mâm xán chén. Hẳn là trong những giờ phút vơi bớt mến thương, họ vẫn mạnh mẽ mở lòng đón nhận nhau. Và tôi, kẻ bình thường trong mọi chuyện, cũng đã từng dốc hết can đảm xoay xở với hàng trăm cảm xúc để tránh làm tổn thương một ai.
Tôi không biết vị vua nhỏ bé đang ôm đầy thẹo trước mặt mình làm cách nào để giữ nguyên lòng dũng cảm trong trái tim tã nát, để đặt hết sự dịu dàng lên bạn đời, lên tôi, lên những gương mặt xa lạ va chạm thường ngày. Nhưng tôi biết giờ đây cậu dám tin vào thế giới mình đang sống. Đâu đó trong thế giới này vẫn có kẻ vỗ ngực xưng vương, dùng bàn tay khổng lồ bẻ cong sự thật, dùng lời nói cay nghiệt xuyên thẳng tâm can người khác. Điều Tâm làm là không ngừng tìm kiếm những người như tôi. Chúng tôi, như lời cậu nói, cần dõi theo nhau và đem niềm tin ấy nhân lên với hi vọng trong lòng mỗi người không chất thêm những vết thẹo chờ được bôi mờ.
Lương Khả Tú | Báo Văn nghệ
-----------
Bài viết cùng chuyên mục: