Diễn đàn lý luận

Một thi sĩ - nghệ sĩ phản chiến miền Trung

Chân dung văn học
08:26 | 17/07/2021
Vào một buổi chiều của năm 1970, anh Đoàn Đại Oanh chạy chiếc honda đam cũ chở theo người thanh niên đến chỗ tôi ở số 2A đường Hải Thượng, thành phố Đà Lạt (lúc ấy thuộc tỉnh Tuyên Đức). Sau khi Oanh giới thiệu đôi bên và gợi ý cho anh ta lưu trú lại đây, nhìn diện mạo người thanh niên vui vẻ dáng thư sinh hiền lành nhưng ẩn chứa nét phong trần rắn rỏi, lại tin tưởng chỗ anh bạn Đoàn Đại Oanh đưa đến, không một chút do dự tôi đồng ý ngay. Vậy là tôi kết bạn với thi sĩ Lê Văn Ngăn từ hôm đó
aa

Nhà thơ Lê Văn Ngăn (1944 – 2015), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác giả các tập thơ: Trên đồng bằng (1972), Vào một thời im bóng (1974), Viết dưới bóng quê nhà (2008), Thơ Lê Văn Ngăn (2015), Giữa khi mưa lưu hoàng đổ (2019). Có nhiều thơ đăng trên các tạp chí đối lập với chính quyền Sài Gòn cũ, như: Ðất Nước, Ðối Diện, Trình Bày, Tự Quyết... cùng một số tập san phản chiến của các trường đại học miền Nam trước 1975. Giải thưởng THƠ báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam 1991.

Vào một buổi chiều của năm 1970, anh Đoàn Đại Oanh chạy chiếc honda đam cũ chở theo người thanh niên đến chỗ tôi ở số 2A đường Hải Thượng, thành phố Đà Lạt (lúc ấy thuộc tỉnh Tuyên Đức). Sau khi Oanh giới thiệu đôi bên và gợi ý cho anh ta lưu trú lại đây, nhìn diện mạo người thanh niên vui vẻ dáng thư sinh hiền lành nhưng ẩn chứa nét phong trần rắn rỏi, lại tin tưởng chỗ anh bạn Đoàn Đại Oanh đưa đến, không một chút do dự tôi đồng ý ngay. Vậy là tôi kết bạn với thi sĩ Lê Văn Ngăn từ hôm đó.

Phòng trọ 2A nơi đầu đường Hải Thượng gia đình thuê cho tôi và cô em út dưới Phú Yên lên trọ học. Tôi học trường Đại học Văn khoa còn người em học ở Trung học bán công Quang Trung. Giờ có thêm anh Lê Văn Ngăn nữa nên gian phòng chưa tới 15mét vuông, nếp sinh hoạt trở nên rộn rã.

Từ ngày anh đến ở chung phòng tôi không bao giờ vắng khách. Lúc thì người em ruột Lê Văn Kịch lặn lội từ quê nhà lên thăm trước khi bị bắt lính đẩy ra chiến trận và chết sau đó không lâu, khi thì em ruột nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ Sài Gòn đánh xe lên nhờ Lê Văn Ngăn tìm giúp ông anh (vì bấy giờ nhạc sĩ đang ẩn ở Đà Lạt), lúc lại Nguyễn Lệ Tuân của tạp chí Ý Thức (Nam miền Trung) lên ghé qua đêm; rồi anh Ngô Thế Lý - Chủ tịch Sinh viên Phật tử Đà Lạt tới đặt bài viết cho tập san Tin Tưởng. Đôi khi thêm những bạn sinh viên đam mê văn nghệ, báo chí, như: Trần Xuân Phong, Đỗ Văn Nghĩa, Lê Văn Nhất, Phạm Được, Lê Kim Ngữ, Phạm Thùy Nhân, Lê Quốc Hùng, Nguyễn Thị Kim Liên… đến bàn bạc rôm rả chuyện sinh hoạt văn nghệ, báo chí từ trong trường đại học ra ngoài cuộc sống; có khi anh Trần Hữu Lục dạy ở nữ trung học Bùi Thị Xuân, anh Nguyễn Diệp dạy ở trung học Trần Hưng Đạo đưa vài anh em đồng hương Huế đến gặp. Thi thoảng anh Nguyễn Nguyên Phương mang rượu đến chuyện trò văn chương nghệ thuật, triết học đông tây kim cổ quên cả giờ giấc; và nhiều anh chị em văn nghệ sĩ đó đây biết anh Ngăn đang ở thành phố cao nguyên này cũng tìm lên thăm chơi, bù khú.

