Một nửa
nửa miệng cười
trống vắng hiện những bóng dáng thân yêu
những bóng dáng xa lạ
trò chuyện không lời
tôi gặp má tôi
từ cõi âm Người trở về yêu thương tôi như
hồi nào
số phận đã chia lìa hai mẹ con
trong ánh mờ
tôi yêu những giấc mơ
một nửa
cảm ơn đêm tối
vị thần dịu dàng đã cho kẻ bần cùng nhất
nửa giấc mơ.
Lời bình của Hà Huy Hoàng
Thanh Thảo là một nhà thơ tên tuổi của thi đàn Việt Nam. Thơ ông là thơ của một người luôn trăn trở trong sự tìm tòi, sáng tạo và đổi mới không ngừng.
Càng về sau thơ của Thanh Thảo càng hàm xúc, tinh tế và đa nghĩa đa tầng. Đọc thơ ông, ta thấy con chữ thì gần gũi, trong veo mà nghĩa của nó cứ như sau lớp sương mờ. Vén màn sương lên, ta lờ mờ cảm được ý trên thì câu thơ dưới dường như phản biện ta tức khắc. Không phải Thanh Thảo cố tình làm khó ta. Mà cái chính là tại ta, phần đông, vì nhiều lý do, tư duy ta không “phẫu thuật” trọn vẹn tư tưởng của người thi sĩ tài hoa này.
Bởi thế, cảm được thơ Thanh Thảo cho thấu đáo không bao giờ là việc dễ dàng.
Tuy nhiên, khi viết về người mẹ yêu thương của mình, ông vẫn dành cho bạn đọc ít nhiều khoảng trống. Chính cái khoảng trống này ta mới có thể thâm nhập vào bài thơ một cách... dễ thở. Xin lỗi, tôi chỉ nói dễ thở chứ không bao giờ bảo là “thở dễ” đâu ạ.
Vâng, Một nửa chính là bài thơ như thế!
“nửa miệng cười
trống vắng hiện lên những bóng dáng thân yêu những bóng dáng xa lạ
trò chuyện không lời
tôi gặp má tôi
từ cõi âm Người trở về yêu thương tôi như hồi nào
số phận đã chia lìa hai mẹ con”
Má ơi, kể từ khi “số phận đã chia lìa hai mẹ con”, má có biết không, nụ cười của con giờ đây không còn nguyên vẹn nữa, mà nó chỉ còn “nửa miệng cười” thôi, thưa má.
Đêm đêm, trong giấc mơ con, bên cạnh bao “bóng dáng xa lạ” là những bóng dáng thân yêu của con vẫn lặng lẽ đi về. Con gặp nội, gặp ngoại, và được gặp má nữa, má ơi!
Má từ cõi âm trở về, má dang rộng vòng tay để ôm con như hồi nào con còn thơ dại.
Làm sao con quên được ngày xưa, ba thường hay phàn nàn “con hư tại mẹ”. Má không bao giờ tranh luận hay giận hờn, chỉ âm thầm vun quén tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con. Hột nút áo con rơi má vội vàng đơm lại, chiếc dép con sút quai má lụi hụi giúp con. Lắm khi trái gió trở trời, con ho hen mình mẩy nóng ran má không sao chợp mắt. Mỗi khi có ai biếu miếng ngon trái ngọt má đều cắc ca cắc củm phần con...
“trong ánh mờ
tôi yêu những giấc mơ
một nửa
cảm ơn đêm tối
vị thần dịu dàng đã cho kẻ bần cùng nhất
nửa giấc mơ”
Má ạ, ban ngày thì bởi ồn ào lẫn bao nhiêu là việc, nên con nào có được gặp má đâu. Chỉ có ban đêm là nửa múi giờ của hai mươi bốn tiếng, là giấc ngủ đằm sâu. Và trong mơ con mới được gặp má, má à. Sau mỗi lần được gặp má, con thầm cảm ơn đêm tối. Bởi chỉ có đêm tối con mới có cơ hội được gặp má của con.
Má của con ơi, kể từ khi má đi về miền mây trắng, con bơ vơ thể kẻ bần cùng. Mất má, con đã mất đi tất cả. Má còn, con là tỉ phú, má mất rồi con hóa kẻ trắng tay.
Nhưng thật may mắn cho con biết bao, vị thần “dịu dàng” của đêm tối, đã cảm thấu lòng con, nên người luôn cho con hằng đêm được gặp má. Con biết ơn vị thần ấy biết nhường nào.
“cảm ơn đêm tối
vị thần linh dịu dàng đã cho kẻ bần cùng nhất
nửa giấc mơ”
Ta nên lưu ý, ở câu thơ cuối cùng của bài thơ này có ba âm tiết, đó là “nửa giấc mơ”. Nửa giấc mơ là sao? Vì sao lại nửa giấc mơ? Phải chăng với Thanh Thảo, nhà thơ mặc định, khi mẹ ta còn trên cõi đời này thì ta sẽ có một giấc mơ tròn đầy, nguyên vẹn. Thế nhưng, lỡ “số phận đã chia lìa hai mẹ con” rồi, thì giờ đây, giấc mơ của ta chỉ còn lại một nửa mà thôi?
Tôi tin, bắt đầu từ cái tiêu đề bài thơ là Một nửa, tiếp đến câu thơ thứ nhất “nửa miệng cười”, câu thứ chín lại “một nửa”, và cho đến câu kết của bài thơ vẫn là “nửa giấc mơ”. Tất cả, tất cả đều mang một hàm nghĩa không - nguyên - vẹn khi người mẹ yêu thương của chúng ta không còn hiện hữu trên cõi đời này nữa!
Nguồn Văn nghệ số 23/2023