Thời gian này chúng tôi đều khó khăn, anh Ngăn biết hoàn cảnh vậy nên cùng chia sẻ đạm bạc với nhau. Hàng ngày mãn việc trở về, trong khi chờ em gái tôi làm cơm anh thường vơ cây guitar gỗ trên tường, lúc không có đàn thì lấy chén, muỗng, đũa làm bộ gõ hát chầu văn, rồi ngâm thơ, có khi cao hứng hát luôn những bài trong tập “Hát cho dân tôi nghe”, “Hát cho đồng bào tôi nghe” của phong trào sinh viên tranh đấu, khi thì hát nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh, nhạc Tôn Thất Lập làm cho những người có mặt cũng bị cuốn theo. Công tâm mà nói, anh hát quá hay! Bạn tôi, anh Đặng Thái Vân quê Tuy Hòa, sinh viên ban Sử Địa đại học Đà Lạt (sau này giữ Trưởng khoa Xã hội trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên) xin tôn anh Ngăn làm sư phụ để theo học hát nhưng không thành. Đến tận bây giờ hơn nửa thế kỷ trôi qua tôi được nghe nhiều người thể hiện ca khúc “Thuyền em đi trong đêm” của nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên, nhưng chưa thấy ai vượt qua giọng hát của Lê Văn Ngăn hồi ấy.

Còn về thơ thì giọng anh ngâm tuyệt vời. Những bài như: Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Tây Tiến của Quang Dũng, Tống biệt hành của Thâm Tâm, Hồ Trường của Nguyễn Bá Trạc, Nhà tôi của Yên Thao, Màu tím hoa sim của Hữu Loan cùng vô số bài thơ khác nữa, hầu như anh chinh phục người nghe một cách tuyệt đối! Có lần vợ chồng nhà văn Thái Lãng và nữ họa sĩ Cẩm Quỳ chỗ trường nữ Trung học Bùi Thị Xuân mời đến nhà dự tiệc, khi tới cao trào thơ phú, thi sĩ họ Lê cất giọng trình bày luôn mấy bài liền, cuộc tiệc nghe anh ngâm ai nấy đều rợn người. Rượu uống theo không khí điệu thơ quá cảm giác, anh dằn cốc men vỗ mạnh xuống bàn, cốc vỡ mẻ chém làm tay bị thương mà không hay mãi khuya về mới thấy đau nhức. Riêng thơ anh sáng tác, tác giả tự đọc rất có hồn. Tôi vô cùng mê thích khi anh ngâm đi ngâm lại mấy sáng tác của anh: Bằng tiếng thoảng qua; Những vẻ vô tăm, nhất là bài Bên hồ thủy ngữ, lúc anh thả điệu hành vân - lưu thủy tôi chỉ biết “đứng hình” ôm đầu nín lặng thưởng thức trọn vẹn bài thơ rồi thốt lên “quá đã!”. Nhờ cạnh nhau nghe thơ anh nhiều lần nên tôi thuộc luôn mấy bài này. Ở Phú Yên hồi ấy cũng có những giọng ngâm thơ hay, kỹ thuật điêu luyện, như: Phạm Cao Hoàng, anh em nhà Nguyễn Đình Quảng; sau này có Ngọc Hà, Vân Phi và một vài nghệ sĩ chuyên nghiệp; nhưng ngâm để người nghe sướng rân phải thốt lên “quá đã” thì chưa. Chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết đã từng nổi da gà khi nghe Lê Văn Ngăn đọc thơ trong một chiều mưa ở Đà Lạt.

Lớn hơn 5 tuổi, anh coi tôi như người em, đi đâu cũng rủ. Nhiều khi chủ nhật trời mưa, chúng tôi đội chung tấm áo choàng che mưa leo dốc đến quầy cà phê bình dân chị Sáu Đô-mi-nô sau khu Hòa Bình nhâm nhi trò chuyện, đánh cờ. Khoản cà phê cũng khó ai vượt qua anh. Ngày có thể uống 5 - 7 cữ ở chỗ này đến chỗ khác. Một hôm viên sĩ quan chỉ huy trưởng Quân tiếp vụ Vùng 2 chiến thuật Miền Trung và Cao nguyên (Quân đội Sài Gòn) xuống thanh tra đột xuất thấy vắng Lê Văn Ngăn không lý do, liền lệnh tìm kỳ được tới trình diện. Đơn vị cử người lùng kiếm khắp các nơi, sau gần 2 giờ mới phát hiện anh tại một quán cà phê tận dưới khu hồ Than Thở. Do xứ lạnh nên anh thường khoác áo phi-đa-két bên ngoài che chắn bộ quân phục xốc xếch bên trong. Bị kiểm tra đột xuất lộ ra áo không bảng tên, thiếu nút; quần đứt mốc-sơ. Trời ạ! Anh dùng cà-ra-vát của tôi luồn qua đai buộc thay thắt lưng quần lính. Lần ấy bị thượng cấp kỷ luật ký “củ” nhưng anh vẫn tỉnh bơ, không hề hấn gì. Bởi anh cho quân phục lúc ấy là bộ đồ trâu bò ô nhục chẳng danh giá đẹp đẽ gì mà chăm chút! Hôm nào hết tiền cà phê ngồi ở phòng trọ trông ra bầu trời nghe anh kể chuyện quê nhà, về gia đình, về bạn bè, về tình yêu, về nếp sinh hoạt địa phương..., tôi thấy thêm anh Ngăn ngoài tài hát và ngâm thơ hay, giờ kể chuyện cũng hay, rất sinh động. Chỉ mỗi chuyện đốt đồng vào chiều tà sau vụ gặt ở miền quê thời niên thiếu của anh mà khói đốt đồng ấy như còn bảng lảng đâu đây vương qua lòng tôi. Rồi chuyện các món ăn quê hương, như: cơm hến, bún bò... Anh kể trong lúc cạn gạo, cạn tiền chợ làm cho các hạch nước miếng không kềm chế được. Nhưng rồi món nào về sau anh cũng tìm cách cho tôi “thực hành”. Đó là hôm hai anh em bám xe đò về Bảo Lộc xuống thăm vợ chồng nhà văn Ngụy Ngữ. Chẳng biết anh Ngăn có thầm thì gì không mà anh chị Ngụy Ngữ nhiệt tình mời trưa quay lại dùng bữa cơm hến với gia đình. Rồi anh đưa tôi tới thăm nhà văn Nguyễn Đức Sơn (còn có bút hiệu thơ Sao Trên Rừng xuất hiện đầu thập niên 60 thế kỷ trước). Nguyễn Đức Sơn mở quán cơm chay tại nhà. Quán cơm chay được quảng cáo trên vài tạp chí lúc ấy, nhưng rồi thực khách hầu hết là mấy người thân quen và số học sinh trường trung cấp Nông Lâm Súc gần đó yêu quý nhà văn bằng đồng tiền học trò nghèo nên... cũng ế ẩm! Hôm đến nhằm chủ nhật vắng vẻ, anh Sơn cử vợ là chị Phượng xuống Nhà xuất bản An Tiêm (Sài Gòn) lấy nhuận bút cuốn truyện “Cái Chuồng Khỉ” của anh để về đắp qua quán cơm chay. Gặp lại thi sĩ Lê Văn Ngăn anh Sơn mừng lắm. Anh vừa ru nôi đứa con đỏ hỏn chừng vài tháng đang khát sữa khóc vừa phập phồng tiếp chúng tôi nơi góc khuất của quán. Hóa ra đối diện bên kia đường là đồn quân cảnh mà nhà văn Nguyễn Đức Sơn thì đang trốn lính. Trưa hôm ấy quay lại nhà Ngụy Ngữ dùng bữa cơm hến rất đúng kiểu Huế nhưng các anh đều thở dài cho tình cảnh Nguyễn Đức Sơn.

Rồi có lần nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, dịch giả Bửu Ý, ca sĩ Hà Thanh lên Đà Lạt chơi, rủ ăn bún bò Huế. Anh Ngăn làm hướng dẫn viên đưa nhau lên tận cây số 4 tìm cho được quán bún Huế nguyên mẫu của đất thần kinh mang vào. Từ miếng thịt, sợi bún, độ nóng nước lèo đến rau, ruốc, ớt cùng các gia vị khác. Biết tôi dân xứ “nẫu” có thể chưa sành món ẩm thực này nhiều, anh bày tôi phải bưng tô dùng đũa lua, ớt sừng xanh tươi sắp chín nguyên trái cầm cắn. Nhờ vậy sau này có việc tôi qua sống trong ấp Ánh Sáng (khu người Huế ở thông ra bến xe bờ hồ Xuân Hương) rất mau “hội nhập”. Thỉnh thoảng anh nhờ em tôi giặt giũ quần áo, ngược lại anh giúp cô nhỏ giải các bài toán khó của trường đem về một cách rạch ròi thấu đáo. Hỏi ra mới biết thi sĩ từng là học sinh ban B trường danh tiếng Quốc Học, đỗ Tú tài toàn phần ban Toán Lý. Anh cũng siêng mượn sách về đọc. Chỗ anh nằm thường có mấy quyển nguyên tác Pháp văn, như Nhật ký Anna Frank, Bác sĩ Jivago...

Trong sáng tác tôi thấy anh thích nghi mọi điều kiện. Có cảm xúc là viết ngay. Ở nhà thì ngồi vào bàn, trong quán anh kê sổ tay tại góc bàn nước, đi dã ngoại ngoài trời anh đặt giấy lên đùi ghi chép. Có khi viết đầy trang giấy đọc qua thấy chưa ưng ý anh vò lọn ném vào thùng rác, đoạn lấy tờ khác viết mới. Thời gian sau chợt nhớ điều gì anh đi mò tìm sục sạo trong sọt rác tờ bị vò nhàu hôm trước ra vuốt thẳng thớm trầm ngâm đọc lại, gật gù... Nhớ lần anh bảo tôi, anh em mình có cùng địa chỉ ở đây, cậu đưa bài cho tôi bỏ chung phong bì gửi vào tòa soạn Trình Bày* đỡ tốn thêm lần tem thư. Đợt ấy bài hai anh em đều được đăng sớm. Vui lắm!

Mấy năm sau tôi vội vã xa Đà Lạt. Từ ấy không gặp lại anh. Mãi đến đầu thập niên những năm 90 thế kỷ trước, anh Đào Viết Bửu - hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bình Định vào Phú Yên tìm trao tận tay tôi bức thư anh Lê Văn Ngăn và căn dặn phải chụp tấm hình tôi mang về cho anh thấy mới tin Nguyễn Tường Văn còn sống! Đọc xong bức thư, tôi đứng để Bửu chụp ảnh mang đi mà lòng bàng hoàng bởi mấy lời sâu đậm nghĩa tình anh nhắn gửi.

Lần sau cùng trước khi mất, nghe tin anh bạo bệnh khó qua khỏi, tôi ra Quy Nhơn đến Bệnh viện đa khoa Bình Định thăm anh. Trên giường bệnh nhận ra tôi, mừng quá anh gượng ngồi, anh em ôm nhau nửa mừng nửa tủi. Vẫn nụ cười thi sĩ - nghệ sĩ trên gương mặt ngày xưa, nhưng đôi mắt “nghìn khơi không đổi hướng” đã ngấn lệ. Tôi lặng lẽ nhìn về hướng đông thành phố thầm nói như mộng du: “Sóng vẫn đập vào eo biển”** anh Ngăn ơi!

_____

*Tên tạp chí đối lập chính quyền Sài Gòn thi sĩ Lê Văn Ngăn thường cộng tác.

**Bài thơ tiêu biểu của Lê Văn Ngăn phát sóng nhiều lần trên Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng trước 1975. Về sau được chọn đăng vào các tuyển thơ quốc gia.

Nguồn Văn nghệ số 29/2021


Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...